Trang chủ    Bài nổi bật    Học viện với nhiệm vụ nghiên cứu, đào tạo, tuyên truyền và chỉ đạo công tác lịch sử Đảng toàn quốc
Thứ tư, 24 Tháng 9 2014 09:10
2065 Lượt xem

Học viện với nhiệm vụ nghiên cứu, đào tạo, tuyên truyền và chỉ đạo công tác lịch sử Đảng toàn quốc

(LLCT) - Tiếp tục phát huy kết quả đạt được trong sự nghiệp nghiên cứu, giảng dạy lịch sử Đảng, Học viện tiếp tục làm tốt công tác chỉ đạo và đi đầu ngành lịch sử Đảng toàn quốc thực hiện sứ mệnh vẻ vang mà Trung ương Đảng giao, thực hiện phương châm hành động đã được đề từ trên Bức trướng Ban Bí thư tặng ngành lịch sử Đảng nhân kỷ niệm 50 năm thành lập Viện và Ngành Lịch sử Đảng (năm 2012): TRÁCH NHIỆM - TRUNG THỰC - TRÍ TUỆ - SÁNG TẠO VÌ SỰ NGHIỆP CÁCH MẠNG CỦA ĐẢNG.

Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Trong hơn 80 năm qua, Đảng đã gánh vác sứ mệnh lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành chính quyền; kháng chiến chống ngoại xâm bảo vệ độc lập dân tộc; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Ý thức rõ sứ mệnh cao cả đó, để ghi lại và tổng kết những chặng đường xây dựng và trưởng thành của Đảng, sau Đại hội III, Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương được thành lập (24-2-1962), do đồng chí Trường Chinh, Uỷ viên Bộ Chính trị trực tiếp làm Trưởng ban. Đây là tổ chức chính thức đầu tiên có nhiệm vụ nghiên cứu, biên soạn Lịch sử Đảng. Ban nghiên cứu Lịch sử Đảng ở các cấp từng bước được kiện toàn, thành Ngành Lịch sử Đảng.

1. Công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng

Trong 35 năm (1962-1997), vượt qua khó khăn, Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương (từ năm 1982 là Viện Lịch sử Đảng, thuộc Viện Mác - Lênin) đã nghiên cứu, biên soạn, xuất bản các tập Văn kiện I, II, III, IV (thời kỳ từ năm 1920 đến năm 1975), công bố nhiều bài viết, công trình về thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, nhiều chuyên khảo về các chặng đường lịch sử của Đảng, về Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cuộc đấu tranh của các chiến sĩ trong lao tù thực dân, đế quốc, quan hệ quốc tế của Đảng,… Năm 1981, cuốn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Namtập I (1920 - 1954) sơ thảo, được xuất bản, đánh dấu bước tiến quan trọng trong công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng.

Năm 1997, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Viện Mác - Lênin hợp nhất thành Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Lịch sử Đảng và Khoa Lịch sử Đảng hợp nhất thành Viện Lịch sử Đảng, thuộc Học viện. Công tác nghiên cứu, đào tạo, giáo dục lịch sử Đảng được sự chỉ đạo tập trung thống nhất của Trung ương Đảng, Ban Bí thư, Ban Giám đốc Học viện, tạo sự cộng hưởng mạnh mẽ, gắn chặt khoa học Lịch sử Đảng với công tác truyền bá, giáo dục những truyền thống quý báu của Đảng trên phạm vi toàn quốc. Đó là tiền đề cho Ngành Lịch sử Đảng có những bước phát triển mới. 

Từ năm 1997 đến nay, đặc biệt từ khi thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW (ngày 28-8-2002) của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường và nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, công tác nghiên cứu, biên soạn Lịch sử Đảng được thúc đẩy mạnh mẽ cả về bề rộng và chiều sâu.

Kế thừa và phát huy những thành quả có tính nền tảng đã đạt được, Học viện cùng toàn ngành Lịch sử Đảng đã đạt nhiều thành tựu trong công tác nghiên cứu, biên soạn.

Đã tổ chức biên soạn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam tập II (1954-1975), tập III (1975-2005), nghiệm thu năm 2008; triển khai biên soạn biên niên Lịch sử Đảng (1975-2005).

Những năm gần đây, thực hiện chủ trương của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ban Giám đốc Học viện tập trung chỉ đạo việc tu chỉnh, bổ sung, biên soạn tiếp lịch sử toàn Đảng đến năm 2011. Hiện nay, bản thảo tập I (giai đoạn 1930-1954) đã hoàn thành, được tập thể Bộ Chính trị cho ý kiến để hoàn chỉnh trước khi xuất bản; đang triển khai nghiên cứu, biên soạn tập II, tập III và biên niên sự kiện Lịch sử Đảng các thời kỳ tương ứng.

Học viện đang triển khai công trình trọng điểm do Ban Bí thư Trung ương Đảng giao là nghiên cứu Tổng kết công tác xây dựng Đảng và lãnh đạo đấu tranh trong các nhà tù, trại giam của địch ở miền Nam thời kỳ chống Mỹ, cứu nước (1954-1975). Đây là công việc có ý nghĩa khoa học, chính trị và thực tiễn sâu sắc. Đây cũng là vấn đề có phạm vi nghiên cứu rộng và phức tạp, nguồn tư liệu thành văn rất thiếu, liên quan đến hàng chục vạn cán bộ, chiến sĩ và nhân dân từng bị kẻ địch bắt bớ, giam giữ, tù đày, tra tấn dã man, một phần không nhỏ trong số đó đã anh dũng hy sinh trong nhà tù của kẻ thù.

Hiện nay, các nội dung tổng kết của công trình đã và đang được hoàn tất; những vấn đề lớn của công tác xây dựng Đảng và lãnh đạo đấu tranh trong các nhà tù, trại giam của địch- một môi trường đấu tranh rất đặc biệt và cực kỳ khốc liệt- đang được làm rõ, góp phần khẳng định công lao và sự đóng góp to lớn của hàng trăm nghìn cựu tù chính trị, cựu tù binh vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc.

Học viện đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo khoa học các cấp quốc gia, cấp bộ về các sự kiện lịch sử, các nhân vật lịch sử trong lịch sử Việt Nam hiện đại nói chung, lịch sử Đảng nói riêng, góp phần làm sáng rõ và sâu sắc hơn các nội dung chủ yếu của lịch sử Đảng và lịch sử dân tộc; thống nhất nhiều nội dung trong công tác nghiên cứu, tổng kết các vấn đề lịch sử Đảng.

Kết quả công tác nghiên cứu lịch sử Đảng các thời kỳ, trên các lĩnh vực, đã góp phần làm sáng rõ những vấn đề lịch sử, tạo sự thống nhất nhận thức trong Đảng và toàn xã hội, đồng thời đóng góp vào nghiên cứu tổng kết thực tiễn, cung cấp cơ sở thực tiễn, đóng góp tích cực xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

2. Công tác giảng dạy, đào tạo

Tri thức về lịch sử Đảng, về truyền thống, kinh nghiệm từ quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng là một nội dung trọng yếu trong chương trình đào tạo, giáo dục lý luận chính trị. Việc giảng dạy lịch sử Đảng trong Trường Đảng đã sớm được đặc biệt quan tâm. Những khoá đào tạo đầu tiên của trường Đảng, nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng như Lê Duẩn, Trường - Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Lê Văn Lương,... đã đến giảng bài, giải đáp các vấn đề về đường lối của Đảng. Khi lần đầu tiên Trường Đảng mở lớp dài hạn, học lý luận có hệ thống, đồng chí Lê Duẩn đã có loạt bài nói sâu sắc về lịch sử, kinh nghiệm và lý luận cách mạng Việt Nam.

Khoa Lịch sử Đảng là một trong những khoa sớm được thành lập, đảm nhiệm công tác giảng dạy cho các hệ lớp đào tạo, bồi dưỡng tại Học viện, cung cấp những kiến thức cơ bản về đường lối, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về các lĩnh vực.

Sau khi hợp nhất (1997), chức năng, nhiệm vụ giảng dạy, đào tạo của Viện càng được tăng cường với đối tượng ngày càng mở rộng.

Hiện nay, đội ngũ cán bộ giảng dạy của Học viện đã đảm nhiệm toàn bộ việc giảng dạy chương trình lịch sử Đảng cho các hệ đào tạo từ cao cấp lý luận, cử nhân chuyên ngành, cao học các chuyên ngành, nghiên cứu sinh chuyên ngành lịch sử Đảng, cả tập trung và tại chức. Gần đây, là hoàn thiện kiến thức cho các lớp dự nguồn cán bộ cao cấp của Trung ương và cấp tỉnh, thành phố.

Số giờ giảng cho mỗi hệ lớp tăng từ 30 tiết lên 45 tiết và 40 tiết dành cho thảo luận, ôn tập, kiểm tra, thi, viết tiểu luận.

Cùng với những đổi mới chương trình đào tạo chung, chương trình giảng dạy môn lịch sử Đảng của Học viện ở tất cả các hệ lớp đã có sự đổi mới.

Đội ngũ cán bộ khoa học chuyên ngành lịch sử Đảng của Học viện ngày càng đông đảo, làm việc tại các vụ, viện. Riêng Viện Lịch sử Đảng, có 44 cán bộ, trong đó có 26 tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư, nhiều giảng viên giàu kinh nghiệm, chuyên gia nghiên cứu sâu về những lĩnh vực, giai đoạn lịch sử Đảng cụ thể. Đội ngũ cán bộ khoa học đủ sức làm tốt các nhiệm vụ được giao về nghiên cứu, giảng dạy và đào tạo cao học, nghiên cứu sinh.

Đào tạo, bồi dưỡng xây dựng đội ngũ cán bộ nghiên cứu, giảng dạy chuyên ngành lịch sử Đảng là nhiệm vụ quan trọng của Học viện.

Đào tạo sau đại học chuyên ngành lịch sử Đảng tại Học viện trở nên thường xuyên, không ngừng nâng cao chất lượng, trở thành địa chỉ có uy tín, đáng tin cậy, góp phần vào kết quả đào tạo chung của ngành khoa học lịch sử. Số lượng học viên cao học, nghiên cứu sinh chuyên ngành lịch sử Đảng mà Học viện đào tạo ngày càng tăng. Đến nay, Học viện đã mở 21 khoá cao học, có 300/324 học viên đã bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ. Nghiên cứu sinh đã mở đến khoá 30, có 110/135 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ chuyên ngành Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, góp phần đào tạo đội ngũ cán bộ nghiên cứu, giảng dạy chuyên ngành Lịch sử Đảng cho các cơ quan, đơn vị, địa phương trong cả nước.

Học viện không ngừng đổi mới, hoàn thiện các bộ giáo trình, tập bài giảng cho các hệ đào tạo trung cấp, cao cấp lý luận chính trị; các chuyên đề đào tạo cao học, nghiên cứu sinh Lịch sử Đảng, giáo trình đào tạo cho cán bộ các đảng bạn; các lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ các cấp… Học viện chú trọng làm tốt công tác tập huấn thường niên cho đội ngũ cán bộ giảng dạy môn lịch sử Đảng tại các trường chính  tỉnh, thành phố.

Công tác nghiên cứu, giảng dạy về lịch sử phong trào cộng sản, công nhân quốc tế và giải phóng dân tộc được Học viện đẩy mạnh. Chuyên ngành lịch sử phong trào cộng sản, công nhân quốc tế do Viện Quan hệ quốc tế thực hiện.

3. Chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ và phối hợp nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ địa phương

Đây là một trong những nhiệm vụ chính của Học viện. Trong những năm gần đây, đặc biệt là từ khi thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường, nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng, công tác chỉ đạo ngành lịch sử Đảng được Ban Giám đốc Học viện quan tâm và tập trung thực hiện.

Học viện chỉ đạo tổ chức các hội nghị tổng kết, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ công tác lịch sử Đảng từ tỉnh, thành phố đến quy mô toàn quốc. Các hội nghị được tổ chức công phu, nghiêm túc, gắn chặt với nhiệm vụ chính trị, đã góp phần nâng cao năng lực chuyên môn và nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ làm công tác lịch sử Đảng trong toàn quốc, giúp cán bộ các địa phương nhận thức sâu sắc hơn về công tác Lịch sử Đảng. Qua đó thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, biên soạn và giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử địa phương. Mối quan hệ chuyên môn giữa Học viện với các ban ngành, cấp ủy địa phương và kết nối giữa các địa phương với nhau trong phối hợp nghiên cứu, biên soạn, thẩm định và xuất bản lịch sử Đảng, lịch sử địa phương được tăng cường.

Học viện đã chỉ đạo biên soạn giáo trình về lịch sử địa phương, xây dựng các chuyên đề về phương pháp luận, về nghiệp vụ sưu tầm, khai thác tư liệu, về cách biên soạn lịch sử biên niên, về quy trình nghiên cứu, biên soạn, thẩm định một công trình lịch sử Đảng bộ địa phương...

4. Góp phần tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng

Tạp chí Lịch sử Đảng, cơ quan thuộc Viện Lịch sử Đảng, Học viện, là diễn đàn khoa học và cơ quan ngôn luận khoa học của Ngành lịch sử Đảng toàn quốc. Với bề dày hơn 30 năm, Tạp chí thực sự là diễn đàn có uy tín và đáng tin cậy để trao đổi, công bố những kết quả trong nghiên cứu, giảng dạy lịch sử Đảng nói riêng, lịch sử nói chung. Những năm gần đây, Học viện đặc biệt quan tâm chỉ đạo đổi mới, nâng cao chất lượng Tạp chí Lịch sử Đảngvà đã đạt nhiều kết quả. Tạp chí ngày càng đổi mới về nội dung và hình thức trình bày, đăng tải những bài viết chuyên sâu, có chất lượng.

Đội ngũ các nhà khoa học của Học viện tích cực tham gia các hoạt động tuyên truyền, phổ biến tri thức lịch sử, giáo dục truyền thống đồng thời góp phần đấu tranh phê phán những quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ lịch sử, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, góp phần bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ.

Học viện đã tổ chức các hội thảo khoa học, kỷ niệm các sự kiện, nhân vật lịch sử, xuất bản sách, tạp chí, kỷ yếu về lịch sử Đảng với số lượng lớn, góp phần vào công tác tư tưởng của Đảng, định hướng về nhận thức, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ trước những vấn đề lịch sử của Đảng, của dân tộc.

Gắn liền với tiến trình xây dựng và phát triển của Học viện hơn nửa thế kỷ, sự nghiệp nghiên cứu, giảng dạy lịch sử Đảng đã đạt nhiều thành tựu to lớn, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp nghiên cứu, giảng dạy, đào tạo, phổ biến tri thức lịch sử, nâng cao sự hiểu biết và lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân. Phát huy kết quả đạt được, Học viện tiếp tục làm tốt công tác chỉ đạo và đi đầu ngành lịch sử Đảng toàn quốc thực hiện sứ mệnh vẻ vang và trách nhiệm nặng nề mà Trung ương Đảng giao, thực hiện phương châm hành động đã được đề từ trên Bức trướng Ban Bí thư tặng ngành lịch sử Đảng nhân kỷ niệm 50 năm thành lập Viện và Ngành Lịch sử Đảng (năm 2012): TRÁCH NHIỆM - TRUNG THỰC - TRÍ TUỆ - SÁNG TẠO VÌ SỰ NGHIỆP CÁCH MẠNG CỦA ĐẢNG.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 9-2014

PGS, TS Nguyễn Mạnh Hà

 Viện Lịch sử Đảng,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Thông tin tuyên truyền