Trang chủ    Đào tạo - Bồi dưỡng    Về phẩm cách người lãnh đạo và doanh nhân thời hội nhập
Thứ tư, 01 Tháng 3 2017 13:09
3210 Lượt xem

Về phẩm cách người lãnh đạo và doanh nhân thời hội nhập

(LLCT) - Lãnh đạo và doanh nhân là hai đối tượng quan trọng, là bộ phận cốt lõi của nguồn nhân lực chất lượng cao, có vai trò tiên phong trong phát triển kinh tế - xã hội nước ta hiện nay. Tuy có những vị trí công việc khác nhau, song lãnh đạo và doanh nhân cũng có một số năng lực, đặc điểm chung về nhân cách và nhu cầu đào tạo, phát triển.

1. Nhận diện lãnh đạo và doanh nhân

Lãnh đạo có vai trò quyết định tới sự thành công và phát triển của các tổ chức, từ cấp vi mô đến cấp vĩ mô, từ quy mô địa phương đến quốc gia, dân tộc... Tầm nhìn, khả năng quy tụ, dẫn dắt và truyền cảm hứng cho quần chúng của lãnh đạo xuất sắc còn có tác động tích cực và giá trị lâu dài. Những quốc gia có sự lãnh đạo yếu kém kéo dài thường bị chìm đắm trong cảnh đói nghèo, bất ổn, lạc hậu với thế giới.

“Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” do Hội nghị Trung ương 3 khóa VIII (1997) thông qua, đã đề ra chủ trương, mục tiêu phát triển đội ngũ cán bộ trên 4 lĩnh vực chính: (1) cán bộ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, (2) trong lực lượng vũ trang; (3) cán bộ khoa học, chuyên gia; (4) cán bộ quản lý kinh doanh - lãnh đạo doanh nghiệp - doanh nhân. Từ đó đến nay, đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cùng với nguồn nhân lực chất lượng cao đã dần trở thành một quan điểm chủ đạo và là chính sách ưu tiên của Đảng và Nhà nước ta.

Doanh nhân là những người làm kinh doanh và có các phẩm chất và năng lực mà nghề nghiệp này đòi hỏi. Những doanh nhân thành đạt, tiêu biểu là những người sáng lập và lãnh đạo các doanh nghiệp thành đạt, trực tiếp mang lại sự giàu có, công ăn việc làm và những ảnh hưởng tích cực khác cho xã hội. Ở Việt Nam, từ vị trí “con buôn” không có danh phận thời kỳ trước đổi mới, hiện nay doanh nhân đã được đánh giá là “chiến sỹ tiên phong trong mặt trận kinh tế thời bình”, là lực lượng xung kích trong phát triển kinh tế của đất nước(1).

Các phẩm chất, năng lực doanh nhân và lãnh đạo của họ đan xen và hòa lẫn vào nhau, tạo nên mẫu người lãnh đạo - doanh nhân, có nét đặc thù so với cán bộ lãnh đạo trong lĩnh vực chính trị, quản lý nhà nước, lực lượng vũ trang. Song cũng có nhiều điểm giống nhau.

Bức tranh về đội ngũ cán bộ lãnh đạo và doanh nhân nước ta bên cạnh mảng sáng còn nhiều khoảng xám, tối. Nước ta hiện nay, trước yêu cầu thực tế, còn thiếu những nhà lãnh đạo giỏi; còn có quá ít doanh nhân làm ăn có văn hóa, có đóng góp lớn cho xã hội. Biểu hiện rõ nét của thực trạng này là sự phát triển chưa bền vững của nền kinh tế, là mức độ, quy mô của nạn tham nhũng và quan liêu trong bộ máy công quyền. Nguyên nhân của tình trạnh trên có nhiều như do khiếm khuyết của thể chế; sự yếu kém trong công tác quản lý, giám sát lãnh đạo và doanh nhân; hạn chế của bản thân cán bộ, công chức và doanh nhân.

2. Mô hình nhân cách, đặc điểm của lãnh đạo và doanh nhân

Mô hình nhân cách lãnh đạo được hình thành trước hết từ nhu cầu, đòi hỏi của xã hội đối với những người làm công việc lãnh đạo, những người đứng đầu và quản lý cao nhất của tổ chức, có các đặc điểm chung về nghề nghiệp và đặc điểm riêng ở từng quốc gia và giai đoạn lịch sử cụ thể. Trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế, công việc lãnh đạo đòi hỏi chủ thể phải có đủ đức - tài, đó là bản lĩnh văn hóa, chính trị vững vàng, năng lực lãnh đạo, quản lý cao và đạo đức trong sáng.

Mô hình tổng quát về nhân cách doanh nhân mà chúng tôi đề xuất được tóm tắt trong 4 chữ: Đức, Trí, Thể, Phát(2). Trong đó, Đức là đạo đức cá nhân; Trí là trí tuệ, tài năng, ý chí; Thể là sức khoẻ thể chất và tinh thần; Phát là năng lực kinh doanh và sự đóng góp cho xã hội. Đối với doanh nhân thì giá trị tài sản mà họ tạo ra và mức độ đóng góp cho xã hội về kinh tế, việc làm,... là các chỉ số quan trọng nhất về năng lực.

Cùng thực hiện 4 chức năng cơ bản chung với quản lý là: (i) hoạch định, (ii) tổ chức, (iii) chỉ huy, điều hành và (iv) kiểm soát, điều chỉnh, song lãnh đạo đòi hỏi những tố chất, năng lực, cách thức thực hiện và mục tiêu cao hơn so với quản lý. Bước đầu nêu những đặc điểm cơ bản của lãnh đạo, cũng là những tiêu chí để phân biệt lãnh đạo với quản lý:

Thứ nhất, người lãnh đạo có động cơ, động lực hành động mạnh hơn và tầm nhìn xa hơn so với người quản lý và người bình thường khác

Nói đến động cơ của con người là nói đến mục đích hành động của họ, còn động lực là các yếu tố tăng cường, thúc đẩy con người hành động đạt tới mục đích của mình. Động cơ của người lãnh đạo thường xuất phát từ lợi ích chung vượt ra khỏi lợi ích cá nhân, khiến họ dám đấu tranh, cống hiến hết mình vì sự tồn tại và phát triển của tổ chức, cộng đồng địa phương, quốc gia, dân tộc...

Những người lãnh đạo chân chính thường có các động lực mạnh mẽ hơn so với những người bình thường và có khả năng truyền động lực cho cấp dưới. Sức mạnh đó xuất phát từ lý tưởng và niềm tin vào chiến thắng của sự nghiệp chính nghĩa và sứ mệnh vẻ vang mang lại. Nếu doanh nhân có tố chất đam mê làm giàu thì lãnh đạo chính trị thường có tham vọng quyền lực, khả năng và phạm vi gây ảnh hưởng tới người khác. Nhìn chung, theo đuổi sự thăng tiến quyền lực, chức vụ và địa vị xã hội không phải là tính xấu nếu chủ thể chỉ xác định đó là công cụ, phương tiện để phục vụ lợi ích của nhân dân và sự phát triển của đất nước mình.

Lý tưởng, mục tiêu cao cả và động cơ “vì dân, vì nước” của người lãnh đạo cũng tương đồng với sự đam mê sáng tạo, theo đuổi sự khác biệt và hoàn hảo, tạo ra những sản phẩm “làm thay đổi thế giới” của các doanh nhân lớn. Các nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa hơn, rõ ràng hơn và có khả năng tiến mạnh hơn so với nhà quản lý. Đây cũng là những động cơ, động lực có sức mạnh hơn nhiều so với mục đích làm quản lý để có địa vị xã hội, làm kinh doanh để gia đình giàu có, “vinh thân, phì gia” của những người bình thường.

Tầm nhìn lãnh đạo không chỉ là năng lực phát hiện được xu hướng phát triển còn manh nha mà còn là sự nhạy cảm, quyết tâm nắm bắt cơ hội để trở thành người dẫn đầu. Những doanh nhân bỏ học đại học để khởi nghiệp, sáng lập doanh nghiệp  như Bill Gates, Michel Dell, Steve Jobs, Mark Zuckerberg... đã trở thành những lãnh đạo doanh nghiệp lớn, tạo cảm hứng cho thế hệ tuổi trẻ ở nhiều nước học hỏi.

Thứ hai, phương thức thực hiện công việc, nhiệm vụ của lãnh đạo cũng cao hơn, đòi hỏi nhiều hàm lượng văn hóa và nghệ thuật hơn so với quản lý

Nhà quản lý thực hiện công việc dựa vào quyền lực hành chính có tính cưỡng bức, khác với nhà lãnh đạo điều hành chủ yếu dựa vào uy tín cá nhân và khuyến khích hành động tự giác của cấp dưới; lãnh đạo tập trung vào việc đào tạo, phát triển nhân viên để sử dụng lâu dài trong khi nhà quản lý thường tập trung vào hoàn thành từng nhiệm vụ và sử dụng nhân viên như công cụ làm việc của mình. Trong lĩnh vực kinh doanh, những doanh nhân có tầm nhìn và tố chất lãnh đạo thường rất coi trọng thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh, còn những doanh nhân có tầm nhìn của nhà quản lý chỉ coi trọng các khía cạnh kinh tế, tài chính và kỹ thuật của từng thương vụ cụ thể.

Trong cuốn Văn hóa tổ chức và sự lãnh đạo, Egar H. Schein đã chỉ rõ giai đoạn mới thành lập các công ty đều có nhu cầu rất cao về xác lập niềm tin, giá trị và cơ chế vận hành. Người sáng lập phải có khả năng giải quyết các yêu cầu sống còn này của tổ chức để trở thành người lãnh đạo, và “Nếu người sáng lập không có đề xuất gì nhằm giải quyết những lo ngại của nhóm, sẽ có một số thành viên mạnh mẽ khác đứng ra nhận lãnh đạo và khi đó xuất hiện người lãnh đạo mới, không phải người sáng lập”(3).

Sự khác biệt cơ bản giữa lãnh đạo và quản lý ở tầm nhìn và cách thức sử dụng quyền lực sai khiến thuộc cấp. Quản lý dùng quyền lực hay quyền hạn cứng từ bộ máy hành chính và sự điều hành cưỡng bức, còn lãnh đạo dẫn dắt, điều hành ít dựa vào chức vụ, mà từ khả năng gây ảnh hưởng tích cực và sự tự giác đi theo của các thuộc cấp. Năng lực lãnh đạo có được nhờ uy tín của chủ thể và niềm tin của các đối tượng. Người lãnh đạo có khả năng tự tạo ra quyền lực, quyền hạn của mình.  Như vậy, có nhiều nhà lãnh đạo tổ chức được suy tôn dù không có chức vị cao, đồng thời có nhiều người đứng đầu trong bộ máy quản lý lại không phải là nhà lãnh đạo vì thiếu các tố chất và năng lực mà sự lãnh đạo đòi hỏi.

Thứ ba, lãnh đạo có bản lĩnh và khả năng thay đổi thể chế, cơ chế quản lý và hệ thống tổ chức kém hiệu quả, còn quản lý chỉ dám thay đổi trong phạm vi thể chế, khung khổ tổ chức có sẵn

Theo chủ nghĩa Mác - Lênin, các quan hệ sản xuất kinh tế tạo nên cơ sở hạ tầng xã hội, là yếu tố quyết định tới kiến trúc thượng tầng và thể chế xã hội; kiến trúc thượng tầng là yếu tố biến đổi chậm hơn, thường lạc hậu hơn so với sự vận động của cơ sở hạ tầng, nó tác động trở lại với cơ sở hạ tầng theo hai khả năng tích cực - thúc đẩy hoặc tiêu cực - cản trở, phụ thuộc vào chất lượng và hiệu quả của thể chế và chính sách cụ thể.

Thực tế lịch sử Việt Nam cũng cho thấy, sự thay đổi cơ chế chính sách quản lý kinh tế là rất khó khăn, gian khổ và lâu dài. Vì nó động tới các tư tưởng, quan điểm chính trị và quán tính, thói quen của bộ máy quản lý và đội ngũ cán bộ, công chức, trong đó có cả vấn đề lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm. Thể chế quản lý kinh tế nước ta hiện nay đã được thay đổi từ việc “xé rào” trong nông nghiệp bởi nhân dân và lãnh đạo địa phương ở Vĩnh Phúc, Hải Phòng... sau đó lên cấp quốc gia bởi các nhà lãnh đạo chính trị có tư tưởng và năng lực đổi mới như Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt...

Trong giới doanh nhân, CEO Lee Iacocca đã trở thành người cứu tinh của hãng ô tô Chysler bên bờ vực phá sản đầu những năm 1980 và lãnh đạo nó hồi sinh thành một công ty mạnh. Trong gần 20 năm làm CEO, Jeck Welch đã làm cho GE vẫn phát triển lớn gấp 6 lần sau khi “đại phẫu” tập đoàn, bán hoặc cho phá sản hàng chục đơn vị nếu không có khả năng trở thành thứ nhất hoặc thứ nhì trong ngành, cùng với việc cho thôi việc hàng chục nghìn lao động. Năm cuối trước khi về hưu, GE đạt lợi nhuận kỷ lục là 12,7 tỷ USD trên 130 tỷ USD doanh thu vào năm 2000 và được mệnh danh là “Công ty kinh doanh hiệu quả nhất thế giới.” Với thành công tại GE, J. Welch được xem là nhà quản lý xuất sắc của thế kỷ XX và là một trong những nhà lãnh đạo kinh doanh có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ lên toàn cầu(4). Hơn 10 năm sau, những gì Steve Jobs làm cho Apple còn hơn thế nữa.

 Thứ tư, lãnh đạo phải có khả năng ra quyết định trong những tình huống phức tạp và dám chịu trách nhiệm cá nhân về hiệu quả của nó

Nhà quản lý phải đưa ra các quyết định trong quá trình thực hiện công việc. Nhưng các quyết định khó, có tầm ảnh hưởng lớn, đòi hỏi bản lĩnh và trách nhiệm cao, đó là tầm vóc và khả năng của người lãnh đạo. Trong quản trị doanh nghiệp, J.Welch đã bị nhiều tổ chức, cá nhân căm ghét khi kiên quyết thực hiện tái cấu trúc GE buộc hàng chục nghìn lao động mất việc làm. Điểm chung của các nhà lãnh đạo xuất sắc là dám đổi mới thể chế quản lý và dám chịu trách nhiệm cá nhân về quyết định của mình, không dựa dẫm và đổ lỗi cho cấp trên hoặc cơ chế quản lý.

Thứ năm, coi trọng đạo đức và văn hóa, có khả năng kiến tạo một hệ thống tự điều hành và sự phát triển bền vững

Quyền lực và lợi ích từ chức vị lãnh đạo có sức hấp dẫn rất lớn, nhà quản lý bình thường không những tìm mọi cách nắm quyền mà còn tìm cách thu lợi cho cá nhân, gia đình,... Vì vậy, những người có chức vụ cao sau một thời gian nắm quyền mà chủ động, tự giác nhường lại vị trí của mình cho người có năng lực trẻ hơn, chính là người có phẩm cách lãnh đạo. Trái lại, chuyện “hoàng hôn nhiệm kỳ” hay “chợ chiều” là cách hành xử của những cán bộ thiếu phẩm cách lãnh đạo. Nhân dân luôn mong muốn lãnh đạo “liêm chính”, có đạo lý, biết tiến thoái phù hợp; bỏ thói tham quyền cố vị, đổ lỗi cho tập thể, cơ chế...

Muốn tổ chức hoạt động có hiệu quả, người lãnh đạo cần thực hiện sự phân cấp, phân quyền, uỷ quyền cho cấp dưới và truyền động lực, cảm hứng cho họ làm việc, cống hiến trọn vẹn, lâu dài. Người lãnh đạo có trí tuệ là người hiểu được rằng năng lực và thời gian lãnh đạo của họ là hữu hạn, còn khả năng phát triển của tổ chức là vô hạn, nên có hai nhiệm vụ họ cần tập trung làm: (1) xây dựng một đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý tài năng, đồng chí hướng với mình, tiếp nối sứ mệnh và tầm nhìn của tổ chức, theo nguyên tắc “người lãnh đạo giỏi là người lãnh đạo được nhiều người giỏi hơn mình”; (2) kiến tạo và quản trị một thể chế, hệ thống văn hóa tổ chức có khả năng tự quản trị ngay cả trường hợp vắng người lãnh đạo cao nhất.

Văn hóa tổ chức không chỉ tạo ra môi trường làm việc tốt mà còn là “hệ điều hành” chung của doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh và sự phát triển bền vững của tổ chức.

Tim Cook đã nhận xét về người tiền nhiệm: “Đóng góp lớn nhất của Steve cho Apple là văn hóa của công ty”. Nhờ có giá trị văn hóa do người sáng lập xây dựng mà lãnh đạo Apple có thể quản trị Tập đoàn hiệu quả, kiểm soát được chất lượng từ mọi công việc và sản phẩm: “Steve đã không thể kiểm soát mọi thứ. Giờ đây Apple lớn gấp ba lần so với năm 2010. Tôi có kiểm soát mọi thứ không? Tất nhiên là không. Đó là việc chung của mọi người trong công ty. Văn hóa của công ty giúp thực hiện điều đó(5). “Điều quan trọng nhất mà Steve thực hiện là lựa chọn những con người có khả năng thúc đẩy văn hóa công ty theo hướng mà anh ấy mong muốn... Steve cũng đã làm mọi việc để xây dựng đội ngũ những người tài giỏi, có khả năng thể hiện văn hóa của Công ty. Những người tài giỏi tiếp tục tuyển dụng đội ngũ những người tài giỏi khác và cứ thế văn hóa của Công ty lan rộng”. Trong thực tế, Tim Cook là người lãnh đạo kế thừa các giá trị của Steve Jobs tiếp tục tạo nên sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của Apple.

Như vậy,bản chất của lãnh đạo không phải là giữ chức vụ, mà là năng lực vạch tầm nhìn, tạo dựng thể chế và văn hóa làm việc hiệu quả, dẫn dắt và quản trị cấp dưới bằng sự cống hiến và nêu gương của mình. Mô hình nhân cách của cán bộ lãnh đạo có thể tóm tắt bằng các đặc điểm và giá trị cốt lõi sau đây: Tâm trong, Trí sáng, Hiệu quả, Bền vững, Nhân văn.Tâm trong là cái gốc rễ đạo đức, phát ra sức hấp dẫn, quy tụ, truyền cảm hứng, ảnh hưởng tích cực tới mọi người. Trí sáng là năng lực, tầm nhìn, sự hiểu biết về con người, thời cuộc, thể chế, công việc và phương pháp lãnh đạo. Hiệu quả, kết quả công việc vừa là phương thức hành động vừa là thước đo quan trọng nhất đánh giá năng lực của người lãnh đạo. Bền vững là khả năng lãnh đạo, duy trì sự phát triển của tổ chức, có cơ sở sinh học từ sức khoẻ, khả năng làm việc bền bỉ, lâu dài của người lãnh đạo. Nhân văn là cách ứng xử và phương pháp lãnh đạo dựa trên văn hóa tổ chức và tinh hoa văn hóa của địa phương, dân tộc, quốc tế, là cơ sở để lãnh đạo và doanh nhân Việt Nam chủ động hội nhập thế giới.

 Doanh nhân thành công là những nhà lãnh đạo doanh nghiệp xuất sắc có khả năng duy trì sự phát triển tổ chức một cách bền vững; một số lãnh đạo các doanh nghiệp tư nhân lớn ở nước ta hiện nay đã từng có trải nhiệm nhiều năm từ vị trí cán bộ, công chức, viên chức trước khi sáng lập doanh nghiệp. Một số doanh nhân xuất sắc đã trở thành những chính khách, lãnh đạo khu vực công thành công trong việc thực hiện nhiệm vụ quản trị địa phương và quản trị quốc gia hiệu quả. Giữa lãnh đạo và doanh nhân có một số phẩm chất và năng lực tốt đẹp chung nói trên và có khả năng học hỏi lẫn nhau.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 6-2016

(1) Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị (Khoá XI) “về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”.

(3) Nhân cách doanh nhân và văn hóa doanh nhân Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010.

(4) Egar H. Schein: Văn hóa doanh nghiệp và sự lãnh đạo, Nxb Thời đại, Hà Nội, 2012, tr.292-293.

(5) xem: http://cafebiz.vn, truy nhập ngày 26-7-2015.

(6) Xem Bài trả lời phỏng vấn của Tim Cook-CEO của Apple vào tháng 3 -2015: http://echip.com.vn, truy nhập ngày 27/7/2015.

Tài liệu tham khảo:

1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khoá VIII): Nghị quyết Hội nghị Trung ương ba “Về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

2. Bộ Chính trị: Nghị quyết số 09-NQ/TW “Về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”.

3. Hoàng Văn Hải (chủ biên): Tinh thần doanh nghiệp Việt Nam trong hội nhập, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2012.

4. Hoàng Văn Hải (chủ biên): Quản trị chiến lược, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2010.

5. Phùng Xuân Nhạ (chủ biên): Nhân cách doanh nhân và văn hóa kinh doanh của Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2011.

6. Jim Collins, Từ tốt đến vĩ đại, Nhà xuất bản Trẻ, 2007.

8. Robert N. Lussier and Christopher F. Achua, Leadership: Theory, application & skill development, Thomson - Southwestern,  2004.

9. Edgar H. Schein: Văn hóa doanh nghiệp và sự lãnh đạo, Nxb Thời đại, Hà Nội, 2012.

 

PGS, TS ĐỖ MINH CƯƠNG

Trường Đại học Kinh tế ,

Đại học Quốc gia Hà Nội

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền