Trang chủ    Bài nổi bật     Vấn đề liên minh công nhân, nông dân và trí thức hiện nay
Thứ sáu, 10 Tháng 10 2014 09:56
2782 Lượt xem

Vấn đề liên minh công nhân, nông dân và trí thức hiện nay

(LLCT) - Liên minh công - nông - trí là vấn đề mở. Hồ Chí Minh đề cập cái gốc cách mạng là công - nông (thời kỳ đầu cách mạng), sau đó mở rộng ra, khối liên minh trong cách mạng, không chỉ là công - nông, mà thêm cả trí thức. công - nông là “gốc” của cách mạng, trong đó công nhân đóng vai trò lãnh đạo.

1.   Các giai cấp đang biến đổi

Từ lý luận và thực tiễn, rõ nhất là qua cách mạng Đức và Công xã Pari năm 1871, các nhà kinh điển khẳng định: cuộc cách mạng vô sản hay phong trào công nhân không thể giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh lật đổ chế độ tư bản nếu không có khối liên minh giữa giai cấp công nhân và giai cấp nông dân, trong đó giai cấp công nhân đóng vai trò lãnh đạo. Ph.Ăngghen còn cho rằng, cách mạng vô sản sẽ trở thành bài ca ai điếu nếu giai cấp công nhân không liên minh được với giai cấp nông dân.

Cũng trên tinh thần ấy, V.I.Lênin cho rằng, liên minh công - nông là điều tuyệt diệu nhất trên đời này. Trong thiết kế và vận hành cho một thể chế chính trị mới sau Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, Lênin luôn luôn nhấn mạnh hai lực lượng chủ công: giai cấp công nhân, giai cấp nông dân (Xôviết công - nông - binh - mà binh cũng từ công - nông mà ra); hồng quân - quân đội công nông.

Trong hoàn cảnh của Việt Nam, khối liên minh trong cách mạng, theo quan điểm của Hồ Chí Minh thì không chỉ là công - nông, mà thêm cả trí thức nữa, tuy rằng có lúc trí thức không được khẳng định thật rõ lắm.

Trước hết, Hồ Chí Minh cho rằng, công - nông là “gốc” của cách mạng, trong đó công nhân đóng vai trò lãnh đạo. Không như C.Mác và Ph.Ăngghen coi nông dân có hai mặt: Mặt cách mạng và mặt tư hữu, thậm chí Ph.Ăngghen còn coi nông dân Pháp như những củ khoai tây trong một bao tải khoai tây, nghĩa là những người nông dân không có được sự liên kết bền chặt với nhau, thì Hồ Chí Minh đánh giá vai trò rất to lớn của nông dân Việt Nam và không bao giờ nêu mặt tư hữu của họ. Mặc dù coi nông dân là một trong hai thành tố của cái gốc cách mạng, nhưng nông dân không là lực lượng lãnh đạo. Điều này thì Hồ Chí Minh tuyệt đối thống nhất với  C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin.

Trí thức, như trong Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, là học trò (trong tổ hợp “học trò, nhà buôn nhỏ” - sau này thường gọi chung là “tiểu tư sản”) là bầu bạn của cách mạng. Đến Đại hội II của Đảng (2-1951), vị trí, vai trò của trí thức được thể hiện rõ hơn khi Hồ Chí Minh đưa ra quan điểm: “Đảng Lao động Việt Nam là đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, cho nên nó phải là đảng của dân tộc Việt Nam”; Đảng “sẽ kết nạp những công nhân, nông dân, lao động trí óc, thật hăng hái, thật giác ngộ cách mạng”(1) “Lao động trí óc” ở đây là cái nền, mà cái lõi là đội ngũ (tầng lớp) trí thức.

Thực tế hiện nay đã có sự biến đổi và sẽ tiếp tục biến đổi mạnh mẽ, nhanh chóng, chứa đựng nhiều yếu tố khó lường. Cuộc sống chuyển động, biến đổi không ngừng, nó kiểm nghiệm, chỉnh sửa ngay cả những điều trước đây được coi là đúng. Điều này càng thấy rõ khi loài người đang sống trong thời đại “cuộc sống số”, với cách mạng khoa học-công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, phát triển theo cấp số nhân. C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin luôn sửa những ý kiến của mình trước đây khi thấy thực tế đã biến đổi. Bản Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản năm 1848 nổi tiếng, được coi là sự đánh dấu chính thức cho sự ra đời của chủ nghĩa cộng sản khoa học, chỉ mấy năm sau đã có một số nội dung bị thực tế vượt qua. Do vậy, cứ mỗi lần tái bản, Ph.Ăngghen cho in nguyên văn để tôn trọng văn bản lịch sử, nhưng trong lời tựa cho mỗi lần xuất bản, ông viết lại những điều đã bị thực tế lịch sử vượt qua.

Sự biến đổi trong giai cấp công nhân ở Việt Nam

Một, biến đổi về số lượng, cơ cấu, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Vào giữa năm 2013, Việt Nam có khoảng 7 nghìn loại doanh nghiệp có trên 200 công nhân, số còn lại là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí rất nhỏ. Ở Việt Nam hiện nay vẫn chưa đạt được tính chất phổ biến của công nhân đại công nghiệp theo quan điểm của C.Mác. Trong khu vực kinh tế nhà nước có khoảng 1,7 triệu công nhân. Hiện nay, ngay khái niệm “giai cấp công nhân” cũng cần được nghiên cứu để xác định lại, nó không còn nguyên như trước đây.

Hai, biến đổi về ý thức. Công nhân Việt Nam hiện nay tự mình có  ý thức là giai cấp lãnh đạo cách mạng nữa không? Ý thức giai cấp cũng đã khó rồi, chứ chưa nói đến ý thức giai cấp lãnh đạo. Năm 2012, khi khảo sát một số tỉnh phía Nam, đặc biệt là ở TP.Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương: với các nhóm công nhân doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài (FDI), doanh nghiệp liên doanh… thì không ai tự nhận mình là nằm trong giai cấp lãnh đạo, họ không hề có ý thức mình là giai cấp lãnh đạo cách mạng. Trên thực tế, 3 năm trở lại đây, số công nhân được kết nạp vào Đảng chỉ chiếm khoảng gần 10% trong tổng số người được kết nạp.

Giai cấp nông dân cũng biến đổi nhiều

Một, người nông dân hiện nay, xét về tính chất sở hữu ruộng đất canh tác, không phải là người nông dân đúng nghĩa nữa, nghĩa là không sản xuất, kinh doanh trên ruộng đất của chính mình, mà chỉ là trên mảnh đất mình có quyền sử dụng, thậm chí có những nông dân biến thành người vô sản-đi làm thuê vì họ không có ruộng đất (tình trạng này ở vùng đồng bằng sông Cửu Long có nhiều). Một số nông dân không hoàn toàn làm ruộng mà đi nơi khác làm việc phi nông nghiệp không cố định. Kinh tế hộ nông dân chủ yếu ở miền Bắc và miền Trung phần lớn đang chững lại trong hình thức và chất lượng của sự phát triển. Hợp tác xã kiểu mới, các trang trại của hộ nông dân, cánh đồng mẫu lớn… vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là cánh đồng mẫu lớn chủ yếu là trồng lúa.

Hai, cũng như công nhân, nông dân có ý thức giai cấp không? Tôi cho rằng, một bộ phận bị “biến dạng” (theo nghĩa “giai cấp”), họ mang tên nông dân nhưng không làm ruộng mà tỏa đi khắp nơi làm đủ nghề để mưu sinh - điều này lặp lại tình trạng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX (tất nhiên là trong điều kiện khác. Cái điều mà chúng ta nhận định về hoàn cảnh này ở cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX làm cho khối liên minh công nông bền chặt một cách tự nhiên vì công nhân thoát thai trực tiếp từ người nông dân, hoặc công nhân theo mùa, thì bây giờ không như thế nữa mặc dù tình hình tương tự). Một bộ phận không thiết tha với ruộng vườn; một bộ phận bị mất đất do đô thị hóa, do bị thu hồi để xây dựng các công trình hạ tầng công cộng. Trong số đó, một bộ phận nông dân bị tha hóa, không còn ruộng, không có việc làm, sinh ra ăn chơi, tiêu hết số tiền được đền bù từ ruộng đất bị lấy. Việc liên kết “bốn nhà” (Nhà nước, nhà nông, nhà doanh nghiệp - kể cả ngân hàng, nhà khoa học) chưa có hiệu quả rõ rệt, mới chỉ dừng trên khẩu hiệu là chủ yếu. Ý thức về giai cấp trong nông dân Việt Nam, một giai cấp cùng công nhân là gốc cách mạng, là đội quân chủ lực của cách mạng đã bị phai nhạt đáng kể.

Trí thức cũng có sự biến đổi mạnh

Một, khái niệm trí thức đang được xác định mà chưa có sự thống nhất. Thậm chí có hai xu hướng: đưa một bộ phận trí thức vào công nhân (Trường hợp Trung Quốc là ví dụ tham chiếu vì Trung Quốc đã làm việc này); đưa một bộ phận bên ngoài vào trí thức (ở Việt Nam, một số ý kiến đưa doanh nhân vào đội ngũ trí thức).

Hai, quan điểm, chủ trương của Đảng luôn bày tỏ tinh thần trọng thị, đánh giá cao vai trò của đội ngũ trí thức, nhưng trên thực tế thì chưa phản ánh đầy đủ điều đó. Về phía trí thức thì đang còn một bộ phận thờ ơ chính trị. Câu nói của cha ông trong lịch sử dân tộc Việt Nam: “Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách”, đề cao trách nhiệm của những sĩ phu, trí thức với đất nước trong điều kiện đất nước đang biến chuyển mạnh mẽ vẫn còn có ý nghĩa lớn trong điều kiện hiện nay. Khái niệm “tiểu tư sản” mà một thời gian dài được gắn cho trí thức để nói lên tính bấp bênh, dao động, ngả nghiêng, không có tính độc lập, lúc thì đi với tư sản, lúc thì đi với vô sản…thì nay không còn đứng vững. Với sự phát triển của cách mạng khoa học và công nghệ, của kinh tế tri thức thì trí thức trở thành một động lực lớn của sự phát triển, nhiều người trong số đó trở thành bộ phận tinh hoa của đất nước.

2. Liên minh công - nông - trí trong giai đoạn mới

Việt Nam cần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Điều này đúng với tư tưởng Hồ Chí Minh hơn cả, tuy rằng Người đề cập cái gốc cách mạng là công - nông (thời kỳ đầu cách mạng), sau đó mở rộng ra, không chỉ riêng công nông. Người thường nói đến “đồng bào”, “mọi người”, “những người lao động”. Mà như thế thì hiện nay bao gồm: tất cả những người làm việc trong các loại doanh nghiệp; những người làm ruộng (cả làm nghề thủy, hải sản) với các loại hình hợp tác xã hay tư nhân; những người đi làm thuê mưu sinh trong cả nước; những người lao động trí óc; công chức, viên chức, những người trong các lực lượng vũ trang; những doanh nhân… Nghĩa là tất cả người Việt Nam, theo quan niệm của Hồ Chí Minh, không phân biệt nam nữ, giàu nghèo, vùng, miền, tôn giáo, tín ngưỡng, đoàn thể… đều là lực lượng để liên minh với nhau, hình thành nên một khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thực tế hiện nay, mối quan hệ khăng khít giữa giai cấp công nhân và Đảng Cộng sản Việt Nam biểu hiện chưa rõ nét. Mối quan hệ ấy về lý luận chỉ rõ rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ mạnh khi giai cấp công nhân của mình mạnh, cũng như vậy theo lôgíc ấy, giai cấp công nhân Việt Nam chỉ mạnh khi Đảng Cộng sản Việt Nam mạnh. Mối quan hệ ấy hiện chỉ giải thích được rằng: Đảng Cộng sản Việt Nam đã không còn chỉ là đảng của giai cấp công nhân nữa, mà còn là đảng của nhân dân và dân tộc Việt Nam.

Đảng ta đã có nghị quyết về xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước. Đến nay, điều kiện sinh hoạt, thu nhập của công nhân chưa cải thiện được bao nhiêu.

Đã có Nghị quyết Hội nghị về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhưng trong giai đoạn hiện nay, nông dân bị thiệt thòi nhất, những người thuộc về lợi thế ở một nước nông nghiệp thời khủng hoảng làm cho kinh tế đỡ đi gánh nặng bởi ảnh hưởng xấu của tình hình kinh tế thế giới; xuất khẩu gạo của Việt Nam đứng nhất nhì thế giới. Mỗi khi có khủng hoảng thì chúng ta càng thấy rõ hơn lợi thế của một nước nông nghiệp.

Trí thức cũng vậy, đang có bộ phận tinh hoa và đang có bộ phận suy thoái. Cái rất cần thiết, như những cái tối thiểu cho nhu cầu sống của con người - đối với trí thức là môi trường tự do, dân chủ, điều tiên quyết cho lao động sáng tạo. Xét về trách nhiệm đối với sự hưng thịnh của đất nước, có trách nhiệm của tầng lớp tinh hoa (trong trí thức).

Hiện nay, nên nhấn mạnh xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc bởi vì không còn rõ nét lắm sự liên minh công - nông - trí.

Đảng Cộng sản Việt Nam là tổ chức chính trị mà trong đó thành phần gồm những tinh hoa trong xã hội, đúng như trong văn kiện của Đảng Cộng sản Việt Nam đã nêu: Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng của giai cấp công nhân đồng thời là đảng của nhân dân lao động và toàn dân tộc, đại diện cho lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn dân tộc.

Trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở Việt Nam, có vai trò rất to lớn của các tổ chức chính trị - xã hội, những tổ chức mang tính chất vừa chính trị vừa xã hội. Nhưng, phân biệt cho được một cách rạch ròi đâu là tổ chức chính trị, đâu là tổ chức xã hội và đâu là tổ chức kép, nghĩa là vừa là tổ chức chính trị, vừa là tổ chức xã hội thì thật không đơn giản. Về thành phần các tổ chức chính trị - xã hội ở Việt Nam hiện nay thường được quan niệm gồm:

- Mặt trận Tổ quốc. Thật ra, trong Mặt trận Tổ quốc, có một số tổ chức thành viên lại mang tính chất tổ chức xã hội (tôn giáo, nghề nghiệp).

- Các thành viên nằm trong Mặt trận Tổ quốc, nhưng có tính độc lập khi xét riêng là một tổ chức chính trị-xã hội: Công đoàn (Liên đoàn lao động), Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh. Còn các tổ chức xã hội hiện gồm nhiều tổ chức nghề nghiệp (các hội). Trong tổ chức hội nghề nghiệp thì có một số hội không đơn thuần là nghề nghiệp, không đơn thuần là tổ chức xã hội mà còn mang cả tính chất chính trị nữa (chẳng hạn: Hội Nhà văn, Hội Sử học, Hội Tâm lý học, Hội Xã hội học...). Đó là những tổ chức đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong số các tổ chức đó, một số đã bị hành chính hóa, nhà nước hóa.

Liên minh dân cư, các lực lượng chính trị - xã hội là liên minh làm nên khối đoàn kết toàn dân tộc, trong đó Đảng Cộng sản Việt Nam là nòng cốt, đóng vai trò lãnh đạo, mà Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng tập hợp trong mình tầng lớp tinh hoa của toàn xã hội, không riêng một giai cấp, tầng lớp nào, nhưng rõ ràng và chủ yếu là từ tinh hoa của tầng lớp trí thức.

Liên minh công - nông - trí vẫn còn là vấn đề mở. Thực tế đang vận động, lý luận chính trị chỉ có vai trò tích cực, dẫn đường, soi sáng cho hành động của các tổ chức chính trị, xã hội và cá nhân khi lý luận đó được đúc rút từ quy luật của cuộc sống. Chính cuộc sống là cái phôi của những vấn đề lý luận chính trị, và chính thực tế cuộc sống là thầy dạy của các tổ chức chính trị và các nhà lý luận chính trị.

_______________________

Bài đăng trên tạp chí Lý luận chính trị số 2-2014

(1) Xem: ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.47, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.37-38.

                                                                                                                                                                           

 

GS, TS Mạch Quang Thắng

Viện Lịch sử Đảng,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền