Trang chủ    Đào tạo - Bồi dưỡng    Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo, nội hàm cơ bản và đặc trưng chủ yếu
Thứ sáu, 30 Tháng 10 2015 17:33
3515 Lượt xem

Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo, nội hàm cơ bản và đặc trưng chủ yếu

(LLCT) - Hoạt động giáo dục ngày càng thoát ra khỏi những hạn chế của không gian và thời gian, mở ra con đường mới nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục, thúc đẩy sự phát triển toàn diện của con người. Thông tin hóa là tiêu chí quan trọng để đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo, là biện pháp quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục trong thời đại mới.

Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đã đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm, trong đó: “Đặc biệt là tập trung xác định rõ hơn nội hàm đổi mới căn bản và toàn diện”(1),  để “Từ đó hoàn thiện các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp, nhất là những giải pháp chủ yếu, có tính đột phá nhằm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo theo tinh thần: chấn chỉnh, khắc phục triệt để những khuyết điểm, bất cập lâu nay; củng cố những kết quả, thành tựu đã đạt được; phát triển, nâng chất lượng giáo dục - đào tạo lên tầm cao mới”(2).

Ý nghĩa của đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo có liên quan mật thiết với ý nghĩa của hiện đại hóa, nó vừa là “quá trình”, vừa biểu hiện “trạng thái”. Về quá trình, đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo chỉ quá trình nền giáo dục truyền thống phù hợp với nền kinh tế tiểu nông qua lựa chọn, cải cách, phát triển đã chuyển hóa thành nền giáo dục hiện đại, phù hợp với thời kỳ CNH, HĐH đất nước và nền chính trị dân chủ, là quá trình nền giáo dục không ngừng củng cố, tăng cường tính hiện đại để thích ứng với nhu cầu phát triển của kinh tế, chính trị, khoa học - kỹ thuật. Về trạng thái, đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo chỉ sự chuyển biến mang tính tổng thể và sự tiến bộ, toàn diện trên các phương diện của giáo dục như: tư tưởng, chế độ, nội dung, phương pháp giáo dục... Mục tiêu của đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo chính là tiếp tục hoàn thiện con người trong môi trường văn hóa đương đại.

Về nội hàm, “đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo” nổi bật ba điểm sau:

Thứ nhất, là quá trình bắt kịp trình độ tiên tiến ở những giai đoạn phát triển khác nhau, mục tiêu theo đuổi cũng khác nhau.

Thứ hai, là quá trình chuyển đổi từ giáo dục truyền thống sang giáo dục hiện đại, vừa bao gồm sự tiến bộ một cách toàn diện về tư tưởng, nội dung, phương pháp giáo dục, vừa bao gồm sự phát triển toàn diện, hài hòa của các cấp, các loại hình giáo dục.

Thứ ba,là quá trình không ngừng cải cách giáo dục sao cho phù hợp với nhu cầu phát triển của kinh tế - xã hội, cải cách là động lực mang tính nền tảng cho đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo.

Trong tác phẩm Tư bản luận, C.Mác chỉ ra rằng: “nền công nghiệp hiện đại chưa từng coi hình thức tồn tại hiện nay của quá trình sản xuất là hình thức cuối cùng. Vì thế, cơ sở kỹ thuật của công nghiệp hiện đại là làm cách mạng, còn cơ sở kỹ thuật của tất cả các phương thức sản xuất trong quá khứ về bản chất là cố hữu, không thay đổi”(3). Giáo dục là một hệ thống nhánh trong hệ thống chung của xã hội, sự thay đổi trong các lĩnh vực như chính trị, xã hội, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, văn hóa... liên tục đưa ra những yêu cầu mới cho hoạt động giáo dục. Để nền giáo dục phù hợp với nhu cầu phát triển của kinh tế - xã hội, phải không ngừng cải cách mọi phương diện của giáo dục: chế độ giáo dục, nội dung, phương pháp, biện pháp giáo dục... Cải cách chế độ, thể chế giáo dục là quá trình điều chỉnh, tổ chức lại, cơ cấu lại hình thức tổ chức và cơ chế vận hành vốn có của sự nghiệp giáo dục. Lịch sử phát triển của nền giáo dục chứng tỏ rằng, bất kỳ mô hình cải cách chế độ giáo dục thành công nào cũng đều phản ánh được nguyện vọng và nhu cầu của quần chúng nhân dân, đều quán triệt được tư tưởng lấy sự phát triển của người học làm trung tâm. Do vậy, trong quá trình tiến hành cải cách giáo dục cần phải nghiên cứu một cách tổng thể, khoa học và toàn diện nhằm hạn chế ở mức thấp nhất những rủi ro có thể xảy ra đối với môi trường giáo dục.

Đặc trưng chủ yếu của môi trường giáo dục - đào tạo theo mô hình đổi mới căn bản và toàn diện được thể hiện trên những nội dung sau:

Một là, tính toàn dân

Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn “Dân ta ai cũng được học hành” và Người cũng đã yêu cầu “Người biết chữ dạy cho người chưa biết chữ”. Đây chính là nội dung quan trọng để hướng tới nền giáo dục mang tính toàn dân.

Tính toàn dân của giáo dục là yêu cầu khách quan để phát triển xã hội hiện đại, bao gồm hai phương diện: tính rộng rãi về đối tượng giáo dục và tính bình đẳng về quyền lợi giáo dục. Tính toàn dân của giáo dục thể hiện ở việc thực hiện chế độ giáo dục nghĩa vụ trong một số năm nhất định và ở sự phát triển theo hướng phổ cập hóa giáo dục giai đoạn phổ thông trung học và đại học, ở sự kéo dài về thời gian toàn dân tiếp nhận giáo dục nhà trường.

Mục tiêu quan trọng và cuối cùng của phát triển giáo dục ở nước ta hiện nay là xây dựng một nền giáo dục thực sự của dân, do dân và vì dân để phát triển năng lực người học, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. Vì vậy, xây dựng sự nghiệp giáo dục mang tính toàn dân phải là một trong những chiến lược then chốt của giáo dục nước ta trên con đường đổi mới sự nghiệp giáo dục và đào tạo do Đảng khởi xướng và nó có vai trò rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay.

Hai là, tính suốt đời

Biểu tượng “học tập suốt đời” và “xây dựng xã hội học tập’’ đã xuất hiện ở nước ta từ lâu. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, song song với việc xoá mù chữ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, ngành giáo dục đã mở ra hệ thống học tập không chính quy dành cho người lớn tuổi, cho người nghèo, cho con em tầng lớp lao động. Khắp nơi trên đất nước hàng loạt các trường phổ thông lao động, bổ túc công nông, bổ túc văn hoá, vừa học vừa làm đã hình thành và đem lại quyền được học hành cho mọi người dân mà trước đây trong lịch sử phát triển giáo dục nước ta chưa từng bao giờ có được. Mặt khác, trong các trường thuộc hệ chuyên nghiệp và đại học, các khoa, lớp tại chức, chuyên tu với tất cả các lĩnh vực, ngành nghề được mở ra để đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực lớn mà xã hội đang đòi hỏi. Ngành giáo dục đã bám sát nguyên tắc “học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn”, đồng thời ở khắp nơi trong cả nước cũng giấy lên một không khí sôi nổi thực hiện khẩu hiệu: “Học, học nữa, học mãi” của V.I.Lênin. Những năm tháng này ở nước ta trên thực tế đã có mầm mống hình thành một xã hội học tập. Nhờ những bước đi đúng đắn này, nước ta đã có được một đội ngũ trí thức công nông lớn mạnh, mà trong họ không ít người nhờ qua con đường học không chính quy đã trưởng thành và đạt tới đỉnh cao của các lĩnh vực khoa học, công nghệ và quản lý, trở thành những cán bộ đầu ngành của hầu hết các lĩnh vực. Đến những năm đổi mới, tại các kỳ Đại hội lần thứ IX, X và XI, Đảng ta đã khẳng định chủ trương phát triển giáo dục - đào tạo theo hướng “cả nước trở thành một xã hội học tập”. Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI chỉ đạo: “Đa dạng hóa nội dung, tài liệu học tập, đáp ứng yêu cầu của các bậc học, các chương trình giáo dục, đào tạo và nhu cầu học tập suốt đời của mọi người”(4).

Trong bối cảnh hiện nay, việc xây dựng xã hội học tập là để đảm bảo được việc học tập suốt đời của mọi người, đảm bảo nhu cầu hoàn thiện của từng thành viên trong cộng đồng với sự phát triển kinh tế - xã hội và sự bình đẳng về giáo dục và đào tạo. Đây là một quan niệm về triết lý giáo dục xây dựng con người mới thông qua giáo dục nhân bản, tô đậm bản sắc dân tộc và khai phóng con người Việt Nam bằng học suốt đời với việc coi giáo dục là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và toàn dân. Xây dựng xã hội học tập là tạo cơ hội bình đẳng trong giáo dục, để từng thành viên trong xã hội có đủ điều kiện và cơ hội tự hoàn thiện mình, nâng cao chất lượng cuộc sống của chính mình, của gia đình, họ tộc, thôn, xóm, phường, xã và cả xã hội, là nền tảng để hoàn thành mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời luôn gắn bó hữu cơ với nhau, đồng thời là một nhu cầu trong một thị trường lao động đang biến động với sự phát triển của khoa học, kỹ thuật, công nghệ và văn hoá. Xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời là một chiến lược quan trọng để đạt được sự dân chủ và bình đẳng của mọi người trong xã hội. Đại hội XI khẳng định: “Quy hoạch phát triển nông thôn gắn với phát triển đô thị và bố trí các điểm dân cư. Phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ và làng nghề gắn với bảo vệ môi trường.... Triển khai có hiệu quả Chương trình đào tạo nghề cho 1 triệu lao động nông thôn mỗi năm(5). Như vậy, học tập suốt đời là một quan niệm triết lý giáo dục mới, là nhu cầu về sự hoàn thiện của mỗi người nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Ba là, tính sáng tạo

Giáo dục là một hình thức hoạt động nuôi dưỡng, bồi dưỡng, hình thành nhân cách con người. Thông qua những ảnh hưởng sâu sắc một cách có tổ chức, có mục đích, có kế hoạch đến con người, nó khiến tâm thức của con người xuất hiện những dự định thay đổi. Trong hệ thống tổ chức đa tầng, đa diện của trình độ hiểu biết của con người, năng lực sáng tạo là nguồn động năng có giá trị nhất. Là một hoạt động nuôi dưỡng, bồi dưỡng con người, sứ mệnh quan trọng nhất của giáo dục là nuôi dưỡng tinh thần sáng tạo. Giáo dục cần có sự kế thừa và càng cần có sự sáng tạo trên cơ sở kế thừa dưới sự chỉ đạo của sáng tạo. Nuôi dưỡng tinh thần sáng tạo của con người, nâng cao sức mạnh bản chất của con người là mục tiêu quan trọng mà quá trình đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo phải kiên trì theo đuổi. Theo UNESCO, đặc trưng của giáo dục hiện nay là: bồi dưỡng nhân tài có ý thức sáng tạo, có tinh thần sáng tạo, có năng lực sáng tạo. Đó là mục tiêu số một, quan trọng hơn bất kỳ mục tiêu nào mà công cuộc cải cách giáo dục của các nước đang theo đuổi(6).

Bốn là, quốc tế hóa

Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo chính là kết quả của quá trình học tập và giao lưu lẫn nhau. Con người và tin tức vận động không ngừng trong dòng chảy quốc tế, sự giao lưu, hợp tác quốc tế về giáo dục ngày càng nhiều, mức độ ảnh hưởng và tương tác lẫn nhau giữa nền giáo dục các nước ngày càng cao. Cùng với đó, trên các phương diện như : xác định mục tiêu bồi dưỡng nhân tài, lựa chọn nội dung giáo dục và biện pháp, phương pháp giáo dục, các nước chú trọng hơn tới hình thức mới thích ứng với sự phân công ngành nghề, bổ sung thương mại giữa các nước trên thế giới. Du học là biểu hiện rõ rệt nhất đặc trưng quốc tế hóa của giáo dục. Hợp tác mở trường xuyên quốc gia là hình thức, xu thế mới của quốc tế hóa giáo dục. Yếu tố hạt nhân của quốc tế hóa giáo dục là tận dụng tối đa hai thị trường, nguồn tài nguyên trong nước và quốc tế để bồi dưỡng tạo nên được những nhân tài có tầm nhìn quốc tế, năng lực giao lưu quốc tế và năng lực cạnh tranh quốc tế.

Năm là, thông tin hóa

Từ khi bộ máy tính điện tử đầu tiên trên thế giới ra đời vào năm 1946 đến nay, công nghệ thông tin hiện đại số hóa đã thúc đẩy xã hội loài người cất cánh từ ‘‘văn minh chữ viết’’ lên ‘‘văn minh số’’, ‘‘văn minh hình ảnh’’. Cùng với sự phát triển của thông tin hóa, nội dung, phương pháp, con đường của hoạt động giáo dục, các kênh lĩnh hội tri thức và thông tin của người học đang có sự biến đổi nhanh chóng. Mô hình dạy học cá biệt hóa vốn bị thay thế bởi cách học theo cấp lớp, chế độ bài giảng đang dần trở lại dưới điều kiện khoa học - kỹ thuật mới, trở thành sự bổ sung quan trọng của hoạt động giáo dục tập thể.

Hoạt động giáo dục ngày càng thoát ra khỏi những hạn chế của không gian và thời gian, mở ra con đường mới nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục, thúc đẩy sự phát triển toàn diện của con người. Thông tin hóa là tiêu chí quan trọng để đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo, là biện pháp quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục trong thời đại mới.

________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 12-2014

(1), (2), (4) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, tr.11,12,128.

(3) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.10, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1978, tr.553.

(5) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.123.

(6) Xem Ủy ban Giáo dục quốc tế thế kỷ XXI của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp quốc: Giáo dục nơi cất giấu sự giàu có, Nxb Khoa học giáo dục, 1996, tr.6.

 

TS Lê Văn Liêm

Học viện Chính trị khu vực III

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền