Trang chủ    Đào tạo - Bồi dưỡng    Nâng cao chất lượng đào tạo lý luận chính trị - hành chính cho cán bộ dân tộc thiểu số cơ sở khu vực Tây Nguyên
Thứ năm, 16 Tháng 3 2017 12:23
3370 Lượt xem

Nâng cao chất lượng đào tạo lý luận chính trị - hành chính cho cán bộ dân tộc thiểu số cơ sở khu vực Tây Nguyên

(LLCT) - Khu vực Tây Nguyên gồm 5 tỉnh: Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum và Lâm Đồng, với diện tích 54.474 km2, dân số khoảng trên 5 triệu người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 33,5%. Đây là địa bàn có vị trí chiến lược về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng - an ninh của cả nước. Hiện nay, Tây Nguyên có cư dân của 63 tỉnh thành và 54 dân tộc sinh sống, trong đó có 12 dân tộc thiểu số (DTTS) tại chỗ. Với đặc thù như vậy, Tây Nguyên có những nét khác biệt so với các khu vực khác ở nước ta về nguồn cán bộ, về công tác đào tạo, bồi dưỡng, đặc biệt là đào tạo, bồi dưỡnglý luận chính trị - hành chính cho cán bộ là người DTTStrong hệ thống chính trị ở cơ sở.

Tính đến cuối năm 2014, toàn khu vực Tây Nguyên có đội ngũ cán bộ hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn (cấp xã) và thôn, buôn, tổ dân phố là 63.546 người. Trong đó, cấp xã có 13.601 người; thôn, buôn, tổ dân phố có 49.945 người. Đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã là 15.558 người, trong đó nữ 2.767 (chiếm 18,3%); cán bộ, công chức là người DTTS có 3.978 (chiếm 26,2%); cán bộ chuyên trách có 7.952 người, trong đó có 1.272 nữ (chiếm 16%); là người DTTS có 2.575 (chiếm 32,4%). Công chức chuyên môn có 7.173 người, trong đó nữ 1.392 (chiếm 19,3%); người DTTS có 1.382 (chiếm 19,3%)(1).

Riêng tỉnh Đắk Lắk, cán bộ, công chức là người DTTS cấp xã có 877 người (chiếm 21,23%) trong tổng số 4.179 cán bộ, công chức cấp xã(2). Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, tính đến cuối năm 2015, số cán bộ, công chức DTTS cấp xã có trình độ học vấn trung học phổ thông chiếm 82%; chuyên môn, nghiệp vụ từ trung cấp trở lên chiếm 74,5%; trình độ lý luận chính trị và lý luận chính trị - hành chính từ trung cấp trở lên chiếm 44,8%(3).

Trong những năm qua, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các tỉnh Tây Nguyên, các Trường chính trị tỉnh, Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện đã tổ chức cho trên 14.926 người là cán bộ, công chức cấp xã được đào tạo trình độ lý luận chính trị sơ cấp, trung cấp và trình độ học vấn phổ thông(4). Trong đó, số cán bộ thôn, buôn, đội ngũ cán bộ công chức là người DTTS luôn được ưu tiên hàng đầu. Riêng Trường Chính trị tỉnh Đắk Lắk trong hơn 5 năm (2010 - 2015 đã đào tạo được 53 lớp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính với tổng số 3.633 học viên, trong đó học viên DTTS là 698 người (chiếm 19,2%). Phối hợp với Sở Nội vụ và các Tổ chức đoàn thể mở 66 Lớp Bồi dưỡng cho 8.644 lượt cán bộ cấp xã, trong đó có 1.754 học viên là người DTTS(5).

Qua đào tạo, bồi dưỡng, đội ngũ cán bộ, công chức là người DTTStrong hệ thống chính trị cơ sở ở các tỉnh Tây Nguyên đã có những chuyển biến tích cực. Nhiều cán bộ trẻ được đào tạo bài bản, năng động, tự tin, dám nghĩ, dám làm,thực sự là nòng cốttrong xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở;hướng dẫn cho đồng bào các dân tộc xóa đói, giảm nghèo, tổ chức xây dựng cuộc sống nông thôn mới, từng bước tạo ra những tiền đề cần thiết để kinh tế - xã hội vùng miền núi cao nguyên phát triển theo hướng bền vững.

Từ thực tế tại tỉnh Đắk Lắk cho thấy, “phần lớn cán bộ, công chức người DTTScấp xã sau khi được đào tạo nhận thức chính trị vững vàng hơn, biết vận dụng những kiến thức đã được học tập, bồi dưỡng vào nhiệm vụ được phân công, lĩnh vực đang công tác. Do vậy, hiệu quả công tác, năng lực giải quyết công việc độc lập được nâng lên rõ rệt. Cán bộ, công chức người DTTScấp xã được đề bạt, bổ nhiệm hầu hết phát huy tốt chức trách của mình trên cương vị mới, cán bộ trong nguồn quy hoạch cho nhiệm kỳ tiếp theo cũng được nâng cao một bước về trình độ, năng lực”(6).

Về công tác giảng dạy, hệ thống các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trình độ lý luận chính trị - hành chính được củng cố, phát triển; nội dung, chương trình đào tạo luôn đươc cập nhật, đổi mới; đội ngũ giảng viên tăng cả về số lượng và chất lượng; cơ sởvật chất, phương tiện phục vụ công tác giảng dạycủa các cơ sở đào tạo được cải thiện. Hầu hết các trường chính trị trong khu vực, các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện đã có sự đổi mới về phương pháp đào tạo, coi trọng đối thoại giữa dạy và học, đề cao tự học, chú trọng các bài tập tình huống, kỹ năng, nghiệp vụ thực hành công việc. Tích cực sử dụng và kết hợp các phương pháp giảng dạy tích cực với phương pháp giảng dạy truyền thống nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học. Thường xuyên tổ chức thao giảng, dự giờ, thi dạy giỏi, nhằm nâng cao năng lực giảng dạy cho đội ngũ giảng viên.

Có được kết quả trên là nhờ sự quan tâm lãnh đạọ, chỉ đạo kịp thời, sát sao của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể của 5 tỉnh Tây Nguyên; tinh thần trách nhiệm, sự tận tụycủa đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý trong hệ thống cơ sở đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị; bên cạnh đó là sự ổn định về chính trị và những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh Tây Nguyên trong những năm qua.

Bên cạnh những kết quả đạt được,công tác giáo dục chính trị tư tưởng; công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị - hành chính cho đội ngũ cán bộ, công chức DTTS trong hệ thống chính trị cơ sở trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên vẫn còn không ít những hạn chế, bất cập:

Trình độ cán bộ, công chức cấp xã ở Tây Nguyên là người DTTS còn nhiều hạn chế cả về chất lượng và số lượng, nhất là trình độ lý luận chính trị - hành chính chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Theo đánh giá của Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, cán bộ, công chức cấp xã người DTTS chưa qua đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị - hành chính chiếm 52,13%(7). Riêng tỉnh Lâm Đồng, trình độ lý luận chính trị của cán bộ, công chức cấp xã là người DTTS phần lớn mới chỉ có trình độ sơ cấp và trung cấp, còn cao cấp, cử nhân chiếm số lượng rất hạn chế(8). Vì vậy, ở một số xã, cán bộ, công chức cấp xã là người DTTS chưa đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra tại địa phương. Trên thực tế, cán bộ cấp xã đang phải tiếp nhận, xử lý một khối lượng công việc ngày càng nhiều, trong khi cán bộ cấp xã lại không được đào tạo cơ bản, ít được bồi dưỡng nghiệp vụ và các chính sách mới của Đảng và Nhà nước để vận dụng thích hợp với từng nơi. Tây Nguyên cũng là vùng có đặc thù về chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh - quốc phòng, việc hạn chế trình độ lý luận chính trị - hành chính của cán bộ cấp xã là người DTTS ảnh hưởng không nhỏ tới công tác tuyên truyền, vận động quần chúng, tới sự phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng trình độ lý luận chính trị - hành chính cho cán bộ, công chức cấp xã người DTTS hiện nay trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên vẫn còn nhiều khó khăn. Do chất lượng học viên không đồng đều, trình độ học vấn, trình độ chuyên môn và trình độ lý luận chính trị còn chênh lệch, chưa bảo đảm tiêu chuẩn đầu vào. Cán bộ công chức cơ sở, nhất là cán bộ người DTTS, vùng sâu, vùng xa, cán bộ có tuổi, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên tâm lý còn ngại đi học là rào cản lớn đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị - hành chínhcho đội ngũ cán bộ người DTTS.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị - hành chính chưa gắn với công tác quy hoạch và bố trí sử dụng. Một số cán bộ DTTS là cán bộ nguồn ở cơ sở, sau khi được đào tạo lý luận chính trị - hành chính nhưng về địa phương không bố trí công việc phù hợp. Bên cạnh đó, một số địa phương, cơ sở chưa cử đúng đối tượng đào tạo, học chưa đúng chuyên ngành cần đào tạo, bồi dưỡng vì vậy chưa đáp ứng được yêu cầu công việc ở cơ quan, tổ chức. Công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị - hành chính chỉ chú trọng việc trang bị nhóm kiến thức chung, còn thiếu kỹ năng quản lý điều hành, tổ chức thực hiện, nhất là xử lý các tình huống trong thực tiễn tại cơ sở. Nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị - hành chính mặc dù đã có nhiều cải tiến, đổi mới, tuy nhiên vẫn chưa gắn sát với từng đối tượng, đặc biệt là học viên DTTS trong hệ thống chính trị ở cơ sở.

Chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên còn hạn chế, bất cập. Cơ sở vật chất - kỹ thuật và phương tiện phục vụ công tác giảng dạy và học tập của các Trường chính trị, Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện còn nhiều thiếu thốn, chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác đào tạo, bồi dưỡng.

Để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ DTTS cơ sở vùng Tây Nguyên, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là, các cấp ủy Đảng, chính quyền cần phải thống nhất về quan điểm, chủ trương, nhận thức đúng tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị - hành chính trong việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ DTTS, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở.

Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị - hành chính cho đội ngũ cán bộ người DTTSở cơ sở. Rà soát, đánh giá số lượng, chất lượng cán bộ, xác định nhu cầu sử dụng ở cơ sở, có kế hoạch cụ thể, chủ động tạo nguồn và đào tạo, bồi dưỡng đúng đối tượng. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, trong đó có đội ngũ cán bộ DTTS ở cơ sở, nhằm đáp ứng tốt yêu cầu phát triển của từng địa phương và toàn vùng Tây Nguyên. Trong đó, về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, có từ 85% trở lên cán bộ chuyên trách và có 95% trở lên công chức cấp xã đạt trình độ chuyên môn, nghiệp vụ từ trung cấp trở lên. Cán bộ chuyên trách có 85% trở lên đạt trình độ lý luận trung cấp trở lên và công chức có 60% trở lên đạt trình độ lý luận từ sơ cấp trở lên(9).

Đối với cán bộ nguồn người DTTS có triển vọng, cần phải đào tạo cơ bản, toàn diện. Kết hợp đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, chuyên môn nghiệp vụ, an ninh - quốc phòng, công tác vận động quần chúng, dân tộc, tôn giáo...để có kiến thức cơ bản, có năng lực thực tiễn và có kỹ năng thực hành nhất định nhằm đảm đương được nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu lâu dài.

Hai là, đổi mới nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã người DTTS ở Tây Nguyên. Đi sâu vào nội dung giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc, độc lập tự chủ, tự cường về bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái… Tập trung bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ cơ sở về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với đồng bào DTTS. Cần điều chỉnh, bổ sung giáo trình trung cấp chính trị - hành chính cho phù hợp với đối tượng người học là người DTTS. Biên soạn thêm phần xử lý các tình huống cụ thể để cung cấp kiến thức, phương pháp luận và kỹ năng thực hành phù hợp cho học viên là người DTTS. Để làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã là người DTTS, cần tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm quá trình sử dụng cán bộ, công chức cấp xã là người DTTS sau đào tạo, bồi dưỡnglý luận chính trị - hành chính.

Ba là, tăng cường mở rộng các loại hình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị - hành chính cho phù hợp với đối tượng người DTTStheo chức danh; khuyến khích cán bộ, công chứcngười DTTS tự học tập để nâng cao trình độ, cập nhật những kiến thức cơ bản về lý luận chính trị - hành chính trên các lĩnh vực... Tổ chức các lớp đào tạo dành riêng cho cán bộ, công chức người DTTS với nội dung, chương trình phù hợp. Khi mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị - hành chính cho cán bộ, công chức nói chung, cần chú ý đến tỷ lệ cán bộ nữ người DTTS một cách hợp lý.

Kết hợp các loại hình đào tạo lý luận chính trị - hành chínhchính quy, tại chức, bồi dưỡng ngắn ngày, tập huấn, tham quan các mô hình trình diễn, nhằm nâng cao kiến thức, mở rộng tầm nhìn, năng lực tư duy và kiến thức thực tiễn. Đặc biệt trong những năm tới, cần coi trọng đào tạo chính quy, cơ bản cho cán bộ, công chức người DTTS. Tăng cường mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn ngắn ngày nhằm trang bị kiến thức mới, bồi dưỡng các kỹ năng xử lý tình huống, tác nghiệp có tính chất “cầm tay chỉ việc” cho đội ngũ cán bộ người DTTS trong hệ thống chính trị cơ sở khu vực Tây Nguyên.

Bốn là, có chế độ ưu tiên, đãi ngộ đặc biệt dành riêng cho cán bộ DTTS đi học lý luận chính trị - hành chính, đặc biệt ưu tiên cho việc đào tạo cán bộ nguồn, cán bộ vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng, vùng biên giới, nhằm động viên họ yên tâm học tập để nâng cao trình độ, năng lực lãnh đạo và quản lý, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của thời kỳ đổi mới. Các tỉnh Tây Nguyên cần tăng cường đầu tư kinh phí cho đào tạo, bồi dưỡng trình độ lý luận chính trị - hành chính các lớp dành riêng cho cán bộ, công chức người DTTS. Ban hành những quy định cụ thể, các chế độ ưu tiên trong đào tạo sát với từng nhóm đối tượng cán bộ ở địa phương.

Các trường chính trị tỉnh, trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện, thị, thành phố  khu vực Tây Nguyên cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan trong việc tuyển sinh đúng đối tượng, tích cực đào tạo cán bộ đang đương chức và cán bộ trong quy hoạch. Tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã người DTTS.

Năm là, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên giảng dạy lý luận chính trị tại các trường chính trị, trung tâm bồi dưỡng chính trị; bảo đảm đủ giảng viên khung, cơ hữu; thực hiện chế độ thỉnh giảng và nâng cao chất lượng giảng viên kiêm nhiệm, chú trọng mời các đồng chí lãnh đạo, quản lý tham gia giảng dạy. Nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức thực tiễn, phương pháp giảng dạy cho đội ngũ giảng viên, tạo điều kiện cho giảng viên đi đào tạo sau đại học, tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ, phương pháp giảng dạy; dự giờ, khảo sát thực tế, dự các hội nghị sơ, tổng kết của cơ sở.

Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nhằm nâng cao năng lực và trình độ cho đội ngũ giảng viên về chuyên môn nghiệp vụ, quản lý nhà nước và công tác dân tộc. Nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách để thu hút, tạo nguồn giảng viên nhằm khắc phục sự thiếu hụt lực lượng cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, nhất là các trung tâm bồi dưỡng chính trị ở các huyện vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.

Sáu là, tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học, lấy người học làm trung tâm, người học tham gia tích cực vào quá trình đào tạo; giúp học viên tiếp tục tự học, bổ sung, mở rộng và nâng cao kiến thức, rèn luyện về phương pháp tư duy, khả năng vận dụng giải quyết tình huống thực tiễn. Tăng cường thảo luận, liên hệ, vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết các tình huống trong lãnh đạo, quản lý ở cơ sở. Tổ chức cho học viên người DTTS đi thực tế ở cơ sở. Đổi mới hình thức viết tiểu luận cuối khóa đối với học viên là người DTTS nhằm nâng cao khả năng tổng kết thực tiễn của đội ngũ cán bộ này.

Bảy là, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng; từng bước hiện đại hóa và bảo đảm kinh phí hoạt động cho các trường chính trị tỉnh, trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện góp phần nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị - hành chính cho cán bộ DTTS trong hệ thống chính trị cơ sở khu vực Tây Nguyên.

____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 8-2016

(1), (4) Ban  Chỉ đạo Tây Nguyên (2014), Báo cáo Tổng kết công tác năm 2014 và chương trình công tác năm 2015, Buôn Ma Thuột, tr.7.

(2)  Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk (2015), Báo cáo tình hình tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân  nhiệm kỳ 2011-2016 và nhiệm vụ trong thời gian còn lại, Đắk Lắk, tr.13.

(3) Ban  Chỉ đạo Tây Nguyên (2015), Báo cáo tổng kết công tác năm 2015 và chương trình công tác năm 2016, Buôn Ma Thuột, tr.5.

(5) Trường Chính trị tỉnh Đắk Lắk (2015),Báo cáo tổng kết công tác năm 2015 và phương hướng nhiệm vụ năm 2016, Đắk Lắk, tr.9.

(6) Phạm Minh Tấn (2010), Xây dựng mẫu hình đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của hệ thống chính trị cấp cơ sở ở Đắk Lắk trong điều kiện hiện nay, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, Đắk Lắk, tr.124.

(7), (9) Ban Chỉ đạo Tây Nguyên (2012),Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về đổi mới nâng cao chất lượng HTCT cơ sở xã, phường, thị trấn, Báo cáo số 56-BC/BCĐTN, Ngày 25/10/2012, Buôn Ma Thuột, tr.8, 9.

(8) Nguyễn Thế Tư (2014), Xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số ở Lâm Đồng, Tạp chí Dân tộc số 165, tr.34.

 

TS Đỗ Văn Dương

Trường Chính trị tỉnh Đắk Lắk

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền