Trang chủ    Đào tạo - Bồi dưỡng    Nâng cao chất lượng tự đào tạo của cán bộ trẻ tại Học viện
Thứ hai, 17 Tháng 8 2015 10:47
2635 Lượt xem

Nâng cao chất lượng tự đào tạo của cán bộ trẻ tại Học viện

(LLCT) - Giáo dục năng lực tự đào tạo là một phương thức giáo dục cơ bản, trong đó, nhà trường và xã hội tạo ra các nhân tố có tính quy định việc hình thành, phát triển nhân cách, tính tự chủ, sáng tạo và tự chịu trách nhiệm của cá nhân đối với mọi hoạt động học tập, nhận thức khoa học, hoạt động sống của chính mình.

1. Quá trình đào tạo và tự đào tạo

Để quá trình tự đào tạo đạt được hiệu quả, ngoài sự động viên, khuyến khích cán bộ trẻ say mê, rèn luyện, biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo… các tổ chức đoàn thể cần phải nhìn nhận quá trình đào tạo cán bộ một cách nghiêm túc, phải thực sự là cơ quan tham mưu cho các nhà lãnh đạo, quản lý, để khuyến khích, giáo dục năng lực tự đào tạo cho cán bộ công chức.

Để nâng cao chất lượng hoạt động tự đào tạo cần giải quyết được các nội dung sau:

Nguyên nhân hiệu quả đào tạo không cao

Thứ nhất, quá trình đào tạo diễn ra một cách “tự nhiên chủ nghĩa”. Chẳng hạn, sau khi tuyển dụng chỉ đặt ra một yêu cầu là giảng viên Trường Đảng cần phải đi học để nâng cao trình độ, rồi sau đó là “tự bơi”. Vì thế, cá nhân cán bộ thấy mình thiếu cái gì theo chuẩn bằng cấp yêu cầu thì tự xác định cấp chương trình và cơ sở đào tạo. Khi học xong không biết áp dụng kết quả học tập đó như thế nào, bằng cách nào?

Trong quá trình đào tạo đó, nhu cầu học được nhận thức một cách chủ quan và cảm tính từ ý muốn của người học, chứ chưa xuất phát từ việc phân tích nhu cầu công việc một cách đầy đủ và có hệ thống. Nhiều bạn trẻ thấy chưa có trình độ thạc sỹ, cao cấp lý luận chính trị thì yêu cầu được đi học, đôi khi chuyên ngành thạc sỹ đó chưa thực sự cần thiết cho đơn vị. Mặt khác, khâu kiểm tra đánh giá sau đào tạo không được chú trọng dẫn tới hiệu quả của quá trình này không được kiểm định có tính chất định lượng.

Thứ hai, định hướng đào tạo: người học chỉ hướng đến việc thu lượm được những kiến thức mới mà không có định hướng cụ thể, rõ ràng là sẽ phải áp dụng kiến thức đó vào giải quyết công việc và vấn đề nào đó của mình. Cơ quan quản lý cán bộ đi học thì cũng chỉ hy vọng chung chung rằng với những kiến thức có được, nhân viên của mình sẽ cải thiện được hiệu quả công việc, mà không đặt ra được mục tiêu cụ thể sau khóa học, việc thực hiện công việc của cán bộ phải được thể hiện như thế nào. Mặt khác, do phân tích nhu cầu đào tạo không đầy đủ và hệ thống, người ta không thấy hết những nguyên nhân có liên quan đến vấn đề để giải quyết cho đồng bộ. Do vậy, kết quả đạt được từ đào tạo không những không phát huy được mà còn bị mai một.

Thứ ba, phương pháp đào tạo:cả người học và người dạy quá chú trọng kiến thức một cách đơn thuần, không quan tâm đúng mức đến việc áp dụng để có kết quả thực tế. Nhiều lớp đào tạo vẫn là thuyết giảng, thầy giảng - trò nghe; một số trường hợp có thêm thảo luận tình huống, làm bài tập, nhưng cũng chỉ nhằm làm cho giờ học đỡ căng thẳng, buồn chán. Mục đích chính vẫn là trang bị kiến thức chứ chưa mang lại kỹ năng, chưa kích hoạt cho hành động.

Đổi mới công nghệ đào tạo để nâng cao hiệu quả

Đào tạo cán bộ tại Học viện có những mục tiêu cụ thể, đòi hỏi kết quả đào tạo phải được chuyển hóa thành năng lực của giảng viên và hiệu quả công việc. Do vậy, phải được quản trị và thực thi theo một phương thức công nghệ phù hợp mà các nước có nền giáo dục tiên tiến đang thực hiện, gồm những công đoạn sau:

Thứ nhất, phân tích nhu cầu đào tạo

Phải đánh giá được thực trạng năng lực và kết quả công việc của cán bộ so với những yêu cầu đặt ra. Từ đó, phân tích một cách hệ thống để tìm ra những nhân tố tác động tới kết quả công việc của giảng viên, nghiên cứu viên, xác định mối liên hệ giữa các nhân tố đó với nhau và mối liên hệ giữa từng nhân tố với kết quả công việc. Kết quả của việc phân tích nhu cầu đào tạo là phải chỉ ra được người giảng viên, nghiên cứu viên cần phải được đào tạo những gì, phải đạt tới mục tiêu nào, và phải làm gì để phát huy tốt nhất kết quả đào tạo. Chẳng hạn kỹ năng sư phạm thuần thục, khả năng tổng kết thực tiễn, khả năng phát hiện cái mới, khả năng biến những điều phức tạp trở thành đơn giản…

Thứ hai, “thiết kế đào tạo”

“Thiết kế đào tạo” là một thuật ngữ còn khá xa lạ, vì trước đây, thường coi đào tạo chỉ là trang bị và cập nhật kiến thức, mục tiêu đào tạo thường chung chung. Khắc phục tình trạng kém hiệu quả thì mục tiêu đào tạo phải thật cụ thể, rõ ràng, ngay từ khi phân tích nhu cầu.

Thiết kế đào tạo là lập kế hoạch, lập trình sẵn cho quá trình đào tạo, sao cho khi thực hiện đầy đủ chương trình, kế hoạch đó thì kết quả đạt được phải thỏa mãn mục tiêu đã đặt ra. Mục tiêu đó có thể là năng lực, kỹ năng... được thể hiện ra bằng công việc cụ thể.

Thiết kế đào tạo không chỉ là dàn ý nội dung, tài liệu tham khảo để nhằm cung cấp tri thức đơn thuần mà tất cả các mục tiêu đào tạo đều được diễn giải thành các kết quả về kiến thức, kỹ năng, thái độ hoặc công việc cụ thể. Để đạt kết quả, một lộ trình sẽ được đặt ra cho toàn khoá học và từng phần học: nghe những gì, xem, đọc những gì, trả lời những câu hỏi nào, thảo luận gì, thực hành gì... kể cả cách thức nghe, xem, trả lời câu hỏi và thực hành cũng phải được hoạch định. Học viên và giảng viên, người hướng dẫn... phải thực hiện theo lộ trình đó. Với một thiết kế khoa học và chặt chẽ, các công cụ đầy đủ, thực thi đúng, kết quả đào tạo sẽ được đảm bảo.

Thứ ba, đào tạo đúng quy trình

Nếu chỉ dựa vào tài năng cá nhân, năng khiếu ăn nói hay kinh nghiệm của người thầy thì kết quả đào tạo sẽ rất hạn chế. Trong một khoá đào tạo, điều quan trọng nhất không phải là những gì học viên được nghe, mà là những gì họ được trải nghiệm và sẽ có khả năng thực hiện. Học viên không chỉ nghe, mà còn phải tập dượt, thể hiện và tìm cách ứng dụng điều đã học hỏi được. Hoạt động đào tạo là một loạt những hoạt động đa dạng: giảng và nghe, thảo luận, chơi, thử nghiệm... nhằm đạt được những năng lực và công việc được quy định trong mục tiêu của từng khoá học. Do vậy, người giảng viên không chỉ cần có tri thức chuyên môn và năng lực sư phạm, mà còn cần có khả năng thực hiện các hoạt động đào tạo theo thiết kế đã được lập trình để giúp học viên đạt mục tiêu đã xác định. Người thầy phải nắm vững các nội dung đào tạo, hiểu rõ quá trình đào tạo, thiết kế đào tạo.

Thứ tư, đánh giá kết quả đào tạo

Các mục tiêu đào tạo thường được hoạch định quá chung chung, nên việc đo lường cũng khó thực hiện. Việc đánh giá kết quả đào tạo có những ý nghĩa rất thực tiễn, qua đó, có những thông tin để đánh giá toàn bộ quá trình đào tạo. Mặt khác, đánh giá dựa trên những mục tiêu cụ thể sẽ tạo ra động lực tốt cho việc học hỏi và ứng dụng, cải thiện hiệu quả công việc. Nội dung đánh giá gồm:

- Việc phân tích nhu cầu đào tạo có chính xác không, tại sao?

- Thiết kế đào tạo có phù hợp không, tại sao?

- Thực hiện đào tạo có tốt không, có đúng theo thiết kế không, tại sao?

- Kết quả đào tạo: năng lực, kỹ năng và kết quả công việc có tốt không, tại sao?

2. Phát huy năng lực tự đào tạo của đội ngũ cán bộ khoa học trẻ tại Học viện

Đội ngũ cán bộ khoa học trẻ (tuổi đời dưới 40) của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chiếm khoảng 42% tổng số cán bộ giảng dạy và nghiên cứu, trong đó nam chiếm 32,3%. Phần lớn đội ngũ cán bộ này đều tốt nghiệp loại khá giỏi ở các trường đại học trong và ngoài nước, được tuyển chọn kỹ càng, có năng lực, ngoại ngữ tốt, ý chí cầu tiến bộ cao... Tuy nhiên, điểm yếu của đội ngũ này là kiến thức thực tiễn, tính chủ động sáng tạo chưa cao, năng lực giảng dạy, kỹ năng nghề nghiệp chưa được tôi luyện nhiều... Vì thế, ngoài việc tạo điều kiện cho đội ngũ này tiếp tục quá trình đào tạo thì những yếu tố sau đây có thể được xem là những phẩm chất cấu thành năng lực tự đào tạo của người giảng viên, nghiên cứu viên trẻ của Học viện:

Thứ nhất, tiếp nhận được trọn vẹn, có chiều sâu những tri thức khoa học đã có, đang có và tri thức dự báo của ngành học, với sự phát triển của khoa học hiện đại. Những tri thức khoa học này là nền tảng của nhận thức khoa học, công cụ, tư liệu của sự biến đổi thành tri thức khoa học mới; người học có thể chuyển hoá chúng thành cái của mình, cái cho mình. Ở đây, tri thức khoa học được xem là tiêu chí đầu tiên và cơ bản để đánh giá ý thức tự đào tạo của người học, đánh giá hoạt động giáo dục tri thức, tạo tiền đề quy định ý thức lao động nghề nghiệp sau này của người học. Việc tự trang bị tri thức khoa học gồm tiếp nhận, xử lý, kiểm nghiệm, dung nạp các loại tri thức cơ bản, tư liệu, ứng dụng, công nghệ thông tin, kỹ thuật, chuyên ngành, liên ngành, nghề nghiệp; trong đó có sự kết hợp hợp lý giữa tri thức khoa học truyền thống và hiện đại, dân tộc và quốc tế, thông dụng và cao cấp, sáng tạo cá nhân và sáng tạo tập thể. Quá trình tự làm giàu trí tuệ cần được thực hiện thường xuyên, liên tục, hệ thống, đa dạng theo một định hướng vừa có tính cấp thiết, vừa có tính chiến lược. Việc học đó có thể là dự giờ của đồng nghiệp, các lớp bồi dưỡng, tổng hợp các kiến thức từ sách, báo...

Thứ hai, vốn liếng vềthực tiễn là cơ sở, là động lực, chất liệu, nội dung, tiêu chuẩn và mục tiêu của toàn bộ quá trình tự đào tạo. Quá trình bổ sung kiến thức thực tiễn cho đội ngũ cán bộ khoa học trẻ đó là chủ động đăng ký đi nghiên cứu thực tế, tăng cường về địa phương và cơ sở để hiểu cách thức vận hành của hệ thống chính trị Việt Nam, việc triển khai các nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, có năng lực tổng kết thực tiễn một cách thấu đáo.

Thứ bahình thành phong cách, phẩm chất cán bộ Trường Đảng, nội dung cốt lõi là lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội dưới ánh sáng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh với tinh thần nhân văn: tất cả vì con người. Quá trình tự đào tạo cần xem đó là động lực, định hướng, đem lại giá trị đích thực cho người học - cá nhân và xã hội nói chung. Đây cũng là điểm tựa và thước đo để tự đào tạo. Học viện đã xây dựng được bộ chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên, đó là hệ giá trị mà mọi cán bộ, đảng viên cần học tập, tu dưỡng và làm theo. Trong đó chuẩn mực “quyết tâm giữ vững lập trường chính trị, tư tưởng, kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân đã lựa chọn; chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước” được đưa lên hàng đầu. Chuẩn mực “thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; ra sức phấn đấu vì sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn” được coi là năng lực cần có của cán bộ trường Đảng.

Việc giảng dạy ở Học viện được xem là nhân tố khách quan trọng yếu nhất để cán bộ khoa học trẻ tự đào tạo có hiệu quả. Nội dung, phương pháp giảng dạy, tổ chức quản lý, thiết chế của toàn hệ thống Học viện cần hướng vào những nguyên lý, nguyên tắc của nhận thức khoa học, giáo dục mang tính đổi mới của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Đối với giảng viên Học viện, yêu cầu tự đào tạo tập trung ở những điểm chủ yếu:

- Làm chủ được những tri thức khoa học, phương pháp giảng dạy hiện đại, tiến bộ tương ứng với khả năng tiếp nhận của người học;

- Từ những tri thức khoa học cơ bản, chủ yếu và nhận thức cuộc sống thực tiễn, người dạy hướng dẫn, gợi mở, định hướng cho người học tự xác định những tri thức mới, nhận thức mới, hoạt động mới mang tính tự giác, sáng tạo, tự khẳng định và hoàn thiện chúng;

- Nội dung giảng dạy và phương pháp nhận thức luôn đặt trong tam giác quan hệ: khoa học, giáo dục - hiện thực, thực tiễn - năng lực tiếp nhận, đặc điểm tự ý thức, nhận thức, hoạt động nhiều mặt của người học;

- Chú trọng truy cập, chuyển tải, phân tích, tổng hợp, khái quát những thông tin khoa học mới, những thành tựu tri thức, trí tuệ đang hiện diện, những dự báo khoa học và xã hội; tất cả đều được người học tiếp cận thông qua vai trò của người dạy;

- Đem lại cho người học phương pháp tư duy mở, động và sáng tạo,một tư duy biện chứng nhằm tạo cho họ luôn thích ứng, năng động trước sự phát triển của khoa học và thực tiễn. Đồng thời, người dạy cần tạo ra và thừa nhận các cách học khác nhau của người học, điều đó sẽ giúp người dạy hướng dẫn, định hướng phù hợp với sự nhận thức mang tính đặc thù của đối tượng người học khác nhau.

Tổ chức Đảng, đoàn tham gia quá trình quản lý, tổ chức các phong trào thi đua trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học, tạo động lực cho cán bộ trẻ phấn đấu, cống hiến, tự đào tạo nâng cao trình độ đáp ứng yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của thực tiễn. Sự tham gia đắc lực vào xây dựng chiến lược đào tạo, nghiên cứu khoa học của Học viện, chiến lược phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các chiến lược đó. Để có nguồn nhân lực chất lượng cao phải “ươm mầm, chăm sóc”dài lâu.

Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Suốt đời phải gắn liền lý luận với công tác thực tế. Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Thế giới ngày ngày đổi mới, nhân dân ta ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp nhân dân. Quan điểm đó phải là kim chỉ nam cho mỗi cán bộ khoa học ở trường Đảng .

____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị điện tử số 9-2014

 

PGS, TS Hoàng Phúc Lâm

Chủ tịch Công đoàn Học viện

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền