Trang chủ    Bài nổi bật    Phát triển các hình thức dân chủ và dân chủ trực tiếp
Thứ ba, 02 Tháng 12 2014 17:36
1972 Lượt xem

Phát triển các hình thức dân chủ và dân chủ trực tiếp

(LLCT) - Muốn phát triển lên CNXH một cách có kế hoạch, vững chắc và kiên quyết phải nhờ vào việc xây dựng được một nhà nước thực sự dân chủ của nhân dân, trong đó quần chúng ngày càng nắm vững nghệ thuật quản lý nhà nước và điều khiển toàn bộ chính quyền nhà nước. Bên cạnh đó, các yêu cầu và nội dung dân chủ của nhà nước vô sản phải được quy định trong Hiến pháp và pháp luật.

1. Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ

Theo C.Mác, trong chế độ dân chủ, nhà nước, luật pháp là sự tự quy định của nhân dân, dân chủ vô sản không chỉ là công cụ, phương tiện để phát huy tính sáng tạo của quần chúng, mà còn là bản chất tồn tại của nhà nước XHCN.

Kế thừa tư tưởng của C.Mác về dân chủ, V.I.Lênin cho rằng: “Cần xây dựng ngay chế độ dân chủ, bắt đầu từ cơ sở, dựa và ý kiến bản thân quần chúng, với sự tham gia thực sự của quần chúng vào tất cả đời sống của nhà nước”(1). Trong điều kiện của chế độ dân chủ mới thì điều quan trọng nhất là toàn bộ công việc nhà nước từ dưới lên phải do bản thân quần chúng tổ chức, quần chúng thực sự tham gia. Muốn phát triển lên CNXH một cách có kế hoạch, vững chắc và kiên quyết phải nhờ vào việc xây dựng được một nhà nước thực sự dân chủ của nhân dân, trong đó quần chúng ngày càng nắm vững nghệ thuật quản lý nhà nước và điều khiển toàn bộ chính quyền nhà nước. Đồng thời, theo V.I.Lênin, các yêu cầu và nội dung dân chủ của nhà nước vô sản phải được quy định trong Hiến pháp và pháp luật.

Các cơ chế thực hiện dân chủ trực tiếp được các nhà kinh điển Mác - Lênin và Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra là:

- Nhân dân tham gia thành lập bộ máy nhà nước thông qua bầu cử và ứng cử.

Bầu cử và ứng cử là một trong những nội dung dân chủ về chính trị quan trọng nhất, là biểu hiện rõ nhất của dân chủ. Thông qua bầu cử và ứng cử, nhân dân trực tiếp thành lập ra bộ máy nhà nước.

Theo Lênin, bầu cử theo nguyên tắc phổ thông bình đẳng, trực tiếp, bỏ phiếu kín là nguyên tắc tiến bộ nhất của nền dân chủ hiện đại. Qua đó, những người lao động tự lựa chọn được những người xứng đáng thay mặt mình để quản lý và giải quyết các công việc của nhà nước và xã hội. “Chỉ khi nào có những uỷ ban do toàn dân bầu ra trên cơ sở quyền phổ thông đầu phiếu mới là những uỷ ban dân chủ”(2)

Đề cao giá trị của hình thức dân chủ này, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, tổng tuyển cử là sự thể hiện năng lực thực hành dân chủ của nhân dân. Người viết: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác việc nước nhà… Do tổng tuyển cử mà toàn dân bầu ra Quốc hội; Quốc hội sẽ cử ra Chính phủ. Chính phủ đó thực sự là Chính phủ của nhân dân”. Như vậy, thông qua bầu cử, nhân dân thực hiện quyền lực của mình, xây dựng nên một nhà nước hợp pháp theo ý nguyện của toàn dân.

- Nhân dân biểu quyết khi nhà nước trưng cầu ý kiến.

Trưng cầu ý dân là một hình thức dân chủ trực tiếp điển hình, một trong những hình thức cao của việc nhân dân tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Sự ra đời định chế trưng cầu ý dân đánh dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của nền dân chủ trên thế giới. Bỏ phiếu trưng cầu là việc nhân dân bỏ phiếu thể hiện ý chí của mình đối với những vấn đề trọng đại của đất nước. Thông qua hình thức này, “người dân có điều kiện thể hiện quan điểm của mình đối với một vấn đề chính trị xã hội quan trọng, được bày tỏ ý kiến đồng ý hay không đồng ý và cơ quan nhà nước có trách nhiệm căn cứ vào đó để ban hành quyết định tương ứng”(3).

- Nhân dân tham gia quản lý nhà nước.

 Xác định rõ mục tiêu xây dựng một chế độ dân chủ triệt để, dân chủ là “do nhân dân tự quy định”, Lênin cho rằng, mục đích của chính quyền Xô viết là thu hút những người lao động tham gia vào quản lý nhà nước, thực hiện một nền dân chủ rộng rãi nhằm giải phóng con người và phát triển toàn diện con người trong xã hội mới. Có nhiều phương thức để nhân dân tham gia quản lý nhà nước, trong đó, việc nhân dân tham gia thảo luận và góp ý kiến xây dựng chính sách, pháp luật của nhà nước có ý nghĩa hết sức quan trọng. Thông qua đó, nhân dân thể hiện một cách trực tiếp ý chí của mình về các vấn đề được pháp luật điều chỉnh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm, nhà nước phải dựa vào lực lượng nhân dân, bảo đảm phương châm“đưa mọi vấn đề cho dân chúng thảo luận và tìm cách giải quyết”(4). Trong quá trình chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn coi trọng việc tổ chức lấy ý kiến  nhân dân. Điều đó được minh chứng cụ thể và rõ ràng nhất khi Người chỉ đạo soạn thảo Hiến pháp năm 1959. Ban soạn thảo Hiến pháp năm 1959 đã tổ chức hai đợt lấy ý kiến nhân dân với thời gian 4 tháng. Người đánh giá: “Hai đợt thảo luận dự thảo Hiến pháp trong nhân dân là những cuộc sinh hoạt chính trị rất sôi nổi. Nhân dân đã hăng hái sử dụng quyền dân chủ của mình để xây dựng Hiến pháp của mình”(5). Điều đó được thể hiện qua 10 điểm đóng góp lớn đã được Ban sửa đổi Hiến pháp tiếp thu, chỉnh sửa.

- Nhân dân bãi miễn đại biểu dân cử.

Chế độ dân chủ sẽ không thể triệt để và hoàn toàn nếu nhân dân chỉ bầu ra những đại biểu của mình mà lại không có quyền bãi miễn các đại biểu đó khi họ không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân. Quyền bãi miễn là quyền có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện chế độ dân chủ. Lênin  cho rằng, mọi cơ quan được bầu ra… đều có thể coi là có tính chất dân chủ chân chính và đại biểu thực sự cho ý chí của nhân dân khi nào quyền bãi miễn của cử tri đối với người trúng cử được thừa nhận và áp dụng… Nguyên tắc cơ bản đó… cũng phải được áp dụng đối với Quốc hội lập hiến… Từ chối không áp dụng quyền bãi miễn, trì hoãn thi hành quyền đó, hạn chế nó, thì như thế tức là phản lại dân chủ...    

Khi bàn về mối quan hệ giữa nhà nước và nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ”. “Nếu Chính phủ sai thì phải phê bình, phê bình nhưng không phải là chửi”(6). Người viết: “Nhân dân có quyền bãi miễn đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân nếu những đại biểu ấy tỏ ra không xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân. Nguyên tắc ấy bảo đảm quyền kiểm soát của nhân dân đối với đại biểu của mình “(7).

- Nhân dân giám sát hoạt động của nhà nước, cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức nhà nước.

Vấn đề nhân dân giám sát hoạt động của nhà nước, cơ quan nhà nước và cán bộ công chức nhà nước xuất phát từ nguyên lý quyền lực của nhân dân là tối thượng, là quyền lực gốc. Các cơ quan nhà nước, cán bộ công chức nhà nước thực hiện thẩm quyền của mình là thực hiện quyền hạn do nhân dân uỷ thác cho. Vì vậy, để bảo đảm rằng các cơ quan nhà nước, cán bộ công chức nhà nước thực hiện đúng quyền hạn do nhân dân uỷ thác, không lạm quyền, không lộng quyền thì đòi hỏi nhân dân phải giám sát việc thực hiện quyền lực đó. Đó là lẽ đương nhiên trong mối quan hệ giữa người uỷ quyền và người được uỷ quyền. 

 Xác định rõ tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ: “Tôi mong rằng: từ nay các cán bộ đều biết phê bình và tự phê bình, đều cố gắng sửa đổi lối làm việc, theo đúng đường lối của Chính phủ và Đoàn thể, hợp với lòng dân. Cán bộ cấp trên phải luôn đôn đốc kiểm tra công việc của cán bộ cấp dưới. Nhân dân thì giúp Chính phủ và Đoàn thể kiểm tra công việc và hành vi của các cán bộ”(8). Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Kiểm soát có hai cách: một cách là từ trên xuống. Tức là người lãnh đạo kiểm soát kết quả những công việc của cán bộ mình. Một cách nữa là từ dưới lên. Tức là quần chúng và cán bộ kiểm soát sự sai lầm của lãnh đạo và bày tỏ cái cách sửa chữa sự sai lầm đó. Cách này là cách tốt nhất để kiểm soát các nhân viên”(9). Mặt khác, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng rất chú ý đến trách nhiệm của công dân khi thực hiện kiểm tra, giám sát, Người nhắc nhở: nhà nước bảo đảm quyền tự do dân chủ cho công dân, nhưng nghiêm cấm lợi dụng các quyền tự do dân chủ để xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, của nhân dân.

- Nhân dân thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cao tầm quan trọng của dân chủ ở cơ sở. Để người dân thực hiện quyền làm chủ của mình một cách thực sự, Người yêu cầu: “bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương”(10).

Thực hiện quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở thực chất là thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm và dân kiểm tra”. Dân chủ ở cơ sở là một cơ chế đặc biệt, nó bao gồm cả các hình thức dân chủ trực tiếp khác như bầu cử và bãi miễn đại biểu cơ quan dân cử, các tổ chức, chức danh đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân ở cấp cơ sở; bàn bạc, thảo luận, tham gia quyết định, giám sát, kiểm tra việc thực hiện các công việc trong đời sống cộng đồng ở cơ sở, ở cơ quan, doanh nghiệp.

2. Mở rộng và phát triển các hình thức dân chủ trực tiếp ở Việt Nam

a) Tiếp tục hoàn thiện pháp luật và tổ chức thực hiện các hình thức dân chủ trực tiếp đã được quy định trong pháp luật

- Hoàn thiện pháp luật về bầu cử.

Mở rộng phạm vi lựa chọn của cử tri bằng cách tăng số lượng ứng cử viên cho một đơn vị bầu cử. Hoàn thiện các quy định về giới thiệu ứng cử viên, hiệp thương, vận động tranh cử, thông tin về các ứng cử viên... nhằm tạo điều kiện cho cử tri tích cực tham gia vào quá trình bầu cử. Quy định tiêu chuẩn đại biểu và cơ cấu đại biểu sao cho bảo đảm sự hài hoà giữa yêu cầu về tiêu chuẩn đại biểu với yêu cầu về cơ cấu, thành phần đại biểu. Tiếp tục cụ thể hoá các quy định liên quan đến quá trình hiệp thương bầu cử. Các khoản của Điều 3 của Luật Bầu cử Quốc hội cần được giải thích cụ thể và rõ ràng để có cách hiểu và áp dụng thống nhất trong quá trình ứng cử, hiệp thương và bầu cử của cử tri. Mở rộng phạm vi cơ quan, chức danh được thành lập bằng con đường bầu cử.

- Cụ thể hoá các quy định về bãi miễn đại biểu dân cử.

Hiện nay, vấn đề bãi miễn đại biểu dân cử chỉ được quy định ở Hiến pháp, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân. Quy định như vậy là chưa tương xứng với tầm quan trọng của chế độ bãi miễn đại biểu dân cử. Về mặt lý luận cũng như thực tiễn, chế độ bãi miễn đại biểu cũng có ý nghĩa chính trị và pháp lý quan trọng như chế độ cử tri bầu ra người đại biểu của mình. Vì vậy, thủ tục bãi miễn cũng phải tuân theo những trình tự luật định rõ ràng thì mới có khả năng thực thi trên thực tế. Do đó, cần ban hành văn bản pháp luật riêng về bãi miễn đại biểu dân cử.

Mặt khác, để có thể thực hiện được chế độ cử tri bãi miễn đại biểu dân cử cũng như chế độ cơ quan dân cử bãi nhiệm đại biểu thành viên của mình khi đại biểu đó không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân, cần quy định rõ nhiệm vụ của đại biểu và những việc đại biểu không được làm. Có như vậy cử tri mới có cơ sở để đánh giá mức độ tín nhiệm của mình đối với đại biểu dân cử.

-Hoàn thiện cơ sở pháp lý và tổ chức triển khai cho nhân dân tham gia đóng góp ý kiến xây dựng chính sách, pháp luật.

Quy định rõ những loại văn bản phải đưa ra lấy ý kiến nhân dân trước khi ban hành, trình tự, thủ tục lấy ý kiến ra sao, trách nhiệm của các cơ quan liên quan đến việc lấy ý kiến nhân dân thế nào.

Quy định rõ ràng hơn trách nhiệm của các cơ quan soạn thảo trong việc tiếp thu ý kiến góp ý.

Bổ sung cơ chế phản hồi việc lấy ý kiến góp ý. Theo đó, các cơ quan có thẩm quyền bắt buộc phải thông tin lại cho các đối tượng được lấy ý kiến về việc tổng hợp, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo văn bản. Việc phản hồi được thực hiện thông qua phương tiện thông tin đại chúng hoặc qua việc tiếp xúc cử tri của đại biểu dân cử.

Nghiên cứu, ban hành văn bản cụ thể hoá và hướng dẫn thi hành những quy định liên quan đến quy trình tổng hợp, phân loại ý kiến, phương thức tiếp thu, chỉnh lý văn bản theo ý kiến góp ý… nhằm tạo hành lang pháp lý rõ ràng và chi tiết hơn cho hoạt động tổ chức lấy ý kiến nhân dân vào xây dựng pháp luật.

-  Tiếp tục hoàn thiện và thực hiện tốt cơ chế giám sát của nhân dân đối với các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức nhà nước.

Thực hiện tốt chế độ công khai trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức nhà nước; hoàn thiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo của công dân; đổi mới thủ tục giải quyết các vụ án hành chính, bảo đảm tính độc lập của toà hành chính; hoàn thiện các quy định về công tác tiếp dân, xử lý, trả lời đơn thư dân nguyện.

-  Tiếp tục hoàn thiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở.

Hiện nay, để điều chỉnh việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, Nhà nước ta đã ban hành Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Điều này đã tạo cơ sở pháp lý cao hơn và đầy đủ hơn cho việc thực hiện dân chủ trực tiếp trong một phạm vi rộng lớn nhất ở cơ sở. Tuy nhiên, để thực hiện tốt Pháp lệnh này, đòi hỏi Nhà nước ta phải tiến hành rà soát và kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan đến việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn trong các văn bản khác sao cho phù hợp với quy định trong Pháp lệnh. Đồng thời, trên cơ sở triển khai thực hiện Pháp lệnh này, cần phải rút ra những bài học kinh nghiệm nhằm tiếp tục hoàn thiện pháp luật về dân chủ trực tiếp ở các loại hình cơ sở khác như ở cơ quan doanh nghiệp.

b) Nghiên cứu, bổ sung và thực hiện các hình thức dân chủ trực tiếp mới.

- Xây dựng và ban hành Luật Trưng cầu ý dân:

Trưng cầu ý dân là hình thức dân chủ trực tiếp cao nhất nhưng cho đến nay hầu như chưa được thực hiện ở Việt Nam. Với ý nghĩa quan trọng và tính chất mới mẻ, phức tạp, khó thực hiện, đòi hỏi trưng cầu ý dân phải được tiến hành trên cơ sở văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lý cao, đó là Luật Trưng cầu ý dân. Luật Trưng cầu ý dân phải quy định đầy đủ các vấn đề sau: nội dung trưng cầu ý dân; quyền quyết định trưng cầu ý dân và trách nhiệm tổ chức trưng cầu ý dân; phổ biến, tuyên truyền trưng cầu ý dân; đánh giá và sử dụng kết quả trưng cầu ý dân.

- Nghiên cứu và xây dựng pháp luật về phản biện xã hội:

Phản biện xã hội là một hình thức dân chủ trực tiếp có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình mở rộng và phát triển dân chủ. Mục đích của phản biện xã hội là bảo đảm lợi ích hài hoà của các thành viên trong xã hội, kể cả của Nhà nước, các tổ chức chính trị, xã hội, tổ chức kinh tế và mọi công dân. Để phản biện xã hội sớm được tiến hành như một hình thức dân chủ trực tiếp hiệu quả trong đời sống xã hội, đòi hỏi phải nhanh chóng nghiên cứu và ban hành pháp luật về vấn đề này. Trong đó, các vấn đề như cơ chế, trình tự phản biện xã hội, vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong phản biện xã hội phải được quy định cụ thể, rõ ràng.

- Nghiên cứu và xây dựng pháp luật về biểu tình.

Thông thường, biểu tình được xem là một sự thể hiện công khai ý chí của người dân về những vấn đề của đời sống xã hội. Về tính chất, biểu tình có thể là sự ủng hộ hoặc phản kháng đối với một chủ trương, chính sách, sự kiện hay một quyết định nào đó. Chủ trương, chính sách, sự kiện, quyết định đó không chỉ là của nội bộ quốc gia mà còn có thể là của quốc gia khác. Về hình thức, biểu tình có 2 hình thức: biểu tình ôn hòa và biểu tình bạo động. Về nguyên tắc, người dân được quyền biểu tình theo quy định của pháp luật, cảnh sát hay lực lượng an ninh chỉ can thiệp khi xảy ra bạo động, hay có hành vi đập phá, xâm phạm đến tài sản nhà nước, tài sản của tổ chức, của công dân, xâm phạm trật tự an toàn xã hội. Trong xu hướng mở rộng và phát triển dân chủ hiện nay, cần sớm triển khai soạn thảo và ban hành Luật Biểu tình, tạo cơ sở pháp lý cho nhân dân thực hiện quyền tự do hiến định của mình.

_____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 2 - 2014

(1) V.I.Lênin: Toàn tập, t.31, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1978, tr.366-367.

(2) Sđd, t.22, tr.66.

(3) TS Trần Minh Hương: Vấn đề Xây dựng pháp luật về trưng cầu ý dân, Tạp chí Luật học, số
6-2004, tr.54.

(4), (5) Hồ Chí Minh: Bàn về nhà nước và pháp luật, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,  2000, tr.464, 72.

(6),(9), (10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.60, 288, 698-699.

(7) Sđd, t. 9 tr.591.

(8) Sđd, t. 6, tr.66.

 

TS Tào Thị Quyên

Viện Nhà nước và pháp luật,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền