Trang chủ    Đào tạo - Bồi dưỡng    Sáu mươi năm tham mưu và thực hiện công tác tổ chức, cán bộ, góp phần xây dựng Học viện ngày càng vững mạnh
Thứ tư, 26 Tháng 4 2017 15:05
2159 Lượt xem

Sáu mươi năm tham mưu và thực hiện công tác tổ chức, cán bộ, góp phần xây dựng Học viện ngày càng vững mạnh

(LLCT) - Tháng 9-1956, Phòng Tổ chức - Cán bộ, Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc Trung ương - tiền thân của Vụ Tổ chức - Cán bộ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh hiện nay được thành lập(1). Trải qua 60 năm, Vụ Tổ chức - Cán bộ luôn được Ban Lãnh đạo Học viện quan tâm xây dựng, đã có những đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của Học viện.

Nhìn lại những ngày đầu mới thành lập (năm 1949), Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương chưa có cơ quan tổ chức cán bộ, chỉ có một Tổ nhân sự với 3 đồng chí, được Trung ương phân công làm công tác tuyển chọn cán bộ để xây dựng bộ khung của nhà trường.

Sau năm 1954, hòa bình lập lại ở miền Bắc, Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương chuyển từ chiến khu Việt Bắc về Đan Phượng (Hà Nội). Với nhiệm vụ chính trị được Trung ương giao là đào tạo, huấn luyện cán bộ đáp ứng yêu cầu thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất đất nước. Để xây dựng trường Đảng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, tháng 9-1956, Phòng Tổ chức - Cán bộ được thành lập. Dù lực lượng cán bộ rất mỏng, Phòng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, giúp Giám đốc nhà trường tuyển chọn cán bộ từ các ngành, các địa phương, trường Quân chính và các đồng chí được đào tạo từ Liên Xô về, để bổ sung cho lực lượng cán bộ giảng dạy của Trường.

Từ năm 1961, miền Bắc thực hiện kế hoạch 5 năm xây dựng CNXH lần thứ nhất, Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc Trung ương được tăng cường về nhiều mặt, đáp ứng yêu cầu mở rộng số lượng và nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ. Phòng Tổ chức - Cán bộ được nâng thành Vụ Tổ chức - Cán bộ. Biên chế ban đầu của Vụ có 5 người, do đồng chí Phó Giám đốc Thường trực trực tiếp phụ trách. Chức năng, nhiệm vụ của Vụ được xác định là tham mưu, giúp Ban Lãnh đạo Trường xây dựng tổ chức bộ máy, thường xuyên tuyển dụng cán bộ; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; bố trí sử dụng và thực hiện các chế độ chính sách đối với cán bộ, công nhân viên.

Trong những năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ (1965 - 1973), Trường liên tục sơ tán, di chuyển qua các địa điểm: Phúc Thọ (Hà Nội), Phù Ninh (Phú Thọ), Đại Từ (Thái Nguyên), Ba Vì (Hà Nội). Trong điều kiện khó khăn, Trường Đảng vẫn duy trì hoạt động, giảng viên và học viên vẫn ngày đêm bám Trường, bám lớp. Vụ Tổ chức - Cán bộ với vị trí là cơ quan tham mưu, bảo đảm về công tác tổ chức và cán bộ, đồng thời chia sẻ, hỗ trợ các hoạt động khác, góp phần vào thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Trường.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, cả nước quá độ đi lên CNXH, nhiệm vụ của giai đoạn cách mạng mới đặt ra cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ những yêu cầu mới quan trọng và cấp bách. Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc Trung ương được đổi thành Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc.

Công tác tổ chức - cán bộ thời kỳ này tiếp tục được quan tâm, đặc biệt là về công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện chính sách đối với cán bộ; trong đó đã lựa chọn những cán bộ có khả năng nghiên cứu, giảng dạy để bổ sung cho các khoa; tham mưu cho Giám đốc mở hệ đào tạo sau đại học; mở lớp đào tạo cán bộ trẻ và lựa chọn một số cán bộ, giảng viên đưa đi đào tạo theo chế độ thực tập sinh ở Viện Hàn lâm khoa học xã hội, trực thuộc Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô (AOH). Do thực hiện đồng bộ các biện pháp, nên trình độ của đội ngũ cán bộ, giảng viên được nâng lên cả về chuyên môn và ngoại ngữ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong công tác đào tạo lý luận chính trị cho đối tượng là cán bộ trung cao cấp.

Bước vào thời kỳ đổi mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội VI của Đảng, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 34-NQ/TW năm 1987 chuyển Trường  Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc thành Học viện Khoa học xã hội Nguyễn Ái Quốc trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (gọi tắt là Học viện Nguyễn Ái Quốc); sáp nhập Trường Chính trị đặc biệt (Trường K) vào Học viện.

Học viện được giao hai nhiệm vụ trọng yếu là đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trung, cao cấp của Đảng, Nhà nước và nghiên cứu lý luận chính trị, cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc hoạch định đường lối, chính sách của Đảng. Công tác tổ chức - cán bộ cũng đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ, trong đó có tham mưu cho Ban lãnh đạo Học viện thành lập đơn vị mới: Khoa Kinh tế tổ chức sản xuất - tiền thân của Viện Kinh tế hiện nay; thành lập Ban Quốc tế; nâng cấp hai bộ môn thành hai khoa: Khoa Nhà nước và Pháp luật và Khoa Văn hóa xã hội chủ nghĩa... Đồng thời, Vụ đã  tổ chức, bố trí đưa cán bộ nghiên cứu, giảng dạy đi thực tế dài hạn ở các địa phương, nhằm tăng cường kiến thức thực tiễn, kết hợp giữa nghiên cứu lý luận với tổng kết thực tiễn cho cán bộ, giảng viên. 

Đầu thập niên 90 thế kỷ XX, sự nghiệp đổi mới đất nước bước đầu thu được những kết quả quan trọng, đồng thời những thay đổi trên bản đồ chính trị thế giới với sự sụp đổ của các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu và Liên Xô, đặt ra cho công tác giáo dục lý luận, đào tạo cán bộ trong hệ thống Trường Đảng phải có sự nhận thức mới và thống nhất. Ngày 10-3-1993, Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 61-QĐ/TW “Về việc sắp xếp lại các trường Đảng Trung ương chuyển thành Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh”. Theo đó, Phân viện Hà Nội, Phân viện Đà Nẵng, Phân viện Thành phố Hồ Chí Minh, Phân viện Báo chí và Tuyên truyền là các đơn vị trực thuộc Học viện; ngày 30-10-1996, Bộ Chính trị ra Quyết định số 07-QĐ/TW “Hợp nhất Viện nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh lấy tên là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh”. Thực hiện các Quyết định của Bộ Chính trị về Học viện, Vụ Tổ chức - Cán bộ đã tham mưu, giúp Giám đốc triển khai công tác sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy các đơn vị chức năng và chuyên môn, phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong hệ thống Học viện xây dựng chức năng, nhiệm vụ, quy chế hoạt động, góp phần đưa hoạt động của Học viện nhanh chóng đi vào ổn định.

Bước sang thế kỷ XXI, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có những thay đổi về cơ cấu tổ chức và bộ máy. Ngày 2-8-2005, Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 149-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ của Học viện, tiến hành đợt sắp xếp, kiện toàn lại bộ máy trên quy mô lớn. Một số đơn vị ở Học viện Trung tâm được sắp xếp lại: Vụ Quản lý Đào tạo và Vụ Quản lý Đào tạo sau đại học, hợp nhất thành Vụ Quản lý Đào tạo; Bộ môn Ngoại ngữ sáp nhập với Vụ Hợp tác quốc tế. Các Phân viện Hà Nội, Phân viện Đà Nẵng, Phân viện Thành phố Hồ Chí Minh chuyển thành các Học viện khu vực I, III, II; Phân viện Báo chí và Tuyên truyền thành Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Tháng 4-2006, thành lập Học viện Khu vực IV (đặt tại Cần Thơ). Thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, Vụ Tổ chức - Cán bộ đã làm tốt công tác tham mưu cho Giám đốc Học viện về công tác tổ chức, bố trí cán bộ, sắp xếp bộ máy, rà soát, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của 36 đơn vị trực thuộc trình Giám đốc ban hành quyết định.

Tháng 5-2007, thực hiện quyết định của Bộ Chính trị về việc hợp nhất Học viện Hành chính với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh thành Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Vụ Tổ chức - Cán bộ đã nhanh chóng phối hợp với các cơ quan, đơn vị của 2 Học viện, thực hiện chỉ đạo của Giám đốc Học viện về công tác tổ chức - cán bộ, sắp xếp, cơ cấu lại một số đơn vị trong hệ thống Học viện theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối hành chính, nhanh chóng đưa bộ máy đi vào hoạt động ổn định.

Sau gần 7 năm hợp nhất, thực hiện Kế hoạch số 12-KH/TW, ngày 18-9-2013 của Bộ Chính trị về triển khai thực hiện Kết luận Hội nghị Trung ương 7 khóa XI:“Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở”, Vụ Tổ chức - Cán bộ thực hiện chức năng, nhiệm vụ tham mưu cho Giám đốc chỉ đạo triển khai chuyển Học viện Hành chính về Bộ Nội vụ, tham mưu trong việc xác định tên gọi của Học viện để thể hiện rõ sự tiếp nối truyền thống lịch sử, niềm vinh dự, tự hào của Học viện mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cùng với việc chuyển Học viện Hành chính về Bộ Nội vụ, ngày 6-1-2014, Bộ Chính trị ban hành Quyết định 224-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; ngày 19-5-2014, Chính phủ ban hành Nghị định số 48-NĐ/CP về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Theo đó, Học viện có 34 đầu mối trực thuộc Giám đốc Học viện. Vụ Tổ chức - Cán bộ làm tốt công tác tham mưu về tổ chức, bộ máy và cán bộ nhằm triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định của Bộ Chính trị và Chính phủ.

Trong thời gian này, Vụ có sự thay đổi về cán bộ lãnh đạo nhưng đã nhanh chóng ổn định về tư tưởng, tổ chức, triển khai các hoạt động, góp phần xây dựng Học viện. Hiện nay, về cơ cấu tổ chức, Vụ có 4 phòng: Phòng Cán bộ; Phòng Chính sách; Phòng Đào tạo, bồi dưỡng; Phòng Bảo vệ chính trị nội bộ; với đội ngũ gồm 20 cán bộ, công chức, viên chức.

Đội ngũ cán bộ, công chức của Vụ tiếp nối truyền thống quý báu, phát huy thành tích của các thế hệ đi trước, cố gắng phấn đấu trên các mặt công tác, hoàn thành nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng Học viện trở thành trung tâm quốc gia về đào tạo cán bộ trung cao cấp cho hệ thống chính trị và nghiên cứu lý luận. Những kết quả đạt được thể hiện cụ thể trên các mặt sau đây.

Thứ nhất, tham mưu xây dựng chức năng, nhiệm vụ, kiện toàn tổ chức, bộ máy của hệ thống Học viện, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng cán bộ trong tình hình mới.Dưới sự chỉ đạo của Ban Giám đốc Học viện, Vụ Tổ chức - Cán bộ đã hoàn thành việc dự thảo các văn kiện, tổ chức tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 30-7-2005 của Bộ Chính trị; trên cơ sở đó kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, kiện toàn mô hình tổ chức và cơ chế quản lý chung của toàn Học viện, theo hướng Học viện hoạt động như một ban Đảng Trung ương và là cơ quan thuộc Chính phủ.

Sau khi có Quyết định 224 của Bộ Chính trị và Nghị định 48 của Chính phủ, Vụ kịp thời tham mưu Giám đốc Học viện kiện toàn cơ cấu tổ chức của 37 đơn vị trực thuộc, trong đó có: 4 Học viện chính trị khu vực, 1 Học viện chuyên ngành; 10 đơn vị tham mưu (cấp vụ) giúp việc Giám đốc Học viện; 19 đơn vị sự nghiệp cấp vụ, viện, có chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu, giảng dạy, thông tin, khoa học, báo chí - xuất bản và 3 đơn vị cấp phòng.

Vụ chủ trì, phối hợp với các đơn vị trong hệ thống Học viện xây dựng chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy trình Giám đốc ký quyết định. Đồng thời, để nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý và điều hành, phối hợp công tác ở Học viện, Vụ đã tham mưu Giám đốc Học viện và chủ trì, phối hợp với 37 đơn vị trực thuộc xây dựng Quy chế làm việc của từng đơn vị.

Trong bối cảnh Học viện đẩy mạnh sâu rộng các hoạt động hợp tác quốc tế về nhiều mặt, Vụ đã góp nhiều ý kiến tham mưu Giám đốc điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho phù hợp với vị trí, chức năng là cơ quan trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương, đồng thời là cơ quan thuộc Chính phủ; khắc phục việc nhìn nhận chưa đầy đủ về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Học viện. Đồng thời, làm cho sự chỉ đạo, cơ chế vận hành, chế độ chính sách, quan hệ phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, cũng như hội nhập quốc tế của Học viện có nhiều điều kiện thuận lợi, nâng cao hơn vị thế, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học cũng như các mặt hoạt động khác của Học viện.

Thứ hai, tham mưu xây dựng, hoàn thiện thể chế, quy chế, quy định, tạo hành lang pháp lý phục vụ cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ở Học viện và các đơn vị trong toàn hệ thống. Nhận thức rõ việc xây dựng và ban hành hệ thống các quy chế, quy phạm có ý nghĩa rất quan trọng trong hoạt động lãnh đạo, quản lý, điều hành, đầu năm 2013,Vụ đã tham mưu Giám đốc Học viện xây dựng Bộ Quy chế về công tác tổ chức - cán bộ gồm 9 quy chế(2); bảo đảm tính hợp pháp  - phù hợp với các quy định của pháp luật; bảo đảm tính thực tiễn - phù hợp với yêu cầu quản lý, điều hành, phù hợp với đặc thù của Học viện trong từng lĩnh vực cụ thể; bảo đảm tính hiệu quả - tạo hành lang pháp lý cho hoạt động của Học viện; góp phần tích cực vào công tác quản lý, điều hành các mặt hoạt động của Học viện.

Thứ ba, tham mưu xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ khoa học và cán bộ lãnh đạo quản lý, tạo  bước chuyển mới trong công tác cán bộ.Trên cơ sở Chiến lược cán bộ của Học viện giai đoạn 2011 - 2020, Vụ đã tham mưu Giám đốc Học viện chỉ đạo quyết liệt và có những cách làm, điểm nhấn mới trong triển khai các nội dung cụ thể. Trong đó, tham mưu tổ chức thực hiện tốt nhiều nội dung công tác trọng tâm như: Tổ chức thực hiện đúng quy trình giới thiệu nhân sự, quy hoạch các chức danh lãnh đạo từ Giám đốc, Phó Giám đốc Học viện, chức danh Phó Bí thư thường trực Đảng ủy và quy hoạch nhân sự Ban Chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ 2015 - 2020; hoàn thành xây dựng quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống Học viện giai đoạn 2012 - 2015 và giai đoạn 2016 - 2020.

Thực hiện chủ trương của Giám đốc Học viện, Vụ đã triển khai đưa cán bộ khoa học đi thực tế dài hạn tại nhiều địa phương, bộ, ngành và biệt phái tại Học viện Chính trị khu vực IV. Qua đó, không chỉ nâng cao kiến thức thực tiễn, năng lực tư duy, bồi bổ kỹ năng, phương pháp công tác, mà còn giúp đội ngũ cán bộ trưởng thành hơn trong quá trình công tác, góp phần nâng cao chất lượng bài giảng, chất lượng nghiên cứu khoa học. Hầu hết cán bộ được rèn luyện, thử thách sau khi đi thực tế dài hạn (1 năm), đã có bước trưởng thành về mọi phương diện.

Thứ tư, tham mưu Giám đốc Học viện đổi mới và nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và giảng viên lý luận chính trị ở Học viện và các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trên cơ sở Đề án 875, hằng năm Vụ tham mưu xây dựng và trình Giám đốc Học viện ban hành Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức và giảng viên lý luận chính trị; các lớp đào tạo, bồi dưỡng giảng viên phương pháp giảng dạy tích cực; bồi dưỡng kiến thức kinh điển Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; chương trình bồi dưỡng cập nhật kiến thức mới một số bộ môn chuyên ngành; bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng lãnh đạo, quản lý dành cho Hiệu trưởng các trường chính trị; lớp cập nhật kiến thức lãnh đạo dành cho cán bộ cấp vụ, cấp phòng,... bảo đảm tính thiết thực, đáp ứng phần nào yêu cầu đòi hỏi về nâng cao chất lượng cán bộ của hệ thống các trường chính trị và cán bộ Học viện.

Thứ năm, thực hiện chế độ, chính sách cán bộ. Trước sự bất cập của chính sách thăng hạng, nâng ngạch cho cán bộ công chức, viên chức, không theo kịp thực tiễn, gây bức xúc trong cán bộ. Vụ đã chủ động đề nghị với Giám đốc Học viện và Ban Tổ chức Trung ương, thay đổi hình thức thi nâng ngạch, bằng hình thức xét thăng hạng, nâng ngạch cho cán bộ viên chức, công chức theo Quy chế do Vụ Tổ chức - Cán bộ Học viện chủ trì xây dựng. Năm 2015, Học viện phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ tổ chức thành công xét thăng hạng viên chức, đã công nhận đạt kết quả cho 71 đồng chí xét thăng hạng từ ngạch viên chức chính lên ngạch viên chức cao cấp và 383 đồng chí xét thăng hạng từ ngạch viên chức lên ngạch viên chức chính. Học viện là đơn vị đầu tiên trong các bộ, ban ngành Trung ương ban hành Quy chế xét thăng hạng viên chức. Bộ Quy chế này và cách thức tổ chức xét thăng hạng viên chức của Học viện đã được một số bộ, ngành tham khảo.

Thứ sáu, công tác bảo vệ chính trị nội bộ: Vụ tham mưu cho Giám đốc tập trung chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 39-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong tình hình hiện nay. Chủ động đề xuất xây dựng văn bản quy phạm nội bộ chỉ đạo về công tác bảo vệ chính trị nội bộ, trong đó, đã xây dựng Danh mục bí mật Nhà nước của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, trình Giám đốc Học viện phê duyệt. Tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, thẩm tra, xác minh, xử lý, giải quyết những trường hợp có vấn đề về chính trị. Tiếp nhận, nghiên cứu, đề xuất giải quyết đơn thư­ khiếu nại, tố cáo về vấn đề chính trị. Tham mưu chỉ đạo triển khai việc kê khai tài sản, thu nhập cá nhân đối với cán bộ thuộc diện kê khai trong toàn Học viện theo quy định.

Thứ bảy, công tác nghiên cứu khoa học phục vụ nhiệm vụ chính trị:  Trong những năm qua, với mục tiêu đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học trực tiếp phục vụ nâng cao chất lượng công tác chuyên môn cũng như năng lực tham mưu của cán bộ làm công tác tổ chức - cán bộ. Cán bộ của Vụ chủ trì triển khai nhiều đề tài, đề án. Các công trình đều trực tiếp phục vụ nhiệm vụ chính trị của Vụ và Học viện.  Trong 2 năm học (2014 - 2015 và 2015 - 2016), cán bộ của Vụ đã chủ trì 1 đề tài cấp nhà nước, 2 đề tài cấp bộ, đã công bố hơn 30 bài báo trên tạp chí chuyên ngành, xuất bản 6 cuốn sách chuyên khảo, tham khảo, hàng chục tham luận khoa học ở trong nước và quốc tế.

Thứ tám, nhiệm vụ xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện: Xây dựng đơn vị đoàn kết thống nhất được cấp ủy, chi bộ coi là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên của đơn vị. Lãnh đạo Vụ chú trọng làm tốt công tác tư tưởng, thực hiện dân chủ cơ sở,  nâng cao ý thức chấp hành kỷ luật cho cán bộ công chức. Thực hiện nghiêm túc Quy chế làm việc; Quy chế quan hệ công tác giữa lãnh đạo chuyên môn và cấp ủy đơn vị. Do đó, toàn thể cán bộ, đảng viên tích cực, chủ động trong công việc; thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế của Học viện, hoàn thành tốt nhiệm vụ Giám đốc Học viện giao.

Với những thành tích đạt được, tập thể và cán bộ, công chức, viên chức của Vụ đã vinh dự được Đảng, Nhà nước và Giám đốc Học viện tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Huân chương Lao động hạng Nhất (2011); Tập thể Lao động xuất sắc (năm học 2014-2015 và 2015-2016); Bằng khen của Giám đốc Học viện về điển hình tiên tiên trong phong trào thi đua giai đoạn 2010; Cờ thi đua của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trao tặng; Chi bộ liên tục được công nhận Chi bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu. 

Trải qua chặng đường 60 năm, với sự nỗ lực phấn đấu hoàn thành chức trách nhiệm vụ, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Vụ Tổ chức - Cán bộ đã không ngừng phát triển, tổ chức bộ máy từng bước được hoàn thiện. Phát huy những thành tích đã đạt được, khắc phục mọi khó khăn, toàn thể cán bộ công chức, viên chức của Vụ Tổ chức - Cán bộ nêu cao quyết tâm phấn đấu hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, xây dựng đơn vị trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với niềm tin cậy của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện, tiếp tục vun đắp truyền thống mà các thế hệ cha anh đã dày công xây dựng, xứng đáng là người cán bộ trường Đảng mang tên Bác Hồ kính yêu.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 9-2016

(1) Đến năm 1961, Phòng Tổ chức - Cán bộ được nâng  lên thành Vụ Tổ chức - Cán bộ.

(2) Quy chế quy định về phân cấp quản lý cán bộ, công chức, viên chức; Quy định về tiêu chuẩn, quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý; Quy định về việc thôi chức vụ lãnh đạo, quản lý, kéo dài thời gian công tác để làm chuyên môn, nghỉ công tác để hưởng chế độ hưu đối với cán bộ, công chức, viên chức; Quy định về việc tuyển dụng công chức, viên chức; Quy định về xếp ngạch, chuyển ngạch và nâng ngạch đối với cán bộ, công chức, viên chức; Quy định về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; Quy định về việc đi nghiên cứu thực tế hàng năm, luân chuyển, biệt phái, đi thực tế dài hạn của cán bộ, công chức, viên chức; Quy định về việc tổ chức lễ tang (Bộ Quy chế đã được Giám đốc Học viện ký ban hành ngày 2-5-2013).

 

PGS, TS Trần Minh Trưởng

Vụ Tổ chức - Cán bộ,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền