Trang chủ    Đào tạo - Bồi dưỡng    Giáo dục đạo lý “uống nước nhớ nguồn” cho thanh niên hiện nay
Thứ tư, 28 Tháng 12 2016 16:03
9194 Lượt xem

Giáo dục đạo lý “uống nước nhớ nguồn” cho thanh niên hiện nay

(LLCT) - Dân tộc ta có nhiều giá trị đạo đức truyền thống quý báu, trong đó có truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”. “Uống nước nhớ nguồn” thể hiện đạo lý sống chí nghĩa chí tình, là lẽ sống của con người Việt Nam. Câu thành ngữ thuần Việt “Uống nước nhớ nguồn” lấy một hình ảnh thường nhật đúc kết thành một phẩm chất đạo đức mang tính phổ quát của người Việt Nam. “Uống nước nhớ nguồn” là triết lý biết ơn được thể hiện tập trung nhất trong tư tưởng về Đạo Hiếu. Giáo dục đạo lý “uống nước nhớ nguồn” cho thanh niên là một việc làm hết sức cần thiết, thường xuyên và liên tục.

Đạo Hiếu được bắt đầu từ giáo dục gia đình. Gia đình là môi trường cơ bản, đầu tiên và có vai trò quyết định nhất trong việc giáo dục đạo Hiếu.

Hiếu xuất phát từ tình cảm, tư tưởng, suy nghĩ, biểu hiện qua hành động đối với ông bà, cha mẹ của con cháu. Hiếu là một đức tính cần có của con người, là lẽ phải đương nhiên ở đời nên mặc nhiên gọi là Đạo Hiếu. Đạo Hiếu có thể được hiểu:

Hiếu thảo là sự biết ơn, chăm sóc phụng dưỡng ông bà, cha mẹ khi sống, thờ phụng khi mất;

Hiếu kính là lòng kính trọng, nghe lời ông bà cha mẹ;

Hiếu đễ là kính trên nhường dưới, anh chị em trong nhà bảo ban nhau, không mất đoàn kết, tranh cãi nhau;

Hiếu thuận là anh chị em trong nhà hòa thuận yêu thương nhau, giúp đỡ nhau;

Hiếu trung là hiếu với ông bà, cha mẹ, trung với vua (người đại diện cho quốc gia, dân tộc thời phong kiến) nay Hiếu được hiểu rộng hơn là hiếu với dân, trung với Đảng.

Nho giáo cho rằng, hiếu có 3 tầng bậc: (1) Tiểu Hiếu (kính dưỡng), là sự kính trọng, nuôi dưỡng ông bà, cha mẹ khi sống, thờ phụng khi mất. (2)Trung Hiếu (bất mục chi hiếu), là con cái không làm gì để cha mẹ buồn phiền.(3) Đại Hiếu, là con cái ngoan ngoãn, thành đạt, kế thừa sự nghiệp của cha mẹ, phát huy truyền thống tốt đẹp của họ tộc, làm vinh danh ông bà, cha mẹ.

Phật giáo cho rằng để báo hiếu mẹ, con cái phải thực hiện 10 ân đức. Đó là: (1) Nhớ ơn mẹ ta, chín tháng mười ngày cưu mang nặng nhọc. (2) Nhớ ơn mẹ ta, khi sinh nở đau đớn vô cùng. (3) Nhớ ơn mẹ ta, khi sinh nở quên cả lo âu. (4) Nhớ ơn mẹ ta, mẹ ăn miếng đắng lại nhả miếng ngọt, dành dụm cho con. (5) Nhớ ơn mẹ ta, chỗ ướt mẹ nằm chỗ ráo xê con. (6) Nhớ ơn mẹ ta, ba năm bú mớm nuôi nấng thuốc thang trong khi sài bệnh. (7) Nhớ ơn mẹ ta, giặt giũ hóng phơi áo quần dơ dáy ô uế tanh hôi, mẹ đành cam chịu. (8) Nhớ ơn mẹ ta, khi đi đâu xa vì thương nhớ con trong lòng lo lắng chẳng chút nào nguôi. (9) Nhớ ơn mẹ ta, vì sinh nuôi con mà mẹ cam lòng tạo bao nghiệp ác. (10) Nhớ ơn mẹ ta, lòng rất thương con, trọn đời yêu dấu, không phút nào ngơi.

Ngoài ra, Phật giáo còn dạy Phật tử phải thực hiện tứ trọng ân cũng là thực hiện đạo lý Uống nước nhớ nguồn: Ơn trời đất; Ơn nhà nước, xã hội; Ơn cha mẹ, thầy bạn; Ơn thập phương.

Trong kho tàng văn hóa truyền thống, Đạo Hiếu được đề cao như một giá trị vĩnh hằng. Nhiều câu ca nói về Đạo Hiếu và lý giải vì sao con cháu phải thực hiện: “Công cha như núi Thái Sơn/Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”.

Công ơn cha mẹ cao rộng như thế, đạo làm con trước hết là phải biết vâng lời cha mẹ: “Mẹ cha là biển, là trời/ Làm sao con dám cưỡng lời mẹ cha”.

Giáo dục đạo Hiếu trong gia đình Việt Nam truyền thống luôn được chú ý. Đạo Hiếu không chỉ bó hẹp trong phạm vi gia đình mà còn được mở rộng ra làng, xã; bà con xóm giềng “tắt lửa tối đèn có nhau”, “lá lành đùm lá rách”. Hầu hết các làng xã đều có đình, miếu thờ phụng Thành hoàng làng - những người có công mở đất, giữ làng, dạy nghề, dạy chữ cho dân.

Mở rộng ra là cộng đồng quốc gia dân tộc: “Bầu ơi thương lấy bí cùng/Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.

Tín ngưỡng “Tháng Tám giỗ cha, tháng Ba giỗ mẹ” ở Việt Nam cũng là nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng, là sự thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.

Trên lãnh thổ Việt Nam có 54 dân tộc anh em đều là con Lạc, cháu Rồng, cùng chung một cội nguồn, là đồng bào, một bọc nở ra, là con một mẹ. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là sự kết tinh của đạo lý uống nước nhớ nguồncủa dân tộc Việt Nam. Hằng năm vào ngày Quốc giỗ mùng 10 tháng 3, hàng triệu người con đất Việt ở trong và ngoài nước đều hướng về đất Tổ, tưởng nhớ tri ân người có công mở nước. Ở nhiều tỉnh thành trong cả nước có lập đền thờ Vua Hùng đã phần nào đáp thỏa được nhu cầu đền ơn đáp nghĩa của đông đảo nhân dân.

Hiện nay, xu thế toàn cầu hóa trong đó có toàn cầu hóa về văn hóa đang vừa tạo ra cơ hội và thách thức cho các quốc gia, dân tộc. Việt Nam trên con đường hội nhập và phát triển, đồng thời phải tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại, vừa kế thừa và phát triển những giá trị văn hóa truyền thống trong đó có “đạo lý uống nước nhớ nguồn”. Đại hội XI của Đảng khẳng định sự cần thiết phải “đúc kết và xây dựng hệ giá trị chung của người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”.

“Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”là giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta đã phát huy cao độ những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, trong đó có đạo lý uống nước nhớ nguồntrong sự nghiệp đấu tranh vì độc lập dân tộc và xây dựng CNXH ở Việt Nam. Ngay từ ngày đầu những năm 40 thế kỷ XX, Bác Hồ đã kêu gọi nhân dân học lịch sử dân tộc:

“Dân ta phải biết sử ta,

Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam

Kể năm hơn bốn ngàn năm”.

Tại Đền Hùng, ngày 19-8-1954, Bác căn dặn các chiến sỹ Đại đoàn Quân tiên phong khi tiến về giải phóng Thủ đô: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” là thể hiện Hiếu cao nhất của thế hệ chúng ta đối với Quốc Tổ Hùng Vương.

Đảng và Nhà nước, trong chiến lược phát triển nguồn lực con người đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH đã có nhiều chủ trương, chính sách quan tâm tới việc giáo dục đạo đức, trí tuệ cho thanh niên như: Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về “tiếp tục việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; Chỉ thị số 42 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2014 -2030”... Nhiều phong trào, chương trình hành động của thanh niên có nội dung “uống nước nhớ nguồn”, đền ơn đáp nghĩa” được triển khai sâu rộng và thu được nhiều kết quả tốt. Ngày 27 tháng 7 hằng năm đều được cơ quan Đảng, chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và cá nhân coi là ngày có ý nghĩa thiêng liêng của dân tộc, là sự thể hiện tập trung nhất “Đạo lý uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây”. Năm 2015, hơn 2 nghìn đoàn viên, sinh viên, thanh niên tỉnh Thừa Thiên - Huế và các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ dâng hương, thắp nến tại hơn 2 nghìn phần mộ liệt sỹ tại nghĩa trang liệt sỹ thành phố Huế. Gần 3 nghìn nghĩa trang liệt sỹ khác trên cả nước cũng đồng loạt sáng lên những ánh nến tri ân...(1). Tối 27-7-2015, hơn 800 thanh niên, học sinh, gia đình có công đã thắp nến tri ân các anh hùng liệt sỹ tại nghĩa trang liệt sỹ Hòn Dung, Nha Trang, Khánh Hòa. Tặng quà cho các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, cựu thanh niên xung phong.

Thành phố Hải Phòng trao tặng các địa phương và ban quản lý nghĩa trang liệt sỹ ở các địa phương tại Hà Tĩnh và Quảng Trị số tiền 550 triệu đồng và thực hiện tuần lễ đền ơn đáp nghĩa tại Hải Phòng với các hoạt động như xây nhà tình nghĩa, khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho hơn 400 thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng(2).

Thành phố Hà Nội dành hơn 55 tỷ đồng từ ngân sách để thăm hỏi, trao quà tặng 127.164 đối tượng chính sách hiện sinh sống trên địa bàn thành phố, lập 5 đoàn công tác đi thăm, tặng quà các tập thể, cá nhân tiêu biểu(3).

Các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị ở Hà Tĩnh nhận phụng dưỡng suốt đời 47 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Tỉnh Nam Định trích hơn 13 tỷ đồng từ nguồn ngân sách làm quà tặng 64 nghìn gia đình chính sách, người có công trên địa bàn tỉnh, nâng cấp, tu bổ 23 công trình ghi công các liệt sỹ với số tiền 7 tỷ đồng(4). Ngày 23-7-2015, báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp Đài truyền hình Việt Nam tổ chức chương trình nghệ thuật “Màu hoa đỏ”, chương trình trao gần 1 nghìn phần quà, sổ tiết kiệm tặng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, bệnh binh và 30 con bò tặng các gia đình có công tại một số tỉnh, thành phố trên cả nước(5).

Ngày 25-7-2015, huyện Hưng Hà, Thái Bình tổ chức khánh thành, đưa vào sử dụng công trình đền thờ liệt sỹ - nhà truyền thống - Quảng trường Long Hưng gồm gian thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, 35 ban thờ liệt sỹ các xã, thị trấn và liệt sỹ trên mọi miền Tổ quốc, dãy nhà bia có 52 bia đá ghi danh 6.048 liệt sỹ, 565 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng của địa phương(6).

Tối 26-7-2015, Thành đoàn Hà Nội phối hợp với Đoàn Thanh niên Khối doanh nghiệp Trung ương, Đoàn thanh niên Bộ Công an tổ chức “Lễ thắp nến tri ân các anh hùng liệt sỹ” với sự tham gia của hơn 1 nghìn đoàn viên, thanh niên, lực lượng vũ trang thủ đô và cụm Đoàn trực thuộc Trung ương tại Nghĩa trang Mai Dịch(7).

Trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước và nhiều tổ chức xã hội đã có các hoạt động thiết thực thể hiện đạo lý, đồng thời có ý nghĩa giáo dục ý thức về nguồn cội, đạo lý“uống nước nhớ nguồn”cho mọi tầng lớp nhân dân nói chung và thanh niên nói riêng. Lễ hội cấp quốc gia trở về nguồn ở Thái Nguyên, lễ cầu siêu cho vong linh các liệt sỹ ở Quảng Trị, các cuộc hành trình trở về chiến trường xưa, hoạt động tìm mộ các anh hùng liệt sỹ của các tổ chức và cá nhân, nhận chăm nuôi các mẹ liệt sỹ của các cơ quan, đơn vị, xây nhà tình nghĩa cho các gia đình có công với cách mạng... là thực tế sống động thể hiện Đạo lý biết ơncủa dân tộc Việt Nam.

Tuy nhiên, trong xã hội hiện nay, một bộ phận thanh niên đang có biểu hiện về sự suy thoái đạo đức như sống thực dụng, thiếu lý tưởng, hoài bão, ước mơ, lập thân lập nghiệp, không chịu tìm hiểu lịch sử, thái độ vô cảm, thờ ơ, thậm chí phủ nhận quá khứ. Đánh giá thực trạng giáo dục - đào tạo, Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII nhấn mạnh: “Đặc biệt đáng lo ngại là một bộ phận học sinh, sinh viên có tình trạng suy thoái về đạo đức, mờ nhạt về lý tưởng, theo lối sống thực dụng, thiếu hoài bão lập thân, lập nghiệp vì tương lai của bản thân và đất nước”.

Để góp phần khắc phục tình trạng đó, giáo dục đạo lý “uống nước nhớ nguồn” cho thanh niên hiện nay cần được đặc biệt chú trọng thực hiện với các giải pháp như sau:

Thứ nhất, thường xuyên khơi dậy và phát huy truyền thống Uống nước nhớ nguồn trong nhận thức và hành động của thanh niên

Làm cho thanh niên thấm đậm ý thức đền ơn đáp nghĩa trong trong quan hệ ứng xử hàng ngày. Tổ chức cho thanh niên tham gia thực hiện các chương trình, dự án, phần việc thanh niên, để cho thanh niên có cơ hội tạo ra những sản phẩm cụ thể, thiết thực, hiệu quả các phong trào “về nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa”. 

Các đoàn thể xã hội cần mở rộng các hoạt động xã hội, tuyên truyền các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc, ca ngợi biểu dương những tấm gương Hiếu thảo trong cộng đồng. Nhà nước và các đoàn thể cần mở rộng phong trào thi đua, xây dựng gia đình văn hóa, “ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền”.

Các bậc cha mẹ cần tạo ra môi trường lành mạnh cho các thành viên trong gia đình, qua chăm sóc và giáo dục con cái. Phấn đấu xây dựng gia đình văn hóa, trong đó chú trọng biểu dương, khen thưởng kịp thời những tấm gương hiếu thảo trong xã hội.

Những chuẩn mực đạo lý đã được thể chế hóa thành pháp luật quy định rõ nghĩa vụ của thành viên trong gia đình như trong Điều 35 Chương 4 Luật Hôn nhân và gia đình (năm 2000) ghi rõ: “Con có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo với cha mẹ, lắng nghe những lời khuyên bảo đúng đắn của cha mẹ, giữ gìn danh dự truyền thống tốt đẹp của gia đình. Con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ. Nghiêm cấm con có hành vi ngược đãi, hành hạ, xúc phạm cha mẹ”(8).

Thứ hai, phát huy vai trò tích cực của cá nhân trong ý thức về đạo lý uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa, tri ân những người có công

Mỗi cá nhân cần nhận thấy công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, công ơn của Đảng, của cách mạng và những anh hùng, liệt sỹ; luôn tự nhắc nhở mình thực hiện tốt đạo lý uống nước nhớ nguồn trong cuộc sống hôm nay.

Hiện nay, do ảnh hưởng mặt trái của nền kinh tế thị trường, nhiều người đã bị cuốn theo vòng xoáy danh lợi mà quên đi hoặc đã làm trái đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc. Vì vậy, mỗi người cần luôn tự ý thức về công ơn của tiền nhân và có nghĩa vụ báo đáp công ơn trời biển ấy. Hằng ngày, nên xem xét về việc mình làm ngày hôm nay ra sao, đã làm gì cho gia đình, dòng họ, quê hương, đất nước? Từ đó mà mỗi người có sự tự điều chỉnh bản thân trong việc thực hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn cho phù hợp.

Thứ ba, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục đạo lý uống nước nhớ nguồn cho thanh niên

Trước hết, những người làm cha mẹ phải nhận thấy được trách nhiệm giáo dục đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” cho con cái. Gia đình là “trường học đầu tiên” về truyền thống gia đình, quê hương đất nước, ơn Đảng và cách mạng.

Để giáo dục con cái, thì trước tiên những người làm cha mẹ phải là người con hiếu thảo. Hiếu với cha mẹ khi là con trong gia đình, trung với Đảng, hiếu với dân khi là cán bộ, đảng viên. Chỉ khi là người con hiếu thảo, mới có thể trở thành người công dân tốt. Bằng lời nói và hành động mẫu mực của bản thân làm cho thế hệ trẻ thấy rằng, thực hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn không chỉ là tình cảm thiêng liêng, là nghĩa cử cao đẹp mà còn là nghĩa vụ của mỗi người, là trách nhiệm của các tổ chức nhà trường, xã hội.

Để giáo dục thanh niên đạo lý uống nước nhớ nguồn, nhà trường cần tăng cường hơn nữa những hoạt động giáo dục đạo đức, kết hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường để có biện pháp giáo dục phù hợp. Tổ chức những buổi ngoại khóa, nói chuyện nhằm truyền đạt những tri thức lý luận về đạo đức gia đình, truyền thống uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trông cây. Trong những bài giảng, bên cạnh tri thức khoa học, giáo viên cần thực hiện việc giáo dục tình cảm biết ơn.

Các đoàn thể xã hội cần tuyên truyền các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc, ca ngợi, biểu dương những tấm gương tiêu biểu, mở rộng phong trào xây dựng gia đình văn hóa, thôn ấp, phường, xã văn hóa.

Nhìn chung, trong xã hội Việt Nam hiện nay, những giá trị tốt đẹp của Đạo Hiếu trong gia đình đang được gìn giữ và phát huy. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan có một bộ phận con cái có hành vi bất hiếu. Hành vi bất hiếu cũng không còn là hiện tượng cá biệt, đòi hỏi các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể có những phương hướng, giải pháp thiết thực nhằm giáo dục đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, góp phần vào việc xây dựng nền đạo đức cho thế hệ trẻ nói riêng, đạo đức xã hội nói chung.

___________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 4-2016

(1) Báo Tiền phong, số 208, ngày 27-7-2014.

(2), (3) Báo Nhân dân,số 21846, ngày 19-7-2015.

(4) Báo Nhân dân,số 21847, ngày 20-7-2015.

(5) Báo Nhân dân,số 21851, ngày 24-7-2015.

(6) BáoNhân dân,số 21853, ngày 26-7-2015.

(7) Báo Nhân dân,số 21854, ngày 27-7-2015.

(8) Luật Hôn nhân và gia đình, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000.

 

PGS, TS Trần Đăng Sinh

Đại học Sư phạm Hà Nội

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền