Trang chủ    Bài nổi bật    Bảo vệ chủ quyền quốc gia và độc lập dân tộc trong thế giới toàn cầu hóa
Thứ năm, 22 Tháng 5 2014 14:45
6998 Lượt xem

Bảo vệ chủ quyền quốc gia và độc lập dân tộc trong thế giới toàn cầu hóa

(LLCT) - Xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc XHCN là hai nhiệm vụ chiến lược của toàn Đảng, toàn dân ta, trong đó bao hàm nhiệm vụ vừa nóng bỏng, cấp bách, vừa cơ bản, lâu dài - đó là bảo vệ chủ quyền quốc gia, độc lập dân tộc. 

1. Tuy đã được đề cập trong lịch sử tư tưởng và thực tiễn chính trị thế giới từ các thời kỳ trước, nhưng chỉ đến khi chiến tranh 30 năm (1618 - 1648) ở châu Âu kết thúc, bản Hòa ước Westphalia đã chính thức thể chế hóa một cách rộng rãi phạm trù chủ quyền quốc gia (national sovereignity): mỗi quốc gia là một thực thể độc lập có quyền định đoạt mọi công việc nội bộ, quyết định các vấn đề chiến tranh, hoà bình, ký các hiệp ước quốc tế nhưng không được can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác. Từ nội hàm cơ bản ban đầu này, phạm trù chủ quyền quốc gia liên tục được bổ sung, phát triển. Trên ý nghĩa phổ biến nhất, chủ quyền quốc gia là toàn quyền lãnh đạo, quản lý đất nước; là sự độc lập về chính trị và sự tự chủ của nhà nước trong các hoạt động đối nội và đối ngoại, không chịu sự can thiệp, chi phối của các thế lực bên ngoài; là quyền tài phán cao nhất và cuối cùng đối với tất cả các vấn đề của nước mình; là quyền tự quyết định chế độ xã hội; là quyền bình đẳng giữa các quốc gia trong sinh hoạt quốc tế, quyền hoạch định đường lối, chiến lược phát triển đất nước...

Trong nội hàm của chủ quyền quốc gia có hai thành tố là độc lập và tự chủ của quốc gia dân tộc. Độc lập của quốc gia (national independence) là chủ quyền về mặt pháp lý (sovereignity de jure), hay chủ quyền danh nghĩa (conceptual sovereignity) trên tất cả các lĩnh vực: lãnh thổ, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại, an ninh…, phản ánh trạng thái không bị phụ thuộc, không chịu sự khống chế của các thế lực khác. Tự chủ của quốc gia (self governance, self control) là chủ quyền trên thực tế (sovereignity de facto), phản ánh năng lực thực hiện chủ quyền cũng như sức mạnh, tiềm năng, thế lực của quốc gia.

Chỉ tính riêng trong lịch sử hiện đại từ năm 1917 đến nay, thế giới đã chứng kiến hàng trăm cuộc chiến tranh lớn, nhỏ; phải đổ biết bao xương máu và giành được nhiều tiến bộ mang tính bước ngoặt trong tiến trình nhận thức và bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia. Hiện nay, cuộc đấu tranh bảo vệ giá trị thiêng liêng này vừa có nhiều cơ hội; vừa đứng trước nhiều khó khăn, thách thức do những đặc điểm của thế giới toàn cầu hóa tạo ra.

Thế giới toàn cầu hóa là một không gian kinh tế, xã hội, văn hóa và chính trị đang ngày càng được nhất thể hóa dưới sự tác động của quá trình hội nhập quốc tế do đông đảo các quốc gia dân tộc và các chủ thể quan hệ quốc tế khác triển khai. Dưới tác động của hàng loạt nhân tố này, thế giới từng bước được nhất thể hóa. Các quốc gia dân tộc, các đảng cầm quyền và chính phủ của mỗi nước, tuy vẫn còn đầy đủ chức trách, quyền hạn, nhưng đều trở thành bộ phận của các hệ thống, có trách nhiệm tuân thủ các quy định chung.

Thế giới toàn cầu hóa là cộng đồng, một xã hội quốc tế được vận hành trên cơ sở nền quản trị toàn cầu (global governance), bên cạnh nền quản trị quốc gia.Chủ thể sử dụng quyền lực quản lý toàn cầu rất đa dạng: các thiết chế liên kết quốc tế; các hiệp hội quốc tế của các công dân tự nguyện thuộc nhiều quốc gia; các tập đoàn tư bản xuyên quốc gia... Chiều hướng vận hành của quyền lực không thuần tuý theo chiều từ trên xuống dưới, mà đa nguyên, đa chiều, trong đó phổ biến là theo chiều ngang. Hoạt động quản lý không còn là một quá trình ban bố mệnh lệnh, chế định chính sách đơn hướng, mà là một quá trình tác động qua lại giữa các chủ thể.

Thế giới toàn cầu hóa đang chịu sự chi phối, lũng đoạn của của các thế lực phương Tây, trước hết là chính quyền Mỹ, chính phủ các nước tư bản phát triển và các tập đoàn tư bản độc quyền xuyên quốc gia.Xét về tổng thể, quá trình toàn cầu hóa kinh tế hiện nay là quá trình mở rộng, củng cố thị trường cho các tập đoàn tư bản độc quyền; là quá trình xác lập các quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa trên quy mô toàn cầu; là quá trình tuyên truyền, áp đặt chủ nghĩa tự do mới như hình thái ý thức hệ tư bản chủ nghĩa trong bối cảnh của thế giới đương đại; là quá trình xâm lăng văn hóa một cách thô bạo từ phía các cường quốc tư bản đến các quốc gia dân tộc; là quá trình can thiệp vừa tinh vi vừa trắng trợn vào công việc nội bộ của các quốc gia có chủ quyền…

Thế giới toàn cầu hoá là môi trường hợp tác; đồng thời là mặt trận đấu tranh gay go, quyết liệt của các quốc gia độc lập có chủ quyền và các lực lượng tiến bộ khác vì các mục tiêu hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và phát triển.Thế giới hiện nay là một diễn đàn đối thoại, thị trường đầu tư chung, không gian sản xuất - kinh doanh liên hoàn, môi trường không thể thiếu cho hợp tác và phát triển. Mặt khác, chủ nghĩa tự do mới, trên cả hai phương diện ý thức hệ và chiến lược, chính sách của chủ nghĩa tư bản độc quyền hiện đại, đang được hàng loạt các thiết chế chính trị, kinh tế quốc tế… triển khai khắp thế giới thông qua các chương trình cải cách cơ cấu, tự do hóa, tư nhân hóa…, đặt chính phủ của các quốc gia vào nhiều trách nhiệm nặng nề do các thế lực tư bản độc quyền định đoạt, đặt cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia của các nước đang phát triển vào tình thế gay go, quyết liệt chưa hề có tiền lệ.

Trước bối cảnh mới, các đảng cầm quyền và chính phủ các nước trên thế giới đều điều chỉnh chiến lược an ninh quốc gia, trong đó có nhiều nội dung liên quan đến chủ quyền quốc gia. Có thể khái quát một số khuynh hướng chung sau đây:

Các nước trên thế giới đều ưu tiên lợi ích quốc gia trong các hoạt động đối nội và đối ngoại. Về mặt đối nội, các quốc gia đều coi trọng việc xác lập, bảo vệ và củng cố các giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc dân tộc; thực thi nhiều chính sách phát triển kinh tế - xã hội tích cực, khắc phục sự mất cân đối, cố gắng tạo lập sự hài hoà lãnh thổ, vùng miền, sắc tộc…, hướng tới sự đồng thuận, gắn kết dân tộc; tăng cường hiệp thương chính trị giữa các lực lượng trong nước nhằm ổn định thể chế; linh hoạt xử lý các điểm nóng nhằm hóa giải các mâu thuẫn và nguy cơ bùng nổ từ bên trong... Về mặt đối ngoại, ranh giới ý thức hệ, tôn giáo, lý tưởng, cùng chung chế độ xã hội... không còn nhiều ý nghĩa, thay vào đó là những điểm tương đồng về lợi ích quốc gia được xem như cơ sở quan trọng nhất cho việc thiết lập các quan hệ chính thức. Nếu không có lợi đối với lợi ích quốc gia, các nước sẽ không đối đầu, không can dự, không đứng về phía nào. Ngược lại, để bảo vệ lợi ích quốc gia, chính quyền nhiều nước, nhất là các cường quốc, sẵn sàng thị uy, trừng phạt, huy động tổng lực mở chiến dịch quân sự tấn công, xâm chiếm lãnh thổ…  

Các thế lực cường quyền triển khai nhiều học thuyết và hành động bất chấp chủ quyền quốc gia và độc lập dân tộc của các nước trên thế giới. Trên lĩnh vực kinh tế, đó là chủ nghĩa tự do mới, Đồng thuận Oasinhtơn, Hiệp định đầu tư đa phương (MAI)... Đây vừa là quá trình mở rộng thị trường cho các tập đoàn tư bản độc quyền; vừa là thủ đoạn củng cố, áp đặt các quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa trên phạm vi toàn thế giới trên cơ sở thủ tiêu chủ quyền, tự chủ, ổn định, độc lập kinh tế của các quốc gia dân tộc đang phát triển, chậm phát triển. Trên lĩnh vực quân sự - chính trị, đó là các học thuyết: vượt trên ngăn chặn, diễn biến hoà bình, sáng kiến phòng thủ chiến lược, đánh đòn phủ đầu, chống chủ nghĩa khủng bố, các học thuyết nhân quyền cao hơn chủ quyền, can thiệp nhân đạo, can dự và mở rộng, can dự toàn diện... Trên lĩnh vực văn hóa, đằng sau tấm màn giao lưu văn hóa quốc tế, ngày càng lộ rõ cuộc xâm lăng văn hóa do các thế lực cường quyền thế giới triển khai nhờ tận dụng tối đa ưu thế công nghệ truyền thông, quảng bá, biểu diễn, trưng bày, xuất bản…Bên cạnh đó, chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, sô vanh nước lớn, bành trướng, bá quyền đang làm nóng lên vấn đề chủ quyền ở nhiều không gian địa chính trị trên thế giới: tranh chấp các đảo giữa Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc ở Đông Bắc Á; vấn đề “đường lưỡi bò” ở Biển Đông giữa Trung Quốc, Việt Nam, Philippin và một số nước Đông Nam Á khác...

Đẩy mạnh quan hệ quốc tế trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia, độc lập dân tộc. Các nước trên thế giới, đi đầu là các nước đang phát triển và các lực lượng chính trị tiến bộ, đang tăng cường ngoại giao đa phương, chia sẻ quan điểm, phối hợp hành động, tạo tiếng nói và sức mạnh, đối trọng tập thể trước các thế lực lớn. Diễn đàn Liên hợp quốc (UN), Phong trào Không liên kết (NAM), Nhóm 77 (G77), Nhóm 20 (G20), Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn An ninh Khu vực ASEAN (ARF), Đối thoại Sanghri La, Hiệp hội liên kết Mỹ La tinh (ALADI), Cộng đồng các nước Caribe (AEC), Tổ chức Thống nhất châu Phi (OAU), Diễn đàn Xã hội Porto Alegre… là những thiết chế toàn cầu hữu hiệu, tạo ra sự thay đổi không thể phủ nhận về tương quan lực lượng trong cuộc đấu tranh chung hiện nay.

2. Xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc XHCN là hai nhiệm vụ chiến lược của toàn Đảng, toàn dân ta, trong đó bao hàm nhiệm vụ vừa nóng bỏng, cấp bách, vừa cơ bản, lâu dài - đó là bảo vệ chủ quyền quốc gia, độc lập dân tộc. Trong tình hình hiện nay, rất cần triển khai có hiệu quả các phương hướng, giải pháp sau đây:

Một là, quán triệt sâu sắc Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI Về chiến lược bảo vệ Tổ quốc và các quan điểm, đường lối, chủ trương quan trọng khác của Đảng. Giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; mở rộng quan hệ đối ngoại, chủ động hội nhập, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; tăng cường tiềm lực quốc phòng, bảo đảm vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia cả ở đất liền, vùng trời, vùng biển và hải đảo. Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế là định hướng chiến lược lớn của Đảng; hội nhập kinh tế là trọng tâm góp phần củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh quốc gia; hội nhập quốc tế là quá trình vừa hợp tác vừa đấu tranh, kiên định lợi ích quốc gia, dân tộc, chủ động dự báo, xử lý linh hoạt mọi tình huống, không để rơi vào thế bị động, đối đầu, không tham gia vào các liên minh của bên này chống bên kia...

Từ thực tiễn đổi mới gần 30 năm qua và thấm nhuần sâu sắc những bài học kinh nghiệm của cách mạng Việt Nam, Đảng ta nhất quán chủ trương giải quyết tốt các mối quan hệ lớn: quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa kinh tế thị trường và định hướng XHCN; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất XHCN; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; giữa xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc XHCN; giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ...

Hai là, đổi mới nhận thức về độc lập, tự chủ và chủ quyền quốc gia trong bối cảnh mới. Độc lập và tự chủ là hai phạm trù thống nhất nhưng không đồng nhất, phản ánh các mặt khác nhau của khái niệm chủ quyền quốc gia. Độc lập thể hiện mặt pháp lý của chủ quyền, tức là chủ quyền danh nghĩa. Tự chủ là năng lực thực hiện chủ quyền, tức chủ quyền thực tế. Không có một kết cấu độc lập, tự chủ chung cho mọi thời kỳ, mọi hoàn cảnh. Duy trì một kết cấu cứng nhắc về độc lập, tự chủ không phù hợp với hoàn cảnh đã thay đổi không chỉ gây tác động tiêu cực làm giảm sút sức mạnh tổng hợp của quốc gia, mà còn làm suy yếu chủ quyền của đất nước. Sự kết hợp giữa độc lập và tự chủ cần phải được điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với tình hình trong nước và quốc tế, dựa trên thế và lực của đất nước. Trong điều kiện hiện nay, trọng tâm của bảo vệ chủ quyền quốc gia là tăng cường toàn diện năng lực tự chủ, chứ không phải là cố sức duy trì một kết cấu độc lập cố định. Chủ quyền quốc gia không tránh khỏi bị thu hẹp nếu năng lực tự chủ của toàn bộ nền kinh tế, xã hội, văn hóa, an ninh, quốc phòng, đối ngoại... không được tích cực đổi mới và nâng cao.

Ba là, tập trung cải cách thể chế kinh tế, cải cách hành chính và cải cách tư pháp; mạnh dạn phân cấp, trao quyền cho các địa phương. Phát huy đầy đủ vai trò của cơ chế thị trường trong phân bổ các nguồn lực phát triển xã hội; kết hợp tốt chức năng điều tiết của chính phủ với cơ chế thị trường. Phát huy rộng rãi dân chủ trong toàn xã hội, không chỉ thể hiện sự phát triển của nền dân chủ chính trị, mà còn là sự trở về của quyền lực đến chủ thể đích thực của nó là dân nhằm giúp chính phủ thực hiện sự quản lý hiện thực đối với các mặt của đời sống xã hội. 

Bốn là, nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia, giải quyếtđúng đắn và có hiệu quả mối quan hệ giữa giữ vững độc lập, tự chủ và tích cực, chủ động hội nhập quốc tế. Sức mạnh tổng hợp của đất nước ta trong tình hình hiện nay được cấu thành bởi 4 thành tố: tiềm lực kinh tế, khoa học, quốc phòng, an ninh...; các giá trị Việt Nam, trước hết là truyền thống yêu nước và đại đoàn kết toàn dân tộc; vị thế quốc tế và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trên phương diện kinh tế, để nâng cao năng lực quốc gia, cần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; phát triển sức sản xuất, cải thiện hiệu quả sản xuất - kinh doanh; hiện đại hóa cơ cấu kinh tế và cơ chế quản lý; xác lập mô hình phát triển bền vững, trong đó phải đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, hợp lý và bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu toàn cầu và các tình huống khủng hoảng khác. Trên phương diện quốc phòng, an ninh, cần đảm bảo tư duy, nhận thức, đường lối, chiến lược, thế trận, nguồn lực, khả năng động viên, chỉ huy, tác chiến... đủ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra, cả trên bộ, trên không và trên biển. Chủ động xây dựng lực lượng và phương án tác chiến chống các nguy cơ đe dọa an ninh phi truyền thống.

Đẩy mạnh phát huy, xây dựng, củng cố các giá trị Việt Nam: tăng cường và đổi mới công tác giáo dục truyền thống yêu nước và các truyền thống tốt đẹp khác của các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam đến mọi tầng lớp nhân dân, trong đó có thế hệ trẻ và đồng bào ta ở nước ngoài; bổ sung nội dung mới phù hợp vào truyền thống yêu nước; tích cực xây dựng các giá trị XHCN trong thời kỳ mới; xây dựng hệ chuẩn giá trị Việt Nam nhân văn, tiến bộ; tiếp thu có chọn lọc các giá trị tích cực của thế giới; phê phán sự sao chép, chạy theo các giá trị ngoại lai không phù hợp...

Vị thế quốc tế của Việt Nam trong cục diện thế giới ngày nay được giữ vững và nâng cao bằng cách: tiếp tục thực hiện có hiệu quả đường lối đối ngoại hoà bình, độc lập, tự chủ, chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa; mở rộng các quan hệ đối tác chiến lược; củng cố quan hệ với các nước láng giềng, các nước cùng khu vực; củng cố, đổi mới quan hệ với các nước XHCN, các nước bạn bè truyền thống, các lực lượng cách mạng, tiến bộ; đảm nhiệm có hiệu quả mọi trách nhiệm và quyền hạn của một thành viên tích cực trong cộng đồng quốc tế; tăng thêm chiều sâu và sự ổn định cho các mối quan hệ quốc tế hiện có...

Yếu tố then chốt để nâng cao sức mạnh tổng hợp của Việt Nam hiện nay là nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, xây dựng chỉnh đốn Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, đấu tranh phòng chống sự suy thoái, nguy cơ tự diễn biến, tự chuyển hóa... của cán bộ, đảng viên.

Đối với Đảng cầm quyền và toàn quân, toàn dân, vấn đề đặt ra là kết hợp hài hòa, đúng đắn hai quá trình đổi mới, không rơi vào hữu khuynh, duy kinh tế; cũng không mắc phải giáo điều, bảo thủ. Để hành động như vậy, cần cả nhận thức khoa học và nghệ thuật lãnh đạo, bản lĩnh cầm quyền. Phải hết sức coi trọng mặt trận tư tưởng trong quá trình tiếp tục đổi mới kinh tế và chính trị trong thời gian tới. Trong xã hội ta hiện nay, cần chú trọng phòng chống ảnh hưởng của dân chủ tư sản, pháp quyền phương Tây, kinh tế chính trị tư bản chủ nghĩa...; phải đặc biệt thận trọng, cảnh giác trước lợi ích nhóm cấu kết với tham nhũng, tiêu cực.

Năm là, kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Xây dựng CNXH là tổng thể các hoạt động đối nội và đối ngoại của Đảng, Nhà nước và nhân dân nhằm tạo ra cơ sở vật chất - kỹ thuật tiên tiến, hiện đại; đồng thời, thiết lập các quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; do nhân dân làm chủ; thực hiện mục tiêu giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng con người, giải phóng xã hội khỏi chế độ áp bức, bóc lột, bất công, đem lại cuộc sống hoà bình, ấm no, tự do, hạnh phúc cho mọi người.

Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và bảo vệ chế độ XHCN; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, chủ động ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; không để đất nước bị động, bất ngờ. Thực chất của bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hiện nay là bảo vệ đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, bảo vệ chế độ XHCN đang trong quá trình xây dựng, còn nhiều hạn chế, yếu kém, phải đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức cả bên trong và bên ngoài.

Xây dựng chiến lược kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng - an ninh nhằm huy động sức mạnh tổng hợp và thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo quá trình thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược. Sự kết hợp này phải được cụ thể hóa ngay từ đầu, trong từng chủ trương, quy hoạch, kế hoạch... và phải được duy trì trong suốt quá trình phát triển. Thế bố trí chiến lược của nền kinh tế và thế trận quốc phòng, an ninh phải tạo thành một tổng thể hữu cơ, tạo tiền đề cho nhau cùng vững mạnh. Tổng thể đó phải đáp ứng yêu cầu: trong hoàn cảnh hoà bình, toàn bộ sức mạnh của kinh tế và quốc phòng, an ninh hướng vào mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; trong hoàn cảnh chiến tranh, sức mạnh tổng hợp ấy sẽ nhanh chóng được huy động cho nhiệm vụ quốc phòng, đảm bảo đánh bại mọi âm mưu, hoạt động của kẻ thù.

Chú trọng xây dựng, củng cố thế trận lòng dân làm nền tảng phát huy sức mạnh tổng hợp bảo vệ Tổ quốc; đồng thời, tăng cường tự bảo vệ, kiên quyết phòng chống tự diễn biến, tự chuyển hóa. Phải khơi dậy, quy tụ, phát huy tinh thần, ý thức, trách nhiệm, sức mạnh, trí tuệ, niềm tin... của mọi tầng lớp nhân dân. Nghiêm túc thực hiện các biện pháp bảo vệ chính trị nội bộ; tăng cường khả năng tự bảo vệ của từng người, từng tổ chức, của toàn Đảng và chế độ XHCN. Nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng chống tham nhũng, suy thoái để loại trừ các nguy cơ phá hoại từ bên trong, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ.

___________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 1-2014

 

PGS, TS Nguyễn Viết Thảo

Phó Giám  đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền