Trang chủ    Bài nổi bật    Phát huy truyền thống 65 năm, đổi mới mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu của Đảng trong thời kỳ mới
Thứ tư, 24 Tháng 9 2014 09:26
2241 Lượt xem

Phát huy truyền thống 65 năm, đổi mới mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu của Đảng trong thời kỳ mới

(LLCT) - Qua 65 năm phấn đấu xây dựng và trưởng thành, tập thể cán bộ, giảng viên, công chức, viên chức của Học viện luôn đoàn kết, đặt lợi ích của Đảng, của đất nước, của chế độ lên trên hết, gương mẫu chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng và giữ gìn môi trường sư phạm tiến bộ, mẫu mực. Với những đóng góp liên tục trên mặt trận đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu lý luận, Học viện đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý. Những thành tựu đạt được là to lớn, song so với yêu cầu của Đảng đối với Học viện và với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, phải thừa nhận Học viện còn nhiều hạn chế, yếu kém cần khắc phục để hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang mà Đảng và nhân dân giao phó.

 

(Lễ Kỷ niệm 65 năm truyền thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (1949-2014) và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ hai)

1. Chặng đường 65 năm vẻ vang của Trường Đảng Trung ương

Cách đây tròn 65 năm tại chiến khu Việt Bắc, Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc Trung ương - tiền thân của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ngày nay được thành lập và bước vào khóa huấn luyện cán bộ đầu tiên. Đây là thời điểm cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng đã giành được thắng lợi bước đầu và chuẩn bị chuyển sang giai đoạn tổng phản công. Để chuẩn bị cán bộ cho giai đoạn cách mạng mới, Hội nghị cán bộ Trung ương lần thứ sáu, tháng 1-1949 đặt ra nhiệm vụ:“Nâng cao trình độ chính trị và lý luận của đảng viên… Tất cả đảng viên phải học tinh thông đường lối, chính sách của Đảng: học tập chủ nghĩa, học tập chiến lược, chiến thuật quân sự và những điều thường thức về công tác chính quyền, tổ chức đảng viên đến đâu phải huấn luyện cán bộ đến đó”. Về phương pháp học tập, Hội nghị chỉ rõ, bên cạnh việc tự tổ chức học tập của các chi bộ, của mỗi đảng viên thì sẽ mở các Trường Đảng các cấp: “các trường Đảng mở luôn, liên tiếp, phân công rành mạch giữa trường của Trung ương, khu và tỉnh”(1).

Là người đặc biệt quan tâm tới công tác đào tạo cán bộ, coi đó là công việc gốc của Đảng, tháng 9-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới dự Lễ khai giảng khóa II tại xã Bình Thành, huyện Định Hóa, Thái Nguyên và ghi vào Sổ vàng của Trường lời căn dặn bất hủ: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại. Muốn đạt mục đích, thì phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”(2).

Trong lịch sử của Học viện, nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước đã trực tiếp là Giám đốc Trường Đảng Trung ương như các đồng chí Trường Chinh (hai lần vào các năm 1956 - 1957, 1961 - 1966), Lê Văn Lương, Lê Đức Thọ (hai lần 1957 - 1960, 1967 - 1968), Tố Hữu. Hầu hết các đồng chí lãnh đạo cao cấp sau này đều đã từng là học viên của trường. Nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các đồng chí Tổng Bí Thư của Đảng ở các thời kỳ, dù bận nhiều công việc quan trọng của đất nước, vẫn quan tâm chỉ đạo định hướng hoạt động, thường xuyên đến thăm, nói chuyện và giảng dạy tại Trường. 

Trường đã mang các tên gọi khác nhau: từ Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc Trung ương tới Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc, Học viện khoa học xã hội mang tên Nguyễn Ái Quốc, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh và nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Song dù mang tên gì, bản chất của Nhà trường vẫn không thay đổi, đó là Trường Đảng - trường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng Cộng sản và hệ thống chính trị của Việt Nam. Từ 1993, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã bao gồm cả các Trường Đảng khu vực và Trường Đại học Tuyên giáo mà trước đây là các trường trực thuộc Ban Bí thư Trung ương. Ngày nay, Học viện CTQG Hồ Chí Minh trên thực tế là một hệ thống Trường Đảng bao gồm Học viện trung tâm và 5 Học viện trực thuộc, được tổ chức trên cơ sở phân công, phân cấp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo loại hình, tính chất và theo các khu vực của đất nước.

Trải qua 65 năm, Học viện đã đào tạo, bồi dưỡng được hàng trăm nghìn lượt cán bộ lãnh đạo, quản lý trung, cao cấp ở các ngành, các địa phương, cán bộ lý luận của Đảng. Quy mô và các hình thức đào tạo đã tăng gấp nhiều lần so với thời kỳ đầu. Chỉ tính riêng 5 năm vừa qua (2009 - 2014) toàn Học viện đã đào tạo, bồi dưỡng được 90 nghìn lượt học viên, sinh viên với nhiều hệ lớp, nhiều hình thức. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý được đào tạo, bồi dưỡng tại Học viện là lực lượng nòng cốt, đã trực tiếp góp phần làm nên những thắng lợi của công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước kia, công cuộc bảo vệ Tổ quốc, xây dựng và đổi mới đất nước trong gần 30 năm vừa qua.

Từ chỗ chỉ có các lớp cao cấp lý luận chính trị, từ thập kỷ 70 thế kỷ XX, Trường đã đào tạo hệ chuyên tu, nghiên cứu sinh, và từ những năm 80 đã cấp bằng phó tiến sĩ theo quy chuẩn chính quy của Nhà nước. Quy mô đào tạo sau đại học ngày càng lớn, hiện nay số lượng học viên cao học và nghiên cứu sinh được đào tạo tại Học viện theo các hệ lớp khác nhau trung bình từ 1.200 - 1.300 người/năm. Trong 30 năm qua, hàng trăm người đã được nhận bằng tiến sĩ các chuyên ngành, tham gia vào lực lượng chủ lực nghiên cứu và giảng dạy lý luận ở các cơ quan nghiên cứu, học viện, trường đại học, các trường chính trị, các cơ quan báo chí, tuyên truyền của Đảng.

Từ những năm 80, Trường được Trung ương Đảng giao nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cao cấp cho các Đảng bạn (Lào và Campuchia). Đến nay, hằng năm, Nhà trường vẫn liên tục mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ lý luận cho nước Cộng hòa DCND Lào. Năm 2010, lần đầu tiên Học viện đã đào tạo cho Đảng Frelimo (Mô dăm Bích) lớp cán bộ cấp trung ương và tỉnh của bạn. Những kết quả trong công tác đào tạo cán bộ cho các đảng bạn là đóng góp rất đáng kể của Học viện trong việc góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị giữa Đảng ta, nhân dân ta với các nước bạn, Đảng bạn.

Đồng thời với những đóng góp về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Học viện đã có đóng góp to lớn vào sự nghiệp nghiên cứu, phát triển, tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; nghiên cứu biên soạn lịch sử Đảng, tiểu sử và sự nghiệp các đồng chí lãnh tụ của Đảng ta. Bằng các chương trình, đề tài nghiên cứu tổng kết thực tiễn xây dựng đất nước, Học viện đã có những đóng góp đáng kể vào công tác lý luận của Đảng, có những đề xuất có giá trị góp phần phát triển, hoàn thiện đường lối, chủ trương của Đảng ta. Những đóng góp về quan điểm đổi mới cơ chế kinh tế và quản lý kinh tế trong những năm 80; khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh là một trong những nền tảng tinh thần của Đảng trong những năm 90; nghiên cứu tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn 20 năm đổi mới trước Đại hội X… là những ví dụ nổi bật. Với tư cách là trung tâm quốc gia nghiên cứu các khoa học chính trị, Học viện là nơi đi đầu trong nghiên cứu, phát triển các ngành khoa học mới ở nước ta như quyền con người, chính trị học và đang đi đầu trong phát triển ngành khoa học lãnh đạo, quản lý.

Từ sau sự sụp đổ của CNXH ở Liên Xô, Đông Âu, trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, quần chúng xuất hiện những tư tưởng sai trái, dao động. Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của thế giới và tình hình tư tưởng trong xã hội, Học viện là một địa chỉ tin cậy trên mặt trận tư tưởng, lý luận của Đảng, tích cực tham gia đấu tranh với những quan điểm sai trái, bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ Đảng và CNXH, bảo vệ thành quả cách mạng của nhân dân ta.

Trải qua nhiều chặng đường, lúc thuận lợi, lúc khó khăn, tập thể cán bộ, giảng viên, công chức, viên chức của Học viện luôn đoàn kết, đặt lợi ích của Đảng, của đất nước, của chế độ  lên trên hết, gương mẫu chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng và giữ gìn môi trường sư phạm tiến bộ, mẫu mực. Các thế hệ cán bộ của Học viện luôn để lại trong các học viên hình ảnh trong sáng về người đảng viên, cán bộ, người thầy giáo Trường Đảng. Nhiều người được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú.

Với những đóng góp liên tục trên mặt trận đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu lý luận, Học viện đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh (hai lần), danh hiệu Anh hùng Lao động. Các Học viện trực thuộc cũng được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý.

2. Phát huy truyền thống 65 năm, xây dựng Học viện ngày càng lớn mạnh

Những thành tựu đạt được qua 65 năm phấn đấu xây dựng và trưởng thành là to lớn, song so với yêu cầu của Đảng đối với Học viện và với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, phải thừa nhận Học viện còn nhiều hạn chế, yếu kém.

Trước hết là chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chưa cao. Học viện có một phần trách nhiệm trong việc chưa đào tạo được đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng, đổi mới đất nước cả về phẩm chất chính trị, năng lực lãnh đạo, phẩm chất đạo đức, lối sống, tác phong công tác. Chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy, nền nếp quản lý chưa thực sự đổi mới, chậm tiếp cận trình độ hiện đại của khu vực và thế giới.

Trong một số năm qua, chất lượng công tác nghiên cứu khoa học chưa ngang tầm với vị thế của Học viện, chưa có những công trình thực sự xuất sắc ghi dấu ấn của Học viện đóng góp vào sự phát triển lý luận của Đảng, vào hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước.

Cơ sở vật chất của Học viện tuy đã được đầu tư, nâng cấp song chưa thật tiện nghi, hiện đại, tương xứng với vị thế là Trường đào tạo, bồi dưỡng cao cấp nhất của Đảng và Nhà nước. Việc áp dụng công nghệ tiên tiến vào quản trị, điều hành một cơ sở đào tạo lớn như Học viện còn hạn chế.

Đội ngũ cán bộ, giảng viên, các nhà khoa học của Học viện ngày nay có số lượng đông đảo, tỷ lệ có học vị, học hàm cao. Ở thời điểm hiện nay, trong tổng số hơn 2.300 cán bộ, công chức, viên chức, có 8 giáo sư, 134 phó giáo sư, 310 tiến sĩ. Song số cán bộ đầu đàn, có uy tín lớn trong các lĩnh vực nghiên cứu không nhiều. Nhiều cán bộ khoa học, giảng viên còn thiếu hiểu biết thực tiễn, thiếu kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý, nhiều người còn yếu về chuyên môn và phương pháp giảng dạy hiện đại. Những hạn chế đó ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học của Học viện.

Đất nước ta đã qua 30 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã thu được những thành tựu có tính lịch sử, từ một nước nghèo trở thành nước có thu nhập trung bình, đang hội nhập mạnh mẽ với thế giới. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, cách mạng khoa học - công nghệ đang diễn ra vô cùng mạnh mẽ, quan hệ giữa các nước trong khu vực và quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, đất nước ta đang đứng trước những cơ hội mới, nhưng cũng có những thách thức to lớn, đòi hỏi công tác cán bộ của Đảng phải nâng lên một tầm cao mới, trong đó có công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Học viện.

Yêu cầu đặt ra đối với Học viện là phải đóng góp tích cực hơn nữa vào sự nghiệp cách mạng của Đảng bằng cách thực hiện thật tốt chức năng cơ bản, chủ yếu, quan trọng hàng đầu là đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của đất nước đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới; chức năng nghiên cứu khoa học góp phần vào công tác tư tưởng, lý luận của Đảng, góp phần đổi mới, hoàn thiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Tiếp theo Kết luận số 119-TB/TW của Bộ Chính trị ngày 16-1-2013 về tổng kết thực hiện Nghị quyết 52-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Quyết định số 224-QĐ/TW ngày 6-1-2014 của Bộ Chính trị và Nghị định số 48/2014/NĐ-CP ngày 19-5-2014 của Chính phủ về tổ chức bộ máy và nhân sự của Học viện là những căn cứ và định hướng cho công tác của Học viện trong những năm trước mắt.

Chấp hành nghiêm túc các chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư, phát huy truyền thống 65 năm, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, đội ngũ cán bộ nghiên cứu, giảng dạy của Học viện đoàn kết, nhất trí thực hiện các phương hướng cơ bản sau:

Thứ nhất, ngay từ năm học này, toàn Học viện sẽ đưa vào giảng dạy cho tất cả các hệ lớp theo các chương trình, giáo trình mới do Đề án 1677 xây dựng. Đây là các chương trình, giáo trình đã được biên soạn công phu theo tinh thần cập nhật các kiến thức và kinh nghiệm thực tế mới, gắn kết chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn của đất nước và thời đại, phù hợp với đặc điểm, tính chất các đối tượng người học khác nhau.

Trên cơ sở bảo đảm quy mô đào tạo cơ bản về lý luận chính trị, Học viện tập trung hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng các đối tượng cán bộ dự nguồn; các chức danh lãnh đạo; bồi dưỡng cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý trung cấp và cao cấp. Học viện sẽ ưu tiên cho các khóa đào tạo chính quy tập trung, giảm dần hình thức đào tạo chính quy không tập trung; tập trung chuẩn bị để sớm đưa vào đào tạo một số ngành mới, đáp ứng yêu cầu công cuộc xây dựng và phát triển của đất nước.

Công tác quản lý học viên sẽ được đổi mới, đáp ứng yêu cầu đào tạo và bồi dưỡng nên những cán bộ có năng lực lãnh đạo quản lý, năng lực chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, có năng lực tư duy sáng tạo và ý thức đầy đủ trách nhiệm chính trị đối với nhân dân, đất nước, dân tộc và chế độ. Thông qua theo dõi, đánh giá học viên trong quá trình học tập, rèn luyện, Học viện sẽ thực hiện chức năng là công cụ tổ chức của Đảng, là một trong những bộ lọc đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể.

Thứ hai, trên tinh thần bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực tiễn của đất nước, của thế giới, tăng cường công tác nghiên cứu khoa học của học viên, trước hết phục vụ cho việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đồng thời đóng góp vào công tác lý luận của Đảng, góp phần hoàn thiện, phát triển đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ Đảng và bảo vệ chế độ. Những vấn đề trọng tâm của công tác nghiên cứu khoa học là: nghiên cứu về giá trị vững bền của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, nghiên cứu về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam, xây dựng nền dân chủ XHCN, Nhà nước pháp quyền XHCN và khối đại đoàn kết toàn dân tộc, mối quan hệ giữa đổi mới chính trị và đổi mới kinh tế, v.v.. là khoa học lãnh đạo chính trị và quản lý nhà nước. Ngoài ra, Học viện cũng cần triển khai nghiên cứu các vấn đề mới nảy sinh trong thực tế, tham gia tổng kết thực tế, góp phần tích cực vào việc hoạch định các chủ trương, đường lối của Đảng, các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thứ ba, để có thể hoàn thành được những phương hướng công tác quan trọng đã nêu trên, điều kiện có tính quyết định chính là nhân tố nhân tố con người, là chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức của Học viện. Vai trò, vị trí và trách nhiệm của Học viện đòi hỏi đội ngũ cán bộ phải là những người có lập trường chính trị vững vàng, có khả năng nghiên cứu khoa học và giảng dạy lý luận tốt, có vốn sống và trải nghiệm thực tế lãnh đạo quản lý, lao động, sản xuất, có đạo đức và lối sống trong sáng của người thầy trên bục giảng, của người đảng viên Cộng sản trong cuộc sống. Đội ngũ cán bộ của Học viện phải được ổn định về số lượng, cơ cấu, bảo đảm có sự kế tục lâu dài. Học viện sẽ phấn đấu là một trong những nơi thực hiện tốt nhất những quan điểm chỉ đạo, những chủ trương và biện pháp về công tác cán bộ của Đảng để xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ của chính mình; thực hiện tốt các khâu từ tuyển dụng, phát hiện, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ cán bộ... Công tác cán bộ phải được đổi mới tất cả các khâu, từ tuyển dụng, sử dụng, đến phát hiện, bồi dưỡng để phát huy được năng lực của những người có thực tài, tha thiết với sự nghiệp trường Đảng, chấp nhận gian khổ trong học tập, rèn luyện, kể cả rèn luyện trong thực tiễn ở nơi khó khăn nhất. Qua thực tiễn nghiên cứu, giảng dạy, hoạt động xã hội mà phát hiện, quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo từ những cán bộ trẻ thành những người kế cận lãnh đạo, quản lý hay nghiên cứu khoa học của Học viện trong tương lai. Thông qua hiệu quả công tác, kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao, qua tín nhiệm của quần chúng để đánh giá cán bộ. Đẩy mạnh việc thực hiện chủ trương đưa cán bộ đi thực tế dài hạn ở các địa phương, đi biệt phái và luân chuyển để đào tạo cán bộ. Các công tác thi đua, khen thưởng, công tác Đảng, công đoàn và các đoàn thể khác... sẽ phải nhằm mục tiêu là góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ của Học viện ngày càng vững mạnh, đáp ứng tiêu chí của Học viện trong tương lai.

Thứ tư, để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu khoa học của Học viện cần phải tiếp tục nâng cấp cơ sở vật chất và kỹ thuật các lớp học, hội trường, nhà ở, các cơ sở phục vụ khác như thư viện, nhà ăn, sân thể dục, thể thao… Đi đôi với tăng cường điều kiện vật chất là nâng cấp, hoàn thiện trình độ quản trị, điều hành Học viện ngày càng chính quy, hiện đại, chuyên nghiệp.

Thứ năm, đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tếphục vụ nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ các đơn vị nghiên cứu, giảng dạy của Học viện; góp phần thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau giữa Đảng cộng sản Việt Nam với các đảng cộng sản, đảng cầm quyền, đảng cánh tả trên thế giới. Bên cạnh những hình thức hợp tác đã thực hiện lâu nay sẽ tăng cường hơn nữa việc lựa chọn và mời các giáo sư, các nhà chính trị, ngoại giao, kinh doanh quốc tế có uy tín tới thuyết trình cho các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Học viện, góp phần nâng cao uy tín của Học viện đối với bạn bè quốc tế. 

*

*    *

Kỷ niệm 65 năm truyền thống của Học viện là dịp để toàn thể cán bộ, công chức, viên chức Học viện nhìn lại và tự hào về chặng đường vẻ vang của Học viện, tri ân với những thế hệ cán bộ đi trước đã xây dựng nên truyền thống tốt đẹp của Học viện, suy nghĩ về những giá trị tốt đẹp của Học viện và quyết tâm phấn đấu phát huy hơn nữa những giá trị đó trong những chặng đường tiếp theo. Chúng ta hy vọng và tin tưởng, cùng với ý thức trách nhiệm và nỗ lực của mỗi cán bộ, đảng viên, Học viện sẽ tiếp tục giành được những thành tích to lớn, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

_____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 9-2014

(1) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập,t.10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.21

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập,t.6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 208

GS, TS Tạ Ngọc Tấn

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng,

Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền