Trang chủ    Cùng bạn đọc    Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc làm rất quan trọng và rất cần thiết” ở Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Thứ sáu, 04 Tháng 9 2020 10:25
6774 Lượt xem

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc làm rất quan trọng và rất cần thiết” ở Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành rất nhiều tình cảm cho thanh niên. Người luôn tin tưởng vào vai trò, vị trí của thanh niên trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Vì vậy, trong bản Di chúc, Người đã dặn dò Đảng, Chính phủ phải chăm lo đến thanh niên vì “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc làm rất quan trọng và rất cần thiết”. Tư tưởng đó của Người đã soi đường cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ ở nước ta, trong đó có Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

1. Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chăm lo đến việc bồi dưỡng, giáo dục thanh niên - thế hệ được Người coi là chủ nhân tương lai của nước nhà. Khi mới bắt đầu truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam, Người đã chọn thanh niên là đối tượng đầu tiên. Tháng 11-1924, từ Mátxcơva, Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu, sáng lập ra Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội, tổ chức các lớp huấn luyện chính trị đặc biệt, đào tạo bồi dưỡng những thành phần cách mạng cốt cán của thanh niên. Từ cuối năm 1925 đến tháng 4-1927, dưới sự sắp xếp và lên kế hoạch cụ thể của Nguyễn Ái Quốc, 3 đoàn thanh niên gồm 75 người từ khắp nơi trên đất nước Việt Nam đến Quảng Châu, tham gia vào lớp tập huấn chính trị, trong đó có hơn 20 người vào học quân sự tại Trường Hoàng Phố. Những thanh niên Việt Nam lần lượt đến Quảng Châu đã nhanh chóng trưởng thành trong học tập và thực tiễn đấu tranh, trở thành nòng cốt của cách mạng Việt Nam. Họ chính là những trái ngọt đầu mùa của chủ trương “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau” của Người.

Từ lòng yêu thương, sự tin tưởng đối với thế hệ trẻ kết hợp với tầm nhìn chiến lược của một vị lãnh tụ thiên tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại những di sản tư tưởng có giá trị về chiến lược xây dựng thế hệ trẻ: phải coi trọng giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ có đạo đức, có tri thức văn hóa, khoa học và kỹ thuật giỏi, làm cho họ là những người kế tục xứng đáng sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Theo Người: “Trường học của ta là trường học xã hội chủ nghĩa... Nhà trường xã hội chủ nghĩa là nhà trường: Học đi với lao động. Lý luận đi với thực hành. Cần cù đi với tiết kiệm”[1]. Đó là một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của thanh niên; làm cho họ trở thành những công dân dũng cảm, cán bộ gương mẫu, người chủ xứng đáng của đất nước. Ngay từ thời gian đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấy được vai trò to lớn của gia đình, nhà trường và các tổ chức đoàn thể, nhất là Đoàn Thanh niên trong việc giáo dục thanh niên. Người viết: “Trường học, gia đình và đoàn thể thanh niên cần phải chú ý đến giáo dục tư tưởng, thái độ, hoạt động và sinh hoạt hằng ngày của thanh niên để kịp thời khuyến khích, uốn nắn và sửa chữa”[2].

Theo Người, thanh niên không chỉ cần được giáo dục về đạo đức mà còn cần được bồi dưỡng tri thức lý luận và văn hóa, khoa học - kỹ thuật; biết sử dụng những tri thức đó để xây dựng xã hội mới. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, nhiệm vụ này quan trọng hơn bao giờ hết, bởi chúng ta đi lên chủ nghĩa xã hội từ một nước nông nghiệp lạc hậu. Cụ thể hóa mục tiêu, nội dung giáo dục phù hợp với từng cấp học, Người viết: “Đại học thì cần kết hợp lý luận khoa học với thực hành, ra sức học tập lý luận và khoa học tiên tiến của các nước bạn, kết hợp với thực tiễn của nước ta, để thiết thực giúp ích cho công cuộc xây dựng nước nhà. Trung học thì cần đảm bảo cho học trò những tri thức phổ thông chắc chắn, thiết thực, thích hợp với nhu cầu và tiền đồ xây dựng nước nhà, bỏ những phần nào không cần thiết cho đời sống thực tế. Tiểu học thì cần giáo dục các cháu thiếu nhi: yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, trọng của công”[3]. Có như vậy, thế hệ trẻ mới có thể tích lũy được những tri thức cần thiết, tạo tiền đề phát huy năng lực sáng tạo, góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng chủ nghĩa xã hội của dân tộc.

Trong bản Di chúc - tác phẩm cuối cùng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành một phần nói về vai trò của thanh niên và công tác thanh niên của Đảng. Điều này đã thể hiện tư tưởng, tình cảm, sự quan tâm đặc biệt của Người đối với thanh niên và công tác thanh niên của Đảng. Người viết: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa “hồng”, vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”[4]. Đây chính là sự tổng kết, đúc rút vô cùng quý báu của Người từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo công tác thanh niên qua các thời kỳ cách mạng để tiếp tục định hướng việc giáo dục rèn luyện và phát huy mọi tiềm năng to lớn của thanh niên trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau” theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là việc bồi dưỡng lý tưởng cộng sản, giáo dục truyền thống yêu nước, ý thức rèn luyện đạo đức cách mạng, đào tạo nguồn nhân lực kế tục sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa. Điều này cho thấy nhãn quan chính trị sáng suốt, tầm nhìn xa trông rộng của Người đối với vận mệnh của cả dân tộc.

Có thể nói, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau” vừa thể hiện tình cảm, sự yêu mến và tin tưởng của Bác đối với thế hệ trẻ; vừa cho thấy tư duy biện chứng đúng đắn của Người trong việc xem xét, đánh giá vai trò của thanh niên đối với sự phát triển của đất nước.Tư tưởng về “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau” thể hiện sự vĩ đại, sâu sắc trong tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với tư tưởng này, Người không chỉ thấy hiện tại mà còn thấy cả tương lai; không chỉ dành tâm huyết trước mắt cho sự nghiệp cách mạng mà còn chăm lo vun trồng cái gốc của sự nghiệp đó để nó trở nên vững bền. Ở đây, quan điểm biện chứng duy vật về sự phát triển mà Người tiếp thu từ chủ nghĩa Mác-Lênin được vận dụng một cách sáng tạo: tương lai đang ở ngay trong hiện tại. Theo Người, thanh niên chính là sự kế thừa và phát triển những giá trị tốt đẹp của các thế hệ đi trước đã tích lũy được trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc nên bồi dưỡng, giáo dục cho thanh niên là một việc làm rất quan trọng và rất cần thiết. Tư tưởng đó của Người đã trở thành kim chỉ nam cho công tác thanh niên của Đảng và được Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh quán triệt và vận dụng trong đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ.

2. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh với việc đào tạo,bồi dưỡng thế hệ trẻ hiện nay

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là trung tâm quốc gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt, trung, cao cấp của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội. Trong những năm qua, bên cạnh việc đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý của các cơ quan, ban ngành trong hệ thống chính trị của Đảng, Nhà nước; Học viện còn chú trọng đến việc đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ là những cán bộ của Học viện. Việc đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ trẻ được tiến hành bài bản, khoa học với nhiều nội dung, hình thức khác nhau. Không chỉ được quan tâm đào tạo để nâng cao trình độ chuyên môn (đại học chính trị văn bằng 2, thạc sĩ, tiến sĩ), trình độ lý luận chính trị (Trung cấp, Cao cấp lý luận chính trị); trình độ ngoại ngữ (cử nhân tiếng Anh văn bằng 2) mà còn được tham gia các lớp bồi dưỡng như bồi dưỡng kiến thức kinh điển, bồi dưỡng phương pháp giảng dạy tích cực; bồi dưỡng giảng viên lý luận chính trị, bồi dưỡng công vụ, tin học, ngoại ngữ... Với chủ trương đổi mới công tác tuyển chọn cán bộ trẻ, trong những qua, Học viện đã có nhiều thay đổi trong công tác tuyển dụng cán bộ. Cán bộ được lựa chọn tuyển dụng đều là những sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc. Sau khi tuyển chọn, Học viện đã mở các lớp cử nhân chính trị (hay còn gọi là lớp cán bộ trẻ) để đào tạo trình độ lý luận chính trị (văn bằng 2) cho cán bộ trẻ. Cho đến nay, Học viện đã đào tạo được 3 lớp cán bộ trẻ, bổ sung nguồn nhân lực cho Học viện những cán bộ trẻ có trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị... Nhiều cán bộ trẻ của các lớp khóa I, II đã khẳng định được vị thế của mình, trở thành những cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt của Học viện. Có thể nói, không phải đơn vị sự nghiệp nào cũng quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ như ở Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Sở dĩ có được sự quan tâm đó là vì các thế hệ lãnh đạo của Học viện đã luôn quán triệt quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng về bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau; đồng thời luôn dành tình cảm, sự tin tưởng và trách nhiệm đối với thế hệ trẻ của Học viện. Nhờ đó, trong những năm qua, thế hệ trẻ của Học viện đã không ngừng được học tập, rèn luyện cả về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống; có nhiều cơ hội để khẳng định và phát triển bản thân cũng như đóng góp cho sự phát triển của Học viện. Nhờ được đào tạo, bồi dưỡng tại Học viện, nhiều cán bộ trẻ đã không ngừng phấn đấu và trưởng thành, trở thành cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và đến lượt mình, chính thế hệ trẻ đang góp phần khẳng định vị thế, uy tín của Học viện trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Có thể nói, được học tập, công tác tại Học viện vừa là niềm vinh dự, tự hào song cũng đồng thời là trách nhiệm lớn lao của thế hệ trẻ trong việc tiếp nối truyền thống vẻ vang của Học viện trong giai đoạn mới.

Để công tác đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ của Học viện thực sự có hiệu quả đúng như tầm quan trọng của nó - “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc làm rất quan trọng và rất cần thiết”, cần chú ý đến những giải pháp cơ bản như sau:

Thứ nhất, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tiếp tục chú trọng đến việc đào tạo, bồi dưỡng cho thế hệ trẻ, tạo điều kiện cho cán bộ trẻ được tham gia học tập ở các hệ lớp của Học viện. Ngoài ra, mở rộng mô hình đào tạo liên kết với các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước. Tạo động lực để cán bộ trẻ tích cực tham gia học tập như tạo điều kiện về thời gian, hỗ trợ về vật chất, tạo cơ hội phát triển cho cán bộ trẻ sau khi học tập để có mục tiêu phấn đấu rõ ràng, chính đáng, vì sự phát triển của bản thân cũng như phát triển chung của Học viện.

Thứ hai, đổi mới nội dung và phương thức đào tạo, bồi dưỡng cho thế hệ trẻ. Nội dung đào tạo, bồi dưỡng cần đổi mới theo hướng chú trọng cả về kiến thức lẫn kỹ năng, cả về trình độ chuyên môn lẫn bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, tác phong. Vì thế hệ trẻ là những người luôn nhanh nhạy với cái mới nên nội dung đào tạo, bồi dưỡng cần phải có sự cập nhật thường xuyên những nội dung mới, mang tính thời sự, trong đó có sự lồng ghép tính định hướng chính trị để cán bộ trẻ có những nhận thức đúng đắn về các vấn đề chính trị - xã hội. Ngoài ra, cũng cần đổi mới phương thức đào tạo, bồi dưỡng cho thế hệ trẻ Học viện theo hướng cân đối hợp lý giữa thời gian học trên lớp với tự nghiên cứu; lấy người học làm trung tâm để phát huy tinh thần chủ động, tích cực, sáng tạo của người học. Đổi mới cách thức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, tạo điều kiện cho cán bộ trẻ được đi nghiên cứu thực tế để có điều kiện tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận.

Thứ ba, những cán bộ trẻ khi tham gia quá trình đào tạo, bồi dưỡng tại Học viện phải có thái độ học tập nghiêm túc, tinh thần cầu thị, chủ động, có ý thức tự nghiên cứu, tự học; có động cơ học tập đúng đắn, học tập trước hết để nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị, nâng cao các kỹ năng, nghiệp vụ chứ không phải học tập chỉ mang tính hình thức, cốt vì bằng cấp để thăng tiến. Để xứng đáng với sự đầu tư và tin tưởng của lãnh đạo Học viện, trong quá trình học tập, cán bộ trẻ của Học viện phải có ý thức khắc phục mọi khó khăn, biết vận dụng những kiến thức đã học vào hoạt động thực tiễn, có ý thức tham gia thực hiện những nhiệm vụ chính trị quan trọng của Học viện trong những giai đoạn cụ thể. Hiện nay, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Học viện là thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Trên cơ sở những kiến thức đã được đào tạo, bồi dưỡng, cán bộ trẻ của Học viện cần phát huy tinh thần trách nhiệm trong việc bảo vệ và phát triển những giá trị của nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, chính sách,pháp luật của Nhà nước...; đồng thời tích cực tham gia đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên các diễn đàn khác nhau, đặc biệt là không gian mạng vốn là lợi thế của thế hệ trẻ. Đáp ứng lại sự kỳ vọng của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện, thế hệ trẻ Học viện phải là lực lượng tiên phong, đi đầu trong việc tiếp nối truyền thống vẻ vang của Học viện trong sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, tham mưu, tư vấn đường lối, chính sách, góp phần vào sự phát triển của Học viện cũng như của đất nước trong giai đoạn hiện nay.

Tư tưởng “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc làm rất quan trọng và rất cần thiết” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho thấy phương pháp biện chứng và tầm nhìn xa trông rộng của Người dành cho thế hệ tương lai của nước nhà. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã luôn quán triệt và thấm nhuần tư tưởng đó để đào tạo ra những thế hệ trẻ “vừa hồng vừa chuyên”. Mỗi cán bộ trẻ của Học viện luôn tự hào vì được làm việc, học tập trong môi trường Học viện và luôn ra sức phấn đấu và rèn luyện để xứng đáng với sự kỳ vọng, sự tạo điều kiện của lãnh đạo Học viện trong việc đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ.

__________________

Tham luận tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh lần thứ III, nhiệm kỳ 2020-2025

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2011, t.11, tr.594.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2011, t.9, tr.266.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2011, t.10, tr.186.

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2011, t.15, tr.622

 

 

Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

 

 
Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền