Trang chủ    Đào tạo - Bồi dưỡng    Một số kỹ năng triển khai luận văn, luận án (qua thực tiễn chuyên ngành báo chí)
Thứ tư, 28 Tháng 12 2016 15:56
3611 Lượt xem

Một số kỹ năng triển khai luận văn, luận án (qua thực tiễn chuyên ngành báo chí)

(LLCT) - Luận văn, luận án là công trình nghiên cứu khoa học của học viên cao học, nghiên cứu sinh (NCS) dưới sự hướng dẫn của cán bộ khoa học, kết thúc một quá trình đào tạo công phu của cả người dạy và người học. Thực tế cho thấy bên cạnh nhiều luận án, luận văn có chất lượng tốt, cũng còn không ít có chất lượng không cao.

Để có một luận án hay luận văn thạc sỹ bảo đảm chất lượng, người học cần chú ý một số kỹ năng cơ bản sau đây:

1. Chọn đề tài

Đề tài nghiên cứu của luận văn, luận án có thể theo hướng lý thuyết hay hướng thực hành, nhưng đều phải có vấn đề nghiên cứu. Vấn đề là mâu thuẫn, thường được diễn đạt dưới dạng câu hỏi thuộc lĩnh vực chuyên môn.

Đề tài phải phù hợp với mã số chuyên ngành do người học đề xuất, song người hướng dẫn và hội đồng tư vấn, thẩm định thông qua và chịu trách nhiệm. Chẳng hạn đề tài “Vấn đề phát triển kinh tế hộ gia đình trên sóng truyền hình của Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Bắc Giang hiện nay”nghe thì thuận tai, nhưng không phù hợp với mã số chuyên ngành báo chí học. Với báo chí học, vấn đề này cần được chỉnh lại như “Đài phát thanh - Truyền hình tỉnh Bắc Giang với vấn đề phát triển kinh tế hộ gia đình” (dựa trên tư liệu khảo sát các chương trình phát thanh - truyền hình...). Tức là, vấn đề phát triển kinh tế hộ gia đình được giải quyết, tiếp cận từ báo chí - truyền thông. Hoặc đề tài luận án, ban đầu NCS đề xuất là “Phác thảo mô hình tổ chức hoạt động của tập đoàn truyền thông ở Việt Nam” (...), hàm ý nghiên cứu phác thảo mô hình lý thuyết; nhưng hội đồng “duyệt” đề tài yêu cầu đổi thành “Xây dựng mô hình tổ chức hoạt động tập truyền thông ở Việt Nam”(...), mang tính chất một đề án, chứ không phải luận án.

Khái niệm trung tâmcủa đề tài luận văn, luận án bao quát mức độ rộng hẹp và các chiều cạnh khác nhau, khả năng cập nhật kiến thức và kỹ năng cũng không giống nhau. Thí dụ đề tài “Vai trò báo chí đối ngoại với việc thông tin bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam hiện nay”.  Đề tài này không có tính vấn đề, bởi vai trò báo chí đối ngoạithì đã rõ trong văn bản pháp lý, văn kiện chính trị của cơ quan có thẩm quyền đã xác định. Vả lại, việc thông tinbảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam chỉ một trạng thái trung lập và khá đơn điệu. Đề tài này nên sửa là “Báo chí đối ngoại với vấn đề bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam hiện nay”. Ở đây, khái niệm và mệnh đề trung tâm cần giải mã là báo chí đối ngoại với vấn đề bảo vệ bảo vệ biển, đảo, hàm chứa nội dung không chỉ thông tin, mà quan trọng hơn là tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo bằng thiết chế truyền thông, trong đó có lý thuyết về kết nối xã hội và cơ chế can thiệp của truyền thông(1), chứ không chỉ thông tin hay tuyên truyền.

Khái niệm hay mệnh đề trung tâm phải có khả năng liên kết với các khái niệm chuyên ngành, liên ngành để hình thành khung lý thuyết cho vấn đề nghiên cứu. Đề tài luận văn, luận án cần xác định rõ khái niệm hay mệnh đề này và xem nó có đáp ứng mã số chuyên ngành đào tạo hay không, trước khi bàn đến các tiêu chí khác.

Kinh nghiệm cho thấy không nên chọn vấn đề nghiên cứu quá lớn hoặc không thuộc sở trường của người nghiên cứu. Thí dụ đề tài “Hiệu quả chương trình truyền hình tiếng Khmer của Đài Phát thanh - truyền hình An Giang và Trà Vinh hiện nay. Tên đề tài này có ý nghĩa, nhưng việc giải quyết nó không dễ. Nghiên cứu đề tài này, học viên cần có điều kiện cần và đủ, chí ít là thạo tiếng Khmer để làm việc, vì không thể không nghiên cứu công chúng bằng phỏng vấn sâu, phương pháp điền dã hay thảo luận nhóm tập trung. Nếu thiếu điều kiện tiên quyết này, luận văn khó được bảo đảm.

2. Chọn góc tiếp cận và hướng đi cho đề tài luận văn, luận án

Sau khi bao quát được tình hình và đưa ra phán đoán ban đầu dưới dạng các giả thuyết nghiên cứu, người nghiên cứu cần chọn hướng đi, hướng tiếp cận phù hợp. Việc triển khai đề tài nghiên cứu có hiệu quả hay không phụ thuộc vào năng lực bao quát và phán đoán của người nghiên cứu. Ở cấp độ này, rất cần vai trò của người hướng dẫn khoa học (HDKH).

Đề tài “Thông tin tuyên truyền về biến đổi khí hậu trên sóng phát thanh của Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Giang” chỉ lối tiếp cận một chiều cho vấn đề này, mà thiếu cách tiếp cận mở bởi chỉ tập trung nghiên cứu “thông tin tuyên truyền”  là dòng thông tin từ bên trên, thường được hiểu là một chiều và áp đặt, trong khi vấn đề biến đổi khí hậucần sự tiếp cận đa chiều hơn, phong phú và thực tế hơn (cần nhìn từ thực tế, đa chiều để góp phần đổi mới chính sách và cách tiếp cận). Do đó, làm cơ sở cho lối đi này cần có những lý thuyết báo chí - truyền thông chỉ dẫn, để tránh rơi vào tình trạng một chiều, chủ quan hay minh họa.

3. Chọn và giải mã khái niệm trung tâm, thiết lập cơ sở lý thuyết cho vấn đề nghiên cứu

Vấn đề này liên quan đến mục đích và đối tượng nghiên cứu. Như trên đề cập, khái niệm trung tâm là khái niệm có tính chất như điểm nút, có khả năng biểu đạt vấn đề chính yếu của đề tài. Khi giải mã khái niệm, cần lưu ý là mỗi khái niệm cần được phân tích có tính phê phán (bình luận khoa học) đối với các tác giả đi trước. Sau đó, học viên mới đưa ra, đề xuất khái niệm của mình. Hạn chế lớn nhất, phổ biến nhất ở các luận văn thạc sỹ và tiến sỹ ngành khoa học xã hội - nhân văn là chưa đóng góp được nhiều trong việc mở rộng và làm phong phú nội hàm khái niệm để cập nhật kiến thức; trong khi yêu cầu phát triển hay làm phong phú nội hàm khái niệm là một trong những yêu cầu cơ bản trong việc thiết lập khung lý thuyết cho vấn đề nghiên cứu.

Chọn lý thuyết làm cơ sở cho nghiên cứu, có thể gọi là cơ sở lý luận; nhưng thực ra, lý luận và lý thuyết cũng có sự khu biệt(2). Nó phải là lý thuyết hay cơ sở lý luận của chuyên ngành mà dựa vào đó, các vấn đề của luận văn, luận án được soi sáng để giải mã. Khảo sát hơn 300 luận văn thạc sỹ tại một cơ sở đào tạo trọng điểm, có 87%(3) luận văn, luận án chưa xác định được cơ sở lý thuyết cụ thể cho vấn đề nghiên cứu, mà chủ yếu chỉ ghi “cơ sở lý luận là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước”. Thật ra, khi viết như vậy tức là tác giả chưa thiết lập được cơ sở lý thuyết hay lý luận cho vấn đề nghiên cứu. Bởi vì chủ nghĩa Mác - Lênin, bản thân nó là một hệ lý thuyết, một học thuyết về nhiều vấn đề khác nhau; tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm đường lối và chính sách của Đảng và Nhà nước cũng tương tự.

Người nghiên cứu cần chỉ ra lý thuyết nào, quan điểm nào,... của tác giả nào, trong công trình nào, xuất bản năm nào... và phải miêu tả nó, thậm chí cả cách thức áp dụng nó (những yêu cầu này thường được chú giải ở cuối trang theo footnote); trên cơ sở đó, bổ sung và hoàn thiện quan niệm lý thuyết - tức là thiết lập khung lý thuyết cho vấn đề nghiên cứu. Bởi vì mặc dù đã vận dụng lý thuyết, quan điểm ấy, nhưng vẫn còn khoảng trống khoa học mà luận văn, luận án phải khỏa lấp. Với luận văn, nhất là luận án tiến sỹ, đây là trụ cột thứ nhất - tiêu chí cơ bản nhất để đánh giá luận án. Muốn như vậy, người nghiên cứu cần phải đọc, phải hệ thống hóa các lý thuyết, luận điểm trong các sách chuyên ngành, liên ngành, chuyên khảo.

4. Tổ chức nghiên cứu khảo sát

Chất lượng luận văn, luận án phụ thuộc vào hệ thống dữ liệu thực tế có độ tin cậy hay không. Hệ thống dữ liệu thiếu độ tin cậy thì coi như công trình nghiên cứu “bị đổ”. Ở đây, xin nêu mấy vấn đề cần chú ý(4).

Thứ nhất, xác định rõ đối tượng khảo sát, phạm vi và chọn mẫu khảo sát. Mẫu khảo sát cần tương thích với đối tượng và phạm vi nghiên cứu. Ví dụ đề tài luận án “Đổi mới chương trình phát thanh thời sự của đài cấp tỉnh ở Việt Nam hiện nay” (khảo sát các đài PTTH Hà Nội, Hòa Bình và Quảng Ninh)thì phạm vi khảo sát không tương thích với phạm vi nghiên cứu của đề tài, vi phạm nguyên tắc thực chứng luận. Bởi vì “Đổi mới chương trình phát thanh thời sự của đài cấp tỉnh ở Việt Nam” cần phạm vi khảo sát rộng hơn, có tính đại diện cao, chí ít là cho các khu vực hay vùng miền chứ không chỉ 3 đài khu vực phía Bắc (với báo chí địa phương thì bản sắc địa phương có ý nghĩa hết sức quan trọng); hoặc phải ghi rõ “qua nghiên cứu các trường hợp...”; hoặc đổi thành“Đổi mới chương trình phát thanh thời sự của đài cấp tỉnh ở khu vực phía Bắc Việt Nam”.Chọn mẫu khảo sát (phạm vi chủ yếu, đối tượng khảo sát,...) là vấn đề khá phức tạp, học viên cần tìm hiểu trong các giáo trình hoặc tìm đến chuyên gia của bộ môn xã hội học truyền thông đại chúng, trong trường hợp người HDKH không thể chỉ ra.

Thứ hai, lựa chọn phương pháp nghiên cứu. Phương pháp khảo sát, có thể gọi là phương pháp công cụ - là phương pháp đo, đếm, cần phù hợp với vấn đề nghiên cứu và đối tượng khảo sát. Có phương pháp định tính và phương pháp định lượng...Trong đó, phương pháp bảng hỏi anket (nếu được chọn) cần tương thích với phương pháp phỏng vấn sâu cả về số lượng, tỷ lệ tương quan và đối tượng khảo sát. Một tập hợp các phương pháp được chọn cho nghiên cứu sẽ soi chiếu vấn đề thực tế từ các góc độ và hệ dữ liệu khác nhau về vấn đề nghiên cứu.

Thứ ba, phương pháp xử lý số liệu - dữ liệu và tổ chức nó thành hệ thống có mối liên hệ chặt chẽ với các vấn đề nghiên cứu. Các chỉ báo và thang đo cần được thiết lập một cách logic, chặt chẽ trong mối liên quan với các giả thuyết nghiên cứu. Việc xử lý số liệu khảo sát phụ thuộc vào hệ phương pháp và phần mềm ứng dụng tương thích.

Hệ thống dữ liệu cần bám sát và đáp ứng yêu cầu của các giả thuyết nghiên cứu, các chỉ báo và thang đo được thiết lập. Mỗi kết quả khảo sát cần được nhận xét khoa học, rút ra những vấn đề cụ thể; trên cơ sở đó đề xuất những giải pháp cụ thể và thiết thực để giải quyết vấn đề.

Liên quan đến vấn đề chọn mẫu và phương pháp nghiên cứu, vai trò của người HDKH có ý nghĩa quyết định; và vấn đề này cần được tường minh trong phần mở đầu, thậm chí có một chương riêng để giới thiệu, miêu tả như thiết lập khung nghiên cứu vấn đề (nhất là đối với luận án tiến sỹ). Cán bộ HDKH là người nắm vững phương pháp nghiên cứu chuyên ngành và bảo đảm giúp người học thành thạo các phương pháp nghiên cứu chuyên ngành cần thiết. Do đó, các NCS cần được đào tạo căn cơ, bài bản từ những người thầy có năng lực chuyên môn thật sự để sau này chính người học tiếp nối công tác đào tạo sau đại học.

5. Viết tổng quan hay lịch sử vấn đề nghiên cứu là yêu cầu bắt buộc. Đa số các luận văn thạc sỹ và không ít luận án tiến sỹ chỉ liệt kê tên một số công trình liên quan và nêu nội dung cơ bản theo kiểu phán đoán, mà không đánh giá được những vấn đề và chỉ ra cách (lối) tiếp cận vấn đề, mức độ đạt được của các công trình đi trước về vấn đề liên quan đến đề tài luận văn, luận án, nguyên nhân chủ yếu là do học viên đọc quá ít, thậm chí không đọc. Trong số hơn 300 luận văn tốt nghiệp được khảo sát gần 87% luận văn chưa biết viết lịch sử vấn đề nghiên cứu, thậm chí không giới thiệu phương pháp nghiên cứu, không miêu tả mẫu nghiên cứu; tức là các dữ liệu thực tế chủ yếu lấy từ báo cáo hoặc bất cứ nguồn nào khác, độ tin cậy khó bảo đảm.

Trong luận văn, luận án, phần lịch sử vấn đề nghiên cứu có ý nghĩa hết sức quan trọng. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định rõ yêu cầu luận án phải dành một chương để trình bày vấn đề này. Bởi vì, lịch sử vấn đề nghiên cứu hay phần tổng quan về vấn đề nghiên cứu, yêu cầu người nghiên cứu phải bao quát được vấn đề, trong chuyên ngành hay liên ngành, trên phạm vi trong và ngoài nước để tránh tình trạng công trình nghiên cứu lặp lại vấn đề, góc độ tiếp cận đã được thực hiện, thậm chí chủ ý “luộc lại” công trình đã công bố; mặt khác, đòi hỏi người học không chỉ bao quát các công trình đã nghiên cứu vấn đề liên quan, mà còn phải bình luận khoa học về các công trình đó. Vấn đề này có được thực hiện tốt hay không, phụ thuộc vào người hướng dẫn khoa học và hội đồng khoa học chuyên ngành thẩm định, đánh giá có nghiêm túc hay không. Cũng chính vì thế, Quy chế đào tạo sau đại học quy định các thành viên hội đồng khoa học chuyên ngành (nhất là chủ tịch hội đồng và phản biện khoa học) phải có trình độ chuyên môn cao và phải đúng chuyên ngành đào tạo. Ở nước ngoài (như ở Liên bang Nga và các nước phát triển), người phản biện khoa học và chủ tịch hội đồng cần phải ghi rõ số bằng (số seri được cấp) tiến sỹ để cơ quan chức năng thẩm định người đánh giá luận án có cùng chuyên ngành khoa học với NCS hay không. Ở nước ta hiện nay, không ít cơ sở đào tạo sau đại học thành lập hội đồng đánh giá luận văn, luận án bất chấp chuyên ngành có phù hợp hay không; và chính điều này đã hạ thấp và làm sai lệch chất lượng khoa học của luận án nói riêng và chất lượng đào tạo tiến sỹ nói chung.

Viết lịch sử hay tổng quan vấn đề nghiên cứu cần bảo đảm các chỉ số cơ bản, vấn đề và góc độ tiếp cận, mức độ đạt được và khả năng kế thừa hay khoảng trống được chỉ ra,...liên quan đến vấn đề đang nghiên cứu, để từ đó công trình đi sau cần tiếp tục nghiên cứu, tức là đòi hỏi NCS phải “thẩm” được công trình (có liên quan đến vấn đề mình đang nghiên cứu) của người đi trước đã công bố; tức là cần bình luận khoa học một cách vắn tắt để chỉ ra mối liên hệ (trực tiếp hay gián tiếp) với vấn đề đang nghiên cứu. Với luận án tiến sỹ, NCS nhất thiết phải bao quát các công trình nghiên cứu trên thế giới về cùng vấn đề nghiên cứu. Tất nhiên, yêu cầu này liên quan đến khả năng sử dụng tiếng nước ngoài của học viên.

6. Người HDKHlà điều kiện bắt buộc để giúp học viên trong quá trình làm luận văn, luận án

Người HDKH có vai trò hết sức quan trọng đối với học viên, là người có cùng chuyên ngành, ngành gần hoặc liên ngành,... nhưng quan tâm đến đề tài nghiên cứu của học viên, đã có nghiên cứu về lĩnh vực đề tài luận văn, luận án mà bằng chứng là đã có công trình khoa học công bố trên tạp chí chuyên ngành (theo quy định của Quy chế đào tạo sau đại học). Bởi vì đào tạo tiến sỹ là đào tạo chuyên gia bậc cao, nên cần người có trình độ chuyên môn chuyên sâu HDKH. Vậy nên, đối với đào tạo tiến sỹ, NCS có quyền lựa chọn (chấp nhận hoặc không chấp nhận, nếu được cơ sở đào tạo phân công) người HDKH cho luận án của mình. Đối với NCS ở nước ngoài thì người HDKH cho luận án chủ yếu là giáo sư đang triển khai hướng nghiên cứu nào đó và nhận NCS để cùng họ nghiên cứu; do đó, đề tài luận án của NCS phải nằm trong hướng nghiên cứu khoa học đang quan tâm của giáo sư hướng dẫn.

Người HDKH chí ít giúp học viên (hoặc NCS) các vấn đề sau đây:

Thứ nhất, thống nhất tên đề tài luận văn, luận án; sau đó giúp học viên chọn lối tiếp cận, góc độ tiếp cậncho đề tài đã được giao. Chọn được góc độ tiếp cận sẽ giúp học viên tiết kiệm được thời gian, công sức và công trình sẽ ngắn gọn và nổi bật. Bởi người HDKH biết được chọn đề tài và lối tiếp cận như vậy, công trình có sáng rõ không.

Thứ hai, giúp học viên xây dựng được đề cương nghiên cứu (bao gồm đề cương tổng quát và đề cương chi tiết có thể tới 4 cấp độ) và chỉ cho học viên quy trình triển khai luận văn, luận án. Với NCS, vào đầu khóa học, theo yêu cầu cơ sở đào tạo, phải xây dựng kế hoạch làm việc trong toàn khóa và từng năm; kế hoạch này phải được người HDKH xác nhận và cơ sở đào tạo chấp thuận bằng dấu đỏ. Đó là căn cứ pháp lý cho việc quản lý đào tạo.

Thứ ba, giúp học viên hướng nghiên cứu lý thuyết và thiết kế quy trình nghiên cứu khảo sát thực tế, trong đó vấn đề thiết kế nghiên cứu, chọn mẫu, hệ phương pháp,...có ý nghĩa hết sức quan trọng; thậm chí phải hướng dẫn cho NCS phương pháp rất công phu. Như vậy, chọn người HDKH là chọn cán bộ khoa học làm việc chuyên môn khoa học cùng NCS, chứ không phải chọn “cây cao bóng cả” để “dựa hơi”. Không ít NCS gặp khó khăn, lúng túng trong triển khai luận án là do người HDKH quá bận không có thời gian giúp, hoặc là do họ thiếu kiến thức chuyên môn, nhất là phương pháp nghiên cứu, mà phương pháp nghiên cứu khoa học không phải ai cũng có điều kiện đầu tư nghiên cứu và không phải ai cũng được đào tạo căn cơ và hiểu rõ.

Trong quá trình triển khai luận án, NCS cần tranh thủ sự hướng dẫn, cần thảo luận với người HDKH về những vấn đề phát sinh trong nghiên cứu lý thuyết, trong khảo sát thực trạng hay trong nhận xét, đánh giá hệ dữ liệu có được. Người HDKH và NCS phải “tâm đầu ý hợp” về quan điểm chuyên môn khoa học; trong trường hợp NCS với người HDKH có mâu thuẫn khó dung hòa trong giải quyết các vấn đề chuyên môn của luận án, thì cả hai bên nên chủ động “chia tay” để NCS tìm người hướng dẫn khác; trước hết là người hướng dẫn khoa học đề xuất. Bởi người HDKH là người đầu tiên đánh giá chất lượng khoa học của luận án, với trách nhiệm và uy tín khoa học của mình.

____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 4-2016

Tài liệu tham khảo:

(1) Xem Nguyễn Văn Dững: Cơ sở lý luận báo chí, Nxb Lao động, 2013.

(2) Xem Những vấn đề lý luận - thực tiễn của báo chí học, Giáo trình thạc sỹ lưu hành nội bộ, khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, 2014.

(3) Gồm 12 chuyên ngành đào tạo từ năm 2013 đến 2015.

(4) Hệ vấn đề này học viên cần tìm hiểu kiến thức thuộc bộ môn xã hội học truyền thông đại chúng.

 

PGS, TS Nguyễn Văn Dững

Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền