Trang chủ    Đào tạo - Bồi dưỡng    Thực trạng liên kết đào tạo nhân lực ở các tỉnh duyên hải miền Trung
Thứ ba, 31 Tháng 5 2016 09:29
3273 Lượt xem

Thực trạng liên kết đào tạo nhân lực ở các tỉnh duyên hải miền Trung

(LLCT) - Vùng duyên hải miền Trung (DHMT) gồm các tỉnh, thành phố: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa với tổng diện tích tự nhiên là 38.236,4 km², dân số hơn 8.186,8 nghìn người (2013), chiếm 11,54% diện tích và gần 10,1% dân số toàn quốc.

Toàn vùng hiện có 6 khu kinh tế, 34 khu công nghiệp. Theo quy hoạch phát triển giai đoạn 2011 - 2020 sẽ có 42 khu công nghiệp, 1 khu công nghệ cao. Đặc biệt, trong vùng có các tỉnh, thành nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Với xu hướng đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu tăng trưởng; trong tương lai gần, nhu cầu nhân lực có trình độ kỹ thuật phục vụ cho quá trình công nghiệp hóa là rất lớn. Theo thống kê, toàn vùng hiện có 5,8 triệu người trong độ tuổi từ 15 trở lên (chiếm 71% dân số). Xét về số lượng, đây là lợi thế so với các vùng khác trong cả nước, nhưng về cơ cấu và chất lượng thì lao động trong lĩnh vực nông nghiệp còn chiếm tỷ lệ cao (gần 50% tổng số lao động), phần lớn lao động chưa qua đào tạo (chiếm 56,48%), tỷ lệ lao động lành nghề thấp.

Để đào tạo nhân lực phục vụ quá trình phát triển, các tỉnh, thành vùng DHMT trong thời gian qua không ngừng phát triển về số lượng, nâng cấp các cơ sở đào tạo từ đại học đến cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề. Đến nay, toàn vùng có 27 trường đại học, 36 trường cao đẳng, 21 trường trung cấp chuyên nghiệp, 242 trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề và trung tâm dạy nghề (chưa kể các cơ sở đào tạo khác đặt cơ sở đào tạo tại các địa phương). Trong đó, tập trung chủ yếu ở hai trung tâm đào tạo lớn của miền Trung - Tây Nguyên là Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng. So với cả nước, vùng DHMT có số lượng và mật độ các trường đào tạo tương đối cao, chỉ đứng sau vùng đồng bằng sông Hồng và vùng Đông Nam Bộ.

Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tế nguồn nhân lực thì giữa đào tạo và sử dụng chưa có sự tương thích. Nếu so với tiêu chí về tỷ lệ đào tạo nhân lực của Quỹ dân số Liên Hợp quốc: 1 đại học, cao đẳng - 4 trung cấp - 10 công nhân kỹ thuật, thì vùng DHMT đang mất cân đối trong đào tạo, khi phần lớn các cơ sở đào tạo tập trung chủ yếu vào nhóm đại học, cao đẳng.

Cơ cấu ngành nghề đào tạo của vùng DHMT còn nhiều điểm chưa hợp lý. Đối với các cơ sở dạy nghề, nhóm các ngành nghề được nhiều cơ sở lựa chọn đào tạo nhất là: điện - điện tử - điện lạnh (46,9%), cơ khí (40,6%), du lịch - khách sạn - nhà hàng (31,2%), kế toán (21,9%), máy tính - công nghệ thông tin (21,9%)(1).

Quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế đang tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về cơ cấu ngành nghề trong toàn vùng, xuất hiện ngày càng nhiều ngành, nghề mới đòi hỏi sử dụng công nghệ cao. Các cơ sở đào tạo đã chú trọng vào xu hướng chuyển biến này nhưng vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu thực tế, do các cơ sở đào tạo chưa được đầu tư theo chiều sâu, dẫn đến kết quả đào tạo vừa thừa, vừa thiếu. Nội dung chương trình đào tạo chủ yếu giảng dạy lý thuyết, hạn chế thực hành, nên lao động được đào tạo khi ứng dụng vào thực tế hiệu quả không cao, nhiều cơ sở sản xuất phải đào tạo lại. Các cơ sở đào tạo nghề chủ yếu tập trung đào tạo ngắn hạn, với các ngành nghề đơn giản, như: điện dân dụng, cơ khí gò hàn, may công nghiệp, lễ tân khách sạn, dịch vụ buồng phòng; các ngành hàm lượng công nghệ cao: bảo dưỡng, sửa chữa lắp ráp các thiết bị chính xác, cơ khí chế tạo máy, hàn công nghệ cao; các nghề thuộc lĩnh vực tự động hóa ngày càng phát triển lại ít được chú trọng, do đó chưa đáp ứng được nhu cầu của các ngành nghề mới của vùng trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những bất cập trong đào tạo nguồn nhân lực ở vùng DHMT, nhưng những nguyên nhân chủ yếu là:

 Một là, chậm đổi mới nội dung chương trình, ngành nghề đào tạo. Trên thực tế, trong thời gian qua, các cơ sở đào tạo trong vùng chủ yếu đang đào tạo theo thế mạnh vốn có, những ngành nghề đã có truyền thống như: sư phạm, khoa học cơ bản, xã hội nhân văn.v.v. , chưa có sự đổi mới nội dung, chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu của xã hội.

Hai là, chưa có một cơ sở pháp lý ràng buộc các cơ sở đào tạo theo nhu cầu xã hội. Tính ràng buộc khả dĩ nhất là đào tạo theo địa chỉ sử dụng, cử tuyển và liên kết giữa các trường với địa phương. Nhìn chung, những đối tượng và hình thức đào tạo này chất lượng không cao, chỉ có tính giáo dục đại trà, mang tính đại chúng, chưa thật sự hướng vào đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Sự liên kết giữa các cơ sở đào tạo với nhau, hay giữa cơ sở đào tạo với đơn vị sử dụng lao động vẫn là do hai bên tự đàm phán, sự hỗ trợ thông qua tổ chức trung gian, thông qua hội thảo, hội nghị gần như chưa có. Hệ quả là không nắm bắt được thông tin, thiếu tính khả thi trong dự báo nhu cầu nhân lực của toàn vùng nói chung, của các địa phương nói riêng.

Ba là, liên kết đào tạo trong vùng chưa được chú trọng đúng mức. Trong vùng có nhiều ngành, nghề có thể liên kết với nhau để đào tạo, nhưng do giữa các cơ sở đào tạo thiếu tiếng nói chung nên trong liên kết đào tạo còn nhiều bất cập. Qua khảo sát các cơ sở đào tạo cho thấy,  có 12,2% chọn các trường cùng tỉnh để liên kết đào tạo, 19,5% chọn các trường trong vùng để liên kết; 65,9% chọn các trường ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh để liên kết đào tạo(#2).  Ở nhiều cơ sở đào tạo, mục đích của quá trình liên kết chưa thực sự chú trọng đến nâng cao chất lượng đào tạo, mà chủ yếu đa dạng hóa các loại hình, mở rộng quy mô đào tạo.

Mặt khác, liên kết giữa cơ sở đào tạo với các đơn vị sử dụng lao động còn nhiều vướng mắc. Có nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do các bên tham gia chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của sự liên kết, chưa có sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý nhà nước. Qua khảo sát, chỉ có 61% cơ sở đào tạo và 65,6% cơ sở dạy nghề có sự liên kết đào tạo theo địa chỉ (đào tạo cho đơn vị sử dụng lao động, địa phương). Trong đó, các hình thức liên kết chủ yếu là mở lớp đào tạo chứng chỉ, cung cấp nguồn nhân lực theo đặt hàng, mở lớp riêng cho đơn vị sử dụng lao động hoặc mở lớp tập huấn, chuyển giao công nghệ(3). Nhìn chung, hình thức liên kết giữa các cơ sở đào tạo còn đơn điệu; các hoạt động liên kết nghiên cứu khoa học, trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao và ứng dụng kết quả nghiên cứu chưa được chú trọng.

Mặc dù một số trường đã chọn trường ở nước ngoài để liên kết đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế, như Đại học Huế và Đại học Đà Nẵng đã liên kết với các đại học của Ôxtrâylia, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Pháp và các nước phát triển, chú trọng một số ngành: kỹ thuật, khoa học cơ bản, kinh tế nông nghiệp, tài chính, y tế, dịch vụ du lịch. Những chương trình liên kết đào tạo này mang lại hiệu quả tích cực, đào tạo được đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu về số lượng trong cơ cấu ngành, nghề của các địa phương.

Dự báo trong thời gian tới, tốc độ tăng dân số là khoảng trên 0,12%/năm, đến năm 2020 dân số vùng DHMT có khoảng trên 9,6 triệu người. Với cơ cấu dân số trẻ, hằng năm số người bước vào tuổi lao động lớn, nhu cầu giải quyết việc làm và đào tạo nhân lực đang trở thành sức ép đối với các tỉnh, thành. Một nhiệm vụ  cấp bách trước mắt và chiến lược lâu dài đối với vùng DHMT là tập trung đào tạo nguồn nhân lực đủ về số lượng, đáp ứng về chất lượng và cơ cấu. Trong đó, cần chú ý đến các ngành và lĩnh vực mũi nhọn của vùng, đòi hỏi nhiều về nguồn nhân lực như: công nghệ hóa dầu, cơ khí, chế tạo và lắp ráp thiết bị điện - điện tử, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ chế tạo tàu thủy, đánh bắt và xuất khẩu hải sản, dịch vụ chất lượng cao, đặc biệt là dịch vụ gắn với du lịch và dịch vụ tài chính ngân hàng, thương mại, dịch vụ công nghệ, pháp lý, môi trường, viễn thông, phát triển thị trường bất động sản. Do đó, để liên kết đào tạo nguồn nhân lực mang lại hiệu quả cao, ngoài việc phát huy thế mạnh vốn có trong đào tạo, vùng DHMT cần thực hiện đồng bộ một số nội dung sau.

Thứ nhất, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của sự liên kết trong đào tạo nguồn nhân lực

Các cơ sở đào tạo, các địa phương cần nhận rõ tầm quan trọng của liên kết đào tạo là vì mục tiêu, lợi ích chung của các bên tham gia, tránh tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh. Các cơ sở đào tạo cần chấp hành nghiêm túc các quy định trong đào tạo. Liên kết đào tạo phải hướng đến nâng cao chất lượng, bổ sung những ngành mà địa phương đang thiếu nhân lực hoặc nhân lực còn hạn chế để đào tạo, xuất phát từ yêu cầu thực tế, các cơ sở cần giúp nhau trong quá trình chuyển giao chương trình, đội ngũ giảng viên.

 

 

Thứ hai, thành lập Ban điều phối nguồn nhân lực chung, đồng thời ban hành các cơ chế chính sách trong đào tạo và liên kết đào tạo trên cơ sở nhu cầu thực tế nguồn nhân lực của các địa phương

 

 

Ban điều phối nguồn nhân lực cho toàn vùng khi được thành lập cần thực hiện nhiệm vụ khảo sát, dự báo nhu cầu nguồn nhân lực và phối hợp với các cơ sở đào tạo, đơn vị sử dụng đào tạo trong việc đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu thực tế, tránh tình trạng mất cân đối trong đào tạo. Theo đó, vùng cần có sự thỏa thuận phối hợp, cam kết giữa các cơ sở đào tạo, các địa phương; sự hỗ trợ của Bộ Giáo dục và Đào tạo để điều phối liên kết; đồng thời có chế tài đối với các cơ sở đào tạo nhằm đạt được mục tiêu liên kết phát triển vùng đã được lãnh đạo các địa phương thống nhất thực hiện.

Thứ ba, cần chú trọng đầu tư có trọng điểm, phân định trong đào tạo nguồn nhân lực

Trên cơ sở quy hoạch kinh tế, chiến lược phát triển nguồn nhân lực của vùng, các địa phương và thế mạnh của các cơ sở đào tạo, cơ quan quản lý nhà nước các cấp, trực tiếp là Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có chiến lược đầu tư có trọng điểm để phát huy thế mạnh của các cơ sở đào tạo, đồng thời tránh sự chồng chéo, gây lãng phí nguồn lực xã hội. Theo đó, đối với Thừa Thiên Huế cần đầu tư vào các ngành: khoa học cơ bản, y dược, âm nhạc và mỹ thuật, luật, nông - lâm, sư phạm, ngoại ngữ, du lịch, khoa học xã hội và nhân văn. Đà Nẵng cần chú trọng các ngành: kỹ thuật, kinh tế, công nghệ, kiến trúc, sư phạm, ngoại ngữ, công nghệ thông tin và truyền thông. Quảng Nam cần chú trọng: tài nguyên và môi trường (biến đổi khí hậu, năng lượng, tài nguyên…), văn hóa, du lịch. Quảng Ngãi cần chú trọng: công nghệ (lọc hóa dầu, chế biến dầu khí). Bình Định cần chú trọng các ngành: khoa học cơ bản, sư phạm, giao thông vận tải. Phú Yên cần chú trọng các ngành: kiến trúc - xây dựng. Khánh Hòa cần chú trọng: thủy sản, hàng hải, kỹ thuật tàu biển, hải dương học, kinh tế biển.

Thứ tư, đẩy mạnh sự liên kết, trao đổi hợp tác giữa các cơ sở đào tạo với nhau, giữa cơ sở đào tạo với đơn vị sử dụng nhân lực

Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hợp tác, liên kết giữa các cơ sở đào tạo ở nhiều lĩnh vực trên cơ sở các thế mạnh vốn có. Những cơ sở đào tạo truyền thống cần tạo điều kiện hỗ trợ những cơ sở đào tạo mới thành lập ở các địa phương trong những lĩnh vực chưa có kinh nghiệm, đồng thời thực hiện chuyển giao nội dung chương trình, giáo trình, mời giảng viên giảng dạy, hợp tác đào tạo giảng viên, hợp tác trong nghiên cứu khoa học. Mặt khác, cần nâng cao hiệu quả giữa nghiên cứu với chuyển giao, ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn.

Tăng cường đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, mở rộng hợp tác đào tạo theo đơn đặt hàng. Trong những khu công nghiệp, cần thành lập các trung tâm đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp.

Mục đích đào tạo phải hướng đến thị trường sử dụng, do đó, cần huy động sự tham gia của đơn vị sử dụng lao động vào quá trình hợp tác trong đào tạo. Trong đó, cần chú ý đến vai trò của các doanh nghiệp trong việc liên kết xây dựng chương trình, giáo trình phù hợp với nhu cầu thực tế của yêu cầu sản xuất.

Thứ năm, tăng cường hợp tác quốc tế về đào tạo nguồn nhân lực ở những ngành, lĩnh vực mới, đòi hỏi trình độ cao

Thực hiện nhập khẩu chương trình, giáo trình, phương pháp và quy trình đào tạo của các trường đại học chất lượng cao trên thế giới để từng bước hiện đại hóa những cơ sở đào tạo trọng điểm trong vùng. Đối với những ngành đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao như: lọc hóa dầu, nuôi trồng và chế biến thủy sản, công nghiệp đóng tàu, hàng hải, dịch vụ du lịch… cần tìm đối tác có uy tín để sớm liên kết đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Các cơ sở đào tạo và các địa phương cần tranh thủ các dự án, đề án đào tạo lớn, đồng thời kêu gọi nguồn kinh phí ủng hộ của các nước hoặc các tổ chức phi chính phủ, từ đó từng bước thực hiện quốc tế hóa trong đào tạo nhân lực.

Liên kết đào tạo nguồn nhân lực là một trong những giải pháp cơ bản để giải quyết những bất cập trong đào tạo nhân lực ở các địa phương vùng DHMT.  Để việc liên kết đào tạo thực sự mang lại hiệu quả, ngoài chủ trương, chính sách, chế tài, thì yếu tố quan trọng là tính chủ động, thiện chí trong hợp tác giữa các địa phương, giữa các cơ sở đào tạo, giữa cơ sở đào tạo với đơn vị sử dụng lao động.

____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 9-2015

(1), (2), (3) Xem “Báo cáo kết quả khảo sát của Nhóm tư vấn Liên kết phát triển miền Trung”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Liên kết đào tạo nguồn nhân lực các tỉnh Duyên hải miền Trung, Huế, 2012, tr.28, 31, 32.

ThS Phạm Văn Giang

Học viện Chính trị khu vực III

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền