Trang chủ    Cùng bạn đọc    Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng    Niềm tin xã hội trong khát vọng xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
Thứ ba, 23 Tháng 8 2022 13:27
8356 Lượt xem

Niềm tin xã hội trong khát vọng xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam

(LLCT) - Trong lý luận của triết học Mác - Lênin, niềm tin là một hợp phần quan trọng trong thế giới quan khoa học, cái làm cơ sở, định hướng và làm nền tảng, động lực cho hoạt động của con người. Nếu như động lực phát triển của quốc gia, dân tộc được bắt đầu bằng động lực của các cá nhân trong các cộng đồng, nhóm, tầng lớp, giai cấp... thì niềm tin của các cá nhân trong các cộng đồng, nhóm, giai cấp là động lực để cộng đồng vượt qua các khó khăn, trở ngại... trở thành một động lực phát triển của cả quốc gia, dân tộc. Bài viết phân tích làm rõ niềm tin vào chủ nghĩa xã hội trong lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin và trong khát vọng xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Xây dựng nông thôn mới để phát triển sản xuất, làm kinh tế, thoát nghèo bền vững, xây dựng cuộc sống ấm no - Ảnh: baokontum.com

1. Niềm tin xã hội

Niềm tin từ lâu trở thành đối tượng nghiên cứu của nhiều lĩnh vực lý luận khác nhau từ chính trị học, xã hội học, tôn giáo, triết học... bởi vai trò định hướng hết sức quan trọng của nó đối với con người và cộng đồng. Niềm tin được đề cập tới dưới nhiều khía cạnh như: lòng tin, đức tin, sự tin tưởng... Lúc đầu, niềm tin chủ yếu được đề cập trong các học thuyết triết học về tôn giáo và thần học. Dần dần, niềm tin được các hệ thống lý luận khoa học khác nhau giải thích. Thực tế, khi con người có những niềm tin tốt đẹp, cao cả định hướng cho hoạt động của mình thì con người sẽ xây dựng cuộc sống nhân văn, nhân bản. Khi mất niềm tin vào cuộc sống, con người sẽ mất phương hướng, thiếu động lực và dẫn đến hệ quả là làm rối loạn xã hội.

Niềm tin vào lý tưởng XHCN đã tạo nên sức mạnh giúp chúng ta đánh thắng những đế quốc hùng mạnh và ngày nay chúng ta đang tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới để xây dựng thành công CNXH ở Việt Nam. Niềm tin là nhân tố bên trong của khát vọng phát triển, trở thành động lực, mục tiêu của cả một cộng đồng xã hội là điều hiển nhiên không phải bàn cãi.

Niềm tin là vấn đề thuộc về tư duy lý tính nhưng rất khó định hình xem niềm tin đóng vai trò, vị trí nào trong tư duy lý tính. Đây là nguyên nhân vì sao chưa có những phương án giải thích toàn diện nhất về cấu trúc của niềm tin, bản chất và nội dung của niềm tin.

Chủ nghĩa đại diện cho niềm tin là thái độ của con người trước các sự vật, sự việc mà con người đang nhận thức. Tiếp cận của chủ nghĩa đại diện là từ góc độ nhận thức luận, niềm tin là một vấn đề của lý tính, cách biệt và không phải thuộc về với nhận thức cảm tính. Niềm tin là thứ rất khó xác định thông qua các ngôn ngữ ký hiệu, rất khó nắm bắt nó thông qua biểu hiện ở các cơ quan cảm giác hay diễn đạt nó thành các mệnh đề ngôn ngữ(1).

Niềm tin là một trạng thái tinh thần của não người, là cơ sở và nguồn chất liệu để bộ não biểu đạt thành các ký hiệu và mã hóa thành ngôn ngữ trong hoạt động thần kinh khi con người cần phải thể hiện thái độ và động lực để hoạt động(2). Như vậy, chỉ có thể nhận thức sự tồn tại của niềm tin thông qua hệ thống các sản phẩm đã được mã hóa của hoạt động thần kinh, thông qua thái độ và tình cảm của con người trước sự vật và sự việc(3).

Niềm tin là nền tảng và luôn song hành cùng hoạt động hiện thực hóa của con người. Nó là nhân tố gắn kết thái độ và tri thức của con người với thế giới tạo thành động lực để con người hành động. Niềm tin tạo cơ sở và nền tảng cho những phán đoán, những suy lý của con người cũng như những mong muốn biến đổi của thế giới ở trong con người(4).

Thuyết chức năng của niềm tin cho rằng, niềm tin chỉ tồn tại và nhận thấy nó trong mối quan hệ nhân quả của các hành động. Thông qua hiệu quả của hành động có niềm tin để xác nhận sự tồn tại đích thực của niềm tin(5). Niềm tin có hình thức biểu hiện khác nhau nhưng thuyết chức năng nhấn mạnh đến biểu hiện nhân quả của niềm tin trong hành động. Thuyết chức năng nhấn mạnh hai chiều cạnh rất quan trọng của niềm tin: một là, niềm tin là kết quả của một quá trình nhận thức; hai là, niềm tin lại là điểm khởi đầu của một khát vọng hành động(6).

Niềm tin là một trạng thái tinh thần của con người, gắn với những hoạt động của con người trong thực tiễn: hoạt động sản xuất của cải vật chất, hoạt động chính trị và hoạt động cách mạng xã hội, hoạt động thực nghiệm khoa học. Niềm tin cũng có nhiều trạng thái và hình thức biểu hiện, nó có sự vận động và biến đổi theo quá trình hoạt động thực tiễn, cải tạo tự nhiên và cải biến xã hội của con người. 

Niềm tin xã hội là một bộ phận cấu thành thế giới quan khoa học của các cộng đồng xã hội. Niềm tin xã hội chung của cả một cộng đồng sẽ trở nên sâu sắc, bền vững khi niềm tin ấy được đặt trên một hệ thống lý luận khoa học đủ mạnh. Tính khoa học của hệ thống lý luận ấy mang lại cho các thành viên trong cộng đồng cảm giác an toàn, được bảo vệ và giúp cho con người chủ động, tích cực và tự giác cống hiến hết mình cho những mục tiêu chung mà cả cộng đồng đang hướng đến.  

Đối với con người, không có niềm tin, đặc biệt là niềm tin khoa học, con người sẽ sống và hoạt động không có định hướng, luôn bi quan, dao động và không phát huy được khả năng chủ động sáng tạo của mình. Niềm tin là một giá trị tinh thần vô hình, là sản phẩm của hoạt động của bộ não nhưng ở cấp độ của lý tính, nó tích tụ trong suốt quá trình con người hoạt động, con người tư duy, trải nghiệm trong các hoạt động thực tiễn, trong những tương tác xã hội mà con người đã thực hiện.

Niềm tin được hình thành một cách khoa học và có tính nhân văn, tiến bộ sẽ là những giá trị tích cực thúc đẩy hành động, suy nghĩ của con người. Là một nhân tố thuộc về thượng tầng kiến trúc và đời sống tinh thần xã hội của nhân loại, dân tộc, của một cộng đồng, hay một cá thể nên

niềm tin vừa mang tính lịch sử, vừa mang tính xã hội. Bản thân niềm tin có những đặc trưng riêng biệt và có mối quan hệ với nhiều lĩnh vực của đời sống. Niềm tin có những biểu hiện rất khác nhau giữa các cộng đồng, các cá thể trong một cộng đồng.

Theo tiếp cận của triết học Mác - Lênin, niềm tin xã hội thuộc về ý thức xã hội, nó phản ánh tồn tại xã hội. Tuy nhiên, niềm tin xã hội chung của một cộng đồng xã hội là một thứ rất khó nắm bắt, cũng rất khó thực chứng được.

Niềm tin xã hội không phải là nhận thức, thái độ của từng cá nhân mà nó là thái độ, nhận thức của cả xã hội, là thái độ của cả cộng đồng xã hội trước các sự vật, hiện tượng thuộc về thế giới khách quan, đó là sự phản ánh của tồn tại xã hội, của những điều kiện hoàn cảnh nhất định trong đời sống xã hội đến nhận thức, thái độ của một cộng đồng người.

Niềm tin xã hội của một cộng đồng người bị lung lay có thể dẫn đến nguy cơ làm ảnh hưởng và phá vỡ cấu trúc của tồn tại xã hội. Niềm tin xã hội được củng cố và phát huy nó sẽ tạo ra động lực to lớn, thôi thúc cả cộng đồng xã hội hiện thực hóa niềm tin trên thực tế.

Một quốc gia muốn phát triển phải tạo lập được niềm tin giữa cộng đồng xã hội về một mục tiêu chung, niềm tin giữa cộng đồng xã hội với mục tiêu của giai cấp nắm quyền, với chính phủ, niềm tin của nhân dân vào pháp luật và đội ngũ công chức thực thi và vận hành quyền lực nhà nước, niềm tin của doanh nghiệp vào chính quyền và mục tiêu chung của doanh nghiệp với của giai cấp nắm quyền, với chính phủ các nước...

Củng cố niềm tin xã hội vào mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mục tiêu CNXH là động lực quan trọng để thôi thúc toàn thể nhân dân Việt Nam hiện thực hóa nó trên thực tế. 

Cũng theo phương thức tiếp cận của triết học Mác, niềm tin là một hợp phần của thế giới quan khoa học. Niềm tin trở thành một hợp phần quan trọng của thế giới quan tôn giáo, thế giới quan thần thoại, phản ánh nhu cầu tinh thần của cá thể, của cộng đồng và toàn xã hội vào những sức mạnh đang chi phối sự phát triển của xã hội và cộng đồng.

Như vậy, niềm tin xã hội là một bộ phận cấu thành thế giới quan khoa học của các cộng đồng xã hội. Niềm tin xã hội chung của cả một cộng đồng sẽ trở nên sâu sắc, bền vững khi niềm tin ấy được đặt trên một hệ thống lý luận khoa học đủ mạnh. Tính khoa học của hệ thống lý luận ấy mang lại cho các thành viên trong cộng đồng cảm giác an toàn, được bảo vệ và giúp cho con người chủ động, tích cực và tự giác cống hiến hết mình cho những mục tiêu chung mà cả cộng đồng đang hướng đến.

Đặc biệt, trong bối cảnh biến đổi xã hội diễn ra nhanh chóng, các chuẩn mực xã hội có xu hướng rối loạn thì niềm tin xã hội chung của các cộng đồng hết sức quan trọng, nó thôi thúc và tạo thành những sức mạnh để đưa cộng đồng đến những mục tiêu chung. Có ý kiến cho rằng, niềm tin là cơ sở cho hành vi của con người và là nhân tố quyết định sự thành công(7). Nhiều quốc gia đã đưa niềm tin trở thành một trong những điều luật quan trọng của Hiến pháp. Tu chính án số 11 của Mỹ đã có điều khoản công nhận: quyền có niềm tin của mỗi con người. Hiến pháp Việt Nam tuy không có một điều khoản riêng quy định về niềm tin nhưng nội dung xuyên suốt trong bản Hiến pháp được xây dựng dựa trên niềm tin của nhân dân vào Nhà nước, vào pháp luật, vào sự lãnh đạo của Đảng và mục tiêu CNXH mà chúng ta đang hướng đến. Hiến pháp Việt Nam bảo vệ cho niềm tin của nhân dân với Đảng, với Nhà nước, với pháp luật và mục tiêu CNXH.

2. Niềm tin trong khát vọng xây dựng chủ nghĩa xã hội

Niềm tin xã hội vào CNXH ở Việt Nam có những nội dung cơ bản như sau:

Một là, niềm tin xã hội vào mục tiêu CNXH có nền tảng là lý luận khoa học và cách mạng là chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh

Học thuyết triết học của Mác là sự hòa quyện nhuần nhuyễn giữa tính khoa học và cách mạng. Bản thân lý luận ấy là sự kế thừa, chắt lọc những thành tựu của tất cả các khoa học: khoa học tự nhiên, khoa học về xã hội và khoa học về con người. Triết học Mác đã chỉ ra những động lực thực sự của CNTB cũng như những giới hạn, những khuyết tật, sự tàn bạo của chế độ chính trị dựa trên nền tảng của quyền sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất. Học thuyết khoa học ấy đã chỉ ra tính tất yếu của sự xuất hiện CNXH, một hình thái kinh tế - xã hội tốt đẹp của con người và cách thức mà giai cấp công nhân cần phải thực hiện để giải phóng mình và giải phóng toàn thể nhân loại. V.I.Lênin đã viết: “Nhiệm vụ thứ nhất của bất cứ một chính đảng nào có trọng trách đối với tương lai là thuyết phục cho đa số nhân dân thấy được sự đúng đắn của cương lĩnh và sách lược của mình”(8).

Ở Việt Nam, niềm tin xã hội vào khát vọng CNXH đã được dẫn dắt bởi một con người tiêu biểu của nền văn hóa mới, một xã hội mới là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh đã tìm thấy cơ sở lý luận khoa học thực sự làm nền tảng cho niềm tin của mình về một tương lai tốt đẹp cho tất cả người dân Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đi tìm đường cứu nước đã xác định, muốn giải phóng dân tộc, đem lại hạnh phúc cho nhân dân, trước hết phải tìm thấy lý tưởng và lý luận khoa học để phục vụ cho nhiệm vụ này. Người đã tìm thấy trong Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa vũ khí lý luận và con đường cách mạng đúng đắn cho dân tộc Việt Nam. Trong suốt quá trình cách mạng dưới sự dẫn dắt và lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta, người dân đã có những trải nghiệm trong mối quan hệ giữa dân với Đảng, dân với Nhà nước và pháp luật, với mục tiêu và khát vọng CNXH mà niềm tin xã hội vào Đảng, Nhà nước và mục tiêu CNXH ngày thêm sâu nặng.

Để duy trì được niềm tin xã hội vào khát vọng CNXH của người dân, bản thân Đảng phải luôn luôn phấn đấu, trưởng thành và đổi mới không ngừng. Quá trình duy trì niềm tin xã hội với khát vọng CNXH đòi hỏi Đảng phải thường xuyên mở rộng dân chủ để thu nhận những đóng góp to lớn của quần chúng nhân dân, khuyến khích người dân tích cực, tự giác tham gia vào phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng.

V.I.Lênin chỉ rõ: “Khi đụng đến một phong trào bao gồm hàng triệu quần chúng nhân dân, thì chỉ những lời nói thôi không đủ; quần chúng nhân dân phải có kinh nghiệm của bản thân họ để họ tự kiểm nghiệm những chỉ thị và tin vào kinh nghiệm của bản thân”(9). Như vậy, để củng cố niềm tin xã hội vào CNXH, Đảng thực sự phải trở thành tiêu biểu, thành tấm gương cho quần chúng nhân dân về nỗ lực thực hiện khát vọng CNXH.

Hai là, niềm tin xã hội vào khát vọng xây dựng CNXH là tiền đề để Đảng ta tiến hành đổi mới

Quá trình tồn tại của mô hình CNXH ở Liên Xô và Đông Âu cho tới khi sụp đổ, tan rã đã để lại cho chúng ta những bài học rất đau xót về niềm tin, xây dựng niềm tin chính trị của cộng đồng, của người dân vào mục tiêu XHCN. Công tác xây dựng và chỉnh đốn đảng bị coi nhẹ, sự tự suy thoái, tự chuyển hóa trong đội ngũ đảng viên diễn ra nghiêm trọng mà thiếu đi những biện pháp ngăn chặn. Đảng Cộng sản cầm quyền ở Liên Xô và các nước Đông Âu đã đánh mất niềm tin của dân chúng vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, mất niềm tin vào lý tưởng cộng sản chủ nghĩa.

Ở nước ta, niềm tin xã hội của nhân dân vào Đảng Cộng sản Việt Nam và mục tiêu CNXH là ở mục tiêu vì nhân dân của Đảng và qua quá trình lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, với các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội. Điều này chính là động lực của nhân dân luôn quan tâm đến quá trình xây dựng Đảng, đến hoạt động của bộ máy nhà nước để cùng với Đảng hiện thực hóa lý tưởng CNXH.

Những đóng góp của người dân vào công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng trên thực tế là biện pháp để người dân tiếp tục duy trì, bồi đắp niềm tin xã hội vào mục tiêu CNXH. Đây chính là điểm căn bản nhất của niềm tin xã hội vào CNXH của cả Đảng với tư cách là người tổ chức, lãnh đạo nhân dân; nhân dân là người trực tiếp xây dựng xã hội của mình, cho mình. Do đó, niềm tin xã hội vào mục tiêu CNXH là sự cộng hưởng nỗ lực từ Đảng và quần chúng nhân dân, là khát vọng chung, cao cả của cả nhân dân và Đảng để cùng chung mục tiêu xây dựng và hiện thực hóa niềm tin chính trị về một nước Việt Nam XHCN phồn vinh, hạnh phúc và luôn giữ gìn, phát triển niềm tin đó qua mọi giai đoạn cách mạng.

Ba là, niềm tin vào sức mạnh của đoàn kết trong xây dựng chủ nghĩa xã hội

Lịch sử dân tộc Việt Nam đã chứng kiến sức mạnh niềm tin của cộng đồng dân tộc đối với sự trường tồn và phát triển đất nước. Niềm tin vào cội nguồn của người Việt đã tạo nên sức mạnh để ông cha ta chiến thắng mọi thế lực ngoại xâm. Niềm tin vào tương lai tốt đẹp của CNXH đã làm nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân đánh thắng những đế quốc hùng mạnh.

Đoàn kết xã hội là sự liên kết giữa những thành viên trong cộng đồng xã hội trên những mối liên hệ về đạo đức, uy tín, niềm tin... Tùy từng lĩnh vực mà sự ràng buộc giữa các thành viên sẽ chặt chẽ hay lỏng lẻo phụ thuộc vào việc giữa các chủ thể có thể chia sẻ cùng nhau về một niềm tin. Mỗi xã hội, giống như mỗi cơ thể, cần phải xác lập những cơ chế chung để chi phối toàn bộ hoạt động của các bộ phận, cần phải xác lập hệ thống niềm tin chung là cơ sở để mọi người cùng hành động.

Trong một cộng đồng xã hội, mối quan hệ giữa các thành viên để tạo thành một cộng đồng đoàn kết là vừa hỗ trợ lẫn nhau, vừa phụ thuộc lẫn nhau, ràng buộc lẫn nhau, cả trong sản xuất, trong sinh hoạt, trong đời sống tình cảm và tôn giáo. Theo đó, niềm tin thể hiện sự thống nhất, tôn trọng những quy tắc chung của cộng đồng. Niềm tin là chất keo kết dính tình đoàn kết xã hội, niềm tin là tình cảm thiêng liêng gắn kết các quan hệ của cộng đồng người đang cùng hoạt động với nhau. Đoàn kết xã hội không thể thiếu được niềm tin vì nó là một phần của giá trị xã hội để tái tạo ra sự tồn tại, phát triển của xã hội.

Niềm tin tạo thành nhân tố cố kết cộng đồng người Việt Nam, chính là nền tảng tạo nên lòng nhân ái, đức khoan dung vốn có của người Việt. Trong bối cảnh Việt Nam thực hiện kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, phân hóa giàu nghèo gia tăng, dịch bệnh, tệ nạn xã hội phát triển, ô nhiễm môi trường, thiên tai ngày càng khó lường... đòi hỏi phải tăng cường năng lực quốc gia để có thể ứng phó hiệu quả với những thách thức an ninh phi truyền thống mới.

Trong điều kiện như vậy, càng phải duy trì được niềm tin của con người về một xã hội tốt đẹp, để làm giảm bớt sự phân cách giữa các tầng lớp xã hội và tạo thành động lực mới từ sự đoàn kết của người dân Việt Nam vào phát triển đất nước.  

Như vậy, niềm tin xã hội và mục tiêu CNXH ở Việt Nam có mối liên hệ biện chứng với nhau. Niềm tin vào CNXH và mục tiêu CNXH sẽ góp phần truyền cảm hứng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân ta trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước theo định hướng XHCN.

Công cuộc xây dựng chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN hiện nay có ý nghĩa rất quan trọng trong việc gia tăng niềm tin xã hội, tạo thành động lực từ những khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

__________________

Ngày nhận bài: 16-6-2022; Ngày bình duyệt: 23-6-2022; Ngày duyệt đăng: 15-7-2022.

 

(1) Schwitzgebel, Eric: “Belief”, The Stanford Encyclopedia of Philosophy, Metaphysics Research Lab, Stanford University, 2019.

(2) Pitt, David: “Mental Representation”, The Stanford Encyclopedia of Philosophy, Metaphysics Research Lab, Stanford University, 2020.

(3) “Philosophy of mind - Propositional attitudes”, Encyclopedia Britannica.

(4) Fassio, Davide: “Aim of Belief”, Internet Encyclopedia of Philosophy.

(5) Levin, Janet: “Functionalism”, The Stanford Encyclopedia of Philosophy, Metaphysics Research Lab, Stanford University, 2018.

(6) Polger, Thomas W: “Functionalism”, Internet Encyclopedia of Philosophy.

(7) Gillespia A: G.H.Mead: Theorist of the Social Act, Journal for the Theory of Social Behaviour, No.35, 2005, pp.19-39.

(8) V.I.Lênin: Toàn tập, t.36, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2005, tr.208.

(9) V.I.Lênin: Toàn tập, t.39, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2005, tr.41.

TS PHẠM ANH HÙNG

Viện Triết học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền