Trang chủ    Bài nổi bật    Xây dựng nông thôn mới - sự nghiệp lớn lao và lâu dài
Thứ tư, 15 Tháng 7 2015 15:23
1944 Lượt xem

Xây dựng nông thôn mới - sự nghiệp lớn lao và lâu dài

(LLCT) - Nước ta là nước nông nghiệp; nông thôn chiếm diện tích lớn, nông dân chiếm đa số trong dân cư, vấn đề nông nghiệp, nông dân rất quan trọng. Từ lâu, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến xây dựng nông thôn mới - nơi người nông dân sinh sống và tiến hành hoạt động chính của mình là sản xuất nông nghiệp.

 

Ngay từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, một trong những nội dung của đường lối kiến quốc là xây dựng đời sống mới nhằm có được những con người mới, cộng đồng xã hội mới góp phần tích cực vào kháng chiến, kiến quốc thắng lợi. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết cuốn Đời sống mới để hướng dẫn xây dựng đời sống mới ở nước ta lúc đó. Phương châm mang tính biện chứng sâu sắc: Đời sống mới không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới. Cái gì xấu, thì phải bỏ. Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý. Cái gì tốt, thì phải phát triển thêm. Cái gì mới hay, thì ta phải làm. Làm cho đời sống của dân ta, vật chất được đầy đủ hơn, tinh thần được vui mạnh hơn. Đó là mục đích đời sống mới(1). Xây dựng đời sống mới ở mọi nơi, mọi tổ chức, mọi lứa tuổi, trong đó Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra những nội dung xây dựng đời sống mới ở một làng quê. Đây có thể gọi là tinh thần xây dựng nông thôn mới đầu tiên ở nước ta: Trong một làng, nhà thì có nhà giàu, nhà vừa, nhà nghèo. Người thì có người tốt, người vừa, người kém. Học thì có kẻ thông, kẻ vừa, kẻ dốt. Hai hạng trên phải tìm cách giúp đỡ, cảm hóa hạng thứ ba.

Công việc làm ăn thì có nghề làm ruộng, nghề thủ công và nghề buôn bán. Phải tìm cách giúp đỡ lẫn nhau. Tốt nhất là tổ chức hợp tác xã, thì nghề nào cũng dễ tăng gia sản xuất.

Về văn hóa,phải làm cho cả làng đều biết chữ, biết đạo đức và trách nhiệm của công dân.

Về phong tục,phải cấm hẳn say sưa, cờ bạc, hút xách, bợm bãi, trộm cắp. Phải tìm cách làm cho không có đánh chửi nhau, kiện cáo nhau. Làm cho làng mình thành một làng “phong thuần tục mỹ”.

Về vệ sinh, đường sá phải sạch sẽ. Ao tắm giặt, giếng nước uống phải phân biệt và săn sóc cẩn thận. Những ao hồ không cần thì lấp đi, cho đỡ muỗi...(2)

Tiếc thay, do cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp lâu dài và gian khổ mà việc xây dựng đời sống mới trong thực tiễn không thể được đầy đủ như những gì Hồ Chí Minh nêu ra.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ (1954), do đặc điểm đất nước đồng thời thực hiện hai cuộc cách mạng: xây dựng CNXH ở miền Bắc và tiếp tục cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam, mà việc xây dựng nông thôn mới ở miền Bắc mang tính đặc thù. Xây dựng nông thôn mới được phát động thông qua các phong trào vừa thời chiến vừa thời bình: “Ba đảm đang” (đối với phụ nữ), “Ba sẵn sàng” (đối với thanh niên), “Vừa sản xuất vừa chiến đấu”... Thời kỳ này cũng bắt đầu xuất hiện phong trào xây dựng gia đình văn hóa, lúc đầu là từ sáng kiến của nhân dân ở một vài địa phương, sau được các cơ quan, tổ chức hoàn thiện những tiêu chí và nhân rộng.

Năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhưng ngay sau đó đất nước rơi vào khủng hoảng kinh tế - xã hội với vô vàn khó khăn, thiếu thốn nên chưa thể có nguồn lực nhiều để xây dựng nông thôn mới một cách cơ bản, đầy đủ. Làng xóm nào, vùng quê nào mà có điện, có đường ô tô đi đến (đường nhựa hoặc là đường cấp phối, thậm chí đường đất), có trường học có trạm xá là đã đạt chuẩn nông thôn mới.

Nhận thấy tầm quan trọng của xây dựng đời sống mới, Đảng và Nhà nước đã có những định hướng, động viên các sáng kiến, hoạt động của các phong trào nêu trên. Nhiều năm nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trực tiếp và nhiều lần nghiên cứu, sơ kết, tổng kết để nâng cao chất lượng phong trào, nhất là thống nhất các tiêu chí cũng như quy trình quản lý nhà nước đối với các mô hình xây dựng đời sống văn hóa. Qua nhiều văn bản, tổng kết từ thực tiễn, Bộ đã có Thông tư số 12/2011/TT-BVHTTDL Quy định chi tiết về tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục, hồ sơ công nhận Danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” và tương đương (gọi tắt là “Gia đình văn hóa”, khu dân cư văn hóa).

Hình ảnh nông thôn mới đầy đủ hơn “Điện, Đường, Trường, Trạm”, phần nào thể hiện ở các tiêu chuẩn danh hiệu “Gia đình văn hóa” và các khu dân cư văn hóa.

1. Đời sống kinh tế ổn định và từng bước phát triển.

2. Đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú.

3. Môi trường cảnh quan sạch đẹp.

4. Chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

5. Có tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp nhau trong cộng đồng(3).

Tinh thần xây dựng nông thôn mới cứ “âm thầm” hoặc công khai, trong hoạt động của xã hội hoặc được chỉ đạo từ các văn bản của Đảng và Nhà nước... như một dòng chảy không ngừng trong cả chiến tranh hay thời bình của đất nước. Thế nhưng, chỉ trong thời kỳ đổi mới, cùng vớicông cuộc đổi mới toàn diện đất nước, đường lối và chính sách xây dựng nông thôn mới của Đảng và Nhà nước mới thực sự được hình thành và từng bước được hiện thực hóa. Điều này là khách quan bởi, một mặt, Đảng, Nhà nước và xã hội ngày càng nhận rõ hơn ý nghĩa lớn lao của xây dựng nông thôn mới; mặt khác có kinh nghiệm từ những hoạt động, phong trào nêu trên trực tiếp hoặc gián tiếp, ít hoặc nhiều mang tinh thần xây dựng nông thôn mới, và quan trọng hơn là, thắng lợi của công cuộc đổi mới đất nước tạo ra những nguồn lực vật chất, tinh thần to lớn để có thể xây dựng được nông thôn mới đúng tầm ở nước ta.

Đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới trong công cuộc đổi mới được đánh dấu bằng các mốc sau đây:

Một là: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (1991), trong phương hướng xây dựng đất nước xác định: “Xây dựng giai cấp nông dân về mọi mặt để xứng đáng là một lực lượng cơ bản trong công việc xây dựng nông thôn mới”(4). Đồng thời, trong Báo cáo chính trị ở Đại hội VII nêu cụ thể hơn “Phát triển nông, lâm, ngư nghiệp gắn với công nghiệp chế biến, phát triển toàn diện kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để ổn định tình hình kinh tế - xã hội. Xây dựng phương án tổng thể trên từng vùng, hình thành cơ cấu hợp lý về nông, lâm, ngư, công nghiệp phù hợp với sinh thái vùng, bảo vệ tài nguyên, gắn phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp với phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và công nghiệp chế biến bằng công nghệ thích hợp; xây dựng các điểm kinh tế - kỹ thuật - dịch vụ ở từng vùng và tiểu vùng; xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật và kết cấu hạ tầng xã hội ở nông thôn”(5).

Hai là: Hội nghị Trung ương 5 khóa IX (2002) có Nghị quyết Về đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Đây cũng là đường lối xây dựng nông thôn mới nhưng chủ yếu về chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa để nhanh chóng phát triển lực lượng sản xuất hiện đại và củng cố quan hệ sản xuất mới ở nông nghiệp và nông thôn nước ta.

Ba là: Sau mấy năm thực hiện CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn, Đại hội X (2006) nhận thấy không thể chỉ nhấn mạnh đến phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, mà đẩy mạnh CNH, HĐH phải cùng với giải quyết đồng bộ các vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Đại hội yêu cầu: “Khẩn trương xây dựng các quy hoạch phát triển nông thôn. Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Xây dựng các làng, xã, ấp, bản có cuộc sống no đủ, văn minh, môi trường lành mạnh”(6).

Bốn là: Xây dựng nông thôn mới là sự nghiệp to lớn, phức tạp và dưới góc độ nào đó, có thể gọi đó là một cuộc cách mạng sâu rộng. Vì thế, sự nghiệp này cần phải có cơ sở nhận thức và thực tiễn cơ bản và vững chắc.

Năm là: Ngay sau khi có Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương khóa X đã ban hành các kết luận về Đề án: An ninh lương thực quốc gia, Xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới cấp xã, Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam; Chính phủ đã ra Nghị quyết 24/2008/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 491/QĐ-TTgVề việc ban hành bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới. Với bộ tiêu chí này, đường lối và chính sách của Đảng và Nhà nước đã có bước đột phá về xây dựng nông thôn mới. Qua đó, nông thôn mới được thể hiện như một vùng sinh thái hoàn chỉnh, một địa bàn cùng với nông nghiệp và nông dân có vị trí chiến lược và sinh động - hiện đại trên cơ sở kế thừa và phát triển những yếu tố, bản sắc văn hóa nông thôn truyền thống Việt Nam. Bộ tiêu chí với các tiêu chuẩn cụ thể (định lượng) của 19 tiêu chí.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã khẩn trương phối hợp cùng nhiều bộ ngành liên quan dự thảo Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quyết định số 800/QĐ-TTG, ngày 04-6-2010.

Từ Chương trình mục tiêu quốc gia này, từng tỉnh, huyện, xã chủ động xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới cho phù hợp.

Chương trình mục tiêu về xây dựng nông thôn mới được triển khai, thực sự là phong trào rộng lớn nhất từ trước đến nay về xây dựng nông thôn ở nước ta. Thực chất là nội dung, con đường đưa nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam quá độ lên CNXH, là thực hiện tiếp tục ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong điều kiện hiện nay về xây dựng Đời sống mới ở nông thôn mà Người phác thảo ý tưởng từ năm 1947.

Qua thực hiện Chương trình, nông thôn Việt Nam như được tiếp thêm sức lực, sinh động hẳn lên. Nhiều nơi đã bắt đầu sơ kết. Đến cuối năm 2013, trên phạm vi cả nước, sơ bộ kết quả thực hiện 19 tiêu chí nông thôn mới là: các tiêu chí có số xã đạt chuẩn cao (trên 50% số xã) bao gồm tiêu chí số 1 (về quy hoạch), 8 (về bưu điện), 13 (về hình thức tổ chức sản xuất), 18 (về Hệ thống chính trị - xã hội vững mạnh), 19 (về an ninh, trật tự). Các tiêu chí có số xã đạt chuẩn thấp (dưới 15%) bao gồm: tiêu chí số 2 (về giao thông), 6 (về cơ sở văn hóa, thể thao), 17 (về môi trường)(7).

Cũng qua mấy năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, nhận thấy đã nảy sinh một số khó khăn, bất cập:

- Nhận thức của một số bộ phận cán bộ và người dân về nông thôn mới còn chưa đúng và chưa đầy đủ.

- Hệ thống cơ chế chính sách chưa thực sự đồng bộ, chậm sửa đổi, bổ sung (Luật ngân sách, Nghị định 61 về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, Nghị định 42 về bảo vệ đất lúa; các văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành về các tiêu chí…).

- Công tác điều phối Chương trình còn nhiều lúng túng, một số nơi phó mặc cho ngành nông nghiệp.

- Năng lực cán bộ cơ sở còn hạn chế, thiếu một số kỹ năng cơ bản để triển khai Chương trình hiệu quả.

- Huy động nguồn lực (nhất là nguồn ngân sách trung ương) cho Chương trình chưa tương xứng với mục tiêu; chưa có cơ chế lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn trên cùng địa bàn.

Do vậy, để tiếp tục đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới cần nâng cao hiệu quả công tác thi đua, tuyên truyền toàn dân, cả hệ thống chính trị góp phần xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh công tác tập huấn đội ngũ cán bộ tham gia xây dựng nông thôn mới; chỉ đạo, rà soát, nâng cao chất lượng quy hoạch và lập đề án xây dựng nông thôn mới cấp xã; tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất; tiếp tục phát triển giáo dục, y tế và đời sống văn hóa ở nông thôn…(8).

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 6-2014

(1), (2) Hồ Chí Minh:Toàn tập, t.5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.94-95, 100-101.

(3) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Thông tư số 12/2011/TT-BVHTTDL

(4) ĐCSVN: Cương lĩnh và chiến lược của Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 1930 đến nay, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr.61.

(5) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1991, tr.63.

(6) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.89-90.

(7), (8) Xem: Capacity Enhancement for Vietnamese Hight - level Strategic Leaders Materials for Joint Research between HCMA - KOICA.

 

PGS, TS Phan Thanh Khôi

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền