Trang chủ    Đào tạo - Bồi dưỡng    Đưa quan điểm mới về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân vào giảng dạy môn nhà nước và pháp luật.
Thứ tư, 01 Tháng 3 2017 14:49
3674 Lượt xem

Đưa quan điểm mới về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân vào giảng dạy môn nhà nước và pháp luật.

(LLCT) - Giáo dục quyền con người vừa nhằm nâng cao tri thức nói chung, vừa như một cách thức trao quyền để người dân có thể tự bảo vệ và thúc đẩy các quyền hiến định của mình. Mặt khác, tất cả các môn học liên quan đến nhà nước và pháp luật đều ít nhiều, trực tiếp hoặc gián tiếp đề cập đến vấn đề quyền con người. Vì vậy, việc lồng ghép các kiến thức về quyền con người trong các môn học về nhà nước và pháp luật là việc làm vô cùng cần thiết.

1. Quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân trong Hiến pháp 2013 và Văn kiện Đại hội XII

Từng là nạn nhân của chủ nghĩa thực dân, trải qua lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc vô cùng gian khổ, hy sinh, nhân dân Việt Nam hiểu sâu sắc giá trị của độc lập, tự do, khát vọng về quyền được sống, quyền mưu cầu hạnh phúc... Xét về bản chất, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ta trong suốt các thời kỳ cách mạng đều tôn trọng và bảo đảm quyền con người. Bản Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp của thời kỳ đổi mới, được coi là bản Hiến pháp đạt tới sự phát triển cao trong việc hoàn thiện các quyền xã hội của công dân nhưng bản hiến pháp này vẫn chưa tách bạch được quyền con người và quyền cơ bản của công dân.

Trong Hiến pháp năm 2013, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về vấn đề quyền con người tiếp tục được làm rõ. Hiến pháp 2013 không chỉ phát triển các quyền tự do cơ bản của công dân mà còn đặc biệt chú trọng đến các quyền con người; xem quyền con người là hạt nhân của các chế định về quyền công dân, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Đây là bản Hiến pháp đã được thiết kế dựa trên tư duy lập hiến hiện đại - tư duy tiếp cận dựa trên quyền con người. Hiến pháp năm 2013 gồm 11 Chương 120 Điều. Riêng chế định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Chương II từ Điều 14 đến Điều 49, là Chương chứa đựng nhiều điều nhất (36/120 điều) và cũng là chương có nhiều điểm mới nhất. Những điểm mới về bảo vệ, bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân không chỉ được quy định tập trung trong Chương II mà còn là quan điểm, nội dung xuyên suốt trong toàn bộ Hiến pháp năm 2013.

Văn kiện Đại hội XII của Đảng tiếp tục thể hiện tinh thần của Hiến pháp 2013 trong việc phát triển và bảo vệ quyền con người trong thời kỳ mới. Nội dung cốt yếu của Văn kiện bao gồm Báo cáo chính trị, đề cập tới những vấn đề lớn được trình bày theo hướng tổng quát; Báo cáo kinh tế - xã hội đi sâu, cụ thể hóa vào lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội 5 năm qua và xác định những quan điểm chỉ đạo, mục tiêu giải pháp phát triển trong 5 năm tới (2016-2020). Trên cơ sở của hai báo cáo nêu trên, Nghị quyết Đại hội XII đã xác định sáu nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong những năm tới. Có thể nói, Đại hội XII đã có những kiến giải sâu sắc tổng kết thực tiễn qua 30 năm đổi mới ở nước ta. Một trong những điểm mới trong văn kiện này là sự phát triển quan điểm của Đảng về vai trò của con người và phát huy nhân tố con người trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế(1). Với hướng tiếp cận dựa trên quyền con người, các vấn đề được nêu trong Văn kiện Đại hội XII đều quy tụ vào mục đích đổi mới vì dân, các mục tiêu phát triển đều hướng đến mục tiêu phát triển vì con người, thực hiện những quyền cơ bản của con người được xác định trong Hiến pháp năm 2013.

Tất cả 12 nhiệm vụ tổng quát được xác định để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội những năm tới đều là những định hướng chính sách lớn nhằm bảo vệ quyền con người trong bối cảnh toàn cầu hóa và tranh chấp lãnh thổ diễn ra gay gắt, vấn đề giữ vững độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia trở thành một thách thức lớn.

Mục tiêu đề ra là : “Phát triển kinh tế nhanh và bền vững nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”(2). Có thể nói, phát triển kinh tế là một trong những tiền đề quan trọng nhất cho việc thực thi dân chủ và quyền con người. Tăng trưởng kinh tế đi liền với phát triển văn hóa, từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ và cải thiện môi trường chính là thực hiện quyền con người về kinh tế, văn hóa và xã hội. Thúc đẩy kinh tế phát triển nhằm nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của nhân dân nhưng điều quan trọng hơn là “Tạo cơ hội bình đẳng tiếp cận các nguồn lực phát triển và hưởng thụ các dịch vụ cơ bản, các phúc lợi xã hội”. Do vậy, Đảng xác định đi đôi với tăng trưởng kinh tế phải chủ trương thực hiện công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển nhằm bảo đảm cơ hội sống và phát triển cho mọi người dân. Để bảo đảm quyền được hưởng thành quả của sự phát triển kinh tế - xã hội, cũng như được phân phối công bằng của cải xã hội, Đảng ta xác định: “Quản lý tốt sự phát triển xã hội; Bảo đảm an ninh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội; thực hiện tốt chính sách với người có công; nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân...”(3).

Tổng kết 30 năm đổi mới, Đảng ta nhận thấy rằng: “Trong một thời kỳ dài do quá chú trọng vào tăng trưởng kinh tế ít chú trọng tới vấn đề bảo vệ môi trường nên hiện tượng khai thác bừa bãi và sử dụng lãng phí tài nguyên thiên nhiên như rừng, nước sạch và các nguồn tài nguyên khác gây nên sự suy thoái môi trường và làm mất cân đối hệ sinh thái đang diễn ra phổ biến”(4). Việc phát triển kinh tế chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên dẫn con người đến nhiều thảm họa nghiêm trọng về ô nhiễm môi trường, thiên tai, dịch bệnh... Biến đổi khí hậu và những vấn đề môi trường khác đã và đang cướp đi quyền được sống trong môi trường trong sạch của hàng triệu người. Thảm họa do biến đổi khí hậu gây ra đã đẩy nhiều người dân đứng trước nguy cơ đói nghèo do mất nguồn thu nhập, không có chỗ ở và thậm chí cướp đi quyền được sống của nhiều người. Chính vì thế một trong những nhiệm vụ quan trọng được xác định là: “Khai thác, sử dụng và quản lý hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; bảo vệ môi trường; chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu”(5). Rõ ràng việc chuyển hướng phát triển kinh tế từ phát triển dựa vào khai thác tài nguyên sang mô hình phát triển bền vững bảo vệ môi trường thể hiện rõ quan điểm của Đảng trong việc ưu tiên bảo đảm các quyền con người.

Trong bối cảnh “tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp... cạnh tranh về nhiều mặt ngày càng quyết liệt giữa các nước lớn tại khu vực; diễn biến phức tạp trên Biển Đông...”(6), Đảng ta xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là phải: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội”(7). Đây là nhiệm vụ hàng đầu để đảm bảo quyền con người trong thực tiễn bởi lịch sử Việt Nam và nhiều nước vừa trải qua đấu tranh giành độc lập đã chứng minh, đất nước bị lệ thuộc thì người dân không thể có tự do, các quyền con người sẽ bị chà đạp nghiêm trọng. Nhiệm vụ tổng quát này đã được cụ thể hóa bằng các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng quan hệ quốc tế, tất cả để thực hiện mục tiêu chung hiện nay là, một mặt cần tạo ra sức mạnh tổng hợp cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; mặt khác tránh để đất nước rơi vào vòng xoáy xung đột và bị chi phối bởi các liên minh quân sự, nhằm tạo ra môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, bảo đảm tốt nhất các quyền con người cho mọi người dân Việt Nam.

Như vậy, rõ ràng quan điểm của Đảng thể hiện trong Văn kiện Đại hội XII không chỉ khẳng định sự tôn trọng và bảo vệ quyền con người mà còn khẳng định rằng, Đảng và Nhà nước ta sẽ làm hết sức mình để bảo đảm và thực hiện quyền con người trên thực tế, thông qua việc xây dựng và không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật và thực thi các biện pháp cụ thể nhằm phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, để mọi người dân có cuộc sống ngày càng đầy đủ về vật chất, phong phú về tinh thần; xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, bảo đảm thực hiện và thúc đẩy quyền con người trên đất nước Việt Nam.

2. Quán triệt quan điểm mới về quyền con người, quyền công dân vào giảng dạy môn nhà nước và pháp luật

Ngày 12-7-1992, Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 12-CT/TW về vấn đề “Quyền con người và quan điểm, chủ trương của Đảng ta”, trong đó nhấn mạnh đến tầm quan trọng và mục tiêu của công tác tuyên truyền giáo dục quyền con người. Ngày 20-7-2010,Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 44-CT/TW về “Công tác nhân quyền trong tình hình mới”,trong đó tiếp tục xác định hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục quyền con người vẫn là ưu tiên hàng đầu trong công tác nhân quyền với yêu cầu đa dạng hóa các hình thức, phương pháp và cơ chế giáo dục quyền con người, tăng cường công tác nghiên cứu khoa học cũng như đưa nội dung về quyền con người vào chương trình giáo dục.

Việc quán triệtnhững quy định mới về quyền con người trong Hiến pháp 2013và Văn kiện Đại hội XIIvào giảng dạy môn nhà nước và pháp luật của chương trình cao cấp lý luận chính trị và một số môn của chương trình cao học lý luận và lịch sử nhà nước và pháp luật có ý nghĩa sâu sắc, giúp các chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên quan tâm đến vấn đề này hiểu rõ hơn; giúp xây dựng cách tiếp cận, khung chương trình, nội dung các chương trình, giáo trình, bài giảng, kiểm tra, đánh giá và phương pháp giảng dạy mới đạt kết quả tốt hơn trong bối cảnh tiếp cận quyền con người trong hoạt động giáo dục và đào tạo là xu thế tất yếu của thế giới hiện đại nói chung và ở nước ta nói riêng.

Về phương pháp giảng dạy, lồng ghép nội dung quyền con người cần kết hợp sử dụng các vụ việc, hình ảnh, tư liệu thực tế để làm tăng tính sinh động, đồng thời tăng sự tham gia tích cực từ phíangười học thông qua các hoạt động thảo luận, đóng vai...

Cách thức và hàm lượng đưa quyền con người vào các nội dung môn học khác nhau là khác nhau,trong đó hàm lượng lớn (sắp xếp tương đối theo thứ tự giảm dần) là cho học phần về quyền con người, học phần luật Hiến pháp, học phần nhà nước pháp quyền (vì bảo đảm quyền con người là một đặc trưng quan trọng của nhà nước pháp quyền), lý luận chung về nhà nước và pháp luật,Luật Quốc tế, Luật Hình sự, Luật Kinh tếvà việc lồng ghép các kiến thức về quyền con người trong chương trình giảng dạy hệ cao cấp lý luận chính trị trong các chuyên đề Nhà nước và pháp luật,...Việc lồng ghép có thể được tiến hành trên hai cấp độ, cấp độ chung và cấp độ cụ thể.

Ở cấp độ chung, việc đưa kiến thức về quyền con người sẽ chú trọng, nhấn mạnh giới thiệu các quan điểm khác nhau về quyền con người, đặc biệt lồng ghép các quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về quyền con người trong khi giảng dạy về bản chất của nhà nước XHCN, về hệ thống pháp luật. Cần chỉ ra rằng, mục tiêu của cải cách hành chính, của việc xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN đều hướng đến mục đích bảo đảm tốt hơn các quyền con người trong thực tiễn. Đây chính là nhiệm vụ quan trọng được xác định trong Văn kiện Đại hội XII.

Các cán bộ của Đảng, Nhà nước, những người hơn ai hết phải hiểu rõ về các quyền con người bởi Nhà nước và các cơ quan công quyền là chủ thể chủ yếu có trách nhiệm bảo vệ các quyền con người cho mỗi công dân, nhưng đồng thời đây cũng chính là chủ thể có nhiều khả năng nhất trong việc vi phạm các quyền con người. Do đó, cần cung cấp những kiến thức về việc phát triển dựa trên quyền cho những học viên đặc biệt là học viên là cán bộ trong các cơ quan công quyền. Cần chỉ ra rằng, mọi chính sách đều phải đặt con người vào trung tâm của quá trình phát triển, phải coi việc tôn trọng và bảo đảm các quyền con người là mục tiêu. Bảo vệ quyền con người phải là nguyên tắc cơ bản của quản lý nhà nước. Khi giảng dạy các chuyên đề về quản lý nhà nước cần phải lưu ý đến một nguyên tắc cơ bản là: Bình đẳng và không phân biệt đối xử. Nghĩa là khi áp dụng các chính sách quản lý cần phải áp dụng theo một nguyên tắc không phân biệt đối xử với bất kỳ lý do nào liên quan đến chủng tộc, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, chính trị, nguồn gốc xã hội, dân tộc, tài sản, dòng dõi và các địa vị khác. Theo Điều 7 Tuyên ngôn nhân quyền quốc tế: “Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ một cách bình đẳng”. Nguyên tắc này của Tuyên ngôn sẽ phải được áp dụng trong quá trình quản lý nhà nước.

Ở cấp độ cụ thể, cần chú trọng đến các nội dung để người học có thể nắm rõ và hiểu sâu về các quyền con người cũng như hệ thống pháp luật quốc tế, khu vực hay quốc gia về các quyền con người. Do đó, đối với Luật Hình sự, Tố tụng hình sựcần tập trung vào các nội dung mới như:Cấm tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình (Điều 20 Khoản 1), tố tụng công bằng như suy đoán vô tội; bồi thường thiệt hại vật chất và phục hồi danh dự cho người bị oan sai trong tố tụng; xử lý nghiêm minh người thi hành tố tụng gây oan sai; xét xử kịp thời, công bằng, công khai; không bị kết án hai lần cho cùng một tội phạm; quyền tự bào chữa hoặc nhờ luật sư bào chữa...

Với Luật Dân sự, Kinh tế cần tập trung vào một số quyền mới trong Hiến pháp 2013 như: Sở hữu tư nhân tại Điều 32 không chỉ công dân Việt Nam mà mọi người sống trên đất nước Việt Nam đều có quyền về tài sản và nhân thân phi tài sản. Sự mở rộng này phù hợp với thực tế thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, tham gia và đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế, khi mà các thể nhân, pháp nhân nước ngoài hiện diện làm ăn, sinh sống ngày càng nhiều ở nước ta, họ cũng phải được bảo vệ quyền tư hữu tài sản và tư liệu sản xuất, đây là một trong những tiền đề cơ bản nhất để mọi người có thể yên tâm làm ăn, sinh sống ở Việt Nam.

Về quyền tự do kinh doanh: Tại Điều 57 Hiến pháp 1992 quy định: “Công dân có quyền tự do kinh doanh” thì tại Điều 33 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm” đã mở rộng hơn về đối tượng được kinh doanh và ngành nghề được kinh doanh tạo điều kiện cho mọi người tự do kinh doanh làm giàu chính đáng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Điều 35 Hiến pháp năm 2013 thì quyền về lao động, việc làm bao gồm: quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc; quyền được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn; được hưởng lương, chế độ nghỉ ngơi. Điều 35 Hiến pháp năm 2013 quy định nghiêm cấm phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, sử dụng nhân công dưới độ tuổi lao động... Những quy định mới và rõ ràng này trong Hiến pháp năm 2013 có giá trị xã hội to lớn bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong điều kiện phân công lại lao động xã hội, tái cấu trúc nền kinh tế và hội nhập kinh tế thế giới.

Tại Khoản 3 Điều 20 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác theo quy định của luật. Việc thử nghiệm y học, dược học, khoa học hay bất kỳ hình thức thử nghiệm nào khác trên cơ thể người phải có sự đồng ý của người được thử nghiệm”, đây là điểm mới so với Hiến pháp năm 1992, thể hiện được quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác của mọi người để chữa bệnh cho người thân, cũng như đề cao vai trò của bộ phận cơ thể người phục vụ cho việc nghiên cứu, chữa bệnh trong y học hiện nay.

Trong bối cảnh của một thế giới đa dạng hệ tư tưởng và các nền văn hóa dẫn đến có nhiều sự khác biệt về quan điểm, về cách thức hiện thực hóa các quyền con người thì việc giáo dục quyền con người được đề cao nhằm giúp các cấp, các ngành giải quyết thỏa đáng nhiều vấn đề nhân quyền phức tạp. Chính vì vậy, việc đưa các kiến thức về quyền con người vào trong chương trình giảng dạy của môn nhà nước và pháp luật là vô cùng cần thiết.

____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 7-2016

(1) Hoàng Chí Bảo: “Quan điểm về phát triển con người và phát huy vai trò nhân tố con người trong dự thảo Văn kiện Đại hội XII của Đảng”, Tạp chí Thông tin khoa học lý luận chính trị, số 12-2015, tr.13.

(2), (3), (5), (6), (7) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Văn phòng Trung ương Đảng, tr.76-77, 78, 78, 57, 433.

(4) Hà Văn Hiền, Phạm Hồng Chương:Mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thời kỳ hậu khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013, tr.202.

 

PGS, TS Trương Hồ Hải

Viện Nhà nước và Pháp luật,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền