Trang chủ    Đào tạo - Bồi dưỡng    Một số trao đổi về giáo trình Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin
Thứ năm, 30 Tháng 6 2016 15:43
4219 Lượt xem

Một số trao đổi về giáo trình Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin

Chương trình các môn lý luận chính trị ở các trường đại học và cao đẳng nước ta hiện nay, nói chung, về kết cấu đã khá ngắn gọn. Tuy nhiên, xét cụ thể, Giáo trình Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin của Bộ Giáo dục và đào tạo, được xuất bản từ năm 2009 và tái bản có sửa chữa cho đến nay, có một số vấn đề cần trao đổi thêm (nội dung và số trang là theo Giáo trình được tái bản có sửa chữa năm 2014).

1. Về kết cấu

Giáo trình được kết cấu thành Chương mở đầu và ba phần, mỗi phần 3 chương, là khá hợp lý. Ở hầu hết các trường đại học, cao đẳng nước ta hiện nay, môn này đều được kết cấu thành 2 học phần: Học phần thứ nhất “Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin I”, gồm Chương mở đầu và Phần thứ nhất (với 3 chương triết học Mác-Lênin); Học phần thứ hai “Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa
Mác - Lênin II”, gồm Phần thứ hai (3 chương kinh tế chính trị Mác - Lênin) và Phần thứ ba
(3 chương CNXH khoa học).

Với điều kiện chuyển sang đào tạo theo hệ thống tín chỉ thực hiện từ năm 2008 đến nay cho thấy: thực tế thời gian sinh viên nghe giảng trên lớp của cả hai học phần, chỉ còn 60 tiết giảng và 25 tiết thảo luận nhóm, so với 270 tiết giảng của 3 môn với 5 học phần trước khi sáp nhập (năm 2008 về trước). Mà hầu như lại không bỏ một nội dung nào, dù là nhỏ nhất (so với chương trình trước năm 2008). Như vậy, thực ra là quá nặng nề. Chương trình hiện nay dường như chỉ là kết cấu, sắp xếp lại cho ít chương, ít mục. Hơn nữa, phần nội dung thi, cũng yêu cầu phải phủ kín chương trình, không được bỏ  nội dung nào.

Vì vậy, Bộ Giáo dục và đào tạo nên mạnh dạn rút bớt, chỉ để lại những nội dung thật là cơ bản, thiết yếu, đúng như tên gọi của giáo trình đã nhấn mạnh, là: “Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin”.

Theo tôi, giáo trình vẫn cần biên soạn đầy đủ các nội dung như hiện nay (giáo trình tái bản năm 2014), nhưng có thể quy định những nội dung quan trọng nhất, cần thiết nhất để sinh viên hiểu được bản chất của chủ nghĩa
Mác - Lênin thì giáo viên bắt buộc phải giảng, sinh viên bắt buộc phải học và thi. Những nội dung còn lại vẫn soạn trong giáo trình để bảo đảm tính lôgic của chủ nghĩa Mác-Lênin và có tài liệu để sinh viên tự nghiên cứu, tham khảo, nhưng không bắt buộc phải thi.

Thí dụ, toàn bộ phần “Các cặp phạm trù cơ bản của phép biện chứng duy vật” có thể để sinh viên tự nghiên cứu và không cần thi. 

2. Về nội dung

Một số thiếu sót, hạn chế cần chỉnh sửa:

a) Một số nội dung trùng lặp, cần được giản lược

Thí dụ như:

- Về vai trò quyết định của sản xuất vật chất. Nội dung này được chứng minh thông qua vai trò của phương thức sản xuất (tr.128 -131), hầu như có trùng lắp với nội dung về sự phát triển của các hình thái kinh tế - xã hội là một quá trình lịch sử - tự nhiên (tr.153 -156).

- Về “Hai phương diện của phương thức sản xuất” (tr.127) trùng với nội dung về “Khái niệm lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất” (tr.131-132). Hơn nữa, nếu chỉ xem xét phương thức sản xuất trên phương diện kỹ thuật thì đó là một quan niệm đã lạc hậu của cách mạng khoa học - kỹ thuật, những năm 1950 - 1960. Theo đó, chỉ xem xét phương diện kỹ thuật, tức phần cứng của sản xuất nên không thấy được vai trò của con người và các nhân tố phần mềm như cách xem xét theo công nghệ hay lực lượng sản xuất trong giai đoạn cách mạng khoa học - công nghệ ngày nay. Cho nên, cần bỏ hẳn nội dung về hai phương diện của phương thức sản xuất, vì nó không chỉ trùng lắp, lạc hậu, mà còn dễ gây hiểu lầm hoặc khó hiểu cho sinh viên. Để hiểu phương thức sản xuất chỉ cần phân tích khái niệm lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất là đủ và chính xác.

- Về “Vai trò, hạn chế và xu hướng vận động của chủ nghĩa tư bản”(tr. 349-355) nhiều chỗ trùng với nội dung của Chương IX: “Chủ nghĩa xã hội hiện thực và triển vọng”, Phần III, mục 1: Chủ nghĩa tư bản - không phải là tương lai của xã hội loài người (tr.477- 479).

- Về “việc thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân phải trải qua hai bước...”(tr.365) trùng lắp với nội dung “Theo nghĩa rộng, cách mạng xã hội chủ nghĩa bao gồm cả hai thời kỳ:...” (tr.376), nhưng trong giáo trình lại được trình bày như hai nội dung khác nhau, không có sự liên kết với nhau, dẫn đến sự dài dòng, khó hiểu hoặc hiểu lầm cho sinh viên và người đọc không chuyên. Cho nên theo tôi, trong nội dung về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân chỉ cần khẳng định ngắn gọn là: “Sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân là tiến hành cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa với hai giai đoạn để giải phóng giai cấp và lao động”..., còn nội dung của hai bước sẽ được phân tích trong phần hai giai đoạn của cách mạng XHCN (tr.365 và 376).

b) Một số khái niệm bị sai hoặc thiếu sót về nội dung cần chỉnh sửa lại cho chính xác

- Khái niệm ý thức

Trong giáo trình nêu định nghĩa: “Ý thức là sự phản ánh năng động, sáng tạo thế giới khách quan vào bộ óc con người; là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan” (tr.52). Nên đặt ngược lại: “Ý thức là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan; là sự phản ánh năng động, sáng tạo thế giới khách quan vào bộ óc con người”. Như vậy phù hợp với quan điểm của Lênin và cũng chính xác hơn.

Khi phân tích bản chất của ý thức cũng nên đặt tính chủ quan lên trước, tính năng động, sáng tạo xuống thứ hai, thì hợp lý hơn. Vì tính năng động, sáng tạo là hệ quả của tính chủ quan (mà dấu hiệu quan trọng nhất là sự phản ánh không nguyên si). Chính nhờ sự phản ánh không nguyên si mà ý thức có thể phản ánh sự vật một cách trừu tượng (đó là bỏ qua những dấu hiệu không quan trọng và giữ lại những dấu hiệu quan trọng, tức dấu hiệu bản chất của sự vật). Nhờ có tính trừu tượng như vậy mà ý thức mới có tính sáng tạo.

Về kết cấu của ý thức, giáo trình chỉ nêu 3 yếu tố là: Tri thức, tình cảm và ý chí. Theo tôi, như vậy là thiếu một yếu tố rất quan trọng của ý thức, đó là nhu cầu. Nói đến ý thức không thể không nói đến nhu cầu. Nhu cầu liên quan đến mọi hoạt động và mọi lĩnh vực của đời sống con người, thậm chí nó có trước và tác động mạnh mẽ đối với cả tri thức, tình cảm và ý chí. Nếu không có nhu cầu thì con người cũng không có tri thức, tình cảm và ý chí. Vì vậy, cần bổ sung thêm yếu tố nhu cầu vào cấu trúc của ý thức.

- Phạm trù tất nhiên

“Phạm trù tất nhiên, dùng để chỉ cái do những nguyên nhân cơ bản, bên trong của kết cấu vật chất (TG nhấn mạnh) quyết định và trong những điều kiện nhất định, nó phải xảy ra như thế, không thể khác” (tr.82). Đây là một phạm trù triết học, cùng với phạm trù ngẫu nhiên, nó bao hàm tất cả mọi sự vật, hiện tượng trong cả tự nhiên, xã hội và tư duy. Nhưng trong định nghĩa lại chỉ quy nó về “kết cấu vật chất”, tức là thu hẹp phạm vi của nó vào lĩnh vực vật chất, và loại trừ nó ra khỏi lĩnh vực tinh thần. Cho nên, cần thay cụm từ “kết cấu vật chất” bằng cụm từ “sự vật, hiện tượng”, thành: “Phạm trù tất nhiên, dùng để chỉ cái do những nguyên nhân cơ bản, bên trong của sự vật, hiện tượng quyết định và trong những điều kiện nhất định, nó phải xảy ra như thế, không thể khác”. Định nghĩa như vậy cũng bảo đảm sự thống nhất với các định nghĩa về 5 cặp phạm trù còn lại, và mới chính xác.

- Khái niệm tồn tại xã hội và ý thức xã hội

 Trong giáo trình định nghĩa: “Khái niệm tồn tại xã hội dùng để chỉ phương diện sinh hoạt vật chất và các điều kiện sinh hoạt vật chất của xã hội” (tr.142). Định nghĩa như vậy vừa thừa yếu tố “phương diện sinh hoạt vật chất”, lại vừa sai. Bởi vì “sinh hoạt vật chất”, tức việc ăn, uống, tiêu dùng các sản phẩm vật chất... của con người thì thuộc về thực tiễn. Mặc dù, sinh hoạt vật chất chỉ là một trong những hình thức không cơ bản của thực tiễn, ngoài ba hình thức cơ bản nhất của nó là: hoạt động sản xuất vật chất; hoạt động chính trị - xã hội và thực nghiệm khoa học. Cho nên chỉ có thể định nghĩa: “Khái niệm tồn tại xã hội dùng để chỉ toàn bộ các điều kiện sinh hoạt vật chất của xã hội” là đủ và chính xác. Nếu cần có thể đưa thêm các yếu tố cơ bản cấu thành của nó để làm rõ thêm.

Về ý thức xã hội, giáo trình nêu định nghĩa: “Khái niệm ý thức xã hội dùng để chỉ phương diện sinh hoạt tinh thần của xã hội, nảy sinh từ tồn tại xã hội và phản ánh tồn tại xã hội trong những giai đoạn phát triển nhất định” (tr.143). Cách định nghĩa như vậy cũng là sai về nhiều phương diện. Một là, không thể đồng nhất ý thức xã hội, cũng như các hiện tượng tinh thần với “phương diện sinh hoạt tinh thần”, tức là các hoạt động tinh thần, như: lễ hội, vui chơi, giải trí, sinh hoạt văn hóa, hoạt động khoa học, giáo dục... Hai là, cũng không thể đồng nhất ý thức xã hội (là cái chung) với toàn bộ đời sống tinh thần của xã hội (bao gồm cả các hiện tượng ý thức chung của xã hội và cả các hiện tượng ý thức cá nhân). Vì ở đây, ý thức xã hội là cái chung, còn ý thức cá nhân là cái riêng. Chính trong giáo trình cũng đã phân biệt: “Mối quan hệ giữa ý thức xã hội và ý thức cá nhân thuộc mối quan hệ giữa cái chung và cái riêng” (tr.143). Cho nên, theo tôi, có thể định nghĩa: “Khái niệm ý thức xã hội dùng để chỉ toàn bộ các hiện tượng thuộc lĩnh vực tinh thần chung của xã hội, nảy sinh từ tồn tại xã hội và phản ánh tồn tại xã hội trong những giai đoạn phát triển nhất định”. Trong định nghĩa này, tôi thêm từ chung vào, thì nội dung của định nghĩa đã rõ ràng ngay, và trong phần phân tích ta phân biệt ý thức xã hội (cái chung) với ý thức cá nhân (cái riêng) nữa (như trong giáo trình cũng đã phân biệt như vậy) thì ngoại diên của khái niệm ý thức xã hội được xác định rất rõ ràng, không thể nhầm lẫn được.

- Khái niệm về con người (tr.169-176)

Đây là phần khó hiểu nhất, rối nhất của giáo trình. Trong mục: “1. Con người và bản chất con người” (tr.169), được chia làm 2 mục nhỏ: “a) Khái niệm con người” (tr.169)... và “b) Bản chất con người” (tr.172). Rồi trong mục: a) lại phân tích thành “Bản tính tự nhiên của con người” và “Bản tính xã hội của con người”. Trong mục b) Bản chất con người: thì mới phân tích về “...bản chất con người là tổng hòa các quan hệ xã hội”. Như vậy, có thể đặt vấn đề là khái niệm con người và bản chất con người là hai vấn đề khác nhau? (trong khi chính giáo trình đã định nghĩa: “Khái niệm là hình thức cơ bản của nhận thức lý tính, phản ánh những đặc tính bản chất của sự vật, hiện tượng” (tr.117). Như vậy, khái niệm về con người phải là cái phản ánh bản chất của con người.

Cho nên, nếu trình bày theo cách của giáo trình thì có thể sinh viên sẽ hiểu là: bản tính tự nhiên và xã hội của con người và bản chất con người (tức tổng hòa các quan hệ xã hội) phải chăng là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau?

Do đó, phần này chỉ cần 1 mục: “1. Khái niệm con người” hay “1. Bản chất con người”. Khi nêu khái niệm con người chỉ cần ngắn gọn: “Con người là một thực thể có sự thống nhất biện chứng giữa phương diện tự nhiên (sinh học) và phương diện xã hội, trong đó phương diện xã hội giữ vai trò quyết định”. Sau đó đi vào phân tích hai phương diện: a. Bản chất tự nhiên (hay bản chất sinh học) của con người; và b. Bản chất xã hội của con người. Khi phân tích bản chất xã hội là cái giữ vai trò quyết định so với bản chất sinh học thì ta phân tích “... bản chất con người là tổng hòa các quan hệ xã hội”, như mục b trong giáo trình (tr.172).

Một vấn đề liên quan ở đây nữa là, khi phân tích về tổng hòa các quan hệ xã hội của con người giáo trình cũng nêu rất chung chung, trừu tượng. Sinh viên không thể hiểu đó là những quan hệ gì?

Để làm rõ vấn đề này, chúng ta cần chỉ ra: Con người và xã hội là hai mặt không tách rời của cùng một vấn đề. Mỗi con người chỉ là con người khi nó là thành viên của xã hội, sống trong xã hội, do xã hội, nhờ xã hội và tham gia vào những quan hệ xã hội xác định (trong các nhóm xã hội), để tồn tại và phát triển. Vì vậy mà “...Bản chất con người là tổng hòa các quan hệ xã hội”. Còn xã hội chính là sự cộng đồng của nhiều người, cũng chính là “Tổng hòa các quan hệ xã hội giữa người và người, trong những giai đoạn nhất định của lịch sử”, đó cũng chính là các hình thái kinh tế - xã hội. Hai mặt này thống nhất biện chứng với nhau. Không có xã hội thì không có con người với tư cách là những thành viên của xã hội. Ngược lại không có con người thì cũng không có các cộng đồng người, tức không có xã hội.

Cho nên, khi nói về khái niệm con người, cũng chính là nói về bản chất con người, thì phải gắn với các hình thái kinh tế - xã hội, chứ không chỉ nói về các quan hệ xã hội chung chung, trừu tượng nào đó. Khi phân tích “Tổng hòa các quan hệ xã hội”, tức cái quyết định bản chất của con người thì cần chỉ rõ “Tổng hòa các quan hệ xã hội” ấy trước hết chính là tổng hòa của các quan hệ trong “Hình thái kinh tế - xã hội”. Mọi người ai cũng chỉ có thể tồn tại và phát triển trong một hình thái kinh tế - xã hội nhất định và bị chế ước bởi “Tổng hòa các quan hệ xã hội” trong hình thái kinh tế - xã hội ấy.

 Hơn nữa, khi “Tổng hòa các quan hệ xã hội”, tức hình thái kinh tế - xã hội thay đổi và phát triển, thì bản chất con người cũng thay đổi và phát triển theo, con người ngày càng văn minh, đời sống con người ngày càng phát triển..., trong khi “cái sinh học” của con người thì rất ít biến đổi.

c) Một số quy luật trình bày không đầy đủ nội dung hoặc không rõ ràng, thậm chí rối rắm, khó hiểu cho sinh viên và người đọc

Một là, nội dung “Quy luật chuyển hóa từ những sự thay đổi về lượng thành sự thay đổi về chất và ngược lại”

Trong phần: “b) Quan hệ biện chứng giữa chất và lượng” (tr 92-93). Đây cũng chính là nội dung quy luật lượng - chất, nhưng giáo trình lại chỉ nêu “khái niệm độ”, “khái niệm điểm nút” và “khái niệm bước nhảy”. Như vậy, sinh viên và người đọc không chuyên triết thực sự không thể hiểu được đâu là nội dung quy luật, và vì vậy khi đi thi vào nội dung này thì không biết trình bày như thế nào, thậm chí không trình bày được. Hậu quả là khi sinh viên thi vào câu này thường bị điểm rất thấp. Cho nên, phần này nên đặt tiêu đề rõ ràng là: “b) Nội dung quy luật”. Và phần nội dung này có thể trình bày thành 3 nội dung nhỏ, là: “(1) Sự thống nhất giữa chất và lượng (độ)”, “(2) Lượng đổi dẫn đến chất đổi”, và “(3) Ngược lại, chất đổi dẫn đến lượng đổi”...

Hai là, nội dung quy luật thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập

Trong phần: “b) Quá trình vận động của mâu thuẫn” (tr.98). Đây chính là phần nội dung quy luật. Nhưng đặt tiêu đề như vậy sinh viên cũng rất khó hiểu, nên khi thi vào nội dung này, đề thi thường yêu cầu trình bày nội dung quy luật, thì nhiều sinh viên không làm được bài, điểm rất thấp. Vì vậy, theo tôi, phần này cũng nên đặt tiêu đề rõ ràng là: “b) Nội dung quy luật.” Hơn nữa, đây là quy luật cơ bản nhất và sâu sắc nhất của phép biện chứng duy vật, nhưng trong giáo trình lại trình bày rất sơ sài, và do đó cũng gây khó hiểu cho sinh viên. Cho nên, phần nội dung quy luật này cần phân tích kỹ và sâu hơn, đặc biệt là ba giai đoạn phát triển của mâu thuẫn (đó là: khác biệt, đối lập và xung đột); và cũng cần chỉ rõ hai hình thức cơ bản của sự giải quyết mâu thuẫn...

Ba là,bnội dung quy luật phủ định của phủ định (tr.100)

Phần nội dung cũng nên đặt tiêu đề rõ ràng là: “b) Nội dung quy luật”. Và phần này cũng nên trình bày rõ thành hai nội dung, là: “(1). Phủ định của phủ định” (hay: “(1).Tính chu kỳ của phủ định biện chứng”) và: “(2). Con đường xoáy ốc của sự phát triển”. Như vậy vừa dễ hiểu, vừa rõ ràng, và khi thi sinh viên sẽ không bỏ sót nội dung và bị điểm thấp.

Bốn là, nội dung quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất:“b) Mối quan hệ biện chứng giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất” (tr.133-136).Phần nàygiáo trình chưa làm rõ được vai trò quyết định của lực lượng sản xuất đối với quan hệ sản xuất, hơn nữa lại luẩn quẩn. Vì khi nói về vai trò quyết định của lực lượng sản xuất đối với quan hệ sản xuất thì giáo trình lại chỉ nói về vai trò của quan hệ sản xuất đối với lực lượng sản xuất (tr.133-134).

Về vấn đề “trình độ phát triển của lực lượng sản xuất”, giáo trình cũng chưa làm rõ, mà chỉ nêu một câu: “trình độ thủ công của lực lượng sản xuất... thấp hơn rất nhiều so với lực lượng sản xuất ở trình độ kỹ thuật công nghiệp và công nghệ cao” (tr.131-132).

Hoàn toàn có thể trình bày rõ ràng và dễ hiểu các nội dung của quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất.

 d) Một số nội dung trình bày không nhất quán, chưa thuyết phục

(1)Trong phần “Tính tất yếu của thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội”, một mặt, khẳng định: “các quan hệ xã hội của chủ nghĩa xã hội không tự phát nảy sinh trong lòng chủ nghĩa tư bản... Sự phát triển của CNTB, dù đã ở trình độ cao cũng chỉ có thể tạo ra những điều kiện, tiền đề cho sự hình thành  các quan hệ xã hội mới xã hội chủ nghĩa...” (tr.401-402). Đây là một quan niệm cũ. Hơn nữa, khẳng định như vậy là trái với nguyên tắc kế thừa của phủ định biện chứng. Mặt khác, trong phần “III. Triển vọng của chủ nghĩa xã hội”, giáo trình lại khẳng định và kể ra một loạt “Các yếu tố xã hội chủ nghĩa đã xuất hiện trong lòng xã hội tư bản” (tr 479). Như vậy là không nhất quán và cũng thiếu thuyết phục.

(2) Trong mục: “2. Chủ nghĩa xã hội, tương lai của xã hội loài người” (tr.480), những luận điểm mà giáo trình nêu ra để chứng minh rằng “Chủ nghĩa xã hội vẫn tồn tại và phát triển...” là chưa thực sự thuyết phục. Theo tôi, những minh chứng cho sự xuất hiện của CNXH, thậm chí của chủ nghĩa cộng sản đã và đang xuất hiện một cách rõ ràng và chắc chắn nhất chính là ở trong sự phát triển của lực lượng sản xuất ở các nước phát triển và nhiều nước khác trên thế giới hiện nay.

Sự phát triển của CNTB gọi là “hiện đại”, nhất là ở các nước phát triển hiện nay chính là sự phát triển mang tính “tự phủ định” của CNTB thành CNXH và chủ nghĩa cộng sản, đúng như phép biện chứng duy vật của Mác đã chỉ ra. Cho nên, chỉ có thể minh chứng cho sự ra đời và xuất hiện của CNXH và chủ nghĩa cộng sản bằng chính sự “tự phủ định” của CNTB, như vậy mới thực sự thuyết phục và mới có cơ sở để xây dựng niềm tin khoa học vào “định hướng xã hội chủ nghĩa” của chúng ta.

Theo tôi, nội dung quan trọng nhất của “định hướng xã hội chủ nghĩa” ở nước ta hiện nay chính là định hướng theo những thành tựu của CNTB hiện đại, những thành tựu đang làm xuất hiện ngày càng nhiều các “Nhân tố xã hội chủ nghĩa” trong lòng nó. Nói cách khác, điều quan trọng nhất của “Định hướng XHCN” ở nước ta hiện nay chính là phải biết vận dụng những thành tựu của CNTB để xây dựng CNXH. Cũng chính vì vậy mà “Định hướng xã hội chủ nghĩa” và định hướng “Hội nhập toàn cầu” của nước ta là không mâu thuẫn với nhau, mà trái lại, còn thống nhất với nhau, thậm chí tạo ra “Sức mạnh tổng hợp” cho sự thắng lợi của công cuộc đổi mới đất nước.

3. Về phương pháp trình bày

Cách trình bày của Giáo trình chưa thật sự phù hợp với tư cách là một giáo trình, tức là những tài liệu chẳng những phải chuẩn mực về nội dung tri thức, mà còn phải là chuẩn mực về mặt logic, cách thức trình bày, diễn đạt (tức là phải ngắn gọn, rõ ràng, mạch lạc, trong sáng, dễ hiểu...). Nhất là đối với một giáo trình về môn lý luận, lại là dành cho sinh viên không chuyên ngành về lý luận chính trị.

Thứ nhất,nhiều nội dung, đặc biệt là trong phần triết học, trình bày như là cho sinh viên chuyên ngành, hoặc cho các nhà chuyên môn về triết học. Chẳng hạn, trong phần về nội dung của các quy luật, hay nội dung về vấn đề con người đã nêu ở trên. Cho nên rất khó hiểu, khó học đối với sinh viên không chuyên ngành. Hơn nữa hầu hết những sinh viên này đều mới qua hệ phổ thông, tư duy trừu tượng và tri thức tổng hợp còn rất hạn chế, lần đầu tiên tiếp cận môn học.

Thứ hai,cách trình bày giữa các chương, thậm chí giữa các phần, mục trong một chương là không thống nhất, gây khó hiểu, khó học cho sinh viên. Chẳng hạn, trong Chương III:

“b) Mối quan hệ biện chứng giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất” (tr.133)...

“II. BIỆN CHỨNG CỦA CƠ SỞ HẠ TẦNG VÀ KIẾN TRÚC THƯỢNG TẦNG” (tr.136)...

Nhưng trong mục: “III. TỒN TẠI XÃ HỘI QUYẾT ĐỊNH Ý THỨC XÃ HỘI VÀ TÍNH ĐỘC LẬP TƯƠNG ĐỐI CỦA Ý THỨC XÃ HỘI” (tr.142), là không thống nhất với cách trình bày các mục trên.

Cách trình bày như vậy vừa khập khiễng, không thống nhất, gây phản cảm và khó hiểu cho sinh viên. 

Có thể sửa tiêu đề trên thành: “III. MỐI QUAN HỆ BIỆN CHỨNG GIỮA TỒN TẠI XÃ HỘI VÀ Ý THỨC XÃ HỘI”.

Tương tự, các đề mục sau đây cũng nên và cần phải rút gọn cho thống nhất với các phần khác:

- “QUAN ĐIỂM CỦA CHỦ NGHĨA DUY VẬT BIỆN CHỨNG VỀ VẬT CHẤT, Ý THỨC VÀ MỐI QUAN HỆ GIỮA VẬT CHẤT VÀ Ý THỨC” (tr.39). Chỉ cần viết gọn lại: “MỐI QUAN HỆ BIỆN CHỨNG GIỮA VẬT CHẤT VÀ Ý THỨC”

- “a) Khái niệm mâu thuẫn và các tính chất chung của mâu thuẫn” (tr.96). Chỉ cần: “a) Khái niệm mâu thuẫn”. Còn tính chất của mâu thuẫn lại trùng với tính chất của mối quan hệ phổ biến, hơn nữa mâu thuẫn cũng chính là một loại mối quan hệ phổ biến. Cho nên phần này nên lược bỏ, chỉ cần nêu mâu thuẫn là một liên lệ cơ bản và phổ biến.

- “IV. PHẠM TRÙ HÌNH THÁI KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ QUÁ TRÌNH LỊCH SỬ TỰ NHIÊN CỦA SỰ PHÁT TRIỂN CÁC HÌNH THÁI KINH TẾ-XÃ HỘI” (tr.152). Chỉ cần: “HÌNH THÁI KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ QUÁ TRÌNH LỊCH SỬ TỰ NHIÊN CỦA NÓ”.

______________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 10-2015

GS, TS Nguyễn Đình Tường

Viện Triết học,

Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền