Trang chủ    Cùng bạn đọc    Nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu di sản Hồ Chí Minh, tiểu sử các đồng chí lãnh đạo Đảng và cách mạng Việt Nam
Thứ năm, 03 Tháng 9 2020 16:13
1154 Lượt xem

Nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu di sản Hồ Chí Minh, tiểu sử các đồng chí lãnh đạo Đảng và cách mạng Việt Nam

Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng (gọi tắt là Viện Hồ Chí Minh), được thành lập ngày 19-8-1987, đến nay, đã qua gần 35 năm hoạt động, phát triển, trở thành một trong những đơn vị nghiên cứu, giảng dạy, đào tạo có uy tín của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; là cơ quan hàng đầu quốc gia trên lĩnh vực nghiên cứu, tuyên truyền tư tưởng Hồ Chí Minh và nghiên cứu, sưu tầm tư liệu, biên soạn tiểu sử các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước, các đồng chí lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam1; tham gia nghiên cứu khoa học lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; góp phần thể hiện bản sắc và khẳng định vị thế của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Chi bộ Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng là chi bộ cơ sở thuộc Đảng bộ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Hiện tại, Chi bộ có 23 đảng viên trên tổng số 23 cán bộ, viên chức của đơn vị, với 5 tổ Đảng (Tổ Đảng bộ phận Lịch sử tư tưởng; Tổ Đảng bộ phận Lý luận chung; Tổ Đảng bộ phận Chuyên đề; Tổ Đảng bộ phận Hành chính - Tổng hợp; Tổ Đảng học viên sinh hoạt ghép) và Ban Chi ủy gồm 3 đồng chí. Trong 23 đảng viên, có 14 nữ, 9 nam; có 4 phó giáo sư, tiến sĩ; 10 tiến sĩ; 6 thạc sĩ; 2 cử nhân, 1 cao đẳng.

Trong những năm qua, cùng với việc hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị là giảng dạy, tuyên truyền, phổ biến tư tưởng Hồ Chí Minh ở trong nước và quốc tế2, Chi bộ Viện Hồ Chí Minh luôn hết sức chú trọng thực hiện tốt nhiệm vụ nghiên cứu di sản Hồ Chí Minh, tiểu sử các đồng chí lãnh đạo Đảng và cách mạng Việt Nam.

Được sự chỉ đạo của Ban Giám đốc Học viện và sự phối hợp, giúp đỡ của các đơn vị hữu quan, Chi bộ Viện trước hết tập trung chỉ đạo chuẩn bị nội dung và phối hợp với các cơ quan tổ chức các Hội thảo khoa học cấp quốc tế, quốc gia; cấp bộ, liên bộ và cấp viện về cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong đó, đặc biệt là Hội thảo khoa học quốc tế và quốc gia kỷ niệm 110 năm, 115 năm, 120 năm, 125 năm, 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, kỷ niệm năm chẵn ngày Người ra đi tìm đường cứu nước, ngày Người về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, kỷ niệm năm chẵn ngày ra đời các tác phẩm nổi tiếng của Người, như Đời sống mới; Sửa đổi lối làm việc; Tuyên ngôn độc lập; Đạo đức cách mạng, Di chúc; các Hội thảo khoa học cấp quốc gia, cấp bộ, liên bộ nhân kỷ niệm những năm chẵn ngày sinh của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước, các đồng chí lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam. Chi bộ Viện chỉ đạo xây dựng kế hoạch, tham mưu với Ban Giám đốc Học viện phối hợp tổ chức một số hội thảo về Chủ tịch Hồ Chí Minh với các địa phương và các hội thảo khoa học chuyên đề về các đồng chí lãnh đạo của Đảng và cách mạng Việt Nam tại quê hương các đồng chí lãnh đạo, vừa có ý nghĩa khoa học, vừa có ý nghĩa chính trị, tuyên truyền, giáo dục rộng rãi về chủ nghĩa yêu nước, cách mạng và tấm gương cao đẹp của các thế hệ cách mạng tiền bối để thế hệ trẻ học tập noi theo.

Do có sự chuẩn bị chu đáo, khoa học, các cuộc hội thảo khoa học đã có được sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, các chuyên gia, các cơ quan khoa học, các cán bộ khoa học ở trong và ngoài nước, được dư luận đánh giá cao. Trên cơ sở đó, Viện Hồ Chí Minh đã biên tập, xuất bản thành những cuốn sách chuyên khảo theo chuyên đề hoặc các kỷ yếu Hội thảo. Chỉ tính từ lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Viện năm 1997 đến nay, trong 23 năm, Viện Hồ Chí Minh đã tham mưu giúp Giám đốc Học viện chủ trì về nội dung, phối hợp tổ chức trên 50 Hội thảo khoa học cấp quốc gia và quốc tế.

Trong hoạt động hợp tác khoa học quốc tế, được Ban Giám đốc Học viện tạo điều kiện, Chi bộ Viện Hồ Chí Minh đã cử người tham gia nhiều cuộc gặp gỡ, tọa đàm với các nhà nghiên cứu ở nước ngoài, như Nga, Trung Quốc, Pháp, Cuba, Mỹ, Australia, Đức, Anh,... nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thông qua các cuộc gặp gỡ, trao đổi, các vị khách nước ngoài đã hiểu sâu sắc hơn về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ đó có cái nhìn khách quan, đúng đắn hơn về Chủ tịch Hồ Chí Minh và những cống hiến của Người đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam, những đóng góp to lớn của Người cho cuộc đấu tranh vì hòa bình, tiến bộ, hữu nghị và hợp tác giữa các nước trong cộng đồng quốc tế. Đây là những tư liệu có giá trị để các nhà nghiên cứu, nhà báo nước ngoài viết một số cuốn sách, bài báo khách quan, khoa học, đúng đắn về Chủ tịch Hồ Chí Minh và cách mạng Việt Nam. Ngoài ra, cán bộ Viện Hồ Chí Minh còn tham gia các Hội thảo khoa học quốc tế về Hồ Chí Minh ở Nga, Pháp, Cuba, Lào, Thái Lan và một số Hội thảo khoa học do UNESCO tổ chức. Chi bộ đã cử cán bộ tham gia giúp đỡ thành lập Viện Hồ Chí Minh ở Trường Đại học Tổng hợp Xanh Pêtécbua (Nga), tổ chức ký thỏa thuận trao đổi hợp tác khoa học giữa hai Viện, giúp đỡ tài liệu cho Viện Hồ Chí Minh tại Nga.

Thông qua các chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học đơn vị thực hiện đã làm rõ hơn, đầy đủ hơn, sâu sắc hơn về vai trò, vị trí và giá trị bền vững của tư tưởng Hồ Chí Minh cùng với chủ nghĩa Mác-Lênin là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng và cách mạng Việt Nam. Những kết quả nghiên cứu khoa học của Viện Hồ Chí Minh trong những năm qua đã góp phần tích cực vào việc hoạch định đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Quá trình này đã góp phần làm rõ sự vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trên một số vấn đề, như: đặc trưng của chủ nghĩa xã hội; xây dựng, phát triển nền kinh tế nhiều thành phần; xây dựng Đảng về đạo đức; văn hóa là nền tảng tinh thần, là mục tiêu và động lực của sự nghiệp cách mạng,... cung cấp cơ sở lý luận, thực tiễn để Đảng ta nghiên cứu hoạch định đường lối phát triển đất nước; góp phần làm cho tư duy lý luận của Đảng ta ngày càng sâu sắc hơn, nhận thức đúng đắn hơn chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời có sự vận dụng và phát triển phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

Để phục vụ tốt công tác nghiên cứu cũng như giảng dạy, đào tạo, được sự chỉ đạo của Ban Giám đốc Học viện, Chi bộ Viện Hồ Chí Minh chỉ đạo tổ chức tiến hành nhiều đợt khai thác, sao chụp tư liệu tại các cơ quan lưu trữ ở Trung ương, các ban, bộ, ngành và các địa phương, như Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, II, III, Thư viện Quốc gia, Lưu trữ Bộ Quốc phòng, Lưu trữ Bộ Công an, Ban Tuyên giáo các địa phương... Nhờ vậy, phông tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Nhà nước, do thư viện của Viện lưu giữ khá phong phú, trong đó có nhiều tư liệu gốc có giá trị3. Ngoài ra, Viện còn thường xuyên bổ sung sách, tư liệu, giáo trình, từ điển tra cứu, các sách chuyên đề... phục vụ cho công tác nghiên cứu và giảng dạy, đào tạo.

Quán triệt tư tưởng của Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ, muốn làm tốt nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, Chi bộ hết sức quan tâm khâu đào tạo cán bộ khoa học. Một số cán bộ khoa học của Viện đã có nhiều năm làm công tác nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo của Đảng và cách mạng Việt Nam, đã có những công trình chuyên sâu trên một số lĩnh vực. Đây là một thuận lợi căn bản giúp cho công tác nghiên cứu khoa học của Viện đạt được nhiều thành tích. Có thể nói, hoạt động nghiên cứu khoa học của Viện Hồ Chí Minh đã có những đổi mới theo hướng tích cực, nhiều chương trình, dự án lớn huy động nhiều cá nhân và đơn vị tham gia. Một số công trình sản phẩm có chất lượng tốt, trên cơ sở đó đề xuất, kiến nghị với Đảng, Nhà nước, góp phần vào việc cung cấp luận cứ khoa học, xây dựng, hoạch định đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ khoa học của Viện hiện nay so với yêu cầu vẫn còn thiếu về số lượng và non về chất lượng. Để nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, Viện đã mời nhiều chuyên gia, cán bộ nghiên cứu ở các cơ quan nghiên cứu khoa học, các Học viện, các trường Đại học làm cộng tác viên để tăng cường lực lượng nghiên cứu cho Viện. Đối với đội ngũ cán bộ khoa học trẻ, Chi ủy và lãnh đạo Viện luôn tạo điều kiện để các cán bộ học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học; khuyến khích cán bộ trẻ đăng ký tham gia nghiên cứu khoa học và tham gia vào các hoạt động khoa học của đơn vị; phân công cán bộ có nhiều kinh nghiệm kèm cặp, bồi dưỡng chuyên môn, truyền đạt kinh nghiệm nghiên cứu cho cán bộ trẻ; tạo điều kiện để cán bộ trẻ đi đào tạo cả trong và ngoài nước; đi thâm nhập thực tế địa phương và cơ sở.

Tuy đã có nhiều cố gắng trong hoạt động nghiên cứu khoa học, nhưng Chi ủy và lãnh đạo Viện Hồ Chí Minh cũng nhận thức được rằng, những kết quả đạt được mới chỉ là bước đầu, vẫn còn những hạn chế, bất cập.

Đó là việc nghiên cứu còn dàn trải, chưa xác định đúng những nội dung trọng tâm cần triển khai nghiên cứu; chưa tập trung vào những vấn đề mang tính cấp thiết mà thực tiễn đang đặt ra; tư duy phát hiện vấn đề, sự đổi mới về tư duy và phương pháp nghiên cứu khoa học còn hạn chế và mờ nhạt. Mặt khác, chất lượng, trình độ của đội ngũ cán bộ khoa học không đều, nhất là một số cán bộ khoa học trẻ, còn chưa thực sự tâm huyết, chưa say mê nghiên cứu khoa học; một số công trình, bài viết thiếu sự đầu tư chiều sâu và có đóng góp mới. Việc chuẩn bị chương trình, kế hoạch nghiên cứu còn có lúc bị động, chưa đáp ứng yêu cầu trong hoạt động nghiên cứu hiện nay, nhất là trong hợp tác nghiên cứu quốc tế. Chưa xây dựng được cơ chế, chính sách khuyến khích hoạt động khoa học của cán bộ Viện, đa phần còn dựa nhiều vào cơ chế chung của Học viện và nguồn ngân sách nhà nước, thiếu động lực kích thích nghiên cứu, sáng tạo. Công tác điều hành, quản lý hoạt động khoa học có mặt còn thụ động v.v..

Để nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học về di sản Hồ Chí Minh, về tiểu sử các đồng chí lãnh đạo Đảng và cách mạng Việt Nam, trong thời gian tới, Chi ủy và lãnh đạo Viện Hồ Chí Minh xác định cần phải tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau:

Thứ nhất,chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực khoa học chất lượng cao, kết hợp kinh nghiệm của các thế hệ đi trước, của Hội đồng khoa học với bồi dưỡng và phát triển đội ngũ cán bộ khoa học trẻ, đặc biệt là phát huy tinh thần tự đào tạo, tự bồi dưỡng, rèn luyện, trưởng thành qua hoạt động thực tế của mỗi cán bộ. Hướng đến xây dựng một đội ngũ cán bộ khoa học có phẩm chất đạo đức tốt, lập trường, quan điểm chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn vững, có tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo.

Thứ hai, phát huy dân chủ, tạo lập môi trường hoạt động khoa học dân chủ, công bằng, bình đẳng, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động nghiên cứu khoa học; có cơ chế, biện pháp khuyến khích các cán bộ tham gia nghiên cứu khoa học; chú trọng đề cao chất lượng, hiệu quả và giá trị thực tiễn của các đề tài, công trình khoa học.

Thứ ba, trong quản lý điều hành hoạt động khoa học, tiếp tục thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của Ban Giám đốc Học viện, phối kết hợp chặt chẽ trong thực hiện nhiệm vụ khoa học giữa Viện Hồ Chí Minh với Vụ Quản lý khoa học; tăng cường mở rộng hợp tác giữa Viện với các cơ quan, đơn vị khoa học trong và ngoài nước.

Thứ tư, xác định đúng và trúng nội dung trọng tâm, trọng điểm để tập trung lực lượng và đầu tư nghiên cứu một cách có hiệu quả nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Xây dựng kế hoạch, nội dung chủ đề nghiên cứu khoa học trên cơ sở bám sát nhiệm vụ chính trị, nghiên cứu có trọng tâm, trọng điểm và chuyên sâu, để vừa giúp nâng cao hiệu quả công tác giảng dạy, đào tạo, vừa khẳng định những nội dung, giá trị bền vững và phát hiện những giá trị mới trong tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời tích cực tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực phản động, thù địch.

Thứ năm,kết hợp hài hòa, hợp lý lợi ích giữa cá nhân và tập thể trong hoạt động khoa học. Phát huy năng lực, nhiệt huyết, tinh thần say sưa nghiên cứu của cán bộ, tôn trọng tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu khoa học; gắn ý thức trách nhiệm chính trị với nghĩa vụ công dân của nhà khoa học. Quán triệt cho cán bộ có nhận thức đúng vai trò của lý luận và công tác giáo dục lý luận ở Học viện; gắn lý luận với thực tiễn. Giải quyết đúng đắn và gắn chặt giữa nghiên cứu và giảng dạy. Tổ chức thường xuyên các buổi sinh hoạt khoa học, các cuộc tọa đàm khoa học, nghe báo cáo chuyên đề gắn với trao đổi kinh nghiệm về đổi mới nội dung, phương pháp nghiên cứu khoa học, nhằm cung cấp, cập nhật thông tin và nâng cao trình độ, năng lực nghiên cứu khoa học cho cán bộ của Viện.

Thứ sáu, tiếp tục tăng cường vai trò của Hội đồng khoa học trong việc tư vấn về nội dung, chủ đề nghiên cứu, trên cơ sở đó hình thành đề tài, chương trình lớn để vừa thúc đẩy nghiên cứu khoa học, vừa đào tạo cán bộ là chiến lược của Viện Hồ Chí Minh. Duy trì việc thu hút và phát huy có hiệu quả sự cộng tác của các nhà khoa học, các chuyên gia trong và ngoài Viện vào công tác nghiên cứu khoa học, trên cơ sở đó bổ sung, phát triển tiềm lực khoa học của Viện.

Dưới sự chỉ đạo của Chi ủy và lãnh đạo Viện hoạt động nghiên cứu khoa học của Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng thời gian qua, dù còn khó khăn, hạn chế, nhưng những kết quả đạt được cũng rất đáng tự hào. Đó là cơ sở quan trọng để Chi bộ Viện tiếp tục xây dựng, phát triển trên tinh thần dân chủ, công bằng, đoàn kết và cùng phát triển, góp phần tô thắm truyền thống vẻ vang hơn 70 năm xây dựng và phát triển của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - trung tâm giảng dạy, đào tạo cán bộ lãnh đạo trung, cao cấp của Đảng, trung tâm nghiên cứu hàng đầu của quốc gia về lý luận Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

 

CHÚ THÍCH

 

[1].   Các công trình nghiên cứu tiêu biểu Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng đã hoàn thành và xuất bản (từ năm 2005 đến năm 2019):

- Chương trình sưu tầm các tác phẩm bài nói, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh; biên tập và xuất bản bộ sách Hồ Chí Minh Toàn tập lần thứ hai (12 tập) (2006-2008); Chương trình xuất bản bộ sách Hồ Chí Minh Toàn tập lần thứ ba (15 tập) (2009-2011).

- Chương trình sưu tầm tài liệu và biên soạn tiểu sử các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam (nhiều giai đoạn từ năm 2005 đến nay).

- Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử (10 tập, xuất bản 1996; tái bản 2016).

- Đề tài cấp Nhà nước KX.04/11-15: Vận dụng sáng tạo và phát triển tư tưởng, nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh trong tình hình mới” (2012-2015).

- Đề tài cấp Nhà nước KX04/16-20: Tư tưởng Hồ Chí Minh về đổi mới, hội nhập và phát triển - giá trị và ý nghĩa lý luận - thực tiễn đối với công cuộc đổi mới của nước ta hiện nay (2016-2019).

- Tiểu sử các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước, các đồng chí lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam: Trần Phú; Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập; Nguyễn Văn Cừ; Trường Chinh; Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Tôn Đức Thắng, Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Hoàng Văn Thụ, Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Phan Đăng Lưu, Võ Văn Tần, Nguyễn Hữu Thọ, Hoàng Quốc Việt, Võ Văn Kiệt, Lê Quang Đạo; Huỳnh Thúc Kháng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Văn Tố, Võ Chí Công,Huỳnh Tấn Phát ...

- Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa Đảng (2004-2005).

- Tư tưởng Hồ Chí Minh về tổ chức và việc vận dụng trong tổ chức thành ủy Hà Nội hiện nay (2005-2006).

- Phương pháp dân chủ Hồ Chí Minh với việc đổi mới và nâng cao phương pháp lãnh đạo của Đảng (2005-2006).

- Sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin của Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam trong cách mạng giải phóng dân tộc (2005-2007).

- Sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin của Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam trong cách mạng xã hội chủ nghĩa trước đổi mới (2005-2007).

- Phê phán những quan điểm xuyên tạc Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam (2005-2006).

- Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên và việc vận dụng trong thực tiễn cách mạng hiện nay (2006-2007).

- Nguyễn Ái Quốc ở Liên Xô 1924-1938 (2006-2007).

- Hồ Chí Minh phát triển sáng tạo đạo đức Nho giáo (2007).

- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chi bộ Đảng với việc xây dựng Đảng vững mạnh, trong sạch (2007).

- Tư tưởng Hồ Chí Minh về hợp tác quốc tế (2007-2008).

- Triết lý phát triển Hồ Chí Minh - giá trị lý luận và thực tiễn (2007-2008).

- Chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh trong thời kỳ mở cửa, hội nhập quốc tế
(2007-2008).

- Tư tưởng Hồ Chí Minh về quan hệ quốc tế và sự vận dụng trong thời kỳ hội nhập toàn cầu hóa (2008).

- Tư tưởng Đạo đức Hồ Chí Minh với việc định hướng các giá trị đạo đức cho thanh niên trong bối cảnh kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay (2008).

- Sự tương đồng và khác biệt về quan điểm cách mạng Việt Nam giữa Hồ Chí Minh với Đảng Cộng sản Đông Dương và Quốc tế cộng sản những năm 30 của thế kỷ XX (2008-2009).

- Hồ Chí Minh với cuộc đấu tranh vì hòa bình và tiến bộ của nhân loại (2008-2009)

- Chủ nghĩa Mác-Lênin - cơ sở hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh (2009).

- Ảnh hưởng của văn hóa phương Tây với việc hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh (2009).

- Ảnh hưởng của truyền thống văn hóa Việt Nam đến việc hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh (2009).

- Phương thức giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh cho thanh, thiếu niên (2009-2010).

- Sự phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh qua các giai đoạn của cách mạng Việt Nam (2010).

- Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo tư tưởng Hồ Chí Minh (2011).

- Vận dụng sáng tạo và phát triển quan điểm của Hồ Chí Minh về đem tài dân, sức dân, của dân làm lợi cho dân trong công cuộc đổi mới hiện nay (2011).

- Hoạt động của Nguyễn Ái Quốc ở Thái Lan 1928-1929 (2011).

- Khái lược nội dung cơ bản trong tư tưởng triết học Hồ Chí Minh (2011).

- Hồ Chí Minh với vấn đề thời cơ trong Cách mạng Tháng Tám 1945 (2011).

- Quan điểm của Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế trong quá trình phát triển (2012).

- Xây dựng đời sống văn hóa nông thôn hiện nay theo quan điểm Hồ Chí Minh (2012)

- Chương trình nghiên cứu, biên soạn khung, đề cương chi tiết và viết giáo trình Chương trình đào tạo tiến sĩ Hồ Chí Minh học (2012-2013).

- Phát huy nhân tố con người Việt Nam hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh (2013).

- Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác lý luận và sự vận dụng trong tình hình hiện nay (2013).

- Bản lĩnh chính trị Hồ Chí Minh (2013).

- Nguồn gốc, quá trình hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh (2013).

- Những nguyên tắc ứng xử trong quan hệ quốc tế của Hồ Chí Minh (2014).

- Kỷ yếu Hội thảo khoa học Quốc tế “Di sản tư tưởng Hồ Chí Minh và thời đại ngày nay”, kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (2015).

- Kỷ yếu Hội thảo khoa học Quốc gia “Tư tưởng Hồ Chí Minh: Giá trị nhân văn và phát triển”, kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (2015).

- Kỷ yếu Hội thảo khoa học Quốc gia “Đồng chí Nguyễn Văn Linh với cách mạng Việt Nam và quê hương Hưng Yên, kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (2015).

- Kỷ yếu Hội thảo khoa học kỷ niệm 105 năm Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước và 40 năm thành phố Hồ Chí Minh mang tên Bác (2016).

- Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia kỷ niệm 140 năm Ngày sinh Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng (2016).

- Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam hiện nay (2017).

- Kỷ yếu Hội thảo khoa học Quốc gia kỷ niệm 70 năm ra đời tác phẩm Đời sống mới (2017).

- Kỷ yếu Hội thảo khoa học Quốc gia kỷ niệm 70 năm ra đời tác phẩm Sửa đổi lối làm việc (2017).

- Kỷ yếu Hội thảo khoa học liên Bộ kỷ niệm 115 năm Ngày sinh đồng chí Lương Khánh Thiện (2018).

- Kỷ yếu Hội thảo khoa học liên Bộ kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Chí Diểu (2018).

- Phong cách lãnh đạo, quản lý Hồ Chí Minh - nội dung và giá trị (2019).

- Kỷ yếu Hội thảo khoa học liên Bộ kỷ niệm 115 năm Ngày sinh đồng chí Hoàng Đình Giong (2019).

- Kỷ yếu Hội thảo khoa học Quốc gia kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (2019).

...

2.Chương trình hợp tác nghiên cứu và phổ biến tư tưởng Hồ Chí Minh ở Liên bang Nga (2013-2015).

3.  Phông tư liệu của Thư viện Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng hiện đang lưu giữ hơn 30.000 đầu sách và tài liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo của Đảng và cách mạng Việt Nam.

__________________

 

Tham luận tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh lần thứ III, nhiệm kỳ 2020-2025

Chi bộ Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng

 

 
Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền