Trang chủ    Bài nổi bật    Hội thảo: Học tập và làm theo phong cách Hồ Chí Minh
Thứ hai, 19 Tháng 5 2014 08:04
2630 Lượt xem

Hội thảo: Học tập và làm theo phong cách Hồ Chí Minh

(LLCT) - Ngày 16 tháng 5 năm 2014, tại Hà Nội, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh và Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học thực tiễn: “Học tập và làm theo phong cách Hồ Chí Minh”, hướng tới kỷ niệm lần thứ 124 ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. TS Đỗ Hoàng Linh, Phó giám đốc Khu di tích Phủ chủ tịch và PGS, TS Nguyễn Thị Kim Dung, Phó viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng chủ trì hội nghị. Hội nghị nhận được sự tham gia đóng góp tham luận của nhiều nhà khoa học, nhằm làm sáng tỏ những nội dung, giá trị, ý nghĩa to lớn và sâu sắc phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Công, Giám đốc khu di tích Phủ Chủ tịch nhấn mạnh, việc lựa chọn chủ đề Hội thảo “ Học tập và làm theo phong cách Hồ Chí Minh” là nhằm tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, đưa việc học tập noi gương trở thành nhiệm vụ thiết thực, thường xuyên của toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đồng thời, Hội thảo cũng là cơ hội để ôn lại và đào sâu nghiên cứu những nội dung tinh hoa, cô đọng của phong cách Hồ Chí Minh, để hiểu thấu ý nghĩa và giá trị của phong cách tư duy, phong cách làm việc, phong cách diễn đạt, phong cách ứng xử và sinh hoạt của Người.

 Các tham luận đều khẳng định, phong cách Hồ Chí Minh là tài sản vô giá của dân tộc, xuất phát từ cuộc đời hoạt động cách mạng phong phú và nhiều gian truân của Người, là sự kết tinh của tinh hoa văn hoá dân tộc với văn hoá nhân loại, có ảnh hưởng sâu sắc đến Đảng, đến dân tộc và cộng đồng quốc tế. Đó là một phong cách gần gũi, giản dị mà vẫn ngời sáng những phẩm chất riêng có, đã được toàn thể nhân dân và đông đảo bạn bè trên toàn thế giới ghi nhận và ca ngợi. PGS, TS Trịnh Đình Tùng, Đại học Sư phạm nhấn mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh không phải là bắt chước, làm theo một cách rập khuôn, máy móc, mà đó là học tập cách làm, cách ứng xử của Người trong những bối cảnh, tình huống cụ thể để rút ra kinh nghiệm cho bản thân, áp dụng linh hoạt, sáng tạo vào đời sống và công việc.

Bàn về phong cách làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều nhà khoa học đã đề cập đến những điểm sáng, điểm nổi bật ở Người, đó là phong cách làm việc khoa học, chính xác, có kế hoạch, nói đi đôi với làm. ThS Lường Thị Lan, Khu di tích Phủ Chủ tịch nêu rõ, đối với Người, mỗi công việc từ lớn đến nhỏ đều cần được đề ra và thực hiện theo một quy trình cụ thể, từ việc ra quyết định đến thi hành và kiểm tra. Để ra được những quyết định đúng đắn, theo Người cần có thời gian đi sâu, bám sát, có điều tra nghiên cứu kỹ lưỡng, nắm tình hình cụ thể để từ đó đề ra phương án hiệu quả, tránh chủ quan, duy ý chí, hạn chế tình huống bất ngờ, tránh sa đà vào giải quyết vụ việc mà không nhìn vào tổng thể, không nhìn xa trông rộng. Người đề cao vao trò của tư duy phân tích, so sánh, đối chiếu và đòi hỏi cán bộ khi quyết định vấn đề cần tự đặt câu hỏi: Vì sao có vấn đề này, xử trí như thế này sẽ ra sao? Để đạt được điều đó, Người yêu cầu cán bộ dành nhiều thời gian đi thực tế ở cơ sở, nắm thông tin, sàng lọc những thông tin sai lệch. Đồng tình với ý kiến trên, PGS, TS Phạm Hồng Chương, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, khẳng định trong bài tham luận về Phong cách tư duy lý luận gắn với thực tiễn của Hồ Chí Minh: Ở Chủ tịch Hồ Chí Minh nổi bật phong cách tư duy gắn lý luận với thực tiễn, Người đặc biệt lên án bệnh kinh nghiệm, giáo điều. Người luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng, tuy nhiên cần hết sức tránh coi chủ nghĩa Mác - Lênin là giáo điều có sẵn, từ đó áp dụng rập khuôn, máy móc. Người cán bộ cần tự rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng, nắm vững lý luận, kết hợp với thực tế công việc để đưa ra những quyết sách hợp lý, hợp ý dân, như vậy mới được dân tin tưởng.

Tiếp cận từ góc độ cuộc sống đời thường, nhiều nhà khoa học cùng nhìn nhận, một điểm sáng trong phong cách Hồ Chí Minh là tính tiết kiệm thời gian. ThS Nguyễn Anh Minh, Khu di tích Phủ Chủ tịch phân tích nhiều câu chuyện về cuộc sống hằng ngày của Người trong thời gian sống và làm việc tại Phủ Chủ tịch, trong đó nêu bật đức tính quý trọng thời gian, tài năng sắp xếp tổ chức công việc của Người. Người thường phê phán thói làm việc hời hợt, quan liêu, sử dụng thời gian công để làm việc tư của không ít cán bộ. Đổi với Người, tiết kiệm thời gian không chỉ là cho bản thân, Người còn tôn trọng thời gian của người khác, với mục đích cuối cùng là vì lợi ích chung. ThS Lường Thị Lan bổ sung, đức tính tiết kiệm thời gian ở Chủ tịch Hồ Chí Minh còn được thể hiện ở việc lên kế hoạch cụ thể, từ kế hoạch dài hạn đến ngắn hạn, từ đó người cán bộ có tầm nhìn bao quát về công việc và chủ động hơn trong mọi tình huống. Người không đồng tình với những cán bộ thường chỉ vạch kế hoạch mà xem nhẹ việc thực hiện và kiểm tra đánh giá kết quả, coi đó là sự lãng phí thời gian, công sức của nhân dân.

Một đức tính nổi bật ở Chủ tịch Hồ Chí Minh là phong cách nêu gương, nói đi đôi với làm. Về tấm gương nêu cao tinh thân trách nhiệm, TS Chu Đức Tính nêu: ở Người nổi bật một tinh thần trách nhiệm trước công việc, trước Đảng và nhân dân, Người luôn nêu gương và giáo dục cán bộ để tích cực, tự nguyện thực hiện nhiệm vụ được giao. Trong bài tham luận về Phong cách quần chúng, nêu gương, TS Đặng Văn Thái phân tích, phong cách quần chúng chính là sự gần dân, thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của dân. Cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một minh chứng hùng hồn cho điều đó: Trong mười năm làm việc tại Phủ Chủ tịch, người đã 700 lần đi thăm, đi thực tế nắm tình hình ở cơ sở. Với Người, nêu gương trước hết là với mình - phải luôn học tập, cầu tiến bộ, tự phê bình; với người khác - cần giữ sự chân thành, khoan dung; với công việc - phải dĩ công vi thượng. Theo Người, “một tấm gương sáng còn giá trị hơn 100 bài diễn văn”.

Tiếp thu tinh hoa nền giáo dục phương Tây, ở Người còn nổi bật phong cách dân chủ thẫm đẫm tinh thần cách mạng: Theo người, mọi công việc từ lớn đến nhỏ đều cần bàn bạc, lấy ý kiến tập thể, phát huy sức mạnh của tập thể. Người đề cao nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, nhấn mạnh trách nhiệm của từng cá nhân trong công việc và luôn nhắc nhở cán bộ phải cẩn thận tránh sa vào hình thức: “Mọi thói quen hình thức chủ nghĩa sẽ làm xói mòn và triệt tiêu dân chủ”.

Hội thảo đã nhận được gần 35 tham luận của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, khái quát được những nét nổi bật nhất trong phong cách Hồ Chí Minh, đồng thời nêu lên những suy nghĩ, trăn trở về trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên đối với việc học tập và thực hiện theo tấm gương phong cách của Người. Phát biểu kết luận tại Hội thảo, PGS, TS Nguyễn Thị Kim Dung cho rằng Hội thảo đã góp phần làm sáng tỏ hơn nữa những nội dung, giá trị trong phong cách Hồ Chí Minh, xây dựng và rèn luyện phong cách của người đảng viên, cán bộ cách mạng theo tinh thần chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết XI của Đảng. 

Lê Minh Ngọc

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền