Trang chủ    Bài nổi bật    Tiếp tục suy nghĩ về Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Thứ tư, 24 Tháng 9 2014 09:17
2232 Lượt xem

Tiếp tục suy nghĩ về Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

(LLCT) - Nhân Kỷ niệm 65 năm Truyền thống Học viện, GS, NGND Nguyễn Đức Bình, Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Nguyên Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Nguyên Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, có bài viết riêng cho Tạp chí Lý luận chính trị. Theo Giáo sư “Bài này không đề cập sâu các nhiệm vụ cụ thể mà chỉ nói về phương pháp luận chung có thể được xem là định hướng gợi ý cho Học viện nghiên cứu trong việc tiếp tục mạnh mẽ và vững chắc công cuộc đổi mới xây dựng chủ nghĩa xã hội”.

1. Vị trí, vai trò của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Điều này không mới song vẫn phải nhắc lại: Học viện chính là Trường Đảng cao cấp trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị; là trung tâm quốc gia về giảng dạy và nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối chính sách của Đảng, nghiên cứu và giảng dạy khoa học chính trị nói chung.

Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc (1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh có luận điểm rất quan trọng: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Vì vậy, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”(1). Thực hiện lời dạy của Người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cùng hệ thống Trường Đảng trong cả nước đang làm “công việc gốc” ấy.

Học viện giai đoạn hiện nay có mấy yêu cầu, nhiệm vụ lớn:

Một là, quán triệt sâu sắc và bảo vệ vững chắc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; Cương lĩnh chính trị, đường lối chính sách và các quan điểm cơ bản của Đảng về tình hình đất nước và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) trong thời kỳ quá độ.

Hai là,quán triệt quan điểm của Đảng và Nhà nước về thời đại và về những đặc điểm lớn của thế giới trong giai đoạn phát triển hiện nay, về vai trò và nhiệm vụ đất nước ta trong hoàn cảnh đó.

Nhận thức sâu sắc hai hướng nói trên là tiền đề xuất phát cơ bản để lý luận gắn chặt với thực tế, uốn nắn, khắc phục những nhận thức sai trái, bác bỏ những quan điểm thù địch.

Ba là, Học viện góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng Đảng về tư tưởng, đường lối chính trị, về tổ chức, về đạo đức, lối sống, chống mọi biểu hiện suy thoái trên các mặt, góp phần quan trọng thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

2. Tóm lược quá trình lịch sử Học viện

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập, lãnh đạo, rèn luyện Đảng ta đã mở đầu sự nghiệp giáo dục, huấn luyện, đào tạo cán bộ từ những lớp học đầu tiên mở ở Quảng Châu (Trung Quốc) những năm 1925-1926 để chuẩn bị thành lập Đảng.

Từ khi ra đời năm 1930 cho đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đảng hoạt động bí mật, phải vượt qua rất nhiều khó khăn và hy sinh to lớn. Trong mọi hoàn cảnh, Đảng hết sức coi trọng đào tạo cán bộ nhưng chưa có điều kiện mở trường lớp tập trung, đảng viên phải thường xuyên tự học và giúp nhau nghiên cứu nâng cao hiểu biết lý luận và chính trị. Những đồng chí bị địch bắt cũng lợi dụng những ngày tháng trong tù để học và nghiên cứu lý luận.

Tháng 5-1941, Hội nghị Trung ương Đảng quyết định mở nhiều lớp huấn luyện cán bộ phục vụ trực tiếp cho nhiệm vụ chuẩn bị giải phóng dân tộc. Tại Hội nghị, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc nói: “Việc đào tạo cán bộ nay đã thành công tác gấp rút, không thể bỏ qua một giờ phút. Tất cả cấp bộ chỉ huy của Đảng phải đặc biệt chú ý công tác này”(2).

Nhờ đường lối và phương pháp cách mạng đúng đắn, nhờ rất coi trọng công tác xây dựng Đảng, trong đó việc cấp bách là đào tạo bồi dưỡng cán bộ, Đảng ta chỉ với 5 nghìn đảng viên đã lãnh đạo toàn dân làm nên thắng lợi vĩ đại Cách mạng Tháng Tám, mở ra kỷ nguyên mới của đất nước, kỷ nguyên độc lập dân tộc, nhân dân làm chủ, tạo tiền đề bước sang giai đoạn cách mạng mới, xây dựng đất nước.

Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ có sự phát triển rất nhanh hệ thống trường Đảng ở vùng tự do các khu, liên khu, tỉnh rồi cả miền Bắc; còn Trường Đảng Trung ương thì mở thường xuyên ở Thủ đô (thủ đô kháng chiến và sau hòa bình là thủ đô Hà Nội-BT) và mang tên Trường Nguyễn Ái Quốc. Năm 1949, khi Trường Đảng Trung ương còn mở tại khu căn cứ Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm Trường và nói chuyện với lớp học. Người đã ghi vào Sổ vàng truyền thống Trường Đảng, mãi mãi được ghi nhớ:

“Học để làm việc

                 làm người,

                 làm cán bộ

“Học để phụng sự Đoàn thể (tức Đảng - BT),

                 giai cấp và nhân dân,

                 Tổ quốc và nhân loại.

                 Muốn đạt mục đích thì phải

                 cần, kiệm, liêm, chính,

                 chí công vô tư”.

Ngày 7-9-1957, Trường Đảng Trung ương khai giảng khóa học lý luận cơ bản và dài hạn đầu tiên với 425 học viên, mở đầu thời kỳ giáo dục nâng cao trình độ lý luận có hệ thống. Khai mạc lớp học, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Đảng ta tổ chức trường học lý luận cho cán bộ là để nâng cao trình độ lý luận của Đảng ta đặng giải quyết sự đòi hỏi của nhiệm vụ cách mạng… để Đảng ta có thể làm tốt hơn công tác của mình, hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ cách mạng vĩ đại của mình… Chúng ta phải nâng cao sự tu dưỡng lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin để dùng lập trường, quan điểm, phương pháp chủ nghĩa Mác - Lênin mà tổng kết những kinh nghiệm của Đảng ta, để hiểu quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam, định ra được những đường lối, phương châm, bước đi cụ thể của cách mạng xã hội chủ nghĩa thích hợp với tình hình nước ta”(3).

Ngày 5-8-1982, Bộ Chính trị ra quyết định “Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc cần đưa việc đào tạo nghiên cứu sinh lên một trình độ mới, chính quy, thể hiện cuối cùng ở bản luận án khoa học được bảo vệ theo đúng quy chế nhà nước”.

3. Những đặc trưng lớn của Học viện Chính trị quốc gia hiện nay

Học viện phát triển nhanh về quy mô, hệ thống

Các đơn vị giảng dạy, nghiên cứu ở Trường Đảng Trung ương lúc đầu (từ 1957) chỉ có 5-7 tổ với sự giúp đỡ hướng dẫn của các chuyên gia khoa học xã hội Liên Xô, đã lớn lên thành các khoa và phát triển đến nay gồm hơn 10 viện, mỗi viện có 20-30 nhà giáo, nhà khoa học, nghiên cứu lý luận chính trị chuyên sâu.

Học viện nay đã hình thành cả một hệ thống với các Trung tâm đặt ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ và Học viện Báo chí-Tuyên truyền. Các tỉnh đều có Trường Đảng hoặc gọi là Trường Chính trị.

Về nội dung chương trình

Các Viện ngày càng đi sâu môn khoa học chuyên ngành với nhiều đề tài, có đề tài quốc gia và các đề tài hẹp, chuyên sâu. Các cán bộ khoa học ngày càng đông vừa nghiên cứu khoa học vừa giảng dạy phục vụ các loại lớp, các chương trình dài hạn, ngắn hạn, bồi dưỡng, nâng cao, cập nhật, dự nguồn.v.v.. Chương trình giảng dạy, nghiên cứu ngày càng phát triển về nội dung nhưng về chất lượng chưa thật cao, còn phải phấn đấu nhiều.

Về nghiên cứu khoa học

Cũng có những tiến bộ lớn. Các viện đều quan tâm nghiên cứu khoa học: nghiên cứu các đề tài gắn liền với các bài giảng, có những đề tài riêng bên cạnh chương trình giảng dạy, có những đề tài độc lập cấp nhà nước kết hợp với các cơ quan khoa học và thực tiễn bên ngoài, nhiều đề tài phục vụ nghiên cứu các nghị quyết lớn của Đảng, v.v.. đặc biệt là nghiên cứu đổi mới trên các lĩnh vực. Bên cạnh những bài bản nghiên cứu chính diện, có những bài đấu tranh với những khuynh hướng sai trái song còn rất ít. Tôi nghĩ đó là một khuyết điểm lớn.

4.  Tổng kết 30 năm đổi mới và nhiệm vụ của Học viện

Đảng ta đang tổng kết 30 năm công cuộc đổi mới. Đây là một việc hết sức quan trọng đòi hỏi tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực hoạt động của Đảng, Nhà nước, các tổ chức xã hội, đoàn thể đều tham gia. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phải đóng góp gì trong nhiệm vụ chung rộng lớn đó? Bài này không đề cập sâu các nhiệm vụ cụ thể mà chỉ nói về phương pháp luận chung có thể được xem là định hướng gợi ý cho Học viện nghiên cứu trong việc tiếp tục mạnh mẽ và vững chắc công cuộc đổi mới xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Đặc điểm tình hình hiện nay là trên cơ sở thắng lợi có ý nghĩa lịch sử qua 30 năm, công cuộc đổi mới đang đi vào chiều sâu, quá trình chuyển đổi các chính sách, cơ cấu, cơ chế trên  các mặt đang tiếp tục trong điều kiện không phải mọi bài bản đã được thiết kế đầy đủ, trôi chảy và hoàn toàn sáng tỏ. Thực tiễn đang đặt ra hàng loạt vấn đề rất không đơn giản, thường nảy sinh từ những mối quan hệ cực kỳ phức tạp giữa định hướng XHCN với kinh tế thị trường; giữa tăng trưởng với phát triển bền vững, đúng định hướng; giữa kinh tế với xã hội; giữa kinh tế với chính trị, với tư tưởng, với văn hóa; giữa thị trường và kế hoạch; giữa hội nhập thế giới với độc lập tự chủ, giữ vững con đường XHCN; giữa phát huy nội lực với tranh thủ các nguồn lực từ bên ngoài,v.v..

Những vấn đề thực tế mới mẻ, phức tạp, chưa từng quen thuộc, đặt ra ngày càng nhiều; để giải quyết, đã đến lúc không thể dừng lại ở những quan điểm định hướng chung, mà phải có những chủ trương, thiết chế và cơ chế cụ thể, ở đây một thái độ cẩn trọng “bảy lần đo một lần cắt” là rất cần thiết, không thể khinh suất, vội vàng. Nhưng trong điều hành lại có việc không thể chờ có bài bản đầy đủ rồi mới làm. Đây là cả một khó khăn lớn. Bởi giữa hai mặt trong từng mối quan hệ phải giải quyết trong thực tế thường là mâu thuẫn đến mức tưởng chừng nan giải, đến mức khi làm thường rất dễ rơi vào tình trạng được mặt này lại không được mặt kia, ví dụ được kinh tế nhưng không được mặt xã hội, văn hóa, được của cải nhưng có khi mất con người,v.v.. Khả năng phạm sai lầm là khó tránh được hoàn toàn. Nước ta mặc dù đã qua khỏi tình trạng chậm phát triển nhưng vẫn ở điểm xuất phát rất thấp, lại chuyển đổi từ cơ chế cũ sang cơ chế mới với biết bao điều chưa thông thạo; thêm nữa, trong tình hình có sự thay đổi đột ngột trong tương quan lực lượng trên thế giới bất lợi cho CNXH, trong điều kiện hội nhập một thế giới toàn cầu hóa với ưu thế đang thuộc về chủ nghĩa tư bản - tiến hành một sự nghiệp như thế, trong những hoàn cảnh như thế thử hỏi làm sao tránh khỏi được mọi sai lầm, tránh khỏi có những trường hợp phải làm đi làm lại. Lênin nói rằng: “trong cuộc đấu tranh quyết định vận mệnh của cả một giai cấp, quyết định vấn đề: chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa tư bản, - thì thử hỏi có căn cứ xác đáng nào để giả định rằng nhân dân, lần đầu tiên giải quyết một nhiệm vụ như vậy, lại có thể lập tức tìm ra được biện pháp duy nhất đúng đắn, không có sai lầm, hay không? Căn cứ vào đâu để giả định như vậy? Không có căn cứ nào cả! Kinh nghiệm đã chứng minh ngược lại. Trong số những nhiệm vụ mà chúng ta phải giải quyết, chưa có một nhiệm vụ nào mà chúng ta không phải giải quyết hai lần. Sau mỗi lần thất bại chúng ta phải nghiên cứu lại vấn đề một lần nữa, chúng ta phải làm lại tất cả...”(4).

Tôi nghĩ trong tổng kết, đánh giá sự nghiệp đổi mới nên có một cách nghĩ như vậy để một mặt, tránh những nhận xét vội vàng, lối quy chụp không thỏa đáng, thiếu khách quan; mặt khác, để thấy cho được những đòi hỏi cao, rất cao đối với Đảng trong giai đoạn mới, thấy rõ Đảng ta còn phải vươn lên rất nhiều về bản lĩnh chính trị, trình độ lý luận, khoa học, phẩm chất và năng lực tổ chức hành động ngang tầm nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Trong thực tiễn quả khó tránh khỏi mọi sai lầm, vấp váp. Song,đối với những vấn đề chính trị có tính nguyên tắc cơ bản thì không thể nói như vậy. Ngay từ đầu công cuộc đổi mới, Đảng ta đã khẳng định:Đổi mới không phải là thay đổi mục tiêu xã hội chủ nghĩa mà là tìm ra những bước đi, hình thức và phương pháp thích hợp nhằm thực hiện mục tiêu đó một cách tốt nhất và có hiệu quả nhất.

Như vậy, nếu phạm sai lầm về bước đi, hình thức và phương pháp trong những hoàn cảnh cụ thể nhất định có thể hiểu được, nhưng sai lầm về mục tiêu xã hội chủ nghĩa, về những nguyên tắc cơ bản trong Cương lĩnh, đường lối của Đảng là không thể chấp nhận. Đối với cách mạng Việt Nam, ngoài độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, không có con đường nào khác. Đổi mới dứt khoát không được đổi mầu; hội nhập dứt khoát không thể hòa tan.

Những thành tựu đạt được trong gần 30 năm đổi mới rấtto lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đất nước bước đầu ra khỏi tình trạng kém phát triển, bước lên hàng quốc gia đang phát triển, đời sống nhân dân có nhiều cải thiện; sức mạnh về mọi mặt được tăng cường; độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa được giữ vững, vị thế và uy tín Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao;... tạo tiền đề để nước ta tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn trong thời kỳ mới.

Bên cạnh những thành tựu nói trên, công cuộc đổi mới đang gặp không ít khó khăn. Thực tiễn đặt ra nhiều vấn đề, trong đó có những vấn đề rất gay gắt, bức xúc. Khó khăn thử thách ở phía trước còn hết sức to lớn. Có những yếu kém, lạc hậu do lịch sử để lại hoặc do điều kiện khách quan chưa thể khắc phục một sớm, một chiều. Có những yếu kém chủ quan làm trầm trọng thêm những khó khăn khách quan. Nói khái quát là đất nước vẫn còn nghèo, nền kinh tế tăng trưởng chưa vững chắc, sức cạnh tranh thấp. Nhiều vấn đề xã hội phức tạp, nhức nhối như tham nhũng, buôn lậu, các tệ nạn ma tuý, mại dâm,... chưa được giải quyết có hiệu quả, thậm chí có mặt tăng nhanh.

Thực tế gần 30 năm qua cho thấy sự nghiệp đổi mới là cả một cuộc đấu tranh gay go phức tạp, mà điều kiện đấu tranh lại đã thay đổi nhiều so với trước đổi mới.

Trước hết là sự thay đổi trong bối cảnh quốc tế. Sự sụp đổ của Liên Xô - cường quốc XHCN lớn mạnh nhất - làm thay đổi căn bản so sánh lực lượng trên thế giới theo hướng có lợi cho chủ nghĩa tư bản - đế quốc.

Thử thách đối với đất nước không chỉ ở chỗ quan hệ quốc tế biến đổi phức tạp mà chủ yếu nằm ngay trong nhiệm vụ rộng lớn tái cơ cấu nền kinh tế, trong những điều kiện và môi trường hoạt động mới do chính quá trình phát triển và công cuộc đổi mới tạo ra. Chẳng hạn các vấn đề như CNXH có sử dụng được kinh tế thị trường hay kinh tế thị trường tự nó sẽ phủ định hoặc cản trở CNXH? Trong thực tế, kinh tế nhà nước có thể đóng vai trò chủ đạo được không, nếu như mọi thành phần kinh tế đều thực sự bình đẳng? Vì sao nhiều xí nghiệp quốc doanh thường kém hiệu quả, làm ăn thua lỗ, có phải do bản chất chế độ công hữu? Làm gì và làm như thế nào để nâng cao tính hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước? Cần phải sắp xếp lại, thậm chí có thể giảm tỷ trọng khu vực kinh tế nhà nước nhưng giảm đến mức độ nào vẫn giữ được định hướng XHCN trong nền kinh tế? Có thể cho phép thậm chí khuyến khích kinh tế tư nhân và tư bản tư nhân phát triển đến mức nào? Hay không hạn chế? Chúng ta kiên trì chế độ một Đảng Cộng sản lãnh đạo, quyết không chấp nhận đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. Thế nhưng trong điều kiện một Đảng cầm quyền, cần phải có những điều kiện, những giải pháp và cơ chế gì để bảo đảm sự phát triển mạnh mẽ dân chủ và nền dân chủ XHCN?v.v..

Vấn đề phải giải quyết quả là rất nhiều và rất không đơn giản. Đảng ta không ngừng cố gắng vừa làm vừa học, vừa tổng kết thực tiễn vừa nghiên cứu lý luận và chính trị, đang cố gắng tháo gỡ các vướng mắc trong thực tiễn đổi mới, qua đó làm cho nhận thức về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam giai đoạn hiện nay phải được phát triển rõ ràng, cụ thể hơn và  vững chắc, căn cơ, dẹp bỏ hẳn mọi ý kiến cực đoan, trái chiều.

Học viện phải góp phần quan trọng về lý luận và phương pháp luận khoa học trong nghiên cứu và phân tích thực tiễn, đề xuất các giải pháp trên các vấn đề đó, góp phần tiếp tục mạnh mẽ và vững chắc công cuộc đổi mới xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Lãnh đạo công cuộc đổi mới, xây dựng CNXH là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn phức tạp.Những thành tựu to lớn và rất quan trọng qua 30 năm đổi mới làm cho thế và lực của đất nước tăng lên nhiều, là cơ hội lớn để tạo ra bước phát triển mới. Nhưng để tận dụng được thuận lợi và cơ hội lớn, Đảng và Nhà nước phải thật mạnh, có đường lối, chủ trương đúng đắn, sáng suốt, không như vậy thì thuận lợi và cơ hội dù lớn cũng sẽ không thể nắm bắt được để phát huy và rồi sẽ qua đi.

Những năm tới là đoạn đường cực kỳ quan trọng để thu hẹp bớt khoảng cách với các nước. Phải đẩy mạnh CNH, HĐH, ưu tiên phát triển lực lượng sản xuất, đồng thời xây dựng quan hệ sản xuất từng bước vững chắc theo định hướng XHCN, phát huy cao độ nội lực cả dân tộc gắn với tận dụng mọi nguồn lực bên ngoài, chủ động mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế để xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, phát triển nhanh, có hiệu quả và bền vững; tăng trưởng kinh tế đi đôi với cải thiện nhanh hơn đời sống vật chất, văn hóa tinh thần và quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh. Phải định hình cho được vững chắc thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Tăng nhanh nguồn lực lao động chất lượng cao và lực lượng sản xuất xã hội, năng lực khoa học và công nghệ, kết cấu hạ tầng, tiềm lực kinh tế, quốc phòng, an ninh. Củng cố và nâng cao quyền độc lập tự chủ, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Đó là những yêu cầu lớn đặt ra đối với nước ta trong bối cảnh hiện nay.

Phát triển kinh tế nhanh đi đôi với nâng cao đời sống nhân dân là vấn đề sống còn. Chỉ có phát triển nhanh và đúng hướng mới tránh được nguy cơ tụt hậu xa hơn, mới giữ vững được độc lập dân tộc và CNXH. Đặt CNH, HĐH là nhiệm vụ trung tâm có nghĩa là coi việc phát triển lực lượng sản xuất là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là vấn đề ưu tiên số một. Lực lượng sản xuất xã hội nước ta hiện còn rất thấp so với nhiều nước ở Đông Nam Á. Mọi cơ chế, thể chế cản trở sự phát triển lực lượng sản xuất, làm chậm CNH, HĐH đều cần được bãi bỏ, sửa đổi. Mục tiêu quan trọng hàng đầu của đổi mới chính là phát triển lực lượng sản xuất. Không có đại công nghiệp, công nghệ hiện đại, thì không có CNXH đích thực.

Tuy nhiên, phát triển lực lượng sản xuất không phải mục đích tự thân, càng không phải là tất cả. Phát triển lực lượng sản xuất, tiến hành cách mạng khoa học - công nghệ là vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Tóm lại là vì nâng cao đời sống xã hội và con người. Vì thế, phát triển kinh tế không những phải nhanh, có những đột phá, mà còn phải bền vững; tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với tiến bộ xã hội, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái. Có kết hợp được hài hoà tăng trưởng kinh tế với nâng cao đời sống, thực hiện công bằng xã hội, cải thiện môi trường sinh thái thì mới bảo đảm tăng trưởng kinh tế thật ổn định. Đương nhiên làm được điều đó không giản đơn. Phải xem xét cẩn thận mặt phải, mặt trái của các giải pháp. Tăng trưởng kinh tế nhất thiết phải theo định hướng XHCN, nhất thiết phải đi đôi với giữ vững độc lập tự chủ. Không thể xem tăng trưởng là tất cả, coi nhẹ định hướng xã hội và chính trị. Trong trường hợp đó có thể có tăng trưởng mà không phát triển, thậm chí có thể là phản phát triển, như thế là chệch hướng. Sự nghiệp đổi mới càng đi vào chiều sâu càng phải đối mặt với những vấn đề mới mẻ, phức tạp. Có khi loay hoay mãi không tìm ra giải pháp mới, thích hợp, người bảo thủ thường dễ quay về những bài bản cũ một cách chủ quan duy ý chí, nóng vội, bất chấp quy luật khách quan.

Phát triển theo định hướng XHCN đòi hỏi giải quyết đúng đắn vấn đề sở hữu và mối quan hệ giữa các thành phần kinh tế trong thời kỳ quá độ lên CNXH. Ở đây không thể dừng lại ở những chủ trương chung chung mà đòi hỏi phải tìm tòi, sáng tạo ra các hình thức kinh tế cụ thể, phù hợp. Chủ trương xây dựng nền kinh tế thị trường nhiều thành phần có cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh tạo động lực cho kinh tế phát triển, phát huy mọi tiềm năng và sức mạnh tổng hợp của các lực lượng sản xuất xã hội. Kinh tế cá thể, tiểu chủ, cả ở nông thôn và thành thị được Nhà nước tạo điều kiện và giúp đỡ làm giàu, phát triển năng động, có hiệu quả. Kinh tế tư bản tư nhân được khuyến khích phát triển trong những ngành có lợi cho quốc kế dân sinh, trên những định hướng ưu tiên của Nhà nước, kể cả đầu tư ra nước ngoài.

Trong tổng thể các thành phần kinh tế hợp thành nền kinh tế quốc dân thống nhất quá độ lên CNXH, nhân tố hàng đầu bảo đảm định hướng XHCN vẫn phải là vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, là hệ thống doanh nghiệp nhà nước. Song doanh nghiệp nhà nước hoạt động không phải theo cơ chế kế hoạch tập trung, cấp phát - giao nộp - bù lỗ như trước đây, mà theo cơ chế thị trường, bình đẳng với các thành phần kinh tế khác. Nếu thiếu vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước thì căn bản không thể nói đến định hướng XHCN, không thể CNH, HĐH thành công, sẽ không có cơ sở vật chất chủ yếu nhất bảo đảm quyền làm chủ kinh tế của giai cấp công nhân, nhân dân lao động, bảo đảm vai trò quản lý kinh tế của Nhà nước XHCN của dân, do dân, vì dân. Chính vì thế, việc đổi mới và nâng cao tính hiệu quả của kinh tế nhà nước có tầm quan trọng đặc biệt. Đó phải là trọng tâm trong xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Việc nâng cao hiệu quả của kinh tế nhà nước, của các doanh nghiệp nhà nước trong công nghiệp, dịch vụ và cả trong nông, lâm nghiệp đang là một thách thức cực kỳ to lớn bởi trong thực tế đây là nhiệm vụ đầy gian khổ, khó khăn. Song dù khó khăn, gian khổ đến đâu cũng không thể chần chừ, dao động, thiếu quyết tâm, không thể không làm chừng nào chúng ta còn định hướng tiến lên CNXH. Tuy vậy, phải bài trừ kiểu “lợi ích nhóm” trong doanh nghiệp nhà nước, đồng thời không xem nhẹ phát triển các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, xem nhẹ cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần trong điều kiện kinh tế thị trường.

Trong xây dựng kinh tế hợp tác không thể lặp lại sai lầm chủ quan nóng vội. Song điều đó không có nghĩa là thả nổi cho quan hệ sản xuất ở nông thôn diễn biến một cách tự phát dẫn đến phân cực giàu-nghèo một cách vô giới hạn dưới tác động của thị trường. Quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn theo định hướng XHCN nhất thiết đòi hỏi từng bước xây dựng chế độ hợp tác. Hình thức kinh tế tập thể, hợp tác xã trong nông nghiệp sẽ như thế nào? câu trả lời phải từ cuộc sống. Các hình thức phải đa dạng với nhiều trình độ cao thấp khác nhau, xuất phát từ yêu cầu khách quan của phát triển sản xuất, từ lợi ích thiết thực và sáng kiến của quần chúng nông dân, lấy hiệu quả kinh tế - xã hội làm chuẩn để lựa chọn hình thức hợp tác thích hợp, tuyệt đối không gò ép, áp đặt. Trong thực tế cuộc sống ở nông thôn đang xuất hiện ngày càng nhiều những hình thức hợp tác đa dạng, từ hợp tác xã kiểu cũ chuyển đổi đến các hình thức hợp tác mới cần phải có một cuộc tổng kết lớn gắn liền với cuộc vận động xây dựng nông thôn mới. Học viện và nhất là các Học viện khu vực phải tích cực tham gia cuộc tổng kết này.

Phát huy nội lực, trước hết phải có đường lối, chính sách đúng đắn, sáng tạo và không chỉ nói đến nguồn lực vật chất mà phải rất coi trọng nguồn lực con người. Ở đây nổi lên vai trò đặc biệt quan trọng của giáo dục, khoa học và đào tạo, từ lâu được xác định là “quốc sách hàng đầu”, nhưng chúng ta làm chưa tốt.

Trong toàn cầu hóa, Việt Nam chủ trương mở cửa kinh tế trên nguyên tắc giữ vững độc lập tự chủ và định hướng XHCN, chủ quyền quốc gia và bản sắc văn hóa dân tộc; bình đẳng cùng có lợi, vừa hợp tác vừa đấu tranh chống những ý đồ sai trái để bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc và con đường XHCN đã lựa chọn. Đảng ta chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế, luôn đề cao cảnh giác trước mọi dã tâm đen tối của các thế lực xấu cả trong và ngoài nước. Đảng chủ trương kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế-xã hội với bảo đảm quốc phòng và an ninh; xây dựng CNXH đi đôi với bảo vệ Tổ quốc XHCN, kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia bao gồm cả biển đảo.

Trong đổi mới cũng như trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng nói chung, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt. Là Trường Đảng cao cấp, Học viện phải đặc biệt quan tâm tham gia công tác này.

Thành phần giai cấp xuất thân của đảng viên-công nhân, nông dân, lao động trí óc và chân tay-có ảnh hưởng quan trọng đến bản chất đảng, không thể coi nhẹ. Song, yếu tố quan trọng nhất, quyết định nhất đối với bản chất đảng là hệ tư tưởng cách mạng, là chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Đảng vững mạnh, trong sạch trước hết là ở hệ tư tưởng. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”(5). Người còn nói: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”(6). Thật hết sức sai khi cho rằng, lý luận Mác - Lênin đã cũ rồi!

Chủ nghĩa Mác ra đời đã hơn 160 năm. Thế giới đã biết bao thay đổi, song những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác mà nền tảng là thế giới quan và phương pháp luận duy vật biện chứng, duy vật lịch sử, được V.I.Lênin bổ sung, phát triển, vẫn là ngọn đèn pha soi đường cho nhân loại, cho các dân tộc đi tới tương lai. Đối với Đảng Cộng sản, trong bối cảnh lịch sử phức tạp hiện nay, việc kiên định lập trường, quan điểm, phương pháp của chủ nghĩa Mác - Lênin, việc vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin càng cần thiết hơn bao giờ hết. Thế giới đã thay đổi nhiều so với thời C.Mác và V.I.Lênin. Thế kỷ XXI chắc chắn sẽ đem lại nhiều cái mới hơn nữa, chưa thể lường hết, trong sự phát triển khoa học, kỹ thuật, công nghệ, giáo dục và văn hóa, trong đời sống con người, trong cung cách và nhịp độ vận động của lịch sử, trong địa-chính trị, trong môi trường sống của loài người,v.v.. Tất cả điều đó đặt ra trước toàn bộ phong trào cộng sản quốc tế yêu cầu phát triển cao hơn chủ nghĩa Mác - Lênin, phải phát triển CNXH khoa học lên một trình độ mới nhằm đáp ứng trúng nhu cầu phát triển ngày càng cao của lịch sử.

Bản chất chủ nghĩa Mác - Lênin là cách mạng, khoa học và sáng tạo, luôn gắn chặt với thực tiễn. Trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin là phải suy nghĩ và hành động xuất phát từ cuộc sống trên cơ sở thế giới quan và phương pháp luận duy vật biện chứng, duy vật lịch sử, qua đó đi đến những nhận thức mới ngày càng đúng đắn về CNXH và con đường đi lên CNXH phù hợp điều kiện cụ thể từng nước và thế giới. Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục khẳng định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động...”(7). Tư tưởng Hồ Chí Minh là sản phẩm của chủ nghĩa yêu nước và sự vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể Việt Nam, một nước vốn là thuộc địa nửa phong kiến đã tiến hành thắng lợi cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, đang tiến lên con đường XHCN bỏ qua chế độ TBCN. Điểm cốt lõi và đặc sắc nhất trong tư tưởng Hồ Chí Minh là sự gắn kết hữu cơ độc lập dân tộc với CNXH; là giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người; là kết hợp nhuần nhuyễn lợi ích giai cấp với lợi ích dân tộc, chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế trong sáng; là “dĩ bất biến ứng vạn biến”.

Trong điều kiện đổi mới xây dựng CNXH với cơ chế thị trường nhiều thành phần, mở cửa với bên ngoài, trong bối cảnh quốc tế phức tạp hiện nay, sự thống nhất ý chí và hành động của toàn Đảng trên nền tảng tư tưởng chính trị, Cương lĩnh, đường lối của Đảng có tầm quan trọng sống còn, việc củng cố niềm tin cộng sản có ý nghĩa đặc biệt. Chỗ nào có sự sa sút niềm tin, có khoảng trống về tư tưởng, chỗ đó nguy cơ chệch hướng xuất hiện, nguy hiểm nhất nếu khủng hoảng niềm tin xảy ra ở số cán bộ có chức, có quyền. Có quan niệm cho rằng, đặc trưng của người đảng viên ngày nay không phải là hy sinh vì lý tưởng như trước đây mà là biết “kết hợp hài hòa” lợi ích của CNXH và lợi ích riêng, có như vậy mới “lãnh đạo” được dân chúng, rằng “đất nước đang ở thời kỳ quá độ thì tiêu chuẩn người đảng viên cũng có tính quá độ”. “Lý luận” như vậy có gì sai lầm hơn? Lại có ý kiến xấu hơn, không phải chỉ sai lầm mà thật ra là quan điểm chống đối, nói rằng: “Đảng phải vượt qua chính mình để hoạch định một chính sách đổi mới “mới”, vượt qua tất cả các giáo điều đang cản trở đất nước phát triển vì mục tiêu tối thượng của dân tộc chứ không phải của học thuyết”.

Ngày nay, nhân dân đòi hỏi gì ở người cộng sản? Cũng vẫn như trước đây, nhân dân cần người cộng sản vì người cộng sản đi tiên phong trong cuộc đấu tranh vì lợi ích của nhân dân, giàu hiểu biết và đủ khả năng lãnh đạo nhân dân xây dựng cuộc sống mới tự do, ấm no, hạnh phúc. Nhân dân bao giờ cũng xuất phát từ lợi ích của chính mình mà đi theo người cộng sản. Điều cơ bản, then chốt nhất khiến người cộng sản được nhân dân thừa nhận là ở chỗ trong bất cứ hoàn cảnh nào người cộng sản cũng toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân, cũng đặt lợi ích chung lên trên hết và trước hết, đó là lợi ích của giai cấp, của dân tộc, của nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở thật chí lý: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”(8[).

Chỉ còn hơn 1 năm nữa là đến Đại hội XII của Đảng, cần đặc biệt đẩy mạnh xây dựng Đảng cả về tư tưởng, lý luận, chính trị, tổ chức. Thực hiện có kết quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” là cực kỳ quan trọng không chỉ đối với thắng lợi của Đại hội XII mà cả đối với việc tiếp tục mạnh mẽ và vững chắc công cuộc đổi mới và xây dựng CNXH nói chung. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cần đặc biệt quan tâm phục vụ nhiệm vụ rất quan trọng đó.

_____________________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 9-2014

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.309

(2) ĐCSVN: Văn kiện Đảng toàn tập, t.7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.133

(3) Xem Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.90-92

(4) V.I. Lênin:Toàn tập (tiếng Việt), Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1978, t.44, tr.260.

(5), (6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.2, tr.289.

(7) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.56.

(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.672.

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền