Trang chủ    Đào tạo - Bồi dưỡng    Hoạt động hợp tác quốc tế phục vụ đắc lực nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học của Học viện
Thứ hai, 26 Tháng 6 2017 09:32
2396 Lượt xem

Hoạt động hợp tác quốc tế phục vụ đắc lực nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học của Học viện

(LLCT) - Thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, trong bối cảnh tình hình thế giới biến động khôn lường, thách thức và cơ hội đan xen, toàn cầu hóa diễn ra sâu sắc trên mọi mặt của đời sống xã hội, công tác hợp tác quốc tế của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã, đang và sẽ góp phần tích cực vào sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo và quản lý, nghiên cứu lý luận mà mà Đảng và Nhà nước giao phó.

1. Quá trình hình thành và phát triển 

Hoạt động hợp tác quốc tế của Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc đã diễn ra từ rất sớm với việc mời các chuyên gia nước ngoài (chủ yếu từ Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu) giảng dạy một số môn lý luận cơ bản. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hoạt động hợp tác quốc tế của Trường đã không ngừng phát triển vừa nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo và nghiên cứu lý luận chính trị của Đảng, vừa bởi thắng lợi vĩ đại của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã để lại nhiều kinh nghiệm quý báu đối với phong trào cách mạng thế giới, thu hút sự quan tâm của giới khoa học, nghiên cứu. Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc là địa chỉ để nhiều đoàn đại biểu các đảng và các tổ chức cách mạng trên thế giới đến trao đổi, học hỏi kinh nghiệm cách mạng Việt Nam. Từ sau năm 1975, Trường đã cử cán bộ tham gia các đoàn chung của Đảng ta đi giảng bài tại CHDC Đức, CHDCND Yêmen; tiếp đón và giảng bài cho các đoàn như Sanvađo, Chilê, Goatêmala, Nam Phi, Palétxtin, Ôman, Thái Lan, Inđônêxia, Lào và Campuchia.

Đến đầu những năm 80, Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc đã có quan hệ hợp tác với Viện Hàn lâm khoa học xã hội Liên Xô (AOH) và nhiều trường đảng các nước như Trung Quốc, CHDC Đức, CHXHCN Tiệp Khắc... Để hoạt động hợp tác quốc tế hiệu quả, Giám đốc Trường ra Quyết định số 83/QĐ ngày 4-11-1981 thành lập Tổ công tác đối ngoại, có nhiệm vụ giúp Ban Giám đốc nghiên cứu nội dung chương trình, kế hoạch học tập lý luận Mác - Lênin, kinh nghiệm của Đảng ta cho các lớp học của đảng bạn do nhà trường tổ chức theo nhiệm vụ được Ban Bí thư giao; nghiên cứu xây dựng kế hoạch hợp tác với AOH và trường đảng các nước.

Tiếp đó, Giám đốc ra Quyết định số 14/TC ngày 9-2-1982, chuyển Tổ Công tác đối ngoại thànhVụ Hợp tác quốc tế.

Hợp tác quốc tế trở thành hoạt động thường xuyên từ khi Trường Chính trị đặc biệt được chuyển giao cho Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc (tháng 10-1985), với nhiệm vụ đào tạo học viên Campuchia. Theo Quyết định số 103/ QĐTW ngày 1-3-1990 của Ban Bí thư, Trường Nguyễn Ái Quốc 10 nhập vào Học viện Nguyễn Ái Quốc.

Sau sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu và Liên Xô, hoạt động hợp tác quốc tế của Học viện thu hẹp lại. Ngày 10-4-1990, Giám đốc Học viện ra Quyết định số 255/TC chuyển giao nhiệm vụ hợp tác quốc tế cho một số đơn vị trong Học viện.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội VII (6-1991) về chủ trương mở rộng, đa dạng hóa và đa phương hóa quan hệ đối ngoại cả về chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học - kỹ thuật; cả về đối ngoại Đảng, Nhà nước và ngoại giao nhân dân. Những thành tựu của đường lối đối ngoại đổi mới của Đảng đã tạo điều kiện thuận lợi cho Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu và đào tạo với các đối tác truyền thống và các đối tác mới. Để đưa hoạt động hợp tác quốc tế thành nền nếp, ngày 25-10-1993, Giám đốc Học viện ra Quyết định số 195/QĐTC về việc thành lập Vụ Hợp tác quốc tế (về thực chất là tái lập đơn vị chuyên trách về hợp tác quốc tế) giúp Giám đốc Học viện thống nhất quản lý và tổ chức các hoạt động quốc tế do Đảng Ủy và Ban Giám đốc Học viện đề ra. Từ đây, hoạt động hợp tác quốc tế của Học viện bước vào giai đoạn mới, không ngừng phát triển, cả về chiều rộng và chiều sâu, góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý và nghiên cứu lý luận chính trị, vào công tác đào tạo cán bộ cho các đảng bạn, nước bạn (Lào, Campuchia, Môdămbích, Nam Phi, Mêxicô...). Vụ Hợp tác quốc tế đã góp phần mình vào việc xây dựng và mở rộng quan hệ hợp tác của Học viện với hơn 60 quốc gia và hơn 100 đối tác quốc tế trên khắp 5 châu.

2. Một số thành tích đạt được

Không ngừng mở rộng hợp tác cả về chiều rộng và chiều sâu

- Đến nay Học viện đã có quan hệ với hơn 60 đối tác quốc tế, trong đó các đối tác truyền thống như Trường Đảng Trung ương Trung Quốc, Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia Lào, Trường Đảng Trung ương Đảng Cộng sản Cu Ba...

- Thiết lập quan hệ với nhiều đối tác mới là những trường đại học, viện nghiên cứu danh tiếng thuộc nhiều nước trên thế giới, tổ chức phi chính phủ và nhiều tổ chức quốc tế khác, như: Đại học tổng hợp Portland, Hoa Kỳ; Trường Dịch vụ dân sự Xinhgapo; Trường Chính phủ Kennedy, Đại học Harvard (Hoa Kỳ), Học viện Quản lý nhà nước trực thuộc Tổng thống Liên bang Nga; Học viện Quản lý nhà nước trực thuộc Tổng thống Belarút; Viện Nghiên cứu Xã hội quốc tế (Hà Lan); Viện Đào tạo công chức Trung ương Hàn Quốc, Cơ quan nhân sự quốc gia Nhật Bản,...

 - Số lượng các đoàn, lượt cán bộ Học viện đi nghiên cứu, khảo sát, trao đổi kinh nghiệm, hội thảo khoa học và học tập ở nước ngoài; số đoàn khách nước ngoài vào thăm, làm việc và tham dự hội thảo khoa học tại Học viện ngày càng tăng, mỗi năm có hàng chục đoàn ra, đoàn vào.

- Tổ chức đón tiếp thành công nhiều đoàn Lãnh đạo cấp cao các nước đến thăm và thuyết trình tại Học viện, như đoàn của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHDCND Lào, đoàn của Chủ tịch Thượng viện Liên bang Nga, đoàn của Tổng Bí thư Đảng Lao động Mêxicô, đoàn của Tổng thống Cộng hòa Ấn Độ...

Hoạt động hợp tác quốc tế phục vụ đắc lực, hiệu quả công tác đào tạo cán bộ

- Hoạt động hợp tác quốc tế đã đóng góp quan trọng vào việc đào tạo đội ngũ cán bộ nghiên cứu, giảng dạy của Học viện. Nhiều cán bộ của Học viện được ra nước ngoài học cao học, làm nghiên cứu sinh tại Ôxtrâylia, Thụy Điển, Philíppin, Thái Lan, Hoa Kỳ, v.v..

- Với sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế, một số bộ môn khoa học mới đã được xây dựng, như: Chính trị học so sánh, Phương pháp xử lý tình huống chính trị, Triết học Đông - Tây, Địa chính trị, Xã hội học lãnh đạo quản lý, Dân số và phát triển, Quyền con người, Giới và phát triển,... góp phần đổi mới, đa dạng hóa chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

Gần đây, hai dự án “Nâng cao năng lực nghiên cứu chính sách dựa trên bằng chứng và phương pháp liên ngành” và “Xây dựng ngành lãnh đạo học vì sự phát triển bền vững của Việt Nam” được triển khai đã góp phần đào tạo nguồn nhân lực và xây dựng các tài liệu, khung chương trình để hình thành Trung tâm Lãnh đạo học và nghiên cứu chính sách, nay là Viện Lãnh đạo học và chính sách công.

 - Thông qua hợp tác quốc tế, Học viện đã và đang thực hiện đổi mới mạnh mẽ chương trình và nội dung đào tạo theo hướng cơ bản và hiện đại. Khung chương trình cao cấp lý luận chính trị đã chuyển từ giảng dạy theo các môn sang giảng dạy theo các chuyên đề, mang tính chuyên sâu, vừa nâng cao chất lượng bài giảng, cập nhật được kiến thức mới, vừa tránh được trùng lặp với những nội dung đã được học ở hệ thống giáo dục, đào tạo quốc dân, rút ngắn thời gian đào tạo. Đặc biệt, Học viện đã xây dựng các chương trình và nội dung đào tạo, bồi dưỡng dành riêng cho cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước Lào, góp phần quan trọng vào việc thắt chặt hơn nữa quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt - Lào.

- Hoạt động hợp tác quốc tế của Học viện phục vụ đắc lực công tác đào tạo khóa bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cao cấp. Học viện đã hợp tác với JICA (Nhật Bản) và KOICA (Hàn Quốc) xây dựng 2 dự án cùng tên: “Tăng cường năng lực của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý cao cấp”, qua đó các chuyên gia, học giả Nhật Bản, Hàn Quốc đến giảng dạy, trao đổi, báo cáo chuyên đề cho các lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cao cấp được tổ chức tại Học viện. Cũng trong khuôn khổ các dự án này, Học viện đã tổ chức 12 đoàn cán bộ đã học xong lớp bồi dưỡng dự nguồn, đi nghiên cứu, học tập ngắn hạn tại Nhật Bản và Hàn Quốc.

- Hoạt động hợp tác quốc tế góp phần nâng cao trình độ ngoại ngữcho cán bộ của Học viện bằng việc mở các lớp học tiếng Anh, Pháp, Trung do các giảng viên nước ngoài giảng dạy; cử người đi học nâng cao trình độ ngoại ngữ ở nước ngoài.

Góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của Học viện

Là trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học, Học viện thường xuyên tổ chức các diễn đàn khoa học quốc gia và quốc tếvới sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học trong và ngoài Học viện, trong nước và quốc tế. Các hội thảo khoa học đã tập trung vào những vấn đề thời sự như: “Khủng hoảng tài chính tiền tệ ở châu Á, tác động và những bài học”(1998)  với sự tham gia của các nhà khoa học Mỹ, Thái Lan,
Xinhgapo, Philíppin; hội thảo “Nhìn lại thế kỷ XX, thử nhìn sang thế kỷ XXI” (2000) với các nhà khoa học của Viện Hàn lâm khoa học Nga; hội thảo “Lý luận và thực tiễn đổi mới, cải cách và mở cửa - Kinh nghiệm Việt Nam và kinh nghiệm Trung Quốc”(2002) với Liên hiệp các hội KHXH Quảng Đông (Trung Quốc); hội thảo“Nền kinh tế toàn cầu và nhà nước quốc gia”(2003) với Nhà xuất bản Giáo dục Mácxít (Mỹ) có sự tham gia của 24 nhà khoa học Mácxít từ các nước Mỹ, Canađa, Mêxicô, Anh, Bắc Ai len, Đức, Hy Lạp; hội thảo “Toàn cầu hóa kinh tế với việc đi sâu cải cách kinh tế và xây dựng đảng cầm quyền”với Hội Liên hiệp Khoa học xã hội Quảng Đông tại Quảng Châu (2003); hội thảo “Toàn cầu hoá, khu vực hóa và những vấn đề hợp tác giữa các nước - kinh nghiệm của Việt Nam và Liên bang Nga”với các nhà khoa học Viên Hàn lâm khoa học Nga tại Mátxcơva (2003),v.v.. Kết quả khoa học của hội thảo cũng như các kỷ yếu của hội thảo có giá trị tham khảo bổ ích cho cán bộ và học viên ở trong và ngoài Học viện.

- Học viện triển khai gần 20 dự án hợp tác nghiên cứu. Tiêu biểu là các dự án “Nghiên cứu các trào lưu xã hội dân chủ”, “Toàn cầu hóa và chính sách hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam”, “Hỗ trợ tuyên truyền vận động về dân số và phát triển”, “Hỗ trợ nâng cao năng lực nghiên cứu và giảng dạy của Trung tâm Nghiên cứu quyền con người”,... Qua đó, năng lực giảng dạy, nghiên cứu được tăng cường. Các đơn vị trực thuộc Giám đốc như Viện Xã hội học, Triết học, Quan hệ quốc tế, viện Chủ nghĩa xã hội khoa học v.v.. cùng triển khai nhiều dự án hợp tác. Thực hiện các dự án này, nhiều cán bộ khoa học, giảng viên có điều kiện đi nghiên cứu ở nước ngoài hoặc xuống cơ sở để điều tra khảo sát, tổng kết thực tiễn, phục vụ thiết thực cho công tác giảng dạy và cung cấp luận cứ khoa học cho hoàn thiện chính sách.     

- Các cán bộ của Học viện tích cực giao lưu học thuật, trao đổi kinh nghiệm nghiên cứu, thông tin khoa học. Mỗi năm, có hàng nghìn lượt cán bộ tham dự các cuộc hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế. Nhiều cán bộ của Học viện đã tham gia cùng nghiên cứu với các chuyên gia quốc tế trong khuôn khổ các dự án, như Dự án “Nâng cao năng lực nghiên cứu chính sách dựa trên bằng chứng và phương pháp liên ngành” hợp tác giữa Học viện và Viện Nghiên cứu xã hội quốc tế Hà Lan (ISS). Qua đó, tiếp cận những phương pháp nghiên cứu hiện đại, chuyên nghiệp, tinh thần tận tụy, nghiêm túc trong việc tìm kiếm các dữ liệu, bằng chứng trong công tác nghiên cứu chính sách của các chuyên gia nước ngoài.

Công tác đào tạo cán bộ, hợp tác nghiên cứu khoa học với các đảng bạn, nước bạn được duy trì và đẩy mạnh

Hệ thống Học viện đã đào tạo, bồi dưỡng hàng nghìn lượt cán bộ của Đảng và Nhà nước Lào, gồm cả cán bộ lãnh đạo, quản lý trung, cao cấp, cán bộ khoa học và chính trị. Mỗi năm, hệ thống Học viện tiếp nhận đào tạo trên 200 học viên Lào các hệ.Từ 1962 đến nay, đã có trên 4000 học viên Lào được đào tạo trong hệ thống trường Đảng, riêng từ 1982 đến nay là khoảng hơn 2000 học viên. Học viện đã đào tạo trên 50 tiến sĩ, gần 200 thạc sĩ, trong đó có nhiều Uỷ viên Trung ương Đảng NDCM Lào. Kết quả đào tạo cán bộ được bạn đánh giá cao.

- Từ thời kỳ Trường Chính trị đặc biệt (được hợp nhất với Học viện từ 1985) đến nay đã có hàng trăm cán bộ cách mạng Campuchia được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ ở hệ thống Học viện, trong đó đã có những học viên trở thành cán bộ cấp cao của Đảng Nhân dân Campuchia.

- Năm 2010, Học viện đã tổ chức lớp bồi dưỡng ngắn hạn 3 tháng cho cán bộ lãnh đạo quản lý của Đảng FRELIMO (Cộng hòa Môdămbích), mở ra một đối tác mới trong hợp tác đào tạo cán bộ giúp các đảng bạn, và năm 2016, lớp bồi dưỡng thứ hai cho Đảng bạn đã được mở.

- Hoạt động hợp tác quốc tế phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, uy tín quốc tế của Học viện không ngừng được nâng lên, đồng thời góp phần tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị giữa Việt Nam với các nước trên thế giới. Học viện đã trở thành nơi mà các cơ sở đào tạo, tổ chức quốc tế, đại sứ quán các nước, các chuyên gia, học giả trong và ngoài nước tin tưởng, mong muốn được thiết lập quan hệ hợp tác, phối hợp hội thảo hay trình bày, thuyết giảng.

Các chương trình hợp tác khoa học với Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia Lào được triển khai với nhiều hình thức khác nhau (Nghị định thư Chính phủ, đề tài cấp bộ đặc biệt). Kết quả hợp tác không chỉ góp phần nâng cao trình độ khoa học, mà còn nâng cao kỹ năng tổ chức, quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học cho cán bộ Việt Nam và Lào(1).

Bổ sung nguồn lực nhằm tăng cường cơ sở vật chất Học viện

Hoạt động hợp tác quốc tế đã góp phần tăng cường nguồn lực cho việc đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và nhiều mặt công tác khác của hệ thống Học viện.

Điển hình như dự án “Hỗ trợ xây dựng thư viện điện tử tại Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh” do KOICA tài trợ (trị giá gần 1,5 triệu USD);...

Với những đóng góp hiệu quả vào hoạt động hợp tác quốc tế của học viện, nhiều năm liền, Vụ Hợp tác quốc tế được công nhận là Đơn vị Lao động xuất sắc, được Giám đốc Học viện tặng bằng khen; Chi bộ nhiều năm liền là Chi bộ Trong sạch vững mạnh;... Vụ cũng được đón nhận các danh hiệu, phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước Việt Nam và nhà nước bạn: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (năm 2001, 2011), Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba cho tập thể và các cá nhân; Huân chương Itxala hạng Nhì, hạng Ba; Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba của Nhà nước Lào cho tập thể và các cá nhân.

3. Phương hướng, nhiệm vụ của cơ quan hợp tác quốc tế của Học viện trong thời gian tới

Là cơ quan tham mưu giúp Ban Giám đốc Học viện quản lý thống nhất việc triển khai thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế trong toàn Học viện, trong thời gian tới, tập thể cán bộ, công chức Vụ Hợp tác quốc tế tập trung trí tuệ, sức lực, thực hiện những nhiệm vụ sau:

Một là, tiếp tục duy trì, tăng cường thắt chặt các mối quan hệ với các đối tác hiện có, đồng thời phát triển các đối tác mới, là những cơ quan khoa học quản lý và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có uy tín khu vực và thế giới.

Hai là, phục vụ thiết thực công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học, trước mắt góp phần tích cực vào việc đổi mới chương trình và phương pháp giảng dạy.   

Ba là, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ Học viện ra nước ngoài học tập, nghiên cứu, tham quan.

Bốn là, phục vụ công tác đào tạo cán bộ cho các đảng bạn. Tăng cường hơn nữa cơ sở vật chất phục vụ học viên quốc tế.

Năm là, tham mưuđa dạng hóa các hình thức và phương thức hợp tác với các đối tác nước ngoài phù hợp xu thế hội nhập quốc tế.

Sáu là, quản lý tốt các dự án, tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế, các đoàn ra và đoàn vào, bảo đảm chất lượng, hiệu quả và công tác an ninh tư tưởng. Kết quả nghiên cứu của các dự án, kỷ yếu hội thảo, báo cáo của các đoàn ra được phổ biến rộng rãi để đông đảo cán bộ nghiên cứu, giảng viên và học viên tham khảo qua hệ thống thư viện của Học viện.

Bảy là, tiếp tục bồi dưỡng nâng cao phẩm chất chính trị, năng lực chuyên môn và ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ làm công tác hợp tác quốc tế ở trung tâm Học viện và các Học viện khu vực và chuyên ngành.

Tám là, tham mưu bổ sung, nâng cấp các thiết bị cho hoạt động hợp tác quốc tế như phòng tiếp khách quốc tế, thiết bị phục vụ hội thảo quốc tế...

Thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, trong bối cảnh tình hình thế giới biến động khôn lường, thách thức và cơ hội đan xen, toàn cầu hóa diễn ra sâu sắc trên mọi mặt của đời sống xã hội, công tác hợp tác quốc tế của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã, đang và sẽ góp phần tích cực vào sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo và quản lý, nghiên cứu lý luận mà mà Đảng và Nhà nước giao phó.

________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 11-2016

(1) Năm 2005 - 2008, hai Học viện đã hợp tác nghiên cứu đề tài “Những vấn đề lý luận và thực tiễn phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam và Lào” ; năm 2008, hợp tác thực hiện dự án trong 5 năm “Biên dịch các tác phẩm kinh điển Mác - Ănghen, Lênin và Hồ Chí Minh từ tiếng Việt sang tiếng Lào”; năm 2009 - 2010, hợp tác nghiên cứu đề tài “Xây dựng Đảng cầm quyền trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam và Lào”;năm 2011 - 2012, hợp tác nghiên cứu đề tài “Xây dựng Nhà nước pháp quyền trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam và Lào”;hiện đang hợp tác triển khai đề tài nghiên cứu khoa học về đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý và Dự án biên dịch bộ Hồ Chí Minh Toàn tập từ tiếng Việt sang tiếng Lào.

 

PGS, TS Hoàng Văn Nghĩa

Vụ Hợp tác quốc tế,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền