Trang chủ    Bài nổi bật     Chủ tịch Hồ Chí Minh: người sáng lập, người thầy của nền báo chí cách mạng Việt Nam
Thứ sáu, 12 Tháng 6 2015 10:28
1773 Lượt xem

Chủ tịch Hồ Chí Minh: người sáng lập, người thầy của nền báo chí cách mạng Việt Nam

(LLCT) - Chủ tịch Hồ Chí Minh là người thầy, người đặt nền móng cho nền báo chí cách mạng Việt Nam. Sự ra đời của BáoThanh Niên (1925) đã thể hiện năng lực tổ chức, làm báo bậc thầy của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Sự nghiệp báo chí của Người là di sản to lớn, tạo nền tảng quan trọng cho sự phát triển nền báo chí cách mạng, góp phần làm phong phú nền văn hóa dân tộc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người thầy, người đặt nền móng cho nềnbáo chí cách mạngViệt Nam. Sự ra đời của BáoThanh Niên(1925) đã thể hiện năng lực tổ chức, làm báo bậc thầy của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Tờ Thanh Niên đã trở thành vũ khí tuyên truyền, giác ngộ lý tưởng cộng sản trong tầng lớp thanh niên yêu nướckhiến chính quyền thực dân phải lo ngại. Ông L.Mac-ty, Chánh mật thám Pháp ở Đông Dương,nhận xét: “Ông Nguyễn Ái Quốc đã không ngần ngại dành suốt 60 số đầu của tờ báo để chuẩn bị tinh thần cho người đọc, chỉ nói về lòng yêu nước, để đến số 61 ra ngày 12-9-1926 ông mới để lộ ý định của ông khi viết rằng, chỉ có một Đảng Cộng sản mới đảm bảo hạnh phúc cho dân tộc Việt Nam”... L.Mácty cũng nhận xét về ảnh hưởng của Báo Thanh Niên: “Nếu như trong những năm 1926-1927, ngay những phần tử ưu tú của Đảng còn nghĩ mình là quốc gia thì năm 1928 họ đã náo nức muốn thể hiện mình là cộng sản”(1).

Như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là người sáng lập, mà còn là người thầy dày dạn kinh nghiệm trong tổ chức tờ báo, phục vụ yêu cầu tuyên truyền, giác ngộ cách mạng. Những bài viết trên báo Thanh Niên ngắn gọn, dễ hiểu (bài đăng tải 2-3 kỳ cũng chưa đến 1000 chữ, còn phổ biến là 300-500 chữ), phù hợp với đối tượng bạn đọc lúc bấy giờ. Nhà nghiên cứu ĐỗQuang Hưng nhận xét: Báo Thanh Niên đã xác lập “một phong cách làm báo cách mạng rất Việt Nam” và “đặt ra cả nền móng có tính nguyên tắc cho sự ra đời và phát triển nền báo chí của nước Việt Nam mới”(2).Tiến sĩ Sờten Tônnetson người Thụy Điển, khi khảo sát tờ “Việt Nam độc lập” do Hồ Chí Minh sáng lập năm 1941, nhận xét: “Tờ bảo chẳng những giản dị, dễ hiểu, dễ đọc mà còn rẩt đậmchất văn chương nhiệt huyết. Kinh nghiệm và sự cống hiến của Hồ ChíMinh đã nhanh chóng tạo nên sức cổ động của những bài báo trong tờ Việt Nam độc lập”(3),“Khi thành lập các mặt trận hoặc đảng phái, hầu hết các nhà lãnh đạo chính trị đều vội vã và muốn làm ngay một tờ báo có tầm cỡ quốc gia. Hồ Chí Minh thì không làm như vậy, ông khởi đầu bằng một tờ báo địa phương, ban đầu chỉ phát hành trong phạm vi tỉnh Cao Bằng”. Điều này chứng tỏ “sựsáng suốt của Hồ ChíMinh cũng như khả năng vận động quần chúng bằng tài liệu tuyên truyền”(4).

Những tờ báo do Hồ Chí Minh sáng lập không chỉ có ý nghĩa trực tiếp trong việc chỉ đạo cuộc đấu tranh cách mạng của dân tộc mà còn khơi nguồn mạnh mẽ cho nền báo chí cách mạng. Trong sự kìm kẹp của chính quyền thực dân, một loạt tờ báo của tổ chức Đảng đã ra đời: Tranh Đấu, Cờ vô sản, Đỏ, Sóng Cách mệnh, Lao Động... Nhiều tờ trong số đó đã vượt “lưới thép”của kẻ thù đến tận Trường Đại học Phương Đông ở Mátxcơva, nơi các lãnh tụ trẻ tuổi của Đảng như Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập...học tập và tạo niềm tin sâu sắc vào ngọn lửa cách mạng trong nước. Báo chí của Đảng cũng gây ấn tượng mãnh mẽ trong Quốc tế cộng sản. Trên tờ “Phóng viên công nhân” của Quốc tế cộng sản đầu những năm 30 đã đăng bài của tác giả Iac Lun ca ngợi những người làm báo cách mạng của Đảng Cộng sản Đông Dương trẻ tuổi từ những sáng tạo trong in ấn đầy gian khổ, trong công tác phát hành đầy nguy hiểm và giá trị giáo dục vô cùng to lớn của thứ vũ khí này”(5).

Nền báo chí cách mạng Việt Nam đã tạo được dấu ấn và ảnh hưởng sâu sắc trong phong trào quần chúng. Trong bối cảnh một đất nước hơn 90% dân số mù chữ, các tờ báo cách mạng đã tập hợp được những trí thức yêu nước và đông đảo quần chúng lao khổ. Văn phong giản dị, nội dung thiết thực, dễ hiểu, dễ nhớ, báo chí cách mạng trở thành người bạn tin cậy, dẫn dắt phong tràoyêu nước đầu thế kỷ XX. Có được điều đó, phải kể đến nỗ lực của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong việc xác lập “một phong cách làm báo cách mạng rất Việt Nam”. Người ý thức sâu sắc vai trò của báo chí trong việc tuyên truyền, cổ động và tổ chức hoạt động cách mạng. Cho nên,quá trình rèn luyện tri thức và thực tiễn cách mạng cũng là quá trình Người tự trau dồi nghề nghiệp để trở thành một nhà báo. Bài học này được Người áp dụng với những học trò của mình. Những nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam sau Hồ Chí Minh đồng thời là những nhà báo lớncủa tờ Thanh niênViệt Nam độc lập: Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn…Những tờ báo do Người sáng lập là cái nôi đào tạo những nhà báo cách mạng thế hệ đầu tiên cho dân tộc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ báo chí. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp,với điều kiện khó khăn, Ngườivẫn chủ trương mở lớp viết báo Huỳnh Thúc Kháng giữa chiến khu Việt Bắcvà hai lần gửi thư cho lớp họcđể nhắc nhởngười làm báovà nghiệp vụ báo chítừ nhiệm vụ, mục đích, tôn chỉ, đối tượng đến yêu cầu về nội dung và hình thức của tờ báovới những yêu cầu có tính nguyên tắc trong hoạt động, rèn luyện của người làm báo

Khi cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, Hồ Chí Minh luôn quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ báo chí, đáp ứng yêu cầu tình hình mới. Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ hai (1959) và lần thứ ba (1963) đều vinh dự được đón Bácđến dự. Hồ Chí Minh đã lấy tư cách “một người có ít nhiều kinh nghiệm về báo chí” để “nêu vài ý kiến”.Những kinh nghiệm Người nêu ra đến nay vẫn là bài học vô giácho các thế hệ làm báo cách mạng Việt Nam.

Đánh giá về vai trò của Người với sự nghiệp báo chí và văn hóa - văn nghệ dân tộc, đồng chí Trường Chinh khẳng định: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà báo cách mạng, là người thầy vĩ đại, là người sáng lập và dìu dắt nền báo chí và giới báo chí cách mạng Việt Nam. Cả cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác đều gắn liền với công tác báo chí. Cho nên, Bác tự nhận mình là một người có nhiều duyên nợ với báo chí và những lời dạy của Bác về công tác báo chí là cả một kho tàng vô giá về lý luận báo chí cách mạng Việt Nam, thể hiện rõ đường lối báo chí vôsảncủa Đảng ta, khắc sâu trong tâm chí những người làm báo chúng ta”(6)

Người “lấy tư cách của một người có nhiều duyên nợ với báo chí” để đưa ra những lời nhắc nhở nghiêm khắc với những người làm báo Việt Nam:“Có những người chỉ muốn làm cái gì để “lưu danh thiên cổ” cơ. Muốn viết bài cho oai, muốn đăng bài mình lên các báo lớn. Cái đó cũng không đúng. Những khuyết điểm đều do chủ nghĩa cá nhân đẻ ra”(7),“Chớ tự phụ, tự cho bài của mình là “tuyệt” rồi. Tự ái tức là tự phụ, mà tự phụ là kẻ địch dữ tợn nó ngăn chặn con đường tiến bộ của chúng ta”(8).Hồ Chí Minh là mẫu mực của sự thống nhất “lời nói đi đôi với việc làm”, của thái độ cầu thị, “tu thân, luyện nghiệp”. Những lời dạy của Người về báo chí không phải là giáo lý áp đặt mà là kinh nghiệm từ hoạt động thựctiễn sinh động. Cho nên, Hồ Chí Minh là người thầy của nền báo chí cách mạng Việt Nam với ý nghĩa đầy đủ, toàn diện nhất.

Sự nghiệp báo chí Hồ Chí Minh là di sản to lớn, tạo nền tảng quan trọng cho sự phát triển nền báo chí cách mạng, góp phần làm phong phú nền văn hóa dân tộc. Người làm báo là để làm cách mạng, nhưng bằng sự say mê, nhiệt thành của một trái tim cộng sản cộng với tài năng thiên bẩm và bề dày văn hóa, Hồ Chí Minh đã trở thành một nhà báo lớn, người thầy mẫu mực của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Quan điểm của Hồ Chí Minh về báo chí và phong cách làm báo năng động, chuyên nghiệp, sâu sát đời sống của Người là hành trang quý giá cho các thế hệ nhà báo hôm nay học tập, để ngày càng vững vàng, sắc bén hơn trên mặt trận công tác tư tưởng của Đảng, đáp ứng mong đợi của nhân dân.

______________________

(1) Hà Minh Đức: Tác phẩm văn của chủ tịch Hồ Chí Minh, NxbKhoa học xã hội, Hà Nội, 1985, tr.88.

(2), (5)Đỗ Quang Hưng: Thêm những hiểu biết về Hồ Chí Minh, NxbLao động, Hà Nội, 2001, tr.91, 90.

(3), (4) Nguyễn Tiến Hữu: Hồ Chí Minh - Hồn dân tộc,NxbTrẻ, TP.HCM, 2001, tr.30

(6) Trường Chinh: Hồ Chí Minh - Lãnh tụ kính yêu của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam, NxbSự thật, Hà Nội, 1970, tr.68.

(7), (8)Hồ Chí Minh: Về vấn đề báo chí, tài liệu tham khảo, Phân viện Báo chí và Tuyên truyền, Hà Nội, 1995,tr.l74,143, 168.

 

PGS,TS Nguyễn Quốc Bảo

Học viện Báo chí và Tuyên truyền

 

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền