Trang chủ    Cùng bạn đọc    Hiện đại hóa cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật thông tin, đáp ứng yêu cầu giảng dạy, học tập tương xứng một trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu hàng đầu quốc gia
Thứ sáu, 04 Tháng 9 2020 09:08
2565 Lượt xem

Hiện đại hóa cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật thông tin, đáp ứng yêu cầu giảng dạy, học tập tương xứng một trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu hàng đầu quốc gia

TS Trương Công Đắc
Bí thư Đảng ủy, Chánh Văn phòng Học viện

Cơ sở vật chất kỹ thuật và hạ tầng công nghệ thông tin là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học. Đây vừa là cơ sở, vừa là điều kiện để Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh thực sự xứng tầm là trung tâm quốc gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học chính trị hàng đầu của Đảng, Nhà nước. Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 30-7-2005 của Bộ Chính trị đã chỉ rõ: “Từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất, kỹ thuật của Học viện để tương xứng một trung tâm đào tạo và nghiên cứu lớn của quốc gia và khu vực”. Đặc biệt, tại Lễ kỷ niệm70 năm truyền thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (14-9-2019), đồng chí Nguyễn Phú Trọng -Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng và nhấn mạnh: “cần quan tâm xây dựng, phát triển toàn diện Học viện”; “Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm và những nguồn lực đầu tư xứng đáng cho Học viện để hiện đại hóa cơ sở vật chất, kỹ thuật, hạ tầng công nghệ thông tin xứng tầm một trung tâm quốc gia hàng đầu về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ”.

Quán triệt và thực hiện các chủ trương, ý kiến chỉ đạo của Trung ương, trong thời gian qua, Đảng bộ Học viện nói chung, Đảng bộ Văn phòng Học viện nói riêng đã lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiệnquyết liệt nhiều giải pháp nhằm tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ công tác quản lý điều hành, đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học. Hệ thống giảng đường lớp học, nhà ở học viên, nhà làm việc được đầu tư, nâng cấp, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đến nay, toàn hệ thống Học viện có 18 khu nhà làm việc, 27 khu giảng đường, 42 khu ký túc xá, 5 khu thể thao phục vụ cán bộ và học viên của Học viện. Các công trình đều được trang bị đầy đủ trang thiết bị, phương tiện làm việc, giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học như: bàn ghế, âm thanh, ánh sáng, máy tính, máy chiếu…(1).

Bên cạnh hệ thống giảng đường, ký túc xá, tại Trung tâm Học viện và các Học viện trực thuộc đều có 1 tòa nhà thư viện (riêng Học viện Chính trị khu vực IV chưa có nhà thư viện) với hàng trăm ngàn đầu sách, tạp chí, tài liệu phong phú, đa dạng; thường xuyên được cập nhậtđáp ứng tốt nhu cầu tự học tập, nghiên cứu của cán bộ và học viên, sinh viên; góp phần đổi mới phương pháp dạy - học, kích thích sự chủ động, sáng tạo của người học, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Đặc biệt trong thời gian qua, Học viện đã triển khai và đưa vào sử dụng hệ thống thư viện điện tử khá hiện đại tại Trung tâm Học viện,bước đầu phát huy được những tính năng ưu việt của hệ thống này trong việc tra cứu, khai thác thông tin khoa học.

Cùng với việc tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, trong thời gian qua, Đảng ủy Học viện đã lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học và quản lý điều hành. Học viện đã triển khai xây dựng các phần mềm quản lý đào tạo, phần mềm quản lý hoạt động khoa học, phần mềm chống sao chép luận văn, luận án; nâng cấp hệ thống tác nghiệp, điều hành văn bản điện tử V.Office”; đưa vào vận hành Cổng thông tin điện tử của Học viện; phối hợp với Tập đoàn Công nghệ - Viễn thông quân đội (Viettel) để triển khai các dự án: “Nhận diện khuôn mặt phục vụ công tác quản lý đào tạo”, dự án “hệ thống giao ban trực tuyến đến các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”... Hệ thống mạng nội bộ được nâng cấp, mở rộng và sắp xếp lại khoa học hơn, tăng cường dung lượng đường truyền, lắp đặt thêm nút mạng và tăng độ phủ sóng hệ thống wifi, nâng cấp và vận hành thông suốt hệ thống camera an ninh, camera giảng đường, điểm danh bằng vân tay...Việc ứng dụng công nghệ thông tin đã góp phần tích cực trong việc thay đổi lề lối, phương thức làm việc, học tập, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học và quản lý điều hành của Học viện.

Đặc biệt, từ cuối năm 2018, Đảng ủy Học viện đã lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Đề án Mô hình quản trị Học viện thông minh. Đến nay, đã bước đầu khai trương thành lập Trung tâm điều hành mô hình quản trị Học viện thông minh. Đây là bước đột phá rất quan trọng của Học viện hướng tới quản lý điều hành thông qua hệ thống công nghệ thông tin; thể hiện sự thích ứng nhanh chóng, kịp thời của Học viện trước tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; qua đó góp phần tăng cường tính minh bạch, khả năng giải trình và phục vụ tốt hơn các mặt công tác của Học viện từ đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học đến tư vấn chính sách.

Mặc dù cơ sở vật chất kỹ thuật của Học viện đã từng bước được quan tâm đầu tư, hoàn thiện và đạt được kết quả tích cực như đã nêu ở trên, tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh còn nhiều bất cập hạn chế, chưa thực sự tương xứng với vị trí, vai trò là trung tâm quốc gia hàng đầu về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học chính trị của Đảng, Nhà nước. Cụ thể đó là:

- Các công trình hạ tầng của Học viện chủ yếu được xây dựng từ nhiều năm và ở vào các khu vực đô thị đang phát triển nhanh, bộc lộ nhiều bất cập. Phần lớn các tòanhà được xây dựng từ những năm 1960  hoặc các công trình tiếp nhận lại từ chế độ cũ, xây dựng từ trước năm 1975. Nhiều công trình đã xuống cấp và được quy hoạch, thiết kế không phù hợp với một cơ sở đào tạo đặc thù như Học viện. Hệ thống hội trường, phòng học, ký túc xá hiện nay rấtthiếu so với nhu cầu dotrong những năm gần đây nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng được giao của Học viện ngày càng nặng nề, quy mô đào tạo, nhất là đào tạo tập trung tăng bình quân 10-15% một năm nên gây áp lực cho Học viện trong thời gian tới.

- Nhà ở học viên, ký túc xá sinh viên của hệ thống Học viện chỉ đáp ứng được dưới 50% nhu cầu về chỗ ở của học viên, không có điều kiện để thực hiện chủ trương tăng cường đào tạo tập trung của Đảng, Nhà nước. Chất lượng các khu ký túc xá hiện có cũng chưa đáp ứng được yêu cầu do nhiều ký túc xá được xây dựng cách đây 20-30 năm đã xuống cấp.

- Hệ thống thư viện hiện nay của Học viện về cơ bản vẫn là thư viện kiểu truyền thống, được xây dựng từ nhiều năm trước hoặc tận dụng từ các khu nhà có mục đích sử dụng khác nên quy mô và tiện ích không đáp ứng được nhu cầu khai thác tài liệu, thông tin phục vụ tốt cho học tập và nghiên cứu của cán bộ, học viên.  Thư viện điện tử mới được triển khai ở Trung tâm Học viện và tính kết nối chưa cao, hiệu quả hoạt động còn hạn chế.

- Trang thiết bị và phương tiện làm việc, thiết bị chuyên dùng phục vụ giảng dạy, nghiên cứu còn thiếu, trang bị không đồng bộ và chưa tương xứng với yêu cầu giảng dạy theo phương pháp hiện đại.

- Hệ thống xe ôtô chuyên dùng, dùng chung để phục vụ công tác, nhất là xe chuyên dùng để đưa cán bộ, học viên là cán bộ lãnh đạo, chủ chốt các cấp đi thực tế theo chương trình học tập, nghiên cứu vừa thiếu, vừa cũ và xuống cấp (47,05% xe đã sử dụng trên 15 năm).

- Hệ thống công nghệ thông tin của Học viện mặc dù đã có những tiến bộ đáng kể, nhưng vẫn còn lạc hậu; cơ sở dữ liệu thiếu tập trung, thiếu sự liên kết, mức độ tương tác và chia sẻ thông tin chưa cao; các phần mềm quản lý chưa kịp thời hoàn thiện, thiếu trọng tâm, trọng điểm; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, giảng dạy và nghiên cứu khoa học còn hạn chế, chưa sâu rộng, chưa theo kịp xu hướng chung của giáo dục, đào tạo hiện đại. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác cải cách hành chính, văn thư, lưu trữ của Học viện mới chỉ ở giai đoạn đầu, còn chậm so với các bộ, ngành, địa phương, hiệu quả chưa cao, chưa tạo ra bước đột phá trong quản lý, điều hành.

Nhiệm kỳ 2020-2025, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh thực hiện Chiến lược phát triển Học viện giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2045 với mục tiêu trở thành trung tâm quốc gia hàng đầu, có uy tín cao về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý và nghiên cứu khoa học lý luận chính trị hiện đại, hội nhập, mang đậm bản sắc Trường Đảng Trung ương, có uy tín hàng đầu ở khu vực châu Á và trên thế giới. Để đạt được mục tiêu này, Học viện cần phải “hiện đại hóa cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, thông tin xứng tầm là một trung tâm quốc gia hàng đầu về đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học” với những định hướng lớn sau:

Một là,rà soát hoàn thiện quy hoạch xây dựng tổng thể Học viện, tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng mới, thay thế một số tòa nhà ký túc xá cũ đã được xây dựng và đưa vào sử dụng từ 40 năm trở lên, nhằmđảm bảo đáp ứng nhu cầu nhà ở học viên để thực hiện tốt chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về việc tăng dần hình thức đào tạo tập trung tại hệ thống Trường Đảng, tiến tới xóa bỏ hình thức đào tạo tại chức, nhất là đối với đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chủ chốt các cấp.Trong nhiệm kỳ 2020-2025 phấn đấu mỗi cơ sở đào tạo trực thuộc Học viện được đầu tư xây dựng mới ít nhất 1 khu nhà ở học viên.

Hai là,cải tạo, nâng cấp hệ thống các khu giảng đường, khu thể thao của Học viện. Từng bước trang bị, hiện đại hóa các phương tiện, công cụ dạy - học, trong đó chú trọng các thiết bị giảng dạy, học tập dựa trên nền tảng về công nghệ thông tin.

Ba là,đầu tư nâng cấp đồng bộ hệ thống đường nội bộ, hệ thống thoát nước và các hạng mục hạ tầng khác phù hợp với hạ tầng chung của khu vực xung quanh để khắc phục tình trạng úng ngập hằng năm tại Học viện Trung tâm (số 135, đường Nguyễn Phong Sắc, quận Cầu Giấy, Hà Nội).

 Bốn là, đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật cho Học viện Chính trị khu vực IV để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị theo chức năng, nhiệm vụ được giao, trong đó tập trung bố trí vốn để hoàn thành dứt điểm các hạng mục đang đầu tư (hạ tầng, 1 nhà giảng đường và 1 nhà ở học viên); đồng thời đầu tư một số công trình cần thiết theo quy hoạch đã được duyệt để phục vụ hoạt động của Học viện Chính trị khu vực IV (tòa nhà làm việc, thư viện, nhà ăn phục vụ học viên, bổ sung 2 tòa nhà ký túc xá và các công trình phụ trợ).

Năm là,xây dựng hệ thống thư viện điện tử tại các Học viện trực thuộc với trang thiết bị tiên tiến, có khả năng kết nối, chia sẻ tài liệu với thư viện điện tử của Học viện Trung tâm, thư viện điện tử của các cơ sở đào tạo, các cơ quan, đối tác hợp tác ở trong và ngoài nước.

Sáu là,tăng cường năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo và nghiên cứu khoa học của Học viện, ưu tiên xây dựng mô hình quản lý, điều hành thông minh tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh để phát huy năng lực quản lý, đào tạo, tư vấn chính sách cho Đảng và Nhà nước của Học viện. Triển khai xây dựng và phát triển hệ thống phần mềm quản lý có khả năng liên kết, thu thập, tổng hợp phân tích, xử lý dữ liệu từ Học viện Trung tâm tới các Học viện trực thuộc.

Bảy là,xây dựng, nâng cấp các công trình thể thao đa năng, phù hợp với việc rèn luyện thể chất của học viên học tập tại Học viện. Tăng cường đầu tư nhà ăn, bếp ăn ở Trung tâm Học viện và các Học viện trực thuộc đảm bảo chất lượng dinh dưỡng, đáp ứng đầy đủ tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tám là,mua mới và thay thế các xe ôtô chuyên dùng, dùng chung để phục vụ công tác, nhất là các xe chuyên dùng để đưa cán bộ, học viên là cán bộ lãnh đạo, chủ chốt các cấp đi thực tế theo chương trình học tập, nghiên cứu.

Chín là,rà soát quỹ đất được giao quản lý để có phương án sắp xếp, quy hoạch phù hợp, vừa đảm bảo xây dựng cơ sở vật chất thiết yếu phục vụ việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Học viện, vừa tạo điều kiện về chỗ ở cho cán bộ, giảng viên nhằm thu hút cán bộ, giảng viên, nhà khoa học giỏi về công tác tại Học viện. Trong đó tập trung xây dựng cơ chế đầu tư, tạo nguồn lực để triển khai thực hiện dự án đầu tư trên khu đất 5,5ha tại xã Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhằm tăng cường năng lực hoạt động của Học viện.

__________________

Tham luận tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh lần thứ III, nhiệm kỳ 2020-2025

(1) Riêng tại Trung tâm Học viện, có 6 toà nhà làm việc, 3 khu giảng đường với đầy đủ thiết bị dạy học và 7 nhà ký túc xáđảm bảo chỗ ở nội trú cho khoảng 1.300 học viên.

TS Trương Công Đắc
Bí thư Đảng ủy, Chánh Văn phòng Học viện

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền