Trang chủ    Bài nổi bật    Vai trò của podcast trên báo mạng điện tử trong thực hiện tôn chỉ, mục đích của báo chí cách mạng Việt Nam
Thứ hai, 15 Tháng 1 2024 16:42
6411 Lượt xem

Vai trò của podcast trên báo mạng điện tử trong thực hiện tôn chỉ, mục đích của báo chí cách mạng Việt Nam

ThS LÊ TUẤN ANH
NCS Học viện Báo chí và Tuyên truyền

(LLCT) - Podcast trên báo mạng điện tử đang ngày càng khẳng định vai trò là một trong những phương tiện, cách thức mang đến một diện mạo và cách tiếp cận mới cho độc giả, giúp các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước lan tỏa nhanh chóng, sâu rộng tới công chúng; góp phần thực hiện nhiệm vụ của báo chí là: chủ động tiến công, kiên quyết và thường xuyên “đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị”, làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa bình”, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
 

Ảnh minh họa: IT

1. Đặt vấn đề

Từ điển Oxford (năm 2005) đã thêm “podcast” vào kho từ vựng với định nghĩa là“một tập tin âm thanh kỹ thuật số có thể được tải từ internet và phát trên máy tính hoặc thiết bị mà bạn có thể mang theo bên mình”. Cũng có thể hiểu, podcast là một phương tiện chia sẻ chủ yếu nội dung âm thanh kỹ thuật số mà người dùng có thể tải về từ internet và nghe trên thiết bị của họ.

Podcast là một phương tiện chia sẻ nội dung âm thanh kỹ thuật số, nhưng khi được ứng dụng trên báo mạng điện tử lại là một sản phẩm báo chí, là sản phẩm tư duy của nhà báo, được luật pháp bảo hộ; được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng; lấy hiện thực khách quan (mang tính thời điểm) làm đối tượng phản ánh; có hình thức tương ứng với nội dung thông tin; có giá trị sử dụng, tạo dư luận xã hội (tức thời), tác động vào nhận thức và hành vi của người tiếp nhận thông tin.

Do đó, podcast trên báo mạng điện tử là một sản phẩm báo chí bao gồm nội dung và hình thức, được tạo ra bởi quá trình lao động sáng tạo của nhà báo, được đăng tải trên trang báo mạng, được công nhận về bản quyền và được chi trả nhuận bút. Podcast trên báo mạng điện tử sử dụng âm thanh làm phương tiện chủ yếu bên cạnh các yếu tố ngôn ngữ chữ viết và hình ảnh tác động đến công chúng.

2. Vai trò của podcast trên báo mạng điện tử

Dù mới phổ biến tại Việt Nam, podcast đã sớm giành được sự quan tâm của nhiều cơ quan báo chí, đặc biệt là các tòa soạn báo mạng điện tử. Đến nay, đã dần trở thành một xu hướng của báo mạng điện tử ở Việt Nam. Đã có hàng chục các trang báo mạng điện tử sở hữu podcast, từ các cơ quan báo chí chủ lực, các tờ báo lớn cho đến các cơ quan báo chí chuyên ngành và cả các báo địa phương. Việc sử dụng phổ biến podcast trên báo mạng điện tử ở Việt Nam là phù hợp với Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trong quá trình phát triển báo chí theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, podcast trên báo mạng điện tử đã đóng góp những vai trò hết sức quan trọng, đó là:

Một là, giúp tăng cường cung cấp thông tin chính thức đến công chúng

Môi trường truyền thông số, trong đó có podcast đang tiềm ẩn những nguy cơ phát tán thông tin thiếu kiểm chứng; thông tin sai trái, thêu dệt của các thế lực thù địch về tình hình trong nước cũng như xuyên tạc các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Nhiều podcast có nội dung xuyên tạc, kích động chống phá Đảng, phủ nhận thành quả cách mạng của Đảng và nhân dân, đòi “đa nguyên, đa đảng” do các thế lực phản động, thù địch trong và ngoài nước phát tán trên mạng, tác động xấu đến tư tưởng xã hội. Thậm chí, có những thông tin được đăng tải bởi các podcast tự phát, công kích trực diện vào nền tảng tư tưởng của Đảng, kích động gây mâu thuẫn, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Với âm mưu làm cho Đảng ta “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” từ bên trong, các thế lực phản động, thù địch ra sức tuyên truyền, xuyên tạc những nỗ lực đấu tranh chống tham nhũng trong thời gian qua của Đảng là thanh trừng nội bộ. Sự nguy hiểm của các sản phẩm podcast này có thể khiến cho niềm tin của công chúng vào sự lãnh đạo của Đảng bị lung lay. Bởi không phải công chúng nào cũng có thể phân biệt được đâu là thông tin chính thức, đâu là thông tin bịa đặt, bôi nhọ của các thế lực thù địch giữa không gian truyền thông số đa dạng và vô cùng phong phú về nội dung thông tin.

Trong khi luật pháp Việt Nam chưa có quy định cụ thể về quản lý podcast thì sự xuất hiện các podcast trên các báo mạng điện tử Việt Nam đã phần nào giải quyết được tình trạng trên, vừa đáp ứng nhu cầu nghe thông tin của công chúng, giúp công chúng có những kênh thông tin tin cậy, để từ đó có thêm hiểu biết các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, hiểu biết và thực hiện đúng các chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Tại các trang báo mạng điện tử lớn như: Nhân dân, Quân đội nhân dân, Lao động và VnExpress,… dễ dàng nhận thấy có một tỷ lệ đáng kể các thông tin về chính trị, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước được đăng tải dưới hình thức podcast, trong đó có nhiều tin bài phản bác những thông tin, luận điệu vô căn cứ của các thế lực thù địch, phản động phát tán. Qua đó, góp phần khẳng định vai trò của báo chí trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, theo đúng tinh thần Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị “về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”; khẳng định và tiếp tục cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo nhất quán của Đảng, đó là: “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ Đảng, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”.

Hai là, mang đến một diện mạo mới và cách tiếp cận mới cho công chúng, là cầu nối giữa ý Đảng - lòng dân

Nhìn chung, bước đầu podcast đã thành công trong việc mang đến một diện mạo mới và cách thức tiếp cận mới cho độc giả của báo mạng điện tử, thu hút thêm một bộ phận đáng kể những công chúng thích khám phá thông tin trong môi trường truyền thông số. Sau một thời gian triển khai tại các báo mạng điện tử ở Việt Nam, podcast ngày càng cho thấy tính linh hoạt và tiện lợi của mình, góp phần phát huy vai trò của các cơ quan báo chí là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, của tổ chức chính trị - xã hội và là diễn đàn của nhân dân, là cầu nối giữa ý Đảng - lòng dân, góp phần phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước một cách sâu rộng hơn trong nhân dân theo tinh thần Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 01-8-2007 của Ban Chấp hành Trung ương “Về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới”.

Khả năng tương tác của podcast trên báo mạng điện tử đã tạo điều kiện để công chúng thể hiện quyền được bày tỏ ý kiến về những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Qua đó, giúp Đảng, Nhà nước nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, từ đó có những điều chỉnh trong việc hoạch định chính sách cho phù hợp với thực tiễn. Với vai trò cầu nối này, tính dân chủ, đoàn kết được phát huy, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, góp phần đưa các chủ trương, chính sách đi vào đời sống, đạt những hiệu quả tích cực.

Dù mới phổ biến tại Việt Nam, podcast đã sớm giành được sự quan tâm của nhiều cơ quan báo chí, đặc biệt là các tòa soạn báo mạng điện tử. Đến nay, đã dần trở thành một xu hướng của báo mạng điện tử ở Việt Nam.

Ba là, giúp hạn chế sự lan tràn của tin giả trên môi trường truyền thông số, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Đảng và Nhà nước

Khi chưa có sự xuất hiện của các podcast trên báo mạng điện tử, nền tảng podcast do thiếu sự quản lý nên tiềm ẩn nhiều lỗ hổng, trở thành một môi trường thuận lợi cho những đối tượng xấu phát tán tin giả. Những thông tin này không chỉ làm nhiễu loạn, gây tâm lý hoang mang trong cộng đồng xã hội, mà còn tạo ra nhiều tác động tiêu cực ở những mức độ khác nhau. Nhất là trong những vấn đề báo chí còn thiếu thông tin, càng tạo điều kiện cho các podcast tự phát đưa những thông tin sai lệch, tin giả.

Trong đại dịch Covid-19 bùng phát ở Việt Nam, các thế lực thù địch đã tung tin đồn về sự khan hiếm thực phẩm trong đại dịch do ảnh hưởng bởi phong tỏa, khiến người dân đổ xô đi mua thực phẩm tích trữ, dẫn đến tình trạng khan hiếm hàng hóa cục bộ, gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất kinh doanh, cung ứng hàng hóa tại nhiều địa phương. Thậm chí, có những tin giả còn giả danh thông tin từ các cơ quan chức năng của Việt Nam như thông tin “không cho người dân di chuyển trong 7 ngày”, “án binh bất động toàn thành phố”,… Những thông tin này được tạo ra với mục đích lôi kéo sự chú ý và tương tác cho tài khoản, các kênh tung tin giả, vì thời điểm đó những thông tin liên quan đến Covid-19 luôn thu hút được sự quan tâm của công chúng. Nguy hiểm hơn, nếu không kịp thời phát hiện và thông báo chính thức trên báo chí để cảnh báo những tin giả này, chúng sẽ gây hoang mang dư luận, dẫn đến sự hiểu biết lệch lạc, thiếu nhận thức đúng về những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Cũng tại thời điểm diễn ra đại dịch Covid-19, một số kênh podcast tự phát đã đăng tải thông tin với nội dung bài xích vắcxin, đưa ra những thông tin thiếu căn cứ về tác dụng phụ của vắcxin tới sức khỏe con người, gây hoang mang, lo lắng cho người dân. Do đó, khiến cho chiến dịch tiêm chủng của Nhà nước gặp không ít khó khăn. Khi đó, đã có một số podcast của báo Lao động điện tử, VnExpress,… kịp thời đăng tải thông tin về những nỗ lực phòng chống dịch của Đảng, Chính phủ, sự đồng lòng của người dân; cũng như những thông tin từ các chuyên gia đầu ngành, Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hoa Kỳ về lợi ích của vắcxin phòng Covid-19, đã giải tỏa những băn khoăn, lo lắng của người dân về tác dụng phụ của vắcxin, từ đó chiến dịch tiêm chủng của nước ta đã đạt được tốc độ thần tốc. Việt Nam trở thành một trong 6 nước có tỷ lệ bao phủ tiêm vắcxin cao nhất trên thế giới. Riêng chiến dịch tiêm chủng mùa Xuân năm 2022 đã tiêm được gần 18 triệu liều(1).

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, cũng cần nhìn nhận thực tế rằng, kỹ năng sản xuất, chất lượng podcast nói chung của một bộ phận không nhỏ các cơ quan báo chí vẫn còn nhiều hạn chế. Các nội dung podcast của nhiều tờ báo vẫn chưa có sự đột phá, thậm chí nhiều tờ báo hiện nay chỉ coi podcast như một biến thể đơn giản, chuyển đổi từ văn bản sang giọng nói, thậm chí sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để “đọc lại” nội dung bằng chữ. Hình thức thể hiện thông tin vẫn thiếu sự đa dạng, thiếu vắng các thể loại như trò chuyện với nhân vật/khách mời, trò chuyện trực tuyến với độc giả, hoặc các hình thức phỏng vấn chuyên sâu, bình luận, phân tích… vốn được ứng dụng phổ biến ở các podcast của các báo mạng điện tử lớn trên thế giới, đã tạo dựng được nhiều hiệu quả tích cực. Đa số các báo mạng điện tử thiếu sự đầu tư nâng cấp giao diện podcast, cũng như hệ thống lưu trữ nội dung dung lượng lớn, gây khó khăn cho công chúng khi cần tra cứu các podcast cũ.

3. Giải pháp phát huy vai trò của podcast trên báo mạng điện tử

Từ thực trạng và vai trò của podcast trên báo mạng điện tử đối với thực hiện tôn chỉ, mục đích của báo chí cách mạng, để phát huy hiệu quả hơn nữa, cần thực hiện những giải pháp cụ thể sau:

Trước hết, mỗi nhà báo cần có tư tưởng lập trường chính trị vững vàng, luôn có ý thức tự trau dồi kiến thức lý luận chính trịđể có thể tuyên truyền cho công chúng hiểu được nguồn gốc, bản chất, vạch trần âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng. Giúp công chúng nhận biết được các thông tin xấu trên môi trường podcast nói chung.

Các thế lực thù địch luôn lợi dụng các vấn đề về dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo để kích động người dân, thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” nhằm phá hoại tư tưởng, làm xói mòn niềm tin của nhân dân với Đảng, với chế độ, như: xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; xuyên tạc lịch sử; âm mưu “phi chính trị hóa” quân đội và công an; tuyên truyền về khuynh hướng “dân chủ” kiểu Mỹ và phương Tây nhằm mục đích khiến cho người dân hoài nghi về xã hội mà mình đang sinh sống và tự huyễn hoặc về một xã hội khác mà họ được cổ xúy là tốt đẹp hơn,...

Vì vậy, podcast của các báo mạng điện tử cần tập trung vào việc tuyên truyền cho công chúng hiểu được nguồn gốc sâu xa, bản chất của vấn đề, nhất là những vấn đề công chúng còn đang nhận thức mơ hồ. Tăng cường mở các chuyên mục podcast, khuyến khích người dân chia sẻ thông tin hai chiều, từ đó nắm bắt kịp thời tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của nhân dân; góp phần củng cố, xây dựng lòng tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ, tin tưởng vào việc kiên định con đường đi lên CNXH.

Nhà báo cần giúp cho công chúng hiểu được bản chất cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nền tảng tư tưởng của Đảng. Bởi đây chính là cơ sở lý luận quan trọng để đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch.

Podcast của các báo mạng điện tử cần có những hình thức bình luận, tọa đàm để phân tích, chỉ rõ những luận điệu thâm độc, quy chụp, phiến diện, thiếu cơ sở và thiếu tính thực tế của các thế lực thù địch, phản động. Đồng thời, cần tập trung làm rõ và khẳng định giá trị khoa học, sức sống mãnh liệt của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh - nền tảng tư tưởng của Đảng. Tăng cường những bài bình luận, phân tích quá trình Đảng ta vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, cũng như sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Từ đó, bác bỏ các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch.

Thứ hai, nhà báo cần phát huy tính sáng tạo, linh hoạt, kịp thờitrong việc tuyên truyền về những thành quả xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Bởi không giống như những nội dung nghệ thuật - giải trí, những nội dung mang yếu tố lý luận chính trị, chính sách vốn “khô khan”, khi chuyển tải trên podcast cần phát huy tối đa tính sáng tạo của một sản phẩm truyền thông, tránh gây nhàm chán cho công chúng. Tránh sự “một màu” trong hình thức chuyển tải thông tin, mà cần đa dạng, biết cách biến những vấn đề “khô cứng” trở nên “mềm mại”.

Môi trường truyền thông số vốn luôn phong phú về nội dung, cách thể hiện, nên báo chí cần nhận thức được rằng công chúng có thể bỏ qua và không lắng nghe podcast bất cứ khi nào công chúng cảm thấy không hấp dẫn. Vì vậy, nhà báo cần phải luôn trăn trở, suy nghĩ để có cách làm mới, để truyền tải thông tin đến với công chúng được tốt nhất, tránh sự đơn điệu, tẻ nhạt. Đồng thời, luôn lắng nghe để đáp ứng được tốt nhất nhu cầu của công chúng. Thay đổi để đáp ứng nhu cầu của công chúng không có nghĩa là báo chí tự đánh mất mình, mà thay đổi để trở nên linh hoạt hơn, và cũng là để phát huy tốt hơn vai trò“là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, của tổ chức chính trị - xã hội và là diễn đàn của nhân dân”, cũng như“bảo đảm tính tư tưởng, tính chân thật, tính nhân dân, tính chiến đấu và tính đa dạng của hoạt động báo chí”.

Thứ ba, tòa soạn báo mạng điện tử cần xây dựng kế hoạch tuyên truyền trên podcast về những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, thành quả xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước một cách bài bản, khoa học, đúng thời điểm. Podcast là một phương tiện đang ngày càng thu hút được sự quan tâm của công chúng, nhất là đối với công chúng trẻ, có lợi thế về sự nhanh nhạy trong sử dụng các phương tiện công nghệ. Do đó, việc tuyên truyền trên podcast càng cần phải chú trọng một cách bài bản, khoa học và đúng thời điểm. Nếu tuyên truyền không đúng thời điểm, sẽ tạo điều kiện cho các thông tin sai lệch, tin giả, tin bịa đặt do các thế lực thù địch phát tán trở nên phổ biến hơn tới công chúng. Ngược lại, khi tuyên truyền đúng thời điểm, sẽ kịp thời đập tan những âm mưu của các thế lực thù địch hòng làm xói mòn lòng tin của công chúng đối với Đảng.

Thứ tư, các tòa soạn báo mạng điện tử cần quan tâm đầu tư vào chất lượng âm thanh nhằm nâng cao trải nghiệm của công chúng. Người nghe podcast khác với phát thanh ở chỗ, họ thường nghe với tai nghe, và nhờ đó trải nghiệm âm thanh cũng khác biệt so với nghe qua loa đài. Nếu chất lượng âm thanh không tốt, sẽ trực tiếp ảnh hưởng tới trải nghiệm người nghe và công chúng cũng sẽ rời đi.

Kinh nghiệm từ các podcast của các tờ báo mạng điện tử lớn trên thế giới cho thấy, họ rất chú trọng vào việc đầu tư chất lượng âm thanh, cũng như nâng cao trải nghiệm cho công chúng bằng cách tăng cường sự chân thực của âm thanh thông qua các yếu tố tiếng động, âm nhạc.

Thực tế cho thấy, các sản phẩm podcast có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các yếu tố lời nói, tiếng động và âm nhạc thường trở nên thu hút công chúng hơn so với các sản phẩm chỉ có một dạng lời nói. Ví dụ, nhà báo có thể đọc thông tin về những thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội trong năm vừa qua trên nền nhạc không lời “Đảng đã cho ta một mùa xuân” hoặc cũng có thể là một bản nhạc thể hiện không khí hân hoan, phấn khởi. Nhà báo tham gia sáng tạo podcast cũng cần có một chút năng khiếu thẩm mỹ âm thanh, biết cách sử dụng nhạc nền vào đúng mục đích, phù hợp với sắc thái của lời nói. Điều này giúp người nghe không bị nhàm chán, dễ gây thiện cảm và làm tăng sự hứng thú cho người nghe.

4. Kết luận

Podcast trên báo mạng điện tử đã và đang đóng góp vai trò quan trọng trong tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên môi trường truyền thông số. Tuy vậy, podcast trên báo mạng điện tử vẫn còn là một vấn đề mới, vai trò của poscast trên báo mạng điện tử đối với việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng cũng cần được phát huy, góp phần đổi mới mạnh mẽ báo chí - truyền thông nói chung, báo mạng điện tử nói riêng.

_________________

Ngày nhận bài: 29-12-2023; Ngày bình duyệt: 1-1-2024; Ngày duyệt đăng: 15-1-2024.

(1) Chiến dịch tiêm chủng mùa Xuân:Thần tốc” tiêm gần 18 triệu liều,  https://baochinhphu.vn/chien-dich-tiem-chung-mua-xuan-than-toc-tiem-gan-18-trieu-lieu-102220311193930528.htm, ngày truy cập: 20-12-2023.

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền