Trang chủ    Đào tạo - Bồi dưỡng    25 năm công tác trường chính trị
Thứ hai, 30 Tháng 11 2015 16:39
3259 Lượt xem

25 năm công tác trường chính trị

(LLCT) - Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều quyết định, nghị định về Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Học viện, trong đó có nhiệm vụ, quyền hạn của Học viện về công tác trường chính trị. Gần đây nhất, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định số 224-QĐ/TW ngày 6-1-2014 về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, công tác trường chính trị được xếp ở nhiệm vụ thứ tư: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng, hướng dẫn và thống nhất quản lý việc thực hiện chương trình, nội dung đào tạo và bồi dưỡng; phương pháp giảng dạy và học tập; nghiên cứu khoa học; quy chế quản lý đào tạo; đào tạo, bồi dưỡng giảng viên của các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Ngày 1-3-1990, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá VI) ban hành Quyết định số 103-QĐ/TW về việc sắp xếp lại hệ thống trường đảng trực thuộc Trung ương. Thực hiện Quyết định này, ngày 10-4-1990, Giám đốc Học viện Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) đã ban hành Quyết định số 253/QĐ-TC về việc thành lập Vụ trường Đảng (nay là Vụ Các trường chính trị) làm nhiệm vụ  tham mưu cho Giám đốc Học viện trong việc thực hiện công tác trường chính trị. Từ đó đến nay, Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều quyết định, nghị định về Học viện, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Học viện, trong đó có nhiệm vụ, quyền hạn của Học viện về công tác trường chính trị. Gần đây nhất, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định số 224-QĐ/TW ngày 6-1-2014 về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, công tác trường chính trị được xếp ở nhiệm vụ thứ tư: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng, hướng dẫn và thống nhất quản lý việc thực hiện chương trình, nội dung đào tạo và bồi dưỡng; phương pháp giảng dạy và học tập; nghiên cứu khoa học; quy chế quản lý đào tạo; đào tạo, bồi dưỡng giảng viên của các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Trên cơ sở các quyết định, nghị định của Đảng và Chính phủ, ngày 27-6-2014, Giám đốc Học viện đã ban hành Quyết định số 2924/QĐ-HVCTQG về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Vụ Các trường chính trị. Theo đó, Vụ Các trường chính trị có chức năng là cơ quan tham mưu cho Giám đốc Học viện trong việc xây dựng, hướng dẫn và quản lý hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học của các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và trường bồi dưỡng cán bộ của các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương về khoa học chính trị.

25 năm qua, vượt lên nhiều khó khăn, Vụ Các trường chính trị đã tích cực, chủ động thực hiện tốt các nhiệm vụ được Giám đốc Học viện giao:

Một là, tham mưu cho Giám đốc Học viện và trực tiếp tham gia, phối hợp với các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương dự thảo các văn bản về đào tạo, bồi dưỡng, về công tác trường chính trị và hướng dẫn các trường chính trị thực hiện các văn bản đó. Dưới sự chỉ đạo của Giám đốc Học viện, Vụ đã phối hợp với các cơ quan chức năng thuộc các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương dự thảo, tham mưu với Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa VII ban hành Quyết định số 88-QĐ/TW ngày 5-9-1994 về việc thành lập trường chính trị cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Quyết định số 184-QĐ/TW ngày 3-9-2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thông báo kết luận số 181-TB/TW ngày 3-9-2008 của Ban Bí thư Trung ương khóa X về đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của trường chính trị cấp tỉnh và trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện; Quy định số 164-QĐ/TW của Bộ Chính trị ngày 1-2-2013 về chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; Nghị định số 125/2011/NĐ-CP ngày 30-12-2011 của Chính phủ về trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân... và nhiều văn bản quan trọng khác. Vụ đã tham mưu Giám đốc Học viện ban hành Kế hoạch số 32-KH/HVCT-HCQG ngày 28-11-2008 về đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần Thông báo kết luận số 181-TB/TW và Quyết định số 184-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương khóa X; Hướng dẫn số 03/HD-HVCT-HCQG ngày 15-3-2011 hướng dẫn chương trình để xác nhận trình độ tương đương trung cấp lý luận chính trị theo Quy định số 256-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X.

Hai là, làm tốt công tác tham mưu Giám đốc Học viện trong việc xây dựng chương trình, tổ chức biên soạn, hướng dẫn và thống nhất quản lý chương trình, giáo trình đào tạo hệ trung cấp lý luận chính trị, đó là:

- Chương trình trung cấp lý luận, thực hiện từ năm học 1991-1992.

- Chương trình trung học chính trị (thống nhất chương trình trung cấp lý luận với chương trình trung cấp quản lý hành chính nhà nước), thực hiện từ tháng 7-1996.

- Chương trình đào tạo cán bộ lãnh đạo của Đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân cấp cơ sở (hệ trung cấp lý luận chính trị), thực hiện từ tháng 1-2003.

- Chương trình đào tạo cán bộ lãnh đạo chính trị cấp cơ sở các tỉnh Tây Nguyên (hệ trung cấp lý luận chính trị ngắn hạn), thực hiện từ năm 2005.

- Chương trình đào tạo cán bộ lãnh đạo chính trị cấp cơ sở các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc (hệ trung cấp lý luận chính trị ngắn hạn), thực hiện từ năm 2007.

- Chương trình đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân cấp cơ sở (hệ trung cấp lý luận chính trị - hành chính), thực hiện từ tháng 9-2009.

- Chương trình trung cấp lý luận chính trị - hành chính, thực hiện từ tháng 8-2014.

Các chương trình trên đây được chỉnh sửa, bổ sung theo hướng hiện đại, cập nhật, hướng tới mục tiêu “cơ bản, thiết thực, gắn với thực tiễn” lãnh đạo, quản lý ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu học tập và nghiên cứu của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở. Gắn với mỗi chương trình, Vụ Các trường chính trị đều có hướng dẫn thực hiện cụ thể, chi tiết để các trường thống nhất thực hiện.

Ba là, tham mưu xây dựng và ban hành hệ thống quy chế quản lý đào tạo và hướng dẫn các trường chính trị thực hiện. Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã ra Quyết định số 22-QĐ/HVCTQG ngày 3-11-1998 ban hành các quy chế học tập, công tác ở các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Quyết định số 336-QĐ/HVCTQG ngày 25-6-2004 ban hành quy định tạm thời về tổ chức thao giảng, dự giờ ở các trường chính trị tỉnh, thành phố. Căn cứ vào tình hình mới, ngày 3-2-2010, Giám đốc Học viện đã ra Quyết định số 268/QĐ-HVCT-HCQG ban hành các quy chế, quy định quản lý đào tạo ở các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đây là hệ thống văn bản quản lý tương đối hoàn chỉnh về công tác trường chính trị, bao gồm: Quy chế chiêu sinh; Quy chế học viên; Quy chế chủ nhiệm lớp; Quy chế thi, kiểm tra và xếp loại học tập; Quy chế viết tiểu luận cuối khoá; Quy chế xét công nhận và cấp bằng tốt nghiệp; Quy chế giảng viên; Quy chế hoạt động khoa học của các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Quy định về tổ chức thao giảng, dự giờ ở các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong quá trình thực hiện, Vụ đã tham mưu Giám đốc Học viện ban hành một số hướng dẫn, kịp thời điều chỉnh những điểm còn bất cập, tạo điều kiện thuận lợi cho các trường thực hiện: Hướng dẫn số 05/HD-HVCT-HCQG ngày 13-3-2013 hướng dẫn tổ chức thí điểm Hội thi học viên giỏi lý luận chính trị; Hướng dẫn số 01/HD-HVCT-HCQG ngày 27-1-2014 của Giám đốc Học viện về việc miễn học, miễn thi và bảo lưu kết quả học tập đối với học viên học chương trình đào tạo trung cấp lý luận chính trị - hành chính tại các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trường bộ, ngành; Hướng dẫn số 08/HD-HVCTQG ngày 29-5-2014 của Giám đốc Học viện về việc viết tiểu luận cuối khóa và thi tốt nghiệp chương trình đào tạo trung cấp lý luận chính trị - hành chính... Lãnh đạo và cán bộ của Vụ đã trực tiếp làm việc với hầu hết các trường chính trị, trường bồi dưỡng cán bộ của các bộ, ngành về việc thực hiện chương trình, giáo trình, quy chế quản lý đào tạo, giúp Học viện quản lý chương trình đào tạo của các trường được chặt chẽ, nghiêm túc, kịp thời điều chỉnh các vấn đề bất cập có liên quan.

Bốn là, tham mưu Giám đốc Học viện và hướng dẫn các trường chính trị đào tạo, bồi dưỡng giảng viên, đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập; soạn giáo án; tổ chức thao giảng, dự giờ; tổ chức hội thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc; tổ chức lấy ý kiến phản hồi từ người học.

Vụ đã phối hợp với các đơn vị chức năng của Học viện tổ chức được hơn 200 lớp đào tạo, bồi dưỡng giảng viên về chương trình, giáo trình, cập nhật kiến thức, phương pháp dạy học tích cực, kinh điển Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh... với trên 15 nghìn lượt cán bộ, giảng viên các trường chính trị tham gia, góp phần trực tiếp nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên và chất lượng học tập của học viên. Đặc biệt, Vụ đã tham mưu Giám đốc Học viện tổ chức thành công 5 kỳ Hội thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các trường bồi dưỡng cán bộ bộ, ngành với gần 700 lượt giảng viên tham gia. Kỳ thi gần đây nhất được tổ chức vào cuối năm 2014 với 100% trường chính trị cấp tỉnh tham gia, nhiều nội dung mới, cách thức tổ chức mới với bộ Quy chế Hội thi chặt chẽ, khoa học, hài hoà giữa phần thi và phần hội, được các trường đánh giá cao, tạo động lực và khí thế thi đua mới trong toàn hệ thống trường chính trị.

Năm là, nghiên cứu khoa học, hướng dẫn và tư vấn cho các trường chính trị nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn. 25 năm qua, Vụ Các trường chính trị đã được Giám đốc Học viện giao cho thực hiện nhiều đề án, đề tài nghiên cứu khoa học, như: Đề án thành lập trường chính trị cấp tỉnh; Đề án nghiên cứu, xây dựng các chương trình đào tạo, biên soạn các bộ giáo trình; đề tài: Những cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng ở trường đảng tỉnh, thành phố; Những luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc hình thành chương trình trung cấp lý luận chính trị trong các trường đào tạo cán bộ của Đảng và Nhà nước ở tỉnh, thành phố đến năm 2000; Những căn cứ lý luận, thực tiễn xác định nội dung chương trình đào tạo cán bộ chủ chốt cơ sở miền núi đáp ứng yêu cầu của cách mạng trong giai đoạn hiện nay; Phương thức đào tạo cán bộ ở các trường chính trị tỉnh, thành phố trong thời kỳ mới; Nghiên cứu, biên soạn khung, đề cương chi tiết, giáo trình trung cấp lý luận chính trị - hành chính dành cho các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng mô hình chuẩn trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương...

Vụ còn chủ trì và tham gia nghiên cứu hàng chục đề tài cấp bộ, cấp cơ sở và nhiệm vụ khoa học khác. Bên cạnh đó, Vụ đã phối hợp với các trường tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm khoa học. Đáng chú ý là một số cuộc hội thảo lớn có sự tham gia của nhiều trường chính trị trong cả nước như: cùng với Trường Chính trị tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức Hội thảo khoa học “Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong trường chính trị tỉnh” thu hút hơn 20 trường chính trị tham gia; phối hợp với Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội thảo khoa học “Đổi mới công tác quản lý nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở các trường chính trị khu vực Bắc Trung Bộ” thu hút 11 trường chính trị tham gia.

Sáu là, tham mưu với Học viện tổng kết công tác trường chính trị hàng năm, triển khai nhiệm vụ năm học mới, đánh giá thi đua - khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Kịp thời tham mưu hiệp y khen thưởng với Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đối với các trường hợp khen cao. Tham gia tổ chức các kỳ Đại hội thi đua yêu nước của Học viện và hệ thống trường chính trị. Vụ đã tham mưu Giám đốc Học viện tổ chức tốt các chương trình gặp mặt nguyên hiệu trưởng, nguyên phó hiệu trưởng các trường chính trị nghỉ hưu trong năm, để lại những tình cảm sâu sắc.

Bảy là, xây dựng đội ngũ. 25 năm qua, đội ngũ lãnh đạo, công chức, viên chức của Vụ không ngừng được củng cố và trưởng thành. Những ngày đầu thành lập, Vụ có 8 cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức, trong đó có 1 PGS, 1 TS, 1 NCS và một số cử nhân. Đến nay, Vụ có 12 cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có 1 PGS,TS, 3 TS, 2 giảng viên cao cấp, 1 NCS, 4 ThS, 2 cao học, 2 cử nhân. Về tổ chức bộ máy, Vụ có 3 phòng chức năng: Phòng Hành chính - Tổng hợp, Phòng Quản lý chương trình, Phòng Giảng viên.

Ghi nhận những thành tích đạt được trong những chặng đường đã qua, Vụ Các trường chính trị đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba (2009), Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen (2002), Cờ thi đua của Chính phủ (2014), Cờ thi đua cấp Bộ của Học viện (2014) và hàng chục Bằng khen của Giám đốc Học viện, của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng... Nhiều năm liên tục, Chi bộ Vụ đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh, xuất sắc; đơn vị đạt danh hiệu Tập thể lao động tiên tiến, Tập thể lao động xuất sắc. Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 25 năm ngày thành lập, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Học viện đã đề nghị với Đảng và Nhà nước tặng thưởng Vụ Các trường chính trị Huân chương Lao động hạng Nhì.

Phát huy thành tích đã đạt được, trong thời gian tới Vụ Các trường chính trị tập trung tham mưu Giám đốc Học viện chỉ đạo thực hiện có hiệu quả việc cập nhật kiến thức mới của chương trình trung cấp lý luận chính trị - hành chính; xây dựng chương trình bồi dưỡng chức danh; chỉnh sửa, bổ sung bộ quy chế, quy định về quản lý đào tạo; bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, giảng viên; hướng dẫn nghiệp vụ và các hoạt động khoa học của các trường; xây dựng mô hình chuẩn trường chính trị cấp tỉnh; vấn đề chế độ, chính sách đối với các trường... góp phần tích cực vào sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của hệ thống chính trị ở cơ sở trên phạm vi cả nước.

____________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 3-2015

 

 PGS,TS Nguyễn Văn Thắng

Vụ Các trường Chính trị

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền