Trang chủ    Đào tạo - Bồi dưỡng    Đào tạo, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số ở nước ta hiện nay
Thứ tư, 01 Tháng 3 2017 13:10
4020 Lượt xem

Đào tạo, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số ở nước ta hiện nay

(LLCT) - Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn đặc biệt quan tâm công tác đào tạo, sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số và đã đạt được nhiều kết quả. Đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số ngày càng được tăng cường về số lượng, nâng cao về trình độ, năng lực, phong cách làm việc. Để nâng cao hiệu quả công tác cán bộ dân tộc thiểu số trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện quán triệt quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác cán bộ dân tộc; quán triệt quan điểm lấy dân làm gốc, tin tưởng vào năng lực, khả năng của cán bộ dân tộc thiểu số; công tác cán bộ phải xuất phát từ nhiệm vụ chính trị, đặc điểm địa phương, ngành.

1. Những kết quả đạt được

Thực hiện chủ trương, chính sách về công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước, trong những năm qua, đội ngũ cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số (DTTS) được nâng cao về chất lượng, gia tăng về số lượng, góp phần thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội vùng DTTS của cả nước.

Chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ DTTS từng bước được hoàn thiện. Các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành, điều chỉnh khá toàn diện, bước đầu đáp ứng được nhu cầu trong thực tiễn đào tạo, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức người DTTS.

Cấp ủy, chính quyền, các địa phương đã chỉ đạo, tạo điều kiện cho CBCCVC người DTTS tham gia các khóa học nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị và kỹ năng quản lý... Sau khi hoàn thành các khóa học được xem xét, bố trí vào các vị trí, chức danh phù hợp, phát huy kiến thức được học tập, cơ bản đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ công tác.

Hiện nay, trên cả nước, số CBCCVC người dân tộc thiểu số được đào tạo về chuyên môn là 17.598 người, chiếm tỷ lệ 4,7%; về lý luận chính trị: 14.381 người, chiếm tỷ lệ 3%; về quản lý nhà nước: 7.368 người, chiếm tỷ lệ 9,45%; về kỹ năng nghiệp vụ: 35.457 người, chiếm tỷ lệ 8,52%; đào tạo, bồi dưỡng khác: 36.648 người, chiếm tỷ lệ 16,67%; số CBCCVC người DTTS được đào tạo ở nước ngoài: 99 người, chiếm tỷ lệ 3,3%(1).

Công tác tuyển dụng CBCCVC được thực hiện đúng với quy định pháp luật hiện hành, bảo đảm công khai, chặt chẽ, phù hợp với tình hình thực tế. Các cơ quan, đơn vị, các bộ, ngành, địa phương áp dụng các chính sách, chế độ tuyển dụng, ưu tiên tuyển dụng cho đối tượng dự tuyển là người DTTS theo quy định của Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đồng thời xây dựng được chính sách thu hút người có trình độ chuyên môn cao về công tác tại miền núi, vùng cao, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số(2).

Hiện cả nước có 64.525 cán bộ công chức người DTTS, chiếm tỷ lệ 12,2% (không bao gồm các cơ quan, tổ chức Đảng, đoàn thể). Trong đó, ở Trung ương là 6.864 người, chiếm tỷ lệ 5%; ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là 57.661 người, chiếm tỷ lệ 14,83%. Tổng số viên chức người DTTS là 219.148 người, chiếm tỷ lệ 12,9%; trong đó: ở Trung ương là 3.029 người, chiếm tỷ lệ 1,6%; ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là 216.119 người, chiếm tỷ lệ 14%(3).

Việc tuyển dụng ở nhiều bộ, ngành, địa phương, đã có sự kết hợp giữa chỉ tiêu biên chế và yêu cầu công việc, vị trí việc làm, chú trọng năng lực, phẩm chất đạo đức cán bộ; các chính sách thu hút CBCCVC về công tác tại tuyến cơ sở, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn đã phát huy hiệu quả trong thực tiễn.

Công tác bổ nhiệm CBCCVC lãnh đạo, quản lý các cấp là người DTTS được thực hiện theo nguyên tắc tập trung, dân chủ, khách quan và công khai, minh bạch, tạo động lực để người có trình độ, năng lực phấn đấu vươn lên, góp phần đổi mới công tác cán bộ và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ DTTS. Tỷ lệ CBCCVC là người DTTS nói chung và tỷ lệ cán bộ quản lý các cấp là người DTTS nói riêng đang từng bước được nâng lên so với tỷ lệ dân số người DTTS trên địa bàn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo, sử dụng CBCCVC người  DTTS  cũng còn một số hạn chế, bất cập:

Tỷ lệ CBCCVC người DTTS trong các cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp còn thấp so với tỷ lệ dân số người DTTS trên địa bàn (Ví dụ tỉnh Sơn La có tỷ lệ người DTTS chiếm 80%, nhưng cán bộ DTTS toàn tỉnh chỉ chiếm 42%; huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước có đồng bào người dân tộc thiểu số, nhưng 90% cán bộ là người dân tộc Kinh, và 10 năm gần đây không tuyển được cán bộ người DTTS).

Cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức người DTTS không đồng đều giữa các cấp, các cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, các ngành... Càng ở cấp cao số lượng và tỷ lệ CBCCVC người DTTS càng thấp. Ở 5 tỉnh ở Tây Nguyên, tỷ lệ người DTTS chiếm thấp nhất là 22% (Lâm Đồng), còn lại trên 35% (trong đó Kon Tum 55%), nhưng số lượng CBCCVC người DTTS của các tỉnh này cao nhất không quá 15%. Ở Trung ương, tỷ lệ cán bộ, công chức người DTTS chỉ chiếm 5%, viên chức chiếm 1,6%, trong đó Bộ Khoa học và Công nghệ 8 người, Bộ Lao động Thương binh và xã hội 7 người, Bộ Thông tin truyền thông 4 người, Bộ Xây dựng 4 người, Bộ Công thương 3 người(4)...

Đội ngũ viên chức sự nghiệp người DTTS chủ yếu làm việc trong ngành giáo dục và y tế; khối đoàn thể, khối ngành kinh tế, kỹ thuật còn ít.

Tại cùng một địa phương, còn tồn tại tình trạng mất cân đối giữa các nhóm người dân tộc thiểu số trong đội ngũ CBCCVC, nhất là ở các tỉnh miền núi phía Bắc (trừ dân tộc Tày, Nùng, Mường, Thái, còn lại các DTTS khác có số lượng CBCCVC rất thấp so với tỷ lệ dân số).

Chất lượng CBCCVC người DTTScòn thấp; đội ngũ CBCCVC được đào tạo về lý luận chính trị còn ít, đặc biệt là đối với số cán bộ chuyên trách cấp xã (có nơi trên 60%); tỷ lệ CBCCVC người DTTS đạt chuẩn về quản lý nhà nước còn thấp. Năng lực chỉ đạo, điều hành, quản lý của cán bộ tại chỗ ở một số địa phương có đông đồng bào DTTS còn nhiều bất cập, đặc biệt là ở cơ sở.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CBCCVC người DTTS chưa thực sự gắn với nhu cầu thực tế. Một số chuyên ngành thiếu cán bộ nhưng không có nguồn để tuyển dụng(5)(như bác sĩ chuyên khoa, cử nhân các ngành luật, kinh tế, kỹ thuật), trong khi vẫn còn một tỷ lệ khá lớn học sinh, sinh viên người DTTS tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp không có cơ hội tham gia dự tuyển do chuyên ngành đào tạo không phù hợp hoặc có tuyển dụng nhưng chỉ tiêu quá ít(6). Chưa có quy định cụ thể về ưu tiên tuyển dụng, đặc cách vào công chức, viên chức đối với đối tượng thuộc các DTTS ít người tại địa phương của họ (thường gọi là dân tộc tại chỗ). Vẫn còn tình trạng sinh viên được cử đi đào tạo theo chế độ cử tuyển hoặc tạo nguồn sau khi tốt nghiệp không được bố trí việc làm, gây áp lực lớn cho công tác tuyển dụng trong các cơ quan, đơn vị ở các địa phương(7).

Việc đào tạo CBCCVC ở nhiều nơi chưa gắn với quy hoạch và yêu cầu nhiệm vụ của từng ngành, từng cấp, từng cơ quan, đơn vị; chưa phù hợp với cán bộ, công chức là người DTTS, cán bộ, công chức nữ, CBCC ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. CBCCVC tham gia bồi dưỡng chủ yếu để thi nâng ngạch, chuyển ngạch mà chưa thật sự xuất phát từ nhu cầu nâng cao năng lực làm việc theo chức danh, vị trí việc làm.

Kinh phí, chỉ tiêu, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hằng năm còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; nội dung, chương trình và phương thức đào tạo, bồi dưỡng chưa thực sự phù hợp. Một số chương trình đào tạo, bồi dưỡng còn trùng lắp về nội dung, chưa được cập nhật, bổ sung thường xuyên kiến thức mới. Năng lực của một bộ phận đội ngũ giảng viên còn yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn và phương pháp giảng dạy.

Về tuyển dụng, sử dụng CBCCVC người DTTS, công tác đào tạo chưa gắn với nhu cầu sử dụng, do đó nhiều sinh viên người DTTS ra trường không xin được việc làm do học trái ngành, nghề; số sinh viên hệ cử tuyển chưa có việc làm còn chiếm tỷ lệ cao.

Nhiều cơ quan, đơn vị ở các bộ, sở, ngành có ít, thậm chí không có CBCC là người DTTS. Nhiều huyện đông đồng bào DTTS sinh sống, nhưng số CBCCVC người DTTS trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập ở cấp huyện và cấp xã còn thấp so với tỷ lệ người DTTS tại địa phương, như các huyện thuộc tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông (Đảng ủy khối các cơ quan, Sở xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường...) không có CBCCVC người DTTS.

 Công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm CBCCVC người DTTS giữ các vị trí lãnh đạo, quản lý nhìn chung còn nhiều hạn chế; việc tạo nguồn, quy định tỷ lệ cho từng chức danh lãnh đạo các cấp, đặc biệt là tỷ lệ đội ngũ lãnh đạo, quản lý nữ DTTS(8)ở các địa phương, cơ sở có đông đồng bào DTTS chưa được quan tâm thực hiện nghiêm túc. Nhìn chung, càng ở cấp lãnh đạo cao và ở các thành phố, các tỉnh có kinh tế phát triển thì đội ngũ CBCCVC, lãnh đạo người DTTS càng ít và chiếm tỷ lệ thấp so với tỷ lệ dân số tương ứng.

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trên là do:

- Các văn bản của Chính phủ, các bộ, ngành quy định và hướng dẫn thi hành Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức về đào tạo, tuyển dụng, quản lý, sử dụng CBCCVC còn chậm, thiếu thống nhất. Chưa có quy định cụ thể, chi tiết, nhất là về số lượng và tỷ lệ CBCC cho đối tượng người DTTS, nên các địa phương gặp khó khăn khi triển khai thực hiện.

Ở một số nơi, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị chưa nhận thức đúng về công tác quy hoạch, sử dụng CBCCVC người DTTS, chưa mạnh dạn bố trí vào các vị trí công việc, nhất là cương vị lãnh đạo cơ quan. Một số cấp ủy, chính quyền chưa thật sự quan tâm đến việc xây dựng, tạo nguồn đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS. Công tác quy hoạch, bố trí, sử dụng CBCCVC có lúc, có nơi còn chưa hợp lý; công tác đánh giá CBCCVC hằng năm còn hình thức, nể nang, chưa thực chất.

Việc đầu tư cơ sở vật chất;hỗ trợ kinh phí cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức chưa đáp ứng được nhu cầu.

Việc phát triển nguồn nhân lực từ sự nghiệp giáo dục - đào tạo ở miền núi còn hạn chế. Chất lượng giáo dục phổ thông trong vùng DTTS nhìn chung còn thấp, nên đa số học sinh DTTS thi không đỗ được vào các trường đại học, cao đẳng. Chỉ tiêu biên chế, nhu cầu vị trí việc làm tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp gần như đã bão hòa, do đó việc giải quyết, bố trí việc làm cho sinh viên người DTTS sau khi tốt nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Năng lực, trình độ của một số CBCCVC người DTTS còn hạn chế, vẫn còn một số cán bộ, công chức người DTTS chưa mạnh dạn đổi mới cách nghĩ, cách làm, còn trông chờ, ỷ lại cấp trên; hoạt động chủ yếu dựa trên kinh nghiệm, khả năng vận dụng kiến thức được đào tạo vào thực tế chưa cao.

2. Để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời gian tới, cần chú trọng:

Một là, quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng: Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ ở tất cả các khâu trong công tác cán bộ của cả hệ thống chính trị. Cần triệt để khắc phục tư tưởng dân tộc lớn, dân tộc hẹp hòi, cục bộ, bản vị trong công tác cán bộ. Vận dụng phương châm: “Phong trào ở đâu, cán bộ ở đó” một cách phù hợp với đặc điểm thực tiễn của từng vùng, miền đất nước.

Hai là, quán triệt quan điểm “Lấy dân làm gốc”, xây dựng niềm tin ngay từ khâu tuyển dụng, khâu quy hoạch, bố trí sử dụng và bổ nhiệm đối với cán bộ người DTTS. Trong đào tạo, quy hoạch, sử dụng cán bộ người DTTS cần kiên trì, không cứng nhắc, cầu toàn.

Ba là, công tác quy hoạch, đào tạo, sử dụng CBCCVC phải xuất phát từ nhiệm vụ chính trị và đặc điểm của mỗi địa phương. Trước hết phải chú trọng phát triển giáo dục - đào tạo vùng DTTS; đồng thời, chăm lo phát triển đội ngũ đảng viên người DTTS ở các ngành, các cấp, các thành phần dân tộc, không phân biệt dân tộc tại chỗ hay dân tộc từ nơi khác tới; tìm ra các nhân tố tích cực thông qua các phong trào thi đua ở cơ sở, ngành, địa bàn vùng DTTS.

Bốn là, kiện toàn và chăm lo xây dựng hệ thống cơ quan, tổ chức làm công tác dân tộc từ Trung ương đến địa phương. Tăng cường số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc, nhất là ở các ban, ngành cấp tỉnh, cấp huyện để làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong tổ chức thực hiện chính sách dân tộc. Cần quy định một số bộ, ngành có tổ chức, bộ phận chuyên theo dõi công tác thực hiện chính sách dân tộc của bộ, ngành mình.

Năm là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác cán bộ người DTTS; thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ là người DTTS cho từng vùng, từng dân tộc...; nghiên cứu sửa đổi tiêu chuẩn tuyển dụng, bổ nhiệm và các cơ chế, chính sách đãi ngộ cán bộ công tác ở vùng dân tộc và miền núi, nhất là những cán bộ công tác lâu năm ở miền núi, vùng cao theo tinh thần Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 14-8-2006, của Ban Chấp hành Trung ương về công tác dân tộc.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 6-2016

(1), (3), (4) Báo cáo 840/BC-HĐDT13 ngày 5-1-2014 của Hội đồng dân tộc Quốc hội khóa XIII về Kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật  trong đào tạo, sử dụng đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số đến năm 2013”.

(2) Tỉnh Lạng Sơn ban hành Nghị quyết số 111/2013/NQ-HĐND, ngày 31-7-2013, của Hội đồng nhân dân tỉnh và Quyết định số 23/2013/QĐ-UBND, ngày 10-10-2013, của Ủy ban nhân dân tỉnh về chế độ hỗ trợ, khuyến khích đối với CBCCVC được cử đi đào tạo, bồi dưỡng; chính sách thu hút người có trình độ chuyên môn cao về công tác tại tỉnh Lạng Sơn.

(5) Tuyên Quang mới có 101/141 xã có bác sĩ, 40 xã còn lại chưa có bác sĩ vì không có nguồn tuyển.

(6) Năm 2013, tỉnh Lạng Sơn có khoảng gần 7.000 hồ sơ đăng ký tuyển dụng công chức, viên chức (tính cả hồ sơ ngoài tỉnh), số được tuyển dụng 1.967 chỉ tiêu. Huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn, năm 2013 có 444 thí sinh tham dự thi tuyển viên chức, được tuyển 92 chỉ tiêu.

(7) Tỉnh Tuyên Quang từ năm 2004 - 2013, có 332 người đi học cử tuyển, đã tuyển dụng 77 người, còn 225 người chưa tuyển dụng, trong đó có 79 người đã ra trường và 146 người đang học. Tỉnh Lạng Sơn từ năm 2008 - 2014 có 178 sinh viên cử tuyển đã tốt nghiệp, trong đó đã tuyển dụng 75 người, số còn lại chưa bố trí được.

(8) Tỉnh Lâm Đồng có 8 cán bộ nữ người DTTS giữ chức danh quản lý, lãnh đạo, chiếm tỷ lệ 2% trong tổng số cán bộ lãnh đạo, quản lý người DTTS. Tỉnh Đắk Nông có 12 cán bộ nữ người DTTS giữ chức danh quản lý, lãnh đạo, chiếm tỷ lệ 3,2% trong tổng số cán bộ lãnh đạo, quản lý người DTTS.

 

ThS Vũ Khánh Hoàn

Ban Nội chính,

Thành ủy TP. Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền