Trang chủ    Đào tạo - Bồi dưỡng    Tăng cường đào tạo lãnh đạo học cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ta hiện nay
Thứ năm, 17 Tháng 8 2017 14:56
2932 Lượt xem

Tăng cường đào tạo lãnh đạo học cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ta hiện nay

(LLCT) - Đào tạo lãnh đạo học cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có vai trò đặc biệt quan trọng nhằm trang bị tri thức, kỹ năng, nghệ thuật lãnh đạo để họ có đủ năng lực nắm bắt thời vận, biết cách chuyển chúng thành những chiến lược, chính sách và kịp thời, quyết liệt chỉ đạo triển khai hành động để đạt mục tiêu, hiệu quả.

1. Đào tạo lãnh đạo họcvới việc xây dựng phẩm chất, năng lực đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý

Lãnh đạo học được nghiên cứu và giảng dạy rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới. Ở Việt Nam, môn lãnh đạo học còn rất mới mẻ, chưa trở thành một chuyên ngành với tính cách là một khoa học độc lập. Ở góc độ chung nhất, lãnh đạo học là môn khoa học cung cấp phương pháp luận lãnh đạo cho người học và các chủ thể lãnh đạo trong các tổ chức. Lãnh đạo học trang bị hệ thống tri thức và phương pháp, kỹ năng lãnh đạo dựa trên nền tảng của nhiều lý thuyết về quản lý, tổ chức, tâm lý học lãnh đạo, chính trị học,... Lãnh đạo học mang tính nghệ thuật cao trong điều tiết các quan hệ tổ chức, xã hội và sử dụng nhân lực để cùng đạt mục tiêu chung.

Lãnh đạo học trang bị tri thức, tầm nhìn chiến lược phát triển của tổ chức. Tạo ra tầm nhìn là công việc chính của nhà lãnh đạo. Một nhà lãnh đạo phải biết dẫn dắt tổ chức mình đi tới đâu, phải xác định tương lai chung của tổ chức. Điều này thể hiện trong năng lực chỉ đạo xây dựng các quyết sách (đường lối, chủ trương, quyết định…) ở các cấp quản lý và bộ, ngành, tổ chức. Năng lực tư duy lãnh đạo học của người lãnh đạo giúp việc xây dựng các quyết sách đúng đắn đem lại hiệu quả cao, đạt mục tiêu quản lý. Việcđào tạo, bồi dưỡng tri thức lãnh đạo họcsẽ giúpcán bộ lãnh đạo, quản lý có thêm năng lực trong việc xây dựng các quyết sách phù hợp, đáp ứng yêucầu của thực tiễn đời sống xã hội.

Lãnh đạo học trang bị tri thức, kỹ năng tổ chức thực tiễn. Vận dụng các quyết sách vào thực tiễn và tổng kết thực tiễn để rút ra những bài học kinh nghiệm nhằm điều chỉnh các quyết sách đã có hoặc xây dựng các quyết sách mới. Năng lực tư duy lãnh đạo học của các nhà lãnh đạo, quản lý cho phép việc vận dụng các quyết sách vào cuộc sống và tổng kết thực tiễn khoa học, khách quan, rút ra những bài học hữu ích cho việc hoàn thiện quyết sách.

Lãnh đạo học đúc rút các mô hình lãnh đạo, phẩm chất người lãnh đạo tiêu biểu. Người lãnh đạo thành công cần hội tụ nhiều tố chất khác nhau, một số nghiên cứu chỉ ra 6 tố chất cụ thể(1): (i) biết lắng nghe; (ii) ra quyết định kịp thời; (iii) truyền đạt để thực thi các quyết định; (iv) động viên nhân viên nâng cao trách nhiệm; (v) chấp nhận rủi ro; (vi) tạo lập uy tín. Một số nghiên cứu khác cho rằng "người lãnh đạo là người có khả năng trình bày tư tưởng một cách đầy đủ và rõ ràng; họ biết rõ họ muốn gì, tại sao họ muốn điều đó, và làm sao để truyền đạt điều họ muốn đến những người xung quanh để thuyết phục mọi người cùng hợp tác thực hiện và cuối cùng là họ biết làm thế nào để đạt đến mục đích "(2).

Người lãnh đạo phải biết khơi dậy và truyền được cảm hứng cho đồng nghiệp và cấp dưới đi theo và thực hiện. Truyền cảm hứng chính là tạo động lực cho những người đi theo mình, củng cố nỗ lực vượt qua các trở ngại trong quá trình theo đuổi mục tiêu. Người lãnh đạo có năng lực là biết tạo động lực, duy trì động lực để cuốn hút mọi người theo một hướng. Trong lãnh đạo, người lãnh đạo biết sử dụng hài hòa quyền lực và uy tín cá nhân để cuốn hút người khác đi theo mình.  Vì thế, lãnh đạo học như là môn nghệ thuật về tổ chức con người.

Người lãnh đạo có nghệ thuật và uy tín truyền cảm hứng cho đồng nghiệp và nhân viên cùng đồng hành theo đuổi tới cùng mục tiêu đã lựa chọn, tức là năng lực tập hợp tập thể đoàn kết tạo sức mạnh thành công.Rõ ràng rằng, để lãnh đạo tốt, người đứng đầu phải được đào tạo để nắm vững tri thức, phương pháp luận lãnh đạo học từ đó tạo ra những tư duy đột phá, vượt qua những giới hạn chủ nghĩa kinh nghiệm vươn tới nắm bắt các nguyên lý khoa học, quy luật khách quan.

2. Một số vấn đề đặt ra đối với đào tạo lãnh đạo học ở nước ta hiện nay

Triển khai đào tạo, bồi dưỡng lãnh đạo học cho đội ngũ cán bộ là việc làmcấp bách hiện nay. Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã xác định các tiêu chuẩn chung và tiêu chuẩn riêng cho cán bộ trong một số lĩnh vực.Ngoài các tiêu chuẩn chung, cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đoàn thể nhân dân còn phải: “Có kiến thức về khoa học lãnh đạo và quản lý(3). Đại hội XII đề ra mục tiêu: “xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh;…”.Tuy nhiên, thực tế việc đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý còn xa với yêu cầu, mục tiêu đề ra. Thực trạng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, đặc biệt trong khu vực công ở Việt Nam còn nhiều yếu kém, một trong những nguyên nhân là chưa được trang bị đầy đủ, bài bản tri thức và kỹ năng lãnh đạo học. Sự lãnh đạo chủ yếu dựa vào kinh nghiệm tình huống; việc tổ chức thực hành chức năng chỉ đạo thiếu khoa học. Lãnh đạo thiếu tầm nhìn xa, chiến lược, nặng về xử lý công việc theo tình thế.

Trong bối cảnh đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế sâu rộng, đòi hỏi  đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có đủ phẩm chất và năng lực,đáp ứng được yêu cầu hoạt động thực tiễn. Lãnh đạo cần phải có phương pháp khoa học để có thể thích ứng với sự vận động của thực tiễn khách quan, tiếp cận những tri thức tiên tiến của nhân loại trong quản lý và thực hành những kỹ năng lãnh đạo phù hợp với trình độ dân trí ngày càng cao. Lãnh đạo phát triển xã hội theo mục tiêu: “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Công tác đào tạo môn lãnh đạo học còn hạn chế, bất cập. Khung chương trình đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý còn dàn trải, mang nặng tính hàn lâm, kinh viện. Môn học lãnh đạo học chưa được nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng nên việc giảng dạy cho lãnh đạo các cấp trong hệ thống chính trị còn khiêm tốn. Kinh nghiệm của nhiều nước tiên tiến trên thế giới như Pháp, Nhật Bản, Mỹ cho thấy, đội ngũ lãnh đạo, quản lý cần được đào tạo bài bản trong các trường lớp về chuyên môn và kỹ năng lãnh đạo. Ở các nước phát triển này, lãnh đạo học được tổ chức đào tạo có hệ thống để trang bị cho người học tri thức và kỹ năng làm lãnh đạo trong tương lai hoặc nâng cao năng lực cho những người đang đảm nhận chức vụ lãnh đạo ở các cấp trong khu vực tư và công.

Trong đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý cần coi trọng trang bị tri thức, phương pháp luận lãnh đạo học như tầm nhìn, tư duy chiến lược, tổ chức, nghệ thuật sử dụng nhân lực...hướng tới việc hình thành phương pháp luận và phát triển kỹ năng lãnh đạo cho người học (người lãnh đạo trong tương lai hay hiện tại). Ở Việt Nam, nội dung đào tạo cần tập trung vào yếu tố trọng yếu như: (i) đào tạo tầm, tâm, tài đáp ứng thực tiễn hoạt động lãnh đạo hiện nay; (ii) nghệ thuật sử dụng quyền lực chính trị trong lãnh đạo, kết hợp hài hòa quyền lực chức vụ với quyền lực cá nhân người lãnh đạo trong hệ thống chính trị ở Việt Nam; (iii) Năng lực ra quyết định và tổ chức thực hiện quyết định. Tố chất người lãnh đạo là biết cách ra quyết định phù hợp, đúng lúc và tổ chức thực hiện hiệu lực, hiệu quả; (iv) nghệ thuật thực hành lãnh đạo; lãnh đạo hướng đến niềm tin và chiến lược xây dựng lòng trung thành của đồng nghiệp và cấp dưới; lãnh đạo bằng sự ảnh hưởng, bằng nhiệt huyết và truyền cảm hứng và động lực... Xây dựng êkíp mạnh, đủ tầm hiện thực hóa ý tưởng của lãnh đạo.

Khi được đào tạo lãnh đạo học bài bản, năng lực tư duy khoa học của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lýđượcnâng cao, sẽ góp phần quan trọng vào việc xây dựng các quyết sách trong phạm vi mình quản lý.

Các quyết sách đưa ra đúng khi người lãnh đạo nhận thức đúng bản chất của vấn đề cần giải quyết. Ngược lại, việc nhận diện mơ hồ vấn đề sẽ dẫn đến việc đưa ra các quyết sách sai. Trên cơ sở nắm được bản chất vấn đề, bối cảnh liên quan, dựa vào năng lực phán đoán, lựa chọn và luận chứng, người lãnh đạosẽ đưa ra các quyết sáchphù hợp nhất.

Đồng thời, lãnh đạo học trang bị cho người lãnh đạo năng lực tư duy, kỹ năng tổ chức hoạt động thực tiễn. Hoạt động thực tiễn quan trọng nhất của người lãnh đạo là tổ chức thực hiện các quyết sách trong phạm vi mình phụ trách. Người lãnh đạo cần truyền cảm hứng, thuyết phục đồng nghiệp, cấp dưới thực hiện các quyết sách. Để đưa các quyết sách vào cuộc sống, người cán bộ lãnh đạo phải làm cho đồng nghiệp, cấp dưới hiểu được ý nghĩa của quyết sách, tin tưởng vào hiệu quả mà chúng đem lại, động viên được họ hăng say, tích cực tham gia hiện thực hóa các quyết sách đề ra vì mục tiêu chung của tổ chức.

Tư duy lãnh đạo học góp phần giúp người lãnh đạo tăng cường kết hợp tri thức mới với tổng kết thực tiễn trong phạm vi mình phụ trách vì mục tiêu lãnh đạo trong tương lai. Việc tổng kết thực tiễn giúp cho đánh giá chính xác những kết quả triển khai các quyết sách, rút ra các bài học phục vụ lãnh đạo điều chỉnh các quyết sách, xác định căn cứ cho hoạch định quyết sách mới.

3. Đề xuất giải pháp tăng cường đào tạo lãnh đạo học cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý

Thứ nhất, khẳng định rõ hơn về vị trí, vai trò của môn lãnh đạo học trong chương trình đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong hệ thống chính trị Việt Nam. Đây là môn khoa học thiết thực cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trên cơ sở kết hợp nhuần nhuyễn tri thức lý luận lãnh đạo học với kinh nghiệm thực hành lãnh đạo, chỉ đạo công việc cụ thể ở các đơn vị, cơ quan. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ:“thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không liên hệ với thực tiễn là lý luận suông”(4). Vì thế, việc tăng cường đào tạo, bồi dưỡng tri thức, kỹ năng lãnh đạo học cho đội ngũ lãnh đạo, quản lý hiện tại là mục tiêu quan trọng để trang bị nền tảng lý luận lãnh đạo học vững chắc cho đội ngũ này thực hành chức năng lãnh đạo, quản lý hiệu lực, hiệu quả hơn, hạn chế tới mức thấp nhất kinh nghiệm “mù quáng”.

Thứ hai, đa dạng hóa hình thức đào tạo, bồi dưỡng lãnh đạo học. Tổ chức đào tạo dài hạn, tập trung cho các đối tượng có triển vọng đảm nhiệm vị trí lãnh đạo, quản lý; tổ chức đào tạo chuyên sâu ở cấp sau đại học như thạc sỹ, nghiên cứu sinh. Đồng thời, tổ chức bồi dưỡng lãnh đạo học, đặc biệt là các đối tượng đang đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý để cập nhật tri thức và kỹ năng thực hành lãnh đạo, quản lý. Việc đào tạo, bồi dưỡng lãnh đạo học có thể thực hiện thông qua các hình thức hợp tác giáo dục quốc tế, hội thảo, xêmina,…

Thứ ba, phát triển nguồn nhân lực nghiên cứu và giảng dạy môn lãnh đạo học trong hệ thống giáo dục quốc dân và trường Đảng. Đội ngũ này cần được đào tạo bài bản trong các trường lớn của quốc gia và quốc tế, tiếp cận đầy đủ các lý thuyết về lãnh đạo học. Đào tạo nguồn nhân lực, đủ năng lực nghiên cứu, ứng dụng lãnh đạo học phù hợp với điều kiện Việt Nam, có phương pháp sư phạm để truyền đạt môn lãnh đạo học cho các đối tượng học. Thu hút đội ngũ thỉnh giảng, kiêm nhiệm đã và đang đảm nhiệm cácchức vụ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan khu vực công và tư ở nước ngoài.

Thứ tư, hoàn thiện chương trình đào tạo lãnh đạo học, đáp ứng nhu cầu đối với từng đối tượng học (triển vọng làm lãnh đạo, đương chức lãnh đạo, đội ngũ nghiên cứu và giảng dạy lãnh đạo học). Bên cạnh đó, cần quan tâm tới các chương trình bồi dưỡng lãnh đạo học để kịp thời cập nhật tri thức và kỹ năng lãnh đạo, bồi dưỡng kinh nghiệm hay và trường hợp điển hình cho các đối tượng đương chức lãnh đạo, quản lý trong khu vực công, đáp ứng chiến lược phát triển cán bộ.

Chương trình đào tạo cần kết hợp hài hòa dung lượng kiến thức hàn lâm, lý thuyết với kỹ năng thực hành, rèn luyện kỹ năng lãnh đạo, xử lý tình huống trong lãnh đạo, quản lý ở các lĩnh vực khác nhau.

_____________________

(1) Allan Colman. Lead as boss. PDUs2Go.com

(2) Bennis. On becoming a leader. London: Arrow. 1998, p.3.

(3) Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương khóa VIII về Chiến lược cán bộ thời.kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (1997).

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.95.

 

PGS,TS Vũ Thanh Sơn

Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ,

Ban Tổ chức Trung ương

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền