Trang chủ    Cùng bạn đọc    Nâng cao chất lượng đào tạo báo chí và nghiên cứu khoa học, tiếp tục khẳng định vị thế, thương hiệu là đơn vị hàng đầu trong đào tạo báo chí của cả nước
Thứ năm, 03 Tháng 9 2020 15:07
1388 Lượt xem

Nâng cao chất lượng đào tạo báo chí và nghiên cứu khoa học, tiếp tục khẳng định vị thế, thương hiệu là đơn vị hàng đầu trong đào tạo báo chí của cả nước

Phát huy truyền thống gần 60 năm xây dựng và trưởng thành với nhiều tên gọi khác nhau, Học viện Báo chí và Tuyên truyền vẫn luôn là cơ sở đào tạo báo chí - truyền thông lâu năm nhất, uy tín nhất, có quy mô ngành học và số lượng sinh viên, học viên báo chí lớn nhất trong cả nước. Bên cạnh nhiệm vụ đào tạo giảng viên lý luận chính trị, cán bộ Đảng, Học viện đã đào tạo hơn 10 nghìn cán bộ, phóng viên, những người đã và đangphát huy tốt phẩm chất và năng lực chuyên môn, giữ vị trí chủ chốt trong các cơ quan báo chí - truyền thông, đảm nhiệm những trọng trách trong các cơ quan lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đoàn thể chính trị - xã hội, có người trở thành anh hùng lao động thời kỳ đổi mới...

1. Đào tạo báo chí - truyền thông là hoạt động mũi nhọn của
Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Hiện nay, Học viện Báo chí và Tuyên truyền có 403 cán bộ, viên chức và người lao động, trong đó có 249 giảng viên cơ hữu, 33 phó giáo sư; 94 tiến sĩ, 215 thạc sĩ; ngoài ra, còn có hàng trăm giảng viên kiêm chức. Học viện đang tổ chức đào tạo 41 chương trình trình độ đại học (trong đó có 35 chương trình đại trà, 5 chương trình chất lượng cao, 1 chương trình liên kết quốc tế); 20 chương trình thạc sĩ; 6 chương trình tiến sĩ. Mỗi năm, Học viện tuyển sinh gần 2.000 sinh viên đại học tập trung, 550 học viên cao học và 30 nghiên cứu sinh.

Riêng đối với lĩnh vực báo chí - truyền thông, Học viện hiện có 75 cán bộ, giảng viên, trong đó có 9 phó giáo sư; 22 tiến sĩ. Đó là những người được đào tạo cơ bản, hệ thống, khá nhiều người được đào tạo ở nước ngoài, có phẩm chất, năng lực chuyên môn tốt. Nhiều giảng viên vừa giảng dạy, vừa tham gia hoạt động thực tiễn báo chí, một số giảng viên đoạt giải báo chí quốc gia. Học viện đang đào tạo 8 chuyên ngành báo chí (báo in, ảnh báo chí, truyền hình, phát thanh, báo mạng điện tử, quay phim truyền hình, báo truyền hình chất lượng cao, báo mạng điện tử chất lượng cao) và một số ngành/chuyên ngành truyền thông (quan hệ công chúng, quảng cáo, truyền thông đại chúng, truyền thông đa phương tiện, truyền thông quốc tế, truyền thông chính sách, biên tập xuất bản, xuất bản điện tử), mỗi năm đào tạo gần 1.000 sinh viên đại học, gần 200 học viên cao học, hơn 10 nghiên cứu sinh.

Đồng thời, Nhà trường thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ và quản lý báo chí - truyền thông cho cán bộ các cơ quan Trung ương và địa phương, cho Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào.

Nội dung, chương trình đào tạo các ngành/chuyên ngành báo chí - truyền thông đều bám sát mục tiêu đào tạo cán bộ của Đảng, bảo đảm tính hiện đại, cập nhật với thực tiễn phát triển xã hội, giữ vững định hướng chính trị - tư tưởng và khắc sâu đạo đức nghề báo.

Nhà trường đã xây dựng và đưa vào hoạt động các studio, trường quay ảo, phòng lab, phòng mạng hiện đại, đáp ứng được nhu cầu giảng dạy và thực hành ngày càng cao của thực tiễn. Cùng với đó, Học viện duy trì hệ thống các câu lạc bộ nghiệp vụ với các sản phẩm báo chí được sản xuất định kỳ, nhằm tăng cường bồi dưỡng kỹ năng thực hành nghề nghiệp cho sinh viên báo chí. Nhiều sản phẩm của các câu lạc bộ này đã được các cơ quan báo chí sử dụng để đăng, phát trên kênh, sóng của mình.

Để nâng cao chất lượng đào tạo, khắc phục những bất cập về đội ngũ cán bộ giảng dạy báo chí, Nhà trường đã và đang nỗ lực tăng cường sự phối hợp giữa Nhà trường với các cơ quan báo chí, thu hút các chuyên gia, các nhà khoa học, các phóng viên giỏi tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học tại nhà trường.

Cùng với việc hoàn thiện các chuyên ngành đào tạo báo chí, Học viện đặc biệt coi trọng vấn đề đổi mới phương pháp giảng dạy; khuyến khích, động viên cán bộ giảng viên áp dụng các phương pháp giảng dạy mới, hiện đại vào các giờ học.

2. Nghiên cứu khoa học về báo chí - truyền thông

Kế hoạch hoạt động khoa học của Học viện đảm bảo tính hệ thống, toàn diện, thiết thực, khả thi; thực sự bám sát vào nhiệm vụ chuyên môn. Tập trung xây dựng hệ thống giáo trình, tài liệu tham khảo phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng, đồng thời góp phần làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Số lượng và chất lượng các đề tài không ngừng được cải thiện. Giai đoạn 2015-2020, cán bộ Học viện đã và đang triển khai 7 đề tài cấp quốc gia; 5 đề tài, dự án quốc tế; 1 chương trình hợp tác quốc tế; 26 đề tài cấp bộ, cấp bộ trọng điểm; 127 đề tài cấp cơ sở sử dụng kinh phí Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; 528 đề tài cấp cơ sở; 147 đề tài khoa học sinh viên. Trong 5 năm qua, chất lượng các đề tài khoa học đã được cải thiện rõ rệt, tập trung giải quyết tốt những vấn đề bức thiết đang đặt ra trong quá trình xây dựng và phát triển Học viện, đặc biệt là vấn đề đổi mới chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập.  

Hội thảo khoa học các cấp được tổ chức tốt, với quy mô và chất lượng ngày càng cao. Giai đoạn 2015-2020, Học viện đã tổ chức 198 hội thảo khoa học các cấp, tăng khoảng 29,4% so với nhiệm kỳ trước. Trong đó có 8 hội thảo quốc tế, 9 hội thảo quốc gia (nhiệm kỳ trước là 6 hội thảo quốc tế, 7 hội thảo quốc gia), 2 hội thảo cấp bộ, 3 hội thảo cấp Học viện, 176 hội thảo cấp khoa và tương đương. Điểm nổi bật là Học viện tổ chức thành công nhiều hội thảo lớn về báo chí - truyền thông, thu hút được sự tham gia của nhiều nhà khoa học đầu ngành, trong nước và quốc tế, gây được tiếng vang trong cộng đồng nghiên cứu.

Trong 5 năm qua, các nhà khoa học của Học viện xuất bản 242 sách, tăng 86% so với nhiệm kỳ trước; 1.214 bài báo khoa học đăng trên tạp chí chuyên ngành trong nước và 72 công trình công bố quốc tế; tổ chức 16 hội thảo khoa học sinh viên, 8 đề tài tham dự giải thưởng “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam” dành cho sinh viên do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, trong đó có 4 đề tài đã đạt giải (1 giải nhì, 2 giải ba, 1 giải khuyến khích).

Nguồn nhân lực khoa học có sự phát triển về số lượng và chất lượng. Các thành tựu trong nghiên cứu khoa học của Học viện Báo chí và Tuyên truyền là minh chứng rõ nét về sự trưởng thành vượt bậc của nguồn nhân lực khoa học. Cùng với sự phát triển chung của nhà trường, đội ngũ cán bộ khoa học ngày càng được trẻ hóa, được tăng cường cả về số lượng và chất lượng. Nhiều người không chỉ có trình độ chuyên môn giỏi mà còn thành thạo cả ngoại ngữ, tin học, có thể làm việc trực tiếp với các chuyên gia nước ngoài và tham gia giảng dạy bằng tiếng nước ngoài.

Tạp chíLý luận chính trị và Truyền thông giữ vững tôn chỉ mục đích, xuất bản đều kỳ mỗi tháng 1 số và phát hành trong cả nước. Tạp chí đã thu hút được sự quan tâm cộng tác của nhiều chuyên gia, các nhà khoa học có uy tín trong cả nước. Ban Biên tập Tạp chí đã có nhiều cố gắng trong cải tiến quy trình biên tập, phản biện và công bố khoa học để đảm bảo không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng xuất bản, hạn chế đến mức thấp nhất những sai sót về kỹ thuật.

Đặc biệt,Học viện tập trung lãnh đạo, tích cực, chủ động thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 22-10-2018 về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”.

3. Hợp tác quốc tế về đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực báo chí - truyền thông là điểm sáng trong nhiệm kỳ qua của Học viện

Hoạt động này có bước phát triển vượt bậc, cả về chiều rộng và chiều sâu, góp phầnnâng cao năng lực cán bộ,mang lại lợi ích thiết thực,đồng thời tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển chung.

Chương trình Cử nhân quốc tế Quảng cáo, Quan hệ công chúng và Truyền thông liên kết với Đại học Middlesex (Vương quốc Anh) là điểm nhấn quan trọng, nâng cao uy tín xã hội của Học viện. Đến năm 2019, Học viện có 4 lớp quốc tế gồm 1 lớp đại cương và 3 lớp chuyên ngành với gần 100 sinh viên. Kết quả khảo sát chất lượng do Đại học Middlesex thực hiện cho thấy, tỷ lệ sinh viên hài lòng với Chương trình ngày càng tăng: năm 2018 là 64%, năm 2019 là 69%,năm 2020 là 80%.

Các đề án, dự án quốc tếđược xây dựng, triển khai đúng cam kết với đối tác (FES (Đức), Lào, Hàn Quốc, EU, Nhật Bản) góp phần khẳng định vị thế của Học viện. Nhà trường luôn tâm niệm và tạo điều kiện để các đơn vị báo chí truyền thông trong trường có nhiều cơ hội nghiên cứu, đặc biệt là các giảng viên trẻ.

Nhìn lại lịch sử hơn 58 năm qua, Học viện đã luôn đồng hành với nền báo chí cách mạng Việt Nam, đã và đang giữ vai trò một cơ sở đào tạo cán bộ báo chí chủ lực và có uy tín hàng đầu của đất nước. Tuy nhiên, sự phát triển của thực tiễn trong lĩnh vực báo chí - truyền thông hiện nay đang đặt ra cho Học viện những áp lực to lớn cần phải vượt lên để phát triển. Sự vận động của báo chí đương đại đang thể hiện rất rõ nét xu hướng hội tụ các loại hình báo chí, tính chất đa phương tiện trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế thế giới, thúc đẩy xu thế hội nhập báo chí - truyền thông mỗi nước; sự chia sẻ thông tin, phương tiện cùng ảnh hưởng lan tỏa của các sản phẩm báo chí - truyền thông rất mạnh mẽ; tin học và công nghệ mới đang hiện đại hóa cực kỳ nhanh chóng hệ thống sản xuất, truyền dẫn, truy cập thông tin, tác động đến chất lượng các sản phẩm truyền thông, đáp ứng nhu cầu thị hiếu đa dạng, nhiều chiều của đông đảo công chúng.

Mặt khác, sự phát triển của mạng Internet toàn cầu đã tạo ra xu thế phát triển mạnh mẽ của các trang mạng cá nhân thâm nhập và cạnh tranh với hệ thống báo chí - truyền thông “truyền thống”. Lợi dụng những tiện ích của công nghệ truyền thông hiện đại, các phần tử tiêu cực, các thế lực thù địch ra sức sử dụng phương tiện thông tin trên internet, như mạng xã hội, các diễn đàn, blog cá nhân, thậm chí có thể tận dụng cả diễn đàn báo chí - nếu chúng ta không kiểm soát được - để gây mất an ninh xã hội, chống lại chế độ, cản trở công cuộc đổi mới đất nước. Tình hình nêu trên đòi hỏi Học viện phải nhận thức rõ trách nhiệm của mình trước Đảng và Nhà nước, phải tích cực đổi mới toàn diện, mạnh mẽ các mặt hoạt động của Nhà trường, nhằm đào tạo đội ngũ cán bộ, phóng viên báo chí đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ mới.

4. Một số giải pháp trong nhiệm kỳ mới

Một là, về đào tạo - bồi dưỡng.

- Trước hết, làm tốt công tác tư tưởng, khơi dậy và phát huy lòng tự hào trong mỗi cán bộ, giảng viên, sinh viên, học viên về truyền thống vẻ vang và sứ mệnh lịch sử của Nhà trường, từ đó động viên, khích lệ mọi người thi đua “dạy tốt, học tốt, phục vụ tốt”, để Nhà trường xứng đáng là Trường Đảng, trường đại học trọng điểm quốc gia về đào tạo giảng viên lý luận và cán bộ báo chí - truyền thông, đồng thời để thu hút được đông đảo sinh viên, học viên giỏi đến học tập; đảm bảo ổn định về số lượng, quy mô đào tạo các hệ lớp.

- Đẩy mạnh đổi mới chương trình đào tạo theo hướng thường xuyên cập nhật thông tin, bám sát sự biến động của thực tiễn, thị trường lao động chất lượng cao; đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng phát triển năng lực cá nhân, phẩm chất của người học, áp dụng các phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực, chú trọng rèn luyện phương pháp tự học; tăng cường các hoạt động xã hội, nghiên cứu khoa học, vận dụng kiến thức vào thực tế. Chú trọng các phương pháp dạy học theo 3 tiêu chí: tăng cường tính chủ động của người học, trang bị cách học, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học. Tăng cường quản lý quá trình đào tạo và chất lượng đầu ra; thường xuyên kiểm tra, đánh giá trong, đánh giá ngoài theo quy định, bảo đảm đạt chuẩn cơ sở và các chương trình đào tạo được công nhận đạt chuẩn theo các tiêu chuẩn kiểm định chất lượng đào tạo.

- Tập trung rà soát, cập nhật mới các chương trình bồi dưỡng,đáp ứng nhu cầu nâng cao trình độ, cập nhật kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho các đối tượng cán bộ các cơ quan Đảng, Nhà nước và nhu cầu xã hội. Đẩy mạnh phối hợp, liên kết chặt chẽ với các cơ quan Trung ương và địa phương trong tổ chức các lớp bồi dưỡng,đồng thời kiện toàn lại tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng cán bộ làm công tác bồi dưỡng; bổ sung, đào tạo đội ngũ giảng viêncó trình độ cao giảng dạy các lớp bồi dưỡng.

- Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, quản lý và sử dụng tốt các phòng thực hành, thực tập nghề nghiệp, nâng cao chất lượng đào tạo kỹ năng thực hành nghề nghiệp cho sinh viên. Xây dựng định mức, cơ chế tài chính phù hợp với quy định hiện hành của Nhà nước để có thể mời được các chuyên gia tham gia đào tạo. Xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, mạng nội bộ và nâng cấp website của Nhà trường.

Hai là, về nghiên cứu khoa học.

- Xây dựng kế hoạch hoạt động khoa học dài hạn, trung hạn và hằng năm, bám sát chương trình đào tạo đại học, sau đại học của Học viện; tích cực, chủ động tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới; khẩn trương tổ chức các hoạt động nghiên cứu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng để vận dụng vào công tác giảng dạy.

- Tăng cường phát triển tiềm lực khoa học, xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học đầu ngành, tổ chức thành các nhóm nghiên cứu mạnh về báo chí - truyền thông nhằm thực hiện những đề tài khoa học lớn, xây dựng các báo cáo kiến nghị gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của Học viện và tham gia đấu thầu đề tài của các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương. Phát huy tối ưu vai trò của Hội đồng khoa học - đào tạo và các nhóm tư vấn, nhóm nghiên cứu trong quá trình xây dựng, tổ chức, triển khai các hoạt động khoa học; mở các lớp bồi dưỡng kỹ năng, tổ chức các phong trào, các câu lạc bộ nghiên cứu khoa học cho cán bộ, giảng viên trẻ và sinh viên toàn Học viện. Tăng cường phối hợp giữa hoạt động đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học. Tăng cường đầu tư nghiên cứu khoa học cho sinh viên.

- Tích cực phát triển cả chiều rộng và chiều sâu các mối quan hệ hợp tác với các cơ quan, tổ chức, cá nhân nhà khoa học ở trong nước, quốc tế để tìm kiếm, xây dựng, tổ chức, triển khai các hoạt động khoa học, đặc biệt là các hội thảo, các đề tài nghiên cứu quốc tế, các đề tài theo đơn đặt hàng của các cơ quan, tổ chức ở Trung ương, địa phương và doanh nghiệp.

- Tăng cường đầu tư tài chính và tích cực huy động các nguồn tài chính bên ngoài phục vụ cho việc hiện đại hóa cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng các hoạt động khoa học, đặc biệt là đầu tư kinh phí, nguồn lực cho các đề tài, hội thảo khoa học; tập trung hiện đại hóa Trung tâm Thông tin khoa học, Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học khai thác tư liệu, dữ liệu, thực hiện đề tài và công bố kết quả nghiên cứu.

- Hoàn thiện quy chế quản lý hoạt động khoa học và các quy định, quy chế liên quan đến hoạt động khoa học, tạo môi trường thuận lợi để các nhà khoa học phát huy tính tích cực, chủ động, tinh thần sáng tạo và trau dồi, hoàn thiện kỹ năng, nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học.

- Tiếp tục hoàn thiện cơ chế khen thưởng, kỷ luật nhằm tạo động lực tích cực cho các hoạt động nghiên cứu khoa học; xây dựng các tiêu chí về khen thưởng, kỷ luật khoa học phù hợp với từng nhóm đối tượng; đặc biệt chú trọng việc hỗ trợ, khen thưởng đối với các nhà khoa học có bài báo đăng trên các tạp chí thuộc danh mục ISI/Scopus.

- Đổi mới và nâng cao chất lượng của Tạp chíLý luận chính trị và truyền thông. Chủ động, tích cực mở rộng và phát triển lực lượng các chuyên gia, các nhà khoa học, cộng tác viên có uy tín trong và ngoài Học viện, huy động nhiều nguồn lực trong phát triển nội dung, hoàn thiện quy trình biên tập và phản biện khoa học, đa dạng phương thức xuất bản, không ngừng nâng cao uy tín của Tạp chí. Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, điều hành, xuất bản và phát hành tạp chí. Xây dựng lộ trình hợp lý để xuất bản tạp chí điện tử, tạp chí ngoại văn trong thời gian tới.

PGS, TS Lưu Văn An
Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ;
Phó Bí thư Đảng ủy,
Phó Giám đốc phụ trách Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền