Trang chủ    Bài nổi bật    Thể chế
Thứ năm, 15 Tháng 5 2014 15:16
2552 Lượt xem

Thể chế

(LLCT) - Mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ có thể trình độ phát triển khác nhau, song đều được vận hành bởi sự chi phối trực tiếp hay gián tiếp của thể chế. Cho đến hiện nay đã và đang có sự ghi nhận rộng rãi về vai trò của thể chế đối với sự phát triển nói chung, tăng trưởng phát triển kinh tế nói riêng, song vẫn chưa có sự thống nhất chung về lý luận thể chế và hiện tồn tại những quan niệm khác nhau về thể chế. 

Theo quan niệm của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF):Thể chế có thể được hiểu là cái tạo thành khung khổ trật tự cho các quan hệ của con người, định vị cơ chế thực thi và giới hạn của các quan hệ giữa các bên tham gia tương tác; là ý chí chung của cộng đồng xã hội trong việc xác lập trật tự, những quy tắc, những ràng buộc và các chuẩn mực, giá trị chung được mọi người chia sẻ(1)

Nghiên cứu của Simon Anholt, Dung (2008) cho rằng, thể chế bao gồm ba yếu tố: luật pháp, bộ máy nhà nước, phương thức điều hành đất nước. Giá trị phổ biến về thể chế của những nước phát triển thuộc OECD (được xem như là những nước có thương hiệu quốc gia tốt nhất) là dân chủ, tam quyền phân lập, kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế...Những giá trị này có tính bền vững vì dù ở những nước này đã nổ ra hàng chục cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội, nhưng không những đã không phá hủy những giá trị bền vững ấy mà còn làm cho những giá trị phổ biến ấy ngày càng hoàn thiện hơn.

Theo Douglass North (Nobel kinh tế 1993), thể chế là những ràng buộc mà con người tạo ra để định hướng cho những tương tác giữa người với người. Hoặc nói một cách khác, thể chế là những “luật chơi trong một xã hội”. Nếu chúng làm tốt thì sẽ khích lệ con người hành động theo hướng tạo ra những kết quả tốt đẹp, và ngược lại. Những “luật chơi” này bao gồm những thể chế chính thức (chẳng hạn như luật pháp, quyền sở hữu, cách thức tổ chức quyền lực nhà nước) và những thể chế phi chính thức (chẳng hạn như những tục lệ, truyền thống, và chuẩn mực ứng xử trong xã hội). North cho rằng những thể chế không chính thức cũng rất quan trọng, chúng có ảnh hưởng đối với sự thành công hay thất bại của những thể chế chính thức. Thí dụ, cho dù nhiều đạo luật tốt được ban hành nhưng nếu thiếu vắng tinh thần thượng tôn pháp luật thì hiệu quả của chúng chẳng là bao.

Một số nhà nghiên cứu của Việt Nam đồng ý rằng thể chế là một khái niệm rộng, được định nghĩa bao quát, đôi  khi  mơ  hồ, gồm  những  luật  chơi  chính  thức  hoặc  phi  chính  thức  định  hình  nên phương thức ứng xử của con người(2). Thể chế của một quốc gia, vùng lãnh thổ bao gồm: Thể chế chính thức và thể chế phi chính thức. Thể chế chính thứcgồm hiến pháp, luật, đặc biệt là các quyền sở hữu, luật pháp về tự do khế ước, tự do cạnh tranh, tổ  chức công quyền,  nhất là các thiết  chế thi hành pháp  luật  và  những quy trình kiểm soát quyền lực công cộng khác được thực hiện bởi những cơ chế khách quan. Thể chế phi chính thứcgồm vô tận các quy tắc bất thành văn, quy phạm, những điều cấm kỵ được tuân thủ trong quan hệ giữa nhóm người.

Như vậy, hiểu một cách khái quát thì Thể chế là những nguyên tắc xác định mối quan hệ xã hội; định hình cách thức ứng xử của các thành viên trong xã hội và điều chỉnh sự vận hành xã hội.

Một cách cụ thể thì nội hàm thể chế bao gồm 3 yếu tố chính: Hệ thống pháp luật, các quy tắc xã hội điều chỉnh các mối quan hệ và các hành vi được pháp luật thừa nhận của một quốc gia; Các chủ thể thực hiện và quản lý sự vận hành xã hội (bao gồm nhà nước, cộng đồng cư dân, các tổ chức xã hội dân sự); Các cơ chế, phương pháp, thủ tục thực hiện hoạt động xã hội, quản lý và điều hành sự vận hành xã hội.

Thể chế và hiệu lực của thể chế có vai trò quan trọng và quyết định đối với phát triển quốc gia. Tuy nhiên, vai trò của thể chế phụ thuộc lớn vào chất lượng của khung khổ pháp luật; sự can thiệp của chính phủ và hiệu quả hoạt động của môi trường xã hội. Tình trạng quan liêu hay can thiệp quá mức, tham nhũng, tình trạng thiếu trung thực trong thực hiện, quản lý và điều hành sự vận hành xã hội, hoặc thiếu minh bạch, công khai, sự phụ thuộc lớn của hệ thống tư pháp(3) có thể khiến cho hiệu lực thể chế bị giới hạn, theo đó sẽ ảnh hưởng và cản trở phát triển nói chung, phát triển kinh tế nói riêng.

Bởi vậy, ngoài việc nhận biết nội hàm thể chế, những nhân tố tác động, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả của thể chế như vừa nêu, thì một sự nhận thức căn bản và đầy đủ về vai trò của thể chế là rất cần thiết, bởi có nhận biết được những vai trò của thể chế mới thấy hết được ý nghĩa, tầm quan trọng của nó đối với sự phát triển của một quốc gia. Từ đó có những đầu tư thích đáng để có được một thể chế thực sự tốt, thực sự hiệu quả cho quốc gia.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 3-2014

(1) Diễn đàn Kinh tế thế giới WEF: Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2009, 2010.

(2) PGS, TS Phạm Duy Nghĩa, Khoa Luật & Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, Đại học kinh tế thành phố Hồ Chí Minh

(3) Theo luật học, cơ quan tư pháp hay hệ thống tư pháp là một hệ thống tòa án nhân danh quyền tối cao hoặc nhà nước để thực thi công lý, một cơ chế để giải quyết các tranh chấp. Thuật ngữ này cũng được dùng để đề cập đến cả quan tòa ở các cấp, những người thiết lập nền móng cho một bộ máy tư pháp và cả những người trợ giúp cho hệ thống này hoạt động tốt.

 

PGS, TS Phạm Thị Túy

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền