Trang chủ    Đào tạo - Bồi dưỡng    Mối quan hệ giữa con người với tự nhiên và vấn đề giáo dục bảo vệ môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay
Thứ tư, 15 Tháng 6 2016 11:26
31650 Lượt xem

Mối quan hệ giữa con người với tự nhiên và vấn đề giáo dục bảo vệ môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay

(LLCT) - Theo quan điểm của các nhà kinh điển Chủ nghĩa Mác - Lênin, giữa con người và giới tự nhiên có mối quan hệ khăng khít với nhau, trong đó giới tự nhiên làm tiền đề cho con người tồn tại và phát triển. Tuy nhiên, hiện nay trong quá trình phát triển của mình, con người đang bất chấp quy luật tác động vào tự nhiên và tự nhiên đang đáp trả những hành động đó của con người. Do vậy, nhận thức đúng đắn mối quan hệ giữa con người và tự nhiên sẽ tạo cơ sở để làm tốt công tác giáo dục bảo vệ môi trường, thích ứng với tự nhiên trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay ở Việt Nam nói chung và đồng bằng sông Cửu Long nói riêng là việc làm cần thiết.

1. Quan điểm về mối quan hệ giữa con người và tự nhiên trước và ngoài Mác

Có thể nói, vấn đề mối quan hệ giữa con người và tự nhiên đã được rất nhiều nhà triết học từ thời Cổ đại đến hiện đại quan tâm. Nhìn chung, các quan điểm của triết học trước Mác và ngoài Mác đã thể hiện một cách rõ nét và phổ biến hai quan điểm: đề cao yếu tố tự nhiên (duy tự nhiên) hoặc đề cao yếu tố con người (duy xã hội). Theo quan điểm duy tự nhiên, tự nhiên giữ vai trò quyết định, tuyệt đối trong mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, con người hoàn toàn thụ động trong mối quan hệ này. Điều này được thể hiện trong cả triết học phương Đông và phương Tây.

Ở phương Đông, Khổng Tử cho rằng vạn vật trong vũ trụ luôn sinh thành biến hóa không ngừng theo đạo của nó, vạn vật đều do mệnh trời quy định. Phật giáo với thuyết “duyên khởi” cho rằng thế giới các hiện tượng đều có nhân duyên của nó, không phụ thuộc vào ý thức của con người. Đạo giáo với học thuyết “vô vi” của Lão Tử, khẳng định “đạo pháp tự nhiên”, ông cho rằng con người chỉ có thể thích ứng với quy luật tự nhiên một cách thụ động, đứng trước tự nhiên con người không cần làm gì cả.

Ở phương Tây, các nhà tư tưởng cổ đại như Platon, Aristốt đã khẳng định vai trò quyết định của điều kiện tự nhiên trong đời sống xã hội để đối lập với quan điểm tôn giáo, thần thoại. Những tư tưởng này tiếp tục được Môngtexkiơ khởi xướng vào thế kỷ XVIII với thuyết quyết định luận địa lý. Trào lưu triết học này đã đặt sự phát triển của xã hội trực tiếp lệ thuộc vào điều kiện địa lý đồng thời khẳng định: đạo đức cũng như đặc điểm của một dân tộc tùy thuộc vào hoàn cảnh địa lý của nước đó. Từ đó, các nhà triết học tư sản như Bớccon, C.Rítte đã xây dựng thuyết địa lý chính trị để chứng giải tính vĩnh viễn của sự bất bình đẳng xã hội, biện hộ cho sự bành chướng thuộc địa của CNTB vào giữa thế kỷ XX. Họ cho rằng, quy luật tự nhiên chi phối toàn bộ đời sống xã hội và do đó, một nước có hoàn cảnh địa lí thuận lợi thì người dân có khả năng thống trị và ngược lại...

Đối lập với quan điểm duy tự nhiên, quan điểm duy xã hội của hầu hết các triết gia phương Tây lại tuyệt đối hóa yếu tố con người, vị trí con người trong mối quan hệ với tự nhiên.

Triết học Hy Lạp cổ đại đề cao con người và tinh thần của Kitô giáo về sự sáng tạo của Thượng Đế. Con người là đỉnh cao của sự sáng tạo ấy và là hình ảnh của Chúa nên bản thân con người cũng có khả năng sáng tạo thế giới. Các triết gia tiêu biểu như: Pitago, Xôcrát, Aristốt... luôn thể hiện quan điểm con người là vị trí trung tâm của thế giới. Pitago khẳng định: “con người là thước đo của mọi vật”; Aristốt cho rằng: “do bản tính, con người là động vật chính trị”. Đây là tư tưởng có ý nghĩa rất lớn trong việc nhận thức vấn đề con người cho đến tận sau này.

Quan điểm duy xã hội (con người) được phát triển rực rỡ ở thời kỳ Phục hưng cuối thế kỷ XV, với sự ra đời của “khoa học tự nhiên thực sự”. Châu Âu đã đạt đến sự tiến bộ khổng lồ trong lĩnh vực tự nhiên nhờ những phát kiến mới của Niutơn, Lốccơ, Hốpxơ... Họ khẳng định khả năng chinh phục tự nhiên tuyệt đối của con người.

Triết học cổ điểnĐức đã kế thừa và phát triển tư tưởng triết học thời kỳ Phục hưng và Khai sáng là đề cao con người, đặc biệt là trí tuệ con người. Tuy nhiên, bị chi phối bởi thế giới quan duy tâm nên con người đã bị cực đoan hóa đến mức là chúa tể sáng tạo ra giới tự nhiên, giới tự nhiên được ý niệm tuyệt đối tha hóa cùng một lúc trong không gian.

Quan điểm duy xã hội còn được tiếp tục phát triển bởi các nhà triết học tư sản thế kỷ XX thông qua thuyết kỹ trị. Đây là trào lưu xã hội học ra đời ở nước Mỹ trên cơ sở những tư tưởng của nhà kinh tế học tư sản I.Vêblen và được phổ biến rộng rãi trong những năm 30. Họ tuyệt đối hóa vai trò của khoa học kỹ thuật, đề cao việc sử dụng máy móc, sản phẩm công nghiệp…

Quan điểm duy xã hội chỉ đề cao việc chinh phục một chiều của con  người trong mối quan hệ với tự nhiên. Đó là điều “phi lý và trái tự nhiên”, sự thống trị ấy chính là nguyên nhân dẫn đến sự hủy hoại tự nhiên, làm mất cân bằng sinh thái.

Như vậy, các quan điểm trên đều có cách nhìn phiến diện, siêu hình, chưa thể hiện được mối quan hệ biện chứng giữa con người và tự nhiên trong sự phát triển.

2. Quan điểm của Chủ nghĩa Mác - Lênin về mối quan hệ giữa con người và môi trường tự nhiên

Tư tưởng về mối quan hệ giữa con người và tự nhiên được C.Mác đề cập từ khá sớm. Ngay trong Bản thảo kinh tế - triết học năm 1884, C.Mác đã viết: “Giới tự nhiên - cụ thể là cái giới tự nhiên trong chừng mực bản thân nó không phải là thân thể của con người - là thân thể vô cơ của con người. Con người sống bằng giới tự nhiên. Như thế nghĩa là giới tự nhiên là thân thể của con người, thân thể mà với nó, con người phải ở lại trong quá trình thường xuyên giao tiếp để tồn tại. Nói rằng đời sống thể xác và tinh thần của con người gắn liền với giới tự nhiên, nói như thể chẳng qua chỉ có nghĩa là giới tự nhiên gắn liền với bản thân giới tự nhiên, vì con người là một bộ phận của giới tự nhiên”(1).

Đồng quan điểm với C.Mác, Ph.Ăngghen cho rằng, sự thống nhất của con người với tự nhiên trước hết thể hiện ở chỗ con người là một bộ phận của giới tự nhiên, tự nhiên là cái có trước con người và sự xuất hiện của con người là một bước nhảy vọt về chất trong sự tiến hóa của tự nhiên. Sự tồn tại của con người không thể tách rời và luôn gắn bó một cách hữu cơ với tự nhiên. Nguồn gốc tự nhiên của con người làm cho con người về mặt bản tính không thể đối lập với tự nhiên. Trong tác phẩm Biện chứng của tự nhiên, bằng những luận cứ khoa học, Ph.Ăngghen đã phân tích quá trình phát sinh và phát triển của thế giới hữu cơ rất thuyết phục và khẳng định lịch sử loài người chẳng qua chỉ là “sự tiếp nối lịch sử tự nhiên”(2).

Từ quan điểm nêu trên, C.Mác và Ph.Ăngghen đã sớm lưu ý đến thái độ của con người trong quá trình chinh phục và cải biến giới tự nhiên thông qua hoạt động sản xuất xã hội chứ không dừng lại ở việc xem xét sự chi phối của tự nhiên đối với con người. Mặc dù luôn nhấn mạnh con người là một bộ phận của giới tự nhiên và việc tự nhiên cung cấp tất cả các nguồn vật chất vốn có của sinh quyển để con người tồn tại, nhưng không bao giờ các ông đánh giá thấp khả năng của con người trong chinh phục và cải biến tự nhiên. Thông qua quá trình lao động sản xuất xã hội, con người đã học cách biến đổi tự nhiên, từ đó con người có khả năng chi phối các quá trình tự nhiên theo những mục đích của mình. Ph.Ăngghen phê phán quan niệm tự nhiên chủ nghĩa về lịch sử, tức là quan niệm coi “chỉ có tự nhiên mới tác động đến con người, chỉ có những điều kiện tự nhiên mới quyết định ở khắp mọi nơi sự phát triển lịch sử của con người, quan niệm ấy là phiến diện, nó quên rằng, con người cũng tác động trở lại tự nhiên, cải biến tự nhiên”(3).

Tuy nhiên, bằng nhãn quan biện chứng, trong tác phẩm Biện chứng của tự nhiên, Ph.Ăngghen đã phân tích và cảnh báo loài người không nên quá tự hào về những thắng lợi bước đầu trước giới tự nhiên: “Chúng ta cũng không nên quá tự hào về những thắng lợi của chúng ta đối với giới tự nhiên. Bởi vì cứ mỗi lần ta đạt được một thắng lợi, là mỗi lần giới tự nhiên trả thù lại chúng ta. Thật thế, mỗi một thắng lợi, trước hết là đem lại cho chúng ta những kết quả mà chúng ta hằng mong muốn, nhưng đến lượt thứ hai, lượt thứ ba, thì nó lại gây ra những tác dụng hoàn toàn khác hẳn, không lường trước được, những tác dụng thường hay phá hủy tất cả những kết quả đầu tiên đó”(4).

Như vậy, khi sự cân bằng giữa con người và tự nhiên bị phá vỡ, khi những hoạt động chinh phục, cải biến đi quá giới hạn chịu đựng của tự nhiên, con người sẽ phải chịu những hậu quả khôn lường. Ph.Ăngghen viết: “chúng ta đã phải trải qua hàng nghìn năm lao động mới có thể, trong một chừng mực nào đó, đánh giá trước được những hậu quả tự nhiên xã hội của những hành động sản xuất của chúng ta, thì chúng ta lại càng phải trải qua nhiều khó khăn hơn nữa, mới có thể hiểu biết được những hậu quả xã hội xa xôi của những hành động ấy”(5). Từ đó, ông cho rằng: “Những sự việc đó đã nhắc nhở chúng ta từng giờ, từng phút rằng chúng ta hoàn toàn không thống trị được giới tự nhiên như một kẻ xâm lược thống trị một dân tộc khác, như một người sống bên ngoài giới tự nhiên”(6).

Những thảm họa liên tiếp về môi trường, những tác động của biến đổi khí hậu, những khó khăn do sự cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên trong những năm gần đây đã chứng minh những phân tích và cảnh báo của Ph.Ăngghen là chính xác. Sự phát triển mạnh mẽ của sản xuất, sự bùng nổ dân số trên khắp thế giới đã dẫn đến tình trạng khai thác bừa bãi các nguồn tài nguyên, phá hủy môi trường tự nhiên. Phải chăng thảm họa đã và đang xảy ra trên khắp thế giới chính là những phản ứng giận dữ của giới tự nhiên, là sự “trả thù” của tự nhiên trước sự “xâm lăng” và “thống trị” mù quáng của con người? Đó chính là những “hậu quả xa xôi” mà Ph.Ăngghen đã từng cảnh báo cho chúng ta từ hơn một thế kỷ trước.

Ở Việt Nam, biến đổi khí hậu đang gây những hậu quả to lớn và rộng khắp, tác động đến mọi mặt đời sống của một bộ phận dân cư. Theo đánh giá của các nhà khoa học, chúng ta là một trong năm nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu toàn cầu, đặc biệt tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, nơi đang chịu những tác động nặng nề nhất của những tác động tiêu cực từ môi trường tự nhiên.

3Hệ quả của biến đổi khí hậu và sự cạn kiệt tài nguyên ở đồng bằng sông Cửu Long hiện nay

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam năm 2011, diện tích các tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long là 40.548,2 km², với khoảng 1,55 triệu hécta đất trồng lúa, dân số 17.330.900 người,. Trong những năm gần đây, trung bình mỗi năm, vùng làm ra trên 90% lượng gạo xuất khẩu, 69% lượng thủy sản và 75% lượng trái cây, chiếm 22% GDP cả nước. Tuy nhiên, những sản lượngđó có thể sẽ bị sụt giảmnhanh chóng, bởi những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long hiện nay.

Tình trạng sạt lở ngày càng diễn ra trên diện rộng và nghiêm trọng, đặc biệt tại các tỉnh: An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Cà Mau. Số liệu 40 năm qua cho thấy, tổng diện tích bị sạt lở khoảng 1.886 ha. Riêng Cà Mau, trong những năm gần đây, mỗi năm mất gần 400 hécta do sạt lở ven biển(7).

Ngập úng thường xuyên sảy ra. Triều cường kết hợp mưa nhiều đã làm 100 nghìn ha nằm ngoài các đê bao tại đồng bằng sông Cửu Long  bị ngập từ 10 - 40 cm, chủ yếu là đất trồng cây ăn quả. Nước ngập xảy ra ngay trong mùa khô gây trở ngại trong sản xuất, sinh hoạt của người dân sống ngoài vùng đê bao(8).

Xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng. Tình trạng khô hạn kéo dài, đặc biệt là vào mùa khô nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng đã diễn ra thường xuyên làm ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống người dân. Năm 2015 được đánh giá là năm khô hạn và xâm nhập mặn nặng nề nhất trong vòng 100 năm qua, ngập mặn đã lấn sâu vào đất liền cả trăm km. Trước những thiệt hại nặng nề về nông nghiệp và đời sống, 10 tỉnh đã phải công bố tình trạng thiên tai như: Kiên Giang, Bến Tre, Cà Mau, Tiền Giang, Long An, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang. Tính đến tháng  3-2016, riêng diện tích lúa đông xuân ở ĐBSCL bị thiệt hại thống kê là 139 nghìn hécta. Nếu tình hình khô hạn tiếp tục kéo dài đến tháng 6 thì toàn vùng sẽ có khoảng nửa triệu hécta không xuống giống đúng thời vụ do thiếu nước; khoảng 155 nghìn hộ gia đình với hơn nửa triệu người thiếu nước sử dụng, dự kiến số người bị thiếu nước sinh hoạt sẽ còn tăng lên, thiệt hại lên đến cả nghìn tỷ đồng(9).

Tác động của biến đổi khí hậulên hệ sinh thái trong khu vực đồng bằng sông Cửu Longtrong tương lai có thể khiến nhiều khu bảo tồn đất ngập nước bị đe dọa như Tràm Chim, U Minh Thượng, Láng Sen, Trà Sư, Hà Tiên, Vồ Dơi, Bãi Bồi, Đất Mũi, Lung Ngọc Hoàng. Một số sinh vật có thể bị tiêu diệt, nhưng cũng sẽ có một số côn trùng (như muỗi) sẽ gia tăng số lượng; diện tích canh tác nông nghiệp như lúa, màu, cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản sẽ bị thu hẹp, năng suất và sản lượng sẽ bị suy giảm; các vùng tài nguyên rừng, đất, nước, sinh vật hoang dã, khoáng sản (than bùn, cát đá xây dựng,...) sẽ bị xâm lấn, tận khai thác và hủy hoại; sinh kế của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Tác động của nước biển dâng rất đáng lo ngại. Khi nước biển dâng 65cm, thì diện tích ngập là 5.133 km2 (chiếm 12,8%)nhưng khi nước biển dâng 100cm, thì diện tích ngập là 15.116 km2 (chiếm 37,8%)(10).Sự di cư của nông dân ở các vùng ven biển bị tác động nặng nề do biến đổi khí hậuvà nước biển dâng lên các đô thị vùng phía Bắc và phía Tây sẽ diễn ra mạnh mẽ, khiến quy hoạch đô thị bị phá vỡ, môi trường đô thị sẽ bị ảnh hưởng do sự gia tăng cơ học về dân số.

3. Giáo dục ý thức bảo vệ môi trường vùng đồng bằng sông Cửu Long hiện nay

Từ thực tiễn nêu trên, để hạn chế những tác động tiêu cực của môi trường tự nhiên đối với đời sống con người, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, trước hết cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, cần quán triệt quan điểm của Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh con người, về tự nhiên và tác động qua lại giữa con người và tự nhiên. Từ đó, trong quan điểm, chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương cần đặc biệt lưu ý đến vấn đề giáo dục, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường tự nhiên của con người, khai thác, sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, thay đổi ứng sử của con người với tự nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng tới phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Thứ hai, tích cực tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường tới mọi tổ chức, cá nhân, thành phần, lứa tuổi trong xã hội. Những tác động của môi trường, của biến đổi khí hậu toàn cầu, của xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua, một mặt gây ra những hậu quả nặng nề đối với đời sống cư dân nơi đây, song cũng là thời điểm để chúng ta đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền cũng như các hoạt động thực tiễn nhằm tác động mạnh mẽ nhất tới ý thức bảo vệ môi trường của cộng đồng. Do đó, trong các cấp học, bao gồm cả giáo dục nghề nghiệp cần xây dựng các môn học, ngành học đề cập, nghiên cứu một cách trực tiếp các vấn đề nóng bỏng hiện nay, như: “con người và môi trường”, “môi trường và phát triển bền vững”, “thích ứng với biến đổi khí hậu”, “tăng trưởng xanh”, “nước biển dâng”... Trong đó, cần tăng cường nghiên cứu, trải nghiệm thực tiễn, kích thích những phát minh, ý tưởng sáng tạo cho một mô hình phát triển xanh, bền vững. Từ đó, giúp học sinh, sinh viên - những thế hệ tương lai của đất nước, của vùng có nhận thức và ứng xử đúng đắn với tự nhiên.

Thứ ba, tăng cường giáo dục ý thức bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu bằng những mô hình hoạt động thực tiễn hiệu quả như:  sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên: nước ngọt, đất đai; xây dựng các khu đê bao, bảo tồn, trồng mới các khu rừng ngập mặn ven biển; tiếp tục xây dựng các mô hình “khu dân cư vượt lũ”, mô hình kinh tế “sống chung với lũ”, chuyển đổi mô hình trồng lúa ba vụ sang hai vụ kết hợp với nuôi trồng thủy hải sản, thay đổi giống cây trồng, vật nuôi... Thông qua đó, mỗi cá nhân thấy được tính cấp bách trong việc thay đổi ứng xử với tự nhiên, cũng như hiệu quả của những mô hình thực tiễn trong điều kiện ứng phó với biến đổi khí hậu tại vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Thứ tư, tăng cường hợp tác quốc tế trong giáo dục, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, giảm thiểu những tác động tiêu cực và thích ứng với biến đổi khí hậu. Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hợp Quốc COP21 ở Paris đã thông qua Thỏa thuận chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Theo đó, vấn đề chống biến đổi khí hậu không chỉ là vấn đề riêng của các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, các quốc gia phát triển có trách nhiệm trong việc chuyển đổi công nghệ sử dụng năng lượng và hỗ trợ tài chính, kỹ thuật đối với các nước đang phát triển. Đây là cơ hội tốt để chúng ta đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế trong tuyên truyền, giáo dục ý thức bảo vệ môi trường, tranh thủ sự hợp tác, hỗ trợ tài chính, kỹ thuật, kinh nghiệm chống biến đổi khí hậu từ các quốc gia khác trên thế giới.

____________________________

(1) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.42, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.135.

(2), (3), (4), (5), (6) C.Mác và Ph.Ăng ghen: Toàn tập, t.20, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.476, tr.720, tr.654, tr.655-656, tr.655-656.

(7) http://www.tienphong.vn/xa-hoi/gian-nan-chong-sat-lo-bo-bien-ca- mau-932934.tpo, ngày 16-11-2015.

(8) Lê Anh Tuấn:Tổng quan về nghiên cứu biến đổi khí hậu và các hoạt động thích ứng ở miền nam Việt Nam, Nxb Đại học Cần Thơ, 2009.

(9)http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20160308/phong-chong-xam-nhap-man-ca-he-thong-chinh-tri-phai-vao-cuoc/1063417.html, ngày 8-3-2015.

(10) Dẫn theo: Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Giáo trình Cao cấp lý luận chính trị - Phần Các chuyên đề bổ trợ, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2015, tr.187.

 

ThS Hoàng Văn Khải

Học viện Chính trị Khu vực IV

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền