Trang chủ    Đào tạo - Bồi dưỡng    Học tập và vận dụng phong cách diễn đạt của Hồ Chí Minh trong công tác giảng dạy ở trường Đảng
Thứ năm, 24 Tháng 8 2017 16:57
10594 Lượt xem

Học tập và vận dụng phong cách diễn đạt của Hồ Chí Minh trong công tác giảng dạy ở trường Đảng

(LLCT) - Phong cách Hồ Chí Minh xuất phát từ cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi và phong phú của Người; là sự kết tinh của truyền thống văn hoá dân tộc với tinh hoa văn hoá của nhân loại, luôn là tấm gương cho chúng ta học tập và làm theo.

Phong cách tư duy, phong cách diễn đạt, phong cách làm việc, phong cách ứng xử và phong cách sinh hoạt là năm mặt chủ yếu tạo thành hệ thống phong cách Hồ Chí Minh. Trong đó, phong cách diễn đạt là một trong những nét đẹp riêng, độc đáo và có giá trị to lớn đối với việc tu dưỡng, rèn luyện phương pháp diễn đạt (nói và viết) của mỗi cán bộ, đảng viên nói chung và cán bộ giảng dạy của Học viện nói riêng.

1. Đặc trưng phong cách diễn đạt của Hồ Chí Minh

Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị nêu rõ: Phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh bao gồm: phong cách nói đi đôi với làm, đi vào lòng người; nói và viết ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo.

Phong cách diễn đạt của Hồ Chí Minh thể hiện rõ nhất qua cách nói và viết. Phong cách diễn đạt của Người có một số đặc trưng như:

- Cách nói, cách viết ngắn gọn, dễ hiểu phù hợp chủ đề, đối tượng nhằm đạt được mục đích đề ra

Cách nói và viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh rất ngắn gọn, tự nhiên, rõ ràng, cụ thể, phù hợp với trình độ nhận thức, hiểu biết, cách suy nghĩ của từng đối tượng người đọc, người nghe. Người dạy cán bộ phải nắm vững các nguyên tắc về chủ đề, đối tượng, mục đích, phương pháp: Nói, viết cái gì? Nói, viết cho ai? Nói, viết để làm gì? Nói, viết như thế nào? Nói một từ, viết một câu, bao giờ Người cũng chú ý làm sao người bình thường nhất cũng hiểu và làm được. Nhờ đó, những bài nói, bài viết của Người rất thực tế, không khô khan và có sức thuyết phục mạnh mẽ.

Đối với quảng đại quần chúng, Người diễn giải ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu. Mở đầu tác phẩm Đường Cách mệnh, Nguyễn Ái Quốc đã nói rõ chủ kiến của mình: “Sách này muốn nói cho vắn tắt, dễ hiểu, dễ nhớ… Đây nói việc gì thì nói rất giản tiện, mau mắn, chắc chắn như 2 lần 2 là 4, không tô vẽ trang hoàng gì cả… Văn chương và hy vọng sách này chỉ ở trong hai chữ: Cách mệnh! Cách mệnh!! Cách mệnh!!!”(1).

Đối với thực dân Pháp, đế quốc Mỹ đang cai trị nước ta, Người sử dụng ngôn từ đanh thép, lập luận chắc chắn để vạch trần, lên án tội ác, sự lừa bịp, mị dân của kẻ thù. Thí dụ trong các tác phẩm: Đông Dương, Bản án chế độ thực dân Pháp, Hành hình kiểu Linsơ, Tuyên ngôn độc lập, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (19-12-1946), Không có gì quý hơn độc lập, tự do (17-7-1966)...

Mục đích nói và viết của Hồ Chí Minh cốt làm cho lý luận trở nên gần gũi, dễ hiểu với tất cả mọi người. Người dùng cách nói, cách viết giản dị, cụ thể, thiết thực và phê phán thói “ba hoa”, kiểu “thường nói một chiều và đôi khi thổi phồng các thành tích, mà ít hoặc không nói đúng mức đến khó khăn và khuyết điểm của ta”(2). Người dạy: “nêu cái hay, cái tốt, thì phải có chừng mực, chớ phóng đại. Có thế nào nói thế ấy”(3).

- Diễn đạt ngắn gọn, cô đọng, hàm súc, trong sáng

Hồ Chí Minh thường viết rất ngắn gọn nhưng có ý nghĩa khái quát cao. Thí dụ: “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị”, chỉ 9 chữ mà khái quát được cả ba giai đoạn đầy biến động của đất nước. Nhiều câu được cô đúc lại như châm ngôn: “Nước lấy dân làm gốc”, “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”… Chính vì vậy, những tư tưởng lớn của Người trở nên dễ thuộc, dễ nhớ, nhanh chóng đi vào quần chúng, hướng dẫn họ hành động.

Trong buổi nói chuyện cho lớp cán bộ lãnh đạo cấp huyện ngày18-1-1967, Hồ Chí Minh kểcâu chuyện: trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trong vùng giải phóng ở Tân Trào có làm một nhà văn hoá. Một hôm, có 1 cán bộ nam, 1 cán bộ nữ đến diễn thuyết, họ nói rất say sưa. Lúc đó, Bác ghé sang một người bên cạnh hỏi: ông có hiểu gì không? Ông ta lắc đầu nói: không hiểu gì cả! Bác liền nói: cái đó cũng dễ hiểu thôi vì mấy đồng chí kia nói nhiều quá, lại dùng những chữ cao xa, nào là “chủ quan”, “khách quan”, tiêu cực, tích cực... Trình độ hiểu biết của đồng bào ta còn hạn chế nên họ không hiểu.Cho nên, khi nói chuyện với cán bộ tuyên giáo miền núi về tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, Người luôn căn dặn: nói thiết thực, nói đúng lúc, đúng chỗ, mới là hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin. Nếu nói không đúng chỗ không phải là chủ nghĩa Mác - Lênin.

- Sinh động, gần gũi với cách nghĩ của quần chúng, gắn với những hình ảnh ví von, so sánhcụ thể

Hồ Chí Minh là người rất trân trọng truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Người sử dụng rất thuần thục vốn dân ca, tục ngữ, yêu các làn điệu dân ca, hò vè, ví dặm của quê hương. Khi nói và viết, Hồ Chí Minh thường kết hợp với kể chuyện, đan xen những câu thơ, câu ca dao có vần điệu, làm cho bài nói, bài viết trở nên sinh động, gần gũi với lối cảm, lối nghĩ của quần chúng. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng viết: “Suốt đời, Hồ Chí Minh là người cầm bút, chiến đấu trên mặt trận văn hóa, báo chí, với một văn phong đa dạng nhiều sắc thái mà điểm nổi bật là tính quần chúng, cách suy nghĩ và diễn đạt dân gian, dễ hiểu, đi sâu vang vọng trong lòng người, gợi mở những tư tưởng lớn lao, thúc đẩy những việc làm tốt đẹp, bằng những lời lẽ bình dị giàu hình tượng, nói được điều lớn bằng chữ nhỏ”(4).

Hồ Chí Minh là người tinh thông, sử dụng nhuần nhuyễn rất nhiều ngoại ngữ và chú trọng chắt lọc tinh hoa văn hóa nhân loại để làm giàu cho văn hóa Việt Nam. Người trân trọng, giữ gìn, đề cao tiếng Việt và khẳng định: “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp. Của mình có mà không dùng, lại đi mượn của nước ngoài, đó chẳng phải là đầu óc quen ỷ lại hay sao?”(5). Vì vậy, phải biết giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt và bảo vệ, phát triển tiếng nói của dân tộc, chống lại thói sính dùng chữ nước ngoài, lại dùng sai theo kiểu dốt hay nói chữ thì cái hại lại càng to.

Người sử dụng hình ảnh sinh động: “con đỉahai vòi” để nói về bản chất của chủ nghĩa đế quốc; hay chân lý là những gì có lợi cho dân, không có lợi cho dân thì không phải là chân lý; chủ nghĩa cá nhân là “miễn là mình béo mặc thiên hạ gầy”, ví “lý luận cũng như cái tên (hoặc viên đạn). Thực hành cũng như cái đích để bắn”(6); “Có kinh nghiệm mà không có lý luận, cũng như một mắt sáng, một mắt mờ”(7); người đọc nhiều lý luận mà không biết đem thực hành, vận dụng chỉ là “cái hòm đựng sách”, cán bộ dân vận thì phải “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”…

Có thể nói, phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh thể hiện rất phong phú, đa dạng, sôi nổi trong tranh luận, thiết tha trong kêu gọi, ân cần trong giảng giải, sáng sủa trong thuyết phục… Đối với quần chúng, Người yêu cầu: “Mỗi tư tưởng, mỗi câu nói, mỗi chữ viết, phải tỏ rõ cái tư tưởng và lòng ước ao của quần chúng”(8). Đối với kẻ thù, văn phong diễn đạt của NGười thể hiện sự đanh thép với những số liệu rõ ràng, thuyết phục khi tố cáo tội ác; thể hiện tư thế tiến công của chính nghĩa chống phi nghĩa.

2. Cán bộ, giảng viên trường Đảng học tậplàm theo phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh

Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng đã chỉ ra biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, trong đó có: “Nói và viết không đúng với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nói không đi đôi với làm; hứa nhiều làm ít; nói một đằng, làm một nẻo; nói trong hội nghị khác, nói ngoài hội nghị khác; nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với lúc về nghỉ hưu”(9). Việc học tập và làm theo phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh là cách làm thiết thực để khắc phục suy thoái của cán bộ, đảng viên trong cách nói và viết, nói đi đôi với làm; ngăn chặn, chống lại biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, chống lại những luận điệu xuyên tạc của kẻ thù khi “Nói, viết, làm trái quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hạ thấp, phủ nhận những thành quả cách mạng; thổi phồng khuyết điểm của Đảng, Nhà nước. Xuyên tạc lịch sử, bịa đặt, vu cáo các lãnh tụ tiền bối và lãnh đạo Đảng, Nhà nước”(10).

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là trung tâm quốc gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trung, cao cấp, công chức hành chính, viên chức quản lý các đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp, cán bộ khoa học chính trị và hành chính của hệ thống chính trị; là trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, các khoa học chính trị và khoa học hành chính. Đối tượng học viên của trường Đảng là các cán bộ lãnh đạo, quản lý nên mỗi cán bộ, giảng viên phải xây dựng phong cách diễn đạt của mình cho phù hợp. Học tập phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh phải trả lời được câu hỏi: nói, viết cái gì? cho ai? để làm gì và như thế nào? Sau khi xác định đúng đối tượng, phải đặt rõ chủ đề để từ đó xác định mục đích và cách thể hiện (phương pháp). Chủ đề, đối tượng, mục đích quyết định cách thể hiện, cách thể hiện làm cho nội dung nói và viết đúng chủ đề, đúng đối tượng và đạt mục đích của việc nói và viết. Nếu không xác định rõ đối tượng, chủ đề, mục đích và tìm được cách thể hiện phù hợp, thì bài giảng, bài viết đều không có tác dụng và trở thành vô nghĩa.

Học tập và làm theo phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh có ý nghĩa rất thiết thực đối với cán bộ, giảng viên của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đặc biệt là với đội ngũ giảng viên. Người giảng viên khi diễn đạt cần chân thực, nói đúng quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; tìm kiếm thông tin chính thống, không tuyên truyền những thông tin trái chiều, thổi phồng sự thật của các thế lực thù địch, không nhìn hiện tượng đánh giá bản chất. Trong quá trình giảng dạy cần sử dụng ngôn ngữ cho phù hợp với đối tượng, không làm trừu tượng hóa, phức tạp hoá vấn đề, nghiên cứu kỹ về đối tượng phục vụ, nắm bắt những đặc điểm cơ bản của các địa phương để có những ví dụ phong phú tạo sự hưng phấn cho người học. Trong diễn đạt cần giản dị, nhưng không dễ dãi, cẩu thả, không nói cụt. Sử dụng ngôn ngữ cơ thể, học cách nói của quần chúng.

Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cán bộ, giảng viên Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cần nâng cao trách nhiệm, nghiêm túc học tập, gắn với làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh nói chung, trong đó có phong cách diễn đạt để góp phần nâng cao năng lực giảng dạy, xây dựng đội ngũ cán bộ “vừa hồng vừa chuyên”.

_________________

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.283.

(2), (5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.13, Sđd, tr.464- 273, 465.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.8, Sđd, tr.206.

(4) Phạm Văn Đồng: Hồ Chí Minh một con người, một dân tộc, một thời đại, một sự nghiệp, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1990, tr.69-70.

(6), (7), (8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Sđd, tập 5, tr.275, 274, 345.

(9), (10) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, 2016, tr.29, 32-33.

                                                      

TS Lê Thị Thu Hồng

Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng

ThS Ứng Thị Bích Liên

                                                     Nhà xuất bản Lý luận chính trị

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền