Trang chủ
Thứ tư, 13 Tháng 4 2022 09:01
11859 Lượt xem

Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam nhìn từ góc độ quan hệ quốc tế

(LLCT) - Bài viết phân tích cơ sở chỉ đạo, định hướng chính sách đối ngoại của Việt Nam qua các kỳ đại hội Đảng từ khi tiến hành công cuộc đổi mới đến nay; làm rõ thành tựu đối ngoại qua năm góc độ: mở rộng đối ngoại song phương; hội nhập và nâng tầm ngoại giao đa phương; thu hút đầu tư nước ngoài; bảo vệ chủ quyền lãnh thổ; đóng góp vào việc gìn giữ hòa bình, ổn định và an ninh khu vực và trên thế giới. Từ đó đúc rút một số bài học kinh nghiệm và đề xuất một số nhiệm vụ đối ngoại trong thời gian tới theo tinh thần bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Hoạt động đối ngoại đã góp phần quan trọng vào việc duy trì, củng cố môi trường hòa bình, ổn định, phát triển kinh tế, giữ vững chủ quyền, tạo thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN - Ảnh: vnanet.vn

Nhân dịp kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2021) và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài viết quan trọng: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”.  Trong bài viết này, Tổng Bí thư khẳng định, xã hội XHCN mà Việt Nam xây dựng phải có đặc trưng của “một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”(1).

Vậy, một nước Việt Nam XHCN “có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới” là như thế nào trên con đường đi lên CNXH dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam? Quan hệ hữu nghị và hợp tác đó đem lại và phục vụ lợi ích gì cho sự phát triển của Việt Nam? Nội dung bài viết sẽ làm sáng tỏ những vấn đề nêu trên.

1. Phương châm chỉ đạo và định hướng chính sách đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam

Thành tựu đối ngoại của Việt Nam trong hơn 35 đổi mới được thể hiện trong cả nhận thức và thực tiễn, trong chính sách và triển khai thực hiện. Nhưng trước hết phải là thành tựu về đổi mới tư duy và nhận thức, về xây dựng chính sách, bởi không có tư duy và nhận thức đúng, không có chính sách phù hợp với thực tiễn và thời đại, thì sẽ không thể có thành tựu trong thực tiễn, nhất là trong bối cảnh tình hình phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, an ninh khu vực và thế giới biến động nhanh chóng, khó lường từ cuối thập niên 80 và đầu thập niên 90 thế kỷ XX. Bản thân đường lối đổi mới được thông qua tại Đại hội VI đã là một thành tựu của đổi mới tư duy và nhận thức của Đảng ta về con đường phát triển và đi lên CNXH ở nước ta.

Sự nghiệp xây dựng và con đường đi lên CNXH của nước ta tưởng như khó khăn, trắc trở và thậm chí có nguy cơ phải dừng bước trước tác động của khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng vì những sai lầm nóng vội chủ quan và sự bao vây, cấm vận của các thế lực bên ngoài trong gần hai thập niên sau khi nước ta đã hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đặc biệt, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra, con đường đi lên CNXH dưới sự lãnh đạo của Đảng ta đã có lúc bị hồ nghi và phê phán “sau khi mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và nhiều nước Đông Âu sụp đổ, cách mạng thế giới lâm vào thoái trào... Trong hàng ngũ cách mạng cũng có người bi quan, dao động, nghi ngờ tính đúng đắn, khoa học của chủ nghĩa xã hội, quy kết nguyên nhân tan rã của Liên Xô và một số nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu là do sai lầm của chủ nghĩa Mác - Lênin và sự lựa chọn con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Từ đó họ cho rằng chúng ta đã chọn đường sai, cần phải đi con đường khác. Có người còn phụ họa với các luận điệu thù địch, công kích, bài bác chủ nghĩa xã hội, ca ngợi một chiều chủ nghĩa tư bản. Thậm chí có người còn sám hối về một thời đã tin theo chủ nghĩa Mác - Lênin và con đường xã hội chủ nghĩa!”(2).

Trước những khó khăn ấy, Đảng ta một lần nữa lại thể hiện bản lĩnh vững vàng của một Đảng của dân tộc và vì dân tộc, luôn “vì ngoài lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc, Ðảng ta không có lợi ích gì khác”, kiên định con đường đi lên CNXN như Bác Hồ và Đảng ta đã lựa chọn.

Với tư duy nhạy bén, bằng nhãn quan và tầm nhìn sắc sảo về xu hướng phát triển của thời đại, trên tinh thần cầu thị “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật”, tại Đại hội VI (tháng 12-1986), Đảng ta đã chính thức phát động công cuộc đổi mới toàn diện trên tất cả các mặt, trong đó đổi mới và mở rộng hoạt động đối ngoại được xác định như một mũi tiên phong để phá thế bao vây, cấm vận, “ra sức kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại” nhằm tranh thủ mọi nguồn lực để phục vụ sự nghiệp phát triển của đất nước.

Đại hội VI xác định, ngoài việc khẳng định tăng cường quan hệ truyền thống đặc biệt giữa ba nước Đông Dương, quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện với các nước trong khối XHCN, Đảng ta bày tỏ sẵn sàng hợp tác với tất cả các nước, bao gồm cả các nước có chế độ chính trị - xã hội khác nhau. Nghị quyết số 13/NQ-TW ngày 20-5-1988 của Bộ Chính trị “về nhiệm vụ và chính sách đối ngoại trong tình hình mới” xác định chiến lược đối ngoại của Việt Nam là “mở rộng quan hệ và đa dạng hóa quan hệ hợp tác quốc tế” với mục tiêu là thúc đẩy hội nhập quốc tế, phá thế bao vây và cấm vận, thu hút sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế cho công cuộc đổi mới đất nước. Từ chủ trương và chiến lược đối ngoại này mà nước ta đã dần thoát ra khỏi thế bao vây và cấm vận, đồng thời từng bước mở rộng quan hệ chính trị, ngoại giao và kinh tế với các nước, tổ chức và định chế quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài để thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới. 

Tại Đại hội VII (tháng 6-1991), Đảng ta long trọng tuyên bố “Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”. Cũng tại Đại hội này, Đảng ta thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, trong đó chủ trương “thực hiện chính sách đối ngoại hòa bình, hợp tác và hữu nghị với tất cả các nước”.

Từ sau Đại hội VIII (tháng 6-1996), Đảng ta tiếp tục khẳng định chính sách đối ngoại nhất quán của ta là “đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ”, đồng thời nhấn mạnh tính “chủ động và tích cực” trong hội nhập quốc tế vì lợi ích quốc gia - dân tộc. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) nhấn mạnh “thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế”. Đặc biệt, Đại hội XIII (năm 2021) chỉ rõ: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại... Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng”(3).

Sự nhạy bén về tư duy và linh hoạt trong thực hiện chính sách đối ngoại qua các kỳ đại hội còn được thể hiện trong nhiều nghị quyết, chỉ thị, chiến lược và văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị và Trung ương Đảng ta nhằm đạt mục tiêu phát triển của đất nước, được xác định cho từng giai đoạn. Trong số những văn bản này, bên cạnh Nghị quyết số 13 có tính bước ngoặt cho hoạt động đối ngoại như đã nêu ở trên, còn có Nghị quyết số 07 của Bộ Chính trị về hội nhập kinh tế quốc tế (năm 2001), Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới (năm 2003), Nghị quyết số 22 về hội nhập quốc tế (năm 2013), Nghị quyết số 28 về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới (năm 2013), Nghị quyết số 06 về hội nhập kinh tế quốc tế (năm 2016), Chỉ thị số 32 về tăng cường và nâng cao hiệu quả quan hệ đối ngoại đảng trong tình hình mới (năm 2018), Chỉ thị số 25 về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030 (năm 2018) và nhiều nghị quyết, chỉ thị liên quan khác. Các văn kiện đại hội và những nghị quyết, chỉ thị này của Đảng là cơ sở chỉ đạo triển khai thực hiện và thu được những thành tựu nổi bật của hoạt động đối ngoại của Việt Nam từ khi đổi mới cho đến nay.

2. Thành tựu đối ngoại trong thực tiễn 35 năm đổi mới

Thành tựu đối ngoại của Việt Nam trong thực tiễn 35 năm đổi mới có thể nhận thấy rõ nét qua từng con số, dấu ấn tham gia của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế, sự nhìn nhận và đánh giá vị thế, vai trò, tiếng nói và ảnh hưởng của Việt Nam từ các đối tác nước ngoài trong các vấn đề khu vực và quốc tế. Đây là điều không phải quốc gia nào cũng có thể đạt được khi Việt Nam mới thực sự được hưởng hòa bình được hơn 30 năm, chịu bao vây cấm vận gần 20 năm, tiến hành công cuộc đổi mới, mở cửa hội nhập được hơn 35 năm.

- Mở rộng quan hệ đối ngoại song phương

Trong giai đoạn trước đổi mới, ngay cả sau khi chúng ta đã trở thành thành viên chính thức của Liên hợp quốc vào năm 1977, một tổ chức đa phương rộng lớn toàn cầu, quan hệ đối ngoại ở cấp độ song phương của Việt Nam chủ yếu vẫn giới hạn với các nước trong phe XHCN và phong trào không liên kết. Điều này cũng dễ hiểu, vì khi đó chúng ta là thành viên trong phe XHCN và đang bị bao vây cấm vận từ phía Mỹ và các nước phương Tây. Tuy vậy, trong giai đoạn 1976-1986, Việt Nam cũng tìm cách thúc đẩy quan hệ và thiết lập cơ quan ngoại giao ở một số nước tư bản như Nhật Bản, Canađa, Cộng hòa Liên bang Đức, Ôxtrâylia. Tính đến cuối thập niên 1980, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 116 quốc gia, trong đó có một số nước phương Tây là đồng minh của Mỹ, cụ thể gồm: 8 quốc gia Đông Nam Á, 20 quốc gia Đông Á - Nam Á và Trung Cận Đông, 28 quốc gia châu Âu, 16 quốc gia Nam- Bắc Mỹ và Mỹ Latinh, 41 quốc gia châu Phi, và 4 quốc gia khu vực Thái Bình Dương.

Sau 35 năm đổi mới, thực hiện chính sách đa dạng hóa, đa phương hóa với tinh thần Việt Nam sẵn sàng là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế, bao gồm cả các nước có thể chế chính trị và chế độ kinh tế - xã hội khác nhau, cho đến nay, chúng ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189 nước/193 quốc gia thành viên của Liên hợp quốc, có quan hệ kinh tế - thương mại với hơn 230 nước và vùng lãnh thổ. Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với 17 nước và đối tác toàn diện với 13 nước. Trong số 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với bốn nước (Anh, Nga, Pháp và Trung Quốc) và quan hệ đối tác toàn diện với Mỹ.

Trong khi đặt trọng tâm và không phân biệt quan hệ song phương với tất cả các quốc gia, Việt Nam cũng xác định thứ tự ưu tiên quan hệ với các nước. Theo đó, thứ tự ưu tiên là các nước láng giềng, các nước có quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện, các nước bạn bè truyền thống và các đối tác quan trọng khác. Có thể nói, quan hệ song phương của Việt Nam với các nước sau 35 năm đổi mới đã tăng cả về lượng và chất, mở rộng phạm vi cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, trong đó có những nước là đối tác có ý nghĩa chiến lược với Việt Nam trong việc ứng phó với những thách thức về an ninh và bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước ta.

- Tăng cường hội nhập khu vực, quốc tế và nâng tầm đối ngoại đa phương

Thúc đẩy và tăng cường hội nhập khu vực, đặc biệt là gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), là một trong những ưu tiên chiến lược của ngoại giao Việt Nam từ khi đổi mới. Ngay từ tháng 7 - 1986, Bộ Chính trị khóa V đã ra nghị quyết điều chỉnh bước đầu chính sách đối ngoại của Việt Nam, trong đó nhấn mạnh cần chủ động chuyển sang thời kỳ cùng tồn tại hòa bình, góp phần xây dựng Đông Nam Á thành một khu vực hòa bình, ổn định và hợp tác.

Quán triệt đường lối từ Đại hội VI cho đến nay, hoạt động đối ngoại đã chủ động, tích cực triển khai mạnh và hiệu quả chủ trương lớn về hội nhập khu vực và quốc tế, nâng cao vị thế, vai trò, tiếng nói và dẫn dắt của Việt Nam trong các tổ chức khu vực và quốc tế, các diễn đàn đa phương. Điều này được thể hiện cụ thể qua việc Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN (tháng 7-1995) và đến nay đã hai lần đảm nhiệm vai trò chủ tịch luân phiên của tổ chức này (năm 2010 và 2020), chủ động và tích cực có những đóng góp trong quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, tăng cường đoàn kết nội khối và nâng cao vị thế, vai trò của ASEAN trên phạm vi toàn cầu; trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007; tham gia sáng lập Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM) năm 1996; gia nhập Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC)  năm 1998. Đồng thời, Việt Nam vẫn duy trì là thành viên tích cực của Cộng đồng Pháp ngữ và Phong trào không liên kết.

Ở phạm vi toàn cầu, Việt Nam đã chủ động tham gia các cơ chế của Liên hợp quốc như Hội đồng Bảo an, Ủy ban nhân quyền, Hội đồng kinh tế - xã hội của Liên hợp quốc... Đặc biệt, Việt Nam đã hai lần trúng cử là ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009 và 2020-2021; trúng cử thành viên Ủy ban pháp luật quốc tế của Liên hợp quốc (2007-2022). Năm 2020, Việt Nam lần đầu tiên đề xuất và bảo vệ thành công Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc về Ngày Quốc tế phòng chống dịch.

Việc tăng cường hội nhập sâu vào khu vực và thế giới, chủ động và tích cực tham gia các cơ chế đa phương ở mọi cấp độ đã nâng cao được vị thế và tiếng nói của Việt Nam trong các vấn đề có lợi ích không chỉ với nước ta mà còn cho khu vực và trên thế giới, thể hiện đúng với chủ trương đối ngoại của Đảng và Nhà nước, đó là Việt Nam không chỉ là bạn và đối tác tin cậy mà còn là “thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”.

- Thu hút đầu tư nước ngoài và hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế

Ngoại giao phục vụ xây dựng đất nước, phát triển kinh tế. Đó là yêu cầu và là ưu tiên cao nhất từ khi triển khai đường lối đối ngoại thời kỳ đổi mới. Nghị quyết Trung ương 13 khóa VI (năm 1988) với chủ đề “Giữ vững hòa bình, phát triển kinh tế” xác định một trong những ưu tiên của ngoại giao là phát triển kinh tế. 

Trong hơn 35 năm đổi mới, hoạt động đối ngoại đã có nhiều đóng góp thiết thực vào việc tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế Việt Nam trong suốt 35 năm qua luôn tăng trưởng ở mức trung bình khoảng 6,5% năm, trở thành một trong những điểm sáng về tăng trưởng kinh tế và được dự báo là “con hổ” kinh tế Đông Á tiếp theo. Quy mô GDP không ngừng được mở rộng, đạt 342,7 tỷ đôla Mỹ (USD) trong năm 2020, trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trong ASEAN. Thu nhập bình quân đầu người đạt 3.512 USD/năm, tăng gần 17 lần so với trước đổi mới. Từ năm 2008, nước ta đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp.

Từ một nước bị thiếu lương thực triền miên, đến nay Việt Nam không những đã bảo đảm được an ninh lương thực, mà còn trở thành một nước xuất khẩu gạo và nhiều nông sản khác đứng tốp đầu thế giới. Công nghiệp phát triển khá nhanh, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ liên tục tăng và hiện nay chiếm khoảng 85% GDP. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng mạnh, năm 2020 đạt trên 540 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt trên 280 tỷ USD.

Dự trữ ngoại hối tăng mạnh, đạt 100 tỷ USD vào năm 2020. Đầu tư nước ngoài tăng nhanh, đăng ký đạt gần 395 tỷ USD vào cuối năm 2020. Về cơ cấu nền kinh tế xét trên phương diện quan hệ sở hữu, tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam hiện nay gồm khoảng 27% từ kinh tế nhà nước, 4% từ kinh tế tập thể, 30% từ kinh tế hộ, 10% từ kinh tế tư nhân trong nước và 20% từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài(4).

Trong khi đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam phần lớn nhờ tăng cường quan hệ song phương, sự phát triển kinh tế và mở rộng quy mô nền kinh tế của Việt Nam còn hưởng lợi từ việc chúng ta ký kết và gia nhập các hiệp định kinh tế tự do cả ở cấp độ song phương và đa phương. Đến nay, Việt Nam đã ký gần 60 hiệp định thương mại tự do (FTA) cả song phương và đa phương thế hệ mới, chiếm 59% dân số, 61% GDP, 68% thương mại toàn cầu.

Những con số này cho thấy nền kinh tế Việt Nam hiện nay là một trong những nền kinh tế có độ mở lớn nhất thế giới, vừa mang lại nhiều cơ hội song cũng không ít thách thức. Song, điều quan trọng là chính nhờ sự hội nhập sâu rộng này mà ngoại giao giờ đây đóng vai trò kép, vừa phục vụ phát triển, vừa bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa.”

- Bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ

Xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc XHCN là hai nhiệm vụ chiến lược có quan hệ chặt chẽ với nhau. Ngoại giao có vai trò và nhiệm vụ to lớn đóng góp vào cả hai nhiệm vụ này, đặc biệt là trong hơn 35 năm đổi mới.

Phát biểu tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng ngày 14-12-2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có đánh giá tổng quát về vai trò của đối ngoại trong công tác bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ: “đối ngoại đóng vai trò tiên phong trong việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước”(5).

- Đóng góp vào gìn giữ hòa bình, ổn định và an ninh khu vực và trên thế giới

Các văn kiện đại hội Đảng từ Đại hội XI (năm 2011) cho đến nay đều khẳng định: “Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”. Điều này cho thấy ý thức trách nhiệm của Việt Nam đối với tương lai của nhân loại. Tuy nhiên, cần phải khẳng định rằng, thực hiện nghĩa vụ quốc tế, “chia ngọt sẻ bùi” với bạn bè thế giới ngay cả khi Việt Nam ở giai đoạn khó khăn nhất, là truyền thống của nước ta trong suốt chặng đường từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho đến nay.

Đóng góp thiết thực của Việt Nam vào duy trì hòa bình, ổn định và an ninh khu vực và trên thế giới thể hiện qua lập trường của Việt Nam đối với các vấn đề an ninh và hòa bình ở khu vực và trên thế giới, cách hành xử trong giải quyết tranh chấp chủ quyền và lãnh thổ trên Biển Đông. Những đóng góp này đều được khẳng định, đặc biệt qua hai lần Việt Nam đảm nhiệm vai trò chủ tịch luân phiên của ASEAN và ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Dấu ấn nổi bật về đóng góp của Việt Nam vào gìn giữ hòa bình, ổn định và an ninh khu vực và trên thế giới là sự tham gia của Việt Nam vào lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Từ năm 2014 đến nay, chúng ta đã cử 53 sĩ quan triển khai theo hình thức cá nhân và 126 bác sỹ, nhân viên y tế của Bệnh viện dã chiến cấp 2. Chỉ huy Phái bộ và Liên hợp quốc đánh giá cao kết quả thực hiện nhiệm vụ của cả 2 Bệnh viện dã chiến cấp 2. Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc phụ trách hoạt động gìn giữ hòa bình và Cố vấn Quân sự của Tổng thư ký Liên hợp quốc đã gửi thư cảm ơn Chính phủ Việt Nam về sự đóng góp y tế. Năm 2020, ba sĩ quan của Cục gìn giữ hòa bình Việt Nam đã được bổ nhiệm là nhân viên tại cơ quan hoạch định chính sách của Liên hợp quốc và sĩ quan điều phối hoạt động quân sự của Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và quân đội Cộng hòa Trung Phi tại Cộng hòa Trung Phi. Trong năm 2021, Việt Nam cử Đội công binh số 1 và Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Tinh thần và trách nhiệm của Việt Nam với cộng đồng quốc tề còn được thể hiện trong cuộc chiến chống đại dịch Covid -19. Cho đến nay, chúng ta đã tiến hành hỗ trợ và viện trợ trang thiết bị y tế cho 51 nước và tổ chức quốc tế. Tất cả những đóng góp và viện trợ trên trong bối cảnh Việt Nam cũng đang gặp khó khăn và chưa phải là một nước phát triển cao đã góp phần nâng cao hình ảnh và uy tín của Việt Nam, thể hiện rõ tinh thần nhân văn và trách nhiệm của nước ta với cộng đồng thế giới.

3. Bài học kinh nghiệm và một số nhiệm vụ đối ngoại trong thời gian tới

Trong 35 năm qua, hoạt động đối ngoại đã góp phần quan trọng vào việc duy trì, củng cố môi trường hòa bình, ổn định, tạo thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phục vụ thiết thực cho nhiệm vụ phát triển kinh tế, nhất là kinh tế đối ngoại; qua đó góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; góp phần xứng đáng vào nhiệm vụ giữ vững chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước(6).

Thực tiễn đối ngoại trong 35 năm đổi mới đã để lại cho Việt Nam nói chung, ngành ngoại giao nói riêng những bài học quan trọng. Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, 5 bài học quan trọng đó là:

- Bài học về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, hài hòa lợi ích quốc gia dân tộc với trách nhiệm quốc tế. Tình hình thế giới biến chuyển phức tạp, song xu thế lớn và nguyện vọng thiết tha của các dân tộc vẫn là giữ vững hòa bình, mở rộng hợp tác vì sự phát triển. Việt Nam xác định rõ hơn vị trí của mình trong phân công lao động quốc tế, cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị, chuỗi sản xuất và cung ứng khu vực và toàn cầu. Đường lối, chính sách và mục tiêu trước sau như một của chúng ta luôn luôn phù hợp với xu thế lớn đó của tình hình thế giới. Lợi ích quốc gia dân tộc của chúng ta lúc này là bảo đảm môi trường quốc tế thuận lợi để phát triển. Điều đó hoàn toàn phù hợp với lợi ích của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

- Bài học kiên trì về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược. Nguyên tắc của chúng ta là độc lập dân tộc và CNXH. Sách lược của chúng ta là cơ động, linh hoạt điều chỉnh tùy theo vấn đề, tùy từng thời điểm và tùy theo đối tượng hay đối tác, tuân thủ những tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dĩ bất biến ứng vạn biến”, “thêm bạn bớt thù”, “làm bạn với tất cả các nước dân chủ và không gây thù oán với ai”.

- Bài học về xây dựng sự đồng thuận trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân như căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “sự nghiệp thành công bởi chữ đồng”. Đường lối đối ngoại đúng đắn và sự triển khai hiệu quả các chính sách cụ thể đã góp phần tạo ra sự đồng thuận lớn của toàn bộ hệ thống chính trị. Cơ chế thống nhất quản lý đối ngoại ngày càng hoàn thiện; cơ chế phối hợp ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế với ngoại giao an ninh - quốc phòng, ngoại giao văn hóa đã có nhiều cải tiến, góp phần làm nên sức năng động, hiệu quả cao của hoạt động đối ngoại.

- Bài học về công tác xây dựng ngành và công tác cán bộ. Các thế hệ cán bộ đối ngoại đã hoàn thành vẻ vang nhiệm vụ của mình trong các giai đoạn lịch sử khác nhau của đất nước, trong đó có đội ngũ cán bộ của Bộ Ngoại giao với chức năng tham mưu và trực tiếp triển khai công tác đối ngoại. “Mang chuông đi đánh xứ người” là một công việc rất khó khăn và vất vả, đòi hỏi những phẩm chất đặc biệt của người làm công tác đối ngoại. Những nỗ lực trên mặt trận đối ngoại thời gian qua đã tạo ra lớp lớp thế hệ cán bộ đối ngoại ngày càng hội đủ tố chất vừa hồng vừa chuyên, bước đầu thể hiện được bản lĩnh, đạo đức, cốt cách của các nhà ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh.

- Cuối cùng, bao trùm tất cả là bài học về sự lãnh đạo thống nhất, tuyệt đối của Đảng, sự quản lý tập trung của Nhà nước. Các cơ quan lãnh đạo của Đảng, trước hết là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cùng các cơ quan tham mưu đã chứng tỏ sự nhạy bén trong nhận định và nắm bắt tình hình, quyết đoán trong việc đưa ra các biện pháp, chính sách cụ thể. Nhiều chủ trương, giải pháp xử lý những vấn đề phức tạp, trong đó có vấn đề Biển Đông, những tính toán lựa chọn đúng thời điểm tiến hành những hoạt động đối ngoại lớn, trong đó có các sự kiện đón và thực hiện các chuyến thăm cấp cao, đã thực sự đưa đến tác động mạnh mẽ có sức thuyết phục, tạo được sự đồng thuận cao trong toàn Đảng, toàn dân và được dư luận quốc tế đồng tình, ủng hộ.

Trong thời gian tới, theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, xây dựng CNXH là “kiến tạo một xã hội hoàn toàn mới”, vì vậy, nhiệm vụ của chúng ta, trong đó có ngành ngoại giao là phải góp phần cùng “nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm từ thực tiễn của thế giới và thời đại.” Nếu như không phải ngoại giao là tiên phong thì ai sẽ gánh vác trọng trách này.

Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chúng ta đang sống trong thời đại toàn cầu hóa, khu vực hóa, đó là xu thế không thể đảo ngược. Để xây dựng xã hội XHCN ở Việt Nam không có nghĩa là chúng ta chỉ nghiên cứu thực tiễn của Việt Nam, không có nghĩa là chúng ta đóng cửa, biệt lập, khép kín, vì thế giới này là phẳng và chúng ta phải sẵn sàng học tập kinh nghiệm của các nước khác trên tinh thần chọn lọc, khoa học. Trong bối cảnh đó, nguyên tắc và chủ trương đối ngoại của chúng ta như Đại hội XIII khẳng định: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ đối ngoại. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi”(7).

__________________

(1), (2), (4), (5) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.24, 18, 31, 186.

(3), (7) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.161-163, 161.

(6) Xem Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.178-201.

GS, TS PHẠM QUANG MINH

Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn,

Đại học Quốc gia Hà Nội

TS NGUYỄN HỒNG HẢI

Đại học Queensland, Ôxtrâylia

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền