Trang chủ    Đào tạo - Bồi dưỡng    Công nghệ thông tin với nâng cao hiệu quả giảng dạy môn Giáo dục công dân hiện nay
Thứ hai, 11 Tháng 4 2016 10:55
4245 Lượt xem

Công nghệ thông tin với nâng cao hiệu quả giảng dạy môn Giáo dục công dân hiện nay

(LLCT) - Nguồn lực con người là yếu tố hạt nhân, là động lực chính của tiến trình CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế. Môn giáo dục công dân (GDCD) giữ vai trò quan trọng trong việc tạo ra nguồn nhân lực cho đất nước. Nhằm giáo dục nên thế hệ những con người mới có tính năng động, sáng tạo, thích ứng với cơ chế thị trường, có phẩm chất và năng lực để thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở nước ta hiện nay và phù hợp với xu thế phát triển chung của thời đại. Do đặc thù của môn học, người thày có vai trò đặc biệt quan trọng đối với hiệu quả giáo dục. Trong bối cảnh hiện nay, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào việc nghiên cứu, nhằm nâng cao trình độ, kỹ năng, nghiệp vụ của đội ngũ giáo viên đang là vấn đề được các nhà quản lý, nhà giáo dục quan tâm.

1. Công nghệ thông tin đối với giáo dục - đào tạo hiện nay

Những thành tựu của khoa học - công nghệ (KHCN) đã và đang tác động mạnh mẽ, làm thay đổi hình thức và nội dung các hoạt động kinh tế, văn hóa và xã hội của loài người. Nhiều ý kiến cho rằng, một số quốc gia phát triển đã bắt đầu chuyển dần từ văn minh công nghiệp sang văn minh trí tuệ. Các quốc gia đang phát triển (trong đó có Việt Nam) tích cực áp dụng những tiến bộ của KHCN, đặc biệt là CNTT để phát triển và hội nhập.

Đối với giáo dục và đào tạo, CNTT đã góp phần tạo ra cú hích lớn làm thay đổi nội dung, phương thức dạy và học. CNTT là phương tiện hữu hiệu góp phần xây dựng “xã hội học tập”. Mặt khác, giáo dục và đào tạo đóng vai trò quan trọng thúc đẩy sự phát triển của CNTT thông qua việc cung cấp nguồn nhân lực cho lĩnh vực đó. Hội nghị Trung ương 2 khoá VIII (12-1996) nhận định: “Cùng với giáo dục - đào tạo, khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động  lực phát triển kinh tế - xã hội, là điều kiện cần thiết để giữ vững độc lập dân tộc và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội”(1).

CNTT làm cho số lượng tri thức nhân loại tăng lên một cách “chóng mặt”, đồng nghĩa với việc đó là phương pháp dạy học truyền thống (phấn trắng, bảng đen, thầy đọc trò ghi...) không còn giữ vị trí độc tôn và thuần tuý được nữa. Do vậy, nghiên cứu đổi mới phương pháp giảng dạy bằng việc sử dụng hiệu quả CNTT đang là một nhu cầu cấp bách trên phạm vi toàn cầu. Trong các trường học ở nước ta, việc sử dụng các bài giảng điện tử (BGĐT) kết hợp với phương pháp giảng dạy truyền thống đang từng bước được nghiên cứu và triển khai ứng dụng, bước đầu mang lại kết quả khả quan.

2. Ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục công tác

Một người giáo viên chân chính và tâm huyết với nghề luôn tự biết rằng những gì mình được trang bị trên ghế nhà trường chưa thể là hành trang duy nhất, đầy đủ để họ đứng trên bục giảng với tư cách “người thầy” mà chỉ xem đó  là “vốn” tối thiểu phải có khi bước vào nghề. Trong quá trình tác nghiệp lâu dài, người thầy phải điều chỉnh, bổ sung làm gia tăng nguồn “vốn” của mình, vươn tới sự hoàn thiện, “giàu có”. Người giáo viên, không có con đường nào khác là  phải không ngừng học tập, nghiên cứu, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của xã hội mà trực tiếp là người học. Học tập, nghiên cứu (đặc biệt là tự học, tự nghiên cứu) luôn là nhu cầu chính đáng và cũng là yêu cầu bức thiết mà xã hội đặt ra đỗi với đội ngũ giáo viên, đặc biệt là giáo viên GDCD. Những kiến thức quan trọng trong môn GDCD thuộc ba lĩnh vực cơ bản:  Đạo đức, Pháp luật, Kỹ năng sống.

Luật pháp của nước ta về bản chất đó là sự phản ánh bản chất của Nhà nước Việt Nam XHCN, của dân, do dân và vì dân. Tuy vậy, để phù hợp với tình hình cụ thể của đất nước ở từng giai đoạn, hệ thống luật pháp của nước ta có những thay đổi và luôn được bổ sung, hoàn thiện, đòi hỏi người giáo viên GDCD luôn phải cập nhật thông tin mới nhất, chính xác nhất.

Kỹ năng sống là nội dung kiến thức không thể thiếu nhằm trang bị khả năng thích nghi và hành vi tích cực cho phép cá nhân có khả năng đối phó hiệu quả với nhu cầu và thách thức của cuộc sống hàng ngày. Kỹ năng sống có thể hiểu là một tập hợp những khả năng được rèn luyện và đáp ứng các nhu cầu cụ thể của cuộc sống hiện đại. Khi giảng dạy nhóm kiến thức về kỹ năng sống, kinh nghiệm thực tiễn của người thầy là chưa đủ, nhất là đối với những giáo viên trẻ. Do vậy, người giáo viên phải tìm tòi, học hỏi từ việc chia sẻ thông tin, cập nhật kiến thức.

Những chuẩn mực đạo đức, nhất là đạo đức truyền thống là di sản vô giá mà các thế hệ ông cha đã trao truyền và vun đắp. Truyền thống yêu nước, thương nòi, cần cù trong lao động, trung thực, thẳng thắn, vượt khó, hiếu học... cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Người giáo viên GDCD cần tiếp tục bồi dưỡng, khắc sâu cho người học những giá trị đạo đức quý báu đó. Tuy nhiên, tiếp cận ở góc độ nào, dùng biện pháp nào để giáo dục sao cho không khiên cưỡng, có hiệu quả cao, đi vào tâm khảm người học một cách tự nguyện, biến thành tư tưởng và hành động của các em lại là cả một nghệ thuật đòi hỏi người thầy phải đồng cảm với các em, hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của các em. Người giáo viên phải tự trang bị cho mình những hiểu biết, kỹ năng ấy...

Một trong những nguồn thông tin phong phú, được khai thác nhanh chóng, thuận tiện nhất là từ Internet. Trong thời đại “bùng nổ thông tin” hiện nay, từ đồng bằng, đô thị cho đến miền núi, hải đảo, chỉ cần một vài từ khóa liên quan đến nội dung cần tra cứu, một cú nhấp chuột, là có thể có cả một kho tư liệu khổng lồ để tham khảo.

Rõ ràng, CNTT có thể trở thành một công cụ hữu ích cho các giáo viên  GDCD tự nghiên cứu, nâng cao trình độ. Tất nhiên, việc khai thác thông tin từ Internet cũng cần cẩn trọng vì đó là những nguồn thông tin đa chiều, cần được xử lý bởi trình độ hiểu biết của người giáo viên...

Trong giảng dạy nói chung, môn GDCD nói riêng, có rất nhiều phần mềm tin học có thể ứng dụng để xây dựng các bài giảng điện tử (như Powerpoint, Harvard Graphics, WordPerfct Presentation, Free Lance Graphics, Compel,...). Đây là những phần mềm thông dụng, dễ sử dụng và rất hiệu quả.  Trong môi trường dạy học trực tuyến còn có các phần mềm (như EXE, Authoring Tools,...) Các phần mềm này có thể dùng trong giảng dạy truyền thống hay giảng dạy qua mạng. Nó cho phép giáo viên lập kế hoạch cho môn học và biên soạn bài giảng với nhiều tính năng đa dạng, tiện lợi. Đồng thời nó cũng giúp cho việc biên soạn các bài kiểm tra cho từng môn học, hoặc bài học một cách trực quan, sinh động.

Tuy nhiên hiện nay, phần mềm được sử dụng phổ biến nhất là Powerpoint. Powerpoint cho phép thiết kế ở diện rộng, giáo viên trình bày nội dung một cách lôgíc, dẫn dắt học sinh đi sâu vào từng vấn đề cụ thể. Giáo viên có thể dùng tư­ liệu thu đ­ược nh­ư: băng hình, hình vẽ tranh ảnh cùng với chữ viết d­ưới dạng câu hỏi, bài tập... cho xuất hiện lần lượt trên phông nền có kiểu cách và màu sắc đa dạng, gây ấn tư­ợng mạnh cho người học.

Các hình ảnh, sơ đồ, nội dung của các câu hỏi, bài tập có thể lần lư­ợt xuất hiện trên màn hình theo tiến trình dạy - học, cũng có thể sử dụng âm thanh lời nói, nhạc nền phụ họa cho bài giảng.

Giáo viên có thể kết nối các slide trong từng phần của nội dung dạy - học để tạo thành một chư­ơng trình theo hình thức tự động phân hóa hoàn toàn, hoặc tự điều khiển, giúp giáo viên hoàn toàn chủ động trong giảng dạy để đạt đ­ược hiệu quả cao nhất.

Tuy nhiên, mọi nguồn thông tin (hình ảnh, âm thanh, chữ viết), cách sắp xếp chúng, kịch bản, lời thuyết minh cho thông tin ấy lại phụ thuộc vào giáo viên khi thiết kế. Cụ thể giáo viên cần thực hiện các bước:

- Lựa chọn nội dung thông tin cần thể hiện trong các trang minh họa, vấn đề này đòi hỏi ng­ười giáo viên phải có sự chuẩn bị kỹ tr­ước khi xây dựng nội dung bài giảng.

- Chia nhỏ nội dung thông tin thành các phần. Nghiên cứu xem nội dung cần truyền tải có thể chia nhỏ bao nhiêu, việc ngắt nội dung ở đâu là hợp lý. Người giảng cần đặc biệt chú ý, các trang trình chiếu chỉ làm nhiệm vụ hỗ trợ cho việc giảng dạy, nó không thể thay thế được vai trò của người dạy, nó cũng không thể thay thế hoàn toàn phấn trắng, bảng đen. Cần tránh lạm dụng công nghệ, không được cho rằng chiếu các nội dung  lên và giới thiệu qua là được. Yêu cầu quan trọng là giáo viên phải xây dựng kịch bản hợp lý, dùng hình ảnh để minh họa cho nội dung để người học chủ động tích cực lĩnh hội kiến thức.

Đồng thời phải tránh tình trạng “bình mới rượu cũ”, nghĩa là thay thế cách truyền thống đọc - chép (thầy đọc, trò ghi), ghi - chép (thầy ghi bảng, trò chép) bằng chiếu - chép (thầy chiếu, trò chép).

Trong quá trình thực hiện nên lựa chọn tối đa đối t­ượng có sẵn (văn bản, hình ảnh, mô hình, âm thanh) để minh họa cho nội dung thông tin truyền đạt. Đây là “sức mạnh” của bài giảng điện tử so với bài giảng truyền thống. Tất cả các hình ảnh, âm thanh đều có thể chèn vào các slide.

Cùng với sử dụng hiệu quả các hiệu ứng hình ảnh, âm thanh, việc khai thác các tài nguyên (văn bản, hình ảnh, mô hình) cũng rất quan trọng, góp phần làm cho bài giảng sinh động và hấp dẫn người học sinh. Với công việc này có thể sử dụng máy quét ảnh, máy ảnh số, camera, các phần mềm hỗ trợ xử lý dữ liệu (như Snagit, Ulead VideoStudio, PhotoShop, Flash) để tạo ra các loại tư liệu minh họa hoặc khai thác nguồn tài liệu từ internet.

Ứng dụng CNTT trong giáo dục là xu thế tất yếu hiện nay. Đặc biệt là hiện nay, khi các môn khoa học xã hội nói chung, môn GDCD nói riêng thiếu sức hấp dẫn, cuốn hút đối với người học và việc học tập môn này không được thực sự chú trọng, thì việc ứng dụng KHCN, trước hết là CNTT để nâng cao trình độ, nghiệp vụ và giảng dạy là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, CNTT cũng có tính hai mặt của nó, cho nên người dạy cần phải biết mềm dẻo, linh hoạt khi sử dụng.

Gần đây, những biểu hiện tiêu cực về đạo đức, lối sống, thậm chí là  phạm tội trong giới trẻ, nhất là học sinh, sinh viên có chiều hướng gia tăng. Nguyên nhân có từ nhiều phía, song phải chăng việc GDCD của chúng ta cần  phải được nghiêm túc xem xét? GDCD trong nhà trường liệu có hiệu quả thực sự khi mà tâm lý của đa số phụ huynh và học sinh vẫn chỉ xem đó là môn phụ, không cần học hoặc học qua loa đối phó, thiếu hứng thú? Ứng dụng CNTT vào việc nâng cao chất lượng giáo viên GDCD đang là vấn đề mang tính thời sự, đòi hỏi các cơ quan, các nhà quản lý giáo dục quan tâm.

________________

(1) PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc (Chủ biên): Các đại hội đại biểu toàn quốc và hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (1930-2006), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.582.

 

ThS Nguyễn Thị Thu Hương

 Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền