Trang chủ    Đào tạo - Bồi dưỡng    Xây dựng, củng cố bản lĩnh chính trị trong chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chiến sỹ công an nhân dân
Thứ tư, 28 Tháng 12 2016 15:59
4531 Lượt xem

Xây dựng, củng cố bản lĩnh chính trị trong chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chiến sỹ công an nhân dân

(LLCT) - Đối với lực lượng CAND, công tác giáo dục, xây dựng bản lĩnh chính trị cho cán bộ, chiến sỹ có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng công an trong sạch, vững mạnh, làm cơ sở để nâng cao sức mạnh tổng hợp, sức chiến đấu. Bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng của cán bộ, chiến sỹ là vũ khí sắc bén, là “thanh bảo kiếm” để lực lượng công an thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao; thể hiện mục tiêu, lý tưởng chiến đấu vì độc lập dân tộc, CNXH và bảo vệ bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

CAND là một trong hai lực lượng vũ trang nòng cốt có nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, Đảng, Nhà nước và nhân dân. Do tính chất đặc thù là lực lượng chính trực tiếp chiến đấu trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội nên công việc của cán bộ, chiến sỹ CAND đang hằng ngày, hằng giờ tiếp xúc với mặt trái của xã hội, tiếp xúc với các loại tội phạm nguy hiểm với những âm mưu, thủ đoạn, phương thức hoạt động ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Chúng tìm mọi cách để tác động, lôi kéo, mua chuộc cán bộ, chiến sỹ ta, thâm nhập vào nội bộ nhằm nắm tình hình, phá hoại lực lượng từ bên trong, dùng lợi ích vật chất mua chuộc, đe dọa tinh thần đối với cán bộ, chiến sỹ Công an. Do đó, nếu không làm tốt công tác giáo dục bản lĩnh chính trị, bảo vệ nội bộ thì nguy cơ giảm sút sức chiến đấu của cán bộ, chiến sỹ là hiện hữu. Nhận thức rõ tầm quan trọng của vấn đề, trong những năm qua, Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an thường xuyên quan tâm, tập trung chỉ đạo, triển khai công tác giáo dục bản lĩnh chính trị cho cán bộ, chiến sỹ trong toàn lực lượng với nhiều hình thức phù hợp và hiệu quả.

Thực hiện Chỉ thị số 09/CT-BCA-X11, ngày 01-9-2011 của Bộ trưởng Bộ Công an về “tăng cường công tác chính trị tư tưởng trong lực lượng CAND giai đoạn 2011-2015”, qua 5 năm tổ chức thực hiện, các đơn vị chuyên môn đã tham mưu cho Bộ Công an ban hành 7 chỉ thị, 14 thông tư, 111 chương trình, kế hoạch công tác lớn về công tác chính trị tư tưởng. Đặc biệt, Bộ Công an đã tham mưu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ đề án thành lập Học viện Chính trị CAND. Ngày 1-3- 2014, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 315/QĐ-TTg về việc thành lập Học viện Chính trị CAND trực thuộc Bộ Công an. Học viện ra đời đã đáp ứng yêu cầu thực tiễn về đào tạo cán bộ làm công tác tham mưu, chỉ huy, xây dựng lực lượng CAND; là cơ sở đầu ngành về đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị các cấp cho cán bộ, chiến sỹ trong toàn lực lượng; trong đó có giáo dục, bồi dưỡng nâng cao bản lĩnh chính trị cho cán bộ, chiến sỹ CAND.

Tại Hội nghị triển khai Chỉ thị số 46-CT/TW ngày 22-6-2015 của Bộ Chính trị về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới” và tổng kết thực hiện Chỉ thị số 09 của Bộ trưởng Bộ Công an ngày 18-7-2015, trong bối cảnh tình hình diễn biến phức tạp nhiệm vụ đặt ra đối với lực lượng CAND hết sức nặng nề. Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Trần Đại Quang yêu cầu cấp ủy, lãnh đạo Công an các cấp và toàn thể cán bộ, chiến sỹ kiên định bản lĩnh chính trị, nâng cao tinh thần cách mạng, ý thức trách nhiệm, siết chặt kỷ cương, kỷ luật, đoàn kết, chăm lo xây dựng lực lượng CAND thực sự trong sạch, vững mạnh. Tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình đến toàn thể cán bộ, chiến sỹ; chủ động nắm và giải quyết tình hình tư tưởng của cán bộ, chiến sỹ.

Lý luận và thực tiễn hơn 70 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành của lực lượng CAND đã chỉ rõ: Bản lĩnh chính trị của cán bộ, chiến sỹ công an được rèn luyện, thử thách và phát triển trong những điều kiện chiến đấu bảo vệ an ninh trật tự, đối mặt với kẻ thù nguy hiểm, đã đạt đến giá trị ổn định, bền vững về lập trường quan điểm, đạt đến trình độ giác ngộ sâu sắc về quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ an ninh trật tự, thể hiện sinh động qua 6 điều Bác Hồ dạy, 10 điều kỷ luật và 5 lời thề danh dự của CAND.

Bản lĩnh chính trị của cán bộ, chiến sỹ không chỉ được hình thành, phát triển trong thực tiễn chiến đấu mà còn cả trong giáo dục, đào tạo, rèn luyện. Trong đó, giáo dục về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thế giới quan, nhân sinh quan khoa học, cách mạng, đúng đắn, giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc, lòng dũng cảm, giáo dục tinh thần cách mạng và quốc tế trong sáng; nâng cao nhận thức, trình độ giác ngộ chính trị, kịp thời nắm bắt, vận dụng sáng tạo mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an... là vấn đề có ý nghĩa sâu sắc. Cấp ủy các cấp và mỗi cán bộ, chiến sỹ công an phải nhận thức được việc giáo dục, rèn luyện bản lĩnh chính trị cho mỗi cán bộ, chiến sỹ là một nhu cầu tự thân, khách quan và là yêu cầu bức thiết trong giai đoạn hiện nay nhằm xây dựng lực lượng công an cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, công tác giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng bản lĩnh chính trị cho cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng công an vẫn còn nhiều vấn đề cấp bách cần giải quyết, mà nguyên nhân xuất phát từ chính đặc điểm tình hình trong nước và thế giới sau đây:

(1) Trong những năm tới, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường và tác động đến nước ta, tình hình tranh chấp chủ quyền biển đảo ở biển Đông vẫn là vấn đề nóng, công cuộc đổi mới càng đi vào chiều sâu sẽ càng nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, những khó khăn yếu kém của nền kinh tế do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan vẫn tồn tại; sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa được ngăn chặn, đẩy lùi triệt để. Hoạt động chống phá nội bộ cơ quan Đảng, Nhà nước và lực lượng vũ trang của các thế lực thù địch sẽ còn diễn ra quyết liệt.

(2) Các thế lực thù địch không ngừng thực hiện âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình”, gây bạo loạn lật đổ nhằm chống phá cách mạng Việt Nam, chúng sử dụng các chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền” hòng xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, thay đổi chế độ chính trị ở nước ta, đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, phi chính trị hóa lực lượng vũ trang. Các thế lực thù địch sử dụng các thủ đoạn tinh vi thâm độc qua hàng trăm cơ quan báo chí, xuất bản ở nước ngoài, móc nối với các phần tử cơ hội chính trị ở trong nước để tuyên truyền hòng làm lung lay hệ tư tưởng, tác động đến ý chí, tình cảm của cán bộ và nhân dân trong đó có cán bộ, chiến sỹ công an.

(3) “Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở nước ta đang diễn biến hết sức phức tạp với những biểu hiện suy thoái từ bên trong, tự biến đổi về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên theo chiều hướng tiêu cực, làm mất dần các chuẩn mực của người cộng sản, dẫn đến xa rời các nguyên tắc, quan điểm mác xít, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thiếu niềm tin, hoài nghi, thậm chí phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, phê phán lịch sử thiếu khách quan, đòi xét lại con đường đi lên CNXH... qua công tác đấu tranh của lực lượng CAND cho thấy rõ ý đồ của các thế lực thù địch lợi dụng các hoạt động hợp tác về giáo dục đào tạo để cài cắm tuyển lựa, đưa người của chúng chui sâu, leo cao vào các cơ quan Đảng, Nhà nước, trong đó có cả những đơn vị trọng yếu, cơ mật và lực lượng vũ trang, nhằm thực hiện “cách mạng màu” ở nước ta.

(4) Các loại tội phạm nguy hiểm như tội phạm hình sự, buôn bán ma túy, tội phạm có tổ chức, đặc biệt là tội phạm xuyên quốc gia vẫn không ngừng hoạt động với những phương thức, thủ đoạn nguy hiểm, liều lĩnh. Các băng nhóm xã hội đen hoạt động có tổ chức, liên kết chặt chẽ vẫn đang hoạt động ẩn náu, ngụy trang, trốn tránh sự kiểm soát của lực lượng CAND; tình trạng cán bộ, chiến sỹ bị các loại tội phạm mua chuộc, lôi kéo vẫn diễn ra và có diễn biến phức tạp hơn trong điều kiện kinh tế thị trường. Điều đó đã và đang trực tiếp tác động đến tư tưởng chính trị của cán bộ, chiến sỹ CAND.

Xuất phát từ nội dung, đặc điểm tình hình và yêu cầu xây dựng lực lượng CAND trong tình hình mới, yêu cầu về giáo dục, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng cho cán bộ, chiến sỹ là một nội dung cơ bản và thiết thực. Việc ra đời của Học viện Chính trị CAND và Khoa Xây dựng Đảng và Chính quyền Nhà nước của Học viện ngay từ đầu với trọng trách xây dựng chương trình đào tạo bậc đại học ngành Xây dựng Đảng và Chính quyền Nhà nước với các nội dung đào tạo bồi dưỡng cán bộ làm công tác Đảng và xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức quần chúng trong CAND; công tác tổ chức, cán bộ và chế độ, chính sách trong CAND; công tác chính trị - tư tưởng, giáo dục và đào tạo, tham mưu, tổng hợp, thanh tra, kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng trong CAND với các chuyên ngành Xây dựng lực lượng CAND, Quản trị nhân lực CAND... là cần thiết và kịp thời. Học viện được thành lập và đi vào hoạt động đã đáp ứng yêu cầu đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về công tác Đảng, công tác chính trị, công tác xây dựng lực lượng CAND cho cán bộ làm công tác chuyên trách. Đồng thời, góp phần thực hiện nhiệm vụ giáo dục, bồi dưỡng, hoàn thiện kiến thức trung cấp, cao cấp lý luận chính trị, góp phần nâng cao trình độ lý luận chính trị, xây dựng bản lĩnh chính trị cho toàn thể cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng CAND. Đây là một nhiệm vụ trọng tâm và nặng nề cần nhận được sự quan tâm, ủng hộ của cấp ủy, lãnh đạo công an các cấp.

Để tăng cường hiệu quả công tác xây dựng bản lĩnh chính trị cho cán bộ, chiến sỹ trong thời gian tới, cần làm tốt một số giải pháp sau:

Một là, nâng cao nhận thức của cấp ủy, lãnh đạo công an các cấp và ý thức tự giác của cán bộ, chiến sỹ về vai trò của việc giáo dục, rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị trong toàn bộ công tác xây dựng lực lượng CAND. Để có bản lĩnh chính trị vững vàng, trước hết lãnh đạo, chỉ huy công an các cấp và bản thân mỗi cán bộ, chiến sỹ phải có ý thức tự giác học tập, rèn luyện phẩm chất chính trị, kiên định lòng trung thành tuyệt đối đối với Đảng và nhân dân, học tập thế giới quan, phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, giữ vững bản chất giai cấp công nhân, thấm nhuần sâu sắc tính đảng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH; nắm vững quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết, chỉ thị của Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an về các mặt công tác công an.

Hai là, phải tập trung xây dựng một hệ thống quan điểm thật sáng rõ, có tính khoa học và thuyết phục về cơ sở lý luận và thực tiễn của CNXH và con đường đi lên CNXH ở nước ta; kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ an ninh tư tưởng, xây dựng luận cứ khoa học chặt chẽ đủ sức chống lại quan điểm sai trái, phản động của các thế lực thù địch. Muốn vậy, cần phát huy vai trò to lớn của đội ngũ làm công tác lý luận, tư tưởng của Đảng và toàn bộ hệ thống chính trị, của các chuyên gia khoa học đầu ngành trong lực lượng công an; kết hợp đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu, phát triển lý luận xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng CAND với nghiên cứu, trao đổi lý luận về công tác chính trị, xây dựng lực lượng quân đội nhân dân và công tác nghiệp vụ công an để khắc phục tình trạng lý luận bị lạc hậu; kịp thời nắm bắt, vô hiệu hóa âm mưu, thủ đoạn hoạt động chống phá tư tưởng, phá hoại chính trị nội bộ CAND của các thế lực thù địch, không để hậu quả xấu xảy ra.

Ba là, tăng cường tổ chức các hoạt động giáo dục chính trị, tư tưởng, bồi dưỡng nâng cao bản lĩnh chính trị cho cán bộ, chiến sỹ trong toàn lực lượng CAND. Theo số liệu khảo sát của Học viện Chính trị CAND, tại Công an 87 đơn vị, địa phương đến tháng 10-2014, mới chỉ có 42,64% cán bộ, chiến sỹ đạt trình độ trung cấp lý luận chính trị, 6,12% cán bộ, chiến sỹ đạt trình độ cao cấp lý luận chính trị, như vậy có tới hơn 50% cán bộ, chiến sỹ chưa qua các lớp đào tạo bài bản, chuyên sâu về lý luận chính trị. Điều đó dẫn đến những “khoảng trống” về nhận thức chính trị của một bộ phận cán bộ, chiến sỹ. Để nâng cao bản lĩnh chính trị cho cán bộ, chiến sỹ trong toàn lực lượng thời kỳ mới, nhất là đối với cán bộ, chiến sỹ công tác ở những đơn vị chiến đấu, trực tiếp tiếp xúc với mặt trái của xã hội, đấu tranh với những loại tội phạm nguy hiểm, có hoạt động phá hoại an ninh trật tự của đất nước là hết sức cần thiết. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng bản lĩnh chính trị cần có hình thức và nội dung phù hợp với từng đối tượng cụ thể, thông qua các báo cáo chuyên đề, tập huấn lý luận, tuyên truyền nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước, của Bộ Công an... Trong đó, cần tập trung định hướng bồi dưỡng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lòng yêu nước, các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, ý thức giác ngộ cách mạng, giáo dục lịch sử, truyền thống chiến đấu của lực lượng công an, lòng dũng cảm... Đồng thời cập nhật, bổ sung tri thức khoa học, nâng cao trình độ nghiệp vụ công an, đẩy mạnh đấu tranh tự phê bình và phê bình. Đây là cơ sở, nền móng để cán bộ, chiến sỹ phân biệt rõ phải - trái, đúng - sai, có nhận thức đúng đắn trước những luồng thông tin độc hại, phản động trong bối cảnh “chiến tranh mạng” và toàn cầu hóa.

Bốn là, kết hợp giữa giáo dục tại trường lớp với tăng cường rèn luyện cán bộ, chiến sỹ trong thực tiễn huấn luyện, chiến đấu; tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị 03-CT/TW ngày 14-5-2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, gắn với việc thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI của Đảng “Về một số vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay”; đặt ra các tình huống éo le, phức tạp, gay cấn để chủ động phát hiện, phòng ngừa và uốn nắn những cán bộ, chiến sỹ có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống... Tăng cường các biện pháp thử thách, rèn luyện trí lực, nghị lực, sức khỏe qua đó bồi dưỡng tác phong, phong cách làm việc độc lập, sáng tạo, khoa học để cán bộ, chiến sỹ luôn có lập trường, tư tưởng chính trị đúng đắn, vững vàng, không hoang mang, dao động, luôn tự tin trong tiếp nhận và xử lý các tình huống bất ngờ. Không mắc mưu “diễn biến hòa bình” không bị “tự diễn biến” “tự chuyển hóa”.

Bản lĩnh chính trị là yếu tố cơ bản, nền tảng làm nên sức mạnh tổng hợp của lực lượng CAND, sức mạnh của “nghìn người như một”, góp phần quyết định tạo nên sức mạnh chiến đấu bảo đảm cho CAND luôn đứng vững trước mọi khó khăn, thử thách trong sự nghiệp bảo vệ an ninh trật tự và bình yên cuộc sống. Do đó, nhận thức đúng vị trí vai trò của công tác xây dựng bản lĩnh chính trị người chiến sỹ CAND trong chương trình đào tạo tại Học viện Chính trị CAND không chỉ có ý nghĩa thiết thực trong xây dựng lực lượng CAND mà còn có ý nghĩa quyết định trực tiếp mọi thành bại của lực lượng công an trong tình hình hiện nay.

____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 4-2016

Tài liệu tham khảo:

1. GS, TS Lê Hữu Nghĩa: Cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng chính trị hiện nay - thực trạng và quan điểm của Đảng ta, kỷ yếu hội thảo khoa học, Tạp chí Cộng sản, Hà Nội, 2012.

2. Thiếu tướng Bùi Văn Tâm: Một số giải pháp đấu tranh trên mặt trận tư tưởng chính trị ở nước ta hiện nay, kỷ yếu hội thảo khoa học, Tạp chí Cộng sản, Hà Nội, 2012.

3. TS Đinh Ngọc Hoa: Giải pháp góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, rèn luyện bản lĩnh chính trị cho cán bộ, chiến sỹ lực lượng Công an nhân dân trong tình hình mới, Tạp chí Công an nhân dân, Hà Nội, 2015.

 

TS Lê Trọng Hanh

Học viện Chính trị Công an nhân dân

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền