Trang chủ    Bài nổi bật    Phê phán quan điểm phủ nhận sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân trong thời đại ngày nay
Thứ hai, 19 Tháng 2 2024 16:49
4841 Lượt xem

Phê phán quan điểm phủ nhận sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân trong thời đại ngày nay

TS NGUYỄN THỊ HOA
Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

(LLCT) - Chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân là một nội dung cơ bản, mang tính quy luật trong lý luận của chủ nghĩa xã hội khoa học, đồng thời, cũng là một yêu cầu, nguyên tắc cơ bản trong hoạt động thực tiễn của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Dựa trên cơ sở lý luận khoa học và thực tiễn, bài viết tập trung nhận diện và phản bác một số luận điệu sai trái, xuyên tạc về chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân trong bối cảnh hiện nay, như: phủ nhận sự tồn tại tất yếu, khách quan chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân; đối lập lợi ích quốc gia - dân tộc và chủ nghĩa quốc tế với chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân; xuyên tạc bản chất mối quan hệ giữa các nước đang theo con đường xã hội chủ nghĩa hiện nay.
 

Diễn đàn các đảng cộng sản và công nhân thế giới - IMCWP lần thứ 22, năm 2022, tại Cu Ba - Ảnh: tulieuvankien.dangcongsan.vn

Chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân (CNQT của GCCN) còn được gọi là chủ nghĩa quốc tế vô sản hay chủ nghĩa quốc tế XHCN được hiểu ở nhiều góc độ tiếp cận: Đó là hệ thống quan điểm, lý luận của CNXH khoa học về sự đoàn kết, thống nhất của GCCN (thông qua đội tiền phong) nhằm thực hiện sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của mình. Đồng thời, nó còn được hiểu là thực tiễn phong trào cộng sản, công nhân quốc tế, lực lượng xã hội tiến bộ đoàn kết, giúp đỡ nhằm chống lại sự áp bức, bóc lột, bất công và xây dựng thành công CNXH trên phạm vi toàn thế giới cũng như mục tiêu thời đại là hòa bình, dân chủ, tiến bộ xã hội và phát triển bền vững.

Trong lý luận mác xít, đây là nội dung mang tính nguyên tắc, quy luật trong thực hiện sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của GCCN. Lý luận này cũng đã được hiện thực hóa một cách sinh động thông qua các phong trào thực tiễn của GCCN, đảng cộng sản, đảng cánh tả, lực lượng tiến bộ xã hội trong thực hiện mục tiêu của CNXH và mục tiêu thời đại.

Chính vì vậy, phủ nhận sứ mệnh lịch sử của GCCN cũng như CNQT của GCCN hòng phủ nhận giá trị của chủ nghĩa Mác, phủ nhận sự thống nhất, đoàn kết trong lực lượng cách mạng, nhất là từ khi CNXH ở các nước Đông Âu và Liên Xô sụp đổ. Nguy hiểm hơn, nó còn xuất hiện trong chính phong trào cộng sản và công nhân, với sự hoài nghi, xét lại về CNQT của GCCN trong điều kiện mới. Có thể chỉ ra một số quan điểm như: Hiện nay, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế đã “lỗi thời” khi ý thức hệ không còn là yếu tố chi phối quan hệ quốc tế, mà là lợi ích quốc gia - dân tộc thì thực hiện CNQT của GCCN sẽ bất lợi cho Việt Nam, và Việt Nam cần phải thực hiện chủ nghĩa quốc tế, chứ không phải CNQT của GCCN; rằng quan hệ giữa các nước đang kiên trì con đường XHCN hiện nay chỉ là quan hệ lệ thuộc...

Đây là những quan điểm sai trái, là nhận định mang tính chủ quan, phiến diện, hoặc là thuộc về chủ nghĩa xét lại khi đánh giá về phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, về CNQT của GCCN hiện nay. Thực tế đã chứng minh:

1. Chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân hiện nay không bị “diệt vong”, không “lỗi thời” mà luôn tồn tại khách quan và đang ngày càng phục hồi

Một là, sự đoàn kết, thống nhất về ý chí, mục tiêu của GCCN đã được hình thành và thể hiện sinh động trong thực tiễn trước khi có sự ra đời của CNXH hiện thực (đánh dấu bằng sự thành công của Cách mạng Tháng Mười Nga và sự phát triển của hệ thống các nước XHCN).

GCCN ra đời và phát triển cùng với sự hình thành và phát triển của nền đại công nghiệp (bắt đầu từ Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất ở nửa sau của thế kỷ XVIII). Và cũng chính nền đại công nghiệp - với đặc điểm nổi bật là phân công lao động, chuyên môn hóa và sự liên kết ngày càng chặt chẽ, mở rộng trong sản xuất, từ đó tất yếu dẫn đến sự liên kết giữa những người lao động không cùng xí nghiệp, không cùng quốc gia. Thực tiễn lịch sử đã chứng minh những cuộc dịch chuyển lao động công nghiệp từ Anh sang Mỹ, Canađa... từ thế kỷ XIX; lịch sử cũng đã chứng kiến sự đoàn kết đấu tranh của những công nhân châu Âu, mà tiêu biểu là phong trào cách mạng 1848 -1849, Công xã Pari... Hay như những người công nhân từ các nước thuộc địa của Pháp đã đoàn kết cùng nhau phản chiến, chống lại sự tham gia của chiến hạm Pháp cùng các nước đế quốc chống lại Nhà nước Nga Xô viết non trẻ mới ra đời...

Hai là, hiện nay, nền đại công nghiệp càng phát triển do sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, càng tạo điều kiện vật chất - kỹ thuật thuận lợi, tất yếu cho sự đoàn kết, thống nhất trên phạm vi toàn thế giới của GCCN. Việc sản xuất và trao đổi theo các chuỗi giá trị toàn cầu (Global Value Chain - GVCs) đã trở thành phổ biến trong liên kết quốc tế. Cùng với đó là các hình thức liên kết phong phú khác như mạng sản xuất, xuất khẩu lao động, làm việc theo nhóm chuyên gia... Một nghiên cứu gần đây cũng cho thấy, khoảng 80% thương mại quốc tế và 60% sản xuất toàn cầu mang tính hợp tác xuyên quốc gia có sử dụng chuỗi cung ứng lao động toàn cầu xuyên biên giới; khoảng 50 tập đoàn xuyên quốc gia với gần 116 triệu công nhân nằm trong chuỗi cung ứng lao động(1). Đây cũng là cơ sở kinh tế - kỹ thuật góp phần phủ nhận luận điệu cho rằng “những người vô sản trên thế giới ngày càng bị phân tán”(2) nhằm phủ định sức mạnh thống nhất, đoàn kết của GCCN trên thế giới hiện nay.

Ba là, cơ sở chính trị - xã hội cho sự đoàn kết, thống nhất quốc tế của GCCN và đội tiền phong của mình chính là để đấu tranh chống lại sự áp bức, bóc lột, bất công mang tính toàn cầu của chủ nghĩa tư bản cũng như thực hiện những mục tiêu tiến bộ của nhân loại. Thực tế hiện nay cho thấy, những vấn đề toàn cầu ngày càng gay gắt, phức tạp, bất công xã hội do chủ nghĩa tư bản gây ra ngày càng rõ nét và đa dạng hơn.

Trong xã hội hiện đại, chủ nghĩa tư bản càng khoét sâu hơn những mâu thuẫn xã hội, chia rẽ các tầng lớp lao động, bằng cách tạo ra sự phân biệt giàu nghèo, giới tính, màu da, sắc tộc, quốc gia. Các chủ tư bản tìm mọi cách chia rẽ tình đoàn kết của GCCN: chia rẽ người lao động nghèo và công nhân trung lưu; chia rẽ công nhân da trắng và công nhân da đen; phân biệt giới tính để khiến công nhân nam chống lại công nhân nữ; kích động những người lao động sinh ra ở Hoa Kỳ chống lại những người lao động nhập cư... Tuy nhiên, thực tế đó càng làm cho những người lao động, công nhân đoàn kết với nhau một cách mạnh mẽ hơn: công nhân Hoa Kỳ đã thể hiện tình đoàn kết với nhân dân Irắc chiến đấu chống chủ nghĩa đế quốc Mỹ khi tháng 5 - 2008, Công đoàn Kho bãi và Cảng Quốc tế đã tổ chức cho công nhân đình công để phản đối chiến tranh ở Irắc; công nhân dọc bờ biển của Hy Lạp đã chặn đoàn xe vận chuyển vũ khí và đạn dược của Hoa Kỳ tới Ítxraen trong cuộc bao vây của Hoa Kỳ - Ítxraen trên dải Gaza vào đầu năm 2009; hàng nghìn người xuống Đại lộ Pennsylvania ở Washington, D.C trong cuộc tuần hành vì quyền phụ nữ vào tháng 1-2017...

Sự đoàn kết ấy đã diễn ra giữa công nhân và bất cứ tầng lớp lao động nào bị phân biệt đối xử, sự bất công trong xã hội, bởi lẽ, công nhân chỉ thực sự được giải phóng, khi mọi tầng lớp lao động khác đều nhận được sự công bằng, bình đẳng. Vì vậy, công nhân đoàn kết với các phong trào giải phóng dân tộc, giải phóng phụ nữ... Từ đó, sức mạnh đoàn kết ngày càng được lan tỏa, lực lượng xã hội tham gia ngày càng được quy tụ rộng rãi trên phạm vi toàn cầu.

Hơn thế nữa, thế giới cũng đang đứng trước những vấn đề toàn cầu ngày càng gay gắt, cấp bách hơn, đòi hỏi sự đoàn kết quốc tế để đối phó và giải quyết, như vấn đề chiến tranh, xung đột dân tộc, sắc tộc, khủng bố, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh... nhằm hướng tới mục tiêu chung của nhân loại và thời đại: hòa bình, dân chủ, tiến bộ xã hội, phát triển bền vững.

Tại các diễn đàn, hội nghị quốc tế giữa các đảng cộng sản, đảng công nhân, đảng cánh tả, các tổ chức xã hội tiến bộ... trên thế giới, ngoài các chủ đề thảo luận về bản chất của chủ nghĩa tư bản hiện đại (chủ nghĩa tự do mới...), đa số các chủ đề thảo luận đều liên quan đến các vấn đề toàn cầu (Chủ đề của Diễn đàn các đảng cộng sản và công nhân thế giới - IMCWP lần thứ 22, năm 2022, tại Cu Ba: “Đoàn kết với Cuba và tất cả các dân tộc đang gặp khó khăn. Chúng ta đoàn kết mạnh hơn trong chống đế quốc đấu tranh cùng với các phong trào xã hội và quần chúng chống lại chủ nghĩa tư bản và các chính sách của nó, mối đe dọa của chủ nghĩa phát xít và chiến tranh; bảo vệ hòa bình, môi trường, quyền của người lao động, đoàn kết và chủ nghĩa xã hội”; Tuyên bố chính trị của Đại hội lần thứ 22 Hội đồng Hòa bình thế giới tại Việt Nam, tháng 11-2022: “Tăng cường đoàn kết, tăng cường tập hợp các lực lượng yêu chuộng hòa bình, tiến bộ trên thế giới để tiếp tục đấu tranh vì hòa bình, công lý, dân chủ, công bằng xã hội và phát triển bền vững, chống lại chiến tranh, chống lại áp bức, bóc lột, bất công”...

Bốn là, các chủ thể cùng đoàn kết, thống nhất tham gia thực hiện sứ mệnh toàn thế giới của GCCN hiện nay ngày càng đa dạng hơn: Không chỉ là các đảng cộng sản cầm quyền, GCCN, đảng cộng sản và đảng công nhân đang xác lập quyền lực, mà còn là các lực lượng xã hội tiến bộ đấu tranh vì mục tiêu của nhân loại hiện nay (Hội đồng hòa bình thế giới - WPC; Liên đoàn công đoàn thế giới - WFTU; Tổ chức đoàn kết nhân dân Á - Phi chống chủ nghĩa đế quốc, phân biệt chủng tộc...); hình thức thực hiện cũng đa dạng hơn: cả song phương và đa phương (Hội nghị các đảng cộng sản và công nhân thế giới - IMCWP; Diễn đàn Sao Paulo...).

2. Lợi ích quốc gia - dân tộc, lợi ích giai cấp và lợi ích nhân loại là thống nhất

Việc đối lập giữa lợi ích quốc gia - dân tộc, lợi ích nhân loại với CNQT của GCCN là sai lầm, bởi:

Một là, đối với Việt Nam, lợi ích quốc gia - dân tộc chỉ thực sự có được, suy đến cùng, khi được gắn với thực hiện mục tiêu CNXH. Lợi ích quốc gia - dân tộc của Việt Nam trước hết là những lợi ích cốt lõi: độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ. Điều 1 Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời”. Tiếp đó là những lợi ích bảo đảm cho sự phát triển toàn diện và bền vững về mọi mặt kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội.

Thực tiễn lịch sử dân tộc Việt Nam đã chứng minh: Lợi ích quốc gia - dân tộc, dù là lợi ích cốt lõi hay lợi ích phát triển, chỉ có thể được bảo đảm thực hiện khi kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH - mục tiêu cao nhất của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế; từ bỏ CNQT của GCCN, dù ở bất kỳ thời điểm nào, cũng chính là từ bỏ mục tiêu CNXH. Ở xã hội có giai cấp, lợi ích của mỗi quốc gia - dân tộc luôn được định hướng bởi một giai cấp cầm quyền. Đối với Việt Nam, sứ mệnh đó được nhân dân tin tưởng trao cho Đảng Cộng sản Việt Nam - đội tiền phong của GCCN và của toàn thể dân tộc.

Hai là, thực hiện chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân góp phần thực hiện lợi ích quốc gia - dân tộc

Hiện nay, các quốc gia đều tăng cường hợp tác quốc tế để phát huy những lợi thế bên trong và bên ngoài cho sự phát triển của mỗi nước, không phân biệt chế độ chính trị. Việt Nam cũng nằm trong xu thế chung tất yếu đó. Khẳng định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, cùng với đó là xác định một trong những đặc trưng về đối ngoại của CNXH mà Việt Nam xây dựng: “Có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên trên thế giới”. Đến nay, quan hệ đối ngoại của nước ta ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu, “đã có quan hệ ngoại giao với 189 nước trong tổng số 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, trong đó 3 nước có “quan hệ đặc biệt”, 17 nước “đối tác chiến lược” và 13 nước “đối tác toàn diện”. Trên bình diện đa phương, Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm của hơn 70 tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng, như Liên hợp quốc, ASEAN, APEC, ASEM, WTO...”(3).

Thực hiện CNQT của GCCN là thể hiện đường lối đối ngoại nhất quán, trước sau như một của Đảng. Từ chủ trương “thêm bạn”, “bớt thù”, “giúp bạn là tự giúp mình”, Đảng ta khẳng định “Trước sau như một ủng hộ các đảng cộng sản và công nhân, các phong trào tiến bộ xã hội trong cuộc đấu tranh vì những mục tiêu chung của thời đại”(4). Điều đó góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Đảng, của quốc gia - dân tộc. Cho đến nay, Việt Nam có quan hệ với gần 90 đảng cộng sản và công nhân quốc tế(5). Mở rộng quan hệ với các đảng cộng sản và công nhân, tích cực thực hiện CNQT của GCCN là điều kiện để Việt Nam củng cố mối quan hệ anh em, bạn bè truyền thống; trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, phát triển lý luận về xây dựng CNXH trong điều kiện mới; hợp tác cùng có lợi trên mọi phương diện để thúc đẩy nhau cùng phát triển.

Ba là, chủ nghĩa quốc tế và chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân hiện nay luôn thống nhất

Thực hiện CNQT hiện nay cũng thống nhất mục tiêu với thực hiện CNQT của GCCN. Thực vậy, CNQT là sự thống nhất về mục tiêu và hành động của các quốc gia (không phân biệt ý thức hệ) nhằm tạo tiền đề, điều kiện cho nhau cùng phát triển cũng như cùng nhau giải quyết những vấn đề toàn cầu, vì sự phát triển chung của nhân loại. Đối với Việt Nam, thực hiện đường lối đối ngoại ngày càng chủ động, tích cực, đi vào chiều sâu, đa dạng hóa, đa phương hóa, cũng chính là tạo điều kiện quốc tế thuận lợi cho thực hiện đến cùng mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH. Kiên định và xây dựng thành công CNXH ở mỗi nước cũng chính là góp phần thực hiện mục tiêu cao nhất của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

Xét ở phạm vi toàn cầu, tham gia thực hiện CNQT là cùng chung tay giải quyết các vấn đề quốc tế, góp phần thực hiện mục tiêu vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ xã hội, phát triển bền vững. Đây cũng chính là những mục tiêu thời đại của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế hiện nay. Trong điều kiện hiện nay, lợi ích giai cấp - dân tộc - nhân loại là thống nhất. Cụ thể là, 17 mục tiêu phát triển bền vững được Liên hợp quốc đưa ra tại Chương trình Nghị sự 2030 (xóa đói nghèo, bảo đảm bình đẳng, môi trường sống, hòa bình...) là những mục tiêu hướng tới của nhân loại tiến bộ, nhưng đồng thời cũng chính là bảo đảm thực hiện lợi ích của các quốc gia - dân tộc. Đồng thời, đó cũng chính là mục tiêu thời đại mà sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân hướng tới. Những vấn đề toàn cầu nảy sinh trong thế giới đương đại càng tạo ra những điều kiện tất yếu khách quan cho sự thống nhất về mục tiêu, ý chí, hành động của không chỉ giai cấp công nhân, các đảng cộng sản, đảng công nhân, mà còn của các lực lượng xã hội tiến bộ ngày càng được mở rộng. Vậy là, chính CNQT vừa thống nhất mục tiêu, vừa thúc đẩy cho sự mở rộng và phát triển CNQT của GCCN hiện nay.

Mặt khác, thực hiện hiệu quả CNQT của GCCN cũng chính là góp phần thực hiện những mục tiêu toàn cầu, tức là thực hiện CNQT.

Chủ thể tham gia thực hiện CNQT của GCCN là GCCN, các đảng cộng sản, đảng công nhân, lực lượng xã hội tiến bộ - cũng chính là một bộ phận chủ thể tham gia thực hiện CNQT; nên mối quan hệ của các chủ thể đó cũng chính là bộ phận trong hệ thống quan hệ quốc tế. Không chỉ vậy, với mục tiêu đặc thù trong hoạt động của mình, đây chính là những chủ thể tích cực trong việc phản đối những hành động đi ngược lại lợi ích chính đáng và tốt đẹp của nhân loại và luôn là lực lượng đi đầu trong ủng hộ và xây dựng những giá trị tiến bộ ở mỗi quốc gia, khu vực và trên phạm vi toàn cầu. Điển hình như: Các chủ đề thảo luận của Hội nghị các đảng cộng sản và công nhân thế giới - IMCWP, Diễn đàn Sao Paulo... đều xoay quanh các vấn đề về bảo đảm thực hiện mục tiêu hòa bình, dân chủ, tiến bộ, phát triển bền vững; lên án các chính sách hiếu chiến của Mỹ khi phát động cuộc chiến ở Ápganixtan, Irắc... Các lực lượng xã hội tiến bộ cũng thường xuyên thể hiện sự phản đối đối với những hành động làm hủy hoại môi trường sống, như phong trào Ende Gelände của Đức, Extinction Rebellion ở Anh. Các diễn đàn, hội nghị cũng tập trung thảo luận về những vấn đề của toàn cầu hóa: Hội nghị tại Síp (tháng 12-2000) với chủ đề “Sự cần thiết và phương thức tổ chức nhằm đối phó với trật tự thế giới mới và toàn cầu hóa kinh tế” đã thu hút 60 đoàn đại biểu đảng cộng sản, công nhân tham dự, Hội thảo quốc tế tại Béclin (Đức, tháng 6-2001) với chủ đề “Toàn cầu hóa tư bản chủ nghĩa - các giải pháp thay thế - các lực lượng chống đối - vai trò của những người cộng sản” thu hút sự tham gia của đại biểu 33 đảng cộng sản, công nhân và phong trào thuộc 31 nước(6)...

Như vậy, tăng cường thực hiện CNQT của GCCN trong bối cảnh hiện nay, chẳng những không bất lợi, mà còn góp phần hình thành sức mạnh tổng hợp, tạo điều kiện thuận lợi để bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc. Đồng thời, trong bối cảnh hiện nay, CNQT và CNQT của GCCN càng thể hiện sự thống nhất, tương hỗ, chứ không bài trừ, phủ định nhau. Sự thống nhất này đòi hỏi chúng ta cần có đường lối đối ngoại phù hợp để phát huy sức mạnh quốc tế, tạo nên sức mạnh tổng hợp để bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, vì lợi ích tiến bộ chung của nhân loại.

Vì những lẽ đó, quan điểm cho rằng, hiện nay phải thực hiện CNQT, chứ không phải CNQT của GCCN là hoàn toàn sai lầm, biểu hiện của chủ nghĩa xét lại còn tồn tại trong phong trào cộng sản, nhất là từ năm 1991 đến nay.

3. Phê phán những luận điệu xuyên tạc bản chất mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa

Sau khi CNXH ở các nước Đông Âu và Liên Xô sụp đổ, các nước theo chế độ XHCN còn lại vẫn tiếp tục kiên định con đường đã lựa chọn dưới sự lãnh đạo của đảng mang bản chất giai cấp công nhân. Đảng Cộng sản cầm quyền ở các nước này đang là chủ thể chính và truyền cảm hứng lớn lao cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế hiện nay, là lực lượng nòng cốt của phong trào để xây dựng CNXH theo cách riêng của mình và chung tay cùng các đảng cộng sản, công nhân, lực lượng xã hội tiến bộ thực hiện mục tiêu chung của thời đại. Bản thân các đảng cầm quyền hiện nay cũng luôn đoàn kết, phát huy mối quan hệ đặc biệt, hữu nghị, truyền thống để tương trợ, giúp đỡ, chia sẻ, hợp tác, thúc đẩy nhau cùng tiến bộ, vì lợi ích của mỗi quốc gia cũng như vì sự nghiệp chung. Những nỗ lực đó đang ngày càng mang lại những thành tựu to lớn cho mỗi nước trên con đường phát triển của mình. Điều này càng khiến cho các thế lực thù địch, với dã tâm muốn chia rẽ khối đoàn kết ấy, điên cuồng chống phá CNXH, xuyên xuyên tạc, bóp méo bản chất tốt đẹp của những mối quan hệ này, trong đó có mối quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc, Lào và Cuba.

Với Việt Nam, mối quan hệ với các nước theo định hướng XHCN là mối quan hệ đặc biệt, vừa là quan hệ truyền thống, đồng chí, cùng nhau kiên trì mục tiêu xây dựng thành công CNXH, cùng nhau đoàn kết vì sự nghiệp chung của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế trong bối cảnh khó khăn và phức tạp hiện nay, vừa nằm trong quan hệ đối ngoại chung của môi trường hợp tác quốc tế đa dạng hóa, đa phương hóa.

Dù có những lúc thăng trầm, nhưng sự thống nhất về tư tưởng và hành động của các đảng cầm quyền (Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng Cộng sản Trung Quốc, Đảng Cộng sản Cuba, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào...) luôn là dòng chảy chủ đạo. Sự thống nhất về tư tưởng được thể hiện ở chỗ, các đảng đều lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng. Về hành động, đó là sự tương trợ, giúp đỡ vật chất và tinh thần; trao đổi song phương và đa phương về lý luận và kinh nghiệm quản trị đất nước (Hội thảo lý luận giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc được tổ chức định kỳ 2 năm, đến nay đã có 17 lần tổ chức); cùng tham gia và tổ chức các diễn đàn, hội nghị đa phương giữa các đảng cộng sản và công nhân quốc tế, các tổ chức tiến bộ hoạt động vì những mục tiêu phát triển của thời đại.

Đồng thời, quan hệ đối ngoại giữa các nước đều đang được nâng lên một tầm cao mới, không chỉ là hòa bình, hữu nghị, mà cùng nhau mở rộng hợp tác, phát triển trên mọi lĩnh vực.

Trong quan hệ giữa Việt Nam với các nước, đó không phải là sự “lệ thuộc”, hay “chọn bên”. Tại cuộc tiếp đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã nhấn mạnh: Trung Quốc cũng luôn coi trọng, mong muốn và sẵn sàng cùng với Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam tiếp tục quan hệ đối tác, hợp tác chiến lược toàn diện trong quá trình xây dựng CNXH, cùng nhau bước sang giai đoạn phát triển mới, với tin cậy chính trị cao hơn, hợp tác thực chất hơn, nền tảng xây dựng vững chắc hơn.

Đồng thời, đó cũng không phải là sự “hạ thấp” trong quan hệ, mà đó là quá trình hiện thực hóa chủ trương đã được Đảng ta xác định: Tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển; “Coi trọng phát triển quan hệ hợp tác, hữu nghị, truyền thống với các nước láng giềng”, “ủng hộ các đảng cộng sản và công nhân, các phong trào tiến bộ xã hội trong cuộc đấu tranh vì những mục tiêu chung của thời đại”. Đó là những mối quan hệ được xây dựng trên “tòa lâu đài” vững chắc của niềm tin và sự thủy chung son sắt của lịch sử, hiện tại và tương lai.

Có thể nói, trong bối cảnh hiện nay, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, CNQT của GCCN đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, bất lợi từ những nguyên nhân khách quan và chủ quan. Nhưng sự đoàn kết của các lực lượng này, vì những mục tiêu tiến bộ của thời đại cũng như sự hiện thực hóa các giá trị của CNXH, cùng với những cơ sở khách quan về kinh tế và chính trị - xã hội hiện nay, thì sự phục hồi của nó sẽ không có thế lực nào ngăn cản được. Những luận điệu sai trái, thù địch đang cố tình phủ nhận CNQT của GCCN, cũng chính là phủ nhận sức sống và giá trị thời đại của chủ nghĩa Mác - Lênin, phủ nhận CNXH, và cũng chính là những thế lực đang ngăn cản sự phát triển của nhân loại.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 546 (tháng 8-2023)

Ngày nhận bài: 01-8-2023; Ngày bình duyệt: 10 -8-2023; Ngày duyệt đăng: 24-8-2023.

(1) Ronald C.Brown: Robots, new technology and Industrial 4.0 in changing workplace in Changing Workplaces. Impacts on Labor and Employment Laws, American University Business Law Review, 2018, p.355.

(2) C.Wright Mills: The Power Elite, The Oxford Handbook of Classics in Public Policy and Administration, 2016; xem tại: https://doi.org/10.1093/oxfordhb/9780199646135.013.15.

(3), (5) Toàn văn bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc năm 2022, https://baochinhphu.vn/.

(4) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.84.

(6) https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ho-so-su-kien-nhan-chung/phong-trao-cong-san-cong-nhan-quoc-te/cac-dang-cong-san-cong-nhan/cac-dang-cong-san-cong-nhan-tren-the-gioi-quan-he-quoc-te-va-vai-tro-vi-tri-trong-doi-song-chinh-tri-xa-3388: Các đảng cộng sản, công nhân trên thế giới: Quan hệ quốc tế và vai trò, vị trí trong đời sống chính trị - xã hội các nước hiện nay.

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền