Trang chủ    Đào tạo - Bồi dưỡng    Công tác lưu trữ tư liệu của Viện Lịch sử Đảng phục vụ nghiên cứu, giảng dạy
Thứ sáu, 01 Tháng 4 2016 11:14
3818 Lượt xem

Công tác lưu trữ tư liệu của Viện Lịch sử Đảng phục vụ nghiên cứu, giảng dạy

(LLCT) - Trải qua gần 55 năm xây dựng và phát triển, Viện Lịch sử Đảng đã khai thác, bảo quản và lưu trữ hơn 26.000  tư liệu. Chính nhờ nguồn tư liệu phong phú, chính xác, công tác nghiên cứu và giảng dạy của Viện đã đạt được những kết quả quan trọng. Công tác lưu trữ tư liệu của Viện đã thực sự trở thành một trong hai “lá phổi” của ngành khoa học Lịch sử Đảng.

Tư liệu lịch sử là di sản văn hoá của quốc gia. Việc lưu trữ, bảo quản nguồn di sản văn hóa quý giá này là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Nhận thức được những giá trị to lớn đó, ngay sau khi giành được độc lập, Đảng và Chính phủ đặc biệt quan tâm công tác lưu trữ tài liệu nói chung, tài liệu về Đảng nói riêng. Ngày 3-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ ký Thông đạt số 1- C/VP khẳng định: những công văn, hồ sơ cũ có giá trị đặc biệt về phương diện kiến thiết quốc gia, việc hủy bỏ những tài liệu này là hành động có tính phá hoại. Thông đạt yêu cầu các sở phải giữ gìn tất cả các công văn, tài liệu và cấm được huỷ. Những công chức không tuân lệnh sẽ bị nghiêm trị(1). Ngày 8-9-1959, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Thông tri số 259-TT/TW về công tác lưu trữ công văn, tài liệu, khẳng định vai trò quan trọng của công tác lưu trữ tài liệu về Đảng và Nhà nước đối với  sự nghiệp cách mạng của dân tộc.  

Đối với khoa học Lịch sử Đảng, ngày 24-1-1962, Bộ Chính trị ra Nghị quyết 41- NQ/TW thành lập Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương, trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương và quy định nhiệm vụ cụ thể:

Một là, sưu tầm, xác minh và tổ chức việc lưu trữ, bảo quản các tài liệu và văn kiện về lịch sử Đảng.

Hai là, nghiên cứu, biên soạn các vấn đề về lịch sử Đảng và tiến tới biên soạn cuốn Lịch sử Đảng.

Ba là, giúp đỡ ý kiến và cung cấp tài liệu cho cán bộ nghiên cứu và giảng dạy Lịch sử Đảng ở các trường, các lớp của Đảng và của các ngành.

Bốn là, hướng dẫn và giúp đỡ các đảng bộ địa phương trong việc nghiên cứu và biên soạn lịch sử của đảng bộ địa phương.

Năm là, giúp Trung ương sưu tầm tài liệu và tổ chức thảo luận các vấn đề tổng kết lịch sử Đảng.

Sáu là, nghiên cứu và góp phần dự thảo lịch sử phong trào cộng sản và công nhân quốc tế theo sự phân công của các hội nghị quốc tế về nghiên cứu lịch sử Đảng.

Để thực hiện được những nhiệm vụ trên, Bộ Chính trị cho phép Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng: Tập trung và bảo quản tài liệu, văn kiện, hồ sơ về lịch sử Đảng; được nghiên cứu, sao chép tài liệu về lịch sử Đảng; được nhận và giữ các văn kiện chính thức của Đảng; được cử cán bộ đi dự các cuộc hội nghị phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách do Trung ương triệu tập và các cuộc hội nghị lớn của các ngành; được hỏi về những vấn đề có liên quan đến lịch sử Đảng ở các địa phương; được liên lạc với các viện hoặc Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng của các Đảng Cộng sản và công nhân anh em để trao đổi kinh nghiệm và tài liệu.

Bộ Chính trị cử đồng chí Trường Chinh, Uỷ viên Bộ Chính trị làm Trưởng ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương.

Là người đặt nền móng đầu tiên xây dựng bộ máy, tổ chức của Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương, đồng chí Trường Chinh đã khẳng định rõ công tác tư liệu là một trong hai công tác chính của Ban. Đồng chí cho rằng, công tác tư liệu và công tác nghiên cứu như “hai lá phổi” của ngành lịch sử Đảng. Tại Hội nghị Ban nghiên cứu Lịch sử Đảng ở miền Nam (3-1978), đồng chí Trường Chinh nhấn mạnh: Tư liệu là cơ sở, là nguồn sống của công tác nghiên cứu lịch sử nói chung và lịch sử Đảng nói riêng...(2) Với ý nghĩa quan trọng đó, bộ máy tổ chức làm công tác tư liệu (Vụ Tư liệu) được thành lập cùng với bộ phận làm công tác nghiên cứu ngay từ khi thành lập Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương.

Trải qua gần 55 năm xây dựng và phát triển với nhiều lần thay đổi tên gọi và tổ chức bộ máy (từ Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương đến Viện Lịch sử Đảng ngày nay), đội ngũ những người làm công tác tư liệu, qua các thế hệ đã khai thác, bảo quản và lưu trữ hơn 26.000  tư liệu, trong đó chủ yếu là tư liệu thành văn. Đây là những tư liệu có giá trị, được sao chép (viết tay, đánh máy, copy, chụp ảnh) từ các kho lưu trữ Trung ương Đảng, lưu trữ Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, các tỉnh thành, kể cả lưu trữ của nước ngoài.

Đối với khối tư liệu hồi ký, Viện cử cán bộ liên hệ trực tiếp với từng cá nhân để đặt bài viết hoặc phỏng vấn (có ghi âm) về các chủ đề mà các nhân vật lịch sử, các nhân chứng lịch sử hiểu biết sâu sắc.

Khối tư liệu trên được chỉnh lý, phân loại, sắp xếp, lưu trữ theo một phương pháp khoa học, thống nhất theo thời kỳ lịch sử và theo chuyên đề. Tư liệu được tổ chức thành hệ thống theo từng chủ đề, được sắp xếp theo trình tự thời gian. Cách sắp xếp này giúp việc tra cứu, tìm tư liệu, phục vụ bạn đọc được nhanh chóng, chính xác. Hiện nay, số tư liệu của Viện được lưu trữ, bảo quản tại 25 phông thành phần và phông chuyên đề như sau:

1. Phông thành phần tài liệu các tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam

2. Phông thành phần Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương, Ban Bí thư, Bộ Chính trị

3. Phông thành phần cá nhân (Hồ Chí Minh, Trần Phú, Hà Huy Tập, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng,…) 

4. Phông thành phần về cách mạng miền Nam

5. Phông thành phần hồi ký của các cán bộ lão thành cách mạng

6. Phông thành phần các tờ báo (trong đó có một số tờ báo xuất bản trước năm 1930 như tờ Le Paria,…)

7. Phông thành phần Xứ uỷ, Khu uỷ, Tỉnh uỷ, Huyện uỷ.

8. Phông thành phần tài liệu phản diện (1919-1945)

9. Phông thành phần Văn phòng Trung ương

10. Phông thành phần công tác tuyên huấn

11. Phông thành phần công tác văn nghệ (khoa giáo)

12. Phông thành phần công tác Mặt trận (dân vận, dân tộc, chính quyền)

13. Phông thành phần kinh tế - kế hoạch (công nghiệp, nông nghiệp, cải cách ruộng đất).

14. Phông thành phần Nhà nước

15. Phông thành phần về đối ngoại

16. Phông thành phần Lào-Miên-Thái

17. Phông thành phần Quốc tế cộng sản

18. Phông thành phần chiến tranh biên giới

19. Phông thành phần ATK

20. Phông chuyên đề về tư liệu ảnh các chiến sĩ cách mạng ta bị địch bắt

21. Phông thành phần tài liệu tham khảo của tác giả nước ngoài viết về hai cuộc chiến tranh ở Việt Nam.

22. Phông chuyên đề về Xô viết Nghệ-Tĩnh

23. Phông chuyên đề về Cách mạng tháng Tám

24. Phông chuyên đề về Hội nghị Giơnevơ

25. Phông chuyên đề về nhà tù của thực dân đế quốc

Ngoài các phông tư liệu nêu trên, kho tư liệu của Viện Lịch sử Đảng còn lưu trữ nhiều tư liệu được chụp bằng Micrôfiml, hàng trăm bức ảnh về một số đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, về phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân ở một số địa bàn, một số di tích, nơi xảy ra các sự kiện lịch sử,… Đây cũng là những tư liệu hết sức quý giá liên quan tới lịch sử Đảng và lịch sử cách mạng của dân tộc.

Trong những năm gần đây, bên cạnh các tư liệu lưu trữ theo phương pháp truyền thống, Viện còn tập trung khai thác và lưu trữ được một số tư liệu định dạng số (các fille văn bản, fille ảnh, fille ghi âm, fille video). Viện Lịch sử Đảng đang sử dụng phần mềm quản lý tài liệu lưu trữ do Trung tâm tin học, Cục lưu trữ Nhà nước xây dựng và được cải tiến cho phù hợp với loại hình tài liệu của Viện.

Những tư liệu lưu trữ nói trên đã giúp cho Viện lịch sử Đảng tổ chức nghiên cứu, biên soạn hàng trăm công trình, đề tài khoa học, như: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam tập 1, tập 2, tập 3; Lịch sử Xứ ủy Nam Bộ và Trung ương Cục miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975 ); Lịch sử Chính phủ Việt Nam (1945-2005); Lịch sử phong trào nông dân và Hội nông dân Việt Nam (1930- 2015); Lịch sử phong trào công nhân và Công đoàn Việt Nam; Lịch sử đấu tranh của các chiến sĩ cộng sản trong nhà tù Côn Đảo, nhà tù Hoả Lò, nhà đày Ban Mê Thuột, nhà đày Sơn La; Tổng kết công tác xây dựng Đảng trong các nhà tù, trại giam của địch trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), v.v.

Các tư liệu lưu trữ của Viện thường xuyên phục vụ việc nghiên cứu, giảng dạy của các nhà khoa học, giảng viên và học viên các học viện, nhà trường trong cả nước, trong đó có cả các nhà nghiên cứu nước ngoài.

Nguồn tư liệu của Viện còn được sử dụng để xác minh một số nhân vật và sự kiện lịch sử. Trong năm 2014, Viện Lịch sử Đảng đã công bố 2 văn kiện quan trọng trên Tạp chí Lịch sử Đảng về quan điểm của Việt Nam tại Hội Nghị Fontainebleau và Hội nghị Genève trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Trên chặng đường gần 55 năm xây dựng và phát triển, Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương trước đây và Viện Lịch sử Đảng ngày nay đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ Trung ương giao. Trong đó, công tác lưu trữ tư liệu đã thực sự trở thành một trong hai “lá phổi” của ngành khoa học Lịch sử Đảng. Chính nhờ nguồn tư liệu phong phú, chính xác, công tác nghiên cứu và giảng dạy của Viện đã đạt được những kết quả quan trọng.

____________

(1) Thông đạt số 1-C/VP ngày 3-1-1946 do Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký, lưu tại Viện Lịch sử Đảng.

(2) Báo cáo về công tác tư liệu, tại Hội nghị các Ban nghiên cứu lịch sử Đảng địa phương tháng 5-1981, tr.7, lưu tại Viện Lịch sử Đảng.

 

TS Nguyễn Danh Lợi

Viện Lịch sử Đảng,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền