Trang chủ    Bài nổi bật    Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh với văn hoá cầm quyền của Đảng Cộng sản
Thứ ba, 02 Tháng 12 2014 17:42
1994 Lượt xem

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh với văn hoá cầm quyền của Đảng Cộng sản

(LLCT) - Được viết trong thời gian từ năm 1965 đến năm 1969,Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một bản tổng kết sâu sắc, toàn diện kinh nghiệm, quá trình chỉ đạo cách mạng; đường hướng phát triển tương lai dân tộc. Vì thế, Di chúc chứa đựng nhiều giá trị: kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá, đạo đức, quan hệ và nguyên tắc ứng xử giữa các quốc gia dân tộc, đạt đến chiều sâu văn hoá, nhân văn. Đặc biệt, tác phẩm đã khái quát triết lý hành động, những đặc trưng, giá trị chủ yếu văn hóa cầm quyền của Đảng Cộng sản.

Hồ Chí Minh đã sáng tạo một quan niệm đặc sắc về Đảng cầm quyền và xây dựng Đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh. Di chúc là tác phẩm duy nhất, trong đó, Hồ Chí Minh sử dụng chính thức khái niệm “Đảng cầm quyền” với các tiêu chí cụ thể như là các phẩm chất sống còn của Đảng: đoàn kết thống nhất; vì nhân dân, hết lòng hết sức phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc; thực hành dân chủ rộng rãi; tự phê bình và phê bình nghiêm chỉnh; đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Những phẩm chất này làm nên bản chất đặc trưng, tính ưu việt, sức mạnh và uy quyền, uy tín của Đảng, bảo đảm cho Đảng nâng cao sức chiến đấu, năng lực lãnh đạo, giữ vững vai trò cầm quyền trong tiến trình cách mạng nước ta.

Trong Di chúc, Hồ Chí Minh đã đặt ra và gợi mở cách giải quyết một vấn đề cực kỳ phức tạp: phương thức cầm quyền của một đảng chính trị nhằm biến các giá trị quyền lực thẩm thấu vào các quan hệ xã hội theo đường hướng chủ đạo: dân là chủ và làm chủ quyền lực chính trị.

Tổng kết thực tiễn phát triển lịch sử nhân loại, các nhà lý luận chỉ ra ba loại cầm quyền điển hình: bằng vị trí quyền lực vốn có; bằng trí tuệ và hiểu biết; bằng phẩm hạnh và nhân cách văn hóa.

          Trong Di chúc, Hồ Chí Minh chủ trương và khởi xướng phương thức cầm quyền bền vững nhất, nhưng khó nhất: cầm quyền bằng nhân cách đạo đức của Đảng, bởi đạo đức là gốc, là nền tảng, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Đạo đức của Đảng thể hiện ở từng đảng viên. Người lãnh đạo, cầm quyền theo kiểu nhân cách văn hóa của Hồ Chí Minh phải hội tụ đủ các phẩm chất: cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư.

Những phẩm chất của Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền được hình thành, củng cố làm thành nội dung văn hoá Đảng trong thực tiễn hoạt động cách mạng, thông qua hoạt động tự xây dựng, tự chỉnh đốn. Tự xây dựng, tự chỉnh đốn làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng ta. Hồ Chí Minh quan tâm đến sự tha hoá, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên khi có chức, có quyền. Bởi vậy, Người chỉ rõ: "Việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Làm được như vậy, thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi”(1).

Về tư cách của một Đảng cầm quyền, Hồ Chí Minh bốn lần dùng đến chữ “thật”, “thật sự” để so sánh hai trạng thái, sắc thái tư tưởng, nhất là hành động: thật và giả; chân thực và dối trá, làm và không làm: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”(2). Hai từ “thật sự”, “thật” được nhắc lại nhiều lần như một lời nhắc nhở mang tính quy luật, phổ biến phải làm thường xuyên, liên tục, nếu không, Đảng khó lòng mà giữ nổi vị thế, vai trò cầm quyền của mình.

Thực hiện Di chúc của Người, 45 năm qua, toàn Đảng, toàn dân đã đoàn kết một lòng, đem hết tinh thần và nghị lực, vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được nhiều thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Nhận thức đư­ợc ý nghĩa quan trọng của công tác này, Đảng ta hết sức chú trọng và luôn xác định xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, là điều kiện có tính quyết định để bảo đảm thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Trung ­ương Đảng các khóa đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; tổ chức chỉ đạo công tác học tập, quán triệt các văn kiện Đảng, tạo sự thống nhất cao trong toàn Đảng về quan điểm, đ­ường lối; xây dựng C­ương lĩnh, Điều lệ Đảng sửa đổi, các chủ tr­ương, chính sách lớn. Các văn kiện Đại hội Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI tiếp tục đặt nhiệm vụ xây dựng Đảng lên hàng đầu, là nhiệm vụ then chốt bên cạnh nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế, xây dựng, phát triển văn hóa làm nền tảng tinh thần xã hội. Những thành tựu đạt được trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng đã góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; mở rộng dân chủ trong Đảng và dân chủ trong xã hội; thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các tiêu cực trong Đảng và trong xã hội.

Hoạt động tự phê bình và phê bình trong Đảng có những chuyển biến quan trọng. Sức chiến đấu của nhiều chi bộ, đảng bộ và đảng viên đã đ­ược tăng cường. Thể hiện qua tinh thần đấu tranh không khoan nh­ượng với các biểu hiện tư­ tưởng lệch lạc, phản động, bảo vệ nền tảng t­ư t­ưởng của Đảng và chế độ chính trị XHCN.

Tuy nhiên, tr­ước những biến động của tình hình thế giới, tác động tiêu cực của cơ chế thị tr­ường, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về t­ư t­ưởng chính trị, đạo đức, lối sống, phai nhạt lý t­ưởng, dẫn đến “tự diễn biến, tự chuyển hóa”, nhất là trong ý thức hệ, chuẩn giá trị phát triển tiến bộ; mất cảnh giác, giảm sút ý chí chiến đấu, kém ý thức tổ chức kỷ luật, tha hoá về nhân cách; quan liêu, xa rời quần chúng. Nhiều đảng bộ, chi bộ vẫn còn tình trạng dân chủ hình thức; hoạt động tự phê bình và phê bình còn nhiều lệch lạc. Tình trạng "dĩ hòa vi quý" còn khá phổ biến trong Đảng. Một số đảng bộ, chi bộ còn biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, tham nhũng, “lợi ích nhóm”; lợi dụng phê bình để trù dập nhau, làm nội bộ mất đoàn kết, suy giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Đây là những nguy cơ của Đảng cầm quyền.

Tình hình trên đặt ra cho công tác xây dựng Đảng nhiều vấn đề mới, cả về lý luận và thực tiễn, đòi hỏi phải tiếp tục đổi mới để có sự chuyển biến tích cực, làm cho Đảng ta ngày càng tr­ưởng thành, lớn mạnh về mọi mặt, như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc.

Tiếp tục học tập và thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiệm vụ trước mắt trong xây dựng văn hóa Đảng cầm quyền là tiếp tục đẩy mạnh “Học tập và làm theo tấm g­ương đạo đức Hồ Chí Minh” với chủ đề xuyên suốt: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh suốt đời phấn đấu cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; làm người công bộc tận tụy, trung thành của nhân dân; đời tư trong sáng, cuộc sống riêng giản dị”. Mỗi cán bộ, đảng viên hãy hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, biến quyết tâm thành hành động, thành chất l­ượng và hiệu quả công việc, góp phần vào xây dựng, phát triển bền vững đất nước. Đây chính là phương thức quan trọng nhằm củng cố, phát huy các giá trị nhân cách văn hóa đảng viên của một Đảng cầm quyền.

_______________

(1), (2) Hồ Chí Minh:Toàn tập, t.12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 1996, tr.503, 510

 

PGS,TS Phạm Ngọc Anh

Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền