Trang chủ    Đào tạo - Bồi dưỡng    Trí thức nữ trong nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị
Thứ tư, 28 Tháng 9 2016 15:28
2983 Lượt xem

Trí thức nữ trong nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị

(LLCT) - Sự tham gia nghiên cứu lý luận chính trị không chỉ khẳng định địa vị của nữ giới trong lĩnh vực chính trị, quản lý lãnh đạo mà còn bảo đảm cho nữ giới bảo vệ quyền của giới mình trong cung cấp luận cứ cho hoạch định đường lối, chính sách. Nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị là lĩnh vực khó khăn, không hấp dẫn nên ít nữ trí thức tham gia. Hoạt động chuyên môn của nữ trí thức trong công tác này có những thuận lợi cùng những khó khăn với những yếu tố tác động từ chủ trương, chính sách, từ yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ; gánh nặng của nữ trí thức do thực hiện đồng thời chức năng gia đình và xã hội; đặc điểm giới và những rào cản xã hội. Thực tế đặt ra yêu cầu có chính sách tạo điều kiện và môi trường thuận lợi hơn cho nữ trí thức nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị.

1. Đội ngũ nữ trí thức Việt Nam trong nghiên cứu khoa học lý luận chính trị

Đối với nữ trí thức làm công tác nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị là lĩnh vực khó và không hấp dẫn; ít nữ trí thức tham gia. Đội ngũ nữ trí thức làm công tác nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị có số lượng không nhiều.Tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - trung tâm nghiên cứu lý luận chính trị hàng đầu cả nước, đội ngũ nữ trí thức làm công tác nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị chiếm tỷ lệ cao nhất so với các trung tâm nghiên cứu, các học viện, các viện và các trường đại học. Đến tháng 9-2015, tổng số cán bộ công chức, giảng viên Học viện Trung tâm là 879 người; trong đó nữ 469 người; nữ giảng viên, giảng viên chính, giảng viên cao cấp có 125 người, nữ nghiên cứu viên, nghiên cứu viên chính, nghiên cứu viên cao cấp, 85 người; nữ tiến sỹ 72 người; nữ thạc sỹ 157 người; lãnh đạo, quản lý từ phó trưởng phòng (ban) trở lên: 93 người (trong đó có 24 người lãnh đạo, quản lý từ cấp vụ và tương đương trở lên).

Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) đã đưa ra hai chỉ số đánh giá sự tiến bộ của phụ nữ trong việc thu hẹp khoảng cách giới. Một là, chỉ số phát triển liên quan đến vấn đề giới (GDI) được xác định trên cơ sở tuổi thọ, trình độ giáo dục và so sánh địa vị của nam và nữ. Hai là,chỉ số quyền lực giới (GEM) được xác định trên cơ sở xem xét khả năng tiếp cận của phụ nữ đối với các cơ hội nghề nghiệp, kinh tế và chính trị. Như vậy, các chỉ số phát triển và tiến bộ của phụ nữ đều liên quan đến khả năng tiếp cận của phụ nữ đối với các cơ hội, kể cả cơ hội tham chính.

Trên thực tế, tham gia vào đời sống chính trị hay nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị, phụ nữ không những được thử thách năng lực, phẩm chất, mà còn là cơ hội tốt được thể hiện để phát triển, tiến bộ và nâng cao địa vị của giới trong xã hội. Đó cũng là sự tạo lập môi trường giúp cho việc khơi dậy, giải phóng và phát huy các tiềm năng của nữ giới, thúc đẩy quá trình giải phóng nữ giới, thực hiện bình đẳng nam - nữ. Cương lĩnh hành động của Hội nghị thế giới về phụ nữ lần thứ tư (Bắc Kinh,1995) đã nêu rõ: Không có sự tham gia tích cực của phụ nữ với sự kết hợp chặt chẽ của phụ nữ ở các cấp ra quyết định và ở các cơ quan pháp luật thì mục tiêu bình đẳng, phát triển và hòa bình không thể thực hiện được.

Phụ nữ tham gia nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị không chỉ khẳng định địa vị của giới trong lĩnh vực chính trị, trong quản lý, lãnh đạo, mà còn bảo đảm cho nữ giới có đại diện để bảo vệ cho quyền lợi của giới mình trong cung cấp luận cứ cho hoạch định đường lối, chính sách của các cấp, các ngành, đặc biệt ngành có số đông nữ tham gia.

2. Các yếu tố tác động đến sự phát triển của nữ trí thức trong nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị

Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước

Việt Nam đã sớm tham gia, phê chuẩn và thực hiện điều khoản của Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử phụ nữ (CEDAW, Liên Hợp quốc 1979) như: thực hiện, định kỳ trình các báo cáo quốc gia về những kết quả thực hiện CEDAW, trong đó có quy định về sự tham gia chính trị và dân sự của phụ nữ (Điều 1), tham gia các tổ chức, hiệp hội phi chính phủ, liên quan đến đời sống công cộng, chính trị của đất nước (Điều 7); nhà nước bảo đảm các cơ hội phụ nữ đại diện cho chính phủ trên các diễn đàn quốc tế, tham gia công việc ở các tổ chức quốc tế (Điều 8); khuyến cáo nhà nước cần thiết áp dụng các biện pháp đặc biệt, tạm thời, nhằm cải thiện vị thế, vai trò tham gia của phụ nữ trong xã hội, khắc phục sự phân biệt đối xử phụ nữ ở các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình (Điều 4).

Đặc biệt quan tâm công tác phụ nữ, Đảng ta ban hành Chỉ thị 37-CT/TW ngày 16-5-1994 về Một số vấn đề công tác cán bộ nữ trong tình hình mới,xác định: tiếp tục quy hoạch, tạo nguồn, xây dựng chiến lược đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng lao động nữ nói chung và cán bộ nữ nói riêng.

Đại hội XI (2011) của Đảng khẳng định: đối với phụ nữ, thực hiện tốt luật pháp và chính sách bình đẳng giới, bồi dưỡng, đào tạo nghề nghiệp, nâng cao học vấn; có cơ chế chính sách để phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào các cơ quan lãnh đạo và quản lý ở các cấp, các ngành(1).

Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị (27-4-2007) về công tác phụ nữ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nướcnhấn mạnh: “xây dựng, phát triển vững chắc đội ngũ cán bộ nữ tương xứng với vai trò to lớn của phụ nữ là yêu cầu khách quan, là nội dung quan trọng trong chiến lược công tác cán bộ của Đảng”;  Nghị quyết đưa ra các chỉ tiêu: “phấn đấu đến năm 2020, cán bộ nữ tham gia cấp ủy Đảng các cấp đạt 25% trở lên, nữ đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp đạt từ 35% - 40%. Các cơ quan, đơn vị có tỷ lệ nữ từ 30% trở lên, nhất thiết có lãnh đạo chủ chốt là nữ. Cơ quan lãnh đạo cấp cao của Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ có tỷ lệ nữ phù hợp với mục tiêu bình đẳng giới. Bảo đảm tỷ lệ nữ tham gia các khóa đào tạo tại các trường lý luận chính trị, quản lý hành chính nhà nước từ 30% trở lên(2).

Quan điểm, chủ trương của Đảng đã được thể chế hoá thành các chính sách, pháp luật cụ thể; tiếp tục khẳng định sự nhận thức đúng đắn và thái độ kiên quyết trong việc thực hiện các cam kết quốc tế của quốc gia thành viên CEDAW, nhằm bảo đảm quyền bình đẳng của nữ giới.

Về thực hiện quyền bình đẳng, các bảnHiến pháp của Việt Nam đều khẳng định: tất cả công dân Việt Nam đều ngang quyền về mọi phương diện: chính trị, kinh tế, văn hóa.

Luật Bình đẳng giới (2007)là một trong những khung pháp lý quan trọng bảo đảm quyền bình đẳng trong ứng cử và bầu cử: nam - nữ bình đẳng trong việc tự ứng cử và được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND); tự ứng cử và được giới thiệu ứng cử vào cơ quan lãnh đạo của tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp; bảo đảm tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các chức danh trong cơ quan nhà nước phù hợp với mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.

Về bảo đảm quyền của nữ giới trong việc tham gia quản lý nhà nước,Luật Bình đẳng giới quy định quyền tham gia quản lý nhà nước về kinh tế, xã hội, xây dựng pháp luật. Việc đẩy mạnh thực hiện các quy định Luật bình đẳng giới, góp phần tạo môi trường, điều kiện tích cực hơn để phụ nữ có thể tham gia chính trị, hoạt động khoa học.

Về cơ chế thúc đẩy bình đẳng giới trong hoạt động khoa học, giáo dục ở Việt Namcó nhiều điểm tiến bộ, thể hiện bình đẳng giới. Cơ chế thúc đẩy bình đẳng giới đã được cụ thể hóa trong các nghị định, các văn bản hướng dẫn và chiến lược hành động quốc gia về bình đẳng giới.

Để thực thi Luật Bình đẳng giới, năm 2008, Chính phủ ban hành Nghị định 70/NĐ-CP hướng dẫn về thực hiện Luật Bình đẳng giới. Tiếp đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 57/NQ-CP về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ giai đoạn đến 2020 thực hiện Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị. Nghị quyết khẳng định: nâng cao vị thế của nữ trong mọi lĩnh vực của cuộc sống thông qua tăng cường sự tham gia lãnh đạo và quản lý; thực hiện nguyên tắc bình đẳng giữa nam và nữ; lồng ghép cơ chế, chính sách cụ thể về độ tuổi trong quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm đối với cán bộ, công chức nữ và quy định trách nhiệm của cơ quan hành chính nhà nước ở Trung ương và địa phương trong việc bảo đảm cho nữ cán bộ, công chức tham gia quản lý nhà nước(3).

Chính phủ ban hành Nghị định số 48/2009/NĐ-CP ngày 19-5-2009 về việc ban hành các giải pháp bảo đảm bình đẳng giới, giải quyết yêu cầu về thông tin, giáo dục, truyền thông nhằm phổ biến pháp luật và các chính sách về giới và bình đẳng giới, lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng chính sách thực hiện bình đẳng giới tại vùng xa và các vùng nghèo khó.

Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn đến năm 2020 khẳng định, thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị là thước đo quan trọng và cao nhất về mức độ bình đẳng giới. Theo đó, mục tiêu chung là đến năm 2020 về cơ bản bảo đảm cơ hội tham gia và hưởng lợi một cách bình đẳng cho nữ và nam giới trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó một giải pháp thực hiện là: tăng cường các nghiên cứu liên quan tới bình đẳng giới nhằm cung cấp những cơ sở khoa học vững chắc cho việc hoạch định và thực thi chính sách, pháp luật.

Yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị

Nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị là lĩnh vực khó, rất đặc thù, rất rộng và liên quan trực tiếp đến hệ tư tưởng và định hướng phát triển của đất nước. Hiện nay, tình hình trong nước và thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, buộc đội ngũ trí thức làm công tác lý luận phải có kiến thức sâu, rộng đáp ứng những đòi hỏi vừa chuyên sâu, vừa liên ngành. Thực tế, đội ngũ trí thức nữ làm công tác nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị hiện nay đang đứng trước thách thức lớn, trước yêu cầu ngày càng cao về trình độ lý luận, chuyên môn, ngoại ngữ và khả năng ứng dụng thực tế. Trí thức nữ muốn vươn lên khẳng định mình, chỉ có con đường nâng cao trình độ tri thức, kinh nghiệm thực tiễn phong phú. Thực tế cho thấy, những trí thức nữ, những nhà khoa học đầu đàn, chuyên gia giỏi luôn có nhiều cơ hội mở ra để làm việc và thu nhập bằng trí tuệ, tham gia lãnh đạo, quản lý. Tuy nhiên, trên lĩnh vực lý luận chính trị số đối tượng này còn khiêm tốn. Không ít phụ nữ làm công tác nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị phải làm thêm những công việc trái chuyên môn, để có thêm thu nhập, điều đó làm giảm đi điều kiện nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn của họ.

Gánh nặng của nữ tri thứcdo thực hiện đồng thời hai chức năng gia đình và xã hội

Trong xã hội vẫn còn tồn tại quan niệm “nam ngoại, nữ nội”, làm cho không ít người, trong đó có nữ và cả cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý cho rằng làm vợ, làm mẹ là “thiên chức” của nữ giới nên phải gắn với gia đình. Quan niệm chung là phụ nữ là người làm nội trợ, nuôi dạy con cái, phục tùng chồng... là sự cản trở lớn nữ giới phát triển các năng lực hoạt động xã hội, trong đó có nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị.

Ở Việt Nam hiện nay, chức năng gia đình, phần lớn do nữ đảm nhận và trí thức nữ không là ngoại lệ. Điều tra xã hội học cho thấy, ở nhóm gia đình trí thức, công việc nội trợ do người vợ thực hiện chiếm 42%, người chồng thực hiện là 5%, cả hai cùng thực hiện là 53%; về việc nuôi dạy con cái, người vợ thực hiện chiếm 40%, người chồng thực hiện là 10%, cả hai cùng thực liện là 39%(4). Hơn nữa, nữ trí thức thu nhập bằng chất xám nói chung, nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị nói riêng còn hạn chế, nên ngoài việc nội trợ, nuôi dạy con cái, họ còn phải làm thêm nhiều việc khác để có thêm thu nhập, bảo đảm sinh hoạt, học hành, sức khỏe, giải trí của gia đình. Qua đó cho thấy, công việc gia đình đã thu hút rất nhiều trí tuệ, sức lực, thời gian của nữ trí thức khiến không ít nữ trí thức nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị không đủ đầu tư, nỗ lực vươn lên trong chuyên môn.

Một số đặc điểm giới có ảnh hưởng tới nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị của nữ trí thức

Nữ giới Việt Nam có đức tính cần cù, cẩn thận, chu đáo, kiên trì; năng động, sáng tạo, có trách nhiệm và có ý thức cầu tiến trong công việc - đó là những yếu tố lợi thế trong nghiên cứu, giảng dạy. Bên cạnh đó, sự nhạy cảm, tính thiết thực là những tố chất thường có ở phụ nữ. Đây cũng là lợi thế để nữ giới nghiên cứu lý luận có hiệu quả cao.

Phẩm chất ưu trội của nữ giới là mềm mỏng, nhân hậu và giàu tình cảm, giúp họ nghiên cứu lý luận có hiệu quả, thể hiện đậm nét tính nhân văn. Khi nghiên cứu lý luận chính trị, nữ giới có điểm mạnh hơn nam giới như: chịu khó, biết lo xa, sắp xếp kế hoạch và giải quyết công việc một cách hợp lý, hoàn thành công việc đúng thời hạn, đạt được mục tiêu đề ra. Đó là những lợi thế giúp nữ trí thức thành công trong nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị.

Nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị, nhất là ở cấp cao yêu cầu tư duy khái quát và hệ thống, có lý trí chính trị, tỉnh táo, mưu lược sáng suốt. Những đòi hỏi này cũng không ít trường hợp lại mâu thuẫn với nữ tính vốn có (cụ thể, tỷ mỷ, thiên về cảm tính, trực quan). Để  nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị có hiệu quả, nhất là ở cấp cao, nữ cán bộ phải rèn luyện rất nhiều về tầm nhìn văn hóa, về ý chí và bản lĩnh mạnh mẽ, sự quyết đoán. Như vậy, một số đặc điểm tâm lý, khí chất, đặc điểm giới ở nữ là những yếu tố không thuận, khi họ tham gia nghiên cứu lý luận chính trị và đời sống chính trị.

3. Cần có chính sách để tạo điều kiện và môi trường thuận lợi hơn cho phụ nữ nghiên cứu, giảng dạy lý luận

Nghiên cứu lý luận chính trị là lĩnh vực chưa dành được nhiều sự quan tâm của xã hội, khả năng và điều kiện kinh tế của nữ và gia đình còn hạn hẹp. Thực tế đó đã đặt gánh nặng lên vai nữ nói chung, nữ làm khoa học lý luận chính trị nói riêng, cần được quan tâm giải quyết, cần giáo dục nhận thức xã hội và nâng cao nhận thức của các cấp lãnh đạo, quản lý, các tổ chức chính trị cơ quan hoạch định chính sách về điều kiện cho nữ làm công tác nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị. Điều đó đòi hỏi tầm nhìn văn hóa nhà lãnh đạo trong vấn đề nữ trí thức nghiên cứu lý luận chính trị. Bên cạnh đó, còn là trách nhiệm của xã hội trong việc ủng hộ, giúp đỡ và điều kiện để nữ giới nghiên cứu lý luận chính trị; xóa bỏ định kiến nữ và coi lĩnh vực chính trị, nghiên cứu khoa học, lý luận chính trị là lĩnh vực riêng có của nam giới, tạo điều kiện để nữ tham gia nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị. Không những cần chú ý tạo điều kiện để phụ nữ tham chính, nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị, mà điều quan trọng hơn là tạo môi trường, tạo cơ hội để nữ phát triển và thực sự làm chủ bản thân khi đã tham gia nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị.

Hiện nay, với tư duy truyền thống coi lãnh đạo chính trị là “lãnh địa” của nam giới, nghiên cứu, giảng dạy  lý luận chính trị  là lĩnh vực khó và mang tầm vĩ mô phù hợp với tính cách tư duy của nam giới, cộng với những hạn chế về nữ giới khó có được những giải pháp điều chỉnh công việc gia đình và xã hội như đã đề cập, có thể đưa ra giả thuyết rằng nhóm nữ ưu trội chính trị, nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị ở Việt Nam gặp nhiều khó khăn hơn nam giới trong giải quyết xung đột giữa công việc và nhiệm vụ gia đình.

Thực trạng bình đẳng giới ở Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với tình trạng ở một số nước như Canada, Ý, Ba Lan và Rumani vào cuối những năm 1970. Mặc dù có những khác biệt nhất định trên nhiều khía cạnh, nam giới và nữ giới ưu trội chính trị, nghiên cứu lý luận chính trị ở Việt Nam vẫn thống nhất cao độ về việc coi công việc nội trợ về cơ bản là bổn phận của nữ. Do đó, để có thể điều hòa được vai trò là người vợ, người mẹ với vai trò là người lãnh đạo, tham gia nghiên cứu khoa học, về thực chất các nữ chính trị gia, nữ trí thức nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị có “gánh nặng kép”. Trong thực tế, không có nhiều người thành công trong việc điều hòa hai vai trò này. Đã có rất nhiều những bi kịch gia đình ở các trường hợp nữ trí thức đặt ưu tiên hơn cho mục tiêu thăng tiến trong nghiên cứu khoa học. Theo đuổi đam mê nghiên cứu khoa học, nữ trí thức có thể rơi vào tình trạng ly hôn hoặc ly thân. Ngược lại, nếu nữ trí thức dành nhiều thời gian và sức lực cho gia đình thì sẽ có rất ít cơ hội để thăng tiến trong sự nghiệp chính trị, ít thời gian cho nghiên cứu khoa học. Nói cách khác, những rào cản đối với sự tiến bộ của nữ trí thức Việt Nam vẫn còn rất lớn

______________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 12-2015

(1) Dẫn theo Phan Thuận: Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền được học tập của phụ nữ vào công tác đào tạo cán bộ nữ, Thông tin Nhân quyền - Viện Nghiên cứu quyền con người, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, số 7, 2010.

(2) Bộ Chính trị: Nghị quyết 11-NQ/TW (2007) về Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

(3) Chính phủ: Nghị quyết số 57/NQ-CP, ngày 1-12-2009 về việc ban hành chương trình hành động của Chính phủ giai đoạn đến năm 2020.

(4) Trần Thị Vân Anh, Lê Ngọc Hùng: Phụ nữ - giới và phát triển, Nxb Phụ nữ, Hà Nội, 1996,  tr.184, 230 - 231.

 

TS Đặng Kim Oanh

ThS Nguyễn Thị Tuyết

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền