Trang chủ    Cùng bạn đọc    Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng    Triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về thực hiện quyền tham gia quản lý nhà nước của công dân
Thứ tư, 21 Tháng 7 2021 09:53
10648 Lượt xem

Triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về thực hiện quyền tham gia quản lý nhà nước của công dân

(LLCT) - Thực hiện quyền tham gia quản lý nhà nước của công dân là một hình thức làm chủ của nhân dân, có ý nghĩa to lớn để hướng tới xây dựng Nhà nước thực sự dân chủ, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Bài viết tập trung luận giải những quan điểm cần quán triệt và đề xuất một số giải pháp nhằm thực hiện theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, Đảng ta đã khẳng định những thành tựu to lớn trong củng cố và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, đó là: Đảng và Nhà nước đã “Ban hành và thực hiện có hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật nhằm tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy quyền làm chủ của nhân dân”(1). Liên quan đến việc bảo đảm quyền của công dân tham gia quản lý nhà nước, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, Đảng ta nhấn mạnh: “Tiếp tục phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, thực hiện ngày càng tốt hơn quyền làm chủ của nhân dân trong việc quyết định những vấn đề lớn và hệ trọng của đất nước. Tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp năm 2013”(2). Đồng thời, Đảng ta cũng thẳng thắn chỉ ra hạn chế: “Một số tổ chức cơ sở đảng, một bộ phận cán bộ đảng viên, công chức, viên chức chưa gương mẫu, chưa thực sự tôn trọng ý kiến, kiến nghị của nhân dân và giải quyết kịp thời các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân. Quyền làm chủ của nhân dân có lúc, có nơi còn bị vi phạm; vẫn còn biểu hiện dân chủ hình thức, tách rời dân chủ với kỷ cương, pháp luật”(3). Từ đó, tại Đại hội XIII, Đảng ta đề ra chủ trương: “Phát huy tính tích cực chính trị - xã hội, trí tuệ, quyền và trách nhiệm của nhân dân tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa...”(4).

Quyền tham gia quản lý nhà nước của công dân được thực hiện thông qua các hình thức: Công dân góp ý, thảo luận xây dựng chính sách, pháp luật; tham gia thảo luận các công việc chung của đất nước trên phạm vi cả nước và từng địa phương; kiến nghị, phản ánh với cơ quan nhà nước về tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội.

Triển khai thực hiện quyền dân chủ về chính trị này theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cần quán triệt các quan điểm và tiến hành các giải pháp sau đây:

1. Quán triệt quan điểm phát huy vai trò của công dân tham gia quản lý nhà nước

Một là, quán triệt và vận dụng quan điểm của chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền tham gia quản lý nhà nước của công dân

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng nước Nga đầu thế kỷ XX, V.I.Lênin đã rất đề cao vai trò của quần chúng nhân dân trong quản lý nhà nước. Người coi việc lôi cuốn đông đảo nhân dân tham gia quản lý nước là “phương pháp tuyệt diệu để tăng ngay một lúc bộ máy của chúng ta lên gấp mười lần”(5). Người khẳng định yêu cầu: “Cần xây dựng ngay chế độ dân chủ, bắt đầu từ cơ sở, dựa vào ý kiến bản thân quần chúng, với sự tham gia thực sự của quần chúng vào tất cả đời sống của nhà nước”(6). Đây là phương châm cần quán triệt sâu sắc trong quá trình tổ chức thực hiện quyền tham gia quản lý nhà nước của công dân.

Kế thừa và vận dụng tư tưởng của V.I. Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò của nhân dân trong quản lý nhà nước. Người cho rằng: “Làm việc gì cũng phải có quần chúng. Không có quần chúng thì không thể làm được”(7). Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm, nhà nước phải dựa vào lực lượng nhân dân, bảo đảm phương châm “đưa mọi vấn đề cho dân chúng thảo luận và tìm cách giải quyết”(8). Trong quá trình thực hiện quyền tham gia quản lý nhà nước của công dân, cần thấm nhuần và vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cao vai trò của nhân dân trong xây dựng pháp luật nói riêng và trong quản lý nhà nước nói chung. Các chủ thể có thẩm quyền trong hoạt động quản lý nhà nước cần coi việc nhân dân tham gia thảo luận, góp ý kiến xây dựng pháp luật là một phương thức cơ bản làm cho pháp luật thể hiện ý chí của nhân dân; tiếp thu các kiến nghị của công dân đối với với cơ quan, cán bộ công chức nhà nước là một trong các cách thức để bộ máy nhà nước ngày càng công khai, minh bạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn.

Hai là, tiếp tục quán triệt quan điểm, chủ trương của Đảng về bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân và về tổ chức thi hành pháp luật

Tại Đại hội X, Đảng ta đã nhấn mạnh yêu cầu về sự tham gia của nhân dân trong quá trình hoạch định và triển khai thực hiện chính sách, pháp luật: “Mọi đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, có sự tham gia ý kiến của nhân dân... Xác định các hình thức tổ chức và có cơ chế để nhân dân thực hiện quyền dân chủ trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội”(9).

Tiếp đó, tại Đại hội XII, Đảng ta chỉ rõ yêu cầu: “Bảo đảm để nhân dân tham gia ở tất cả các khâu của quá trình đưa ra những quyết định liên quan đến lợi ích, cuộc sống của nhân dân, từ nêu sáng kiến, tham gia thảo luận, tranh luận đến giám sát quá trình thực hiện”(10).

Đồng thời, thực hiện quyền tham gia quản lý nhà nước của công dân nhất định phải quán triệt đầy đủ quan điểm của Đảng về tổ chức thi hành pháp luật. Cần chú trọng các điều kiện bảo đảm và tổ chức thi hành pháp luật về quyền tham gia quản lý nhà nước của công dân. Chính vì vậy, phải nhanh chóng quán triệt đầy đủ các quan điểm của Đảng về tổ chức thi hành pháp luật được đề ra ở Đại hội XIII: “Tập trung chỉ đạo quyết liệt, đầu tư hợp lý nguồn lực và các điều kiện để thực hiện tốt các nhiệm vụ nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật...”(11). “Xác lập cơ chế bảo đảm luật được thi hành ngay khi có hiệu lực pháp luật”(12)...

Ba là, thực hiện quyền tham gia quản lý nhà nước của công dân phải gắn liền với việc tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo đảm kỷ cương xã hội

Quá trình thực hiện quyền tham gia quản lý nhà nước của công dân phải bảo đảm luôn tuân thủ và phù hợp với Hiến pháp và pháp luật. Để các hình thức công dân tham gia quản lý nhà nước được thực hiện một cách thực chất, bền vững và phát huy hiệu quả thì yêu cầu và nội dung của chúng phải được quy định bằng Hiến pháp và pháp luật. Đó chính là một trong những bảo đảm quan trọng nhất để cho các hình thức công dân tham gia quản lý nhà nước trở thành hiện thực trong cuộc sống. Dân chủ hóa phải gắn với pháp chế hóa, thực hiện quyền tham gia quản lý nhà nước của công dân chỉ thực sự lành mạnh và phát huy hiệu quả khi nó được vận động trong hành lang luật pháp, do pháp luật điều chỉnh và kiểm soát.

Bốn là, thực hiện quyền tham gia quản lý nhà nước của công dân phải tiến hành với những bước đi thích hợp, phù hợp với thực hiện dân chủ trong các lĩnh vực khác và với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước

Dân chủ trong lĩnh vực kinh tế và dân chủ trong chính trị có quan hệ mật thiết với nhau, có sự đan xen và hỗ trợ lẫn nhau. Quyền tham gia quản lý nhà nước là quyền dân chủ trong lĩnh vực chính trị, vì vậy, việc thực hiện pháp luật về quyền tham gia quản lý nhà nước phải phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và dựa trên cơ sở những thành tựu của dân chủ trong lĩnh vực kinh tế. Chỉ khi nào dân chủ hóa trong đời sống kinh tế được thực hiện và đem lại lợi ích cho người dân, bảo đảm sự thống nhất giữa lợi ích xã hội với lợi ích cá nhân, xã hội thừa nhận và tôn trọng lợi ích cá nhân, coi đó là động lực trực tiếp của sự phát triển xã hội thì dân chủ trong lĩnh vực chính trị mới thực sự có ý nghĩa và phát huy tác dụng trong đời sống. Dân chủ hóa đời sống kinh tế thu hút người lao động tham gia vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo ra ngày càng nhiều sản phẩm cho xã hội. Đồng thời, quá trình dân chủ về kinh tế kích thích sự hình thành tư duy, nhận thức mới về chủ nghĩa xã hội, nó cung cấp cho mỗi cá nhân cơ sở kinh tế khách quan để quan niệm một cách tiến bộ về các giá trị văn hóa, đạo đức, chính trị, pháp lý... Các kết quả của dân chủ hóa về kinh tế tạo cơ sở vật chất để việc tổ chức thực hiện quyền tham gia quản lý nhà nước của công dân được thúc đẩy mạnh mẽ hơn.

Năm là, thực hiện quyền tham gia quản lý nhà nước của công dân phải đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, góp phần thực hiện các công ước quốc tế về quyền con người, quyền công dân

Trong tiến trình hội nhập quốc tế, Việt Nam phải nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ theo các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia. Nghĩa vụ đó đòi hỏi trước hết Việt Nam phải nội luật hóa, xây dựng cơ chế, pháp luật quốc gia phù hợp với các quy định của công ước. Đồng thời, phải tổ chức thực hiện pháp luật về quyền con người, quyền công dân, thực thi các cơ chế bảo đảm quyền con người, quyền công dân; tích cực hợp tác quốc tế trong việc thực hiện công ước và xây dựng các chương trình quốc gia để thực hiện những cam kết quốc tế về quyền con người, trong đó có quyền tham gia quản lý nhà nước của công dân.

2. Giải pháp triển khai thực hiện quyền tham gia quản lý nhà nước của công dân theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng

Một là, tiếp tục hoàn thiện pháp luật và ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật về quyền tham gia quản lý nhà nước của công dân

Cần rà soát và sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về quyền tham gia quản lý nhà nước của công dân để bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của pháp luật; Bảo đảm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng về quyền tham gia quản lý nhà nước của công dân.

Bảo đảm tính khách quan, khoa học trong xây dựng, hoàn thiện pháp luật về quyền tham gia quản lý nhà nước của công dân. Trong quá trình xây dựng pháp luật về vấn đề này, cần đặc biệt lưu ý việc tiến hành lập báo cáo đánh giá tác động của chính sách, báo cáo phân tích các chính sách có liên quan để bảo đảm tính phù hợp, khách quan của việc lựa chọn các phương án điều chỉnh. Đồng thời, chú ý đến các điều kiện bảo đảm thực hiện quyền tham gia quản lý nhà nước; giải quyết một cách thỏa đáng, hài hòa giữa khả năng quản lý, điều hành của Nhà nước với yêu cầu bảo đảm các quyền tham gia quản lý nhà nước của công dân.

Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về thẩm quyền, trình tự, thủ tục tổ chức lấy ý kiến nhân dân; quy định các hình thức lấy ý kiến nhân dân; trách nhiệm tập hợp, tiếp thu, phản hồi ý kiến nhân dân. Thiết lập cơ chế để các đối tượng trực tiếp chịu sự điều chỉnh của văn bản quy phạm pháp luật được quyền chủ động tham gia vào quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Tiếp tục hoàn thiện các quy định về việc lấy ý kiến nhân dân vào quy hoạch, kế hoạch phát triển của địa phương. Xác định rõ quy trình thực hiện việc lấy ý kiến; quy định trách nhiệm tổng hợp, tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân; thiết lập cơ chế giải trình ý kiến đóng góp của nhân dân vào quy hoạch, kế hoạch.

Quy định đa dạng hóa các hình thức để nhân dân bàn, quyết định trực tiếp, bảo đảm linh hoạt và có thể phù hợp với nhiều loại địa bàn, trong đó có cả các địa bàn vùng sâu, vùng xa, mật độ dân cư thưa hoặc những địa bàn có nhiều người đi làm ăn xa... Quy định về trách nhiệm pháp lý, chế tài xử phạt hay hậu quả pháp lý mà các chủ thể phải gánh chịu khi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các nội dung để nhân dân bàn, quyết định hoặc tổ chức lấy ý kiến nhân dân.

 Quy định rõ vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương, nhất là cấp cơ sở trong việc thực hiện quyền tham gia quản lý nhà nước của công dân, xác định cụ thể chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm. Xác định rõ cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong triển khai các công việc bảo đảm thực hiện quyền tham gia quản lý nhà nước của công dân.

Tiếp tục hoàn thiện pháp luật về tiếp công dân, ban hành văn bản quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiếp công dân. Sửa đổi một số quy định tại Nghị định số 64/2014/NĐ-CP ngày 26-6-2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiếp công dân. Chẳng hạn theo Điều 8, Trưởng Ban Tiếp công dân cấp huyện do 01 lãnh đạo Văn phòng Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện phụ trách. Do Trưởng Ban Tiếp công dân phải kiêm nhiều việc nên chưa tập trung cho công tác tiếp công dân. Quy định bổ sung Phó trưởng Ban Tiếp công dân cấp huyện để bảo đảm công tác này trong trong trường hợp Trưởng Ban đi công tác.

Hai là, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quyền tham gia quản lý nhà nước của công dân

Các cơ quan, đơn vị từ Trung ương đến địa phương cần triển khai các công việc cụ thể sau: (1) Bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ cho báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật; (2) Biên soạn, phát hành các loại hình tài liệu về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp từng đối tượng; (3) Lồng ghép việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quyền tham gia quản lý nhà nước của công dân trong các chương trình, hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; (4) Tổ chức tập huấn phổ biến giáo dục pháp luật về quyền tham gia quản lý nhà nước cho cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân theo hướng dẫn của cơ quan nhà nước cấp trên; (5) Phối hợp, tổ chức triển khai công tác giáo dục pháp luật trong các cấp học, bậc học, bảo đảm cho cán bộ, giáo viên và học viên, sinh viên, học sinh hiểu biết pháp luật về quyền tham gia quản lý nhà nước; (6) Bố trí cán bộ có đủ trình độ chuyên môn về luật, có kỹ năng làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ở các cấp, các ngành, địa phương; (7) Đầu tư đủ kinh phí cho công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ở các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Ba là, công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi và dân chủ hóa quá trình tổ chức thực hiện

Việc dân chủ hóa, công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện quyền tham gia quản lý nhà nước, tham gia thảo luận, góp ý xây dựng pháp luật, các quyết sách của địa phương, cơ sở phải được tiến hành từ công đoạn lập chương trình xây dựng pháp luật, đến khâu soạn dự thảo văn bản pháp luật và đề án, kế hoạch kinh tế - xã hội của địa phương đến công đoạn lấy ý kiến, thảo luận; tiếp đến là khâu thẩm định, thẩm tra, khâu tập hợp, tiếp thu, phản hồi, chỉnh lý văn bản; đến khâu thông qua, công bố và triển khai thi hành văn bản pháp luật. Công khai, dân chủ trong tất cả các khâu là điều kiện cần thiết để tất cả các nhóm công dân có thể dễ dàng tiếp cận, nắm bắt nội dung, tinh thần của các dự thảo để tham gia thảo luận, góp ý. Các ý kiến thảo luận, góp ý phải được công khai, xem xét, nếu được tiếp thu hay không được tiếp thu cũng cần giải trình đầy đủ.

Bốn là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện, thanh tra, kiểm tra và sơ kết, tổng kết, khen thưởng, xử lý vi phạm

Sự lãnh đạo kịp thời, chỉ đạo toàn diện của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương phải được bảo đảm đối với tất cả các nội dung tham gia quản lý nhà nước của công dân. Cần có cơ chế theo dõi, đánh giá hoạt động của cơ quan, tổ chức tiến hành các nội dung công dân tham gia quản lý nhà nước. Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp tăng cường giám sát đối với quá trình tổ chức thực hiện quyền tham gia quản lý nhà nước của công dân. Thiết lập và thực hiện cơ chế thống kê, báo cáo, tiến hành sơ kết, tổng kết, tổ chức khen thưởng, xử lý vi phạm trong thực hiện quyền tham gia quản lý nhà nước của công dân.

Năm là, kiện toàn công tác tiếp công dân, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan nhà nước trong công tác tiếp công dân, giải quyết kiến nghị, phản ánh của công dân

Thiết lập môi trường tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân thuận tiện, thân thiện, cởi mở để người dân kịp thời phản ánh, kiến nghị với cơ quan nhà nước; tạo lập lòng tin của người dân vào việc đóng góp xây dựng chính quyền; bảo đảm việc giải quyết khách quan, toàn diện, công bằng, đúng pháp luật và kịp thời.

Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan nhà nước về công tác tiếp công dân, giải quyết kiến nghị, phản ánh của công dân. Để giúp người đứng đầu cơ quan trực tiếp thực hiện tiếp công dân đạt hiệu quả cao, cơ quan, đơn vị có chức năng tham mưu cho lãnh đạo cần có sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, phân tích và dự báo tốt các tình huống, thực hiện và vận dụng đúng các quy định của pháp luật về tiếp công dân, xử lý đơn thư, kiến nghị của công dân.

Sáu là, tăng cường sự tham gia, phối hợp của các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức xã hội, các thiết chế tự quản tổ dân phố, làng, thôn, ấp, bản trong thực hiện quyền tham gia quản lý nhà nước của công dân

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của tổ chức tốt việc tiếp nhận kiến nghị, phản ánh của công dân sẽ góp phần nâng cao chất lượng sự tham gia của công dân trong quản lý nhà nước. Các thiết chế ở tổ dân phố, làng, thôn, ấp, bản chủ động phát huy vai trò, tích cực tham gia góp ý kiến xây dựng chính sách, pháp luật mỗi khi cơ quan nhà nước cấp trên tổ chức lấy ý kiến nhân dân, nhất là việc tổ chức họp tổ dân phố, thôn, ấp, bản... để thảo luận về các văn bản liên quan đến cuộc sống của nhân dân; tích cực tham gia thảo luận, góp ý về các vấn đề quan trọng ở cơ sở, ở tổ dân phố, thôn, bản...

Bảy là, tăng cường đầu tư ngân sách, bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất cho công tác tổ chức thực hiện quyền tham gia quản lý nhà nước của công dân

Kinh phí, cơ sở vật chất, nguồn lực là những điều kiện bảo đảm quan trọng để thực hiện quyền tham gia quản lý nhà nước của công dân đạt hiệu quả. Nhà nước cần xác định tăng nguồn ngân sách cho việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân trong xây dựng chính sách, pháp luật, tăng chi ngân sách cho hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; tăng cường đầu tư bảo đảm các điều kiện cơ sở vật chất cho công tác tiếp công dân, tổ chức thảo luận về các vấn đề quan trọng của địa phương, cơ sở. Trong các điều kiện bảo đảm nêu trên, điều kiện bảo đảm về nơi tiếp công dân có vai trò rất quan trọng. Hiện đại hóa trụ sở tiếp công dân, tạo điều kiện thuận lợi để công dân trực tiếp đến kiến nghị, phản ánh với cơ quan nhà nước, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý điều hành của cơ quan nhà nước và phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 4-2021

(1), (2), (3), (4), (11) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự Thật, Hà Nội, 2021, tr.70, 71, 89, 173, 179.

(5) V.I.Lênin: Toàn tập, t.34, Nxb Tiến Bộ, Mátxcơva, 1978, tr.412.

(6) V.I.Lênin: Toàn tập, t.31, Nxb Tiến Bộ, Mátxcơva, 1978, (Tiếng Việt), tr.366-367.

(7), (8) Hồ Chí Minh: Bàn về nhà nước và pháp luật, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.481, 464.

(9) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia Sự Thật, Hà Nội, 2006, tr.125.

(10) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.169.

(12) Bộ Chính trị: Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 04-5-2005 của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, Hà Nội, 2005.

PGS, TS Tào Thị Quyên

Viện Nhà nước và Pháp luật,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền