Trang chủ    Đào tạo - Bồi dưỡng    Kiểm tra đánh giá học viên hệ lãnh đạo quản lý tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh theo hướng gắn lý luận với thực tiễn
Thứ năm, 09 Tháng 6 2016 18:01
3405 Lượt xem

Kiểm tra đánh giá học viên hệ lãnh đạo quản lý tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh theo hướng gắn lý luận với thực tiễn

(LLCT) - Kiểm tra, đánh giá là hoạt động không thể thiếu nhằm xác định hiệu quả việc thực hiện mục tiêu dạy học, từ đó định hướng và thúc đẩy người dạy đổi mới phương pháp dạy học, người học đổi mới cách học, nhà quản lý đổi mới nội dung chương trình, điều chỉnh công tác quản lý. Từ đó, nâng cao chất lượng dạy học, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu giáo dục. Công việc này cung cấp các thông tin về kết quả học tập của người học, phản ánh kết quả dạy học của người dạy và nội dung chương trình của nhà quản lý. Nhiều quyết định quan trọng đều dựa trên kết quả của kiểm tra, đánh giá. 

(Lễ bế giảng các Lớp cao cấp lý luận chính trị hệ tập trung K66 khóa học 2015-2016)

Kiểm tra, đánh giá tốt có thể tạo ra sự thay đổi về chất của công tác đào tạo. Ngược lại, kiểm tra, đánh giá đi chệch hướng mục tiêu đào tạo hay sử dụng những loại hình không phù hợp đưa đến những tác động tiêu cực, cản trở quá trình cải tiến và phát triển chương trình, tài liệu giảng dạy, phương pháp dạy học.

Giảng dạy lý luận chính trị với đối tượng lãnh đạo quản lý thì việc kiểm tra đánh giá lại có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vì đây là những người lãnh đạo thực hiện và góp phần quan trọng trong việc thực hiện thành công chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước. Do đó, việc đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá học viên hệ lãnh đạo quản lý theo hướng phát triển năng lực thực hành, gắn với công việc thường nhật trong quá trình giáo dục lý luận chính trị của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là vô cùng quan trọng.

Lênin từng phê phán cách dạy kinh viện, cũng phản đối cách học giáo điều khi cho rằng, việc học thuộc lòng những khẩu hiệu, những kết luận khoa học cộng sản mà không biết áp dụng vào trong công việc của mình là việc làm vô nghĩa. Lênin yêu cầu cán bộ phải biết biến: “chủ nghĩa cộng sản từ những công thức, những lời dạy, những phương pháp, những chỉ thị, những cương lĩnh có sẵn và học thuộc lòng thành cái thực tế sinh động, là cái kết hợp với công tác trực tiếp của các đồng chí, khi các đồng chí đã biết lấy chủ nghĩa cộng sản làm kim chỉ nam cho công tác thực tiễn của mình”(1). Tiêu chí để đánh giá chất lượng học tập chính trị không phải ở chỗ nắm được những tri thức gì mà quan trọng là vận dụng được gì trong công việc lãnh đạo, chỉ đạo các vấn đề cụ thể trong công việc hằng ngày.

Hồ Chí Minh coi giáo dục lý luận là nhiệm vụ quan trọng, “mỗi cán bộ, mỗi đảng viên phải học lý luận, phải đem lý luận áp dụng vào công việc thực tế. Phải chữa cái bệnh kém lý luận, khinh lý luận, lý luận suông”(2). Người cũng nhắc nhở, lý luận phải đi đôi với thực tiễn, học phải đi đôi với hành; học xong phải hành ngay thì mới dễ nhớ mà cái nhớ ấy cũng có ích: “Học cốt để mà làm. Học mà không làm được, học mấy cũng vô ích”(3).

Do đó, trong việc dạy và học của cán bộ lãnh đạo, việc kiểm tra, đánh giá phải gắn với khả năng giải quyết các vấn đề thực tiễn của người học. Điều đáng lưu ý ở đây là chủ thể của quá trình kiểm tra không chỉ là người thày dạy, mà còn là quần chúng- nghĩa là thực tiễn công việc sẽ trả lời quá trình đào tạo đạt kết quả đến đâu. Và trong quá trình kiểm nghiệm, đánh giá đó, không chỉ người cán bộ mà cả những người thày dạy cán bộ cũng được đem ra kiểm nghiệm thông qua kết quả công việc của trò mình. “Những trường ấy vừa huấn luyện, vừa thử thách cán bộ. Nếu ai không chịu nổi thử thách trước sự kiểm tra nghiêm khắc và công bằng của quần chúng thì người ấy chỉ có thể tự trách mình. Nếu thắng lợi trong cuộc thử thách, thì chắc chắn thành người cán bộ tốt, cần cho kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công”(4).

Trên cơ sở tổng kết thành tựu và hạn chế của 30 năm đổi mới, Đại hội XII của Đảng xác định 1 trong 12 nhiệm vụ tổng quát là: “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ; phát huy vai trò quốc sách hàng đầu của giáo dục, đào tạo và khoa học, công nghệ đối với sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước”(5).

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là cơ quan trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chính phủ; đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; là trung tâm quốc gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trung, cao cấp, cán bộ khoa học lý luận chính trị của hệ thống chính trị; trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các khoa học chính trị, khoa học lãnh đạo, quản lý.

Học viện  vừa là cơ quan giảng dạy vừa là cơ quan nghiên cứu khoa học chính trị Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; quan điểm, đường lối của Đảng; chính sách và pháp luật của Nhà nước; với nhiệm vụ hàng đầu là đào tạo cao cấp lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý đương chức và trong quy hoạch(6). Đây là chức năng, nhiệm vụ riêng có của hệ thống Học viện Chính trị quốc gia Hò Chí Minh mà Đảng và nhân dân giao phó.

Hệ này tập trung bồi dưỡng lý luận chính trị cho các vụ trưởng, phó vụ trưởng và tương đương trở lên của các bộ, ban, ngành, đoàn thể, đảng ủy Trung ương và địa phương; các trưởng, phó phòng và tương đương của các bộ, ban, ngành, đoàn thể, đảng ủy trực thuộc Trung ương và địa phương; cán bộ được quy hoạch vào các chức danh trên. Điều kiện đầu tiên là người học phải là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, có bằng tốt nghiệp đại học trở lên. Về độ tuổi, đối với hệ tập trung, cán bộ đang giữ chức danh quy định trong nhóm cán bộ được cử đi học có tuổi đời dưới 40 tuổi đối với nam, dưới 35 tuổi đối với nữ; hệ tại chức, cán bộ đang giữ chức danh trong nhóm cán bộ được cử đi học có tuổi đời từ 40 tuổi trở lên đối với nam, 35 tuổi trở lên đối với nữ. Ngoài ra, đối với từng trường hợp cụ thể, Ban Tổ chức Trung ương có quy định riêng.

Để đánh giá quá trình đào tạo và kết quả học viên hệ này, Học viện có nhiều hình thức với những ưu điểm và hạn chế riêng.

Thi hết môn có các hình thức: thi viết (tự luận), trắc nghiệm trên máy tính và thi vấn đáp, tiểu luận, đề án

Tự luận chủ yếu kiểm tra các vấn đề lý thuyết đã học, chưa chú trọng kiểm tra kỹ năng, kỹ xảo và thái độ tình cảm của người học trong khi mục tiêu của giáo dục từ trang bị tri thức giúp người học hình thành kỹ năng – kỹ xảo và cao hơn là thái độ, tình cảm với tri thức được học. Việc chỉ chú trọng kiểm tra năng lực ghi nhớ vấn đề lý luận của người học đảm bảo được việc kiểm tra kiến thức nhưng gây mất thời gian từ việc ra đề thi, phân công cán bộ coi thi và tổ chức chấm thi. Với các học viên lớn tuổi, việc kiểm tra ghi nhớ gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, công tác quản lý cũng gặp nhiều khó khăn từ việc ra đề đảm bảo tính khái quát, kiểm tra toàn diện đến kiểm soát việc đánh giá, cho điểm. Việc đánh giá cũng thiếu khách quan, chỉ phụ thuộc vào người chấm, tiêu cực vẫn tồn tại.

Trắc nghiệm khách quan trên máy tính có các câu hỏi trải đều từ đầu cho đến cuối chương trình buộc người học phải chăm chỉ. Trong điều kiện hạn chế về thời gian, người học không thể trông chờ vào việc sử dụng tài liệu hoặc sự giúp đỡ của người khác. Với hình thức thi trắc nghiệm khách quan trên máy tính, mọi hành vi tiêu cực đều bị triệt tiêu về số không. Học viên không thể học tủ, học lệch, không thể giở được “phao”, không thể quay cóp xem bài của người khác, không thể xin xỏ, nhờ cậy sự giúp đỡ mang tính tiêu cực từ phía người chấm. Giảng viên cũng không thể khoanh vùng, không thể hạn chế, không thể dạy thiếu chương trình, bớt xén giờ giấc, thiên vị, ưu tiên làm mất công bằng trong giáo dục. Đứng trên góc độ quản lý, đây là ưu điểm lớn. Bên cạnh đó, hình thức thi trắc nghiệm khách quan trên máy tính tiết kiệm được rất nhiều thời gian và kinh phí cho xã hội. Đặc biệt, phương pháp này kích thích quá trình tự đào tạo, học chủ đông của người học thông qua học tập trên lớp và đọc tài liệu thư viện. Tuy nhiên, phương pháp này hạn chế phát triển tư duy lý luận và công tác giáo dục tư tưởng, đường lối cho người học. Sẽ rất khó trong việc hướng người học vào những suy tư lý luận và những chiêm nghiệm, trải nghiệm triết lý thông qua các đề thi trắc nghiệm. Việc ra đề cũng cần nhiều thời gian, công sức. Hạ tầng kỹ thuật: máy tính, phần mềm kiểm tra, máy quét… cần có sự đầu tư thích đáng.

Thi vấn đáp là cách thức kiểm tra trực tiếp bằng ngôn ngữ nói. Đây là cách kiểm tra kích thích tư duy độc lập, khả năng thuyết trình, phản biện của người học. Người dạy thông qua đó thu nhận tức thời nhiều thông tin phản hồi từ phía người học, đánh giá nhanh chóng kết quả học tập cũng như thái độ, tình cảm của người học. Trên cơ sở đó, vừa đánh giá vừa định hướng tiếp nhận tri thức. Qua nhiều lần thi vấn đáp, khả năng và bản lĩnh của người lãnh đạo quản lý sẽ được rèn luyện, phát triển. Tuy nhiên, cách kiểm tra này chưa đảm bảo khách quan trong giáo dục, kết quả thi vẫn phụ thuộc vào sự đánh giá chủ quan của người hỏi. Tiêu cực trong giáo dục vẫn tồn tại. Hạn chế lớn nhất của phương pháp vấn đáp là rất khó soạn thảo và sử dụng hệ thống câu hỏi gợi mở, cần có sự chuẩn bị công phu. Bên cạnh đó, khó kiểm soát quá trình học tập của người học.

Viết tiểu luận. Trong hệ thống chương trình, khối kiến thức các chuyên đề đặc thù và bổ trợ là nội dung mới của chương trình cao cấp lý luận chính trị hiện nay. Bên cạnh chuyên đề bắt buộc, người học có thể lựa chọn những chuyên đề phù hợp với công việc, chuyên môn của mình. Kết thúc học phần này, học viên viết tiểu luận. Đây là cách kiểm tra giúp nâng cao khả năng tư duy, nghiên cứu của người học, buộc họ phải tự học, tự nghiên cứu để giải quyết vấn đề nên kiến thức lý luận được củng cố, khả năng vận dụng thực tiễn được nâng cao. Nhờ đó, người dạy có thể đánh giá được khả năng tư duy, nghiên cứu và thái độ, tình cẩm của người học trước vấn đề lý luận và thực tiễn đề ra. Tuy nhiên, cách làm này vẫn tồn tại một số hạn chế: hiện tượng sao chép, thiếu sáng tạo; việc trùng lắp vấn đề do hạn chế nội dung lựa chọn; làm đối phó, không có sự đầu tư thích đáng; vấn đề lựa chọn có thể không đúng chuyên môn… Với người dạy, việc đánh giá cũng khó khách quan, công tâm.

Xây dựng đề án tốt nghiệp. Đây là công trình khoa học thể hiện sự vận dụng các vấn đề lý luận vào giải quyết các vấn đề thực tiễn, có khả năng áp dụng cao trong công tác chuyên môn nghiệp vụ do học viên tự thực hiện. Điều đặc biệt của đề án là yêu cầu gắn lý luận với thực tiễn, giải quyết các vấn đề thực tiễn đề ra trên cở sở lý luận Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Do đó, phần cơ sở xây dựng đề án, học viên cần phải tìm hiểu cơ sở lý luận, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn. Đây là điểm khác biệt với các đề án thông thường, khi cơ sở lý luận không được đề cao. Hội đồng đánh giá đề án gồm các nghiên cứu viên, giảng viên chuyên ngành liên quan. Tuy nhiên, nhiều vấn đề thực tiễn mà học viên đưa ra trong đề án chưa được chính cơ quan chủ quản, địa phương hay ngành quản lý tham gia đánh giá. Việc đánh giá chỉ phụ thuộc vào người giảng dạy. Hơn nữa, không phải thành viên Hội đồng nào cũng có đủ khả năng và thời gian đánh giá đầy đủ giá trị của Đề án.

Với những ưu, nhược điểm của mỗi hình thức kiểm tra đánh giá như vậy, nên trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo lý luận chính trị từ việc đánh giá năng lực thực hành của Học viên:

- Kết hợp giữa hình thức đánh giá bằng trắc nghiệm khách quan, tự luận và vấn đáp nhằm phát huy những ưu điểm của mỗi hình thức đánh giá này (Bảng 1). Việc áp dụng không nên khiên cưỡng mà tùy thuộc vào đặc thù của từng môn và nội dung các chuyên đề. Khi thi tự luận, tăng cường các loại đề mở, tức là trong hệ thống câu hỏi kiểm tra cần có vấn đề mở để người học trình bày quan điểm, hiểu biết của mình trên cơ sở vận dụng lý thuyết đã học. Qua đó, người dạy có thể đánh giá được năng lực vận dụng thực tiễn của người học.

Bảng 1. So sánh ưu điểm, hạn chế của thi TNKQ, Tự luận và Vấn đáp

Trắc nghiệm khách quan

Tự luận

Vấn đáp

Chấm bài nhanh, chính xác và khách quan.

Chấm bài mất nhiều thời gian, khó chính xác và khách quan

Chấm bài nhanh, độ chính xác và khách quan chưa cao do phụ thuộc vào chủ quan người chấm

Có thể sử dụng các phương tiện hiện đại trong chấm bài và phân tích kết quả kiểm tra.

Không thể sử dụng các phương tiện hiện đại trong chấm bài và phân tích kết quả kiểm tra. Cách chấm bài duy nhất là giảng viên phải đọc bài.

Không thể sử dụng các phương tiện hiện đại trong chấm bài và phân tích kết quả kiểm tra. Giảng viên hỏi thi trực tiếp nên thiếu khach quan

Có thể tiến hành kiểm tra đánh giá trên diện rộng trong một khoảng thời gian ngắn.

Mất nhiều thời gian để tiến hành kiểm tra trên diện rộng

Mất nhiều thời gian để tiến hành kiểm tra

Biên soạn khó, tốn nhiều thời gian, thậm chí sử dụng các phần mềm để trộn đề.

Biên soạn không khó khăn và tốn ít thời gian.

Biên soạn không khó khăn và tốn ít thời gian.

Bài kiểm tra có rất nhiều câu hỏi nên có thể kiểm tra được một cách hệ thống và toàn diện kiến thức và kĩ năng của học viên, tránh được tình trạng học tủ, dạy tủ.

Bài kiểm tra thiếu tính bao quát nên chỉ có thể kiểm tra được một phần nhỏ kiến thức và kĩ năng của người học, dễ gây ra tình trạng học tủ, dạy tủ.

Chỉ kiểm tra một phần kiến thức nhất định nên chỉ có thể kiểm tra được một phần nhỏ kiến thức và kĩ năng của người học, dễ gây ra tình trạng học tủ, dạy tủ.

Không hoặc rất khó đánh giá được khả năng diễn đạt, sử dụng ngôn ngữ và tư duy của người học.

Có thể đánh giá đượcc khả năng diễn đạt, sử dụng ngôn ngữ và tư duy của người học.

Có thể đánh giá đượcc khả năng diễn đạt, sử dụng ngôn ngữ, kỹ năng phản biện, thái độ tình cảm và quá trình tư duy của người học.

Sự phân phối điểm trải trên một phổ rất rộng nên có thể phân loại được rõ ràng các trình độ của người học.

Sự phân phối điểm trải trên một phổ hẹp nên khó có thể phân loại được rõ ràng trình độ của người học.

Sự phân phối điểm trải trên một phổ hẹp nên khó có thể phân loại được rõ ràng trình độ của người học.

- Có công cụ đánh giá thích hợp nhằm đánh giá toàn diện, công bằng, trung thực, có khả năng phân loại, giúp giảng viên và học viên điều chỉnh kịp thời việc dạy và học.

- Phối hợp giữa đánh giá thường xuyên và định kỳ, giữa đánh giá của giảng viên và đánh giá của người học, giữa đánh giá của nhà trường và của cơ quan, đơn vị công tác.

- Để học viện thực hiện sâu hơn, khâu đánh giá chính xác hơn, việc viết đề án cần cho thời gian nhiều hơn. Quá trình xây dựng đề án nên có sự tham gia hướng dẫn của các nhà khoa học, giảng viên để nâng cao hiệu quả, giúp đề án có giá trị hơn trong tương lai.  Tất cả học viên đều phải bảo vệ đề án trước hội đồng chấm đề án. Thành phần hội đồng đánh giá đề án nên mời các bộ ngành hoặc địa phương liên quan tham gia.

________________

(1) Lênin: Toàn tập, t41, Nxb Chính trị Quốc gia Hà Nội, 1990, tr.365

(2)Hồ Chí Minh:Toàn tập, t5, Nxb Chính trị Quốc gia Hà Nội, 2002, 235

(3)Hồ Chí Minh:Toàn tập, t5, Nxb Chính trị Quốc gia Hà Nội, 2002, 303

(4) GS, TS Phan Ngọc Liên (chủ biên): Hồ Chí Minh về giáo dục, Nxb từ điển Bách Khoa, tr.196

(5) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội XII, dangcongsan.vn         

(6) Ban Chấp hành Trung ương: Quyết định 224/QĐ-TW, ngày 6-1-2014 về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

TS Nguyễn Văn Lượng

Phó Viện trưởng

Viện Đào tạo - Bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo quản lý

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền