Trang chủ    Đào tạo - Bồi dưỡng    Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc - Thực trạng và giải pháp
Thứ hai, 10 Tháng 7 2017 17:16
3805 Lượt xem

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc - Thực trạng và giải pháp

(LLCT) - Vùng Tây Bắc gồm 12 tỉnh(1) có chung đường biên giới với Lào và Trung Quốc, là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng - an ninh. Với tiềm năng về nông, lâm nghiệp, thủy điện, khoáng sản, du lịch và kinh tế cửa khẩu, Tây Bắc có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế.

Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, vùng Tây Bắc đã có sự phát triển mạnh mẽ, đời sống nhân dân không ngừng được nâng cao. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, các tỉnh vùng Tây Bắc cũng gặp phải không ít những khó khăn, thách thức, đó là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý vùng dân tộc và miền núi Tây Bắc còn thiếu về số lượng, yếu về năng lực tổ chức, chỉ đạo thực hiện. Do đó, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người DTTS có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển nhanh và bền vững vùng Tây Bắc.

1. Thực trạng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ DTTS ở cơ sở của khu vực Tây Bắc hiện nay

Quán triệt Nghị quyết Đại hội XI của Đảng về “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cả về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, quản lý nhà nước”(2), các Tỉnh ủy khu vực Tây Bắc đã tập trung lãnh đạo xây dựng các chương trình, kế hoạch hành động, xác định rõ tiến độ, lộ trình thực hiện. Nhiều đề án đã được xây dựng như: Đề án Đào tạo 100 cán bộ trẻ sau đại học giai đoạn 2012-2015, định hướng đến 2020 của Ban Tổ chức Tỉnh ủy Yên Bái; Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái về ban hành chính sách thu hút, đào tạo cán bộ khoa học, cán bộ quản lý, hỗ trợ đào tạo cán bộ, học sinh, sinh viên người DTTS tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2014-2016; đề án Mô hình chi bộ cụm bản gắn với phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng bản, cụm bản phát triển toàn diện; tổ chức điều động, luân chuyển cán bộ trưởng, phó phòng các sở, ngành tỉnh và huyện tăng cường cán bộ cho cấp xã của Ban Tổ chức Tỉnh ủy Sơn La; Đề án về Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên giai đoạn 2011-2015 của Ban Tổ chức Tỉnh ủy Lai Châu; Đề án Quy hoạch đào tạo cán bộ dân tộc thiểu số, cán bộ chuyên môn và kỹ thuật tỉnh Lào Cai giai đoạn 2011-2015; Quyết định 718/QĐ-TTg ngày 15-5-2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Đề án củng cố, tăng cường đội ngũ cán bộ dân tộc Mông trong hệ thống chính trị cơ sở các xã địa bàn trọng yếu vùng Tây Bắc giai đoạn 2014 - 2018… 

Nhờ đó, trong những năm gần đây, đội ngũ cán bộ DTTS vùng Tây Bắc đã thực sự được tăng về số lượng, nâng cao về chất lượng, đảm bảo sự lãnh đạo, điều hành quản lý, góp phần thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội. Theo số liệu báo cáo của Ban chỉ đạo Tây Bắc, hiện nay, toàn khu vực có hơn 50% số cán bộ xã, 77% số công chức xã đạt chuẩn về trình độ theo quy định và 44% số cán bộ không chuyên trách (Phó các đoàn thể, Bí thư chi bộ, trưởng thôn, bản...) được đào tạo, bồi dưỡng. Ngoài ra, các tỉnh cũng xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng theo hướng căn cứ vào tiêu chuẩn chức danh cho đội ngũ cán bộ các xã; xây dựng chương trình bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng công tác theo vị trí việc làm đối với những người hoạt động không chuyên trách ở xã và thôn, bản; đề ra giải pháp bố trí, sắp xếp cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt, bảo đảm tỷ lệ cán bộ cấp xã là người dân tộc thiểu số. Đây được coi là cơ sở để các tỉnh thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2015-2020.

Công tác phát triển đảng, nhất là ở những địa bàn xung yếu, vùng sâu, vùng xa được các tỉnh Tây Bắc đặc biệt coi trọng. Năm 2009, toàn khu vực có 3.500 thôn, bản chưa có chi bộ và 268 thôn, bản chưa có đảng viên, đến nay, chỉ còn 1.848 thôn, bản chưa có chi bộ và 86 thôn, bản chưa có đảng viên. Năm 2013, các tỉnh kết nạp được 21.514 đảng viên mới, nâng tổng số đảng viên của toàn khu vực lên 660.826 đảng viên. Ðó là kết quả của hàng loạt biện pháp củng cố chi bộ vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn. Theo lộ trình, đến năm 2018, các tỉnh của khu vực Tây Bắc phấn đấu 100% số thôn, bản có đảng viên; 90% số thôn, bản có chi bộ; 85% số cán bộ chuyên trách cấp xã được đào tạo chuẩn.

Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế và “Xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số tại chỗ có phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu của địa phương, củng cố hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh”(3), các tỉnh mở nhiều lớp đại học, cao đẳng, trung cấp tại địa bàn, tạo điều kiện cho cán bộ vừa học, vừa làm. Việc phát triển đa dạng các loại hình đào tạo như chính quy, tại chức và thực hiện cải cách hành chính đã giúp cho đội ngũ cán bộ DTTS ở cơ sở được nâng cao trình độ chuyên môn, tăng cường năng lực quản lý, đáp ứng yêu cầu cơ bản trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đây được xem là bước đột phá trong việc chuẩn hóa trình độ đội ngũ cán bộ cơ sở của các tỉnh khu vực Tây Bắc.

Cùng với việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tại chỗ, các tỉnh đã triển khai các chính sách ưu đãi để thu hút sinh viên chính quy tốt nghiệp loại khá, giỏi các trường đại học về công tác tại các xã, phường. Điển hình như Ủy ban nhân dân thành phố Yên Bái đã ký hợp đồng với 26 sinh viên đã tốt nghiệp đại học là con em đồng bào DTTS về công tác tại các xã, phường. Thành phố sử dụng nguồn tăng thu để chi trả lương và đóng bảo hiểm xã hội cho những cán bộ này; hỗ trợ 30% mức lương hiện hưởng đối với cán bộ các phòng, ban ở thành phố được điều động làm cán bộ ở phường, 40% đối với cán bộ điều động đi xã; cán bộ phường được điều động sang làm cán bộ xã được hỗ trợ 30%...(4).

Hiện nay, số lượng cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số đảm đương các chức vụ từ cấp huyện trở lên chiếm tỷ lệ 6,94%; 167 cán bộ người DTTS được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (chiếm 12,13%); 251 cán bộ người DTTS được bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; 78 người là đại biểu Quốc hội khóa XIII (chiếm 15,6%) và 280 đại biểu Hội đồng nhân dân tại 25 tỉnh, thành phố có đông đồng bào DTTS sinh sống. Tỷ lệ cán bộ người DTTS được bầu vào cấp ủy, chính quyền, Hội đồng nhân dân cấp huyện, xã ngày càng được nâng lên theo từng năm. Đây là kết quả tích cực của công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị cho cán bộ người DTTS.

Chính sách đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ của Nhà nước đã thực sự tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS yên tâm công tác, tập trung trí lực, phát huy tâm huyết để hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao.

Tuy nhiên, so với yêu cầu, lực lượng cán bộ người DTTS hiện nay còn nhiều bất cập. Về “công tác quy hoạch, tạo nguồn, đào tạo, sử dụng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số chưa được quan tâm đúng mức”(5). Tỷ lệ cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng trong các tỉnh Tây Bắc thấp hơn nhiều so với các tỉnh khác trong cả nước. Đội ngũ cán bộ xã có trình độ học vấn tốt nghiệp bậc tiểu học và trung học cơ sở trung bình là 79,2%, cán bộ chưa qua đào tạo chiếm 61,9%. Ở các xã đặc biệt khó khăn, trình độ cán bộ xã là người DTTS rất thấp, nhiều nơi cán bộ chủ chốt xã chưa học xong chương trình phổ thông cơ sở. Năng lực điều hành, quản lý của lãnh đạo chính quyền cơ sở ở một số nơi còn yếu, chậm đổi mới phương thức lãnh đạo, chưa đủ sức giải quyết những vấn đề phát sinh từ cơ sở. Cán bộ người DTTS trong các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương chiếm tỷ lệ thấp so với tỷ lệ đồng bào DTTS ở địa phương. Một số địa phương có tỷ lệ thành viên Uỷ ban nhân dân cấp xã là người DTTS chiếm tỷ lệ hơn 50%, đó là các tỉnh: Sơn La, Lai Châu, Lào Cai.

 Hầu hết các tỉnh miền núi hiện nay chưa thể tự cân đối được lực lượng cán bộ tại chỗ, phải nhờ vào sự điều động, tăng cường từ Trung ương và các địa phương khác đến. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các huyện vùng cao, vùng xa vẫn chủ yếu do các cán bộ tăng cường đảm nhiệm. Đến thời điểm này, số cán bộ là người DTTS tại các địa phương có đông đồng bào DTTS sinh sống mới đạt gần 40% trong tổng số cán bộ, công chức, viên chức của địa phương. Số cán bộ DTTS nắm giữ các chức vụ chủ chốt ít. Tỷ lệ cán bộ DTTS trong cấp ủy, chính quyền còn thấp. Thực tế này đã tác động đến hoạt động lãnh đạo của hệ thống chính trị ở cơ sở, nhất là trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn đặc biệt khó khăn.

Công tác cử tuyển đi học đối với cán bộ DTTS còn nhiều bất cập. Chỉ tiêu cử tuyển được Trung ương phân bổ từ nhiều trường đại học với các chuyên ngành khác nhau, trong đó có cả những ngành mà địa phương không có nhu cầu tuyển dụng. Khi tiến hành xét tuyển, nhiều nơi, chính quyền làm theo kiểu “lấp đầy chỗ trống”. Do vậy, có những ngành địa phương chưa cần đến nhưng vẫn cử tuyển dẫn đến tình trạng sinh viên người DTTS tốt nghiệp chưa được bố trí công việc phù hợp...

2. Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người DTTS vùng Tây Bắc

 Một là, tập trung phát triển giáo dục, đào tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao nhận thức của người dân về công tác đào tạo cán bộ người DTTS

Một trong những rào cản lớn hiện nay trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người DTTS ở Tây Bắc là trình độ dân trí thấp, đặc biệt là đối với người nghèo. Mặc dù trong những năm qua, các tỉnh Tây Bắc đã cải thiện đáng kể khả năng tiếp cận giáo dục cho người nghèo nhưng chất lượng chưa cao, tình trạng bỏ học còn nhiều do gánh nặng chi phí. Giáo dục, đào tạo giúp cho người nghèo có thể tiếp nhận đầy đủ thông tin mọi mặt của đời sống kinh tế, chính trị xã hội nhằm giảm thiểu những hậu quả do đói nghèo, do thiếu tri thức. Để phát triển giáo dục, đào tạo, nâng cao dân trí cho người DTTS các tỉnh Tây Bắc cần:

- Tích cực thực hiện chính sách giáo dục, đào tạo cho thế hệ trẻ. Bắt đầu từ việc triển khai các dự án đầu tư trường, lớp học, nhà bán trú cho học sinh và giáo viên, có chính sách đặc biệt khuyến khích giáo viên lên giảng dạy ở vùng nghèo miền núi; tuyên truyền các chủ trương, chính sách giáo dục, đào tạo để các hộ nghèo, đặc biệt là các hộ nghèo DTTS hiểu được tầm quan trọng của giáo dục, đào tạo đối với con em họ và tầm quan trọng của giáo dục đào tạo với đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người DTTS.

- Tập trung xây dựng trường, lớp học bảo đảm đủ trường, đủ lớp cho người học, tích cực, chủ động kêu gọi và thu hút nguồn vốn tài trợ để nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị dạy và học. Tăng cường đầu tư cho hệ thống giáo dục cơ sở, đồng thời xây dựng thêm các trường dân tộc nội trú, bán trú nhằm đáp ứng đủ nguồn cán bộ tại chỗ. Đầu tư xây dựng các trường đào tạo như nghề may mặc, cơ khí, sửa chữa máy móc, thiết bị dân dụng,...

Hai là, xây dựng và kiện toàn đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở, cán bộ khoa học - kỹ thuật, và đội ngũ trí thức là người DTTS

Cán bộ chủ chốt cấp cơ sở là những hạt nhân nòng cốt của Đảng, chính quyền và các đoàn thể từ xã, phường, thị trấn đến các bản, làng. Họ là những người trực tiếp triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ở cơ sở, trực tiếp sống và làm việc với nhân dân. Do đó, họ phải có trình độ văn hóa và nghiệp vụ chuyên môn nhất định, hiểu biết pháp luật và các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng, có phẩm chất đạo đức tốt, có uy tín với nhân dân,... Chính vì vậy, đào tạo đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở, cán bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng đội ngũ trí thức các dân tộc ít người là một trong những nhiệm vụ chiến lược quan trọng của các tỉnh Tây Bắc nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, từng bước khắc phục tình trạng lạc hậu, đưa vùng đồng bào tộc người thiểu số phát triển hòa nhịp với sự phát triển chung, thực hiện thành công chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người DTTS. Để làm được điều đó, cần:

Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chủ chốt cấp cơ sở.

Trên cơ sở thống kê và rà soát lại đội ngũ cán bộ chủ chốt ở các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể, đánh giá số lượng, chất lượng theo yêu cầu của địa phương và theo tiêu chuẩn đề ra, các tỉnh cần có kế hoạch thay thế, bổ sung và tăng cường từ cấp huyện cho những cơ sở yếu kém. Tiến hành xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng các kiến thức cần thiết cho đội ngũ này, trong đó quan tâm đến các cán bộ là người DTTS. Cần tăng cường số lượng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ DTTS trong hệ thống chính trị vùng dân tộc thiểu số, nhất là đối với các dân tộc có tỷ lệ cán bộ và mặt bằng dân trí thấp như: Mông, Dao, Khơ Mú, Si La... “Đối với xã, phường, thị trấn (gọi chung là xã) có tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số tham gia vào các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp xã tối thiểu là 10% đến 50% trên tổng biên chế được giao, tùy thuộc vào tỷ lệ người dân tộc thiểu số trên tổng dân số của xã...”(6).

Tăng cường bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cấp cơ sở về các quan điểm, chính sách lớn về phát triển kinh tế - xã hội Tây Bắc trong những năm sắp tới; các kiến thức về quản lý kinh tế, về pháp luật, các chính sách dân tộc, tôn giáo, đối ngoại của Đảng và Chính phủ, các chính sách về dân số, về môi trường sinh thái, chủ quyền, an ninh quốc phòng... Tập trung đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ học vấn cho đội ngũ cán bộ cấp cơ sở, bằng hình thức vừa làm vừa học và kết hợp với giáo viên tại chỗ ở các cấp học trên địa bàn.

Ngoài ra, các tỉnh trong vùng cần lập kế hoạch xây dựng đội ngũ cán bộ kế cận dự nguồn cho đội ngũ cán bộ chủ chốt cơ sở. Đội ngũ kế cận phải được đào tạo để đảm bảo trình độ học vấn ít nhất tốt nghiệp phổ thông cơ sở và được đào tạo lý luận ở các trường chính trị - hành chính, hoặc các trường trung cấp hoặc dạy nghề theo chương trình sơ hoặc trung cấp. Các ban, ngành của huyện, tỉnh phải trực tiếp kiểm tra, hướng dẫn, giúp đỡ đội ngũ cán bộ chủ chốt cơ sở thông qua việc làm thực tế của họ tại địa phương.

- Từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật, cán bộ lãnh đạo, quản lý, đặc biệt cán bộ là người DTTS.

Ở Tây Bắc hiện nay, phần lớn cán bộ này là người Kinh, tập trung tại các thành phố hoặc thị xã ở Tây Bắc. Do vậy, Đảng bộ và chính quyền các tỉnh Tây Bắc cần có các chủ trương, chính sách hợp lý, phù hợp với điều kiện của từng địa phương để đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật là người dân tộc ít người. Theo đó, cần có những chính sách đãi ngộ đặc biệt đối với cán bộ khoa học - kỹ thuật là người dân tộc ít người, như chính sách nhà ở và đất đai để họ kết hợp làm kinh tế hộ gia đình; chính sách cho con em của họ tại các trường nội trú và chế độ cử tuyển thích hợp.

Ba là, gắn việc đào tạo, bồi dưỡng với việc sử dụng cán bộ, công chức, viên chức người DTTS

Đào tạo, bồi dưỡng phải gắn với tuyển dụng, sử dụng cán bộ người DTTS; phải xuất phát từ quy hoạch tổng thể, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Các địa phương cần cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng về những chuyên ngành mà địa phương cần tuyển dụng. Các cơ sở đào tạo, trường dân tộc nội trú cần bảo đảm cân đối trong đào tạo, cả về số lượng và cơ cấu ngành nghề. Các Bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, sử dụng đội ngũ cán bộ người DTTS. Cán bộ người DTTS có năng lực và đủ tiêu chuẩn phù hợp quy định của pháp luật, được bổ nhiệm vào các chức danh cán bộ chủ chốt, cán bộ quản lý các cấp. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào định hướng phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế, điều kiện, yêu cầu cụ thể của địa phương để tuyển dụng, bổ nhiệm, sử dụng đội ngũ cán bộ người DTTS làm việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị bảo đảm tỷ lệ hợp lý, tương ứng với tỷ lệ người DTTS tại địa phương.  

Đào tạo, bồi dưỡng gắn với sử dụng cán bộ người DTTS phải được quán triệt trong việc thực hiện chính sách cử tuyển cán bộ người DTTS. Để sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực người DTTS được đào tạo theo chế độ cử tuyển, cần thực hiện chỉ cử tuyển những ngành địa phương thiếu cán bộ. Sau khi cán bộ người DTTS được đào tạo, cần bố trí công việc sao cho sát với tình hình thực tế. Chính quyền các địa phương có người đi học cử tuyển nên cử người hướng dẫn, giúp đỡ và sắp xếp cho các đối tượng này làm quen với công việc trong một thời gian nhất định, sau đó mới tiến hành thi tuyển công chức.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 12-2016

(1) Tây Bắc gồm 12 tỉnh: Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Phú Thọ, Tuyên Quang và 21 huyện phía tây của hai tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An.

(2) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.252.

(3) ĐCSVN:Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr.34.

(4) Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương: Tài liệu nghiên cứu các Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,2003, tr.80.

(5) Lê Thanh Bình, Phạm Thị Kim Cương:Bài tham luận Hội thảo: “Một số vấn đề về công tác cán bộ DTTS vùng Tây Bắc”.

(6) Quyết định số 402/QĐ-TTg ngày 14-3-2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Phê duyệt Đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số trong giai đoạn mới.

 

 

ThS Nguyễn Thị Tố Uyên

Viện Nhà nước và Pháp luật,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền