Trang chủ    Đào tạo - Bồi dưỡng    Yêu cầu cấp bách xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm định chất lượng giáo dục đại học
Thứ hai, 22 Tháng 5 2017 17:10
2509 Lượt xem

Yêu cầu cấp bách xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm định chất lượng giáo dục đại học

(LLCT) - Tại Hội thảo “Đổi mới công tác đào tạo nhân lực cho các khu công nghiệp và khu chế xuất ở Việt Nam” do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Chương trình đổi mới đào tạo nghề tại Việt Nam (GIZ) tổ chức, các tham luận đã nêu số liệu thống kê quý III năm 2015 cả nước có 225 nghìn người trình độ cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp, lãng phí nguồn lực nhà nước và xã hội.

Nguyên nhân cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp có nhiều, có thể khái quát lại 2 lý do cơ bản: (1) có ít chỗ làm so với nhu cầu của số người tìm việc phù hợp với ngành nghề đã được đào tạo; (2) có chỗ làm việc nhưng người tìm việc không đáp ứng trình độ hoặc không muốn làm những công việc đó. Trường hợp thứ nhất là vấn đề “thiếu hụt chỗ làm việc”, phản ánh tình hình “sức khỏe” nền kinh tế đất nước; trường hợp thứ hai là vấn đề nguồn nhân lực không phù hợp cơ cấu đào tạo nghề hoặc chất lượng chưa đáp ứng nhu cầu nhân lực. Ở đây, vấn đề cốt lõi là đào tạo nghề, kỹ năng nghề chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Hay nói cách khác, chất lượng, hiệu quả đào tạo của các trường đại học chưa đạt yêu cầu.

Thực trạng trên phản ánh những yếu kém trong hoạt động đào tạo đại học. Cụ thể là, đào tạo đại học tăng khá mạnh về quy mô số lượng song chất lượng còn nhiều bất cập, nhiều trường đại học, cao đẳng được mở ra, các trường chạy theo chỉ tiêu số lượng, chỉ tiêu tuyển sinh tăng nhanh, dẫn đến quá tải; trong khi đào tạo dàn trải, mất cân đối, chương trình đào tạo không dựa vào thông tin thị trường lao động và việc làm, nhu cầu thị trường lao động; nảy sinh tình trạng tiêu cực, thương mại hóa trong giáo dục. Nguyên nhân dẫn đến những hạn chế đó là:

Năng lực của bộ máy tham mưu, quản lý và điều hành giáo dục cấp vĩ mô và vi mô còn yếu kém. Công tác quản lý vĩ mô giáo dục đã có rất nhiều chương trình, đề án được đầu tư với chi phí lớn, hy vọng mang lại sự đổi mới giáo dục toàn diện, nhưng kết quả đạt được không như mong đợi. Muốn xây dựng được nền giáo dục hội nhập thành công trong thời kỳ toàn cầu hóa và kinh tế tri thức, đòi hỏi bộ máy quản lý và đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục có trình độ chuyên nghiệp cao, tinh thần trách nhiệm lớn.

Cơ chế tự chủ tài chính nửa vời như hiện nay đã dẫn tới đa số các trường đại học chạy theo số lượng, quy mô đào tạo để có nguồn tài chính bù đắp các khoản chi thường xuyên mà coi nhẹ chất lượng. Hệ quả là, một số trường công đua nhau tăng số lượng giảng viên nhằm đáp ứng về tỷ lệ giảng viên/sinh viên theo yêu cầu của Quy chế do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành để từ đó có điều kiện tăng số lượng sinh viên được tuyển. Trong khi tăng nhanh về số lượng thì khó có thể bảo đảm chất lượng đội ngũ, cả về trình độ, kinh nghiệm và năng lực giảng dạy của giảng viên trẻ. Nhiều trường chỉ quan tâm tuyển các ngành, chuyên ngành mà mình có thế mạnh, tiềm năng mà không quan tâm tới cơ cấu nhu cầu lao động xã hội và đòi hỏi về chất lượng sản phẩm đào tạo, dẫn đến lượng sinh viên tốt nghiệp ra trường thất nghiệp ngày càng cao.

Ngoài ra, các cơ sở giáo dục đại học, một mặt vẫn yêu cầu nhiều quyền tự chủ hơn nhưng lại chưa chủ động thực hiện các công việc quản lý của mình và nhất là chưa thể hiện sự chịu trách nhiệm cao về chất lượng đào tạo giáo dục đại học, thể thiện ở sự công khai với nhà nước, cán bộ, sinh viên và xã hội những hoạt động của nhà trường theo các quy trình, cơ chế được xây dựng và pháp lý hóa.

Việc đổi mới nội dung, chương trình đào tạo (CTĐT) trong nhiều trường chưa được chú trọng đúng mức. CTĐT cùng khối ngành thường có nhiều môn học giống nhau, không có đặc thù của từng trường. Nhiều trường tập trung dạy những môn mà nhà trường có giảng viên chứ không phải dạy những môn học mà xã hội và người học cần. Có trường quá tập trung vào lý thuyết; có trường lại quá tập trung vào trang bị kỹ năng thực hành, không có nền tảng kiến thức vững. Nhìn chung, CTĐT nhiều trường không theo kịp với sự phát triển, chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội.

Về phía người học, sinh viên hiện nay thiếu nhiều kỹ năng và sống thực dụng, bởi số sinh viên thực sự chăm học, có ý thức tự rèn luyện tu dưỡng thì không nhiều. Điển hình là thư viện trường đại học ở các nước có nền giáo dục phát triển thường là trung tâm tự học, tự nghiên cứu, luôn thu hút đông đảo sinh viên, người nghiên cứu, thường mở cửa suốt ngày đêm, kể cả ngày lễ, trong khi đó, hệ thống thư viện ở các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, mặc dù được cải thiện, hiện đại hơn nhưng số lượng người đọc rất ít, phản ánh thực trạng tự học, tự nghiên cứu của sinh viên Việt Nam rất nhiều hạn chế.

Đối với hệ đào tạo đại học vừa làm vừa học (tại chức, từ xa,...), học ngoài giờ hành chính (buổi tối, thứ Bảy, Chủ nhật), thường không có sự quản lý chặt chẽ (cả tự quản và bị quản), nên việc sinh viên dự giờ không đều, việc nghe giảng và làm bài không nghiêm túc. Bên cạnh đó là việc tự học và tự nghiên cứu đối với đối tượng này thường đặt ở hàng thứ yếu. Như vậy, hệ quả tất yếu là chất lượng học tập sẽ không cao.

Một trong những nguyên nhân cơ bản của những yếu kém trong giáo dục đại học là hoạt động đảm bảo chất lượng tại nhiều cơ sở đào tạo vẫn chưa được triển khai nghiêm túc. Việc nghiên cứu lý luận và áp dụng vào thực tiễn hoạt động tự đánh giá trong đảm bảo chất lượng ở các trường đại học chưa trở thành hệ thống mang tính khoa học. Một số báo cáo tự đánh giá (đánh giá nội bộ) còn mang tính chất “đối phó”, hệ tiêu chí, tiêu chuẩn chưa đi sâu vào chất lượng và tính thực tế. Ngoài ra, đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác kiểm định chất lượng giáo dục (kiểm định viên) tại một số trường đại học, cao đẳng chưa đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ. Số lượng cán bộ được tham gia vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiểm định viên còn hạn chế.

Để nâng cao chất lượng đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các trường đại học đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp và nhiều đổi mới, cải cách, kiên trì thực hiện trong quá trình lâu dài, có bước đi cụ thể. Trong đó, một trong những cách thức được xác định là giải pháp mấu chốt là tăng cường công tác kiểm định chất lượng giáo dục.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thành lập 4 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục (KĐCLGD) thuộc các trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Đại học Đà Nẵng, và Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. Các trung tâm có chức năng, nhiệm vụ: Đánh giá và công nhận các cơ sở giáo dục (CSGD) và CTĐT, tư vấn cải thiện chất lượng cho các cơ sở giáo dục, nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục Việt Nam; trở thành thành viên tích cực của các hiệp hội kiểm định có uy tín trong nước và quốc tế. Với mục tiêu đảm bảo hoạt động kiểm định và tư vấn được thực hiện có chất lượng; là kênh thông tin đáng tin cậy về chất lượng giáo dục cho toàn xã hội.

Đây là một giải pháp quan trọng, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới. Bên cạnh đó, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, việc học hỏi kinh nghiệm từ các trường đại học ở các nước có nền giáo dục phát triển trên thế giới là rất cần thiết trong quá trình xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng giáo dục. Cụ thể là, cần tăng cường công tác đào tạo đội ngũ kiểm định viên, đáp ứng nhiệm vụ đánh giá và công nhận các cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo, tư vấn cải thiện chất lượng cho các cơ sở giáo dục, nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. 

Tuy nhiên, KĐCLGD là công việc còn mới đối với nhiều cơ sở đào tạo nên trong thực tế nhiều cán bộ vẫn còn lúng túng về quy trình kiểm định; tiến độ triển khai ở các cơ sở giáo dục còn chưa đồng đều, đội ngũ làm công tác KĐCLGD chưa đáp ứng được yêu cầu, điều kiện làm việc còn khó khăn.

Kiểm định viên là cánh tay nối dài của Hội đồng Kiểm định chất lượng giáo dục. Kết quả đánh giá chất lượng sẽ dựa trên văn hóa minh chứng, tiêu chuẩn, tiêu chí và thang đo. Vì vậy, điều khó nhất của kiểm định viên là chỉ ra những điều cần phải cải tiến, các khuyến cáo mang tính tác nghiệp cụ thể trong quá trình thực hiện công tác kiểm định.

Việc đào tạo và phát triển kiểm định viên là một trong những nhiệm vụ cấp bách nhằm phục vụ công tác đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục cho các cơ sở giáo dục đại học, trung cấp chuyên nghiệp của cả nước. Ngày 10-3-2014, lần đầu tiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo giao Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức đào tạo kiểm định viên kiểm định chất lượng giáo dục đại học và trung cấp chuyên nghiệp.

Tính đến tháng 8-2016, Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức 13 khóa đào tạo kiểm định viên KĐCLGD đại học và trung cấp chuyên nghiệp, với hơn 500 học viên. Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức 7 khóa, với hơn 194 học viên. Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục thuộc Đại học Đà Nẵng đã tổ chức 2 khóa, với hơn 90 học viên.

Hiện nay, với tổng số trên 700 trường đại học, trung cấp chuyên nghiệp, cần một lực lượng lớn kiểm định viên để đảm trách công tác này, nhưng đến nay chỉ có gần 800 người được cấp chứng chỉ hoàn thành khóa đào tạo kiểm định viên, trong đó chỉ có 155 kiểm định viên được cấp thẻ. Trong khi đó, theo quy định, “Kiểm định viên là người được tuyển chọn, đã hoàn thành chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiểm định viên theo quy định, được cấp thẻ kiểm định viên, thực hiện nhiệm vụ kiểm định chất lượng giáo dục theo yêu cầu của các cơ sở giáo dục và các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khác”(1).

Để đạt mục tiêu mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra: “...Phấn đấu tại mỗi đơn vị chuyên trách: đến cuối năm 2015, có ít nhất một cán bộ đã hoàn thành khóa đào tạo kiểm định viên kiểm định chất lượng giáo dục và được cấp chứng chỉ; đến cuối năm 2016, có ít nhất một cán bộ được cử đi đào tạo thạc sĩ đo lường đánh giá giáo dục hoặc đào tạo tiến sĩ với đề tài luận án liên quan đến đảm bảo chất lượng và khảo thí”(2), thì việc đào tạo kiểm định viên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đổi mới giáo dục.

Kiểm định viên, trước hết cần có nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của công tác đảm bảo chất lượng và KĐCLGD đối với giáo dục đại học, để từ đó thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ của người kiểm định viên; tham gia các đoàn đánh giá ngoài, thực hiện các hoạt động đảm bảo chất lượng (ĐBCL), góp phần xây dựng “văn hóa kiểm định chất lượng”.

Để đáp ứng yêu cầu công tác, đào tạo kiểm định viên cần trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản sau:

- Vận dụng thành thạo các phương pháp khảo sát, phân tích và viết báo cáo tự đánh giá và đánh giá ngoài cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo.

- Phân tích, đánh giá báo cáo tự đánh giá của CSGD hoặc CTĐT và các hồ sơ liên quan;

- Thực hiện hoạt động phỏng vấn, quan sát, thu thập và xử lý thông tin trong quá trình đánh giá ngoài;

- Lập kế hoạch và triển khai kế hoạch đánh giá ngoài CSGD và CTĐT;

- Có kỹ năng làm việc nhóm và lãnh đạo nhóm; tổ chức, điều hành, phối hợp các hoạt động đánh giá ngoài CSGD và CTĐT;

- Có khả năng làm việc độc lập, tư duy phản biện;

- Có khả năng phản biện, đánh giá công bằng, chính xác chất lượng CSGD và CTĐT;

- Có khả năng tham gia xây dựng hệ thống ĐBCL bên trong của CSGD đại học và TCCN

KĐCLGD là công việc “cầm cân nảy mực”, sử dụng các công cụ đo lường để khẳng định chất lượng đào tạo của nhà trường, của chương trình đào tạo. Việc tổ chức đánh giá chính xác, công tâm, khách quan là trách nhiệm của các Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục mà người trực tiếp “cầm cân nảy mực” là các kiểm định viên. Do vậy, đòi hỏi các kiểm định viên không những hiểu biết sâu rộng về giáo dục nói chung và giáo dục đại học, trung cấp chuyên nghiệp nói riêng mà cần có kinh nghiệm trong xem xét, đánh giá khả năng, năng lực thực tế của các cơ sở giáo dục và có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp cao. Việc tuyển dụng kiểm định viên cần phải được thực hiện chặt chẽ, để đội ngũ cán bộ làm công tác KĐCLGD cần đáp ứng những yêu cầu cơ bản sau:

- Phải nắm được các mô hình quản lý chất lượng, hệ thống đảm bảo chất lượng và KĐCLGD trên thế giới cũng như tại Việt Nam; phải hiểu rõ quá trình thực hiện đảm bảo chất lượng bên trong và tự đánh giá đối với CSGD mình đang công tác, và đảm bảo chất lượng bên ngoài và đánh giá đồng cấp đối với các CSGD khác; am hiểu các chủ trương, chính sách, hoạt động đảm bảo chất lượng và KĐCLGD của Việt Nam và định hướng phát triển.

- Hoạt động thực sự chuyên nghiệp, bảo đảm trung thực, công tâm, khách quan khi xem xét, đánh giá chất lượng giáo dục của các CSGD.

- Tổ chức đoàn đánh giá ngoài, thông thường bao gồm chuyên gia KĐCL, ĐBCL, chuyên gia giáo dục đại học, và những nhà quản lý GDĐH dày dạn kinh nghiệm với sự hỗ trợ của nhân viên tổ chức KĐCL. Đánh giá ngoài không chỉ là xem xét công tác đào tạo hay CSGD có đạt tiêu chuẩn đặt ra hay không mà còn phải chỉ ra những điểm yếu và đưa ra các khuyến nghị.

Công tác KĐCL sẽ không đạt chất lượng, hiệu quả nếu các cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo được đánh giá bởi những người có nhãn quan hạn chế, cứng nhắc và bó hẹp trong một phạm vi nhỏ. Còn nguy hại hơn nếu các khuyến nghị cải tiến được đưa ra từ những lăng kính hạn hẹp, một chiều. Do vậy, việc tuyển chọn kiểm định viên phải chú trọng xem xét kinh nghiệm thực tế và trình độ của ứng viên.

____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 10-2016

(1) Thông tư số 60/2012/TT-BGDĐT ngày 28-12-2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

(2) Công văn số 979/BGDĐT-KTKĐCLGD về công tác đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục đại học và trung cấp chuyên nghiệp năm 2015, 2016

Tài liệu tham khảo:

1. Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

2. Kỷ yếu hội thảo: Đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục đại học: Con đường hội nhập quốc tế, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, 2014.

3. Luật Giáo dục đại học, 2012.

4. Đỗ Ngọc Quyên: Đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng trong GDĐH, Tham luận Hội thảo Cải cách giáo dục đại học, VED 2014.

5. Thông tư số 62/2012/TT-BGDĐT Ban hành Quy định về quy trình và chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp.

6. Thông tư số: 60/2012/TT-BGDĐT ngày 28-12-2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

 

ThS Trần Phương Thảo

Học viện Hành chính quốc gia

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền