Trang chủ    Bài nổi bật    Phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ nghiên cứu, giảng dạy khoa học xã hội nhân văn trong đấu tranh lý luận hiện nay
Thứ tư, 27 Tháng 5 2015 15:42
2256 Lượt xem

Phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ nghiên cứu, giảng dạy khoa học xã hội nhân văn trong đấu tranh lý luận hiện nay

 
(LLCT) - Đấu tranh lý luận (ĐTLL) là một trong những nội dung quan trọng trong cuộc đấu tranh tư tưởng của Đảng ta nhằm chống lại những quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ sự đúng đắn, trong sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần củng cố vững chắc mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Để ĐTLL có hiệu quả, chúng ta phải huy sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân trong đó có đội ngũ cán bộ nghiên cứu, giảng dạy khoa học xã hội, nhân văn (KHXHNV).

Ở nước ta, đội ngũ cán bộ nghiên cứu, giảng dạy KHXHNV khá đông đảo, công tác tại các viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng, học viện trên cả nước. Đội ngũ này làm nhiệm vụ nghiên cứu chuyên sâu và giảng dạy các môn  khoa học có liên quan, gắn bó mật thiết với công tác ĐTLL của Đảng ta. Do vậy, họ có vai trò hết sức to lớn trong cuộc ĐTLL hiện nay, thể hiện ở những điểm chủ yếu sau:

Thứ nhất, đội ngũ cán bộ nghiên cứu, giảng dạy KHXHNV là lực lượng nòng cốt làm công tác lý luận, chống lại những quan điểm sai trái, thù địch. Trong ĐTLL, các luận điểm sai trái hầu hết liên quan đến lĩnh vực chính trị, xã hội, lịch sử, con người mà KHXHNV nghiên cứu. Đội ngũ cán bộ nghiên cứu, giảng dạy KHXHNV là những chuyên gia am hiểu chuyên sâu lĩnh vực này, nên họ có cơ sở khoa học để chỉ ra bản chất phản động, sai trái, phản khoa học của những luận điểm xuyên tạc ấy, bảo vệ một cách thuyết phục sự trong sáng nền tảng tư tưởng chính trị của Đảng. Vì thế, thiếu sự tham gia của đội ngũ cán bộ nghiên cứu, giảng dạy KHXHNV, cuộc ĐTLL sẽ không thể đạt kết quả.

Thứ hai, đội ngũ cán bộ nghiên cứu, giảng dạy KHXHNV có khả năng bổ sung, phát triển lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước bằng công tác nghiên cứu lý thuyết và nhất là bằng tổng kết thực tiễn đất nước và thời đại.

Thứ ba, đội ngũ cán bộ nghiên cứu, giảng dạy KHXHNV là những người trực tiếp tuyên truyền, phổ biến chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, những tư tưởng chính thống của Đảng ta trong cán bộ, đảng viên và trong quần chúng nhân dân. Trên cơ sở đó góp phần ngăn ngừa, hạn chế, khắc phục những tư tưởng, luận điệu sai trái, thù địch lan truyền trong nhân dân và trong xã hội. 

Thứ tư, đội ngũ cán bộ nghiên cứu, giảng dạy KHXHNV là những người trực tiếp đào tạo, bồi dưỡng những người làm công tác ĐTLL cho Đảng và Nhà nước.

Thứ năm, đội ngũ cán bộ nghiên cứu, giảng dạy KHXHNV là những người trực tiếp tham gia nghiên cứu, giải đáp những vấn đề thực tiễn nảy sinh. Nếu những vấn đề thực tiễn nhạy cảm nảy sinh mà không được lý giải đúng đắn, khoa học, kịp thời có thể gây hoang mang, dao động, thậm chí làm mất niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước; làm rối loạn định hướng thông tin. Để điều này không xảy ra, đòi hỏi sự cố gắng, nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, của tất cả các lực lượng làm công tác tư tưởng, trong đó đặc biệt là đội ngũ cán bộ nghiên cứu, giảng dạy KHXHNV.

Để phát huy vai trò đội ngũ cán bộ nghiên cứu, giảng dạy KHXHNV tham gia ĐTLL có hiệu quả cần thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu sau:

Một là, dân chủ hóa trong nghiên cứu, giảng dạy KHXHNV.

Thực tế ở nước ta cho thấy, vấn đề dân chủ hóa trong nghiên cứu, giảng dạy khoa học nói chung, nghiên cứu, giảng dạy KHXHNV nói riêng còn bất cập. Trong nghiên cứu khoa học phải được nói thẳng, nói thật, những kết quả nghiên cứu không phù hợp với mong muốn cũng cần được ghi nhận, lưu ý. Chỉ trên cơ sở đó thì những nghiên cứu KHXHNV mới có tác dụng thúc đẩy xã hội phát triển theo hướng chân-thiện-mỹ, mới thuyết phục được “đối thủ” trong ĐTLL. Dân chủ trong nghiên cứu, giảng dạy KHXHNV đòi hỏi các cơ quan có thẩm quyền phải tôn trọng các kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học. Dân chủ hóa trong nghiên cứu, giảng dạy KHXHNV đòi hỏi không được đồng nhất chính trị với KHXHNV; phải có cơ chế cho các nhà nghiên cứu KHXHNV phản biện chính sách; chấp nhận, cho phép những tìm tòi thử nghiệm có thể có sai lầm; không nên quy chụp lập trường, quan điểm chính trị ngay cho những tìm tòi, thậm chí trái lẽ phải thông thường trong nghiên cứu KHXHNV. Dân chủ hóa trong nghiên cứu, giảng dạy KHXHNV mới tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu, giảng dạy thảo luận, tranh luận công khai, thẳng thắn. Những tranh luận, thảo luận dân chủ, công khai sẽ làm nảy sinh những gợi ý, những mách bảo thông minh cho công tác ĐTLL. Trên cơ sở đó mới tìm ra chân lý đích thực, mới đấu tranh có hiệu quả chống các luận điểm sai trái, thù địch. Đại hội XI của Đảng đã đề ra yêu cầu: “Tạo môi trường dân chủ thảo luận, tranh luận khoa học, khuyến khích tìm tòi, sáng tạo, phát huy trí tuệ của cá nhân và tập thể trong nghiên cứu lý luận. Khẩn trương ban hành quy chế dân chủ trong nghiên cứu lý luận chính trị”(1[1]). Trên cơ sở phát huy dân chủ mới có thể nghiên cứu những quan điểm, lập trường đối lập một cách khách quan, khoa học, mới phân biệt được luận điểm nào hợp lý, luận điểm nào không hợp lý. Có dân chủ trong nghiên cứu, giảng dạy KHXHNV mới phát huy được sức mạnh sáng tạo của đội ngũ làm công tác này tham gia ĐTLL.

Hai là, đầu tư thích đáng cho công tác đấu tranh lý luận.

KHXHNV có đặc thù so với khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật là không thể chứng minh bằng thực nghiệm khoa học và ngay lập tức. Do vậy, một số người cho rằng KHXHNV cũng như ĐTLL không mang lại hiệu quả kinh tế, không nên đầu tư nhiều cho nghiên cứu KHXHNV cũng như cho cuộc ĐTLL. Đây là một quan niệm sai lầm. Cũng như nghiên cứu khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật, nghiên cứu KHXHNV cũng đòi hỏi phải được đầu tư thích đáng. Công tác ĐTLL cũng vậy, phải được đầu tư thích đáng mới có điều kiện để điều tra, khảo sát, phân tích, tổng kết thực tiễn,v.v..để nâng cao hiệu quả, chất lượng nghiên cứu KHXHNV cũng như ĐTLL. Từ nâng cao chất lượng nghiên cứu, giảng dạy KHXHNV mới có căn cứ, cơ sở để thực hiện ĐTLL có hiệu quả. Vì nhiều lý do kể cả tư duy chủ nghĩa bình quân, cho nên trước đây đầu tư cho nghiên cứu khoa học KHXHNV, cũng như cho công tác ĐTLL vẫn còn ít và dàn đều, thiếu trọng điểm. Những năm gần đây, tình hình này đã có khá hơn. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tiễn, yêu cầu của việc nghiên cứu, giảng dạy và ĐTLL thì vẫn chưa tương xứng. Để đầu tư có hiệu quả cho ĐTLL thì cần có cơ chế cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin và tài liệu cho đội ngũ nghiên cứu, giảng dạy KHXHNV. Trên cơ sở đó, mới có cơ sở để phản bác các quan điểm sai trái, bảo vệ quan điểm chính thống có hiệu quả.

Ba là, xây dựng cơ chế lôi cuốn đội ngũ nghiên cứu, giảng dạy khoa học xã hội nhân văn tham gia đấu tranh lý luận.

Nghiên cứu khoa học cũng như ĐTLL không thể bằng biện pháp hô hào, kêu gọi, không phải bằng số đông là có kết quả. Song công tác ĐTLL đòi hỏi có sự hợp tác chặt chẽ của đội ngũ các nhà nghiên cứu liên ngành. KHXHNV trước hết liên quan đến con người, đời sống xã hội của con người, mà đời sống xã hội của con người có rất nhiều lĩnh vực từ kinh tế đến chính trị; văn hóa đến xã hội; từ tâm tư tình cảm đến thông tin, giao tiếp; từ tôn giáo, tín ngưỡng đến lịch sử,v.v.. Do vậy, đòi hỏi phải có sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu của nhiều chuyên ngành khác nhau thuộc KHXHNV. Không những vậy, nghiên cứu KHXHNV cũng như ĐTLL phải có sự tham gia của các nhà hoạt động thực tiễn, nhất là những người làm công tác chỉ đạo, quản lý, công tác tôn giáo, các nhà hoạt động chính trị-xã hội,v.v.. Với kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, họ có thể đưa ra những gợi ý rất hữu hiệu cho các phương án trong nghiên cứu KHXHNV cũng như trong ĐTLL,v.v.. Khi lôi cuốn được các nhà hoạt động thực tiễn cùng tham gia nghiên cứu KHXHNV và cùng ĐTLL cũng là một biện pháp gắn lý luận với thực tiễn trong nghiên cứu KHXHNV và ĐTLL.

Bốn là, phát huy vai trò và trách nhiệm cá nhân của các nhà nghiên cứu, giảng dạy khoa học xã hội nhân văn đầu ngành trong đấu tranh lý luận.

Trong  nghiên cứu khoa học cũng như trong ĐTLL đòi hỏi sự sáng tạo cá nhân rất lớn. Do vậy, cần phải phát huy có hiệu quả vai trò và trách nhiệm cá nhân của các nhà nghiên cứu, giảng dạy KHXHNV nhất là những chuyên gia đầu ngành. Muốn vậy phải có cơ chế, chính sách động viên, gắn trách nhiệm với quyền lợi, nghĩa vụ để những người nghiên cứu, giảng dạy KHXHNV phát huy vai trò, trách nhiệm cá nhân một cách cao nhất. Tạo những điều kiện thuận lợi cả về vật chất và tinh thần, cả về tâm lý để giải phóng tiềm năng sáng tạo của các nhà khoa học trong nghiên cứu KHXHNV cũng như trong ĐTLL. Phải đổi mới triệt để các thủ tục hành chính trong nghiên cứu khoa học, nhất là thủ tục thanh, quyết toán tài chính. Có khi phải chấp nhận “rủi ro”, nghĩa là đầu tư nhưng không thu được kết quả, sản phẩm trong nghiên cứu khoa học, nhất là trong nghiên cứu KHXHNV phục vụ ĐTLL. Nên có nhận thức thực tế rằng không phải mọi đầu tư cho nghiên cứu khoa học nói chung, KHXHNV nói riêng phục vụ ĐTLL đều sinh lời. Cũng cần chấp nhận những sai lầm trong nghiên cứu KHXHNV phục vụ ĐTLL. Vấn đề là từ những sai lầm, rủi ro  ấy đi đến chân lý như thế nào. Trên cơ sở đó, phải có cơ chế cụ thể về tài chính cho phù hợp đặc thù của nghiên cứu  KHXHNV phục vụ ĐTLL.

Năm là, đổi mới phương thức đấu thầu, tuyển thầu, nghiệm thu các đề tài nghiên cứu; đổi mới hoạt động của các cơ quan nghiên cứu.

Thực tế ở nước ta cho thấy, việc tổ chức đấu thầu, tuyển thầu, nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học nhất là nghiệm thu các đề tài nghiên cứu KHXHNV phục vụ ĐTLL vẫn còn nhiều bất cập. Phương thức đấu thầu, tuyển thầu, nghiệm thu còn có điều chưa hợp lý. Các cơ quan nghiên cứu khoa học cần phải được đổi mới theo hướng phi hành chính hóa, phải cải tiến việc tổ chức nghiên cứu khoa học cho phù hợp điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN, phù hợp với những điều kiện mới.

Các chủ đề nghiên cứu cần tập trung vào những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn và liên quan đến ĐTLL. Các cơ quan nghiên cứu phải chuyển dần sang hạch toán độc lập, Nhà nước chỉ hỗ trợ những đề tài trọng điểm liên quan đến an ninh, quốc phòng, ĐTLL, những lĩnh vực mà Nhà nước khuyến khích vì lợi ích chung của cộng đồng, xã hội. Các cơ quan nghiên cứu phải thực hiện nghiên cứu theo đơn đặt hàng của các bộ, ngành, địa phương... nghĩa là phải từng bước thích ứng với cơ chế thị trường định hướng XHCN cả trong nghiên cứu KHXHNV phục vụ ĐTLL, khắc phục tình trạng bao cấp tràn lan, dàn đều, bình quân. Có như vậy, về lâu dài việc nghiên cứu cơ bản KHXHNV phục vụ ĐTLL mới có bước đột phá về chất lượng.

Sáu là, tăng cường tổng kết thực tiễn đấu tranh lý luận.

Tăng cường tổng kết thực tiễn ĐTLL là một biện pháp quan trọng để ngăn ngừa, khắc phục bệnh kinh nghiệm, giáo điều, phát triển lý luận phục vụ ĐTLL. Thông qua đó nâng cao hiệu quả, chất lượng nghiên cứu khoa học nói chung, KHXHNV phục vụ ĐTLL nói riêng. Đối với nghiên cứu KHXHNV phục vụ ĐTLL thì việc tổng kết thực tiễn ĐTLL càng đóng vai trò quan trọng. Bởi lẽ, những vấn đề cơ bản của ĐTLL thường gắn chặt với thực tiễn chính trị-xã hội của đất nước, với chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hơn nữa, theo quan điểm của triết học Mác-Lênin, thực tiễn là tiêu chuẩn kiểm tra chân lý. Chính việc tổng kết thực tiễn nói chung, tổng kết thực tiễn ĐTLL nói riêng giúp các nhà nghiên cứu phải điều chỉnh nhận thức và cách thức ĐTLL sao cho hiệu quả hơn.

Bảy là, tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu KHXHNV phục vụ đấu tranh ĐTLL.

Hợp tác trong nghiên cứu KHXHNV bao gồm nhiều nội dung và hình thức cụ thể khác nhau. Có thể hợp tác nghiên cứu những kinh nghiệm của các nước trong khu vực và quốc tế về những thành tựu mà họ đã đạt được trong nghiên cứu KHXHNV. Có thể mời các bạn quốc tế chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu, nhất là những nước có điều kiện kinh tế-xã hội, văn hóa…tương đồng với Việt Nam. Có thể tham quan, học hỏi các mô hình thực tế của các nước, qua đó rút ra những bài học kinh nghiệm. Có thể học hỏi bạn bè quốc tế về phương thức đấu thầu, tư vấn nghiên cứu, phương thức đánh giá, nghiệm thu đề tài. Có thể hợp tác trong đào tạo thực tập sinh, nghiên cứu sinh,v.v.. Đối với nghiên cứu KHXHNV phục vụ ĐTLL, chúng ta có thể hợp tác với các đảng cộng sản, các đảng cánh tả, như Đảng ta đã thực hiện trao đổi lý luận với Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Đảng Cộng sản Trung Quốc, Đảng Cộng sản Cu Ba, Đảng Cộng sản Pháp, Đảng Cộng sản Nhật Bản… Chúng ta có thể tham khảo, học tập kinh nghiệm của các đảng bạn trong ĐTLL.

Tám là, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với việc nghiên cứu, giảng dạy KHXHNV phục vụ ĐTLL.

Để quản lý hoạt động nghiên cứu, giảng dạy KHXHNV phục vụ ĐTLL có hiệu quả cần: chủ động xây dựng, hoàn thiện cơ chế quản lý hoạt động khoa học nói chung, hoạt động KHXHNV nói riêng, phù hợp (quy chế hóa, quy trình hóa, công nghệ hóa quản lý hoạt động KHXHNV); có chiến lược nghiên cứu KHXHNV phù hợp với yêu cầu thực tiễn đất nước (xác định nghiên cứu cơ bản; nghiên cứu chiến lược, nghiên cứu ứng dụng; nghiên cứu lý thuyết,v.v..); có chính sách phát triển nguồn nhân lực KHXHNV; có cơ chế phối hợp, hợp tác giữa các cơ quan nghiên cứu, giảng dạy KHXHNV; có chính sách đầu tư tài chính và kiểm toán tài chính phù hợp với hoạt động nghiên cứu, giảng dạy KHXHNV.

Những giải pháp trên có quan hệ mật thiết, ảnh hưởng, tác động, chi phối lẫn nhau, cùng nhau tạo ra những điều kiện cho việc nâng cao hiệu quả nghiên cứu, giảng dạy KHXHNV phục vụ ĐTLL. Đồng thời với những giải pháp trên thì bản thân sự tích cực, cố gắng, sự vượt khó vươn lên, trí thông minh, sáng tạo của bản thân các nhà nghiên cứu, giảng dạy KHXHNV là vô cùng quan trọng, đóng vai trò quyết định về hiệu quả, chất lượng nghiên cứu, giảng dạy phục vụ ĐTLL.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 4-2014

(1) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.256.

 

PGS, TS Trần Văn Phòng

Viện Triết học

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền