Trang chủ    Đào tạo - Bồi dưỡng    Vai trò và trách nhiệm người thầy giáo dục lý luận chính trị
Thứ hai, 26 Tháng 6 2017 09:20
4228 Lượt xem

Vai trò và trách nhiệm người thầy giáo dục lý luận chính trị

(LLCT) - Dân tộc Việt Nam có truyền thống hiếu học, “Tôn sư trọng đạo”, nhân dân ta ai cũng hiểu rằng muốn trở thành người hữu ích cho xã hội thì phải học tập và phải cậy trông vào những người thầy tốt, thầy giỏi. Bất kỳ thời đại nào cũng vậy, nghề dạy học và người thầy giáo luôn được người dân quý trọng, xã hội tôn vinh. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “không có thầy giáo thì không có giáo dục... Không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế, văn hóa”(1)

Trong bài nói chuyện với giáo viên, sinh viên và cán bộ, công nhân viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội ngày 21-10-1964, Người chỉ rõ: “Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản? Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không được đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những người anh hùng vô danh... vì vậy nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang, ai có ý kiến không đúng về nghề thầy giáo, thì phải sửa chữa”(2).

Những câu nói đó rất giản dị nhưng ý nghĩa sâu xa. Bác không chỉ khẳng định, đánh giá rất cao về vị trí, vai trò của những người làm công tác giáo dục - những người mở trí, khai tâm cho con người mà còn căn dặn, nhắc nhở những người thầy giáo phải phấn đấu trở thành người thầy giáo tốt, xứng đáng là thầy giáo mới là người vẻ vang, mới là anh hùng vô danh, mới được mọi người tin yêu.

Trong lịch sử dân tộc, từ cổ xưa đã có thầy Đỗ Năng Tế dạy học cho Hai Bà Trưng - các nữ tướng xưng vương đầu tiên của dân tộc. Thời nhà Lý, thầy Lý Công Uẩn học rộng tài cao, là người đầu tiên dạy học ở kinh thành Thăng Long; học trò của thầy là Lý Thường Kiệt đã trở thành vị anh hùng kiệt xuất đời Lý và của dân tộc Việt Nam. Thời nhà Trần, các thầy giáo Lê Văn Hưu, Chu Văn An, Nguyễn Phi Khanh... là những người nổi tiếng đức rộng, chí lớn; Trần Quang Khải - Thượng tướng thái sư nổi danh đầu đời Trần là học trò của thầy Lê Văn Hưu. Tấm gương của Chu Văn An - người thầy, nhà nho, nhà đạo đức, một kẻ sỹ dũng cảm, trung thực ngay thẳng, không màng danh lợi, không sợ quyền uy mãi mãi được nhân dân lưu truyền, học trò của ông đều là những bậc kỳ tài trong thiên hạ, luôn có tấm lòng phò đời, giúp nước. Nhà nho, nhà thơ Nguyễn Trãi là nhà chiến lược đại tài đã giúp Lê Lợi cùng các tướng sĩ đánh tan giặc Minh xâm lược và viết bản hùng ca bất hủ Bình Ngô Đại Cáo sang sảng non sông. Trong những ngày dạy học ở Côn Sơn, Nguyễn Trãi lúc nào cũng ấp ủ một niềm khắc khoải, tâm sự lớn, đó là “yêu nước, thương dân”. Thời nhà Lê có Trần Ích Phát, với số học trò chiếm quá nửa số người làm quan trong triều Hồng Đức. Thời nhà Mạc, thầy Nguyễn Bỉnh Khiêm vốn là học trò giỏi của Bảng nhãn Lương Đức Bằng, là thầy dạy biết bao anh tài, nổi bật có Phùng Khắc Khoan là bậc công thần kiệt xuất của triều Lê Trung Hưng. Trong thời loạn li, phân quyền cát cứ, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã lui về ở ẩn, mở Âm Bạch Vân để dạy học nhưng lúc nào cũng canh cánh lo âu về vận mệnh đất nước và vận mệnh dân tộc.

Trong thời kỳ trước và sau ngày Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, nhiều thầy giáo đã đi vào sử sách, có công lao to lớn với cách mạng Việt Nam, để lại tấm gương sáng ngời cho muôn đời sau, như thầy Nguyễn Đức Cảnh, thầy Châu Văn Liêm, thầy Trần Phú, thầy Nguyễn Văn Cừ, thầy Tô Hiệu, thầy Lê Hồng Phong, thầy Ngô Gia Tự, thầy Trường Chinh, thầy Phạm Văn Đồng, thầy Đặng Thai Mai, thầy Võ Nguyên Giáp... Tiêu biểu nhất là hình ảnh về người thầy giáo Nguyễn Tất Thành trong những tháng ngày dạy học ở Trường Dục Thanh, người đã khắc sâu trong tâm tưởng học trò về lòng nhân ái, yêu nước, thương nòi. Hình ảnh thầy Nguyễn Ái Quốc (thầy Vương) trong các lớp Huấn luyện cán bộ đầu tiên của cách mạng Việt Nam ở Quảng Châu (Trung Quốc) với tác phẩm Đường Kách mệnh những năm 20 của thế kỷ XX, đã dẫn dắt cách mạng nước ta đi lên trên con đường tranh đấu đầy khó khăn, gian khổ, nhưng cũng hết sức vinh quang. Đó là những người thầy tiêu biểu, xứng đáng là thầy và còn biết bao người anh hùng vô danh khác mà ta không thể kể hết tên đã làm rạng danh non sông ta, đất nước ta.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân ta đã làm nên cuộc cách mạng tháng Tám vĩ đại, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đánh đuổi đế quốc ngoại xâm, giành lại độc lập tự do cho dân tộc, xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc cho đồng bào, xây dựng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày càng phồn vinh. Trong sự nghiệp vĩ đại đó, có sự cống hiến to lớn của đội ngũ nhà giáo Việt Nam, đặc biệt là những người thầy chuyên giảng dạy về lý luận chính trị trong hệ thống các Trường Đảng trên toàn quốc - những người ngày đêm miệt mài nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, say sưa trên bục giảng, đem hết sức lực và lòng nhiệt thành của mình vào “công việc gốc của Đảng” là huấn luyện cán bộ, góp phần đào tạo, bồi dưỡng nên các thế hệ cán bộ cách mạng, có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức và trình độ chuyên môn, năng lực nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ trong từng thời kỳ.

V.I.Lênin - người thầy vĩ đại của giai cấp vô sản toàn thế giới đã dạy: “Không có lý luận cách mạng thì cũng không thể có phong trào cách mạng”(3)[1] và “chỉ đảng nào được một lý luận tiên phong hướng dẫn thì mới có khả năng làm tròn vai trò chiến sĩ tiền phong”(4). Những người thầy trong hệ thống Trường Đảng từ Trung ương đến địa phương chúng ta có thêm niềm vinh dự và tự hào là được học tập, nghiên cứu nhiều về lý luận cách mạng, đem học vấn đó truyền lại cho đội ngũ cán bộ của mình, giúp cho người cán bộ hành trang cần thiết khi thực thi nhiệm vụ được giao, có được hiệu quả thiết thực, được quần chúng tín nhiệm.

Tuy nhiên, thẳng thắn mà nói trong xã hội, nhất là trong điều kiện kinh tế thị trường như hiện nay, cũng không phải không có những người hằng ngày vẫn đứng trên bục giảng nhưng còn thiếu phẩm chất, tư cách và năng lực người thầy, để lại những hệ lụy, gây bức xúc trong dư luận nhân dân. Nhiều biểu hiện tiêu cực trong giáo dục - đào tạo mà báo chí, phương tiện truyền thông đưa ra gần đây đã minh chứng và cảnh báo điều đó. Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã chỉ ra: “Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục bất cập về chất lượng, số lượng và cơ cấu; một bộ phận chưa theo kịp yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục, thiếu tâm huyết, thậm chí vi phạm đạo đức nghề nghiệp”. Kết luận số 117-KL/TW ngày 20-11-2015 của Ban Bí thư Trung ương về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tại các trường chính trị cấp tỉnh cũng nêu: “Một bộ phận giảng viên trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức thực tiễn còn nhiều bất cập so với yêu cầu nhiệm vụ”. Lúc này ta lại nhớ lời Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy hơn lúc nào hết. Muốn thực hiện tốt lời dạy của Người, đội ngũ những người thầy giáo nói chung và những người thầy giảng dạy lý luận chính trị nói riêng cần phát huy vai trò, trách nhiệm của mình hơn nữa, xứng đáng với sự kính trọng, tôn vinh của xã hội.

Có một số yêu cầu đặt ra đối với những người thầy giáo lý luận chính trị hiện nay là:

Thứ nhất, phải có phẩm chất chính trị và đạo đức cách mạng

Trước hết phải trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và sự nghiệp cách mạng của Đảng; nhạy cảm và có khả năng phân tích khoa học đối với những hiện tượng, tình huống chính trị - xã hội mới nảy sinh để định hướng hành động đúng đắn, phù hợp, giải quyết tình huống phức tạp, tế nhị của cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng lý luận hiện nay một cách có hiệu quả. Phẩm chất và bản lĩnh chính trị là cái gốc cơ bản để hoàn thành nhiệm vụ được giao trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào.

Cùng với phẩm chất chính trị, người giảng viên còn phải có đạo đức cách mạng trong sáng. Đó là lòng yêu nghề, tâm huyết và trách nhiệm với những nhiệm vụ mà nghề nghiệp đặt ra. Yêu cầu giáo dục và đào tạo là phải quan tâm rèn luyện con người hài hòa cả hai mặt đạo đức và tài năng. Hai mặt ấy thống nhất với nhau, không tách rời, thúc đẩy, tạo điều kiện cho nhau, giúp con người hoàn thành được nhiệm vụ của mình. Trong hai mặt ấy, “đức” giữ vị trí nền tảng - một khâu trọng yếu trong “sự nghiệp trồng người”. Bác Hồ cũng đã từng nói: “Dạy cũng như học phải biết chú trọng cả tài lẫn đức. Đức là đạo đức cách mạng. Đó là cái gốc, rất là quan trọng. Nếu không có đạo đức cách mạng thì có tài cũng vô dụng. Đạo đức cách mạng là triệt để trung thành với cách mạng, một lòng một dạ phục vụ nhân dân”(5).

Thứ hai, có trình độ sâu sắc, nhuần nhuyễn tri thức về môn khoa học chuyên ngành mà mình giảng dạy

Kiến thức khoa học chuyên sâu là điều kiện cơ bản nhất để người giảng viên thực hiện thành công chức năng giáo dục của mình. Kiến thức này đòi hỏi hai mặt: Một mặt, phải có kiến thức nhất định về khoa học cơ bản, về khoa học bổ trợ. Mặt khác, phải đạt trình độ nhuần nhuyễn về khoa học chuyên môn, đặc biệt là môn khoa học do người giảng viên đó đảm nhiệm. Về mặt này ở người giảng viên nhất thiết phải có trình độ cao hơn học viên. Không gì nguy hiểm hơn là giảng dạy sai, trái; nó còn tai hại hơn là không giảng dạy, bởi lẽ đối tượng giảng dạy của người giảng viên lý luận chính trị thường là những cán bộ đương chức hoặc dự nguồn các chức danh lãnh đạo, quản lý từ cấp cơ sở trở lên. Chính vì vậy, giảng dạy sai có thể ảnh hưởng cho thế hệ hôm nay, thậm chí là cả thế hệ mai sau và làm giảm đi uy tín của người thầy trong nhà trường.

Thứ ba, phải là một nhà nghiên cứu khoa học

Hoạt động nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao trình độ khoa học và nâng cao chất lượng đào tạo. Đối với mỗi người giảng viên lý luận chính trị, nghiên cứu khoa học cũng là một nhiệm vụ chính, phải thực hiện thường xuyên. Ngoài thời gian lên lớp, người giảng viên phải nghiên cứu về các vấn đề thực tiễn xảy ra trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước. Từ đó, đưa ra những kiến nghị mới để giải quyết mọi vấn đề. Tuy nhiên, nghiên cứu khoa học là một quá trình lâu dài và phức tạp. Để có được một bài giảng hay và thuyết phục học viên, buộc người giảng viên phải kiên trì, không ngừng vươn lên trước những khó khăn trong quá trình nghiên cứu, nuôi trong mình hoài bão, ước mơ khám phá bí ẩn của tự nhiên, xã hội và tư duy. Từ đó, lấy kết quả của quá trình nghiên cứu khoa học đưa vào bài giảng của mình, làm bài giảng thêm phong phú sinh động.

Thứ tư, phải có kỹ năng sư phạm

Người giảng viên lý luận chính trị cần trang bị cho mình nhiều hơn những kiến thức sư phạm thông thường. Kiến thức lý luận chính trị luôn mang tính tổng hợp, khái quát và trừu tượng, không thể dễ dàng công thức hóa như các ngành khoa học tự nhiên. Bởi vậy, nếu người giảng viên, trong quá trình dạy học, chọn giải pháp “an toàn”, truyền đạt “giống hệt sách”, “bác học hóa” những chân lý vốn rất giản dị thì người học sẽ cảm thấy căng thẳng, không hứng thú, hiệu quả tuyên truyền sẽ bị hạn chế. Chính vì thế, năng lực sư phạm của giảng viên trở thành yêu cầu đặc biệt quan trọng.

Thứ năm, giảng viên phải luôn gắn lý luận với thực tiễn

Lý luận không áp dụng được vào thực tiễn cuộc sống thì lý luận dù có hay mấy cũng không có sức sống, cũng chỉ là lý luận suông. Suy tới cùng, gốc của lý luận chính là đời sống. Học thuyết Mác - Lênin vĩnh cửu là nhờ nó bắt rễ, hút nhụy từ hiện thực đời sống khách quan của nhân loại. Bởi vậy, người giảng viên chính trị phải là người dồi dào kiến thức và năng lực thực tiễn hơn ai hết. Đòi hỏi này cao hơn mọi môi trường đào tạo khác. Đối tượng học viên của hệ thống đào tạo lý luận chính trị là những cán bộ, đảng viên đã trải qua công tác thực tiễn, giàu vốn sống và kinh nghiệm, thậm chí ở những lĩnh vực cụ thể còn có sự hiểu biết chuyên sâu hơn cả thầy dạy. Do đó, trong mỗi môn học, trong từng bài giảng phải thể hiện tính thực tiễn xã hội sinh động. Có như vậy người giảng viên lý luận chính trị mới hoàn thành nhiệm vụ của mình, như Hồ Chí Minh từng căn dặn: “phải học tập tinh thần của chủ nghĩa Mác - Lênin; học tập lập trường, quan điểm và phương pháp của chủ nghĩa Mác - Lênin để áp dụng lập trường, quan điểm và phương pháp ấy mà giải quyết cho tốt những vấn đề thực tế trong công tác cách mạng của chúng ta. Như thế chúng ta học tập lý luận là cốt để áp dụng vào thực tế”.

Thứ sáu, phải xây dựng niềm tin của học viên đối với đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước

Trong hoạt động giáo dục, tuyên truyền, một trong những nhân tố chủ yếu nhất là làm cho nhận thức biến thành niềm tin. Điều đó có nghĩa là làm cho mọi người đồng ý với một quan điểm nhất định và bảo vệ quan điểm đó, đồng thời có hành động đúng, thích hợp với quan điểm đó. Chúng ta phải tạo được niềm tin như vậy cho học viên đối với đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Các đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đều xây dựng trên cơ sở thực tiễn, trên cơ sở những quy luật khách quan. Vì vậy, muốn tạo được niềm tin đó, giảng viên phải làm cho học viên thấy được cơ sở khoa học của các đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Trong quá trình phân tích các phạm trù, quy luật... người giảng dạy phải liên hệ với đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và thực tiễn đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội có liên quan.

Như vậy, công tác giảng dạy là quá trình tổ chức các hoạt động dạy và học một cách thống nhất, có hiệu quả, thể hiện sự nhuần nhuyễn về nội dung và phương pháp trong từng bài giảng, nhằm phát huy tối đa tính tích cực tư duy, nhận thức của học viên. Thông qua nội dung và phương pháp giảng dạy của các môn học, người giảng viên lý luận chính trị góp phần trực tiếp bồi đắp cho học viên thế giới quan, phương pháp luận khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin và đạo đức người cộng sản chân chính.

Dù xã hội luôn biến động, nhưng nhà giáo vẫn là những người được tôn vinh, kính trọng, nghề thầy giáo vẫn là nghề cao quý trong những nghề cao quý. Chỉ có điều những người giảng viên có làm tốt vai trò, trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp đó hay không mà thôi. Để làm được điều đó, những người thầy lý luận chính trị phải luôn tìm tòi, sáng tạo không ngừng để tiếp nối một cách xứng đáng thế hệ những người đi trước, rèn luyện, hoàn thành tốt vai trò thiêng liêng đối với xã hội. Người thầy không được tự bằng lòng với những kiến thức đã có mà phải nâng cao, vươn xa hơn về nhận thức, tiếp cận tốt hơn với phương pháp giảng dạy tích cực nhằm tạo ra những “sản phẩm” tốt, đáp ứng  nhu cầu của xã hội, của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập quốc tế.

________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 11-2016

(1), (5) Hồ Chí Minh: Toàn tập,t.8, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.184, 499.

(1), (4) Hồ Chí Minh: Toàn tập,t.11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.333, 131.

(2), (3) V.I.Lênin: Toàn tập, t.6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.30, 32.

 

 

TS Thân Minh Quế

Trường Chính trị tỉnh Bắc Giang

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền