Trang chủ    Đào tạo - Bồi dưỡng    Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Thứ hai, 23 Tháng 1 2017 18:08
6112 Lượt xem

Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

(LLCT) - Trong những năm qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng (ĐTBD) cán bộ lãnh đạo, quản lý ở hệ thống Học viện đã có những thành công đáng kể, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tăng cường số lượng và chất lượng cho công tác cán bộ của hệ thống chính trị. Các khía cạnh của hoạt động ĐTBD đều đã có những cải thiện lớn. Chất lượng nội dung chương trình đã được nâng cao, đội ngũ giảng viên (ĐNGV) đã được gia tăng cả về số lượng và chất lượng. Các phương pháp giảng dạy tích cực đã được phần lớn giảng viên áp dụng tương đối thành công. Công tác xây dựng kế hoạch, cơ chế, chính sách ĐTBD cũng ngày một được củng cố và nâng cao chất lượng. Do có sự đầu tư ngày càng hợp lý, cơ sở vật chất, hệ thống thông tin tư liệu, đội ngũ quản lý, phục vụ... đã được cải thiện rõ nét.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành công vẫn còn có những hạn chế nhất định. Tham khảo ý kiến phản hồi của học viên về hoạt động ĐTBD cũng cho thấy rằng còn không ít ý kiến đề nghị điều chỉnh, bổ sung các nội dung của chương trình giảng dạy, phương pháp giảng dạy và những nội dung liên quan khác.

1. Một số bất cập trong công tác đào tạo, bồi dưỡng

Thứ nhất, công tác xây dựng chiến lược, kế hoạch ĐTBD chưa hoàn toàn phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn

Mặc dù thời gian qua, Học viện đã có những thay đổi, chủ động hơn trong kế hoạch ĐTBD,song công tác xây dựng chiến lược, kế hoạch vẫncònnhững bất cập. Nhìn chung, tính chất “tầm nhìn chiến lược” chưa thể hiện rõ, dẫn đến tình trạng chưa cân xứng giữa số lượng và chất lượng đào tạo (số lượng tăngnhưng chất lượng không tăng tương ứng). Việc xây dựng kế hoạch ĐTBD chưa phản ánh sát nhu cầu thực tế của các địa phương, đơn vị sử dụng cán bộ. Vì thế, việc phân bổ chỉ tiêu ĐTBD của Ban Tổ chức Trung ương cho hoạt động bồi dưỡng trình độ cao cấp lý luận chính trị - hành chính thời gian qua mặc dù đã có điều chỉnh nhưng vẫn chưa thực sự phù hợp với nhu cầu của các địa phương, cũng như khả năng đáp ứng của các đơn vị thuộc hệ thống Học viện. Do vậy, còn có hiện tượng phải điều chỉnh kế hoạch đối với một số lớp. Bên cạnh đó, việc phân cấp ĐTBD và quy định về giá trị sử dụng của các bằng cấp, chứng chỉ... cũng tạo nên những áp lực nhất định đối với cả học viên và cơ sở đào tạo. Gần đây, việc đào tạo cán bộ nguồn cao cấp củaĐảng và Nhà nước đã được triển khai, nhưng chủ yếu mới chỉ mang tính chất đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn trước mắt, chưa thể hiện được định hướng ĐTBD cán bộ trong thời gian dài, mang tính chiến lược.

Theo báo cáo “Đánh giá kết quả đào tạo, bồi dưỡng ở Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh giai đoạn 2005 - 2012”, có tới gần 1/3số người được hỏi cho rằng mức độ đáp ứng về số lượng như vậy là “quá ít” so với nhu cầu của công tác cán bộ trên cả nước (30,4%) và ở địa phương (32,7%). Ý kiến của nhiều cán bộ lãnh đạo chủ chốt, phụ trách công tác nhân sự của các địa phương (Ban Tổ chức tỉnh ủy) cũng cho thấy còn có khoảng cách khá lớn giữa nhu cầu ĐTBD cán bộ của các địa phương với thực tế đáp ứng của hệ thống Học viện trong thời gian qua.

Thứ hai, nội dung chương trình ĐTBD mặc dù đã đổi mới, nhưng vẫn chưa hoàn toàn đáp ứng yêu cầu, chưa khắc phục được tình trạng chồng chéo, trùng lặp giữa các loại hình ĐTBD

Theo kết quả khảo sát chothấy rằng vẫn còn có những kỳ vọng lớn hơn nữa từ cả đối tượng người học và người dạy đối với nội dung chương trình ĐTBD của hệ thống Học viện, trên cơ sở phân tích tình hình thực tế. Mặc dù đã có những đổi mới đáng kể trong thời gian qua, nhưng nội dung các chương trình ĐTBD vẫn chưa thường xuyên được cập nhật cho phù hợp với các nhóm đối tượng đào tạo, đặc biệt là các chương trình được thiết kế cho mục đích đào tạo theo chức danh. Đối với chương trình đào tạo cao cấp lý luận chính trị, Học viện đã nhiều lần biên soạn, chỉnh sửa ngày càng hoàn thiện hơn. Về lôgic thiết kế, gần đây Học viện áp dụng chương trình có sự tích hợp cả hình thức môn học và hình thức học theo chuyên đề. Chương trình đào tạo mới này đã thể hiện những ưu điểm lớn so với các chương trình áp dụng trước đây. Tuy nhiên, qua thực tế sử dụng, chương trình mới này cũng đã bộc lộ những hạn chế nhất định, cần được tiếp tục điều chỉnh. Đối với chương trình bồi dưỡng chức danh, thời gian gần đây, Học viện đã lần đầu tiên tổ chức biên soạn được bộ tài liệu dùng làm giáo trình giảng dạy cho các chức danh cụ thể, như: Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho Bí thư, Phó Bí thư cấp huyện và tương đương; Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho Tổng Giám đốc, Giám đốc và tương đương... Đây là nỗ lực rất đáng ghi nhận, nhưng trong thực tế, việc sử dụng các bộ tài liệu giảng dạy này mới đang trong quá trình thử nghiệm, cần tiếp tục được rút kinh nghiệm để chỉnh sửa cho phù hợp hơn với tình hình thực tế. Hơn nữa, việc biên soạn các bộ tài liệu này chủ yếu do đội ngũ giảng viên làm công tác lý luận đảm nhiệm, nên yêu cầu về tính thực tiễn và trang bị kỹ năng làm việc cụ thể cho các chức danh vẫn chưa hoàn toàn được đáp ứng.

Nhìn chung, tính hệ thống, liên thông giữa các chương trình ĐTBD vẫn chưa thực sự bảo đảm, khiến nội dung của các chương trình còn trùng lặp, gây lãng phí thời gian, công sức đào tạo, trong khi học viên vẫn chưa được trang bị đầy đủ khối lượng kiến thức và kỹ năng làm việc cần thiết cho vị trí công việc đang và sẽ đảm nhiệm của họ. Nhiều ý kiến đánh giá của học viên cho thấy vẫn có những khoảng trống đáng kể về tính cập nhật, tính thực tiễn, tính liên thông, kế thừa... của hệ thống tài liệu, giáo trình và nội dung chương trình học tậpnhư:

- “Nội dung các môn học, nhất là các môn phần lý luận chung trùng lặp nhiều với chương trình cử nhân chuyên ngành”;

- “Chương trình học chưa hợp lý: ví dụ một đồng chí đã đại học luật rồi đáng ra nên miễn học và thi những môn này những vẫn phải học và thi”;

- “Nặng quá về lý luận chung. Phần chuyên sâu nội dung còn đơn giản, thời gian quá ít, nhất là phần về các lĩnh vực quản lý nhà nước chuyên ngành, kỹ năng lãnh đạo quản lý”;

- “Nhiều môn thiếu hướng dẫn cụ thể để vận dụng trong ứng xử. Cần thêm kỹ năng xử lý tình huống phù hợp chức danh công việc”.

Báo cáo của các địa phương phản ánh những bất cập này ở cấp độ chung hơn, cho thấy rõ hơn về những vấn đề cần được xử lý một cách hệ thống:

- “Cần quy định rõ sự tiếp nối liên thông từ chương trình sơ cấp lý luận chính trị lên trung cấp, cao cấp, cử nhân chính trị, tránh cho học viên phải học trùng lắp các chương trình” (Báo cáo của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

- “Nghiên cứu giảm bớt số môn học trùng lặp với các cơ sở đào tạo, các cấp học mà học viên đã tham gia học trước đây, tập trung đào tạo chuyên sâu đối với một số môn như phân tích xử lý tình huống, tâm lý lãnh đạo, công tác xây dựng Đảng” (Báo cáo của tỉnh Tây Ninh).

Vì còn có một số vấn đề như vậy mà bên cạnh tỷ lệ lớn các học viên thể hiện sự hài lòng, cũng còn một tỷ lệ nhất định bày tỏ sự chưa hoàn toàn hài lòng khi được hỏi về các khóa ĐTBD của Học viện. Như thể hiện trong Biểu đồ dưới đây, cao nhất là tỷ lệ chưa hài lòng đối với hệ đào tạo cao cấp tại chức (14,9%) và thấp nhất là tỷ lệ chưa hài lòng đối với hệ bồi dưỡng ngắn hạn (4,0%).

Thứ ba, ĐNGV đã có những trưởng thành đáng kể, nhưng chưa hoàn toàn đáp ứng yêu cầu, đặc biệt là ĐNGVtrẻ và giảng viên ở các Học viện khu vực

Trong hoạt động ĐTBD, ĐNGV không chỉ có nhiệm vụ truyền đạt tri thức mà quan trọng hơn là phải tổ chức trao đổi thông tin một cách hiệu quả. Đồng thời, đội ngũ học viên cũng được mong đợi không chỉ tiếp thu thông tin, tri thức do giảng viên truyền đạt, mà còn phải chủ động trao đổi kinh nghiệm quản lý, kinh nghiệm công tác, bàn bạc, thảo luận về các giải pháp cho những vấn đề mà thực tiễn đặt ra. Do vậy, yêu cầu về đạo đức, trình độ, kinh nghiệm công tác, xử lý tình huống và phương pháp giảng dạy phù hợp của giảng viên là vô cùng quan trọng. Trong những năm qua, ĐNGVở Học viện, đặc biệt là Học viện Trung tâm đã có những thay đổi theo hướng ngày càng trẻ hóa, tỷ lệ được đào tạo bài bản ngày càng nhiều, chất lượng các bài giảng đã được cải thiện. Kết quả khảo sát cho thấy có rất nhiều ý kiến học viên đánh giá tích cực về ĐNGV, nhất là các giảng viên của Học viện Trung tâm. Đặc biệt, hoạt động giảng dạy ở một số chuyên ngành “đặc thù” của Học viện như Xây dựng Đảng, Triết học... được đánh giá khá cao, với sự ngưỡng mộ của không ít học viên.

Tuy nhiên, trong thực tế cũng còn có không ít giảng viên chưa có nhiều kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn, chưa kịp thời cập nhật tri thức chuyên môn và bồi dưỡng kiến thức về lý luận Mác - Lênin, chưa có nhiều kỹ năng xử lý tình huống nên việc giảng dạy còn mang nặng tính chất “rao giảng”, chưa thật sự thuyết phục người học. Ở nhiều đơn vị, việc đào tạo đội ngũ giảng viên kế cận chưa được ưu tiên, chưa có chiến lược lâu dài.

Thứ tư, phương pháp giảng dạy chưa được đổi mới toàn diện, chưa bắt kịp với sự cải tiến về nội dung,dẫn đến chất lượng giảng dạy chưa cao

Trong thời gian gần đây, Học viện đã có rất nhiều nỗ lực trong việc cải tiến phương pháp giảng dạy, đặc biệt là áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực trong hầu hết các hệ đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng bài giảng, tăng hiệu quả trong truyền tải những kiến thức lý luận vốn được xem là khô cứng. Đồng thời, để khuyến khích việc áp dụng những phương pháp giảng dạy hiện đại, Học viện đã mở nhiều lớp tập huấn trong và ngoài nước dành cho các giảng viên. Tuy nhiên, trên thực tế, việc áp dụng phương pháp giảng dạy hiện đại vẫn chủ yếu là việc làm tự nguyện của các giảng viên và hiệu quả của nhiều bài giảng cũng chưa thật sự đạt yêu cầu, còn có xu hướng chỉ đơn thuần thay việc viết bảng trước đây bằng việc trình chiếu. Không ít giảng viên vẫn nặng về thuyết trình mà thiếu sự trao đổi, giao lưu, thảo luận với học viên.

Về các chỉ báo định lượng, khi yêu cầu học viên đánh giá về năng lực chuyên môn của giảng viên, nội dung giảng dạy, phương pháp giảng dạy và tài liệu học tập, trên cơ sở so sánh với quy chuẩn quốc tế (theo thang điểm 10), kết quả khảo sát cho thấy điểm số trung bình trong đánh giá về nội dung giảng dạy đạt cao nhất (5,67 điểm), và thấp nhất là điểm số đánh giá về tài liệu học tập (4,75 điểm).

Thứ năm, hoạt động hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học và đào tạo chưa tương xứng với quy mô và tầm vóc của Học viện, chưa tận dụng được những kiến thức, kỹ năng và cơ sở vật chất trong hoạt động hợp tác quốc tế, chưa có chiến lược và kế hoạch hợp tác quốc tế mang tính dài hạn

Trong thời gian qua, Học viện đã dần mở rộng quy mô hợp tác quốc tế, tổ chức được nhiều hội thảo quốc tế, tọa đàm, mời chuyên gia nước ngoài đến tập huấn, nói chuyện với giảng viên, nghiên cứu viên của Học viện. Hoạt động mở rộng quan hệ với các cơ sở đào tạo nước ngoài đã được chú ý tăng cường, với việc tổ chức nhiều đoàn cán bộ đi nghiên cứu, học tập ở nước ngoài để trao đổi kiến thức, kinh nghiệm trong đào tạo, nghiên cứu. Tuy nhiên, các hoạt động hợp tác quốc tế vẫn chưa thực sự gắn kết với kế hoạch và chiến lược ĐTBD của Học viện. Nhiều đoàn cán bộ nghiên cứu, khảo sát nước ngoài vẫn chỉ dừng lại ở mức độ tham quan, tìm hiểu kinh nghiệm chứ chưa gắn kết mạnh mẽ và trực tiếp với việc nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, giảng dạy.

Thứ sáu, công tác tổ chức quản lý đào tạo, cơ sở vật chất phục vụ đào tạo vẫn còn một số bất cập

Công tác quản lý đào tạo của hệ thống Học viện đã có những cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số khó khăn, bất cập nhất định. Một trong những khó khănlà việc điều chỉnh quy mô ĐTBD theo chủ trương tăng quy mô đào tạo tập trung, giảm quy mô đào tạo tại chức. Trong điều kiện cơ sở vật chất còn hạn hẹp, việc tăng quy mô đào tạo tập trung nhiều khi khiến cho các đơn vị chức năng lúng túng trong bố trí cân đối các nguồn lực, cơ sở vật chất cũng như công tác quản lý đào tạo. Hơn nữa, việc phụ thuộc quá chặt vào việc phân bổ chỉ tiêu ĐTBD của Ban Tổ chức Trung ương và sự kết hợp chưa chặt chẽ với các đơn vị, cơ quan đầu mối tuyển sinh cũng dẫn đến việc thiếu chủ động trong thực hiện kế hoạch chiêu sinh, gây ra tình trạng dồn ứ các lớp, bất cập trong phân công lực lượng giảng dạy tại một số thời điểm nhất định. Đối với một số lớp tổ chức theo hình thức đào tạo tại chức ở các địa phương, việc lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chưa tính hết những tình huống bất thường nên đôi khi gặp khó khăn, bối rối khi giải quyết, hoặc giải quyết không kịp thời các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn.

2. Một số đề xuất về giải pháp nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng

Một là, chú ý xây dựng, điều chỉnh chiến lược và kế hoạch ĐTBD sát hợp hơn với yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn

Kế hoạch và chiến lược có vai trò vô cùng quan trọng, tác động trực tiếp đến hoạt động ĐTBD cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị. Do vậy, để bảo đảm sự chủ động tốt hơn,trong thời gian tới, hoạt động này cần có những điều chỉnh thích hợp. Chủ trương điều chỉnh quy mô đào tạo cần được tuân thủ, nhưng cũng cần chú ýtính khả thi trong điều kiện thực tế. Với những khó khăn, hạn chế về cơ sở vật chất và những bất cập về đội ngũ giảng viên như hiện nay, việc tăng cường quy mô đào tạo tập trung cần có lộ trình nhất định, đồng thời với việc thu hẹp quy mô đào tạo tại chức, nhất là các lớp tại chức mở tại các địa phương, nhằm chia sẻ khó khăn, cũng như tận dụng được một cách hiệu quả các nguồn lực hiện có của toàn bộ hệ thống. Bên cạnh đó, cũng cần chú ý phân bổ chỉ tiêu đào tạo hợp lý hơn giữa Học viện Trung tâm và các học viện trực thuộc, căn cứ vào các nguồn lực vật chất và đội ngũ giảng viên của hệ thống trong từng giai đoạn cụ thể. Trong công tác xây dựng kế hoạch và chiến lược ĐTBD, cũng cần chú ý hơn đến nhu cầu thực tế của các cơ quan, địa phương cử cán bộ đi học, để có kế hoạch phân bổ chỉ tiêu phù hợp, nhằm tránh tình trạng có những cơ quan, địa phương được phân bổ quá nhiều chỉ tiêu, trong khi cơ quan, địa phương khác lại được phân bổ quá ít chỉ tiêu cử cán bộ đi học. Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cũng cần bảo đảm tính tổng thể, có sự phân bổ hợp lý giữa loại hình đào tạo dài hạn và bồi dưỡng ngắn hạn, nhằm kịp thời giúp đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý vừa được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức để có thể giải quyết nhanh và hiệu quả đối với những vấn đề thực tiễn đặt ra.

Hai là, đổi mới, cập nhật nội dung chương trình ĐTBD,bảo đảm tính khoa học, liên thông và kế thừa giữa các chương trình.

Đổi mới tổng thể hệ thống giáo trình của tất cả các hệ đào tạo, bồi dưỡng trong hệ thống Học viện là một nội dung quan trọng, đã nhận được sự chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo. Thời gian qua, Học viện đã đầu tư nhiều cho hoạt động này, nhưng vẫn còn khá nhiều ý kiến chưa hài lòng, từ cả người học lẫn người dạy, đối với nội dung chương trình, giáo trình ĐTBD. Vì vậy, trong thời gian tới, việc đổi mới nội dung chương trình ĐTBD vẫn rất cần tiếp tục được quan tâm điều chỉnh. Nhìn chung, các nội dung ĐTBD cần được chỉnh sửa theo hướng tăng cường trang bị kỹ năng làm việc cho đội ngũ, trên cơ sở kết hợp chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn. Việc thiết kế nội dung chương trình ĐTBD cũng cần chú ý thỏa đáng đến việc tạo cơ hội chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong đội ngũ học viên. Về tổng thể, cần chú ý tăng cường tính liên thông, kế thừa giữa các chương trình ĐTBD, tránh tình trạng trùng lặp về nội dung kiến thức giữa các chương trình, nhất là giữa chương trình trung cấp và chương trình cao cấp lý luận chính trị.

Ba là, không ngừng nâng cao năng lực của đội ngũ giảng viên nhằm đáp ứng tốt yêu cầu của công tác giảng dạy

Giảng viên của hệ thống Học viện phải là những người vừa giỏi về chuyên môn, vừa vững vàng về quan điểm, lập trường; có niềm tin khoa học vào lý luận cách mạng; đủ sức lý giải các vấn đề khi người học đặt ra; đủ sức phản bác các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch và cơ hội chính trị. Để đáp ứng tốt những yêu cầu đó, đội ngũ giảng viên của hệ thống Học viện cần không ngừng được rèn luyện, trau dồi mọi mặt. Đội ngũ này cần được củng cố ngay từ khâu tuyển dụng, với việc ưu tiên tuyển chọn những người vừa có năng lực chuyên môn, vừa có năng lực sư phạm tốt, cùng với nền tảng tư tưởng chính trị, đạo đức vững vàng. Công tác bồi dưỡng giảng viên cũng cần được chú trọng, thông qua việc khuyến khích đội ngũ này thực hiện các biện pháp tự đào tạo, đồng thời cử họ đi ĐTBD nâng cao trình độ chuyên môn và ngoại ngữ trong và ngoài nước; bồi dưỡng kỹ năng sư phạm, phương pháp giảng dạy hiện đại, tạo điều kiện để các giảng viên phát huy tối đa năng lực cống hiến của mình. Bên cạnh đó, việc ĐTBD giảng viên cũng cần được quan tâm thỏa đáng, theo hướng gắn kết giảng dạy với nghiên cứu khoa học, tạo điều kiện cho đội ngũ giảng viên trẻ, đặc biệt là những người đã được đào tạo ở các nền giáo dục tiên tiến, từng bước tiếp cận và thực hiện tốt vai trò của mình. Trong bố trí và sử dụng giảng viên, cần chú ý coi trọng năng lực chuyên môn nghiệp vụ của mỗi giảng viên để có kế hoạch sử dụng đúng người, đúng việc, tránh tình trạng vị bằng cấp như hiện nay.

Bốn là, tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy, thúc đẩy việc áp dụng các phương pháp giảng dạy hiện đại, phù hợp sự cải tiến về nội dung chương trình, nâng cao chất lượng giảng dạy.

Để tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy, trong thời gian tới, ĐNGVcủa toàn hệ thống Học viện cần tích cực và chủ động hơn trong hoạt động truyền tải tri thức đến học viên. Bên cạnh việc tăng cường áp dụng các phương pháp giảng dạy hiện đại, cần đổi mới căn bản về cách thức ra đề thi và chấm thi nhằm phát huy cao nhất tư duy độc lập, sáng tạo của học viên, khắc phục tình trạng học thuộc và làm bài thi theo kiểu nặng về sao chép tài liệu. Phương pháp đánh giá kết quả học tập cần được chú trọng đổi mới theo hướng từ đánh giá việc tái hiện kiến thức sang đánh giá khả năng vận dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề cụ thể của thực tế.

Năm là, đổi mới hoạt động hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học và đào tạo xứng tầm với quy mô và tầm vóc của Học viện, xây dựng chiến lược và kế hoạch hợp tác quốc tế mang tính dài hạn, gắn với chiến lược và kế hoạch ĐTBD cán bộ

Hoạt động hợp tác quốc tế có vai trò vô cùng quan trọng giúp nâng cao chất lượng của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Để tăng cường hơn nữa hiệu quả, cần nhanh chóng có những sự điều chỉnh cần thiết về chiến lược và kế hoạch hợp tác quốc tế theo hướng gắn kết chặt chẽ với chiến lược và kế hoạch đào tạo, nghiên cứu khoa học của toàn hệ thống, có tính toán đến sự phối hợp giữa nghiên cứu trong nước và ngoài nước. Việc cử cán bộ tham gia các đoàn nghiên cứu, trao đổi ở nước ngoài cần chủ yếu dựa trên tiêu chí đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, hạn chế việc cử cán bộ theo kiểu chế độ chính sách, nhằm nâng cao hiệu quả thực sự của các đoàn công tác nước ngoài. Bên cạnh đó, cần chú ý khai thác năng lực hợp tác quốc tế của các cán bộ đã được đào tạo dài hạn ở nước ngoài vì đây là cầu nối quan trọng trong việc mở rộng quan hệ với các đối tác quốc tế.

Sáu là, tiếp tục cải tiến công tác tổ chức quản lý đào tạo, đầu tư xây dựng và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, cơ sở vật chất phục vụ đào tạo

Đổi mới công tác quản lý đào tạo là một khâu quan trọng nhằm sử dụng tốt các nguồn lực phục vụ công tác ĐTBD, bao gồm cả việc sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất hiện có. Trong bối cảnh thực tế hiện nay, Vụ Quản lý đào tạo và các đơn vị chức năng cần nghiên cứu và kịp thời phối hợp đưa ra ý kiến tham mưu về tiến độ điều chỉnh quy mô đào tạo, bảo đảm thực hiện chủ trương tăng quy mô đào tạo tập trung, giảm quy mô đào tạo tại chức, nhưng không gây ra những xáo trộn hoặc bị động trong bố trí cân đối các nguồn lực, cơ sở vật chất cũng như công tác quản lý đào tạo. Học viện cũng cần chủ động hơn trong việc phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương và các đơn vị, cơ quan đầu mối tuyển sinh nhằm bảo đảm việc tiếp nhận cũng như phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh một cách hợp lý, phù hợp với khả năng đáp ứng của toàn hệ thống. Các đơn vị chức năng của hệ thống Học viện cần linh hoạt, chủ động hơn trong triển khai các lớp tổ chức theo hình thức đào tạo tại chức ở các địa phương. Trên cơ sở rút kinh nghiệm từ các khóa đào tạo trước, việc xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cụ thể cần chú ý đến tính đặc thù của mỗi địa phương, đơn vị để chủ động đưa ra các giải pháp phù hợp nhằm ứng phó kịp thời với các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn.

Học viện cần rà soát tổng thể các nguồn lực và cơ sở vật chất phục vụ công tác đào tạo của toàn hệ thống, từ đó có những điều chỉnh phù hợp về chiến lược và kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, cũng như điều tiết kịp thời về phân bổ chỉ tiêu đào tạo cho các đơn vị trực thuộc theo từng thời kỳ. Kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu và giảng dạy cần được xây dựng phù hợp với quy mô đào tạo, sát với yêu cầu thực tế. Bên cạnh đó, cũng cần chú ý khai thác hiệu quả hệ thống thư viện điện tử cũng như các hình thức chia sẻ thông tin hiện đại khác để tránh phụ thuộc quá nặng vào các điều kiện cơ sở vật chất truyền thống.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 5-2016

Tài liệu tham khảo

1. GS, TS Tạ Ngọc Tấn (Chủ nhiệm): Báo cáo “Đánh giá kết quả đào tạo, bồi dưỡng ở Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh giai đoạn 2005 - 2012”, Hà Nội, 2014.

 

TS Lê Thị Thục

Vụ Quản lý đào tạo,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền