Trang chủ    Bài nổi bật    Khai giảng lớp dự nguồn cán bộ cao cấp khóa III
Thứ năm, 20 Tháng 2 2014 14:32
3347 Lượt xem

Khai giảng lớp dự nguồn cán bộ cao cấp khóa III

(LLCT)– Ngày 07-1-2014, tại Hà Nội, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Lẽ khai giảng lớp dự nguồn cán bộ cao cấp khóa III. Đồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo lớp học dự và phát biểu chỉ đạo. Tạp chí Lý luận Chính trị trân trọng giới thiệu bài phát biểu của Đồng chí Tô Huy Rứa tại Lễ Khai giảng.

 

Thưa các đồng chí đại biểu !

 

Thưa các đồng chí học viên !

Hôm nay, trong không khí của những ngày đầu năm năm mới 2014 và chuẩn bị đón mừng Xuân Giáp Ngọ, tôi rất vui mừng đến dự Lễ Khai giảng Lớp Bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cao cấp khóa III được tổ chức long trọng tại mái trường Đảng mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, chiếc nôi đào tạo, bồi dưỡng của nhiều thế hệ cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước ta.

Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, tôi nhiệt liệt chào mừng các đồng chí đại diện lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và Thành phố Hà Nội đã đến dự Lễ Khai giảng; nhiệt liệt chúc mừng 91 đồng chí học viên đã được Trung ương và các cấp ủy, tổ chức Đảng tin tưởng cử tham dự Lớp Bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cao cấp khóa III! Chúc các đồng chí dồi dào sức khỏe, hạnh phúc, hoàn thành một cách tốt nhất các mục tiêu, nhiệm vụ và yêu cầu của Lớp Bồi dưỡng.

Thưa các đồng chí !

Như chúng ta đều biết, mọi chế độ xã hội cũng như các giai cấp, đảng phái cầm quyền, vì lợi ích của họ, đều phải hết sức chăm lo xây dụng đội ngũ quan chức, nhất là đội ngũ chính khách. Trong lịch sử văn hiến hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam, cha ông chúng ta đã sớm sáng lập Quốc Tử Giám như trung tâm đào tạo những người hiền tài gánh vác đại sự quốc gia. Nhiều nhà tư tưởng, triết gia phương Đông cũng như phương Tây đã có tầm nhìn và nhận thức đúng đắn về vấn đề này. Tagor, một nhà thơ, một triết gia Ba La Môn nổi tiếng của Ấn Độ đã nói: "Đào luyện một người đàn ông, chúng ta được một người đàn ông. Đào luyện một phụ nữ, chúng ta được một gia đình. Đào luyện một thầy giáo, chúng ta được một thế hệ. Còn đào luyện một lãnh tụ, chúng ta được một quốc gia phát triển". Cũng vì lẽ đó, Môngtexkie, nhà Khai sáng của Pháp thế kỷ XVII viết: “Tôi sẽ là người sung sướng nhất đời nếu có cách gì làm cho người lãnh đạo tăng thêm được tri thức về những việc họ phải quản lý và làm cho người thừa hành thêm hứng thú khi họ chấp hành". Đến khi giai cấp vô sản bước lên vũ đài chính trị, lãnh tụ V.I.Lênin đã từng khẳng định: “Trong lịch sử, chưa hề có giai cấp nào giành được quyền thống trị, nếu nó không đào tạo ra được trong hàng ngũ của mình những lãnh tụ chính trị, những đại biểu tiền phong có đủ khả năng tổ chức và lãnh đạo phong trào”.

Ngay từ những năm đầu chuẩn bị thành lập Đảng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã mở lớp huấn luyện cán bộ cách mạng. Sinh thời, Người nhiều lần căn dặn:“Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém mà nên”, “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Vì vậy huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”.

Dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đã được tiến hành một cách chính quy, tập trung tại Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc ngay ở chiến khu Việt Bắc, trong hoàn cảnh kháng chiến và kiến quốc đầy gian khổ, khó khăn. Và từ đó, trong suốt các giai đoạn tiếp theo của sự nghiệp cách mạng, mái trường Đảng, nay là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, luôn luôn là chiếc nôi của lớp lớp cán bộ vừa “hồng”, vừa “chuyên” đã lãnh đạo nhân dân ta viết nên những trang sử hào hùng trong đấu tranh giành độc lập dân tộc và bảo vệ Tổ quốc trước kia; đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới hiện nay, đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, có uy tín và vị thế trên trường quốc tế.

Ngày nay, đất nước ta bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế với mục tiêu đến giữa thế kỷ XXI về cơ bản trở thành nước công nghiệp hóa theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Trên con đường này, chúng ta có nhiều thuận lợi, cơ hội; đồng thời, cũng khó không ít khó khăn, thách thức cả bên trong và bên ngoài, trong đó có những khó khăn, thách thức phức tạp, khó lường. Chúng ta hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ ở phía trước như thế nào, điều đó phụ thuộc rất lớn vào chất lượng nguồn nhân lực, trước hết là chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo cao cấp đang giữ các trọng trách ở các cơ quan, đoàn thể Trung ương và cấp ủy, chính quyền địa phương. Đội ngũ ấy phải là những tấm gương sáng về lập trường chính trị và đạo đức cách mạng; có tri thức hiện đại và trình độ lý luận cao; có tư duy và tầm nhìn chiến lược; có năng lực hoạt động thực tiễn và lãnh đạo, quản lý…

Để đào tạo được một người cán bộ như mong muốn, đòi hỏi chúng ta phải thật sự công phu, vừa đề cao công tác đào tạo cán bộ trong thực tiễn cũng như hết sức coi trọng việc mở các lớp đào tạo cơ bản và các lớp bồi dưỡng theo chức danh vì đây chính là những cơ hội quý giá để cán bộ trau dồi kiến thức cơ bản, bổ sung, cập nhật kiến thức mới về lý luận cũng như tổng hợp thực tiễn theo chuyên đề hay theo nội dung công việc của vị trí chức danh.

Vừa qua, tại Hội nghị Trung ương 6, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã thông qua Đề án quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2016-2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo; Bộ Chính trị đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án. Theo kế hoạch của Bộ Chính trị, các cấp uỷ, tổ chức đảng đã tiến hành phát hiện, giới thiệu nguồn quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương nhiệm kỳ 2016-2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo. Các đồng chí học viên của lớp học này chính là nguồn đã được các cấp uỷ, tổ chức đảng tín nhiệm, giới thiệu, đưa vào quy hoạch các chức danh lãnh đạo chủ chốt của các địa phương, ban, bộ, ngành ở Trung ương; là những chức danh cán bộ quan trọng trong hệ thống chính trị.

Tổ chức lớp bồi dưỡng chức danh cao cấp là nhiệm vụ quan trọng, vừa nhằm bổ sung kiến thức, năng lực quản lý để các đồng chí hoàn thành tốt nhiệm vụ hiện tại, vừa tạo điều kiện để các đồng chí chuẩn bị kiến thức, năng lực thực tiễn, đáp ứng được tiêu chuẩn và yêu cầu của chức danh quy hoạch. Các đồng chí học viên Lớp Bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cao cấp khóa III mà hôm nay chúng ta tổ chức khai giảng hoàn toàn có quyền tự hào chính đáng là đã được lựa chọn vào rèn luyện ở trường Đảng cao cấp nhất, trường có vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Sao vàng và danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Thưa các đồng chí !

Càng vinh dự, tự hào bao nhiêu các đồng chí lại càng phải ý thức sâu sắc bấy nhiêu về trách nhiệm vẻ vang và nhiệm vụ nặng nề của người học viên. Trên cơ sở tổng kết rút kinh nghiệm tổ chức Lớp Bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cao cấp các khóa I và II và với tinh thần phấn đấu làm tốt mọi công việc ngay từ những ngày đầu tiên của khóa học, tôi đề nghị Học viện, các cơ quan hữu quan và các đồng chí học viên cần nghiêm túc thực hiện các yêu cầu sau đây:

Thứ nhất là, cần đảm bảo thật tốt nội dung của từng chuyên đề và toàn bộ chương trình của Lớp học; vừa cung cấp những kiến thức cơ bản, vừa bổ sung những kiến thức mới về lý luận và thực tiễn, phù hợp với đối tượng của Lớp bồi dưỡng. Về lý luận, cần đi sâu nghiên cứu thấm nhuần những thành tựu phát triển mới và các giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; nghiên cứu Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển năm 2011), Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và các Nghị quyết Trung ương ban hành trong những năm vừa qua. Về thực tiễn, cần hết sức coi trọng trao dồi về kỹ năng lãnh đạo, quản lý; khả năng nghiên cứu tổng kết thực tiễn và kỹ năng xử lý tình huống trong chỉ đạo, điều hành; tăng cường các báo cáo điển hình từ thực tế công tác.

Những yêu cầu vừa nêu đã được quán triệt trong biên soạn hệ thống chuyên đề thuộc chương trình học tập và cơ bản là thành công đối với hai khóa đầu tiên. Tuy nhiên, lãnh đạo Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cần chỉ đạo các đồng chí giảng viên tích cực cập nhật tình hình mới, điều chỉnh kết cấu, bổ sung nội dung nhằm nâng cao thêm chất lượng bài giảng. Trong giảng dạy và học tập những vấn đề lý luận và thực tiễn của thế giới đương đại cũng như của đất nước hiện nay, có nhiều vấn đề mới, phức tạp, chưa được lý luận kinh điển giải quyết nhưng lại được lý luận chính trị phương Tây đề cập nhiều. Trước các vấn đề như vậy, cần tiếp thu tinh hoa trí tuệ nhân loại; đồng thời, nhất thiết phải quán triệt lập trường, quan điểm, phương pháp luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và của Đảng, Nhà nước ta.

Thứ hai là, phải đặc biệt chú trọng trau dồi về đạo đức, lối sống, tác phong của người cán bộ; gắn với học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI một số vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay. Vì đối tượng học viên là cán bộ dự nguồn quy hoạch lãnh đạo chủ chốt của các địa phương, ban, bộ, ngành Trung ương, nên việc học tập và rèn luyện đạo đức cách mạng theo tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhất thiết phải được thực hiện một cách nghiêm túc, công phu và thấu đáo; thể hiện ở mọi lúc, mọi nơi, cả trong các buổi học trên lớp, trong sinh hoạt hàng ngày, trong các chuyến đi thực tế cũng như nhiều hoạt động khác của Lớp học.

Cán bộ, viên chức và học viên toàn Học viện luôn luôn quan niệm, nhìn nhận các Lớp Bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cao cấp là hình mẫu về chất lượng học tập; về chấp hành kỷ cương, kỷ luật; về rèn luyện đạo đức cách mạng và tác phong của người học viên tại Trường Đảng mang tên Bác Hồ vĩ đại. Tôi hoan nghênh Ban Chỉ đạo và Ban Giám đốc Học viện đã chủ trì soạn thảo bộ Quy chế học viên dành riêng cho Lớp bồi dưỡng cán bộ dự nguồn cao cấp; đồng thời, hoan nghênh tinh thần tổng kết rút kinh nghiệm nghiêm túc sau khi bế giảng các khóa I và II. Cần nhất quán trong chỉ đạo thực hiện Quy chế, tránh bệnh nể nang, dễ dãi, hình thức, nửa vời... Đề nghị các đồng chí học viên khóa III thực hiện bộ Quy chế này một cách mẫu mực nhất, đồng thời thực hiện tốt các quy chế, quy định khác của Học viện; Ban Giám đốc Học viện cần báo cáo Ban Chỉ đạo tình hình học tập, tu dưỡng của các đồng chí học viên một cách thường xuyên và đầy đủ, cả mặt tốt và những mặt chưa tốt.

Có thể nói, từ hôm nay và trong 4 tháng tới, các đồng chí học viên bước vào một cuộc sống mới với sự chuyển đổi trên nhiều phương diện, có thể nhấn mạnh 3 phương diện sau đây. Trước hết, từ cương vị là người cán bộ lãnh đạo, quản lý, các đồng chí chuyển thành học viên với nhiệm vụ chính là học tập và rèn luyện trong môi trường trường Đảng với nhiều nội quy, quy chế khắt khe, trong đó có chế độ điểm danh tại các buổi lên lớp và cả trong các buổi đến thư viện nghiên cứu. Hai là, từ nền nếp đi làm hàng ngày, các đồng chí phải chuyển sang chế độ đi học với nhiều mối lo toan của người học viên, trong đó có việc thường xuyên phải làm bài thu hoạch, kiểm tra, đề án để chấm điểm. Ba là, từ cuộc sống thường nhật với gia đình, các đồng chí phải chuyển sang chế độ sinh hoạt tập thể, không còn sự lựa chọn riêng tư theo ý muốn…Rất mong các đồng chí nhanh chóng thích nghi và thực hiện thành công những chuyển đổi nêu trên, để việc học tập và rèn luyện đạt được các mục đích, yêu cầu đề ra.

Thứ ba là, chủ động và tích cực gắn bồi dưỡng lý luận, quan điểm, đường lối với nghiên cứu, tổng kết thực tiễn. Bối cảnh trong nước và quốc tế hiện nay đang đặt ra rất nhiều vấn đề sinh động, phong phú và phức tạp, đòi hỏi người cán bộ làm công tác lãnh đạo, quản lý phải kịp thời nắm bắt, phân tích và xử lý có hiệu quả, phục vụ cho công tác lãnh đạo, quản lý của mình. Chính vì vậy, yêu cầu về nghiên cứu, tổng kết thực tiễn đối với học viên của lớp học phải được coi là một trong những yêu cầu quan trọng hàng đầu. Những buổi thảo luận tổ và thảo luận tại hội trường phải trở thành diễn đàn mà ở đó các đồng chí học viên phân tích, tìm lời giải cho các vấn đề thực tiễn nóng bỏng, cấp bách.

Thực tế các khóa I và II đã phản ánh rất rõ, những buổi thảo luận ở từng tổ và trên hội trường có giá trị nhận thức và rèn luyện rất lớn. Nhiều đồng chí học viên đã công phu đọc thêm tài liệu, tập hợp số liệu, nghiền ngẫm thực tiễn, liên hệ nhiều chiều…góp phần tạo ra sức sống, luồng gió mới cho các buổi thảo luận. Tuy nhiên, vẫn còn một số học viên chưa thật coi trọng hoạt động thảo luận, tham gia một cách chưa tích cực. Ngay cả khi chọn đề tài viết đề án tốt nghiệp, cũng có học viên sử dụng lại đề án đã được biên soạn, thông qua ở cơ quan, đơn vị nơi mình đang công tác, tạo ra những sản phẩm ít giá trị thực tiễn.

Trong chương trình của khóa học có các chuyến đi thực tế tại địa phương, cơ sở. Tôi đề nghị Ban Chỉ đạo lớp học và Ban Giám đốc Học viện xây dựng chương trình, kế hoạch nghiên cứu thực tế cho các đồng chí học viên một cách thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức, phô trương. Mỗi đoàn đi thực tế chỉ nên khoảng trên dưới 10 đồng chí; khuyến khích tổ chức đi đến những nơi có thực tiễn sôi động, đến vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nơi có nhiều khó khăn. Phải đến tận cơ sở để cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nhân dân. Học viên cần hòa nhập với đời sống cơ sở; thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu của nhân dân và thực trạng đội ngũ cán bộ ở cơ sở. Qua đó, mỗi học viên phải có trách nhiệm giúp đội ngũ cán bộ quan trọng này nâng cao kiến thức, năng lực công tác. Các tổ nghiên cứu thực tế phải đề xuất được cho cấp ủy, chính quyền địa phương các giải pháp hữu hiệu, cụ thể, khả thi góp phần giải quyết các vấn đề đang tồn tại, kể cả những tình huống phức tạp nảy sinh.

Việc nghiên cứu thực tế nước ngoài của học viên cũng cần phải có kế hoạch, chương trình cụ thể, chặt chẽ, phù hợp, tiết kiệm, tránh hình thức, bảo đảm có hiệu quả thiết thực. Cần lựa chọn những học viên có kết quả học tập cao và rèn luyện tốt cho các chuyến nghiên cứu thực tế nước ngoài. Sau mỗi chuyến đi, các đồng chí học viên phải có báo cáo thu hoạch, đề xuất phương án vận dụng kinh nghiệm của nước ngoài vào lĩnh vực công tác của mình và thực tiễn của địa phương, đơn vị; chất lượng báo cáo thu hoạch của học viên phải được đánh giá giống như kết quả các môn học chính trong chương trình của Lớp học.

Thứ tư là, cần thống nhất áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực đối với các Lớp Bồi dưỡng cán bộ dự nguồn cao cấp và nghiêm túc trong chấm điểm, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của từng học viên. Phương pháp giảng dạy tích cực biến quá trình học tập cả về lý luận và thực tiễn, cả trên giảng đường và khi đi thực tế thành quá trình tự học, tự nghiên cứu sáng tạo, với ý thức chủ động, tự giác của mỗi học viên, theo sự gợi mở, định hướng của giảng viên. Trước và sau khi nghe bài thuyết trình của giảng viên, mỗi học viên phải tự mình nghiên cứu chuyên đề, tìm tòi thêm tài liệu để mở rộng phạm vi nghiên cứu, liên hệ; tự suy tư, trăn trở, nhìn nhận các vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau để tìm cách giải quyết riêng của mình. Phải làm cho mỗi buổi học trên lớp sẽ không còn là một buổi thuyết trình thuần túy một chiều, mà phải là một không gian đối thoại, trao đổi đa chiều giữa giảng viên với học viên, giữa các học viên với nhau trên cơ sở thực tiễn công tác đa dạng và cách nhìn nhận từ nhiều phương diện của đội ngũ học viên. Đó là cách tốt nhất để gắn lý luận với thực tiễn, gắn nhà trường với nhịp sống sinh động của xã hội và thực tiễn xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, ban, bộ, ngành Trung ương.

Thứ năm là, cần bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả giữa Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh với Ban Tổ chức Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ Tài chính và các địa phương, ban, bộ, ngành có liên quan trong việc bảo đảm một cách tốt nhất các điều kiện cần thiết nhằm tổ chức thành công mọi hoạt động của Lớp Bồi dưỡng. Những kinh nghiệm tốt rút ra từ các khóa I và II cần được phát huy; những vướng mắc về cơ chế phối hợp, về chế độ, chính sách…cần được xử lý kịp thời, hiệu quả theo tinh thần chủ động, sáng tạo.

Thời gian 4 tháng của lớp học tuy không dài, nhưng việc tạm thời rút các đồng chí ra khỏi các vị trí công tác quan trọng ở các địa phương và các ban, bộ, ngành Trung ương là một quyết tâm lớn. Trong thời gian tới, nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương; các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành… sẽ trực tiếp tham gia các hoạt động giảng dạy, hướng dẫn thảo luận, chấm bài thu hoạch, đề án tốt nghiệp... Đây là một cơ hội lớn để các đồng chí học viên tiếp thu kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn và kỹ năng lãnh đạo, quản lý. Nếu chất lượng, hiệu quả học tập không cao sẽ là một lãng phí lớn. Chính vì vậy, tất cả chúng ta, bao gồm các cơ quan tổ chức và cơ sở đào tạo; cả người dạy và người học phải nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của Lớp học và phải tập trung làm tốt nhất công việc của mình, để lớp học đạt được đầy đủ mục đích, yêu cầu đề ra.

Thưa các đồng chí!

Trong thời gian vừa qua, để khai giảng lớp học này, các tổ chức và cá nhân có liên quan đã có rất nhiều nỗ lực, cố gắng; công việc chuẩn bị cho Lớp bồi dưỡng khóa III về cơ bản đã hoàn thành. Tuy nhiên, để khóa học đạt kết quả cao nhất, tôi đề nghị các đồng chí tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, cụ thể hóa hơn nữa những nhiệm vụ, công việc cần triển khai; đặc biệt là công tác tổ chức lớp học, chất lượng các bài giảng, phương pháp giảng dạy, học tập và ý thức, trách nhiệm của giáo viên, đội ngũ phục vụ và học viên.

Chúng ta xin hứa với Bộ Chính trị, Ban Bí thư sẽ quyết tâm, cố gắng cao nhất trong tổ chức giảng dạy và học tập để hoàn thành xuất sắc mục tiêu, nhiệm vụ của Lớp Bồi dưỡng đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi Đề án quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, chuẩn bị đội ngũ cán bộ cao cấp, có phẩm chất và năng lực tốt, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp cách mạng trong thời kỳ mới.

Nhân dịp này, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tôi hoan nghênh Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh; các cơ quan liên quan và các đồng chí giảng viên đã tích cực hoàn thiện chương trình, đề cương bài giảng, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất… và tổ chức trang trọng Lễ khai giảng Lớp Bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cao cấp khóa III.

Nhân dịp năm mới 2014 và xuân Giáp Ngọ sắp đến, tôi chúc các các đồng chí đại biểu, các thầy cô giáo và toàn thể các đồng chí bước vào năm mới dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và thành công. Chúc các đồng chí học viên phấn đấu học tập tốt, tiếp thu được nhiều nhất những kiến thức bổ ích về lý luận và thực tiễn để nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của mình và có nhiều kỷ niệm tốt đẹp trong thời gian học tập, rèn luyện dưới mái trường Đảng mang tên Bác Hồ kính yêu của chúng ta.

Xin trân trọng cảm ơn các đồng chí !

     

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền