Trang chủ    Bài nổi bật    Một số điểm mới trong Chương trình cao cấp lý luận chính trị
Thứ năm, 21 Tháng 8 2014 15:23
7343 Lượt xem

Một số điểm mới trong Chương trình cao cấp lý luận chính trị

(LLCT) - Việc đổi mới Chương trình và giáo trình cao cấp lý luận chính trị - hành chính được chính thức triển khai từ tháng 1- 2012, do GS,TS Tạ Ngọc Tấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện làm Chủ nhiệm Chương trình.

Chương trình được triển khai theo 4 bước: xây dựng khung chương trình; viết đề cương chi tiết; viết giáo trình; tập huấn tất cả các bài đã được biên soạn trong giáo trình cho giảng viên của các đơn vị chuyên môn và các chuyên đề cho từng cơ sở đào tạo (các Học viện khu vực). Trong đó, bước 1 có sự tham gia đóng góp của Hội đồng khoa học Học viện và được Thường trực Hội đồng khoa học Học viện thông qua. Bước 2 và 3 có sự chỉ đạo trực tiếp của thủ trưởng và sự góp ý của Hội đồng khoa học các đơn vị, kể cả các Học viện khu vực.

Các sản phẩm được tổ chức nghiệm thu, thẩm định nghiêm túc và được Giám đốc Học viện phê duyệt. Để có được mỗi sản phẩm, Ban Chủ nhiệm Chương trình luôn chỉ đạo, theo dõi sát từng đơn vị, đặt ra yêu cầu, cung cấp những thông tin cần thiết để các cán bộ, giảng viên tham gia biên soạn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, với tinh thần tích cực, trách nhiệm cao, giáo trình cao cấp lý luận chính trị - hành chính đã được Giám đốc phê duyệt.

So với Chương trình đang sử dụng (Chương trình gồm 105 chuyên đề), Chương trình và giáo trình lần này có những điểm mới sau đây: 

1. Chương trình cao cấp lý luận chính trị của Học viện là chương trình đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý. Mục tiêu Chương trình được xác định rõ là cung cấp cho người học nhữngkiến thức nền tảng về lý luận chính trị và hành chính, làm cơ sở cho việc củng cố lập trường cách mạng, nâng cao năng lực tư duy khoa học và năng lực, phương pháp lãnh đạo quản lý, phương pháp tu dưỡng nhân cách, đạo đức công vụ của người cán bộ lãnh đạo, quản lý, đáp ứng yêu cầu của đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH; hội nhập và phát triển.

2. Chương trình cao cấp lý luận chính trị lần này được xây dựng là thống nhất cho toàn hệ thống Học viện (bao gồm Trung tâm Học viện, các Học viện khu vực I, II, III và IV), đồng thời cũng được sử dụng thống nhất cho các đối tượng đào tạo là các cán bộ người Kinh và cán bộ người dân tộc thiểu số, cho các hệ đào tạo tập trung và hệ không tập trung.

Đây là quyết định quan trọng của Giám đốc Học viện, Chủ nhiệm chương trình, là một chuyển biến có tính bước ngoặt về quan điểm đào tạo trong hệ thống Học viện. Theo đó, bằng cao cấp lý luận chính trị của các cơ sở đào tạo trong hệ thống Học viện có giá trị như nhau, không có sự phân biệt về trình độ được đào tạo.

Quyết định này cũng giúp cho việc tập trung trí tuệ vào việc xây dựng một chương trình thống nhất của Học viện, khắc phục sự đầu tư dàn trải thiếu hiệu quả của nhiều năm trước đây.

3. Xuất phát từ mục tiêu chung và những mục tiêu cụ thể của chương trình mới, Chương trình phải kế thừa các chương trình đã có, đặc biệt là 2 chương trình đang thực hiện ở 2 hệ tập trung và không tập trung tại trung tâm Học viện. Chương trình dùng cho hệ tập trung hiện tại (gọi tắt là Chương trình 105 chuyên đề), có ưu điểm là rất chú ý tới tính hiện đại của giáo trình nhưng kết cấu chương trình sắp xếp theo khối kiến thức và các chuyên đề. Do đó, chưa bảo đảm được kết cấu tổng thể của một chương trình đào tạo. Vai trò của các đơn vị giảng dạy trong Học viện không rõ. Việc bố trí giảng viên cho các lớp không tập trung tổ chức tại các địa phương không thực hiện được. Việc đánh giá chất lượng học tập cũng khó khăn vì khá nhiều chuyên đề nằm rải rác ở các bộ môn khác nhau.

Chương trình đang dùng cho hệ tại chức, gọi tắt là Chương trình 20 học phần, có ưu điểm là lấy các đơn vị giảng dạy làm cơ sở, bố trí theo môn và bài, thể hiện cách bố trí của chương trình đào tạo. Tuy nhiên, nội dung nhiều phần còn dàn trải, trùng lặp nhau, nhắc lại quá nhiều kiến thức cơ bản đã có trong chương trình đại học, cao đẳng, trung cấp lý luận chính trị...

Do đó, không thể giữ nguyên những chương trình nêu trên mà cần kế thừa có chọn lọc, đồng thời phải cơ cấu sắp xếp lại và nâng cao.

4. Chương trình được kết cấu thành 4 khối kiến thức:

- Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh

- Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam

- Khoa học chính trị và lãnh đạo quản lý

- Các chuyên đề đặc thù và bổ trợ

Trong đó, 3 khối kiến thức đầu là chung cho toàn hệ thống Học viện và là phần cứng của chương trình. Trong các khối kiến thức được sắp xếp theo môn và bài. Riêng khối kiến thức thứ 2 Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, có môn Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam về một số lĩnh vực chủ yếu của đời sống xã hội gồm có 5 bài, phản ánh đường lối cách mạng của Đảng trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quyền con người và tôn giáo tín ngưỡng.

Khối kiến thức thứ 3: Khoa học chính trị và lãnh đạo quản lý,ngoài các môn học đã có trong chương trình trước đây, nay bổ sung thêm môn Khoa học lãnh đạo quản lý. Môn học này có nhiều tư liệu khai thác từ kinh nghiệm các nước nhằm giúp học viên tiếp cận với những vấn đề mới của lý luận lãnh đạo quản lý hiện đại. Mặt khác, các bài trong chương trình đều yêu cầu phải cập nhật những vấn đề mới về lý luận và thực tiễn.

Khối kiến thức thứ 4 là nội dung mới so với các chương trình từ trước đến nay. Mục đích là nhằm bổ sung những kiến thức mới cập nhật, đặc biệt là kiến thức thực tiễn để đáp ứng những nhu cầu của người học ở những địa bàn khác nhau và ở những thời điểm khác nhau. Vì vậy, khối kiến thức được biên soạn riêng cho mỗi cơ sở đào tạo như Trung tâm Học viện và các Học viện khu vực. Đó là “phần mềm” của chương trình. Khối kiến thức này được kết cấu thành 2 phần: các chuyên đề bắt buộc (8 chuyên đề) và các chuyên đề tự chọn (ít nhất là 16 chuyên đề). Các chuyên đề bắt buộc do từng cơ sở đào tạo lựa chọn, bố trí người biên soạn thành bài giảng và phải được Ban Chủ nhiệm thông qua, được Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phê duyệt. Các chuyên đề tự chọn, chỉ xác định tên chuyên đề và mỗi khóa học, tùy thuộc vào yêu cầu cụ thể tại thời điểm đó, các cơ sở đào tạo chọn 8 chuyên đề để đưa vào chương trình.

5. Đặc biệt coi trọng khâu thảo luận của học viên. Số buổi thảo luận tăng nhiều so với trước. Bình quân 10 hoặc 15 tiết giảng có 5 tiết thảo luận. Điều này nhằm phát huy tính tích cực của người học không chỉ trong việc tiếp thu kiến thức mà còn tạo điều kiện để học viên có thể học hỏi lẫn nhau.

6. Có những bổ sung quan trọng trong việc đánh giá kết quả học tập.

Chương trình quy định rõ, trong mỗi môn học đều có điểm thi hoặc điểm kiểm tra. Điểm trung bình của mỗi môn học là điểm trung bình cộng của các bài kiểm tra (tính theo hệ số 1) và điểm bài thi hết môn (tính theo hệ số 3). Điểm của khối kiến thức là điểm trung bình cộng của các môn trong khối kiến thức đó (tất cả các môn đều tính theo hệ số1).

Kết thúc toàn khóa, mỗi học viên phải viết đề án tốt nghiệp và bảo vệ trước hội đồng.

Điểm học tập toàn khóa được tính bằng điểm trung bình cộng của 3 khối kiến thức (tính theo hệ số 1) và điểm của đề án tốt nghiệp (tính theo hệ số 2).

Tổng thời lượng của chương trình không vượt quá 700 tiết, chưa kể thời gian tổng kết, kiểm tra.

Đó là những điểm mới của Chương trình và giáo trình sẽ được thực hiện vào năm học tới (từ tháng 8-2014).

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 7-2014

GS,TS Trần Phúc Thăng

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền