Trang chủ    Đào tạo - Bồi dưỡng    Đổi mới giáo dục đại học Việt Nam - Từ quan điểm đến giải pháp
Thứ tư, 01 Tháng 3 2017 14:52
9500 Lượt xem

Đổi mới giáo dục đại học Việt Nam - Từ quan điểm đến giải pháp

(LLCT) - Giáo dục - đào tạo luôn được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, coi đây là “quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội”(1). Trong đó, giáo dục - đào tạo đại học (GD - ĐTĐH) có nhiệm vụ quan trọng,“đào tạo nhân lực trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài”.

1. Quan điểm của Đảng, Nhà nước về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo

Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là đổi mới từ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, nội dung, phương pháp, cơ chế, chính sách, điều kiện bảo đảm thực hiện; đổi mới từ sự lãnh đạo của Đảng, quản lýcủa Nhà nước đến hoạt động quản trị của các cơ sở giáo dục, đào tạo và việc tham gia của gia đình, cộng đồng, xã hội và bản thân người học; đổi mới ở tất cả các bậc học, ngành học. Đổi mới để tạo ra chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả giáo dục, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhu cầu học tập của nhân dân.

Đổi mới phải bảo đảm tính hệ thống, có tầm nhìn dài hạn, phù hợp với từng loại đối tượng và cấp học, các giải pháp đồng bộ, khả thi, có trọng tâm, trọng điểm, lộ trìnhvàbước đi phù hợp.

Đổi mới căn bản và toàn diện không có nghĩa là làm lại tất cả, từ đầu mà cần đổi mới có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình phù hợp với thực tế đất nước, địa phương; có sựkế thừa, phát triển những nhân tố mới, tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm của thế giới. “Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế”(2). Đó là những tiêu chí mới đối với nền giáo dục nói chung và đối với mỗi cấp học, bậc học nói riêng”. Chuẩn hóa”, “hiện đại hóa”, “xã hội hóa”, “dân chủ hóa” và “hội nhập quốc tế” có quan hệ chặt chẽ, bổ sung chonhau, được thể hiện trong toàn bộ các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đổi mới giáo dục.

Chuẩn hóa mục tiêu, chương trình đào tạo, các trình độ, kỹnăng nghề nghiệp, kiểm tra đánh giá, chuẩn đầu ra, chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục và đào tạo, chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lýgiáo dục, cơ chế quản lý, cơ sở vật chất và các điều kiện khác bảo đảm chất lượng giáo dục.

Hiện đại hóa mục tiêu, nội dung giáo dục, phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục, phương pháp đánh giá giáo dục, cơ sở vật chất và hệ thống quản lýgiáo dục.

Xã hội hóa  là đa dạng chủ thể đầu tư, chủ thể tham gia và giám sát các hoạt động giáo dục; xây dựng xã hội học tập, bảo đảm điều kiện học tập suốt đời cho mọi người dân; thực hiện tốt phương châm phối hợp chặt chẽ giáo dục nhà trường, gia đình và xã hội; khuyến khích, huy động và tạo điều kiện để toàn xã hội tham gia xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh.

Dân chủ hóa  làtạo bình đẳng về cơ hội tiếp cận giáo dục cho mọi người, nhất là các đối tượng vùng khó khăn và các đối tượng chính sách xã hội; thực hiện cơ chế người học tham gia đánh giá hoạt động giáo dục; cấp dưới tham gia đánh giá cấp trên. Công khai kết quả đo lường mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan quản lýnhà nước về giáo dục và các cơ sở giáo dục; công khai chính sách giáo dục, công khai tài chính, các điều kiện bảo đảm và kết quả giáo dục; tăng cường vai trò của Hội đồng trường trong các cơ sở giáo dục, đào tạo...

Chủ động, tích cựchội nhập quốc tếđểphát triển giáo dụcvà đào tạo, đổi mới công tác đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục; mở rộng quan hệ song phương và đa phương trong hợp tác quốc tế về giáo dục; khuyến khích các tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đầu tư, tài trợ, giảng dạy, nghiên cứu khoa học, ứng dụng khoa học, chuyển giao công nghệ; xây dựng một số ngành đào tạo, cơ sở giáo dục đạt trình độ tiên tiến trong khu vực.

Trước những chỉ đạo quyết liệt và sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, GD - ĐTĐH của nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, giáo dục đã bộc lộ những yếu kém, bất cập, trong đó có những vấn đề gây bức xúc xã hội kéo dài, chưa đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp CNH, HĐHvà hội nhập quốc tế.

2. Một số giải pháp đổi mới giáo dục đại học Việt Nam trong thời gian tới

Trước hết, đổi mới tư duy phát triển GDĐH. Đây là vấn đề khó khắc phục hơn cả, cần có sự quyết tâm cao. Đổi mới phải bắt đầu từ tư duy, cách nghĩ, cách làm, cách quản lý của nhà lãnh đạo.Trong đó, cần khắc phục tư duy bảo thủ, trì trệ, bệnh thành tích, hư danh, chạy theo bằng cấp.

Hai là, GD-ĐTĐH Việt Nam cần gắn với nhu cầu xã hội. Để thực hiện được vấn đề này, GDĐH cần phải gắn kết tốt hơn với doanh nghiệp. Cần từng bước mở rộng mô hình đào tạo theo cơ chế chia sẻ kinh phí đào tạo giữa Nhà nước và doanh nghiệp, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ sở giáo dục, đào tạo, hướng nghiệp dạy nghề với các tổ chức khoa học công nghệ. Phối hợp các hoạt động tư vấn nghề nghiệp tại cơ sở đào tạo, dạy nghề tại doanh nghiệp, tạo điều kiện cho sinh viên, học viên, người lao động lựa chọn ngành nghề phù hợp ngay từ khi vào trường và có nhiều thông tin cần thiết khi sắp tốt nghiệp. Nhà nước cần khuyến khích các cơ sở doanh nghiệp có thể liên kết, đầu tư hỗ trợ cho các trường đại học theo hình thức “đặt hàng”. Vấn đề này cũng cần phải bảo đảm cân đối chỉ tiêu giữa các ngành, nghề đào tạo ở mỗi ngành và phải bảo đảm vừa có tính nhu cầu trước mắt và vừa tính đến nhu cầu lâu dài.

Ba là, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, cán bộ làm công tác GDĐH. Để xây dựng, phát triển đội ngũ này, cần xây dựng quy hoạch và kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lýgiáo dục. Khắc phục tình trạng phân tán các cơ sở đào tạo nhà giáo; tập trung xây dựng một số trường sư phạm, trường sư phạm kỹthuật trọng điểm; điều phối hệ thống trường sư phạm theo mục tiêu, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lýgiáo dục trên phạm vi cả nước.Mặt khác, cần có cơ chế tuyển sinh và cử tuyển riêng để tuyển chọn được những người thực sự có phẩm chất, năng lực phù hợp vào ngành sư phạmvà đổi mới mạnh mẽ mục tiêu, nội dung, phương pháp đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng và đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của nhà giáo theo yêu cầu nâng cao chất lượng, trách nhiệm, đạo đức nhà giáo và năng lực nghề nghiệp.

Bên cạnh đó, cần có chế độ ưu đãi đối với nhà giáo và cán bộ quản lýgiáo dục. Việc tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo và cán bộ quản lýgiáo dục phải trên cơ sở đánh giá thực tế năng lực, đạo đức nghề nghiệp và hiệu quả công tác. Có chế độ ưu đãi và quy định hợp lýtuổi nghỉ hưu đối với nhà giáo có trình độ cao, đồng thời có cơ chế sàng lọc, miễn nhiệm, bố trí công việc khác hoặc kiên quyết đưa ra khỏi ngành đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, không đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Có chính sách hỗ trợ giảng viên trẻ về chỗ ở, học tập và nghiên cứu khoa học; khuyến khích đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lýnâng cao trình độ chuyên môn,nghiệp vụ. Bảo đảm bình đẳng về tôn vinh và cơ hội đào tạo, bồi dưỡng giữa nhà giáo trường công lập và trường ngoài công lập. Tạo điều kiện để người Việt Nam ở nước ngoài, chuyên gia quốc tế tham gia giảng dạy và nghiên cứu trong nước.

Bốn là, xây dựng các tiêu chuẩn kiểm định chất lượng và thành lập các đơn vị chuyên trách để triển khai các hoạt động đánh giá, kiểm định chất lượng. Kiểm định chất lượng giáo dục là hoạt động tự đánh giá của cơ sở giáo dục, đào tạo và đánh giá của các cơ quan có chức năng đánh giá độc lập (thường được gọi là cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục) để đánh giá các cơ sở giáo dục, đào tạo hoặc đánh giá các chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn chất lượng giáo dục. Để làm được điều đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đẩy mạnh các hoạt động quản lý chất lượng, xây dựng các tiêu chuẩn kiểm định chất lượng và thành lập các đơn vị chuyên trách để triển khai các hoạt động đánh giá, kiểm định chất lượng nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục. Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng và Phát triển hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục đối với giáo dục đại học và trung cấp chuyên nghiệp giai đoạn 2011 -2020” theo Quyết định số 4138/QĐ-BGDĐT ngày 20-9-2010 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Năm là, tăng cường quyền tự chủ cho các trường đại học công lập. Tự chủ trường đại học là điều kiện cần thiết để thực hiện các phương thức quản trị đại học tiên tiến nhằm cải tiến và nâng cao chất lượng đào tạo. Mặc dù Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hết sức chú trọng vấn đề tự chủ và tạo ra hành lang pháp lý cho quyền tự chủ của các cơ sở GDĐH, tuy nhiên vẫn chưa thật sự phát huy tác dụng. Theo quy định của Luật Giáo dục Việt Nam, trường đại học có quyền tự chủ trong năm lĩnh vực là: xây dựng chương trình, giáo trình, kế hoạch giảng dạy; tổ chức tuyển sinh, đào tạo, công nhận tốt nghiệp; tổ chức bộ máy; huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực, hợp tác trong và ngoài nước. Tuy nhiên, mức độ tự chủ chưa được quy định cụ thể. Để tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các trường đại học cần có các thông tư hướng dẫn làm rõ ràng, khả thi, chuẩn xác, đúng đối tượng. Bên cạnh đó, cần rà soát lại các văn bản pháp quy liên quan đến quản lý hoạt động của các trường đại học, nội dung quản lý công tác đào tạo, tài chính, nhân sự... trong các trường đại học; xây dựng tiêu chí và mức độ quan hệ giữa quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các trường đại học.

Quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm là hai mặt của một vấn đề không thể tách rời. Tăng cường quá quyền tự chủ mà không đặt yêu cầu về tự chịu trách nhiệm sẽ có nguy cơ tùy tiện, giảm sút chất lượng, chạy theo lợi ích trước mắt. Ngược lại, tăng cường trách nhiệm mà hạn chế quyền tự chủ sẽ trói buộc các cơ sở đại học, không tạo ra động lực và cơ chế cho sự vận hành tự nhiên, hạn chế sự mềm dẻo, linh hoạt, khả năng đáp ứng yêu cầu đa dạng của xã hội. Duy trì sự can thiệp đúng mức của nhà nước thông qua các công cụ pháp lý, quy chế, tài chính để rồi từ bỏ dần sự can thiệp trực tiếp vào quản lý vi mô, tăng quyền tự chủ cho các cơ sở đại học là cần thiết. Mặt khác, để có thể sử dụng các lực lượng thị trường, tạo động lực cho giáo dục đại học một cách đúng mức, cần có sự tham gia của các lực lượng xã hội trong và ngoài nhà trường vào việc điều chỉnh và nâng cao trách nhiệm của các cơ sở đại học.

Sáu là, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục trong GDĐH. Đây là chủ trương đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển. Để chủ trương này phát huy vai trò trong thực tế cần rà soát, sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện các văn bản, chính sách, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo. Bên cạnh đó, hoàn thiện quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục, đẩy mạnh xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công lập có khả năng tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động theo hướng tiếp tục đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, nhân sự và khuyến khích thành lập các tổ chức cung ứng dịch vụ công thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo, tăng cường hoàn thiện các công cụ quản lý và vai trò kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước. Công khai các quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo, danh mục các dự án trọng điểm đầu tư thuộc các nguồn vốn. Mặt khác, cần ban hành các cơ chế tạo sự bình đẳng giữa hệ thống giáo dục - đào tạo công lập và ngoài công lập trong tham gia đào tạo nguồn nhân lực xã hội và hưởng các hỗ trợ của ngân sách nhà nước. Khuyến khích các doanh nghiệp, tập thể, cá nhân trong và ngoài nước đóng góp, viện trợ và hỗ trợ giáo dục, đào tạo dưới các hình thức khác nhau, như trao học bổng, nhận sinh viên đến thực tập, hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất, hiến, tặng sách vở, tài liệu trực tiếp cho học sinh, sinh viên, hoặc cho cơ sở giáo dục, đào tạo. Bên cạnh đó, cần khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các trường đại học hàng đầu quốc tế mở cơ sở đào tạo ở Việt Nam, đặc biệt là các cơ sở hoạt động không vì mục đích lợi nhuận. Khuyến khích đầu tư từ nguồn ngoài ngân sách nhà nước xây dựng cơ sở giáo dục và đào tạo chất lượng cao ở vùng đô thị có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển. Đặc biệt, cần tổ chức các diễn đàn, hội thảo nhằm giới thiệu các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, dạy nghề ưu tiên mà Chính phủ Việt Nam cần thu hút nguồn vốn Hỗ trợ phát triển chính thức ODA và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, đồng thời là cơ hội để tiếp cận và tạo mối quan hệ thân thiết với các nhà tài trợ chiến lược.

____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 7-2016

(1) Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, ngày 4-11-2013 Vềđổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

(2)ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.167-168.

 

ThS Nguyễn Thị Lan

Đại học Sài Gòn

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền