Trang chủ    Đào tạo - Bồi dưỡng    Bồi dưỡng theo chức danh, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới
Thứ tư, 28 Tháng 9 2016 15:27
3660 Lượt xem

Bồi dưỡng theo chức danh, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới

(LLCT) - Việc đào tạo bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý hiện nay còn có những bất cập trước sự vận động và phát triển của thực tiễn, như đào tạo bồi dưỡng chung cho nhiều đối tượng,... Hơn nữa sự thay đổi công việc, vị trí chức vụ, nên người cán bộ có sự thiếu hụt kiến thức và kỹ năng. Do vậy, bồi dưỡng theo chức danh cho đội ngũ cán bộ là góp phần bù đắp những thiếu hụt, bổ sung những tri thức mới, sát hợp, giúp cán bộ đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Hoạt động bồi dưỡng theo chức danh có đặc thù về nội dung, kết cấu chương trình. Để bảo đảm hiệu quả, cần xác định đúng đối tượng, chủ thể bồi dưỡng; cần lựa chọn phương pháp áp dụng phù hợp, tăng cường cơ sở vật chất- kỹ thuật đáp ứng yêu cầu giảng dạy và học tập.

Đào tạo, bồi dưỡng (ĐTBD) cán bộ, công chức là nhiệm vụ quan trọng nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có năng lực, biết giải quyết các vấn đề được giao trên nguyên tắc kết quả, hiệu quả và chất lượng. Công tác ĐTBD cán bộ, công chức không chỉ nhằm đáp ứng những quy định về tiêu chuẩn cán bộ, ngạch bậc công chức, mà còn nhằm đáp ứng yêu cầu công việc theo chức vụ lãnh đạo, quản lý và vị trí việc làm của cán bộ, công chức. Công tác ĐTBD càng cần thiết đối với những người hoạt động không chuyên trách cần được bồi dưỡng kiến thức phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ.

Đào tạo là việc truyền thụ, tiếp nhận có hệ thống những tri thức, kỹ năng theo quy định của từng cấp học, bậc học; là việc trang bị cho người học một hệ thống kiến thức, kỹ năng để đảm nhiệm một công việc lâu dài, mang tính nghề nghiệp, thường được thực hiện trong một vài năm và được cấp bằng trong hệ thống giáo dục quốc gia. Bồi dưỡng là việc trang bị, cập nhật và nâng cao kiến thức, kỹ năng làm việc của người học, đáp ứng yêu cầu của sự thay đổi công việc, nhiệm vụ. Cơ sở khoa học của chương trình bồi dưỡng là phân tích, mô tả và tiêu chuẩn hóa công việc, so sánh với năng lực hiện có của nhân sự cụ thể để tìm ra sự thiếu hụt cần được đào tạo, huấn luyện thêm. Bồi dưỡng có mục tiêu hẹp khiêm tốn, thực hiện trong một thời gian ngắn, thường xuyên, kết thúc khóa học có thể được cấp hoặc không được cấp văn bằng, chứng chỉ.

Hiện nay việc ĐTBD cán bộ lãnh đạo, quản lý và công chức còn có những bất cập trước sự vận động và phát triển của thực tiễn, trong đó có thực tiễn lãnh đạo, quản lý. ĐTBD chung cho nhiều đối tượng cán bộ  khác nhau về giới tính, tộc người, độ tuổi, thế hệ, năng lực (trình độ nhận thức, học vấn) và môi trường (ngành nghề, điều kiện công tác), v.v.. Hơn nữa, sự thay đổi công việc/công tác, thay đổi vị trí/chức vụ lãnh đạo quản lý, nhất là các vị trí/chức vụ dân cử (do dân bầu), v.v.. làm cho người cán bộ dù đã được đào tạo vẫn bộc lộ thiếu hụt những kiến thức, chuyên môn và kỹ năng cần thiết. Tình trạng công chức làm việc không theo chuyên môn đào tạo còn khá phổ biến. Chương trình, giáo trình, nội dung và chất lượng ĐTBD cũng chưa thật phù hợp với yêu cầu thực tiễn của từng ngành, từng địa phương, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu từng vị trí việc làm của cán bộ, công chức. Nội dung còn nặng về lý thuyết, ít tính ứng dụng, ít chú ý đến tính đặc thù của từng vị trí việc làm của cán bộ, công chức; ít chú ý bồi dưỡng về kỹ năng (năng lực/khả năng của chủ thể thực hiện thuần thục một hay một chuỗi hành động trên cơ sở hiểu biết/kiến thức/kinh nghiệm) nhằm tạo ra kết quả mong muốn trong quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện, nhất là xử lý những tình huống trong thực tiễn.

Do vậy, bồi dưỡng theo chức danh (cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ, v.v..) cho đội ngũ cán bộ là góp phần bù đắp những thiếu hụt, bổ sung những tri thức lý luận và thực tiễn mới, sát hợp giúp cán bộ đáp ứng yêu cầu của hoạt động thực tiễn.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã quan tâm việc bồi dưỡng chức danh, theo đó, những cơ sở chính trị - pháp lý của hoạt động bồi dưỡng chức danh từng bước được hoàn thiện: Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII ngày 18-6-1997 về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”;  số 54-QĐ/TW Bộ Chính trị ra ngày 12-5-1999“Quy định về chế độ học tập lý luận chính trị trong Đảng”; ngày 5-3-2010, Chính phủ ban hành Nghị định số 18/2010/NĐ-CP “Về Đào tạo, bồi dưỡng công chức”, ngày 1-2-2013 ban hành Quy định số 164-QĐ/TW“Quy định về chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp” , Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI số 29-NQTW, ngày 4-11-2013 Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; Nghị quyết số 32-NQ/TW ngày 26-5-2014 của Bộ Chính trị Khóa XI về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý”; v.v.. Chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác ĐTBD cán bộ đã từng bước tạo nên thể chế, hệ thống các chính sách và cơ chế quản lý đối với lĩnh vực ĐTBD cán bộ, trong đó có bồi dưỡng chức danh.

Nghị quyết số 32 của Bộ Chính trị đã nêu rõ quan điểm ĐTBD lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý là nhiệm vụ quan trọng của Ðảng. Quán triệt tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 Khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Bộ Chính trị yêu cầu công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị phải đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, bảo đảm tính hệ thống và liên thông giữa các bậc học, trình độ và giữa các phương thức đào tạo, phù hợp với tiêu chuẩn chức danh cán bộ; phải luôn bám sát mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ của chiến lược cán bộ và gắn kết chặt chẽ với các khâu khác của công tác cán bộ. Bộ Chính trị nhấn mạnh mục tiêu là tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả của công tác ĐTBD lý luận chính trị, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức và năng lực, phong cách làm việc, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong các nhiệm vụ, giải pháp được nêu ra, Nghị quyết số 32 xác định đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp ĐTBD phù hợp với từng loại chức danh cán bộ. Theo đó, cần xây dựng nội dung, chương trình, phương pháp, thời gian ĐTBD theo hướng chọn lọc, thiết thực, phù hợp với từng loại chức danh cán bộ. Nâng cao chất lượng, thời gian đào tạo phù hợp, bảo đảm tính kế thừa, thống nhất; bậc đào tạo càng cao, nội dung càng chuyên sâu, tránh trùng lắp nội dung ở các hệ, bậc học dưới. Chú trọng phương pháp luận, tính định hướng, kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, kỹ năng công tác và phong cách lãnh đạo, quản lý. Ðổi mới phương pháp giảng dạy và học tập theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học, lấy người học làm trung tâm, người học tham gia tích cực vào quá trình đào tạo; giúp học viên tiếp tục tự học, bổ sung, mở rộng và nâng cao kiến thức, rèn luyện về phương pháp tư duy, khả năng vận dụng giải quyết tình huống thực tiễn. Đổi mới hình thức và phương thức thi, kiểm tra và đánh giá kết quả đào tạo, bảo đảm thực chất; hình thành hệ thống kiểm định đánh giá chất lượng các cơ sở đào tạo, các chương trình đào tạo, quy trình và tiêu chí đánh giá cán bộ sau đào tạo.

Nghị định số 18 của Chính phủ về ĐTBD cán bộ, công chức còn xác định ĐTBD theo vị trí việc làm nhằm trang bị, cập nhật kiến thức, kỹ năng, phương pháp để làm tốt công việc được giao.

Chương trình bồi dưỡng theo chức danh là cung cấp kiến thức mang tính hệ thống cho học viên, cung cấp kỹ năng, bài tập xử lý tình huống trong thực tiễn, nhằm cập nhật những kiến thức mới về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao kỹ năng và phương pháp công tác; nâng cao trình độ, năng lực lãnh đạo, phẩm chất chính trị, đạo đức để hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Cụ thể là:

Nội dung của chương trình bồi dưỡng theo chức danh gồm các phần lý luận chung, phần kỹ năng lãnh đạo và phần báo cáo kinh nghiệm thực tiễn. Nội dung chương trình cần cập nhật, nhận thức sâu sắc hơn những vấn đề lý luận và thực tiễn về đường lối xây dựng CNXH trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế ở Việt Nam. Theo đó:

Ở phần lý luận chung, cần cập nhật: (1) Những vấn đề, chủ đề, hướng nghiên cứu mới và kết quả nghiên cứu mới thể hiện trong các lý thuyết, các công trình nghiên cứu, các đề tài khoa học, tổng kết thực tiễn ở trong và ngoài nước, v.v.. về những lĩnh vực chuyên môn sâu có liên quan đến lĩnh vực công tác của người học.(2) Những quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước. (3) Tình hình và nhiệm vụ mới của địa phương, bộ, ngành, cơ sở có liên quan, v.v..

Ở phần kỹ năng cần: (1) Bổ sung, bồi dưỡng kiến thức về kỹ năng, kỹ năng là gì, quá trình hình thành và phát triển kỹ năng (hình thành mục đích của kỹ năng - lên kế hoạch để có kỹ năng - cập nhật kiến thức/lý thuyết liên quan đến kỹ năng - luyện tập kỹ năng - ứng dụng và hiệu chỉnh kỹ năng. (2) Phân loại kỹ năng (kỹ năng nhận thức/tư duy, kỹ năng thể hiện thái độ/giao tiếp/ứng xử, kỹ năng hành động/hành vi), v.v.. (3) Bổ sung, bồi dưỡng các nhóm kỹ năng hay kỹ năng cụ thể như: kỹ năng lãnh đạo, quản lý và xử lý tình huống như kỹ năng ra nghị quyết, tổ chức thực hiện nghị quyết và tổng kết thực tiễn; kỹ năng lãnh đạo công tác cán bộ; kỹ năng xử lý các tình huống chính trị, xung đột chính trị - xã hội; kỹ năng giao tiếp, tuyên truyền, vận động quần chúng; kỹ năng lãnh đạo công tác kiểm tra, giám sát của cán bộ; kỹ năng lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động cơ quan, đơn vị, v.v..

Ở phần báo cáo kinh nghiệm cần: (1) Lựa chọn một số địa phương, đơn vị và cá nhân điển hình (điển hình tốt, thành công và điển hình chưa tốt - khó khăn, phức tạp) trong công tác lãnh đạo, quản lý và chỉ đạo các mặt công tác; chẳng hạn, kinh nghiệm xây dựng kế hoạch, khai thác nội lực để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, kinh nghiệm xử lý các điểm nóng về dân tộc, tôn giáo, v.v.. để tham quan thực tế; (2) Nghe báo cáo và trao đổi về kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý (nhất là những kinh nghiệm mới); chẳng hạn, kinh nghiệm về cải cách hành chính, giải phóng mặt bằng, huy động sức dân trong xây dựng cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo, vận động đoàn kết nhân dân, v.v.. (3) Nghe và trao đổi về các sáng kiến kinh nghiệm (tính mục đích, tính thực tiễn, tính sáng tạo khoa học và khả năng vận dụng và mở rộng sáng kiến kinh nghiệm), v.v..

Cơ sở của việc xác định nội dung của chương trình bồi dưỡng theo chức danh là yêu cầu của thực tiễn địa phương, yêu cầu của người học (cần thiết/thiết thực); năng lực, trình độ của người học (phù hợp/có ích); thời gian, kinh phí (tiết kiệm/hiệu quả); khả năng (kiến thức, kinh nghiệm, năng lực tổ chức lớp/khóa học của cơ sở đào tạo, của giáo viên/giảng viên/báo cáo viên; tham khảo các chuyên gia, cán bộ lãnh đạo của các ban, ngành Trung ương, các cán bộ khoa học và thực tiễn có liên quan, v.v..

Kết cấu của chương trình bồi dưỡng chức danhcần theo thứ tự:

Phần giảng dạy/học tập trên lớp bao gồm giới thiệu chuyên đề - chuyên đề lý luận/lý thuyết; chuyên đề thực tiễn/kinh nghiệm...; chuyên đề chung/chuyên đề chuyên biệt,… chuyên đề kỹ năng/lý thuyết kỹ năng/kỹ năng chuyên biệt/kỹ năng cụ thể,... chuyên đề thực tiễn/kinh nghiệm thực tiễn,...), v.v..

Phần thảo luận (thảo luận chung, thảo luận chuyên đề, thảo luận tình huống, thảo luận những vấn đề lý thuyết/thực tiễn/liên hệ lý luận - thực tiễn; thảo luận trên lớp/thảo luận ngoài lớp; thảo luận lớp/nhóm lớn/nhóm nhỏ; xác định chủ đề, mục tiêu, phương pháp thảo luận; gợi mở/tham gia/kết luận thảo luận,... nhằm củng cố kiến thức lý thuyết (lý thuyết mới được cập nhật),  trao đổi và gợi mở để học viên phát triển tư duy sáng tạo gắn với lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng đảng, thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương; bổ sung kiến thức lý luận và thực tiễn cho các học viên khi trở về công tác thực tế.

Phần tự nghiên cứu, người học tự nghiên cứu tài liệu học tập (tài liệu trích dẫn/tài liệu bắt buộc với giáo trình, giáo khoa, bài báo khoa học, v.v..; tài liệu tham khảo với văn kiện nghị quyết, văn bản pháp luật, văn bản chính sách, điều lệ đảng, hiến pháp nhà nước, điều lệ và chương trình công tác của các tổ chức chính trị - xã hội, báo cáo chuyên đề, báo cáo tổng hợp, v.v.. 

Phần đi thực tế địa phương, cơ sở (xác định mục tiêu, chủ đề - nội dung, phương pháp, địa điểm và thời gian đi thực tế). Học viên đi thực tế tại một số địa phương tìm hiểu về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội; tham quan các mô hình, điển hình (mô hình, điển hình thành công và chưa thành công, thuận lợi và khó khăn) về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa, củng cố an ninh - quốc phòng,... tại các địa phương.

Phần đánh giá kết quả học tập gồm kiểm tra vấn đáp, kiểm tra viết, kiểm tra trước giờ học, giữa giờ học, cuối giờ học, v.v..; viết thu hoạch, thi (thi vấn đáp, thi viết); viết và bảo vệ chuyên đề/đề án; đánh giá tinh thần, thái độ học tập.

Cần đổi mới nội dung, chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn nghiệp vụ công chức, viên chức và tập trung theo hướng chuyên nghiệp, chuyên sâu mỗi chức danh, mỗi vị trí việc làm được bồi dưỡng những kiến thức và kỹ năng phù hợp, thiết thực với công việc đang đảm nhận, các chương trình cụ thể như kỹ năng dành cho công chức, viên chức lãnh đạo quản lý nghiệp vụ cho công chức, viên chức làm công tác nhân sự, cải cách hành chính, văn thư lưu trữ, thực hành văn bản ứng dụng công nghệ thông tin xử lý tình huống, v.v..

Xác định đúng đối tượng của việc bồi dưỡng theo chức danh. Rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ, công chức và công tác đào tạo, bồi dưỡng trong thời gian qua, qua đó, xác định nhu cầu đào tạo, xây dựng kế hoạch đào tạo cụ thể theo từng năm và cả nhiệm kỳ đối với mỗi bộ, ngành, địa phương cũng như trên phạm vi cả nước. Trên cơ sở quy hoạch cán bộ và nhu cầu thực tiễn của cơ quan, đơn vị, địa phương, cấp ủy xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cụ thể, phù hợp với từng chức danh, ngạch, bậc.

Bồi dưỡng chức danh cán bộ phải gắn với việc bố trí, sử dụng. Xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện quy hoạch ĐTBD và sử dụng cán bộ. Tăng cường quản lý việc cử cán bộ đi học, tránh lãng phí trong bồi dưỡng chức danh.

Việc bồi dưỡng chức danh cần được xác định cho các đối tượng, nhóm đối tượng khác nhau về lĩnh vực công tác, nghề nghiệp; cấp bậc, chức vụ - cấp chiến lược, cấp trung gian, cấp cơ sở; lứa tuổi, tộc người, giới tính; đương chức/quy hoạch; nguồn/dự nguồn, v.v.).

Xác định đúng chủ thể của việc bồi dưỡng chức danh. Cần xây dựng cơ chế, chính sách để chủ động tuyển chọn đội ngũ cán bộ quản lý đào tạo, giảng viên, báo cáo viên có chất lượng cho việc bồi dưỡng chức danh. Xây dựng đội ngũ giảng viên có kiến thức sâu, rộng, có nhiều kinh nghiệm trong thực tế cung cấp cho người học những thông tin, kiến thức thiết thực, chú trọng mời giảng viên thỉnh giảng là lãnh đạo các cơ quan, đơn vị công tác trong ngành, trong địa phương có kinh nghiệm thực tiễn để truyền đạt kiến thức, hướng dẫn kỹ năng theo từng vị trí việc làm. ­Báo cáo viên có thể là cán bộ tương đương người học, có kinh nghiệm thực tiễn phong phú ở các địa phương, cơ sở.

Tham khảo những kinh nghiệm bồi dưỡng chức danh như tổ chức ngắn hạn, thiếu gì/cần gì/học nấy; mời các nhà khoa học, chính khách hay công chức xuất sắc, có nhiều kinh nghiệm thực tiễn tham gia hoạt động bồi dưỡng chức danh.

Về phương pháp của hoạt động bồi dưỡng chức danh,cần vận dụng các cách tiếp cận và phương pháp khoa học để phát triển năng lực, kỹ năng người học, đáp ứng các yêu cầu của công việc, nhiệm vụ hiện tại và sự thách thức, thay đổi trong tương lai. Việc bồi dưỡng chức danh cần xác định đúng triết lý, tư duy và phương pháp.

Sử dụng các tiếp cận ISO - xem người học và nơi sử dụng lao động là “khách hàng”, các cơ sở đào tạo - nơi cung cấp dịch vụ công - cần nghiên cứu nhu cầu của “khách hàng”; tiếp cận CDIO (Hình thành ý tưởng - Thiết kế ý tưởng - Thực hiện - Vận hành),… để không ngừng cải tiến, hoàn thiện hệ thống chương trình, nội dung và phương pháp bồi dưỡng chức danh, giúp người học phát triển toàn diện về năng lực nhận thức, thái độ và hành vi.

Áp dụng các phương pháp phù hợp nhằm truyền đạt kiến thức cho người học theo từng đối tượng và nhóm đối tượng, tăng cường khả năng làm việc nhóm, tổ chức tình huống, thảo luận, đóng vai, v.v.. Hình thức bồi dưỡng chức danh cần kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, chia tổ nhóm thảo luận, làm bài tập tình huống minh họa quy trình, thao tác thực thi nhiệm vụ bằng hình ảnh, âm thanh trình chiếu, hướng dẫn nghiệp vụ.

Rút ngắn thời gian cho mỗi lần/khóa bồi dưỡng, tăng tần suất các lần/khóa bồi dưỡng chức danh/mỗi cán bộ, công chức/thời gian công tác.

Về cơ sở vật chất - kỹ thuật cho việc bồi dưỡng chức danh,cần tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho việc giảng dạy, học tập và nghiên cứu thực tế.

________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 12-2015

Tài liệu tham khảo:

1. ĐCSVN: Về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa VIII, Hà Nội, 6-1997.

2. ĐCSVN: Về chế độ học tập lý luận chính trị trong Đảng, Quy định số 54-QĐ/TW ngày 12-5-1999 của Bộ Chính trị (khóa VIII). 

3. ĐCSVN: Về chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, Quy định số 164-QĐ/TW, ngày 1-2-2013 của Bộ Chính trị Khóa XI.

4. ĐCSVN: Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI, số 29-NQTW, ngày 4-11-2013.

5. ĐCSVN: Về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý, Nghị quyết số 32-NQ/TW ngày 26-5-2014 của Bộ Chính trị Khóa XI.

6. Gaston Courtois: Lãnh đạo & Quản lý - Một nghệ thuật, Nxb Lao động - Xã hội, Hà Nội, 2005.

7. Nguyễn Văn Huyên: Mấy vấn đề triết học xã hội và sự phát triển con người, NxbChính trị quốc gia, Hà Nội, 2002.

8. Lorin Woolfe: Kinh thánh về nghệ thuật lãnh đạo (bản dịch tiếng Việt), Nxb Tri thức (Phối hợp với Alphabooks), Hà Nội, 2006.

9. Nghị định số 18/2010/NĐ-CP Về đào tạo, bồi dưỡng công chức, ngày 5-3-2010.

10. Viện nghiên cứu và đào tạo về quản lý: Nguyên lý quản lý - thành công lớn bắt đầu từ đây, Nxb Lao động - Xã hội, Hà Nội, 2007.

 

PGS, TS Lê Minh Quân

Vụ Các trường chính trị,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền